Nhà thơ Ko Un. Nguồn Google
Dẫn nhập
Ko Un là thi sĩ Hàn Quốc nhiều lần được xướng tên trong danh sách ứng cử viên cho giải Nobel văn chương danh giá (từ năm 2010 đến nay), thi sĩ được mệnh danh là nhà thơ hàng đầu Hàn Quốc và là một trong những người dẫn đạo cho nền thơ ca thế giới đương đại. Cuộc đời và thơ ca ông là huyền thoại, huyền thoại của đứa con xứ sở thiếu tự do đi tìm thanh bình và tình yêu cho quê hương và huyền thoại của một nhân sinh đi tìm cõi chân như tĩnh tịch của vũ trụ. Thơ ca Ko Un, vì thế, là một thế giới vừa tâm linh, vừa hiện thực; “vừa rất Triều Tiên cũng vừa rất nhân loại”[1].
Mặc dù nổi tiếng trên toàn thế giới, song ở Việt Nam, Ko Un còn rất ít người biết đến. Năm 2002, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều dịch và in một số bài thơ của Ko Un. Năm 2010, dịch giả Lê Đăng Hoan dịch tập thơ Bài hát ngày mai của Ko Un ra tiếng Việt, đồng thời Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức buổi ra mắt tập thơ này với sự hiện diện của Ko Un. Năm 2011, tập thơ dịch này cũng được giải thưởng thơ của Hội Nhà văn Việt Nam. Trên các báo điện tử và diễn đàn mạng, có một số bài viết về sự kiện này, đáng chú ý nhất là bài viết “Thơ Ko Un: Bản thông cáo về một cái chết” của nhà thơ Nguyễn Quang Thiều. Đây là bài viết tìm đến thực sự với thế giới thơ ca của Ko Un và đọc nó như một diễn ngôn thay vì chỉ lần theo dấu vết cuộc đời tác giả. Những nỗ lực đọc thơ Ko Un như thế còn rất ít ở Việt Nam. Có lẽ vì vậy mà Ko Un chưa thật sự hấp dẫn với bạn đọc yêu thơ Việt Nam.
Bài viết này của chúng tôi đề xuất một hướng đọc thơ Ko Un từ điểm nhìn của mỹ học Thiền. Đọc thơ Ko Un, dù là thơ của thời kỳ đầu lãng mạn hay thơ của thời kỳ tranh đấu, chúng tôi đều hình dung một thi nhân với hành trang là cái nhìn tinh khôi của Thiền đang chu du và dấn thân trong những cuộc thế. Cho dù hiểm nguy, cho dù bạo lực, cái nhìn “như thị”, cái nhìn vũ trụ của thi nhân vẫn bình yên, vô ngại. Và đó có lẽ là nơi thơ Ko Un đã vượt khỏi biên giới Triều Tiên, để được đồng cảm ở những chân trời xa lạ.
I. Cuộc đời và văn nghiệp của Ko Un
Cuộc đời Ko Un là một cuộc đời đầy sóng gió, gắn liền với sự thăng trầm của dân tộc Triều Tiên. Ko Un sinh năm 1933 tại thành phố Kunsan, tỉnh Cholla phía Bắc Hàn Quốc. Tuổi thơ của ông là những năm tháng người dân Triều Tiên bị mất tự do trên chính mảnh đất của mình. Sự áp đặt chế độ cai trị của chính quyền quân phiệt Nhật Bản lên bán đảo Triều Tiên từ năm 1859 đến năm 1945 đã gây nên nhiều thảm hoạ cho đất nước này. Thời bấy giờ, Triều Tiên không có tên trên bản đồ thế giới, tiếng Hàn bị cấm sử dụng cả trong nhà trường lẫn trong sinh hoạt và được thay bằng tiếng Nhật, người dân bị buộc phải chuyển sang dùng tên tiếng Nhật. Trong bối cảnh nền văn hiến dân tộc bị đồng hoá như thế, cậu học sinh tiểu học Ko Un Tae[2] đã bí mật học tiếng Hàn như một sự phản kháng, và trên hết là thể hiện tình yêu của mình với dân tộc, tình yêu thiêng liêng đã đi theo ông cả cuộc đời. Năm 1952, khi cuộc nội chiến Nam - Bắc Triều Tiên (1950-1953) chưa kết thúc, ông quyết định xuất gia trở thành một tu sĩ Phật giáo, một phần do những chấn thương tinh thần mà cuộc chiến này mang lại. Mười năm từ 1952 đến 1962, ông sống cuộc đời của một hành giả Thiền tông, vân du khắp mọi miền đất nước, sống nhờ khất thực. Năm 1957, ông sáng lập và trở thành tổng biên tập của tờ báo Phật giáo, và cũng thời gian này ông bắt đầu xuất bản các tiểu luận và thơ. Năm 1962, ông bất ngờ hoàn tục và sau đó chuyển đến đảo Cheju. Thời gian này, ông rơi vào trạng thái chán nản, thất vọng và đã tìm đến cái chết nhưng không thành. Ông mở một trường học từ thiện và trở thành hiệu trưởng kiêm giáo viên dạy tiếng Hàn và nghệ thuật. Năm 1967, ông về lại Seoul, tinh thần càng tồi tệ hơn, ông rơi vào trạng thái hư vô chủ nghĩa, chìm đắm trong men rượu. Năm 1973, ông bắt đầu tham gia các hoạt động chính trị chống lại chế độ độc tài của tổng thống Park Chung Hee. Cũng từ đây, cuộc đời của ông rẽ sang một hướng mới, nhập thế hành động vì dân chủ và hạnh phúc cho dân tộc. Với các hoạt động chính trị của mình, ông đã nhiều lần bị chính quyền quân đội bắt giam. Năm 1983, sau khi ra tù, ở tuổi 50, ông lập gia đình và hai năm sau sinh người con gái duy nhất. Ông vẫn tiếp tục hoạt động cho sự thống nhất hai miền Triều Tiên. Ông tiếp tục sáng tác và trở nên nổi tiếng trên toàn thế giới[3].
Ko Un là một tác giả đa tài, ông không chỉ sáng tác thơ mà còn viết tiểu thuyết, tiểu luận, sách hướng dẫn du lịch… Cho đến nay, ông đã xuất bản 140 tác phẩm, trong đó có 50 tập thơ.
Nhiều nhà phê bình nhận xét rằng có nhiều nhà thơ khác nhau trong thi sĩ Ko Un: nhà thơ tu sĩ, những năm 1962, nhà thơ hư vô những năm 1972, nhà thơ bất đồng chính kiến thập niên 1980 và bây giờ là nhà thơ dân tộc Triều Tiên, là người dẫn đạo cho nền thơ ca Hàn Quốc đương đại. Sự đa dạng trong cách nhìn con người thi nhân của Ko Un như vậy có lẽ căn cứ trên những biến thiên của cuộc đời ông và những thể hiện trong thơ ca của ông. Thập niên từ 1952 đến 1962, thơ ông đậm chất Phật giáo và ám ảnh bởi những nỗi khổ vì bệnh tật, tổn thương tâm lý, chết chóc. Thập niên tiếp theo 1962 đến 1972, thơ ông tràn ngập bóng tối, thất vọng, chán ghét bản thân, đầy hoài nghi và hư vô chủ nghĩa. Thập niên 1973 đến 1983, thơ Ko Un là cái nhìn đầy bi kịch về lịch sử Triều Tiên. Từ năm 1983 đến nay, thơ ông mang nhiều sắc thái, nổi bật là cái nhìn sử thi về lịch sử và con người Triều Tiên.
Một số tập thơ tiêu biểu của Ko Un: Xúc cảm ở thế giới khác (1960), Những bài thơ về biển (1966), Thượng đế, ngôi làng cuối cùng và ngôn ngữ (1967), Người nên đi khỏi (1986), Tiếng khóc và tình yêu một ngàn năm: những bài ca về ngọn núi Paektu (1990), Cái gì?- Thơ Thiền (1991), Bài hát ngày mai (1992), Một vạn cuộc đời, 40 tập (1986-nay), Nam và Bắc (2000), Những bông hoa của khoảnh khắc (2001)…
Ko Un được trao nhiều giải thưởng văn học danh giá trong và ngoài nước. Ông cũng được mời đọc thơ ở nhiều nơi trên thế giới. Người Hàn Quốc vẫn đang trông chờ và hy vọng một giải thưởng Nobel văn chương sẽ đến với xứ sở họ trong vinh quang của những vần thơ Ko Un.
II. Ko Un và cuộc thiền hành trong thế giới thơ ca
Mười chín tuổi, Ko Un xuất gia sống cuộc đời tu sĩ. Mười năm thanh xuân trong trẻo nhất đời, Ko Un đã dành cho Thiền định và ắt hẳn mười năm đó đã ảnh hưởng rất lớn đến tư tưởng và hành động trong cuộc đời Ko Un. Dù sau đó, ông từ bỏ đời sống tu sĩ, bị khủng hoảng các giá trị rồi sau đó dấn thân như một nhà hoạt động chính trị, dấu vết tinh thần Thiền tông vẫn thấm đẫm trong hành động và sáng tác của ông. Không phải ngẫu nhiên mà Allen Ginsberg, người tuyển chọn các tập thơ của ông để xuất bản ở phương Tây lại nhận xét về ông như sau: “Ko Un là một vị Bồ tát hàng ma của thơ ca Hàn Quốc với khả năng sáng tạo dồi dào và đầy ám ảnh”[4]. Nhà thơ mang tâm Bồ tát ấy dù trong hình tướng của tu sĩ hay nhà hoạt động chính trị đều khởi phát từ lòng từ bi, từ sự dũng mãnh của con người tự do và muốn đem tự do đến cho đồng loại. Thơ ca của Ko Un bàng bạc tinh thần Thiền mà người Hàn Quốc gọi là Seon. Cuộc vân du và Thiền định trong suốt mười năm tuổi trẻ của Ko Un vẫn tiếp diễn trong từng vần thơ sau này. Mỗi bài thơ là một cuộc thiền hành và cảm nghiệm cuộc sống, nhân sinh.
1. Cuộc thiền hành với cái nhìn vũ trụ trong thơ Ko Un
Thơ Ko Un mang đậm chất triết lý. Ông thường đặt ra những câu hỏi mang tầm vũ trụ. Bình minh của thanh xuân, ông đã đi tìm những siêu hình ngàn đời của nhân loại. Ông hỏi:
Lên núi lúc chiều tà
Bạn là gì?
Bạn là gì? là gì?...
(Tiếng vọng)
Cái thấy của Phật giáo đưa tới cho ông cái nhìn toàn thể, vũ trụ là một chuỗi những tương duyên. Một chú chuồn chuồn con đậu trên cây cũng tương quan với toàn thế giới:
Chuồn chuồn con đậu trên ngọn hương bồ
Cả thế giới xung quanh nhìn theo
Những vần thơ trong trẻo này của ông thường rất gần với thơ haiku của Nhật:
Ơi, con bọ tháng Năm
Đập cánh đi
Cho dù em đang hát
Sự tương quan vũ trụ này đôi khi được Ko Un dựng lại với nhãn quan hài hước và hiện đại:
Bên cạnh cây thích
Là cây thù du
Bên cây thù du
Là cây sồi
Bên cây sồi
Là vợ tôi
Vợ tôi và thiên nhiên, con người và vũ trụ, đều là toàn thể. Và đôi khi, là bất nhị:
Phật Đà gương mặt mặt trời 800 tuổi
Phật Đà gương mặt mặt trăng chỉ một đêm thôi
Mặt trời - mặt trăng chẳng phải hai mà là một
Đó là chân lý
Trăng lên
Sau hoàng hôn
Hãy nhìn mặt trăng mọc giữa ban ngày kia
Bất thức!
(Trăng giữa ban ngày)
Bài thơ như một công án Thiền: Mặt trăng hay mặt trời mọc giữa ban ngày kia? Chỉ biết nói theo kiểu Tổ Bồ Đề Đạt Ma: “Bất thức”.
Cái nhìn vũ trụ trong thơ Ko Un còn là cái nhìn về sự vô thường. Như một Thiền sư, cái chết hay sự biến mất - quy luật của vô thường đối với Ko Un không làm nên bi lụy. Bởi cuộc đời là khoảnh khắc.
Đóa hoa kia
Tôi nhìn thấy khi đi xuống
Khi đi lên
Tôi không thấy nữa rồi
Và thi nhân, là người sống trọn với từng khoảnh khắc của vũ trụ:
Trong gió xuân
Bối rối làm sao
Dưới thung lũng này
Chẳng kìm cảm xúc
A kìa, bông hoa
Cái nhìn ấy, cảm xúc ấy là sự tinh khôi của trẻ thơ mà chỉ có Thiền sư và thi nhân mới lưu giữ được.
Ko Un định nghĩa “nhà thơ là những kẻ phiêu lưu có thể miêu tả sự tận cùng của vũ trụ trong sự nhỏ bé của ngôn từ”[5]. Và Ko Un, đã gói cái nhìn càn khôn trong ngôn từ bé nhỏ.
2. Cuộc Thiền hành của Tình yêu
“Seon - Thiền không là gì ngoài tình yêu với thế giới này”. Ko Un đã hiểu về Thiền như thế. Cuộc đời và thi ca của Ko Un cũng hành thiền như thế - hành thiền bằng tình yêu. Tình yêu của Ko Un là tình yêu mang tầm vũ trụ, trong đó những biên kiến giữa đúng - sai, tốt - xấu, vật - người… được xóa bỏ. Tình yêu vượt thoát mọi khổ đau và hận thù.
Nhìn vạn vật trong cái nhìn toàn thể, Ko Un gửi tình yêu đến với từng sinh linh nhỏ bé. Đôi mắt từ ái của thi nhân trước một con cú giữa ban ngày:
Con cú giữa ban ngày
Đôi mắt mở to
Nhưng chẳng thể nhìn
Chờ nhé
Đêm của em sẽ đến thôi mà
(Con cú)
Hay cái nhìn khích lệ với sự sống của từng cọng cỏ:
Nhìn xem, bồ công anh đã ướt sũng vì mưa
Đang gượng dậy, mím chặt môi
Nào, vững vàng lên, cô bé
Tình yêu trong thơ Ko Un là cái nhìn giản dị và bừng ngộ. Tình yêu từ cái nhìn như thị, uyên nguyên:
Làm sao bông hoa có thể ở một mình?
Nhìn đi, đằng xa ấy
Trong lòng sông khô cạn
Thật giản dị
Đó là tình yêu của em
Quán chiếu cuộc đời trong sự tương duyên và toàn thể, tình yêu của Ko Un dễ dàng gửi đến cho cả những người vẫn bị thế gian lên án. Bao giờ, ông cũng nhìn mọi thứ từ tâm từ bi, và từ một tình yêu không biên kiến. Hãy nghe thơ ông vang lên vì một tên trộm và một hôn quân:
Một tên trộm giết người với 12 bản tội trạng
Đã từng là đứa trẻ lên ba
Ông vua khùng Yonson, người gây bao điều cuồng loạn
Cũng đã từng lên bốn
Cũng từng là đứa trẻ một tuổi đáng yêu
Trong tên trộm và hôn quân của hôm nay có hình hài của đứa bé đáng yêu ngày xưa. Ta gửi tình yêu tới đứa bé được, thì ta cũng có thể mở lòng cho những tội lỗi hôm nay.
Tinh thần nhất thiết bình đẳng của Phật học làm nền tảng cho tình yêu của Ko Un. Như Basho từng nhìn các du nữ trong một đêm trăng hành hương ở xứ Phù Tang:
Ngắm những đóa hoa
Cô gái làng chơi thích thú
Ngắm những đóa hoa
Sonhui 14 tuổi reo cười
Dù là gái làng chơi hay cô thiếu nữ thơ ngây, trước thiên nhiên, tình yêu của họ đều bình đẳng.
Tình yêu trong thơ Ko Un còn là mối tình nồng hậu, nhiệt thành và trọn vẹn với dân tộc và tổ quốc Triều Tiên. Những bước đi, những sự chọn lựa trong đời ông đều hiến dâng cho tình yêu thiêng liêng ấy. Đó không phải là tình yêu nước mơ hồ, trừu tượng mà là tình yêu gắn chặt với từng tấc đất, từng dòng sông, từng đóa hoa, từng ngọn cỏ. Tình yêu đất nước đã nâng lên thành tình yêu vũ trụ, yêu phút giây hiện hữu của thực tại hiện tiền:
Tôi không muốn tới xứ sở Cực Lạc xa xôi
Tình yêu vẫn sẽ còn mãi trên đất nước tôi sau khi chết
Thân xác tôi sẽ thành bụi, nước và gió
Thổi nhẹ nhàng trên mảnh đất quê hương
Không, tôi sẽ thoát khỏi giới hạn kiếp này, kiếp khác
Nán lại rồi uống cho thỏa cơn say
Là cháu con của những kẻ đi rong trong thời gian vô tận
Tôi sẽ chào những cây mơ nở hoa khắp nơi…
Sẽ cùng chim ca hát khắp trời
(Trích Trên giường chết)
Tình yêu của Ko Un đã vượt lên trên mọi giới ngăn, rào cản. Tình yêu đó hát ca trong cái nhìn thong dong của một người không tự trói mình bằng bất cứ niềm tin hay giáo điều nào.
3. Cuộc Thiền hành của tự do
Tự do là cứu cánh của cả cuộc đời Ko Un. Bước xuất thế của Ko Un năm 19 tuổi cũng là để đi tìm tự do và cuộc nhập thế sau này cũng là khát khao tự do cho chính mình và cho dân tộc. Thoạt nghe, ta cứ ngỡ sự tìm kiếm tự do buổi đầu ấy mang tầm triết lý cao thâm còn sự tìm kiếm sau này nhuốm màu thế sự; nhưng đọc Ko Un ta thấy rõ rằng tự do với ông là toàn thể, không chia phân, tách bạch ranh giới. Trong đời, ông muốn tự do; trong tâm, ông muốn tự do; và cả với thơ, ông cũng không ràng buộc. Ông nói: “Tôi thường tự giải thoát mình khỏi những bài thơ tôi đã viết”. Không vướng mắc, không dính chấp, ấy là tự do. Thái độ của ông trong thơ và cả trong đời như một Thiền sư an nhiên “Thõng tay vào chợ”.
Ông trò chuyện với một nhà sư:
Anh sẽ không là anh
Nếu anh không biết chút gì về rượu và phụ nữ
Khi anh không biết gì về hoan lạc
Đôi chim ác từ cổ đại
Đã làm tổ trên đầu anh
(Nhà sư Gyeoncho)
Bài thơ như một công án Thiền về định đề Phá chấp. Biết và không dính mắc hơn là tụng những giáo điều cũ mòn từ truyền thống.
Tư tưởng của Ko Un tự do vô ngại, ông đập phá mọi thần tượng, cho dù đó là tượng Phật. Đúng theo tinh thần Thiền tông “Phùng Phật, sát Phật”:
Này!
Với đất sét anh đã đào
Tôi đã nặn một tượng Phật
Trời mưa
Tượng Phật trở thành đất sét
Không một vết như trời sạch sau mưa
(Một người bạn - Nam Giang dịch)[6]
Với tinh thần tự do như thế, Ko Un không thể chấp nhận được cách mà người đời tuân phục, cách mà người đời bắt chước lẫn nhau. Tự do phải là sự vẫy vùng của mỗi cá nhân và theo cách của riêng mình.
Mỗi người chúng ta chọn lối mình đi
Nhưng ta nói
Đó là bởi ai đó nói ta phải thế
Nước kia chỉ là chảy xuống từ đồi
Nhưng ta nói
Đó là bởi ai đó nói nó phải thế
Sự khôn ngoan con người là thứ đáng thương.
(Chỉ là - Nam Giang dịch)[7]
Con đường tự do của Ko Un không chỉ dừng ở sự phá chấp về tư tưởng. Con đường đó còn là hành động, là tìm kiếm, là chinh phục tự do. Tự do với ông cũng là hướng về cái mới với những hứa hẹn khai phóng khỏi ngục tù. Đây là một điểm mới lạ trong tư tưởng của ông so với tinh thần Thiền truyền thống. Với Thiền tông, tự do là trạng thái của giác ngộ. Với Ko Un, tự do là một sự khởi đầu để tạo dựng thế giới mới.
Ông nhìn như thế về sự tự do của hoa bồ công anh:
Như cánh bồ công anh
Bay theo cùng làn gió
Như giống sậy cuối thu
Xin hãy ở một mình
Thế giới mới cần xây
Ko Un cũng là người khao khát các cuộc lên đường để vượt thoát chính mình, vượt thoát mọi ràng buộc mà tìm kiếm tự do:
Hãy ra đi,
Hãy từ bỏ tất cả ký ức và từ điển.
Hãy từ bỏ cả hai bàn tay trắng.
Hãy ra đi,
Ra đi chính là,
vượt lên cả sự tái sinh của chính mình anh
Ta sinh ra lần đầu tiên, hãy ra đi…
(Trích Nơi xa lạ - Lê Đăng Hoan dịch)
4. Cuộc Thiền hành với ngôn ngữ thơ ca
Thơ Ko Un là sự tiếp nối và cách tân truyền thống. Mặc dù ông không dùng thể thơ cổ điển nào của Triều Tiên để sáng tác nhưng dấu vết tư tưởng và thẩm mỹ dân tộc vẫn đậm nét trong thơ ông. Một nhà phê bình Hàn Quốc nhận xét rằng: “Cứ như thể ông thở ra thơ trước khi ghi lại trên giấy. Tôi cảm thấy thơ ông khởi phát từ miệng hơn là từ ngòi bút”[8]. Truyền thống thơ ca Triều Tiên từ hyanga đến sijo đều thiên về ca hát nên thơ lúc nào cũng như được nói ra hơn là sự trau chuốt, “khổ ngâm” theo kiểu Đường thi. Cái lối viết như thở của Ko Un có thể xuất phát từ mạch nguồn vô thức của truyền thống dân tộc, và cũng có thể là hơi thở của một nhà thơ lấy ngôn ngữ làm phương tiện hành Thiền.
Thơ của Ko Un gần với công án Thiền tông. Người đọc phải tham chiếu, phải trầm ngâm, phải lần theo dấu vết để mà hiểu, mà cảm. Thơ của Ko Un không phải là bài học của Thiền sư dạy cho đệ tử mà sự chiêm nghiệm và diễn giải thế giới của chính Ko Un. Những vấn đề cũ trong nhà Thiền được Ko Un nhìn lại bằng cái nhìn tươi mới, phập phồng hơi thở thời đại. Thử đọc một bài thơ về thời gian trong sự tương quan giữa hạt và con người:
Ba phần trăm triệu giây
Nếu đó là quãng thời gian một hạt tồn tại
Hãy em một ngày vô tận tới chừng nào
Anh nói một ngày quá ngắn?
Anh là kẻ tham lam
(Ngày trôi - Nam Giang dịch)[9]
Hạt - ba phần trăm triệu giây, những khái niệm hoàn toàn mới mẻ lại dùng để diễn đạt một ý niệm xưa cũ. Đó chính là một trong những điểm hấp dẫn của thơ Ko Un. Ko Un đã bắc chiếc cầu ngôn ngữ để cho những tư tưởng ngàn đời có lối vào thế giới hậu hiện đại hôm nay.
Ngôn ngữ của Ko Un còn là ngôn ngữ của sự hài hước và hiện đại. Chính ngôn ngữ đó khiến thơ ca ông phổ biến được trong thế giới phẳng, mặc dù không phải ai cũng đọc được nguyên bản tiếng Hàn tác phẩm của ông. Ông hóm hỉnh trong cái nhìn toàn thể:
Kẻ say
Đi loạng choạng
60 tỷ tế bào đều say
Ông hiện đại trong kết cấu của bài thơ:
Bán đảo là nơi du khách đến
Bán đảo là nơi du khách đi
Vì sao lại có quá nhiều quán rượu?
Ở phía nam nửa bán đảo Triều Tiên
3.800.000 quán rượu.
Chính vì thế, thơ ông đã vượt biên giới Triều Tiên, tìm đến các xứ sở khác, để cùng khởi sự cuộc Thiền hành vượt trên sự khác biệt ngôn ngữ, văn hoá.
III. Kết luận
Nhà thơ người Mỹ nổi tiếng Michael McClure nhận xét như sau về thơ Ko Un: “Thơ Ko Un có vẻ xưa cũ của vết bùn lún trên con đường quê sau cơn mưa, và nó cũng hiện đại như một con chip DNA. Đằng sau nghệ thuật của ông, tôi cảm nhận được linh hồn chim thú truyền thống thần bí, cùng những nghi lễ thời xưa của một đất nước rất gần gũi với lịch sử của mình”[10]. Sự kết hợp tuyệt vời giữa truyền thống và hiện đại đã dẫn thơ ca ông đến cùng thời đại toàn cầu.
Đọc Ko Un dưới điểm nhìn của mỹ học Thiền tông, chúng tôi thử đề xuất một hướng nghiên cứu các tác phẩm thơ của Ko Un. Hướng đi này giúp lý giải được nhiều biểu tượng trong thơ Ko Un và cả tâm lý sáng tác của tác giả. Ko Un là một tác giả đa chiều, thơ ông hứa hẹn nhiều hướng tiếp cận mới lạ và lý thú khác.
Với chúng tôi đọc thơ Ko Un là một cuộc thưởng ngoạn “những bông hoa của khoảnh khắc”[11]. Cứ an nhiên và mỉm cười, ánh sáng sẽ bừng ngộ trong cõi hồn.
Sài Gòn, 14-10-2012
NTM.
* Thơ sử dụng trong bài viết này, nếu không chú rõ tên người dịch có nghĩa là do tác giả bài viết dịch.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Trang cá nhân của Ko Un http://www.koun.co.kr.
2. Ko Un, What? 108 Zen poems, Paralax Press, 1994.
3. Ko Un, Flowers of the Moment.
4. Nhiều tác giả (Hoàng Hải Vân dịch), Tìm hiểu văn học Hàn Quốc thế kỷ 20, Nxb Văn nghệ, 2009.
5. Nguyễn Quang Thiều, Thơ Ko Un: bản thông cáo về một cái chết, http://tuanvietnam.net/2010-10-23-tho-ko-un-ban-thong-cao-ve-mot-cai-chet.
6. Peter H. Lee, A history of Korean literature, Cambridge University Press, 2004.
7. http://hompi.sogang.ac.kr/anthony/kounbio.htm (tiểu sử và một số nhận định về Ko Un).
8. http://www.diendan.org/dich-thuat/tho-ko-un-nam-giang (một số bài dịch thơ Ko Un).
[1] Nhận xét của Jesper R.Matsumoto Mulbjerg, người dịch thơ Ko Un ra tiếng Thụy Điển.
[2] Ko Untae là tên thật của Ko Un.
[3] Tiểu sử này được tham khảo từ website cá nhân của Ko Un http://www.koun.co.kr.
[4] Xem mục “Who is Ko Un?” trên website http://www.koun.co.kr.
[5] Xem phần Ko Un Ko Un trên website cá nhân của Ko Un.
[9] Tài liệu đã dẫn.
[11] Tên một tập thơ của Ko Un.
Nguồn: Tạp chí Đại học Sài Gòn, Bình luận văn học, Niên san 2013