Cội nguồn thể loại tùy bút Nhật Bản

ThS. Ngô Trà Mi

Khoa Văn học và Ngôn ngữ- ĐHKHXH&NV- ĐHQG TPHCM

Tuỳ bút (zuihitsu) là một thể loại độc đáo của văn học Nhật Bản. Hình thành từ buổi bình minh của văn học Nhật, thể loại tuỳ bút đã đồng hành cùng văn chương Nhật qua nhiều thế kỷ, đến tận thời hiện đại. Tuỳ bút Nhật Bản hình thành cùng dòng Văn học Nhật ký của các nữ sĩ thời Heian (794-1185) mang đậm màu sắc cá nhân hơn là tính quan phương, học thuật. Makura no soshi  (Chẩm thảo tử) của Sei Shonagon (966?-1024?) được mệnh danh là tùy bút đầu tiên trong văn học Nhật. Việc xác định thể loại của tác phẩm này có ý nghĩa quan trọng đối với việc tìm lại cội nguồn thể loại tuỳ bút Nhật Bản. Cho đến nay, các nhà nghiên cứu vẫn còn tranh cãi về những nguồn ảnh hưởng đến sự hình thành thể loại đối với Makura no soshi, chủ yếu theo hai hướng, một là thể loại này chịu ảnh hưởng trực tiếp từ văn chương Trung Hoa, hai là thể loại này có nguồn gốc nội sinh, mang đặc tính thuần túy Nhật Bản. Trong bài viết này, chúng tôi tìm về cội nguồn của tuỳ bút Nhật qua việc khảo sát các nhân tố chi phối sự hình thành của thể loại này, cụ thể qua tác phẩm Makura no soshi. Đồng thời, chúng tôi cũng điểm lại lịch sử thể loại tuỳ bút trong văn học Trung Hoa để có cái nhìn so sánh về lịch đại và nội hàm của khái niệm tùy bút của hai nền văn học cùng khu vực văn hoá chữ Hán này.

1.      Thể loại tùy bút ở Trung Quốc

Tên gọi tùy bút có nguồn gốc từ Trung Quốc. Người Trung Quốc gọi là “sui-bi”, người Nhật gọi là “zuihitsu”. Tùy bút随筆 có nghĩa là tùy theo ngọn bút, nương theo ngọn bút mà viết.

Người Trung Quốc đầu tiên dùng thuật ngữ “tùy bút” (sui bi) để gọi tên tác phẩm của mình là Hồng Mại (1123- 1202) đời Tống với tác phẩm Dung Trai tùy bút. Dung Trai tùy bút gồm 16 tập với nhiều đề tài khác nhau từ thi học đến y học, từ cổ học đến thiên văn. Trong lời tựa tác phẩm này, Hồng Mại viết: “Tôi đã già, biếng đọc. Tôi ghi lại những gì nghĩ ra trong đầu, không theo thứ tự trước sau, mục lục hay trình tự. Tôi xem nó như những ghi chép tình cờ” [8]. Mặc dù Hồng Mại nhấn mạnh việc sắp xếp tác phẩm của mình không theo trình tự, nhưng Dung Trai tùy bút lại thể hiện rõ việc cung cấp những nguồn thông tin có hệ thống. Từ đây, một trong những đặc điểm phổ biến của tùy bút cổ điển Trung Quốc là việc hệ thống lại những kiến thức có từ trước dưới cái nhìn riêng của tác giả. Điều này chúng ta cũng sẽ dễ dàng bắt gặp trong các tùy bút cổ điển Việt Nam như Vũ trung tùy bút của Phạm Đình Hổ, hay Phương Đình tùy bút lục của Nguyễn Văn Siêu.

Truyền thống học thuật của Trung Hoa vốn coi trọng các thể loại văn chính thống, còn các thể loại phi chính thống kiểu như tùy bút không được đặt nặng. Lời tựa của Hồng Mại cũng đã chứng tỏ quan điểm này, ông chỉ xem những gì mình viết ra là “ghi chép tình cờ”. Văn chính thống được coi trọng, và ngay từ rất sớm, người Trung Quốc đã có những tuyển tập tập hợp các loại văn này. Khổng Tử, người san định Kinh Thi đã chia Kinh Thi ra thành các tiểu thể loại như đại nhã, tiểu nhã, phong, tụng. Cách chia này thể hiện quan điểm của người san định muốn định hình những loại thơ khác nhau vốn có sẵn từ trong dân gian. Đến thế kỷ thứ 2, thể phú xuất hiện tụng ca cái đẹp, nhưng không lấn át được quan điểm chính thống văn học có chức năng giáo huấn.

Từ rất sớm, các học giả Trung Hoa đã để ý đến việc phân định các thể loại và bàn luận về nội hàm của chúng. Trong chương Nghệ văn chí của Hán thư, Ban Cố  chia các thể loại đương thời thành 13 loại khác nhau. Lục Cơ (261-303) trong Văn phú liệt kê các thể văn ra thành 10 thể loại, trong đó đặc biệt đề cao thi. Sau Lục Cơ khoảng 20 năm, Chí Ngu viết cuốn Văn chương lưu biệt luận (Luận về các khuynh hướng và các loại hình văn chương), tuy hiện nay đã thất lạc nhưng từ những phiến đoạn còn sót lại, có thể thấy rõ sự tỉ mỉ của tác giả trong việc khảo sát các thể loại văn đương thời. Tất cả những khảo sát ở các tập bàn luận về thể loại này không hề nhắc đến thể loại có tên là “tùy bút” hay một thể loại nào tương tự như vậy. Đến Lưu Hiệp (465-520), trong Văn tâm điêu long, kết thúc phần tổng quan các thể loại, ông viết chương Tạp văn xếp vào rất nhiều thể loại có bản chất khác nhau không xếp được vào các thể loại tao, thi, nhạc phủ, tụng và tán (các thể loại mang tính chất nghi lễ) đã bàn ở các phần trước. “Tạp văn” với Lưu Hiệp có cả các bài cáo của vua đến bài đối vấn. Tiếp sau Lưu Hiệp còn có một  bộ sách viết công phu bàn về vấn đề thể loại, chính là Văn tuyển của Tiêu Thống (501-531). Nhìn chung, các sách viết dưới dạng “văn tuyển” này bàn luận chủ yếu đến các thể loại chính thống theo quan niệm được thời. Loại tùy bút theo kiểu của Hồng Mại đứng bên lề của các cuộc bàn luận này.

Chính vì truyền thống trọng các thể loại văn chính thống như đã nêu trên, nên các thể loại văn phi chính thống ít được chú trọng. Ngay cả tên gọi của các thể loại này thường bắt đầu bằng tiếp đầu ngữ “tạp”, tạp văn, tạp bút…, nghĩa là không quy củ, nghiêm túc, gồm có nhiều thứ khác nhau xen lẫn. Tiền thân của thể loại tùy bút có thể là các phiến đoạn, các đoạn đối vấn từ thời Hán (201 TCN-21 SCN), thường là các cuộc tranh biện về tư tưởng. Thời Tây Hán còn để lại một tuyển tập các câu chuyện về đạo đức và chính trị với kết cấu khá linh hoạt, tên là Thuyết uyển của Lưu Hướng (79 TCN-6 SCN). Tác giả đã tập hợp dữ liệu từ nhiều nguồn khác nhau và sắp xếp lại theo quan điểm riêng của mình. Loại sách này về sau xuất hiện rất nhiều ở Trung Quốc, được gọi là 類 書 (loại thư, sách tra cứu), một dạng của các bộ bách khoa tri thức ngày nay. Có thể nói, Thuyết uyển là tiền lệ đầu tiên của loại sách viết theo dạng này.

Các thể loại kiểu như tạp thuyết hay tạp ký thường được thể hiện thoải mái, ít gò bó hơn so với các thể loại chính thống kiểu luận hay sử. Tiếp đầu ngữ “mạn” cũng được kết hợp với các từ khác để gọi tên các thể loại mang tính chất tự do, chẳng hạn như mạn thoại đời Đường.

Thể loại tùy bút Trung Quốc có nội hàm nằm lẫn giữa các thể loại vừa nêu trên. Thuật ngữ “tùy bút” ở Trung Quốc không được dùng đúng theo nghĩa từ nguyên của nó là “tùy theo ngọn bút”, mà lại mang những nội hàm khác. Người Trung Hoa không dùng thuật ngữ “tùy bút” nhiều, người ta thường gọi là “bút ký” (筆記). Tác phẩm Bút ký của Tống Kỳ (998-1061) được coi là tiêu biểu cho thể loại này. Tác phẩm được chia ra thành ba phần: giải thích phong tục; nghiên cứu cổ học; hợp tuyển văn học. Dữ liệu được tập hợp có thể là ngẫu nhiên nhưng bố cục thì được sắp xếp thành những tiêu đề rất quy củ. Cách làm này rất giống với Dung Trai tùy bút của Hồng Mại.

Cả hai thuật ngữ “tùy bút” và “bút ký” được dùng rất phổ biến trong đời nhà Tống (960-1279). Thời Tống cũng là thời kỳ nở rộ của thể loại này. Cách viết các đoản văn có kết cấu lỏng lẻo rồi nối kết với nhau trong cùng một tập sách được các văn nhân thời này ưa chuộng. Tô Đông Pha (1036-1101), một trong Đường Tống bát đại gia đã viết như sau về những đoản văn của mình: “Những gì tôi viết như nước của một con suối bất tận chảy tràn khắp nơi trên mặt đất. Nước chảy tràn và dâng lên mặt đất, chảy hàng ngàn dặm một ngày. Và khi nước gặp phải những ngọn đồi và tảng đá, những chỗ rẽ, nước lại định hình một thế mới xung quanh chúng. Tôi không thể nào biết được chúng đã làm như thế nào. Tất cả những gì tôi biết là nước luôn đi đến và dừng lại bất cứ nơi đâu chúng muốn. Trên hết, tôi không thể hiểu gì cả” (Trích Tự bình văn của Tô Thức) [4,49]. Tô Thức tự ví chuyện viết văn như sự chảy của nước, không định hướng và cũng không kiểm soát. Quan điểm này phần nào có màu sắc Lão Trang, như nhiên, tự nhiên trong sự sáng tạo. Phát biểu của Tô Thức rất gần với nghĩa nguyên lai của hai chữ “tùy bút” mà các tác phẩm tự định danh bằng tên gọi này lại không mang đặc tính như vậy. Người đời sau còn kể lại rằng, Tô Thức thường ghi nhanh những ý nghĩ của mình lại rồi đặt vào trong một cái túi nhỏ mà ông luôn mang theo bên mình cho đến khi chết. “Túi thơ” này của Tô Thức là một dạng viết ngẫu hứng theo kiểu “tùy bút”, dù ông không cố tình hay có ý định hình thành tác phẩm.

Một dạng khác của thể loại bút ký Trung Quốc, hình thành và phát triển rực rỡ trong đời Tống là thể loại thi thoại. Đây là một dạng chuyên luận về thơ, gồm nhiều đoạn nhỏ được viết vào những thời gian khác nhau, thường trải dài nhiều năm và cuối cùng được tập hợp lại thành các chương mục rồi thành sách. Trong đó, tác giả bày tỏ quan điểm của mình về thơ ca, thi pháp, kỹ thuật, phong cách, thể loại… Tác phẩm thi thoại đầu tiên là Lục nhất thi thoại của Âu Dương Tu (1007-1072). Nhiều tác phẩm không mang nhan đề “thi thoại” nhưng lại viết theo thể loại này như Lãnh trai dạ thoại của Huệ Hồng (1071-1128) hay Bích Kê mạn chí của Vương Chước…

Thi thoại có hình thức gần giống như tạp thuyết, là những tác phẩm bình luận văn chương, thi ca có kết cấu tự do. Nhiều bút ký cũng có chứa cả các bài phê bình về thi học. Thể loại này còn tiếp tục phát triển mạnh vào đời Minh, Thanh.

Nhìn chung, thể loại tùy bút ở Trung Hoa là một văn thể bị lẫn giữa nhiều tên gọi khác nhau có những đặc điểm tương đồng. Tinh thần ngẫn hứng của những tác phẩm loại này thể hiện ở chỗ tác giả tùy nghi chọn lựa dữ liệu một cách tình cờ và sắp xếp nó ngẫu hứng theo kiểu của riêng mình. Ngoài ra, tác giả còn phát biểu những suy nghĩ riêng của mình về các dữ liệu, có thể là về phong tục, văn chương hoặc thi ca… Các tùy bút, bút ký hay thi thoại kiểu này thường mang nặng tính kiến thức và học thuật, bóng dáng cá nhân tác giả có thể hiện cũng rất ít. Các tác phẩm này tuyệt không có lối ghi chép lại những suy nghĩ hay những việc làm cụ thể trong ngày của tác giả theo kiểu “muốn gì viết nấy” mà ta sẽ gặp trong dòng văn học Nhật ký tùy bút của Nhật Bản.

2.      Tùy bút Nhật Bản trong thế tương liên với Nhật ký

Dù là “tùy bút” hay “nhật ký” thì những tên gọi này đều được người Nhật tiếp thu từ Trung Hoa. Tuy nhiên, diễn trình của các thể loại này ở Nhật Bản lại hoàn toàn không rập khuôn theo văn học sử Trung Quốc mà có sự phát triển nội tại riêng. Thực tế, từ thời Heian, người Nhật đã bắt đầu hình thành một dòng văn học gồm các đoạn văn xuôi ngắn và được viết tùy hứng. Dòng văn học phát triển từ rất sớm ở Nhật và chảy xuyên suốt qua các thời đại của văn học Nhật Bản này được các nhà nghiên cứu hiện đại gọi là日記文学Nikki bungaku (Văn học Nhật ký).

Thuật ngữ “nhật ký” (日記)được dùng đầu tiên bởi Vương Sung (27-97 TCN) trong Luận hành  [4,57]. Vương Sung đã dùng tên gọi “nhật ký” để thay thế cho tên gọi “xuân thu”, vốn xuất hiện trong Kinh Xuân thu của Nho gia và Tả truyện để chỉ các đoạn ghi chép các sự kiện theo mùa. Mặc dù các phiến đoạn trong tác phẩm của Vương Sung không được ghi chép theo ngày nhưng ông lại sử dụng tên gọi “nhật ký”, và đây cũng là lần đầu tiên hai chữ “nhật ký” xuất hiện trong văn tự Trung Hoa.

Về sau, nhật ký trở thành một thể loại ghi chép những gì đã xảy ra, mang tính chất hành chính và quan phương. Lưu Hướng đời Hán, trong Tân Tự tạp sự có định nghĩa về nhật ký như sau: “Nhật ký là những điều ghi chép mỗi ngày về hành vi sai hay đúng của bậc quân chủ” (điển Chu Xá đi theo Triệu Giản Tử để ghi chép). Lục Du đời Tống trong Lão Học Am bút ký cũng coi nhật ký là thể loại “để chép chuyện nhà”[1]. Nhìn chung, nhật ký ở Trung Quốc mang nặng tính cửa công, hành chính, ít mang màu sắc và suy nghĩ cá nhân.

Ở Nhật Bản, vào đầu thời Heian, nikki (nhật ký) cũng được sử dụng như ở Trung Quốc, để ghi chép các việc hàng ngày lại bằng chữ Hán. Những người viết nhật ký loại này thường là các quan chức, sử dụng nhật ký như là một phương tiện để ghi nhớ những việc đã xảy ra. Nikki viết bằng chữ Kana cũng đã xuất hiện vào thế kỷ X, ghi lại diễn biến các cuộc thi tài ở các hội thơ (Uta-awase). Nhưng thể loại nikki được sử dụng như một thể loại mang tính chất văn chương thì phải kể đến tác phẩm nikki đầu tiên của Kino Tsurayuki, Tosa nikki vào năm 934. Đây là tác phẩm nikki viết bằng quốc âm Kana, mang đậm màu sắc cá nhân, kể về chuyến du hành 55 ngày đêm của Tsurayuki từ vùng Tosa về lại kinh đô Kyoto sau khi mãn nhiệm. Tsurayuki chọn giọng văn mang phong cách nữ tính để diễn tả tâm trạng lo lắng, mệt mỏi trong cuộc hành trình và niềm nhớ thương về đứa con gái nhỏ của mình đã chết ở Tosa. Với việc dùng quốc âm Kana làm phương tiện ngôn ngữ, tác giả dễ dàng bày tỏ cái nhìn riêng của mình về xã hội đương thời cũng như những cảm xúc, tâm trạng riêng tư của đời sống nội tâm. Tuy được viết bởi nam giới, song Tosa nikki lại mở đường cho một dòng văn học nhật ký thịnh hành trong thời Heian bởi các nữ quý tộc cung đình. Thể loại nhật ký của Trung Hoa khi vào Nhật Bản, chỉ còn giữ lại cái vỏ tên gọi, còn về nội dung và hình thức, nikki đã phát triển theo một đường hướng riêng phù hợp với bối cảnh xã hội thời Heian. Văn hóa quý tộc thời Heian hình thành trên cơ sở học hỏi có chọn lọc từ văn hóa đại lục, đồng thời đã đến lúc tự phát triển theo hướng độc lập của riêng mình. Không khí thời đại như thế cũng là một trong những nguyên nhân để Nikki bungaku của Nhật Bản phát triển theo đường hướng riêng, phù hợp với bản sắc thời đại và dân tộc.

Một số thể loại khác trong văn học Nhật Bản, dù không mang tên gọi là nikki nhưng lại có nhiều đặc điểm tương đồng với nikki, có thể kể đến kiko 紀行 (kỷ hành, du ký), soshi草子 (thảo tử), zuihitsu随筆 (tùy bút). Các nhà nghiên cứu văn học Nhật Bản như Tamai Kosuke, Imai Takuji và Miyazaki Shohei đều bàn đến cả bốn tiểu thể loại này khi nói về Nikki bungaku. Họ luôn muốn tách biệt và tìm đặc điểm riêng cho từng thể loại trong bối cảnh văn học cổ điển, nhưng họ đều phải chấp nhận một điều rằng rất khó để tìm đường ranh giới hạn cụ thể giữa các thể loại, chúng có quá nhiều điểm đan xen tương đồng [5, 58]. Chính vì thế, khi xét đến thể loại tùy bút ở Nhật, chúng tôi phải khảo sát chúng trong thế tương liên với thể loại nhật ký, vì quả thực, chúng gặp nhau rất nhiều trong phong cách thể hiện.

Có thể khái quát một số đặc điểm tiêu biểu của thể loại này như sau:

-                     Hầu hết được sáng tác bằng quốc âm Kana nên cách diễn đạt hoàn toàn theo văn phong của tiếng Nhật.

-                     Đề tài của các tác phẩm viết theo loại này là những sự kiện thường nhật được ghi lại dưới cái nhìn trải nghiệm và quan sát của người viết. Nói như Earl Miner thì “Nhật ký của người Nhật thiên về chuyện tình yêu hơn là chuyện hôn nhân, thiên về cái chết hơn là các cuộc đấu tranh đạo đức, thiên về gia đình hơn là đời sống xã hội” [2, 2]. Nói cách khác, tính chất cá nhân là tính chất chủ đạo trong các tác phẩm nhật ký, tùy bút của Nhật Bản.

-                  Các tác phẩm viết theo thể loại này có cấu trúc rất tự do, không bị gò bó bởi chủ đề hay chương mục. Các tác phẩm nhật ký (nikki) thường được ghi lại theo ngày như Tossa nikki. Cũng có nhật ký chứa đựng trong nó một câu chuyện dài, có phần nào đó trùng với thể loại truyện kể monogatari như Izumi Shikibu nikki. Murasaki Shikibu nikki lại được thể hiện dưới dạng vừa ghi chép theo ngày các sự kiện xảy ra trong cung đình, vừa phân tích những suy nghĩ, tâm trạng của chính tác giả, vừa có phần cuối gồm những lá thư tác giả gửi cho bạn bè, trong đó nói nhiều về những nhân vật cùng thời. Với Makura no soshi của Sei Shonagon, tác phẩm được mệnh danh là tùy bút đầu tiên của Nhật, kết cấu lại càng tự do, không theo những khuôn định chủ đề, cũng không theo trình tự ngày tháng; các đoạn văn dài ngắn tự do và bàn về mọi chủ đề mà tác giả bất chợt nghĩ đến.

-                  Một đặc điểm đáng lưu ý nữa của thể loại nhật ký, tùy bút Nhật Bản là thơ. Hầu hết các tác phẩm viết theo thể loại này đều có xen thơ waka vào. Có khi, đó là bài thơ do chính tác giả làm trong một dịp nào đó; hoặc là một bài thơ trích dẫn từ các tuyển tập Manyoshu, Kokinshu…, cũng có khi là thơ Trung Hoa. Rất nhiều trường hợp là thơ đối đáp, xướng họa giữa tác giả và một nhân vật cụ thể, là người tình, bạn bè hoặc là Hoàng hậu, Thiên hoàng hay Quan bạch… Thơ waka xuất hiện nhiều trong các tác phẩm nhật ký, tùy bút, đặc biệt là thời Heian càng làm rõ dấu ấn văn hóa của thời đại, một thời đại mà người ta nói chuyện, hiểu nhau, kính trọng, mến phục và yêu nhau bằng thơ, bằng cái đẹp tao nhã.

Để lý giải nguồn gốc của Nikki bungaku trong văn học Nhật, nhà nghiên cứu Marilyn Jeanne Miller trong luận án tiến sĩ “Một định nghĩa cấu trúc về thể loại văn xuôi tự thuật của Nhật Bản và phương Tây: dựa trên phân tích và so sánh Nikki bungaku (Văn học nhật ký) và những tác phẩm đồng dạng ở phương Tây” [5] đã lý giải sự thành hình của thể loại này chịu ảnh hưởng từ bốn nguồn khác nhau:

-         Văn học Trung Quốc:

Người Nhật đã học được lối viết đoản văn của người Trung Quốc từ thế kỷ VI, khi văn tự chữ Hán được truyền vào Nhật từ Trung Hoa và Triều Tiên. Cách viết đoản văn tự sự ở Trung Quốc được chia thành 3 loại: Nhật lịch (ghi chép chính sự của triều đình và hoàng đế hoặc các chiêm tinh gia ghi lại các hiện tượng tự nhiên), Nhật ký (ghi chép các lời dạy, được lưu giữ bởi các học giả), Các bài luận triết học, thường được gọi là bút đàm, bút lục, tùy bút… Các thể loại này đã có ảnh hưởng lớn đối với thể loại văn xuôi tự thuật của Nhật. Mặc dù thể loại nikki hay zuihitsu của Nhật có diện mạo không giống với các thể loại cùng tên nhật kýtùy bút của Trung Quốc nhưng ta không thể phủ nhận vai trò ảnh hưởng của cách tư duy và cách viết đoản văn của văn học Trung Hoa lên văn học Nhật. Ngoài ra, các sự điển và thơ ca Trung Hoa cũng thường được nhắc đến và trích dẫn trong các tác phẩm thể loại này của Nhật.

-         Kambun nikki 漢文日記 (Nhật ký Hán văn)

Văn học Nhật từ thời cổ đại đã chia ra thành hai dòng Kambun 漢文 (Hán văn) và Wabun和文 (Hòa văn). Dòng Kambun được viết bằng chữ Hán, theo lối hành văn kiểu Trung Hoa, gồm các tác phẩm hành chính, mang tính chất công cộng và những thông báo của triều đình. Các tác phẩm viết bằng Hán văn của người Nhật học theo Trung Quốc về mọi phương diện từ thể loại, cách hành văn, lối dùng từ đến nội dung, tư tưởng. Họ dùng chữ Hán để sáng tác, trong khi vẫn đọc chữ Hán theo âm Nhật. Văn học Kambun một thời gian dài được coi trọng, là thước đo của tri thức, nên được nam giới trong triều đình rất ưa chuộng. Dòng Wabun được viết bằng chữ quốc âm Kana, hành văn theo lối thuần Nhật, không mang tính quan phương, gồm các tác phẩm mang tính cá nhân như thư từ, nhật ký, tùy bút… Thời Heian, dòng văn học này được coi là đặc trưng riêng của nữ giới. Nhiều học giả Nhật Bản khi khảo sát về văn học Nhật thường ít để ý đến dòng Kambun vì nó ít mang bản sắc Nhật Bản nhưng lại xem nó là một trong những nguồn gốc hình thành của Văn học nhật ký. Hẳn nhiên, việc chịu ảnh hưởng lẫn nhau giữa hai dòng văn học song song tồn tại trong một nền văn học là điều tất yếu. Hơn nữa, dòng Kambun đã tiếp thu những tinh hoa của văn học Trung Quốc và phát triển phù hợp với điều kiện của Nhật Bản nên càng dễ dàng là cánh cửa cho dòng văn học bản địa Nhật nhìn ra bên ngoài, tiếp thu và làm phong phú chính mình.

-         Shikashu 詩歌集 (Tuyển tập thơ ca) và Uta awase nikki歌合日記 (Nhật ký các cuộc thi thơ)

Shikashu là tuyển tập thơ ca của riêng một người hoặc là một tập hợp các bài thơ nổi tiếng. Uta awase nikki là nhật ký ghi chép lại các diễn biến của các cuộc thi thơ. Dù các tập sách này được viết bằng chữ quốc âm Kana và mang tên nikki nhưng nó không có ảnh hưởng lớn đến các tác phẩm văn học nhật ký tùy bút sau này. Nikki  ở đây được dùng như thể nguyên thủy của nó trong Hán văn và văn học Trung Quốc, nghĩa là thể loại ghi chép lại diễn biến của các sự việc, cụ thể ở đây là diễn biến của các cuộc tranh tài về thơ.

Marilyn Jeanne Miller lý giải sở dĩ bà xem các tuyển tập thơ ca có ảnh hưởng đến dòng Văn học Nhật ký tùy bút là do bản chất thơ xen văn xuôi của các tuyển tập này. Thơ ca ở Nhật được sáng tác khi tác giả rung cảm trước vẻ đẹp của tự nhiên, trước cảnh trăng tròn, lá đỏ, mưa xuân… hay trong những trường hợp giao tế xã hội, như làm thơ gửi người yêu, đối đáp với bạn bè… Thơ ca Nhật không có tiêu đề, nên hầu như không có một sự định hình nào trước cho người đọc về nội dung của bài thơ. Trong các tuyển tập thơ ca này, trước mỗi bài thơ thường có một đoạn văn xuôi ngắn mở đầu mô tả hoàn cảnh và những người có liên quan đến việc sáng tác bài thơ. Nhờ các đoạn mở đầu này mà bài thơ dễ hiểu hơn. Trong các tuyển tập thơ ca, văn xuôi tự sự có tác dụng như khung sườn cho thơ ca. Chính những đoạn văn xuôi này trong các tuyển tập thơ ca có ảnh hưởng đến phong cách viết của nhật ký và tùy bút.

Trường hợp của Ise monogatari là một trường hợp “nhập nhằng” về mặt thể loại. Tên gọi của nó là monogatari, trong khi nó lại được độc giả thời Heian đọc như thể nó được viết ra bởi Narihira (nhân vật chính trong tác phẩm) dù nó được viết ở ngôi thứ 3, vì thế nó cũng được xem là nikki. Các học giả ngày nay còn khẳng định Ise monogatari thuộc thể loại shikashu (tuyển tập thơ) vì tác phẩm là một tập hợp các bài thơ có xen các đoạn văn xuôi ngắn. Các tác phẩm nhật ký ra đời sau Ise monogatari như Tosa Nikki (Nhật ký Tosa) hay Kagero nikki (Nhật ký phù du) đều viết từ ngôi thứ 3, và đều có nhiều đoạn thơ xen vào.

Có thể thấy, những đoạn văn xuôi tự sự trong các tuyển tập thơ ca là một trong các tiền đề định hình phong cách cho thể loại nhật ký, tùy bút.

-         Monogatari 物語 (Vật ngữ, truyện kể)

Monogatari ban đầu trong văn học Nhật là những chuyện kể truyền miệng lưu hành trong dân gian. Tác phẩm monogatari đầu tiên là Taketori monogatari (Trúc thủ vật ngữ). Monogatari chú trọng ở tính tự sự và cốt truyện, các cốt truyện này phần lớn là hư cấu. Tác phẩm monogatari vĩ đại nhất chính là Genji monogatari của Murasaki Shikibu. Tác phẩm này ra đời sau tác phẩm nhật ký đầu tiên là Tosa nikki. Tuy nhiên, thể loại monogatari có trong truyền thống đã ghi dấu ấn trong các tác phẩm nhật ký, tùy bút. Trước tiên là ở các phương thức tự sự, thuật chuyện. Dù chất liệu của hai thể loại này hoàn toàn khác nhau, nội dung của monogatari chủ yếu là hư cấu, còn nhật ký và tùy bút lấy chất liệu từ những sự kiện có thực nhưng phương thức diễn đạt của nhật ký, tùy bút đôi lúc phải học lối tự sự có cốt truyện của thể loại vật ngữ. Izumi Shikibu nikki còn có tên gọi khác là Izumi Shikibu monogatari vì rõ ràng tác phẩm là một câu chuyện tình có cốt truyện và nhân vật như một tác phẩm truyện kể. 

Các thể loại này có sự tương tác với nhau trong quá trình phát triển. Tuy nhiên, cũng có trường hợp tác giả thể loại nikki phủ nhận hoàn toàn thể loại monogari. Đó là trường hợp của tác giả Kagero nikki (Nhật ký phù du) phê bình tính hư cấu của thể loại monogatari, và chủ trương viết văn phải đi từ những kinh nghiệm cá nhân có thực. Nhìn chung, văn chương hư cấu vẫn không nở rộ bằng văn chương nhật ký, tùy bút. Genji monogatari như một cô phong trong nhiều thế kỷ, không một tác phẩm nào xứng tầm bầu bạn. Còn văn học nhật ký, tùy bút vẫn nở rộ nhiều thế kỷ về sau, thậm chí còn ảnh hưởng đến cả thể loại watakushi-shosetsu 私小説 (tư tiểu thuyết, tự truyện) trong văn học hiện đại.

Thế tương liên giữa thể loại tùy bút và nhật ký trong văn học Nhật được xác lập ngay từ thời kỳ đầu hình thành thể loại. Trong văn học thời Heian, khó có thể tách bạch hoàn toàn hai thể loại này với những nội hàm riêng biệt. Tuy nhiên, càng về sau, dưới sự ảnh hưởng của văn học Trung Quốc và sự vận động nội tại của văn học Nhật, hai thể loại này dần tách biệt và có con đường đi riêng.

3.      Makura no soshi (Chẩm thảo tử) trong dòng chảy văn học tùy bút Nhật Bản

3.1 Vấn đề xác định thể loại của “Makura no soshi”

Cho đến nay, khi bàn về Makura no soshi, hầu hết các học giả Nhật và phương Tây đều đồng thuận đây là tác phẩm tùy bút đầu tiên của người Nhật. Tuy vậy, khi mới ra đời, Makura no soshi không được Sei Shonagon và người đương thời định danh là “tùy bút”, bởi thuật ngữ này chỉ xuất hiện ở Trung Quốc vào thế kỷ 12. Ivan Morris, chuyên gia nghiên cứu văn học Nhật Bản, đồng thời là dịch giả Makura no soshi sang tiếng Anh năm 1967 đã phán đoán như sau về tên và thể loại của tác phẩm: “Makura no soshi (ghi chép bên gối) có phải là tên do Sei Shônagon đặt không, hay là một thuật ngữ chỉ một cuốn sách không theo quy cách mà người viết sáng tác khi rảnh rỗi trong phòng vào buổi tối, và để gần nơi ngủ, trong ngăn kéo của gối gỗ để ghi lại những cảm xúc của mình? Hình thức văn chương này mang tính bản địa Nhật Bản. Makura no soshi là tiền thân của thể loại tùy bút của Nhật Bản, thể loại đã tồn tại đến tận ngày nay và có nhiều tác phẩm giá trị trong nền văn học Nhật” [3, 11].

Theo Ivan Morris, makura no soshi có thể là tên gọi của một thể loại chứ không phải là tên riêng của một tác phẩm. Thể loại này thường ghi chép lại những chuyện mang tính cá nhân, có liên hệ với truyền thống uta makura (tuyển tập các bài thơ ca). Việc đoán định ý nghĩa nhan đề tác phẩm theo hướng này còn có cơ sở ở việc, tác phẩm của Sei Shonagon được người gần cùng thời gọi là “makura no soshi của Sei Shonagon”, để phân biệt với các tác phẩm khác, chẳng hạn “makura no soshi của Eshin[1]”.

Thế nhưng, trong đoạn cuối của tác phẩm, Sei Shonagon viết về nhân duyên mà tập sách của bà hình thành, trong đó bà có nhắc về ý nghĩa của “makura no soshi”:

“Một hôm đại thần Korechika mang đến cho Hoàng hậu một tập giấy. “Chúng ta sẽ làm gì với chúng?”, Hoàng hậu hỏi tôi. “Thiên hoàng đang tổ chức chép lại Nihon shoki (Nhật Bản thư kỷ)”.

“Hãy để em cho chúng vào một cái gối”, tôi đáp.

“Ồ được đấy”, Hoàng hậu bảo, “Em mang chúng về đi”.

Giờ đây, tôi đã có một số lượng giấy lớn để tùy nghi sử dụng. Tôi muốn viết lên quyển tập này những sự thật vụn vặt, những câu chuyện trong quá khứ và những chuyện tầm thường khác. Tôi sẽ tập trung vào những việc và những người mà tôi thấy thanh lịch và tuyệt vời. Quyển sách của tôi cũng sẽ chép đầy thơ và những cảm nhận về cây cỏ, chim chóc và côn trùng.”

Nếu phân tích nhan đề của tác phẩm từ ý nghĩa đoạn văn trên, ta có thể hiểu makura là cái gối có thật, nơi Sei Shonagon dùng cất số giấy do hoàng hậu Teishi ban để bà viết tác phẩm. Và như thế, soshi sẽ được hiểu là quyển sách, hoặc là quyển vở ghi chú. Nhà nghiên cứu Inaga Keiji lại đề xuất một hướng khác, ông cho rằng Sei Shonagon đã chơi chữ trong trường hợp này. Ông bắt đầu lý giải vấn đề từ cách thức mà tác phẩm của Sei Shonagon đến với người đọc. Trong đoạn gần cuối của tác phẩm, Sei Shonagon có kể việc trung tướng tả binh vệ Minamoto no Tsunefusa đến thăm và nhìn thấy cuốn sách trên chiếu tatami, và vì thế cuốn sách được truyền ra ngoài. Inaga lưu ý rằng tatami và giấy là những thứ thường liên tưởng đến quà của hoàng hậu, và cái tên Makura no so shi´rất có thể bắt nguồn từ tình thế này. Cả hai từ tatami makura đều có cùng động từ shiku 敷くcó nghĩa là đặt xuống. Sei Shonagon dựa vào đặc điểm này để chơi chữ, lẽ ra phải gọi tên tác phẩm là Tatami no soshi (Cuốn sách trên chiếu), nhưng lại thay bằng Makura no soshi (Cuốn sách bên gối) [4, 65].

Theo Linda H. Chance, nếu như từ makura được giải thích từ bối cảnh văn hóa của triều đình Heian như trên thì lại không có chứng cứ nào khẳng định rằng từ soshi đã được dùng với nội hàm như các thời kỳ sau đã dùng. Fujiwara no Shunzei (1114-1204) bắt đầu tác phẩm Korai futeisho (Phong cách thi học xưa và nay) bằng thể loại soshi, trong đó ông ghi chép lại những chuyện cá nhân. Imagawa Ryoshun lại ghép rất nhiều các soshi trong nghiên cứu về waka của mình. Đến thời Muromachi (1392-1573), soshi lại được dùng như một thuật ngữ chỉ truyện kể hư cấu, như là các truyện khuyết danh gọi là thể loại otogizoshi.

Ngoài ra, vấn đề chữ Hán của soshi cũng khá phức tạp. Thời kỳ đầu, người ta dùng hai chữ sách tử (sách là tập sách, tử là từ có ý khiêm nhường) với âm đọc sakushi, sau biến đổi thành saushi, tương đương về mặt ngữ âm với soshi trong tiếng cổ. Từ việc biến âm này, có thêm nhiều cách viết soshi 草子 (thảo tử), 草紙 (thảo chỉ), 双紙 (song chỉ). Các nhà nghiên cứu cho rằng rất khó để xác định được sự khác nhau về mặt ý nghĩa của các cách viết này.

Như vậy, đứng từ góc độ thể loại, soshi được xem là một lối viết tự do về kết cấu và câu văn. Sei Shonagon, trong Makura no soshi cũng đã đề cập đến đặc điểm này: “Tôi viết những đoạn ngắn này ở nhà, khi tôi có nhiều thời gian cho bản thân và nghĩ rằng chẳng ai còn quan tâm đến những gì tôi làm. Những ghi chú này là những gì tôi đã thấy và cảm nhận.”, hay “Quyển sách này được viết ra vì sở thích của riêng tôi, tôi ghi lại mọi thứ một cách chính xác như khi chúng đến với tôi”. Có thể, Sei Shonagon không ý thức nhiều về mặt thể loại khi chọn phong cách cho tác phẩm của mình, bà chỉ ghi lại một cách ngẫu nhiên và tình cờ những gì bà đã thấy, đã nghĩ trong suốt quá trình phục vụ Hoàng hậu Teishi trong hoàng cung. Chính vì thế, tác phẩm của bà có tính “mở” rất cao, rất gần với ý nghĩa của từ “tùy bút” mà nhiều thế kỷ sau, người Nhật mới sử dụng sau khi du nhập từ Trung Hoa.

Makura no soshi được gọi là tùy bút (zuihitsui) lần đầu tiên bởi học giả Amano Sadakage (1663-1733) trong tác phẩm Shiojiri(Gò muối), bản trích yếu các sáng tác trong thời kỳ 1697-1733. Tác phẩm có câu: “Zuihitsu của Sei Shonagon có tên là Makura no soshi”. Ban Kokei (1733-1806) trong tác phẩm Kunitsufumi yoyo no ato (Những dấu vết của quốc văn), cũng xem Makura no soshi là tùy bút, một thể loại trung gian giữa nhật ký (nikki) và truyện kể (monogatari). Trong Nennen zuihitsu (Tùy bút hàng năm) của Ishiwara Masaakira (chết 1821), Makura no soshi được xem là tùy bút. Ishiwara cũng định nghĩa khái niệm tùy bút hết sức rõ ràng: “Tùy bút là thể loại ghi lại những gì người viết đã thấy và nghe, nói và nghĩ, những thứ vô nghĩa và những thứ quan trọng. Vì thế, nó gồm những đoạn được viết rất tốt và cả những đoạn hời hợt mà người viết cho rằng nên quên đi. Người viết không thể nắm bắt vấn đề theo kiểu mơ hồ, còn những vấn đề vô vị, bất tiện thì vẫn có thể được viết đến dù cho nó là một thiên hướng xấu. Tuy nhiên, vì tùy bút là không gọt giũa, những biểu hiện chân thực của cá tính, khả năng và hiểu biết làm nên sự thú vị của thể loại này.”[4, 72]. Ishiwara khảo sát thể loại zuihitsu trong quá khứ và đương thời, khảo sát cả tùy bút của Trung Quốc và Nhật Bản, trong đó ông xưng tụng Makura no soshi như là tác phẩm tuyệt vời nhất của thể loại này.

Makura no soshi sở dĩ được các học giả thế kỷ 18, 19 quan tâm đến và nhìn nhận vai trò tiên phong trong lĩnh vực tùy bút là bởi sự hưng thịnh của phong trào Quốc học trong giai đoạn này. Các học giả trong phong trào này đề xướng thuyết phục hưng văn hóa Nhật Bản, kêu gọi người Nhật tìm về lại các giá trị thuần túy Nhật Bản từ thời cổ đại như Shinto và văn học cổ điển. Từ thơ ca và các thành tựu văn học, các học giả đã đề xướng những cảm thức thẩm mỹ riêng đặc trưng của người Nhật, mà tiêu biểu là mono no aware (bi cảm aware). Trong bối cảnh đó, Makura no soshi cũng được nhìn nhận lại.

Vấn đề Makura no soshi cũng như thể loại văn tản mạn của Nhật vào thế kỷ thứ X có chịu ảnh hưởng trực tiếp từ một thể loại tương tự ở Trung Quốc hay không, cho đến nay vẫn có nhiều bàn cãi. Nhiều học giả cho rằng thể loại này, kể cả Makura no soshi chịu ảnh hưởng từ văn chương đại lục; trong khi nhiều học giả khác lại cho rằng đây là thể loại văn chương phát triển độc lập, mang tính nội sinh và tương đương với các thể loại ở Trung Quốc. Chứng minh cho quan điểm thứ nhất, nhiều học giả đặt Makura no soshi bên cạnh tập tản văn Nghĩa Sơn tạp soạn của Lý Thương Ẩn (813-858) thời Vãn Đường. Đến nay, các học giả vẫn chưa xác định được thời gian Nghĩa Sơn tạp soạn du nhập vào Nhật. Người ta chỉ căn cứ trên một số điểm giống về nội dung trong các đoạn của Makura no soshi với Nghĩa Sơn tạp soạn để đưa ra giả thuyết ảnh hưởng. Có thể, thời bấy giờ, những câu thành ngữ, cách ngôn đã được trao đổi giữa Nhật Bản và đại lục thông qua các chuyến du hành nên Sei Shônagon có chịu ảnh hưởng những câu nói có nguồn gốc Trung Quốc vào tác phẩm của mình. Còn việc xác định vai trò ảnh hưởng của Nghĩa Sơn tạp soạn thì phải có những chứng cứ rõ ràng và thuyết phục hơn.

Trong phần Thể loại tùy bút ở Trung Quốc, chúng tôi đã khái quát những nét sơ lược của thể loại tùy bút nói riêng và thể loại đoản văn tự sự viết theo lối tản mạn ở Trung Quốc nói chung. Qua đó, có thể thấy một điều rằng lối viết tản mạn có từ rất lâu trong lịch sử Trung Quốc, và người Nhật đã học nó cùng với quá trình du nhập chữ Hán và văn chương đại lục. Song, ta có thể thấy rõ một điều rằng hầu hết các thể loại viết theo lối tản mạn ở Trung Hoa trước và sau Dung Trai tùy bút đều có nội dung thiên về học thuật, kiến thức hơn là bày tỏ quan điểm, cảm xúc cá nhân về cuộc sống đời thường. Dòng văn học nhật ký, tùy bút thời Heian đã học từ Trung Hoa lối viết văn tản mạn, và đã tự định đường đi riêng cho thể loại này theo cách nghĩ của người Nhật. Các thể loại nhật ký, tùy bút, bút ký… khi đến Nhật lại mang màu sắc mới, màu sắc cá nhân, màu sắc của đời thường và những cảm xúc chân thật. Điều này, ta rất ít gặp trong các tác phẩm cùng thể loại ở Trung Hoa. Trường hợp của Makura no soshi là một ví dụ điển hình.

Makura no soshi (Chẩm thảo tử) dù không được Sei Shonagon định danh bằng thuật ngữ “tùy bút”, nhưng nội dung và hình thức của tác phẩm mang đầy đủ hàm nghĩa nguyên lai của thể loại này, nghĩa là thuận theo ngọn bút mà viết. Có thể nói, Makura no soshi  là tác phẩm tùy bút đầu tiên của văn học Nhật, ra đời vào đầu thế kỷ XI và có ảnh hưởng đến dòng văn học tùy bút sau này.

3.2   Tùy bút Nhật Bản sau “Makura no soshi”

·        Thời trung đại (1185-1600)

Trong thời trung đại, hai thể loại kiko (du ký) và zuihitsu (tùy bút) trở thành hai thể loại quan trọng trong văn học Nhật. Sự thịnh hành của nikki (nhật ký) và văn chương nữ giới có phần giảm sút so với thời Heian bởi sự thay đổi ý thức hệ của thời đại võ sĩ. Văn học nhật ký và tùy bút không còn nhập nhằng như trong thời Heian nữa mà mỗi thể loại đã định hình một thế đứng riêng, với các đặc tính khu biệt.

Trong thời Kamakura (1185-1382), dòng văn học ẩn sĩ (inja bungaku) hay văn học thảo am (soan bungaku) xuất hiện và trở nên phổ biến với nhiều văn nhân lỗi lạc. Dòng văn học này quy tụ những ẩn sĩ, vì chán cảnh đời nhiễu nhương nên tìm về nương náu chốn chùa chiền; xem cuộc đời này là vô thường; lấy sự thanh cao, đạm bạc nơi đời sống tu hành làm niềm vui. Triết lý sống này còn ghi dấu trong những trước tác họ để lại cho đời . Thể loại zuihitsu trở thành người bạn đồng hành với dòng văn học này.

Tác phẩm tùy bút tiêu biểu cho thời kỳ này là Hojoki 方丈記 Phương trượng ký của Kamo no Chomei (1153-1216). Chomei là một thi nhân tài hoa, một nhạc công có tài, xuất thân trong một gia đình làm tư tế đền thờ Thần đạo ở Kyoto. Vì muốn nối nghiệp cha mà không thành, ở tuổi 50, ông lánh đời lập một thảo am tu hành. Ông viết Hojoki (Phương trượng ký) ghi lại những quan sát và cảm nghiệm về thiên nhiên, con người, xã hội xung quanh “phương trượng” của mình. Tập sách rất mỏng, chỉ độ 30 trang, song đã ghi lại những biến động lớn của thời cuộc và tâm thế của một nhà sư trước những biến động đó. Chomei không gọi tác phẩm của mình là zuihitsu mà là ki (ký), nhưng tác phẩm mang đậm phong cách của tùy bút. Cảm thức của Hojoki là cảm thức vô thường được khái quát thành triết lý: “Dòng nước trong con suối kia trôi đi không ngừng, nhưng nước không là nước cũ. Bọt nước nổi lên trên dòng nước, lúc tụ lúc tan, không thể ở lâu. Con người và chỗ ngụ cư trong thế giới này thì cũng vậy thôi” [6, 168]. Ngay trong sinh hoạt hàng ngày, ông cũng chiêm nghiệm ra chân lý ấy và hưởng trọn những niềm vui trần thế đơn sơ: “Phía nam cái am, có đặt máng để lấy nước khe. Rừng ở kề bên nên nhặt cành khô làm củi không khó. Cỏ bò lan lấp lối đi, trong trũng cây cối rậm rạp nhưng phía tây lại thoáng nên buổi chiều ngắm mặt trời lặn để suy nghĩ về cõi Tây Phương tịnh độ cũng tiện. Mùa xuân hoa tử đằng nở như chòm mây tím, mùa hè, tiếng cuốc kêu đưa đường cho người về cõi u minh, mùa thu ve ran suốt ngày than cho cuộc đời bèo bọt, mùa đông thì cảnh tuyết rơi phô cho thấy vòng sinh diệt của kiếp người đầy tội lỗi. Mỗi ngày được niệm Phật đọc kinh tùy thích, sống có một mình nên chẳng lo phạm tội gian dối cùng ai. Tảng sáng ra bờ sông Uji ngắm thuyền bè qua lại, miệng ngâm nga mấy câu thơ, chiều về khảy ít tiếng tỳ bà. Có hứng thì chơi điệu "Thu Phong lạc" hay khúc "Lưu tuyền" bí truyền. Dù đánh không hay cũng chẳng lo ai để ý.” [1].

Hojoki được viết bằng Hòa văn pha lẫn Hán văn, giọng văn sắc sảo mà cảm động; những triết lý huyền nhiệm của Phật giáo được diễn tả bằng những cảm nghiệm gần gũi với đời thường. Vì thế, dù không đồ sộ, Hojoki vẫn là tác phẩm tiêu biểu cho dòng văn học tùy bút đầu thời trung đại.

Tác phẩm tùy bút đáng kể khác của dòng văn học ẩn sĩ thời trung đại là Tsurezuregusa  徒然草 (Đồ nhiên thảo). Tác giả của tùy bút này là thiền sư Yoshida Kenko (1285-1353), vốn xuất thân trong một gia đình tư tế Thần đạo, từng làm quan lục phẩm trong triều. Năm 30 tuổi, sau cái chết của Thiên hoàng Go Udanoin, người mà ông phụng sự, ông xuất gia lánh đời, vân du khắp chốn. Tsurezuregusa gồm 243 đoản văn, có đoạn chỉ một câu và có đoạn vài trang, trong đó tác giả ghi lại những suy nghĩ, chiêm nghiệm về phong tục, tập quán, về các thú vui tao nhã cung đình thời Heian, và cả niềm tiếc thương cho sự lụi tàn. Kenko là người có học vấn uyên thâm và cái nhìn sắc bén, ông thể hiện niềm ngưỡng mộ với sự tinh tế của văn hóa quý tộc, đồng thời cũng nhìn ra sự suy thoái của văn hóa ấy vào đương thời. Cảm quan vô thường bao trùm tập tùy bút, từ cảm nhận về thiên nhiên đến tâm lý con người. Vô thường với Kenko không là một bài ca u ám, mà là một chân lý rất thực như chính cuộc đời. Vì thế, ông tìm niềm vui trong sự vô thường, ông nhìn thấy cái đẹp trong chính lẽ vô thường của tạo hóa:

“Nếu con người không bao giờ tan biến như những giọt sương trên cánh đồng Adashi; không bao giờ mất hút như làn khói trên miệng núi Toribe, mà lại đeo đẳng vĩnh viễn trên thế giới này, thì còn gì làm cho ta xúc động nữa! Điều quý báu nhất trong đời sống chính là nỗi vô thường.” [6, 178].

Xét về mặt thể loại, Tzuresuregusa rất gần với Makura no soshi. Ngay lời mở đầu tập tùy bút, Kenko viết về phong cách của tác phẩm:

Những lúc rỗi rảnh đến nhàm chán, từ sáng đến chiều, ta đối mặt với nghiên mực, đang nghĩ chuyện này bắt sang chuyện khác, mặc cho ý tưởng trào ra đầu ngọn bút.” [7, 1].

Đoạn mở đầu này gợi nhớ đến đoạn kết của Makura no soshi, trong đó Sei Shônagon cũng quan niệm tác phẩm của mình là những ghi chép tình cờ, thuận theo ngòi bút. Sự ảnh hưởng của Makura no soshi với Tzurezuregusa được các học giả Nhật Bản lưu tâm và khảo sát. Shotetsu trong Tsurezuregusa Jumyo’in sho, tập sách phê bình đầu tiên về tác phẩm, xuất bản năm 1604 đã viết: “Hình thức của tập sách là học theo Makura no soshi của Sei Shonagon; còn cách diễn đạt thì học từ Genji monogatari”. [4, 66].

Kenko là người hiếu cổ, lại tôn sùng văn hóa thời Heian, lẽ dĩ nhiên ông biết đến Makura no soshi và việc chịu ảnh hưởng từ lối viết của tiền nhân là điều đáng trân trọng. Tập tùy bút của ông đã khắc thêm dấu ấn đặc trưng cho thể loại tùy bút của văn học Nhật Bản, trong thế dị biệt với các tác phẩm tương tự về thể loại của Trung Hoa.

Cả Hojoki Tsurezuregusa đều không tự định danh “tùy bút”, nhưng tính chất “nương theo ngọn bút” của các tác phẩm này lại khá rõ nét. Tiếp nối truyền thống của Makura no soshi, các tác phẩm này càng làm cho người đời sau thêm xác tín về sự hiện diện của một lối viết tùy bút mang phong cách riêng của người Nhật thời cổ và trung đại.

Tác phẩm đầu tiên của người Nhật mang tên zuihitsu có lẽ là Tosai zuihitsu 東斎随筆(Đông Trai tùy bút) của Ichijo Kanera (1402-1481). Các học giả nhìn nhận đây là lần đầu tiên có một tác phẩm viết ở Nhật dùng hai chữ “tùy bút”, nhưng đồng thời họ cũng đặt vấn đề liệu tác phẩm có mang những đặc trưng thực sự của thể loại tùy bút không, hay chỉ là một cách gọi tên. Tosai zuihitsu gồm 78 giai thoại được chia thành 11 đề mục: âm nhạc, cây cỏ, chim muông, chuyện con người, thơ ca, chính phủ, giới luật Phật giáo, Thần đạo, trang phục, tình yêu và giải trí. Việc sử dụng các tiêu đề như vậy nhắc nhở tới những bản tổng mục của Trung Quốc, ngay cả cách gọi tên các đề mục cũng mang màu sắc Trung Hoa. Các học giả đặt vấn đề rằng liệu Tosai zuihitsu, xuất hiện vào thế kỷ 15 là sự kế thừa những tác phẩm tản mạn theo kiểu tùy bút của thời trung đại như Hojoki, Tsurezuregusa hay là sự tiếp thu một cách trực tiếp từ thể loại tùy bút của Trung Hoa. Mặc dù sự phân loại chủ đề mang nhiều màu sắc văn học Trung Quốc, song khi khảo sát nội dung của tập tùy bút, các học giả nhận thấy những câu chuyện được kể lại đều có nguồn gốc từ lịch sử và truyền thuyết Nhật Bản, không có một tích truyện nào có nguồn gốc Trung Quốc. Sự ảnh hưởng của các tác phẩm tùy bút Trung Hoa như Dung Trai tùy bút của Hồng Mại và Đông trai ký sự của Phạm Trấn (1008-1088) đến tiêu đề của Tosai zuihitsu cho đến nay vẫn chưa tìm được những chứng cứ thuyết phục. Nếu so sánh tương quan về số lượng thì Tosai zuihitsu càng không thể đã học theo hai tùy bút của Trung Quốc, Dung Trai tùy bút gồm 74 quyển 1256 đoạn và Đông trai ký sự có 10 đến 12 quyển. Không tìm được chứng cứ thuyết phục cho việc tác phẩm này ảnh hưởng trực tiếp từ đại lục, các nhà nghiên cứu đưa ra giả thuyết “Tosai” (Đông Trai) có thể là tên hiệu của Kanera khi còn trẻ. Tuy vậy, chúng ta vẫn không thể phủ nhận nguồn gốc Trung Hoa của zuihitsu dù cho có thể các tác giả thời bấy giờ chưa quan tâm đến các tùy bút của Trung Hoa du nhập vào. Ít nhất là về mặt thuật ngữ, người Nhật đã mượn từ “sui bi” của Trung Quốc và đọc theo âm Nhật thành một thể loại mới là zuihitsu. Tác phẩm của Kanera dù không bắt chước từng trang của các tùy bút Trung Quốc nhưng cách sắp xếp, phân loại cho đến tên gọi thể loại đã có dấu vết của sự vay mượn từ văn chương đại lục. Dựa vào cách sắp xếp, bố cục và nội dung, khó có thể nói rằng phong cách của Tosai zuihitsu là “nương theo ngọn bút” mà phải là “học theo ngòi bút của tác giả khác”. Tosai zuihitsu, tác phẩm mang tên gọi “tùy bút” đầu tiên của Nhật lại không phải là tác phẩm theo phong cách tùy hứng, diễn tả những suy nghĩ cá nhân như truyền thống vốn có từ thời Heian với Makura no soshi.

·        Thời Edo (1600-1868)

Đây là thời kỳ thể loại zuihitsu trong văn học Nhật để lại nhiều tác phẩm nhất. Trong vòng hai thế kỷ, số lượng tác phẩm được viết ra là 5000. Con số đó là thống kê những tác phẩm còn sót lại đến ngày nay. Điểm nổi bật của tùy bút Nhật giai đoạn này là sự học theo và rập khuôn các tác phẩm tùy bút của Trung Quốc. Nếu như trong thời trung đại, các học giả còn băn khoăn liệu Tosai zuihitsu có ảnh hưởng trực tiếp từ một tác phẩm cùng loại nào của Trung Quốc không, thì đến thế kỷ 17, các học giả đều khẳng định rằng tùy bút Nhật là sự học theo những tác phẩm đến từ đại lục.

Những tác phẩm đầu thời Edo ít có cùng phong cách với Makura no soshi hay Tsurezuregusa mà giống với thể loại tùy bút của Trung Quốc hơn. Okanishi Ichu (1639-1711) trong lời tựa Ichiji zuihitsu 一時随筆 (Nhất thời tùy bút) đã viết: “Tập sách này có tên là Ichiji zuihitsu, học theo Dung Trai Đông trai”. [4, 56].

Các tác phẩm tùy bút đầu thời Edo, có thể kể đến Jurei manpitsu của Kinoshita Iesada (sống khoảng 1596-1615), Empekiken zuihitsu của Kurokawa Doyu (1620-1691), Ichiji zuihitsu của Okanishi Ichu…

Đỉnh cao của thể loại tùy bút thời Edo là vào cuối thế kỷ 18 đến đầu thế kỷ 19, khi mà phong trào kôshôgaku (khảo chứng học) phát triển mạnh. Các học giả gọi đây là thời đại của zuihitsu. Các học giả theo hệ tư tưởng mới này có xu hướng phục cổ, thích đi khảo sát phong tục và những giá trị của văn hóa cổ. Thêm vào đó, nghề xuất bản ở Edo lúc này đã đạt trình độ cao, tạo điều kiện thuận lợi cho các tác phẩm ra đời. Các tác giả nổi tiếng đương thời cũng chuyển sang viết tùy bút để ghi lại những hiểu biết và nhận xét của mình về các giá trị cổ xưa.

Tác phẩm tiêu biểu cho quan niệm về tùy bút thời đại này là Yosho manpitsu của Takada no Tomokiyo. Tác phẩm được viết theo đơn đặt hàng của một người bán sách, yêu cầu chuyển một tập những câu trích dẫn thành tác phẩm tùy bút trong vòng 50 ngày. Takada đã tuyển chọn 510 cuốn sách làm tài liệu tham khảo. Ông thêm vào các câu trích dẫn những đoạn viết tình cờ theo suy nghĩ của riêng mình. Tùy bút này là sự tập hợp của kiến thức cổ điển, các câu chuyện giáo huấn, tự truyện và các quan niệm của tác giả.

Trong thời Edo, độc giả quan niệm zuihitsu như kiểu bách khoa toàn thư bây giờ, nghĩa là các tập sách tập hợp các kiến thức về nhiều lĩnh vực, được nhìn dưới nhãn quan của tác giả. Quan niệm này rất gần với quan niệm về các thể loại tùy bút, bút ký ở Trung Quốc. Thời kỳ này cũng xuất hiện các tên gọi khác zuihitsu nhưng lại có nội hàm thể loại gần giống với tùy bút, có thể kể đến zakki (tạp ký), manpitsu (mạn bút), manroku (mạn lục),  kanwa (nhàn thoại), mango (mạn ngữ), hikki (bút ký), dokugo (độc ngữ).

Con đường của văn học tùy bút cổ điển Nhật Bản, khởi đi từ Makura no soshi là con đường của cả sự tự lực và tiếp thu từ văn chương đại lục. Dòng văn học này đã chảy xuyên suốt qua các thời đại lịch sử Nhật Bản và vẫn còn tiếp tục phát triển trong văn học hiện đại. Nhiều thời kỳ, văn học tùy bút là dòng văn học quan trọng bậc nhất, đồng thời có ảnh hưởng đến các tác phẩm truyện kể và thơ ca. Đặt văn học tùy bút Nhật Bản bên cạnh các tác phẩm cùng thể loại của Trung Quốc, ta có thể thấy rằng tùy bút Nhật Bản chú trọng đến tính cá nhân của người viết hơn tùy bút Trung Quốc. Đây cũng là đặc trưng của dòng văn học tùy bút Nhật Bản.

Tài liệu tham khảo

1.      Đào Hữu Dũng, Dòng nhật ký và tùy bút trong văn học Nhật Bản, http://www.vanhoanghean.com.vn/goc-nhin-van-hoa/nhung-goc-nhin-van-hoa/2189-dong-nhat-ky-va-tuy-but-trong-van-hoc-nhat-ban.html

2.      Earl Miner, The traditions and form of Japanese poetic diary, Pacific Coast Philology Vol.3, 1968.

3.      Ivan Morris (translated and edited), The pillow book of Sei Shônagon, Columbia University Press, 1991.

4.      Linda H. Chance, Formless in form Kenko, Tsurezuregusa and the Rhetoric of Japanese fragmentary prose, Standford University Press, 1997.

5.      Marilyn Jeanne Miller, A structural definition of autobiographical writings of Japan and the West: based on an analysis and comparision of Nikki bungaku and Western Analogues, Doctor of Philosophy- Washington University, 1979.

6.      Nhật Chiêu, Văn học Nhật Bản từ khởi thủy đến 1868, NXB Giáo dục, 2003

7.      Nguyễn Nam Trân, Buồn buồn phóng bút (Bản dịch Tsurezuregusa), http://chimviet.free.fr/vannhat/namtran/donhienthao/nntd070.htm

8.      , 容斋随, http://www.dushu.com/showbook/100947/



[1] Eshin (942-1071) là một tu sĩ, tác giả của Eshin no makura no soshi (Makura no soshi của Eshin) gồm 34 bài thuyết pháp về tư tưởng giác ngộ của tông Tendai.

Nguồn: Tạp chí Nghiên cứu văn học số 2.2012 

Thông tin truy cập

63676851
Hôm nay
Hôm qua
Tổng truy cập
20569
17595
63676851

Thành viên trực tuyến

Đang có 170 khách và không thành viên đang online

Sách bán tại khoa

  • Giá: 98.000đ

    Giá: 98.000đ

  • Giá: 85.000đ

    Giá: 85.000đ

  • Giá: 190.000đ

    Giá: 190.000đ

  • Giá:140.000đ

    Giá:140.000đ

  • 1
  • 2
  • 3
  • 4

Liên hệ mua sách:
Cô Nguyễn Thị Tâm
Điện thoại: 0906805929

Danh mục website