Kỷ niệm 95 năm ngày sinh nhà văn Nam Cao (29.10.2017 - 29.10.2012)
Nếu nhìn ở góc độ con người là sản phẩm xã hội thì Chí Phèo, Bá Kiến, Thị Nở và đám đông “đùn ra” khi Chí Phèo rạch mặt ăn vạ - là sản phẩm của làng thôn Việt Nam - cụ thể là làng Vũ Đại. Từ con người, tính cách, địa vị xã hội, đời sống vật chất và tinh thần cùng các mối quan hệ giữa những con người ấy là sản phẩm của cái làng đóng kín vùng đồng bằng Bắc Bộ. Sự đóng kín biểu hiện ở chỗ lý trưởng có thể giấu một tên tội phạm mà quan trên không hề hay biết, còn những người hiền lành đi ra khỏi làng, đi đến một môi trường sống khác, trở về thì thành một con người khác, họ bị tha hóa và thành nỗi đe dọa đối với tất cả. Và mặc dù có các sự kiện của nó như một hằng số (Chí Phèo rạch mặt ăn vạ; chết chóc; sự thay bậc đổi ngôi...) thì làng Vũ Đại vẫn yên ả trong cái thế gầm ghè của các phe cánh đối lập - nó không có sự xáo trộn, sự vận động.
Trong cái làng ấy có thể tạm chia thành các nhóm loại: loại vai vế bề trên gồm Bá Kiến, Đội Tảo... loại cùng đinh tha hóa gồm Chí Phèo, Binh Chức, Năm Thọ,... loại đám đông vô danh tập trung trước nhà Bá Kiến khi có sự cố. Loại Bá Kiến xuất hiện khi tham gia vào tầng lớp trên, loại "Chí Phèo" hoặc từ đám đông mà ra (Chí Phèo) hoặc từ tầng lớp vai vế bị sa thải sau sự kình địch (Năm Thọ) - hai loại này nổi bật hẳn trong cộng đồng làng xã - còn đám đông vô danh là một con số mờ nhạt, nó sợ sệt tất cả.
Xã hội đức trị và trọng danh không hiện hữu ở làng Vũ Đại. Ở đây không có nhà nho - tầng lớp thân sĩ, xuất hiện và tồn tại với vai trò của nó trong đời sống tinh thần làng xã. Hai tầng lớp thân và hào thường thấy thì ở đây chỉ có hào một phần, vì vậy trong quan hệ xã hội không có sự tôn ty, thứ bậc mà chỉ có quan hệ giữa các thế lực, giữa kẻ thống trị và người bị trị, và do đó quyền lực chi phối các quan hệ xã hội ở làng Vũ Đại, và ngược lại, tầng lớp dưới đáy bị tha hóa (kiểu Chí Phèo) cũng gây sự bất ổn cho cá nhân kẻ cầm quyền.
Quan hệ làng - họ ở làng Vũ Đại dường như yếu ớt, chỉ thấp thoáng một chút khi Bá Kiến đánh lừa Chí Phèo, rằng Lý Cường và Chí Phèo còn có họ, để trấn an tinh thần của Chí - sự đánh lừa này cũng thu được chút ít kết quả. Song đó cũng là một lần một đi không trở lại trong mối quan hệ này và cũng chỉ xuất hiện một lần với ý nghĩa dùng nó (quan hệ họ hàng) làm phương tiện.
Xã hội làng Vũ Đại là một xã hội bị tha hóa toàn thể (tha hóa vì quyền lực, tha hóa vì cùng cực, cùng đường, tha hóa vì bản thân). Quan hệ xã hội ở đây là quan hệ giữa các đơn vị đã bị tha hóa (cá nhân với cá nhân, nhóm loại với nhóm loại). Làng Vũ Đại không nhiều các kiểu loại người, các thành phần và sự tiếp xúc, quan hệ giữa chúng không phong phú, vì vậy đời sống tinh thần, đời sồng tâm hồn của các cá nhân ở đây cũng đơn giản, nghèo nàn.
Trong quan hệ cùng loại như Bá Kiến và Đội Tảo thì luôn luôn thường trực ý thức tranh chấp, hạ bệ nhau để giành vị thế trong làng, vì vậy, quan hệ giữa họ với hai loại người kia là nhằm giữ thế, giữ miếng giữa các thế lực. Trong ý thức đám đông, Bá Kiến có ''mất mặt'' thì chỉ ''mất mặt'' với bọn kỳ hào, với cánh Đội Tảo- còn cái ý thức của đám đông không bao giờ được tính đến - họ là con số không trong ý thức của tầng lớp trên này và cả trong chính họ nữa. Bá Kiến có xử nhũn với Chí Phèo khi hắn nằm vạ là nhằm mục đích không tạo cái cớ cho phe cánh đối lập lên tiếng. Chí Phèo nằm vạ nhà Bá Kiến thì trong xa xôi của ý thức biết Bá Kiến sợ ảnh hưởng thanh danh - cái bấu víu của Chí là ở đấy, còn đám đông "biết bao nhiêu là người" kia hoàn toàn không phải là chỗ dựa của Chí.
Chí Phèo hy vọng ở đám đông chứng kiến cho mình nhưng hắn biết đám đông tất thả đều sợ cụ Bá. Một tiếng cười của cụ thì đám đông đã giải tán, khi Chí Phèo chưa gây hại cho ai, mặc dầu vậy, Chí lâm nạn, nằm vạ thì đám đông cũng "lảng dần đi" vì: "nghĩ đến sự yên ổn". Nhưng cả đến lời cảm thán cho một thân phận, một con người cũng không có ở họ - họ không phải là một thế lực, và đồng thời cũng mất đi một tình cảm đồng loại, điều này do sự sợ hãi, một tâm lý yên phận hay là một sự xử thế khôn ngoan.
Mối quan hệ giữa đám đông với Chí Phèo là quan hệ thờ ơ. Khi Chí đã gây bao tai vạ cho dân làng và cho Bá Kiến thì đám đông chỉ tò mò quan tâm đến Bá Kiến và sự xô xát sắp tới của tầng lớp trên. Chí không được ai chú ý, chỉ cô cháu nhà Thị Nở quan tâm, và Thị Nở, người yêu duy nhất của đời Chí, cũng chỉ cười nói lảng, rồi lo nghĩ đến cái bụng của mình. Đám đông không thể biết Chí Phèo giết Bá Kiến từ ý thức "làm người lương thiện" ý thức này chỉ bộc lộ với cụ Bá và đám đông cũng chẳng có một sự liên hệ gì với nó.
Những người có những hành vi đồng dạng với Chí Phèo như Năm Thọ, Bình Chức thì không cùng thời phát lộ tính cách và cả ba đều chỉ có quan hệ dọc - quan hệ với Bá Kiến. Họ không có quan hệ với nhau - quan hệ ngang - và trong ý thức của họ cũng không có cả sự liên hệ về cái hành vi đồng dạng, còn trong tiếng xì xồ (dư luận) của đám đông thì kiểu xâu chuỗi, kiểu liên hệ này cũng không có. Chỉ Bá Kiến mới biết tổng kết, phân tích, vì tất cả từ bàn tay này ra và đết lượt nó chịu trả giá. Bá Kiến, người nghĩ ra các mánh khóe, tạo ra các công cụ từ sự bất lợi, xoay chuyển tình thế, dùng tiểu xảo làm cho người bị lợi dụng, bị sai khiến phải hàm ơn mình - là một con người tiểu kỹ - sản phẩm của cái làng Việt. Có một nhà dân tộc học, khi so sánh Chí Phèo và AQ, có nói rất đúng rằng cái anh Chí Phèo có thể gọi tên tục Bá Kiến ra mà chửi và nằm vạ tại nhà Bá Kiến là vì nhà Bá Kiến và Bá Kiến thiếu cái uy thế, cái uy nghi thâm nghiêm như cụ Cố Triệu - sản phẩm của làng Trung Quốc. Cái anh AQ không thể làm thế được.
Vì là một gia thế nhỏ nên ở Bá Kiến vẫn tồn tại chút quan hệ suồng sã bất đắc dĩ với đám cùng đinh và ngược lại.
Thái độ, quan hệ qua lại giữa các thành viên trong cộng đồng là sản phẩm của cộng đồng ấy, mặt khác, cái cộng đồng này cũng phản ánh nó qua quan hệ giữa các thành viên. Làng Vũ Đại phản ánh làng thôn Việt Nam ở một quá khứ chưa xa.
Thái Nguyên, năm 1991.
Nguồn: http://vanhoanghean.vn/nhung-goc-nhin-van-hoa/goc-nhin-van-hoa/5240-cac-moi-quan-he-trong-lang-vu-dai.html