Hướng tới một thị trường xuất bản lành mạnh

Nói về những quyển sách và nghề làm sách, mới đây, hai nhà văn Jean-Claude Carrière và Umberto Eco có nhắc mọi người rằng “đừng mơ từ bỏ sách giấy”. Sách in đang bị thu hẹp thị phần, bị Internet và các phương tiện truyền thông đại chúng cạnh tranh khốc liệt, nhưng nó sẽ không chết và không đánh mất ưu thế của mình. Nếu chúng ta chứng kiến sách in đang tìm cách chuyển hóa thành sách điện tử và phát hành trên mạng để tiếp cận được đông đảo độc giả, thì đồng thời cũng diễn ra một quá trình ngược lại: nhiều tác phẩm đã công bố trên mạng, nay được tập hợp, chọn lọc, biên tập để “tái xuất giang hồ” trong hình thức của sách in, dưới một khuôn mặt mới và mang một giá trị mới. Trong dáng vẻ cố định của nội dung và hình thức, sách in đòi hỏi người làm sách phải xác tín về những gì hiện ra trên dòng chữ, trang giấy, hình vẽ sẽ được lưu truyền qua nhiều thế hệ, điều mà các văn bản điện tử có thể điều chỉnh, sửa chữa, bổ sung phần nào dễ dàng hơn.

          Chính vì vậy, những người làm xuất bản đã chọn một nghề nghiệp có tính đòi hỏi cao. Sách, dù là sáng tác, khảo cứu, dịch thuật hay sách công cụ, sách giáo khoa, sách hướng dẫn nấu ăn… đều cần phải được tiêu thụ và sống đời sống của nó trong thị trường. Nhưng sách bước ra thị trường không giống như những sản phẩm hàng hóa khác: một mặt hàng công nghệ thứ phẩm, một mặt hàng quần áo kém chất lượng… khi bị công chúng chê bai, chối bỏ, thậm chí tẩy chay, có thể điểu chỉnh ngay về công thức sản xuất, chế tạo và thời gian sẽ dần dần xóa dấu của nó trong đời sống. Trong khi đó, một đầu sách đã ấn hành, dù chỉ năm trăm hay một ngàn bản, thì cái vết tích của nó để lại trên đời này sẽ rất lâu dài, thậm chí là vĩnh viễn. Thời buổi này chúng ta đâu có thể tiêu hủy sách như tiêu hủy thuốc phiện hay thuốc lá nhập lậu. Và những người làm sách, không chỉ tác giả, dịch giả mà cả giám đốc, tổng biên tập, người liên kết xuất bản, người biên tập, họa sĩ, người sửa bản in… còn để lại tên mình trên sách, cùng cộng đồng trách nhiệm về sự ra đời của cuốn sách. Ở miền Nam trước năm 1975, trong điều kiện xuất bản tư nhân được thừa nhận, có những người dám lấy tên mình làm tên nhà xuất bản (NXB), nghĩa là dám nhận trách nhiệm về mình và sẵn sàng chịu sự phán xét của công chúng cũng như sự chế tài của pháp luật về sản phẩm văn hóa của mình.

          Lúc sinh thời, trong một bài báo, nhà văn Sơn Nam có sáng chế ra hai chữ “sách nhũn”. Ông dùng hai chữ này để chỉ hiện tượng những cuốn tiểu thuyết diễm tình lâm li bi đát, được sáng tác vội vàng đã một thời chiếm lĩnh thị trường nhằm phục vụ cho một công chúng tiêu thụ văn chương như dùng thức ăn nhanh. Nhưng rồi sau một thời gian ngắn làm mưa làm gió, cuối cùng thì nó “nhũn”, giống như bong bóng xì hơn, nghĩa là không còn sức lôi cuốn nữa.

         Các nhà doanh nghiệp trên lĩnh vực xuất bản dần dần nhận ra rằng loại tiểu thuyết “mì ăn liền” đó một khi đã được cung cấp đầy đủ cho các hiệu cho thuê sách thì hầu như không còn cơ hội được tái bản, thậm chí phải xuống đường nằm trên các chiếu sách đại hạ giá. Trong khi đó, những cuốn sách chất lượng cao, tuy số lượng in lần đầu không nhiều, nhưng sức lan tỏa ngày càng lớn, vì giá trị đích thực của nó sẽ bảo chứng cho những lần tái bản sau. Như vậy là thị trường cũng có cơ chế tự điều chỉnh và cách sàng lọc của nó đối với những sản phẩm tinh thần.

         Trong thị trường sách lâu lâu vẫn rộ lên những đợt “thu hoạch” ngắn ngày, với đề tài này, với thể loại kia. Ở miền Nam trước 1975 có một dạo người ta đua nhau dịch tiểu thuyết kiếm hiệp, dịch sách bàn về tính dục. Sau chiến tranh cũng có những lúc tác giả này lên ngôi, đề tài kia trở thành thời thượng. Vấn đề không phải là kỳ thị một loại sách nào mà là tâm lý đổ xô nhau đề cao những cuốn sách chưa được thử thách. Đó là chưa kể lòng tham tiền khiến người ta viết và dịch những cuốn sách mà họ thừa biết là có ảnh hưởng tiêu cực đến phong hóa và thị hiếu của bạn đọc.

          Gần đây dư luận bàn nhiều về những dịch phẩm kém chất lượng gây phiền hà không ít cho những bạn đọc yêu sách. Khó có thể nêu lý do về thời gian cấp bách hay mức nhuận bút thấp để biện minh cho sự tắc trách của người làm sách. Một cuốn sách bị chê là sản phẩm thứ cấp có thể kéo theo sự ngán ngại của bạn đọc đối với những cuốn sách khác cùng xuất ra từ một xưởng, vốn là thương hiệu nổi tiếng từng có mức tín nhiệm cao.

          Hiện tượng “sách nhũn” không chỉ diễn ra trên lĩnh vực sáng tác hay dịch thuật mà đang lấn sang cả mảng sách biên khảo. Báo chí nói đến sách tham khảo dùng trong nhà trường như những sản phẩm được tái chế nhiều lần. Điều đáng buồn là do nhu cầu ôn thi của người học, loại sách đó đến nay vẫn chưa chịu “nhũn”, thậm chí còn được ấn hành tràn lan và tiếp tục hút khách.

         Về lâu dài, trong tình hình kinh tế có dấu hiệu chững lại như hiện nay, thị trường sẽ khó có cửa cho những doanh nghiệp làm ăn cẩu thả, tắc trách. Chỉ có sự cạnh tranh lành mạnh bằng việc cho ra đời những sản phẩm chính cấp mới bảo đảm con đường dài cho nhà doanh nghiệp. Những người làm sách chân chính không thể nào trước bạ thương hiệu của mình bằng cách dồn tâm sức cho những hiện tượng nhất thời.

         Tất nhiên, số phận của “sách nhũn” không dễ gì bị định đoạt một sớm một chiều. Trách nhiệm về mặt này chia đều cho cả tác giả, nhà làm sách và bạn đọc. Thời buổi thắt lưng buộc bụng, mỗi khi móc ví trả tiền cho một cuốn sách, có lẽ bạn đọc cũng nên cân nhắc xem giá trị của nó có xứng đáng đồng tiền bát gạo hay không. Đó cũng là cách vừa “bỏ phiếu” cho văn hóa đọc, vừa nhắc nhở người làm sách đừng phung phí giấy và mực in cho những tác phẩm sinh non, thiếu tháng.

           Thời trước cũng như thời nay, ở xứ ta cũng như ở xứ người, sách hay, sách tốt lẫn lộn và cạnh tranh với sách dở, sách xấu là một thực trạng không dễ khắc phục. Nhưng điều đáng lo chính là sự phân định ranh giới giữa hay và dở, tốt và xấu không thật rõ ràng như hiện nay. Một số hiệu sách ở nước ngoài có quy định là những cuốn sách có nguy cơ gây hại cho tuổi thiếu niên thì phải trưng bày trên kệ cao nhất để độc giả nhỏ tuổi không với tới được. Ở nước ta, những cuốn sách như vậy được kiểm soát và ngăn chặn ngay từ khâu cấp giấy phép, vậy mà vẫn có những ấn phẩm lọt lưới và xuất bản, thậm chí tái bản nhiều lần. Tình hình này diễn ra ở nhiều thể loại: sáng tác, dịch thuật, truyện tranh, sách khảo cứu, từ điển, sách tham khảo trong nhà trường. Những cuốn sách âm thầm nằm đó trong cửa hiệu, thư viện, tủ sách gia đình, ngấm ngầm “điều chỉnh” nhận thức, tình cảm và hành vi của độc giả trẻ theo hướng tiêu cực, và đến khi dư luận phát hiện thì đã muộn. Trong số đông bạn đọc tiếp nhận những sách đó, chắc chắn có con em của chính những người đã góp phần tạo ra sách. Gần đây, một nhà nghiên cứu có nói với chúng tôi rằng ông rất lo âu khi đọc một số tiểu thuyết ngôn tình của Trung Quốc được dịch, in đẹp và thu hút lượng người đọc khá lớn hiện nay: trong đó các tác giả không chỉ miêu tả những chuyện tình éo le, gay cấn có phần giả tạo mà còn lồng vào đó những yếu tố tính dục thô thiển và tư tưởng của chủ nghĩa Đại Hán một cách tinh vi.

       Để lý giải những nguyên nhân của tình hình xuất bản đáng lo ngại hiện nay, thiết nghĩ cần đặt nó trong một bối cảnh rộng hơn là đời sống xã hội và văn hóa của nước ta từ khi Đổi mới đến nay. Đã qua cái thời sách xuất bản in theo kế hoạch mà không cần tính đến nhu cầu và sức mua của độc giả, có thể in ra hàng vạn cuốn phân phối về các thư viện để rồi nằm im trên các giá sách. Từ chế độ bao cấp về xuất bản chuyển sang hạch toán về tài chính, các nhà xuất bản với cách làm ăn cũ rõ ràng là lúng túng trong việc ứng xử với những quy định mới về xuất bản, trước những nhu cầu to lớn và đa dạng của độc giả. Chúng tôi chia sẻ ý kiến cho rằng không nên quy lỗi tình trạng này cho sự liên kết và tham gia của tư nhân vào ngành xuất bản, cũng như không nên đổ trách nhiệm cho kinh tế thị trường. Một cách công bằng, phải khẳng định, nếu không có chủ trương liên kết xuất bản để phát huy tiềm lực của xã hội, thì không dễ có được thị trường sách năng động gần 20 năm qua. Thị trường ấy đã thỏa mãn nhiều loại công chúng khác nhau với những sản phẩm đa dạng: từ văn học đại chúng, tiêu khiển đến văn học tinh hoa, cách tân.

          Thời gian qua, sự nhạy bén của những doanh nhân văn hóa đã làm cho các cơ sở xuất bản và nhà sách ở Thành phố Hồ Chí Minh nhộn nhịp hơn và số lượng doanh thu của các đơn vị phát hành cũng tăng nhanh. Một đóng góp cần ghi nhận là hiện nay một số nhà làm sách uy tín bỏ vốn đầu tư vào loại sách công cụ, sách tra cứu, những bộ tuyển tập hay kiệt tác của những tác gia trong nước và thế giới. Điều đó không chỉ cần vốn lớn mà cần cả tầm nhìn xa về mặt văn hóa.

         Nhân đây, xin nêu lên một so sánh: theo ghi nhận trên báo chí năm 1974, ở miền Nam trong một năm, cứ 3 người đọc chung 1 bản sách, không kể sách giáo khoa. 40 năm sau, trong năm 2014, trên cả nước cứ 1 người đọc được 3,4 bản sách nhưng bao gồm cả sách giáo khoa, giáo trình. Dù sao cũng có thể khẳng định một bước tiến của ngành xuất bản trong nỗ lực phục vụ nhu cầu tinh thần của công chúng. Nhưng những mâu thuẫn cũng nảy sinh từ đây. Đó là mâu thuẫn giữa số lượng NXB tăng theo cấp số cộng với số lượng tư nhân tham gia làm sách tăng theo cấp số nhân. Đó là mâu thuẫn giữa năng lực chuyên môn nhất định của từng NXB với việc biên tập và quản lý danh mục sách liên kết ngày càng nhiều. Đó còn là mâu thuẫn giữa khả năng tài chính có hạn của từng NXB với nhiệm vụ đào tạo và tái đào tạo đội ngũ làm xuất bản chuyên nghiệp và việc trả lương cho đội ngũ đó. Một thông tin mới đây cho biết trong tổng số 63 NXB hiện nay, gần 2/3 đứng trước nguy cơ ngừng hoạt động vì không đủ vốn cơ hữu và không đạt chỉ tiêu xuất bản 30 đầu sách trong một năm với số ấn bản 1.000 cuốn/ 1 đầu sách.

              Về mặt chủ quan, tuy chức năng, nhiệm vụ của các NXB đã được xác định rõ ràng, nhưng trong thực tế, quan niệm về nghề làm sách đã thay đổi rất nhiều. Đối với một số ít người, làm sách là cách kiếm tiến, làm giàu được càng tốt, trước khi nói đến chuyện xa vời là sứ mạng văn hóa. Vả chăng sự suy thoái trong đạo đức xuất bản đâu thể tách rời với tình trạng đạo đức xã hội và đạo đức kinh doanh. Hiện tượng chụp giật trong lĩnh vực xuất bản hiện nay nói lên điều gì nếu không phải là phản ánh tình trạng “ăn xổi ở thì”, hám danh hám lợi của một lối sống. Sự thiên lệch và phiến diện trong văn hóa đọc hiện nay nói lên điều gì nếu không phải là phản ánh phương diện thiếu lành mạnh trong bầu khí văn hóa – xã hội nói chung. Và cũng như trong những lĩnh vực hoạt động văn hóa khác, lỗi trong xuất bản vừa gây ra những hệ lụy trước mắt, vừa để lại những ảnh hưởng lâu dài, làm tổn thương cho văn hóa dân tộc, để lại tiếng xấu cho chính những người làm sách. Tất nhiên, cũng cần phải nói ngược lại: chính vì tình hình đó mà xã hội lại càng mong mỏi những nhà làm sách tác động tích cực vào việc thay đổi môi trường văn hóa. Bây giờ hơn bao giờ hết, chúng ta cần có những doanh nhân văn hóa sống chết với nghề, đem tài năng và tâm huyết để cung cấp cho người đọc những cuốn sách có giá trị, xứng đáng là sản phẩm tinh thần được mong đợi.       

       Đi tìm nguyên nhân của những hiện tượng tiêu cực trong xuất bản cũng là gián tiếp đề cập đến những giải pháp. Không có điều kiện tiếp cận hoạt động xuất bản, phát hành đa dạng để thấu hiểu những khó khăn của người làm sách, với mong mỏi của một nhà giáo, chúng tôi xin mạo muội nêu ra một vài kiến nghị, giới hạn trên địa bàn TP HCM như sau:

       Mối băn khoăn lớn nhất của nhiều người trong chúng ta hiện nay là làm sao để có nhiều sách hay, sách tốt cho thiếu nhi. Những nỗ lực gần đây của NXB Trẻ, chi nhánh NXB Kim Đồng, Công ty Phan Thị… trong việc tổ chức các tủ sách cho thiếu nhi là điều rất đáng hoan nghênh và cần được nhân rộng. Tuy nhiên, ở một thành phố chín triệu dân như TP. HCM mà không có một NXB riêng cho thiếu nhi là một thiệt thòi. Số lượng bản in sách dành cho thiếu nhi ở nước ta có lẽ thuộc loại thấp so với các nước châu Á. Điều đó cũng dễ giải thích, vì với dân số phát triển như hiện nay, số NXB chuyên làm sách cho thiếu nhi quả là quá ít. Thể hiện sự quan tâm đến thiếu niên nhi đồng, xin đề nghị NXB Trẻ tiếp tục chức năng làm sách cho đối tượng thiếu nhi, đồng thời tái lập NXB Măng Non hay thành lập thêm một NXB chuyên phục vụ đối tượng này. Từ lâu chúng tôi đã kiến nghị, tuy hiện nay luật pháp chưa cho phép thành lập NXB tư nhân, nhưng khuyến khích tư nhân đầu tư cho xuất bản sách thiếu nhi là việc nên làm. Thiết nghĩ, chăm lo đến giáo dục thiếu nhi, cần phải tạo điều kiện thuận lợi hơn cho sự hình thành một thị trường sách thiếu nhi đa dạng, lành mạnh và có giá thành hợp lý. Nếu được cho phép, nhiều nhà văn hoá có kinh nghiệm, nhiều doanh nhân có tâm huyết sẵn sàng tham gia vào lĩnh vực này để tiếp sức với những NXB đang có, làm phong phú món ăn tinh thần của độc giả thiếu nhi.

        Sách là hàng hoá thì việc sản xuất và lưu thông phải theo quy luật cung cầu và phải bảo đảm chất lượng. Hàng hoá kém chất lượng, nhưng quảng cáo “nổ” hay tiếp thị khéo léo cũng có thể đánh lừa người tiêu dùng một thời gian nhất định. Một xã hội có tổ chức cần có cơ chế để bảo vệ người tiêu dùng thông qua cơ quan kiểm tra chất lượng sản phẩm, dù đó là thực phẩm, dược phẩm, hàng công nghệ, sản phẩm du lịch hay giải trí. Đối với sách, phê bình là một phương diện của hoạt động kiểm định chất lượng, tuy không dễ dàng như kiểm định những loại hàng hoá khác. Để nâng cao chất lượng xuất bản sách, những tờ báo ở thành phố đều có trang “Văn hoá – nghệ thuật”, “Thế giới sách”, “Văn nghệ cuối tuần”… Đất cho phê bình không quá thiếu; nhưng nếu để ý sẽ thấy các báo, trong từng thời điểm, thường dồn sự quan tâm cho một hiện tượng “ăn khách” nào đó theo kiểu hiệu ứng dây chuyền. Những người làm văn nghệ âm thầm lâu năm, ít có quan hệ rộng rãi, thường nằm ngoài sự chú ý của các báo. Đặc biệt, những người hoạt động văn nghệ trẻ vẫn còn chịu sự lạnh nhạt của các phương tiện truyền thông đại chúng, nhất là khi họ không có những chuyên viên PR đỡ đầu. Có lẽ những người có trách nhiệm với ngành xuất bản hiện nay nên nghĩ đến đề án thành lập một tờ Tin sách ra hàng tháng. Công chúng cần được thông tin kịp thời và chính xác về những sản phẩm văn hoá vừa được phát hành. Chưa nói đến những bình luận, đánh giá sâu sắc, chỉ riêng việc thông tin đầy đủ và khách quan cũng góp phần vào việc định hướng dư luận, giúp cho bạn đọc chọn được những món ăn tinh thần bổ ích. Những tiếng nói trên tờ báo đó sẽ là ý kiến ban đầu bình phẩm về những cuốn sách mới, như nhận xét của người nếm trước các món ăn vừa bày ra trên bữa tiệc. Ngoài ra, tờ Tin sách có thể tăng nguồn thu bằng cách nhận quảng cáo cho các xuất bản phẩm. Trước 1975, ở Sài Gòn dân số không bằng một phần ba bây giờ nhưng đã từng ra đời một tờ Tin sách. Cách đây khoảng 20 năm, một tờ Thế giới sách in đẹp, dày dặn, đã xuất bản nhưng không tồn tại được lâu. Liệu bây giờ Hội Xuất bản hay Tổng công ty Phát hành sách có thể xin phép ra một tờ nguyệt san in giấy thường, giản dị, không cần quá mỹ thuật, nhưng có nhiều thông tin như vậy, hay không?

  Một cách dè dặt, chúng tôi xin nêu cảm nhận là ứng với thị trường sách khá năng động và phức tạp hiện nay, chúng ta lại chưa tìm được một mô hình xuất bản tiên tiến, phù hợp với thời đại công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Những quy định hiện hành về xuất bản hình như là cái áo quá chật so với đòi hỏi của một cơ thể văn hóa đang nẩy nở. Về cung cách tổ chức, sự thiếu minh bạch trong mối liên kết giữa những người làm sách tư nhân và những nhà quản lý xuất bản đang gây ra hệ lụy không đáng có liên quan đến việc quy trách nhiệm trước xã hội. Rồi mối quan hệ giữa xuất bản và phát hành cũng có điều bất hợp lý, gây thiệt thòi cho người sản xuất. Để thu hồi vốn và quay vòng đồng vốn nhanh, một số đơn vị phát hành không muốn đưa sách về các thị xã, thị trấn, nói gì đến việc phục vụ cho bạn đọc ở vùng sâu, vùng xa. Cuộc tranh luận gần đây về việc giảm giá sách mới cho thấy những thủ thuật trong cạnh tranh đã không tính đến sự cân bằng lợi ích của nhà xuất bản, nhà phát hành, nhà văn và bạn đọc, chưa nói đến lợi ích toàn cục của cả nền văn hóa. Thì ra vẫn còn khoảng cách chưa hợp lý giữa giá thành và giá bìa của một cuốn sách mà phần thiệt hại chủ yếu thuộc về tác giả và bạn đọc. Từ đó dẫn tình trạng những cuốn sách kém chất lượng ra đời ngày càng nhiều, nhất là sách dịch. Tệ nạn “luộc sách”, vi phạm tác quyền, nạn in lậu, sao chụp trái phép đã trở thành những căn bệnh khó chữa. Mấy năm trước, một số nhà văn hóa thiện chí có sáng kiến thành lập Hội bảo vệ quyền tác giả, nhưng hình như hoạt động chưa có mấy kết quả cụ thể. Xã hội cần tạo điều kiện thuận lợi cho sự hình thành một chu trình linh hoạt kết nối giữa sản xuất, trao đổi, phân phối, truyền bá và tiêu thụ sách để những khâu đó tác động và kích thích lẫn nhau. Điều đáng nói là chính hệ thống pháp luật về xuất bản hiện có cũng chưa được thực thi và kiểm tra nghiêm túc để ngăn ngừa và hạn chế những vi phạm. Riêng năm 2014 có đến 399 trường hợp vi phạm luật xuất bản. Chúng tôi tán thành đề nghị về việc các cơ quan xuất bản nên soạn thảo quy chế hoạt động và áp dụng chặt chẽ trong việc liên kết với đối tác, biên tập và cấp giấy phép. Tuy nhiên, quy chế của NXB phải phù hợp với pháp luật về xuất bản, chứ không thể mỗi nhà mỗi kiểu. Vậy phải chăng Hội Xuất bản và các cơ quan quản lý cùng góp phần soạn thảo khung quy chế này, cùng với những quy tắc về đạo đức nghề nghiệp trong xuất bản?

   Chúng ta đang nói về thực trạng xuất bản như một nỗi lo về văn hóa. Đất nước ta đang có nhiều mối lo. Nhiều điều chúng ta đã nói từ lâu, đã lường trước, nhưng rồi vẫn phải nói lại và chưa chắc sẽ không còn cần nói nữa. Bởi chẳng lẽ lại im lặng. Chính những người thiện chí trong giới xuất bản không im lặng và thật lòng muốn thay đổi tình trạng đáng lo hiện nay. Một thay đổi tích cực, dù nhỏ, cũng là cần thiết, có thể gây cảm hứng cho những thay đổi tiếp theo tốt đẹp hơn.

 

 

 

 

 

 

 

Bài viết cùng tác giả

Thông tin truy cập

63694558
Hôm nay
Hôm qua
Tổng truy cập
14850
23426
63694558

Thành viên trực tuyến

Đang có 625 khách và không thành viên đang online

Sách bán tại khoa

  • Giá: 98.000đ

    Giá: 98.000đ

  • Giá: 85.000đ

    Giá: 85.000đ

  • Giá: 190.000đ

    Giá: 190.000đ

  • Giá:140.000đ

    Giá:140.000đ

  • 1
  • 2
  • 3
  • 4

Liên hệ mua sách:
Cô Nguyễn Thị Tâm
Điện thoại: 0906805929

Danh mục website