Hiện thực nối dài trong “Biên niên ký con chim vặn dây cót” của Murakami Haraki

                     

           Nếu văn minh là cái con người thêm vào thiên nhiên thì nghệ thuật là sự thêm vào cuộc sống.

           Thời đương đại, con người trở thành ký hiệu giữa một hiện thực thậm phồn, thành mắt xích trong guồng máy bất tận của đời sống. Sự hiện hữu của con người dường như càng ngày càng bị thu hẹp lại cùng với những tiến bộ của văn minh vật chất. Con người sống nhiều với “xa lộ” của cuộc hiện hữu- làm việc, ăn uống, vui chơi- mà đánh mất những “đường hầm” lẽ ra phải là chốn về quen thuộc.

Murakami Haruki trong suốt hành trình văn nghiệp của mình, đã mải miết tìm lại đường về bản thể cho con người hiện đại. Nhà văn sống hết mình với cái hôm nay, để bước vào những ngóc ngách của tâm hồn hiện đại. Nếu Rừng Na Uy là khúc dạo đầu của cuộc tìm kiếm thì Biên niên ký con chim vặn dây cót chính là dàn hợp xướng hoành tráng ca vang trên con đường tìm về bản thể. Tác phẩm là sự nối dài của cái mà con người ngày nay vẫn hay gọi là “hiện thực”.

Các nhân vật trong Biên niên ký con chim vặn dây cót đều dừng lại, bứt khỏi vòng xích vô tận của nhân quần (trừ Wataya Noboru). Từ đó, họ nhận biết rằng bên ngoài đời sống xô bồ kia, còn những phần họ chưa sống hết.

Từ Okada Toru, Kumiko, Kahasha May đến những nhân vật “huyền bí” như chị em Kana, mẹ con Nhục đậu khấu…, tất cả đều dừng lại, lắng nghe âm thanh từ những tầng sâu thẳm của cuộc sống mà bình thường họ không thể nghe được.

Cuốn tiểu thuyết là chuỗi dài những dấu hiệu, dấu hiệu bước ra từ hiện thực nhưng lại mặc khải cho những điều cao hơn hiện thực. Người đàn bà điện thoại nặc danh, con mèo mất tích, cái giếng… tất cả đều là dấu hiệu. Nhân vật chính Okada Toru bị quẳng vào giữa chuỗi dài rối rắm ấy, bỡ ngỡ, lạ lùng nhưng rồi cuối cùng cũng tìm thấy ý nghĩa của chúng và ý nghĩa cuộc tồn sinh của bản thân mình. Trước Murakami, Paulo Coeho, nhà văn Mỹ La Tinh cũng đã từng cho nhân vật chú bé chăn cừu Santiago của mình phiêu lưu cùng dấu hiệu trên hành trình tìm kiếm kho tàng trong giấc mơ ở miền hoang mạc Ai Cập xa xôi (Đọc Nhà giả kim). Nhưng dấu hiệu của Paulo Coeho mang dáng dấp huyền tích, xa lạ với đời sống ngồn ngộn của thời hiện đại; còn Murakami, ông biến những điều gần gũi nhất của đời sống thường nhật thành dấu hiệu, đặt chúng cạnh nhau như những mật thư mở lối vào con đường sâu thẳm khám phá tự thân. Toru đã chối bỏ hiện thực để bước vào một hiện thực dài hơn sâu hơn, cứu người vợ thân yêu thoát khỏi sự ràng buộc ghê tởm về tâm hồn. Sự xuất hiện của cái giếng cạn và vết bầm xanh trên mặt là phép lạ của đời anh (xin hiểu phép lạ là điều kỳ diệu, không phải là là một cái gì linh thiêng, thuộc về siêu nhiên). Cái giếng cạn nối anh từ thực tại trở về quá khứ chiến tranh, trở về với cái giếng cô độc của trung uý Mamiya trên sa mạc Mông Cổ năm nào. Còn vết bầm xanh kia là tình cờ hay chính là sự lặp lại số phận của viên bác sĩ thú y Nhật tại vườn thú Tân Kinh thời đệ nhị thế chiến? Dấu hiệu dẫn về quá khứ rồi từ đó mở cửa cho nhân vật khám phá sâu vào thế giới tinh thần. Cái giếng cạn trong ngôi nhà hoang là cánh cửa mở cho Toru Okada bước vào thế giới “siêu thực”. Và vết bầm xanh là nơi chuyển hoá những năng lượng tiềm tàng trong anh về với thế giới thực. Những dấu hiệu kia cũng có thể hiểu là tượng trưng, là ẩn dụ mà nhà văn cố tình đặt ra để người đọc dễ hình dung về thế giới “siêu thực”.

Hiện thực được nối dài bằng những giấc mơ, ở đó nhân vật sống tiếp đời sống của mình. Mơ ở đây không phải là mộng mị mà là “siêu thực”. Okada Toru thường xuyên đi về căn phòng 208, một chốn về được tạo tác bởi ý thức. Có một điều bí ẩn từ căn phòng kia, anh phải tìm nó như tìm chính trong đầu óc của mình. Những giấc mơ, cái gậy bóng chày, giếng cạn, vết thương trên mình Toru… là ẩn dụ mới theo kiểu Murakami. Sẽ chẳng có giấc mơ nào gây thương tích trong đời thực nhưng vẫn sẽ có những vọng động từ tư tưởng con người tương tác với tha nhân. Murakami đã gặp Phật giáo trong chính quan niệm này. Toru đi dọc theo hành lang căn nhà trong mơ không phải chỉ để thoả mãn trí tò mò, hay đi tìm dấu vết người vợ mất tích. Có những thôi thúc nội tại từ trong vô thức buộc anh phải kiếm tìm dù có vong thân.

Tình dục trong tác phẩm Murakami cũng là một cuộc nối dài hiện thực. Không chỉ đơn thuần là quan hệ tính giao, tình dục là cách mà nhân vật của Murakami sống tiếp cuộc sống của mình. Kano Creta phải làm “điếm tinh thần” để cứu chuộc khoảng thời gian làm điếm thể xác và để khám phá những ngóc ngách tâm hồn con người. Tính dục của Murakami đưa con người vươn chạm đến những điều mà bằng lý trí không thể cảm nhận được. Từ đó, ta nhận ra đời sống không chỉ có xa lộ mà còn có cả những đường hầm dài vô tận cho ta bước đi và khám phá.

Murakami Haruki tóm thâu cả thế giới đương đại, từ thời trang, âm nhạc, lối sống đến báo chí vào tác phẩm. Cái khung này tạo nên thế giới thực tại để từ đó mở đường cho một thế giới xa hơn, sâu hơn. Chính hiện thực nối dài mới là thứ nhà văn muốn người đọc dấn thân vào.

Murakami từng nói về xã hội Nhật: “Sau chiến tranh, được sống trong hoà bình, mọi việc trở nên tốt đẹp hơn, sống dễ chịu hơn. Thế nhưng, không phải mọi chuyện đều đơn giản như thế: chúng ta trở nên giàu hơn, nhưng chúng ta vẫn không biết đi theo con đường nào.” Biên niên ký chim vặn dây cót có phải chính là một đường đi, một con đường dài hơn thực tại mà con người khi đang chới với có thể bước đi và tìm về?

Thông tin truy cập

63525191
Hôm nay
Hôm qua
Tổng truy cập
22161
13883
63525191

Thành viên trực tuyến

Đang có 192 khách và không thành viên đang online

Sách bán tại khoa

  • Giá: 98.000đ

    Giá: 98.000đ

  • Giá: 85.000đ

    Giá: 85.000đ

  • Giá: 190.000đ

    Giá: 190.000đ

  • Giá:140.000đ

    Giá:140.000đ

  • 1
  • 2
  • 3
  • 4

Liên hệ mua sách:
Cô Nguyễn Thị Tâm
Điện thoại: 0906805929

Danh mục website