Bình minh là của ta, Trước cả khi ta biết

Trong khoảng 10 năm cầm bút làm phê bình văn học, hiếm khi nào tôi lại được rộng rãi nhiều phương án lựa chọn tiêu đề cho một bài viết như lần này. Đi đâu đi, đừng mua vé khứ hồi. Những cây nến nhỏ từng giọt đời ra thắp lửa. Mạch rồng của thi ca v.v.. Nhưng cuối cùng tôi chọn đầu đề ở trên.

20220921

Vốn là một câu thơ trong bài The Hill We Climber đọc tại Lễ nhậm chức của tổng thống Hoa Kỳ ngày 20/01/2021 được Phạm Minh Quân dịch ra tiếng Việt in ở tập Mạch Rồng với 317 bài thơ của 42 tác giả tuổi đời dưới 35, cùng tham dự Hội nghị nhà văn trẻ lần thứ 10 tại Đà Nẵng hồi trung tuần tháng 6 năm 2022. Chọn như thế bởi vì thời đại của chúng ta có những khát vọng, băn khoăn giống nhau khi người Việt Nam vươn tới thế giới hiện đại trong một nỗ lực không mệt mỏi mà tiêu biểu là lớp người gần như trẻ và xung mãn nhất của đất nước đang hướng tới tương lai mà chính họ dường như còn chưa biết rõ mình là ai và nhất là rồi sẽ là ai. Thi ca với tư cách nghệ thuật của ngôn từ là người diễn ngôn chân thành, đầm ấm và trăn trở nhất văn hóa của một thời đại. Thi ca thức tỉnh nguồn mạch những giá trị sống. Đọc tập Mạch Rồng của họ, tôi hân hoan được tiếp nhận một thế giới tinh thần giàu cảm xúc hưng phấn và ấn tượng đầu tiên về một nền hòa bình trong tình yêu và khát vọng. Khác với nhiều tuyển thơ trong thế kỷ 20 và khoảng 10 năm đầu thế kỷ 21, Mạch Rồng của thời đại hôm nay không còn tiếng gầm rú của bom rơi đạn nổ, không còn tiếng máu chảy bi thiết mà trầm lắng dòng dòng trên núi đồi và sông suối… Và cả tiếng hô khẩu lệnh nhằm thẳng quân thù mà bắn vang đi suốt chiều dài của 50 năm nửa sau thế kỷ 20. Trong 317 bài thơ chỉ có 5 lần nói tới chiến tranh. Nhưng đó là ký ức chiến tranh sâu lắng trong đời sống tinh thần như những tiếng thầm của đất nhắc nhở sự hy sinh của bao người đi trước cho hòa bình hôm nay. Âm điệu nhẫn nại của lửa truyền lại từ cuộc chiến giờ chỉ còn ngàn ngàn ngôi mộ vô danh. Không biết có bao nhiêu đứa con đi ra chiến trường bỏ mẹ theo cha cũng đã đi như thế. Mẹ như ngọn nến mong manh giữa rừng. Trong khi người em gái nhỏ hát giữa đại ngàn bài ca người ra trận mà không hay biết người chiến binh ấy ở đâu dọc những chiến hào hàng triệu người trai tráng ngã xuống. Những lá thư rơi rụng dọc đường. Chỉ có hoa màu xanh nở giữa thung xanh. Hoặc chỉ là bầy mối trong rừng mưa khi những người lính lặng lẽ bước ra từ những mộ phần yên nằm không ai nhìn thấy để nhớ lại cơn sốt rét dài hơn thập kỷ. Bầy mối bay quanh quẩn trong rừng mưa như một ẩn ức nhắc nhở cuộc đời này. Chỉ có 5 lần chiến tranh xuất hiện trong 500 trang sách nhưng đại diện được cho toàn bộ thế hệ trẻ hôm nay biết ơn và không bao giờ quên quá khứ với một thi pháp diễn ngôn đầy xúc động bổ sung vào nguồn mạch thi ca viết về chiến tranh trong thế kỷ 20.

Có một sự gặp gỡ lạ lùng giữa tuổi trẻ và thi ca ở những thời điểm thách thức của lịch sử hiện đại. 44 tác giả trong Thi nhân Việt Nam, chỉ trừ Tản Đà là người cao tuổi. Hầu hết các tác giả của phong trào Thơ mới 1930-1945 đang độ tuổi dưới 30. Già dặn như Đông Hồ, Quách Tấn cũng chỉ 35, 36. Cả thảy họ có 169 bài chưa kể hai người chỉ được điểm thơ. Vậy mà họ là người mở ra một thời đại mới trong thơ. Tuyển Thơ chống Mỹ cứu nước 1965-1967 có 112 tác giả đã có 58 người thơ trẻ với 58 bài thơ mà Chế Lan Viên đã gọi họ là sức trẻTuyển thơ 10 năm đầu thế kỷ 21 có tới nghìn trang gồm 215 tác giả trong đó chỉ có 50 người ở lứa tuổi già. Vậy mà người làm sách trong lời phi lộ nói rằng Tuyển chưa phản ánh đầy đủ diện mạo thi ca Việt Nam vào giai đoạn đó. 42 người trong Mạch Rồng chưa thể gọi là một thời đại mới trong thi ca. Nhưng có cảm tưởng họ cùng nhau hành hương về mảnh đất mang tên số phận con người, cùng chia sẻ những trăn trở, suy tư và ước vọng, thương yêu với cuộc đời này làm nên một thế giới tâm trạng đa màu, đa diện đầy ẩn ức của cá nhân con người. Khác với nhiều tuyển thơ khác, Mạch Rồng báo hiệu một điều hy vọng bởi đã có những tác giả thơ với cảm xúc và hình tượng thơ khác biệt làm nên một lối diễn ngôn có cá tính không thể lầm lẫn. Họ không hát đồng ca nữa. Họ có giọng điệu riêng của bản thân mình với sự phong phú về thể loại thơ. Có nhiều tác giả ghi dấu ấn trong thể thơ tự do có vần và một số tìm sự khác biệt thành công trong thể thơ lục bát. Họ như là bình minh của một ngày đang tới.

Mộc Anh đa mang trăn trở những điều muôn thuở của nhân gian khi Viết về đêm. Bắt gặp lại những nhành cỏ bơ vơ trên suốt quãng đường về với mơ hồ phấn mịn mùa hè nằm yên trong nếp áo. Bài ca về con đường nhỏ dại mà đêm thầm thì tên gọi những dòng sông. Cuộc đời con người như những đám mây có thể tan tác khi trời đổ lệ mà sao liếp sàn thì thùng gió núi, ván sàn lép bép củi than nơi bản xa miền sơn cước xứ Nghệ.

Huỳnh Ngọc Tuyết Cương trở về với cái bình an nhẹ nhàng của dân gian Điền dã từ trong cảm xúc vận hành thể thơ lục bát nhuần nhụy. Lá như đôi mắt người say, nửa rơi xuống đất nửa bay về trời. Thầm trách ai đó qua sông vô cớ bỏ lại một câu Kiều để thi nhân mãi vẹn một chiều sao hôm. Có lúc câu thơ già hơn tuổi. Cuộc đời ai ra đi bỏ lại bơ vơ để ai về quét lá quê nhà, đốt lên bầy khói nhuộm già tóc non.

Vàng A Giàng se sắt những sợi lanh ẩn ức cuộc đời. Cảm nhận chiều tam giác mạch buồn như nỗi nhớ bởi lỡ hẹn một cuộc tình khi chiều đứng bóng Khâu Vai. Lời thơ của Vàng A Giàng chân thật như ruộng bậc thang có mấy bậc nhìn là biết mà bất ngờ Giàng say ảo giác những sợi chiều cũng bớt cô liêu.

Nguyễn Hương Giang ý thơ sâu sắc, ngôn ngữ thơ bình lặng mặn mà. Trải nghiệm trước những chuyện dị thường của Puskin và Victo Hugo như là một người trong cuộc đấu súng cuối cùng để tìm ra một triết lý trên mặt phẳng hạnh phúc niềm hân hoan cùng tận mặc cho cuộc đấu súng có thể còn tiếp diễn trên mặt tuyết cô đơn. Cùng với niềm tin rằng anh gù Quasimodo vẫn sống và sống mãi như tình yêu bất tử. Thi nhân không hiểu có phải già đi nhiều lắm không khi biết bài thánh ca chẳng có sự lãng quên vĩnh cửu.

Nguyễn Đức Hưng lựa chọn cho mình một cách diễn đạt mới về một vấn đề xã hội phức tạp vốn đã tồn tại nhiều thế kỷ nay được anh gọi là vai phụ. Người đàn bà cô đơn lén lút gọi chồng người khác là chồng chỉ biết ngồi đối thoại với màn đêm. Màn đêm thì hoài nghi không dám nói. Thi nhân suy tư về những vấn đề hàng ngày của đời sống như Viết trước cổng chùa, Nợ quê, Lấy vợ v.v.. Rồi ký ức tháng 6 kể người em hờn dỗi giấu mắt vào vai áo. Thanh xuân ồn ào như một trận mưa. Em gom hết những cồn cào tháng 6.

Lê Tuyết Lan thơ hay mà già hơn tuổi. Hơi thở hiến đời cho những đa đoan. Chỉ đi ngang qua ngôi nhà có khói bếp nhà ai chảy dài qua khóe mắt và cũng chỉ sờ thôi đã bỏng rát thực hư. Trăn trở mùa thay cho nội tóc giờ bạc trắng bởi bao lần hạt bụi đời giằng xé, bao lần sứt mẻ góc sông xưa. Thi nhân không biết tự mình có đánh rơi gì không mà cánh đồng chẳng có mùi nắng cháy rơm rạ. Người ta ngỡ ngàng không nghĩ là cái kết của bài thơ Cơ hàn giấc tôi lại xa xăm đến thế.

Về đây thưa lại ngút ngàn

Lòng sâu đã dựng cơ hàn

Mắt, môi.

Thơ Siêu Thị Chiêu Linh suy tư về sự tan vỡ và hàn gắn của giấc mơ không chở nổi những ngày dài. Thực tại cứ hồn nhiên 10 năm hay nhiều hơn không quan trọng chẳng biết lòng người có cho quá khứ ngủ yên không? Những người đàn bà đi qua những buổi bình minh chắc gì đo đếm được những chiều tà sầu muộn. Thi nhân nói hộ họ, những người đã đi qua tuổi 30 khát khao vô hạn chuyện bế bế bồng bồng. Người ta chợt cảm thông và xác tín với sự nghi ngờ rằng không bao giờ tôn thờ những điều cứ ngỡ rằng có thật, ví như lời thề vàng đá chẳng hề phai.

Thơ Lý Hữu Lương đậm đà chất văn hóa dân tộc Dao. Ta bắt gặp sự nặng lòng suy tưởng về thân phận con người gắn bó với miền đồi núi yên lặng và xa vắng bằng những hình tượng và sự biểu cảm mới lạ. Nhiều vần thơ có sức vang xa. Với Lý Hữu Lương chỉ cần mở bàn tay đã gặp nỗi buồn thượng cổ. Mạch Rồng là bài thơ hay nhất của tác giả và cũng là một trong những bài hay của Tuyển. Người thơ nêu câu hỏi: Tổ quốc được minh định từ bao giờ, lòng đất đã hóa mạch rồng truyền thuyết và tự trả lời: Máu chảy trong tôi máu lai cổ. Vạn vạn người nằm xuống. Có bao nhiêu là oan hồn. Nuôi mạch rồng trong đất.

Lữ Mai mới lạ trong thi pháp ở những liên tưởng bất ngờ giàu chất thơ. Người đã đưa những vùng cảm xúc và ý nghĩa tưởng chừng như không có gì liên hệ gần lại với nhau làm nên bức tranh chan hòa tình yêu cuộc sống. Đôi khi khiến ta không hiểu rõ và mơ hồ ta là ai? Ta đang ở đâu giữa cuộc đời dâu bể này. Giờ gai nhọn đâm hoa nở dưới chiều tà. Bềnh bồng muôn dấu hài xanh cửa sóng. Cứ mơ bật nắp chum sành. Gặp mình quẩn quanh ôm trọn vầng khói tỏa. Trong đêm nghĩ về thân phận cầu Long Biên như không nói về cây cầu mà nói bản thân ta. Ta vơ vất mùa thu trầm đục. Phía sâu xa cay mắt một mái nhà.

Trương Mỹ Ngọc câu thơ dài mà mạch thơ không chậm. Lời thơ trầm ngâm nghĩ ngợi với nhiều cung bậc cảm xúc. Thật dịu dàng bản tình ca cho hai người hát lúc Xuống phố mùa thu, Phác họa mùa thu… Mùa thu ở đây buồn mà lắng đọng suy tư. Nỗi nhớ cũng gầy gò như tháng 7. Mắt thì nâu, tay thì gầy mỏng manh như ngọn cỏ. Với phương nào cũng đụng phải dáng hình anh trong hoang đường của miền ký ứcBa bài thơ thế sự Chỉ cần là đồng bào…, Thương lắm phù sa, Em đã đi… tứ thơ còn dàn trải có thể vì chưa kìm được ngòi bút chạy?.

Ghi nhận sự thành công của Vân Phi ở bài thơ thế sự, vốn là một đề tài ít nhiều còn vơi cạn ở tập Mạch Rồng. Dù là Ngồi lại, thi nhân vẫn tìm ra ý mới thật hay Đi đâu đi đừng mua vé khứ hồi. Đôi lúc thế sự được ngay cả những điều nhỏ bé, giản dị như hạt thóc, gà con… Ngồi đây một xíu thôi mà, để nghe hạt thóc thật thà nói thương. Và Gà con nhặt thóc ngoài sân, nhặt sao cho hết tảo tần gà ơiBản phác thảo thời gian ở xứ tháp Chàm trầm ngâm nhiều lắm. Bốn nghìn năm thăng trầm thế cuộc. Ta nhặt những mảnh vỡ của thời gian từ muôn kiếp trước. Trái tim vẫn bồi hồi trước điệu múa Chaligia.

Những ngày tay đói bàn tay hay ở lối diễn ngôn mới. Chất tự sự không hề bị chồng lấn khi kể chuyện người đàn bà xứ Bắc làm dâu xóm nhà râm ven biển miền Trung. Tựa cửa tủi phận mình rong rêu mùa nhan sắc, bữa ăn trào nước mắt ngóng chồng vẫn biệt ở khơi xa nên buổi chiều cứ miên man thêm mỗi ngày bàn tay đói bàn tay của đôi vợ chồng ấy. Chẳng khác chi nỗi cô đơn mong nhớ mẹ già. Bữa ấy nắng lên đồi rất khẽ, chiều trút võ vàng lên làng cũ, những đăm chiêu rưng rức phía mẹ ngồi.

Trúc Thanh nhận chức làm người bằng tiếng khóc. Hành trang kẻ ra đi có tờ giấy kết hôn không còn giá trị giữa Mùa xuân áo cũĐêm thênh thang cơn gió về trăn trở. Chiếc lá thầm rơi đâu phải mùa thu. Thơ Trúc Thanh buồn mà thanh khiết lạ lùng.

Vĩnh Thông nặng lòng suy tưởng mà tinh tế ẩn chứa nhiều hy vọng. Gọi chiều ơi không còn nữa mà vẫn thấy một chiếc hoa buông xõa thầm thì. Trên đỉnh Phù Vân đời nhỏ bé, bỗng nghe tiếng chuông chùa trăm năm chẳng hiểu ai người đến trước. Trăm năm rêu phong thành vách đền đài. Chẳng biết cái gì còn, mất giữa miền hư ở biên giới Vĩnh Xương cuối năm nghe được tiếng rơi nước mắt như nắng rơi vỡ sóng sông Tiền. Bài thơ Cánh đồng nhiều trăn trở và có cách diễn đạt mới.

Lê Đình Tiến nhẹ nhàng mà tha thiết trên con đường trở về với lục bát dân gian. Làm như một Nguyễn Bính của thời nay. Cảnh và người trong thơ lục bát của Tiến thân thuộc mà ân tình biết mấy. Làng quê chứng kiến sự nhỡ nhàng của một mùa trăng.

Trăng từ hôm ấy nhỡ nhàng

Hóa thành hạt thóc sang ngang mỗi chiều.

Chợ chiều như từ thế kỷ trước hiện về đây. Đơn sơ như vẻ đẹp thanh bần muôn năm của cái cũ.

Chợ chiều bán nhớ mua quên

Vẫn đôi thúng rách nằm bên giần sàng.

Lục bát của Lê Đình Tiến không chỉ chân quê như thế kỷ trước mà còn diễn ngôn được triết lý và suy ngẫm của cuộc dâu bể thời nay.

Ta đi cầm nón ra đồng

Để che mưa nấm mộ không bóng người.

Giữa ngàn nấm mộ vô danh các chiến binh người người lớp lớp ngã xuống mà tình đời còn ở lại với bao la và ngân lên đức tin của Phật.

Các con bỏ mẹ theo cha

Để mình mẹ với bao la chuông chùa.

Tôi buộc phải theo thơ Lê Đình Tiến về lại quê nhà xứ Đoài chỉ để nghe bụi tre già ngoài ngõ thở dài vào những ngày xưa.

Trần Đức Tín thơ trẻ mà “già” lắm, hiểu theo nghĩa sự sâu sắc của tư duy thơ không kịp chạy về cánh đồng tuổi trẻ để đặt lại tên cho nỗi buồn. Không có cánh cửa nào phía sau đôi mắt biếc. Thi nhân ngồi lặng im như tràng hạt. Có khi gánh quê đi đâu que nhang nào không khói. Mang trong lòng mình chiếc lá bồ đề đa mang ân tình với quê hương, con người và phật. Đã vượt qua được ranh giới mong manh giữa sự dẽ dàng và sự bề bộn của suy tưởng thơ.

Mai Diệp Văn có tứ thơ độc đáo và cách diễn ngôn mới. Đi tìm tuổi mình đánh rơi. Mọi người đều rơi tuổi. Mỗi ngày thêm vài tuổi. Mỗi đêm thêm người lạ đi tìm. Tức là đi tìm bản ngã của đời người. Giấc mơ lăn đậm sắc nhân văn kể về người mẹ và đứa con gái bị mù được trao tay cho nhiều người khác. Đã 10 mùa thu đến để rụng lá mà không hình dung được khuôn mặt mẹ già. Tìm bóng đã tìm ra một ý tưởng mới vượt ra ngoài cái bóng của Andecxen.

Thơ Hải Yến nghiêng về suy tưởng. Hình tượng thơ độc đáo như hạt thóc đã mang hình vương miện tự ngàn năm. Từ câu chuyện cổ xưa chiếc bánh Lang Liêu, mối tình Mỵ Châu – Trọng Thủy để thức tỉnh chuyện đời. Đá cụt đầu còn nhỏ máu xuống chân nhang và Những cây nến mang tia mặt trời nhỏ từng giọt đời ra thắp lửa. Cứ nghĩ bây giờ tuổi trẻ nhiều người già trước tuổi bởi họ nhìn thấy mặt trời cúi xuống trần gian thở dài.

Viên Mai trong Tùy Viên Thi Thoại chê trách người đời Tống nhầm lẫn khi cho rằng thơ của Đỗ Phủ, Hàn Dũ hay là do họ có nhiều chữ, không chữ nào là không có lai lịch. Thực ra thơ hai ông hay không phải do chữ có lai lịch mà vì họ sáng tạo ra những chữ mới. Điều cần nói trong tập Mạch Rồng có lẽ cũng từ chính cái điều nhiều chữ mà ra. Không ai phủ nhận học vấn. Nhưng vì học vấn chưa nhuần trong sáng tạo cá nhân nên có trường hợp thơ rơi vào diễn giải cầu kỳ. Từ sự cầu kỳ đến lời thơ khó hiểu là một khoảng cách rất ngắn mà thực ra rất khó khắc phục. Nhưng điều ấy không nguy hiểm bằng hiện tượng đọc một số bài thơ thấy quen quen. Rằng hay thì vẫn là hay nhưng khó tạo ra sự đột khởi cho cảm xúc thẩm mĩ người đọc vì thiếu sự khác biệt và sự độc đáo. Đúng như một nhà thơ của Mạch Rồng đã cảm nhận Lá trũng xuống dưới dấu chân ngằn ngặt. Người quen quen quen những điều đã cũ. Cảm giác hay hay mà quen quen không biết đã gặp ở đầu rồi. Đó là mối nguy hiểm lớn nhất cho người làm thơ và buồn tênh nhất cho người đọc thơ.

Chế Lan Viên khi giới thiệu Thơ 3 năm chống Mỹ cứu nước 1965-1967 âu yếm gọi thơ trẻ tươi mát màu lá nonLá của mùa xuân và sức trẻ. Nhưng thực ra có người trẻ lúc đó cũng hàn lâm như một chính khách. Thơ của tuyển Mạch Rồng sau hơn nửa thế kỷ so với thời ấy phần nhiều lại đưa đến cảm giác ngược lại. Các nhà thơ trẻ của chúng ta già dặn quá. Già trước tuổi. Có lẽ đó cũng là một điều khó tránh khỏi của một thời đại giông bão của biết bao chuyển đổi. Trong một khoảng thời gian không dài, có nhẽ từ 1990 trở lại đây, nhiều chân lý tưởng như bất biến đã được nhận thức lại. Phải vật vã đôi khi đau đớn để tìm lại chính mình. Người làm thơ trẻ thường đứng trung tâm của cuộc bão táp đó. Vì lẽ ấy họ phải trở nên già hơn trong thơ chăng?

Mỗi thời đại văn chương thường có nhân vật của riêng mình. Bác xà ích và cỗ xe tam mã rong ruổi những con đường mùa đông văn chương nước Nga từ thế kỷ 19 đến nay vẫn chưa dừng lại. Những hoạn quan quái đản làm lung lay bao nhiêu vương triều Trung Hoa và chiến tranh biên tái với những người lính thú hàng mấy nghìn năm nay vẫn chưa về được đã ám ảnh thế giới hiện đại. Người Mỹ đưa người lên mặt trăng nhưng văn chương của họ dường như vẫn để chàng cao bồi miền Tây lang thang hoang dã như là một biểu tượng không thay đổi được của văn hóa Mỹ. Tôi lúng túng chưa chọn được nhân vật nào tiêu biểu cho tập Mạch Rồng. Có phải vì Mạch Rồng như một bức tranh lập thể, nhiều nhân vật đang vận động mà tôi chưa kịp nhận ra chăng?

Thách thức của thế hệ trẻ hôm nay khó khăn hơn nhiều thời kỳ phong trào Thơ mới 1930-1945 xét ở góc độ giao lưu văn hóa. Bởi vì ngày nay thơ trẻ không thể chỉ là sản phẩm của sự gặp gỡ của văn hóa Đông Tây mà hơn thế nữa người Việt Nam không chỉ tiếp thu những tinh túy của mưa Âu gió Mỹ mà của toàn cầu để sáng tạo những khuôn mẫu riêng biệt của người Việt Nam trong cuộc đồng hành cùng nhân loại, trong sự đồng điệu của khát vọng và băn khoăn. Mạch Rồng chưa phải mở ra một thời đại mới trong thơ vì lẽ đó chăng? Nhưng điều quan trọng nhất họ là bình minh của một ngày đang tới. Họ là người diễn ngôn cho một thế giới tinh thần đầy nhạy cảm của thời đại về số phận con người. Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều bảo: Ngoài 42 người còn có những gương mặt khác, chưa kịp đưa vào Mạch Rồng. Mạch Rồng đề cập đến con người bằng một thi pháp mới và Mỹ học mới.

Vâng, họ đang bằng thi ca để thức tỉnh con người hướng tới cái đẹp và tự do. Tôi không hiểu những gì đang chờ chúng ta ở phía trước và những ai trong 42 người ấy sẽ tiếp tục chặng đường thi ca đến năm 2050 để diễn ngôn cho văn hóa của thời đại ấy bằng ngôn ngữ sau đây: Tôi biết một thứ ngôn ngữ giản dị như đất. Thứ ngôn ngữ mộc mạc thẳng băng. Tựa như tiếng tù và. Như tiếng kèn đồng. Như tiếng chuông vọng. Có một thứ ngôn ngữ thức tỉnh con người.

Tôi mơ một giấc mơ giống như Boris Pasternak rằng thơ Puskin thời niên thiếu ở trường lycée còn lệ thuộc vào luật thơ để sau đó Puskin tương lai bừng thức dậy trong chàng thiếu niên này, để loại thơ 4 âm tiết của Puskin trở thành một đơn vị đo lường của cuộc sống Nga. Ai trong số 42 người ấy sẽ làm được điều tương tự như thế?

Khuất Bình Nguyên

Nguồn Văn nghệ số 36+37/2022

______

1. Mạch Rồng – Tuyển thơ – NXB Hội Nhà văn – 2022.

2. Viên Mai – Tùy Viên Thi Thoại – NXB Giáo dục – 1999 – Trang 72-73.

3. Chế Lan Viên – Thơ chống Mỹ cứu nước 1965 – 1967 – NXB Văn học – 1968 – Trang 17.

4. Nguyễn Huy Thiệp – Truyện ngắn – NXB Văn học – 2021 – Trang 356.

5. Boris Pasternak – Bác sỹ Zhivago – NXB Văn học – 2016 – Trang 326.

Bài viết cùng tác giả

Thông tin truy cập

63661097
Hôm nay
Hôm qua
Tổng truy cập
4815
17595
63661097

Thành viên trực tuyến

Đang có 1079 khách và không thành viên đang online

Sách bán tại khoa

  • Giá: 98.000đ

    Giá: 98.000đ

  • Giá: 85.000đ

    Giá: 85.000đ

  • Giá: 190.000đ

    Giá: 190.000đ

  • Giá:140.000đ

    Giá:140.000đ

  • 1
  • 2
  • 3
  • 4

Liên hệ mua sách:
Cô Nguyễn Thị Tâm
Điện thoại: 0906805929

Danh mục website