Xuân Quỳnh (6/10/1942 - 29/8/1988) là nhà thơ nữ hiếm hoi đã để lại nhiều bài thơ tình hay trong suốt đời thơ ngót ba mươi năm của mình. Ở thời kì đầu, qua hai tập Chồi biếc (1963) và Hoa dọc chiến hào (1968), bài thơ Thuyền và biển đã neo lại được trong tâm hồn người đọc nhiều thế hệ. Trong hình tượng thuyền và biển - Chỉ có thuyền mới hiểu/ Biển mênh mông nhường nào/ Chỉ có biển mới biết/ Thuyền đi đâu về đâu, chúng ta thấy được sự biểu đạt, sự tượng trưng cho tình yêu muôn thuở của con người, đến từ hai sinh thể khác giới, cộng hưởng, giao hòa, sinh sôi tạo nên cuộc sống. Bài thơ có tứ hay, lời da diết, nghe trong thơ có sóng gió của cao rộng đất trời và sóng gió trong biển lòng dào dạt của con người. Đó là tiếng nói, là vang vọng của một tình yêu nói chung, đúng cho mọi người, chung cho muôn đời. Thế nhưng, tình yêu còn là riêng, là rất riêng; và cái phần riêng đó thật sự chi phối để làm nên cả hạnh phúc và đau khổ, cả bù đắp và chia sẻ, cả gắn nối và chia phôi, cả niềm vui và xót xa...
Những dòng thơ trên là Xuân Quỳnh của thời con gái trẻ trung, thời chưa đến với Lưu Quang Vũ. Không biết thời của cuộc lập gia đình lần thứ nhất của chị có chút dư âm nào ở đây không? Tôi chưa bao giờ hỏi ai để được biết về Xuân Quỳnh của tuổi hai mươi, với gương mặt vui tươi và bừng sáng, dường như không biết buồn rầu, ủ dột là gì. Xuân Quỳnh - cô văn công xinh đẹp, chỉ vài năm sau, qua Chồi biếc mà trọn vẹn một gương mặt thơ nữ, hẳn chắc từng làm say mê nhiều người, có thể ban phát hạnh phúc cho bao nhiêu chàng trai. Thế nhưng tôi lại chưa đọc được trong thơ chị thời gian này những bài thơ thật say, tuy chị đã có bài hay, như Thuyền và biển...
Chia tay với cuộc tình thứ nhất, Xuân Quỳnh đã sớm đến với Lưu Quang Vũ. Vũ lúc này còn ở tuổi hai mươi lăm, sau khi chia tay với Tố Uyên, rồi lại chia tay tiếp với một cuộc tình thứ hai. Có nghĩa là, một Lưu Quang Vũ sau mất mát trong hai cuộc tình dồn gấp chỉ trong khoảng dăm năm. Không kể Vũ còn phải chịu đựng biết bao là bất hạnh trong mưu sinh và lập nghiệp, sau khi rời quân ngũ; thậm chí đang trong một cơn khủng hoảng tinh thần có chiều tuyệt vọng:
Điều anh tin không có ở trên đời
Điều anh có không giúp gì ai được
(Quán cà phê ngoại ô - Lưu Quang Vũ)
Xuân Quỳnh đã kịp đến và dang tay đón Vũ, đã chở che bao bọc Vũ, đã làm điểm tựa cả vật chất và tinh thần cho đời Vũ. Là người phụ nữ thông minh, giàu tình cảm và nhạy cảm, Quỳnh biết Vũ đang cần những gì. Còn chị, chị đã dành toàn bộ những gì mình có - trong tình yêu thứ hai và cũng là cuối cùng này, cho người yêu; đã bù đắp cho những thiệt thòi, bất hạnh của anh. Hơn thế, chị còn mong không chỉ bù đắp mà còn là hồi phục, là tái sinh và trở lại nguyên vẹn những tiềm năng, tài năng Vũ có, mà có lẽ hơn ai hết, Xuân Quỳnh đã sớm nhận rõ trong những năm 1970 gian khổ của đất nước, và tuổi hai mươi có quá nhiều gian nan của đời Vũ. Xuân Quỳnh đã đến với Vũ đúng vào lúc ấy. Lúc Vũ đã có những bài thơ cho hai cuộc tình gồm cả say đắm và cay đắng. Vũ đã đón nhận tình yêu của Quỳnh, tỉnh táo trong một cảm nhận ân nghĩa, sau hai cơn bão lòng:
Dù sao cuộc đời đã dành em lại
cho anh
Điều mong ước đầu tiên,
điều ở lại sau cùng
Chúng ta đã đi bên nhau trên
mặt đất
Dẫu chỉ riêng điều đó là có thật
Đủ cho anh mãi mãi biết ơn đời.
(Em II - Lưu Quang Vũ)
Nghe mà thương mà tội, bởi hình như cái bàng hoàng của những mất mát vẫn còn lẩn khuất đâu đây!
Trong tình yêu với Quỳnh, với thời gian không dài, Vũ đã lấy lại được sức lực và cả sự bình tĩnh của tâm hồn. Cách nói của anh trở nên điềm đạm hơn, như một trải nghiệm, một tổng kết mà dường như chỉ trong ân tình mới có được:
Biết ơn em, em từ miền gió cát
Về với anh, bông cúc nhỏ
hoa vàng
Anh thành người có ích cũng
nhờ em
Anh biết sống vững vàng không
sợ hãi
Như người làm vườn, như người
dệt vải
Ngày của đời thường - ngày
ở bên em
(Và anh tồn tại - Lưu Quang Vũ)
Hạnh phúc bây giờ không có gì là đột xuất như mối tình đầu, do vậy mà cái đời thường bỗng được đưa lên tầm cao hạnh phúc: cái đời thường - ở bên em. Còn Xuân Quỳnh - chị đã dành trọn vẹn tình yêu cho Vũ. Chị đã được sống hạnh phúc, thật hạnh phúc trong nhận và cho, nhưng trước hết là cho.
Xuân Quỳnh đã cùng chia sẻ những khó khăn của đời Vũ, và cũng như Vũ, chị càng cảm nhận rõ hơn trong đó tất cả hạnh phúc của đời thường. Chị đã có những bài thơ rất hay về con và cho con, qua thế giới tâm hồn đằm thắm của một người mẹ - người mẹ chung, không phân biệt, không thiên vị của cả ba đứa con: con riêng của mình, con riêng của Vũ và con chung của hai người. Chị viết về mẹ của Vũ - bà Lưu Quang Thuận - như chính mẹ của mình:
Phải đâu mẹ của riêng anh
Mẹ là mẹ của chúng mình
đấy thôi
Mẹ tuy không đẻ không nuôi
Mà em ơn mẹ suốt đời chưa xong
...
Chắt chiu từ những ngày xưa
Mẹ sinh anh để bây giờ cho em
(Mẹ của anh - Xuân Quỳnh)
Chị viết về những lo lắng chăm nom rất nhỏ mà chỉ tình yêu và tình thương mới có:
Sao không cài khuy áo lại anh
Trời lạnh đấy, hôm nay trời trở rét
(Trời trở rét - Xuân Quỳnh)
Ai ở Hà Nội, ở đồng bằng miền Trung và Bắc Bộ mà quên được cái “gió đầu mùa” đã một lần xuất hiện trong văn Thạch Lam, và bây giờ sống một lần nữa trong thơ Xuân Quỳnh gắn với một tình yêu với biết bao là thủ thỉ. Quỳnh yêu cả những phố huyện nhỏ, nơi Vũ từng sống và từng qua:
Đến phố huyện lại nhớ về
phố huyện
Phố huyện nào anh ở ngày xưa?
Phố huyện nào anh ở những
chiều mưa?
Tiếng vó ngựa về đâu rồi
phố huyện?
Có thể nói Quỳnh đã yêu Vũ trong suốt khắp không gian và thời gian. Trước đây, trong bài Sóng, Xuân Quỳnh viết:
Lòng em nhớ đến anh
Cả trong mơ còn thức
Còn bây giờ thì chị thức để “hát ru chồng những đêm khó ngủ”. Đó là tình yêu tuyệt vời của người vợ.
Kể từ Thuyền và biển, hay và hấp dẫn trong thế bao quát, đúng cho mọi thời, mọi người, bây giờ Xuân Quỳnh đã đến với chính tình yêu của riêng mình, một tình yêu là sự hòa hợp của hai trái tim; nhưng trong sự nhận - cho của cả hai bên, dường như Xuân Quỳnh là người đã chọn hạnh phúc nghiêng về phía cho, một cách vô tư và tin cậy. Chị đã rất yên tâm trong tình yêu đó, trước hết giữa hai người, nhưng không chỉ có hai người. Đó còn là mẹ, là con - những ba con, là gia đình, là những lo toan cho một cuộc sống đầy vất vả nhưng không hiếm niềm vui trong chia sẻ. Gian phòng của hai người mà tôi đã có nhiều dịp đến chơi ở 96 Phố Huế quả khó có nơi nào có thể chật hơn, chỉ một bàn con, một tủ nhỏ, một giá sách nhỏ đã đủ chật. Chật nhưng cũng đủ để chứa cả khổ và vui!
Quỳnh đã rất yên tâm trong chật chội của những khổ và vui - chứ không phải buồn - vui. Và quan trọng hơn là yên tâm trước một sự nghiệp thơ và về sau là kịch mà cả hai người cùng theo đuổi; một sự nghiệp mà Quỳnh rất tin là Vũ sẽ vươn tới những đích xa của nó. Chính lòng tin đó khiến Quỳnh càng yêu Vũ hơn. Yêu Vũ và yêu sự nghiệp của Vũ, ngay cả khi tài năng của Vũ mới đang là tiềm năng, mới chỉ vừa hé lộ. Điều đó giải thích sự bền vững, sự thủy chung trong tình yêu Quỳnh dành cho Vũ. Ta hiểu vì sao Xuân Quỳnh - người của tài năng và nhan sắc như ai cũng thấy, cũng là người rất tự tin về mình, lại có thể viết những câu như sau cho Vũ:
Anh thân yêu, người vĩ đại của em
Anh là mặt trời, em chỉ là
hạt muối
Một chút mặn giữa đại dương
vời vợi...
(Thơ vui về phái yếu - Xuân Quỳnh)
Thế nhưng cuộc sống bao giờ cũng gồm hai phía, và hành trình con người có ai mà không đi giữa hai bờ vui - buồn, được - mất, hạnh phúc và đau khổ. Đúng như Xuân Quỳnh đã từng tiên cảm, ở tuổi ba mươi khi chị có bài Thơ viết cho mình và những người con gái khác:
Như các cô, tôi có một tình yêu
rất sâu
Rất dữ dội, nhưng không bao giờ
yêu được hết
...
Tôi yêu tất cả mọi người mà
chẳng yêu được riêng ai
Không sĩ diện đâu nếu tôi yêu
được một người
Tôi sẽ yêu anh ta hơn anh ta
yêu tôi nhiều lắm
Tôi yêu anh dẫu nghìn lần
cay đắng...
Những năm 1980, nếu thơ tình Vũ viết cho Quỳnh có ít đi hoặc vắng hẳn, do con số trên 50 vở kịch đã hút hết tâm sức của anh, thì Quỳnh vẫn viết đều. Bởi chị là nhà thơ. Cả hai đều đã chín muồi hơn trong các trải nghiệm về cuộc sống, kể cả trải nghiệm trong tình yêu của họ. Một âm điệu có gì khang khác bỗng đã len vào thơ Xuân Quỳnh. Vẫn một Xuân Quỳnh đằm thắm, nhưng đã lại thấy vương vấn nhiều khắc khoải xót xa:
Dòng sông này bãi cát cánh
buồm quen
Hoa lau trắng suốt một thời
quá khứ
Tôi đã đi đến tận cùng xứ sở
Đến tận cùng đau đớn, đến
tình yêu
(Thơ tình cho bạn trẻ - Xuân Quỳnh)
Sao vậy nhỉ, nếu như “quá khứ” đã thoáng len vào đây với “hoa lau trắng”? Tận cùng hạnh phúc là tình yêu. Và, tận cùng đau đớn cũng là tình yêu. Có lẽ đến lúc này Xuân Quỳnh mới có dịp trải nghiệm đến tận cùng nghịch lí đó để cho ra mắt bạn đọc bài thơ Tự hát rồi sẽ trở thành bài thơ tình theo tôi là hay nhất của Xuân Quỳnh, cũng là một trong số ít bài thơ tình hay nhất của thơ Việt Nam hiện đại. “Tự hát” - hát một mình. Phải chăng tình yêu khi hạnh phúc là song ca, là đồng ca - hạnh phúc cần được nói lên, được nhân lên; còn khi đau khổ là hát một mình, là đơn ca hoặc độc ca - dẫu vẫn rất mong được chia sẻ. Sau định nghĩa tình yêu không phải là Vàng, là Mặt trời, mà là Trái tim, Xuân Quỳnh bỗng nói đến sự hoang vắng, sự cô đơn và một nỗi lo âu đang xâm chiếm lòng mình:
Mùa thu nay sao bão mưa nhiều
Những cửa sổ con tàu
chẳng đóng
Dải đồng hoang và đại ngàn
tối sẫm
Em lạc loài giữa sâu thẳm
rừng anh
(Tự hát)
Sớm tắt rồi sao cái hạnh phúc giản dị, dễ hiểu, đơn sơ mà thấm thía của đời thường? Để thay vào đấy là bão và mưa, là cuộc hành trình đi vào chỗ những mênh mông thẳm sâu của đồng hoang và đại ngàn, của những miền tối tăm không thể biết:
Em lo âu trước xa tắp đường mình
Trái tim đập những điều không
thể nói
Trái tim đập cồn cào cơn đói
Ngọn lửa nào le lói giữa cô đơn?
(Tự hát)
Đường xa tắp và nỗi lo âu. Những điều không thể nói. Những cồn cào cơn đói... Có chuyện gì đây trong trái tim hẳn lúc này đã chớm đau của Xuân Quỳnh - nó là hiện thân của tình yêu theo cách giải thích của chị? Dẫu về phía Xuân Quỳnh, trái tim đó - biểu tượng của tình yêu:
Cũng ngừng đập lúc cuộc đời
không còn nữa
Nhưng biết yêu anh cả khi chết
đi rồi
(Tự hát)
Những cô đơn và hoang vắng không chỉ xuất hiện trong Tự hát. Nó còn trở lại hơn một lần:
Mắt anh nâu một vùng đất phù sa
Vùng đất của nơi nào trong trí nhớ
Em chiếm đoạt rồi em hoảng sợ
Giữa vô cùng hoang vắng, giữa
cô đơn
(Không đề II)
Những năm 1980, Vũ đạt rất nhiều vinh quang trong kịch trường. Vũ liên tục giành các đỉnh cao, có lúc đến chóng mặt. Có thể nói ngọn đuốc Lưu Quang Vũ trở nên rực sáng trong bầu trời sân khấu. Lại là những năm Quỳnh mang bệnh tim. Ba tháng trước khi đi tới cái tin khủng khiếp bất ngờ và gần như có chút tiên liệu vào chiều 29/8/1988, Vũ đã làm bài thơ Thư viết cho Quỳnh trên máy bay, trong đó, sau những câu hỏi là câu trả lời của Vũ:
Có phải vì mười lăm năm yêu anh
Trái tim em đã mệt?
...
Thương trái tim nhiều vất vả
lo buồn
Trái tim lỡ yêu người trai
phiêu bạt
Luôn mắc nợ những chuyến đi,
những giấc mơ điên rồ
những ngọn lửa không có thật
...
Trái tim hãy vì anh mà khỏe mạnh
Trái tim của mùa hè, tổ ấm chở
che anh
Vậy là, vẫn lời Vũ “ngày của đời thường, ngày ở bên em” đã chuyển sang “ngày yên tĩnh như anh luôn ở cạnh”. Để sau đó đến với chúng ta, bản thảo bài thơ cuối cùng của Quỳnh làm trong bệnh viện - Thời gian trắng, như một trao gửi, một đối thoại lần cuối đời. Bài thơ như cả một niềm tiên cảm lớn: tất cả, tất cả trên đời này, kể cả những người thân yêu nhất của Quỳnh đều đã trở thành quá khứ - cái quá khứ đã một lần xuất hiện trước đây với màu trắng hoa lau. Tất cả đều đã thành một màu vô tận trắng: Phía trước, phía sau, dưới đất, trên đầu / Đều trong suốt một màu vô tận trắng. Trong hoang vu và rợn ngợp của màu trắng, của quá khứ bất tận, càng hiện rõ lên nỗi nhớ của hiện tại, nỗi nhớ làm nên hiện tại khiến Xuân Quỳnh bỗng thảng thốt kêu lên:
Còn hiện tại của em là nỗi nhớ
Thời gian ơi sao không đổi
sắc màu?
(Thời gian trắng - Xuân Quỳnh)
Có thể đó là mong ước, là khao khát cuối cùng của Quỳnh cho nỗi nhớ trở về với hiện tại; nhưng lại là điều bỗng trở nên rất mong manh, bởi thời gian rất vô tình. Thời gian là sự vĩnh viễn của màu trắng quá khứ; thời gian sao mà đổi được sắc màu, trong những ngày Quỳnh mang một trái tim đau!
P.L
Nguồn: Tạp chí Văn nghệ quân đội, ngày 30.7.2018.
- Phong Lê
- Văn học Việt Nam
- Lượt xem: 3863