Hải quốc văn kiến lục: khảo sát và trích dịch (2)

II. Tứ hải tổng đồ

Như đã điểm qua ở phần I, mục B, Tứ hải tổng đồ là địa đồ được xếp đầu phần Đồ, gồm 2 trang , (34, 35). Về tên gọi, “Địa đồ tổng quan bốn biển” hàm ý chỉ các nước trên thế giới – trong đó có Đại Thanh quốc – theo nhận thức của người vẽ trong thời điểm ấy. Loại địa đồ thế giới như Tứ hải tổng đồ thể hiện – tức đồng loại khác tên – xuất hiện sớm vào thời Minh. Trong phần phụ lục sách Võ Bị Bí thư của Thi Vĩnh Đồ có bức Hải ngoại quốc đồ, sau Tứ hải tổng đồ thì loại này xuất hiện khá nhiều như Hoàn hải tổng đồ (1790) triều Càn Long, Hoàn hải tổng đồ (1798) triều Hàm Phong, Hoàn hải tổng đồ (1842) của Thiệu Quảng Văn, Viên Đồ (1841–1852) của Ngụy Nguyên, Hoàn hải toàn đồ (1860) của Lý Triệu Lạc, Hoàn hải toàn đồ (1891) của Vương Chi Xuân… Đặc điểm chung của các địa đồ loại này là 1) kích thước nhỏ [trong khổ sách, 1 hoặc 2 trang]; 2) vẽ trong vòng tròn [Ngụy Nguyên lấy dạng thức nét viền đặt tên cho địa đồ là “viên đồ 圓圖”, tức địa đồ hình tròn]. Thể hiện giản lược, chưa biết đến châu Mỹ và châu Úc [mặc dù Ricci Matthieu/Lị Mã Đậu đã mang theo địa đồ thế giới khá hoàn chỉnh vào Áo Môn từ năm 1582, và hai năm sau, tại phủ Triệu Khánh (Quảng Đông) R. Matthieu đã công bố công trình phiên chú Hán văn địa đồ thế giới này, với tên Sơn hải dư địa toàn đồ[1] (1584).

1. Khảo dị

Để việc tìm hiểu Tứ hải tổng đồ được tường tận, nhân tiện chúng tôi giới thiệu sơ về các dị bản. Ngoài bức địa đồ trong HQVKL đang khảo sát [sẽ viết là: Đồ 1], chúng tôi tham khảo thêm hai bức Tứ hải tổng đồ cũng được học giới Trung Quốc chú nguồn là trích từ sách HQVKL của Trần Luân Quýnh. Một của nhóm Trần Sử Kiên[2] [sẽ viết là: Đồ 2] và một của Lưu Nam Uy[3] [sẽ viết là: Đồ 3]. Đồ 2 và Đồ 3 chỉ trích in một góc, tương đương ¼ Đồ 1, lấy Trường Sa, Thạch Đường làm trung tâm.

Qua quan sát đối chiếu, có thể nhận thấy Đồ 1, Đồ 2 và Đồ 3 là 3 địa đồ khác nhau hoặc do 3 người thực hiện, có thể 3 bức này được vẽ lại theo 1 bức nào đó, hoặc 2 bức trong số này dựa vào 1 bức có trước. Trong phạm vi bài viết này, chúng tôi chỉ khảo sát cụm địa danh: Khí 氣, Sa Đầu 沙頭, Trường Sa 長沙, Thạch Đường 石塘 và Thất Châu Dương七州洋.

Đồ 1

Đồ 2

Đồ 2

Đồ 3

a. Điểm giống nhau

Cả 3 địa đồ đều thống nhất cách tiêu danh đối với các nhóm, bãi đá, bãi cát ở trong khoảng giữa Đài Loan, Quỳnh Châu, Côn Lôn, Văn Lai, Ban Ái, các đối tượng được ghi là: Khí, Sa Đầu, Trường Sa, Thạch Đường và Thất Châu Dương.

b. Điểm khác nhau

Trên tổng thể, Đồ 1, Đồ 2 và Đồ 3 khác nhau về đường nét; về chữ viết/khắc; về kích thước (chu vi) các đảo quốc được giới hạn; Đồ 1 so với Đồ 2 và Đồ 3 thiếu địa danh Tức Đống 息棟 [hoặc Luyện/楝?], vị trí giữa Thạch Đường và Văn Lai. Trong khu vực đang xét, các vị trí được tiêu danh: Khí, Sa Đầu, Trường Sa, Thạch Đường, Thất châu Dương khác nhau  (chênh

lệch); Hình thể các đảo, đá, bãi…được diễn tả khác nhau. Thí dụ như thực thể mang địa danh “Khí” ở Đồ 1 giống như hình lưỡi liềm đứng, ở Đồ 2 giống hình lưỡi liềm úp, ở Đồ 3 là hai nét thẳng tạo góc nhọn hướng lên; thực thể mang địa danh “Thạch Đường” ở Đồ 1 giống một cổng vòm, ở Đồ 2 là hình chữ nhật nằm ngang, thêm một vạch ngang bên trong, ở Đồ 3 giống hình lưỡi dao mũi hướng về phía tây. Bố cục khác nhau, Đồ 1 có không gian biển rộng rãi, khoảng cách giữa các nhóm đảo, đá dễ phân biệt. Đồ 2 và Đồ 3 bố cục chật hẹp, chữ viết và đối tượng địa lý đều to, dày khít.

Tóm lại, trong khu vực đang xét, Đồ 1, Đồ 2 và Đồ 3 giống nhau về hệ thống tên gọi, khác nhau về vị trí, hình thể và bố cục.

2. Văn – Đồ đối chiếu

Tên gọi

So sánh cách tiêu danh ứng vào thực thể địa lý ở phần Đồ và địa danh được mô tả ở phần Văn, thấy chỉ có tên Thất Châu Dương là đồng nhất. Các tên gọi khác có thể điểm qua như sau:

* Đồ viết Khí, Văn có mô tả một đảo tên “Nam Áo Khí”, qua đoạn văn: “Nam Áo Khí, cư Nam Áo chi đông nam” [Nam Áo Khí ở phía đông nam Nam Áo] (sđd, tr. 31), lưu ý: phân biệt Nam Áo Khí và Nam Áo.

* Đồ viết Sa Đầu 沙頭.

Văn có một đoạn mô tả hành trình liên quan đến Sa Đầu, tuy nhiên có 2 nơi có thể gọi tắt là Sa Đầu, một là Sa Mã Kỳ Đầu Môn 沙馬崎頭門, hai là Vạn Lý Trường Sa Đầu 萬里長沙頭.

* Đồ viết Trường Sa 長 沙.

Văn, có 3 nơi/vùng có thể gọi tắt là Trường Sa. Một là “Vạn Lý Trường Sa Đầu”; hai là Trường Sa Môn; ba là Vạn Lý Trường Sa.

* Đồ viết Thạch Đường 石 塘.

Văn có đề cập tên Thiên Lý Thạch Đường 千 里 石 塘.

* Đồ viết Thất Châu Dương 七 州 洋.

Văn viết Thất Châu Dương.

Như vậy, trong khu vực đang khảo sát, gồm 5 vị trí được tiêu danh trên phần Đồ, 4 vị trí được tiêu danh gần giống với tên trong phần Văn và 1 tên gọi ở phần Đồ và Văn ghi nhận giống nhau.

Giả định Khí là tên gọi tắt của Nam Áo Khí, Sa Đầu là tên gọi tắt của Sa Mã Kỳ Đầu Môn, Trường Sa là tên gọi tắt của Trường Sa Môn, Thạch Đường là tên gọi tắt của Thiên Lý Thạch Đường, và Thất Châu Dương là Thất Châu Dương. Trong 5 giả định có thể đặt ra, đây là giả định tích cực nhất để hòa hợp phần Đồ và phần Văn trong HQVKL. Tuy nhiên, vẫn không thể xóa hết những mâu thuẫn hiện có. Đoạn văn sau đây trích dịch từ chương 8, là chương viết về Nam Áo Khí trong HQVKL, đoạn này nêu đủ các tên gọi có thể ứng dụng để đối chiếu.

Trích dịch: Cách Nam Áo thủy trình 7 canh [210 km], [là nơi] xưa gọi Lạc Tế 洛濟. Hướng Bắc [của Lạc Tế] đều là những ngấn cát chìm nổi, dài khoảng 200 dặm [100 km], đi qua nơi này phải mất hơn 3 canh, cuối cùng của hướng Bắc có 2 ngọn núi là Đông Sư và Tượng, đứng đối ngang với Sa Mã Kỳ ở Đài Loan. Cách một biển rộng khoảng 4 canh đường [120 km], biển này tên là Sa Mã Kỳ Đầu Môn. Khí [tức Nam Áo Khí] mọc giữa biển, phía nam là ngấn cát nối tiếp đến Việt hải [biển Quảng Đông], [ngấn cát này] gọi là Vạn Lý Trường Sa Đầu. Cách đoạn về phía Nam là một biển, tên Trường Sa Môn. Lại theo đầu phía Nam sinh thêm ngấn cát nối đến Vạn Châu biển Quỳnh Châu, gọi là Vạn Lý Trường Sa. Phía Nam [Vạn Lý Trường Sa] lại có dãy đá rạn đến Thất Châu Dương, [dãy đá này] tên gọi Thiên Lý Thạch Đường. Một cửa Trường Sa, phía tây bắc là Nam Áo, phía tây nam là Đại Tinh ở [sở] Bình Hải, [ba điểm này: Trường Sa Môn, Nam Áo và Đại Tinh], 3 ngọn này thế như chân vạc”. (Trích chương 8, Nam Áo Khí, sđd, tr. 31)

+ Điểm sai lệch thứ nhất là vị trí Trường Sa Môn và Nam Áo [Khí]. Văn mô tả Nam Áo ở phương tây bắc Trường Sa Môn, Đồ vẽ Nam Áo ở phương đông bắc Trường Sa Môn.

+ Điểm sai thứ hai là, theo trích đoạn mô tả Nam Áo Khí vừa nêu, trên cơ sở dựa vào một số địa danh đến nay vẫn tồn tại hoặc có thay đổi nhưng vẫn xác định được vị trí như Vạn Châu thuộc Quỳnh Châu [nay là thành phố Vạn Ninh – Hải Nam]; Đại Tinh ở phía nam sở Bình Hải [đời Thanh thuộc huyện Huệ Dương – Quảng Đông, nay thuộc thành phố Huệ Dương - Huệ Châu - Quảng Đông].

+Điểm sai thứ ba là về trật tự Vạn Lý Trường Sa – Thiên Lý Thạch Đường – Thất Châu Dương. Văn mô tả Thiên Lý Thạch Đường ở vào khoảng giữa Vạn Lý Trường Sa và Thất Châu Dương. Đồ vẽ Thất Châu Dương ở vào khoảng giữa Vạn Lý Trường Sa và Thiên Lý Thạch Đường.

Tóm lại, trên vừa nêu là thực trạng hiện còn, có thể kiểm tra và khảo sát trên các bức “Tứ Hải Tổng đồ” đang lưu hành. Nhiều điểm sai biệt giữa Văn và Đồ trong một sách, giữa Đồ và Đồ trong các bản in, ở đây còn chưa tiện đề cập đến việc so sánh Đồ thuộc HQVKL với Đồ ở các sách khác.

3. Lý luận của học giới Trung Quốc

Đối với 5 địa danh Khí, Sa Đầu, Trường Sa, Thạch Đường và Thất Châu Dương trong Tứ hải tổng đồ, học giới Trung Quốc có cách lý luận riêng. Nói “lý luận riêng” vì các chuyên gia nghiên cứu Nam Hải ở Trung quốc hiện nay không theo cái học thực chứng hồi đời Thanh và cũng không theo phương pháp nghiên cứu địa danh hiện đại. Để tiện việc phân tích, chúng tôi trích dịch 2 trường hợp tiêu biểu cho các lý luận riêng này.

* Trong phần thuyết minh cho Đồ 2, nhóm Trần Sử Kiên viết: “Khí Sa Đầu chỉ Đông Sa quần đảo, Trường Sa chỉ Trung Sa quần đảo, Thất Châu Dương chỉ Tây Sa quần đảo, Thạch Đường chỉ Nam Sa quần đảo”[4].

* Trong “Trung Quốc Nam hải chư đảo địa danh luận cảo” Lưu Nam Uy viết: “Trong Hải Quốc Văn Kiến Lục của Trần Luân Quýnh có phụ lục bức Tứ hải tổng đồ, địa đồ này có vẽ và ghi các địa danh “Khí”, “Sa Đầu”, “Trường Sa”, “Thất Châu Dương” và “Thạch Đường”. Theo phương vị và nội dung ghi chép thì thấy: Khí tức Nam Áo Khí, chỉ Đông Sa quần đảo; Sa Đầu tức đầu đảo cát, trong các đảo Nam Hải, đảo cát bắt đầu xuất hiện từ Đông Sa quần đảo, do vậy Sa Đầu là chỉ Đông Sa quần đảo. Theo như ghi chép trong sách này và vẽ trên địa đồ thì Thất Châu Dương ở vị trí cực tây, chỉ Tây Sa quần đảo; giữa Sa Đầu và Thất Châu Dương là Trường Sa, vậy Trường Sa là Trung Sa quần đảo; Thạch Đường được vẽ ở hướng nam, là chỉ Nam Sa quần đảo. Ở đây bắt đầu biểu thị một cách rõ ràng việc phân hoạch bốn quần đảo lớn trong các đảo Nam Hải”[5].

Hai đoạn văn trên thiên về ý kiến kết luận hơn là nghiên cứu, lý luận dựa trên cơ sở khoa học hoặc một tiêu chí học thuật được chọn trước – phần đông học giả Trung Quốc né tránh việc phân tích cụ thể, chi tiết đối với các loại tài liệu loại này – Tách riêng các đoạn văn trong HQVKL ra khỏi Tứ Hải Tổng đồ để giảm đi các yếu tố mâu thuẫn, chúng ta cũng dễ dàng nhận thấy nhóm Trần Sử Kiên và Lưu Nam Uy đã rất gượng gạo trong việc xác định “Khí Sa Đầu chỉ Đông Sa quần đảo”, hoặc lý giải “Khí tức Nam Áo Khí, chỉ Đông Sa quần đảo; Sa Đầu tức đầu đảo cát, trong các đảo Nam Hải, đảo cát bắt đầu xuất hiện từ Đông Sa quần đảo, do vậy Sa Đầu là chỉ Đông Sa quần đảo”. Việc sáp nhập Khí và Sa Đầu làm một – trong khi chúng cách nhau khá xa – có thể xem là một thí dụ cho nhiều điểm bất cập khác.

III. Nam Dương Ký, Nam Áo Khí trong Hải quốc văn kiến lục

1. Đối với các đoạn văn trích từ HQVKL, tức cách sử dụng tư liệu vào mục đích nghiên cứu, học giới Trung Quốc hầu hết đều trích dẫn sai hoặc lý giải không đúng với tinh thần tư liệu gốc. Trong một luận văn nghiên cứu về các đảo Nam Hải, Lâm Kim Chi viết: “Năm Ung Chính thứ 8 (1730), xuất bản sách Hải Quốc Văn Kiến Lục của Trần Luân Quýnh, các đảo Nam Hải được đề cập và phân biệt rõ là: Nam Áo Khí (chỉ Đông Sa quần đảo); Thất Châu Dương (chỉ Tây Sa quần đảo); Vạn Lý Trường Sa (chỉ Trung Sa quần đảo) và Thiên Lý Thạch Đường (chỉ Nam Sa quần đảo)”[6].

Kết luận của Lâm Kim Chi cho thấy rằng, để chỉn chu cho tên gọi “tứ đại quần đảo”, Nam Áo Khí được gắn vào Đông Sa hiện nay, điều này khác với Lưu Nam Uy và Trần Sử Kiên (chủ trương Đông Sa là Khí Sa Đầu), cũng khác xa vời vợi so với mô tả của Trần Luân Quýnh.

Một thí dụ khác về phương pháp trích nguồn sai lệch, có thể xem trong luận văn của Lâm Vinh Quý và Lý Quốc Cường, qua câu được trích dẫn như sau:

“北 自 雞 籠 山 至 南 沙 馬 崎, 延 袤 二 千 八 百 里”. (sic)[7]

[Bắc tự Kê Lung sơn chí Nam Sa Mã Kỳ, diên mậu nhị thiên bát bách lý.]

Trong bài viết của mình, họ Lâm – Lý chỉ nói đoạn văn trên trích từ sách HQVKL mà không dẫn số trang và tên chương chứa đoạn văn trên. Chúng tôi tham khảo và đối chiếu, thì thấy đoạn văn này được dẫn sai từ 1 đoạn trong chương 1. Nguyên tác HQVKL có đoạn đầy đủ như sau:

“澎湖之 東 則 臺 灣。北 自 雞 籠 山對 峙 福 州 之 白 犬 洋, 南 自 沙 馬 崎 對 峙 漳 之 銅 山 延 綿二千 八百里 .” (chương 1, trang 4, dòng 1, 2)

[Bành Hồ chi đông tắc Đài Loan. Bắc tự Kê Lung Sơn đối trĩ Phước Châu chi Bạch Khuyển dương, nam tự Sa Mã Kỳ đối trĩ Chương chi Đồng Sơn, diên miên nhị thiên bát bách lý].

Phía đông Bành Hồ là Đài Loan, Bắc từ Kê Lung Sơn nhìn sang biển Bạch Khuyển thuộc Phước Châu, Nam từ Sa Mã Kỳ nhìn sang Đồng Sơn thuộc Chương [châu], một dãy liên tiếp [dài] hai ngàn tám trăm dặm].

Đoạn văn này – Trần Luân Quýnh – mô tả diên hải Đài Loan với cực bắc là Kê Lung Sơn đối diện với Phước Châu (tỉnh Phước Kiến) qua một biển tên là Bạch Khuyển, cực nam Đài Loan là Sa Mã Kỳ nhìn sang Đồng Sơn thuộc vùng biển Chương Châu (nam Phước Kiến), và chiều dài 2.800 lý, tức khoảng 1.400 km, ứng với chiều dài hải trình vòng quanh đảo Đài Loan.

Lâm – Lý trích đoạn sửa đổi, lắp ráp sai cấu trúc văn cú, văn đoạn và kết luận là:

“從 方 向, 距 離 上 考 訂, “南 沙 馬 崎” 即 今 南 沙 群 島 中 的 黃 山 馬 崎 島, 也 即 今 太 平 島, 我 國 海 南島漁 民 俗 稱 為 黃 山 馬 崎 “

“Theo phương hướng, cự ly mà xét thì thấy Nam Sa Mã Kỳ tức nay là đảo Hoàng Sơn Mã Kỳ黃 山 馬 崎, cũng tức là đảo Thái Bình trong quần đảo Nam Sa, ngư dân đảo Hải Nam nước ta quen gọi đảo Thái Bình[8] là Hoàng Sơn Mã Kỳ” (sđd, tr. 142).

Cách trích văn bỏ bớt chữ (như “Nam tự Sa Mã Kỳ” còn lại “Nam Sa Mã Kỳ”) và gắn ghép sai trật tự như trên thật khó bình luận hoặc thảo luận.

Để loại trừ khả năng Lý Quốc Cường tham khảo và trích lục đoạn văn trên đây từ một văn bản HQVKL khác, chúng tôi xem thêm đoạn văn này trong Hải Quốc Đồ Chí [quyển 77, Trù Hải Tổng Luận 1, trích in lại toàn văn chương 1, HQVKL], thấy Ngụy Nguyên đưa đoạn văn này vào trong Hải Quốc Đồ Chí cũng giống đoạn văn mà chúng tôi tham khảo trong HQVKL.[9]

2. Học giới Việt Nam tiếp cận HQVKL đầu tiên có lẽ là học giả Đào Duy Anh, trong bản dịch “Đại Nam Nhất thống Chí” (1970), phần phụ lục tỉnh Quảng Ngãi, cụ Đào đã bổ sung một đoạn dịch “Nam Áo Khí”, tức chương 8 – HQVKL [có ghi rõ ở chú thích: phần sưu tầm của người hiệu đính (tức Đào Duy Anh)]. Cụ Đào không ghi xuất xứ bản HQVKL đã sử dụng.

Bản dịch một phần Nam Áo Khí nêu trên có lẽ đã dựa vào một bản xưa không chấm câu, nên ở vài nơi cụ Đào chấm câu không chính xác dẫn đến khó hiểu, thí dụ như “Lạc Tế Bắc” đúng ra là “Lạc Tế. Bắc…”; như “Sa Mã Kỳ Đầu Môn Khí mọc giữa biển” đúng là “Sa Mã Kỳ Đầu Môn. Khí (tức Nam Áo Khí) mọc giữa biển” … (xem Sử Địa 29, tr. 145 và Đại Nam Nhất thống chí, nxbThuận Hóa, tập 2, tr. 526, 527).

Nguyên tác đoạn văn này, về không gian, chủ yếu mô tả vùng biển Đài Loan, Phước Kiến, Quảng Đông, vài địa danh đến nay vẫn không đổi như Nam Áo (khoảng 23,50N và 117,20E) thuộc Quảng Đông; Đại Tinh tức Đại Tinh Sơn ở đông nam Bình Hải sở [khoảng 25,250N và 119,250E] thuộc Phước Kiến.

Các tên gọi Trường Sa, Trường Sa Môn, Vạn Lý Trường Sa Đầu, Vạn Lý Trường Sa trong Nam Dương Ký và Nam Áo Khí (chương 4 và chương 8 – HQVKL) có nhiều điểm mô tả không đồng nhất, cần phải nghiên cứu thêm nữa. Liên quan trực tiếp đến bờ biển Việt Nam là phần Nam Dương ký (xem phụ lục). Đoạn dịch Nam Áo Khí của học giả Đào Duy Anh lẽ ra chỉ nên để tham khảo trong khuôn khổ nghiên cứu các tương quan địa danh Trường Sa, Thạch Đường… việc sớm gắn đoạn văn này vào phần địa chí tỉnh Quảng Ngãi mà không chú thích rõ các tên gọi Việt Dương, Việt Hải (biển Quảng Đông) đã phát sinh nhiều lý luận nông nổi.

Dùng đoạn văn dịch Nam Áo Khí để lý luận sai, sớm nhất có lẽ là Hãn Nguyên (Nguyễn Nhã) trong bài viết “Những sử liệu chữ Hán minh chứng chủ quyền của Việt Nam trên quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa qua nhiều thế kỷ” đoạn văn như sau: “Trái lại, sách Hải quốc văn kiến lục của Trần Luân Quýnh, một người Trung Hoa đã soạn vào năm 1744 (đời nhà Thanh) đã xác nhận rằng ‘phía nam ngấn cát nối tiếp đến Việt Hải là Vạn Lý Trường Sa, có nghĩa người Trung Hoa đã dùng danh xưng Việt Hải hay Việt Dương (ở đoạn sau cũng trong tài liệu này) để chỉ Nam Hải hay Biển Đông của Việt Nam mà trong biển đó có Vạn Lý Trường Sa hay Hoàng Sa, thì đương nhiên đã xác nhận Vạn Lý Trường Sa là của Việt Nam.’’ (Sử Địa 29, trang 144, 149)[10], sai lầm này đến nay vẫn chưa được khắc phục, thậm chí còn được phát triển bởi tác giả khác.

Tóm lại, Hải quốc văn kiến lục của Trần Luân Quýnh và Tứ hải tổng đồ của Hạ Tuyền Uyên với nội dung ghi chép, soạn vẽ có nhiều liên hệ đến biển Đông, các tác giả đương thời chỉ nhằm mục đích cung cấp kiến thức địa lý, và những thông tin cần thiết cho người đi biển. Tứ hải tổng đồ là địa đồ thế giới nên không liên quan gì đến lịch sử chủ quyền của Trung Quốc đối với các địa danh mà nó thể hiện. Một phần nội dung HQVKL là “Nam Dương ký” vốn ghi chép về các quốc gia phía nam Trung Quốc, Vạn Lý Trường Sa và Thiên Lý Thạch Đường lại nằm trong vùng biển Nam Dương này. Học giới Trung Quốc và Việt Nam đều mắc phải sai lầm khi dựa vào HQVKL để tạo ra những lý luận xa rời tinh thần nguyên tác. Một bên thì vờ quên đi ý nghĩa/giá trị tự thân của nguồn tư liệu, trích lục bừa bãi và lý luận qua loa lấp liếm; một bên thì do không tìm hiểu tư liệu nguồn một cách thấu đáo, mạch lạc nên đưa ra suy luận bồng bột. Việc nghiên cứu cổ sử biển Đông có thể rút kinh nghiệm từ những điểm bất cập và thái quá này,trong những trường hợp tương tợ.

(Còn 1 kì)


[1] Xem thêm: Cận đại lai Việt truyền giáo sĩ bình truyện [近代來粵傳教士評傳]– Lôi Vũ Điền chủ biên – Bách Gia xbx – Thượng Hải 2004. (tr. 63 – 65). Minh Thanh văn hóa sử trát ký [明清文化史札記]– Phùng Thiên Du. Thượng Hải Nhân Dân xbx – 2006 (tr. 89).

Minh mạt Thanh sơ Trung ngoại khoa kỹ giao lưu nghiên cứu [明末清初中外科技交流研究]. Trương Thừa Hữu, Trương Phổ, Vương Thục Hoa. Học Uyển xbx – Bắc Kinh – 2002. (tr. 175, 176, 179).

[2] Sách đã dẫn (xem chú thích số 3), tr. 157.

[3] sđd (xem chú thích 5) tr. 58.

[4] Dòng chú thích cho phần địa đồ minh họa, sđd tr. 157.

[5] sđd, tr. 57, 58.

[6] Lâm Kim Chi “Trung Quốc tối tảo phát hiện, kinh doanh hòa quản hạt Nam Hải chư đảo đích lịch sử” [林金枝 – 中國最早發現,經營和管害南海諸島的歷史]trong tuyển tập “Nam Hải chư đảo, địa lý – lịch sử – chủ quyền”. Hắc Long Giang Giáo dục xuất bản xã – 1992 (tr. 30).

[7] Lâm Vinh Quý, Lý Quốc Cường “Nam Sa quần đảo sử địa vấn đề đích tổng hợp nghiên cứu” [南沙群島史地問題的綜合研究] trong tuyển tập “Nam Hải chư đảo, địa lý – lịch sử – chủ quyền”. (tr. 142).

[8] Tức Itu Aba Is, Việt Nam gọi là đảo Ba Bình.

[9] Hải Quốc Đồ chí – (1841 – 1852) Ngụy Nguyên. Bản in năm Quang Tự thứ 2 (1876). Quyển thứ 17 – Trù Hải Tổng Luận (Nhất), “Trần Luân Quýnh Thiên hạ diên hải hình thế lục”. (tờ 4a) [海國圖志. 魏源. 光緒二年重刊. 卷七十七. 籌海總論一. “陳倫炯天下沿 海形勢綠” -頁四]. Đoạn văn được trích trong Hải quốc đồ chí so với đoạn văn trong bản HQVKL có khác một vài chỗ, nhưng nội dung không bị ảnh hưởng.

[10] Theo chú thích của Hãn Nguyên thì đoạn văn dịch “Nam Áo Khí” được tham khảo trong “Đại Nam Nhất thống chí” – Tập 2, nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 1970 (tr. 345 – 396).

Nguồn: Tạp chí Nghiên cứu và Phát triển, số 6 (77), 2009.

Thông tin truy cập

60784592
Hôm nay
Hôm qua
Tổng truy cập
4093
24669
60784592

Thành viên trực tuyến

Đang có 722 khách và không thành viên đang online

Sách bán tại khoa

  • Giá: 98.000đ

    Giá: 98.000đ

  • Giá: 85.000đ

    Giá: 85.000đ

  • Giá: 190.000đ

    Giá: 190.000đ

  • Giá: 80.000đ

    Giá: 80.000đ

  • 1
  • 2
  • 3
  • 4

Liên hệ mua sách:
Cô Nguyễn Thị Tâm
Điện thoại: 0906805929

Danh mục website