Bồ công anh tha hương

Tôi thơ thẩn ngồi trên chiếc ghế sắt đã lên màu hoen gỉ, nhấp một ngụm cà phê khi bầu trời Rotterdam đang đổ mưa dai dẳng. Tôi co ro nhìn ra ngoài phố. Có chút vệt vàng của cột điện ven đường lẩn khuất trong hơi mưa dày đặc. Không khí dường như quện đặc thành một khối có thể vo tròn…

 12 giờ đêm…Cốc cà phê cạn, chỉ còn chút hạt đen đã được xay nghiền, hoà vào hàng trăm giọt nước loang loãng và nhợt nhạt… Trời vẫn cứ mưa. Lòng bỗng chốc say thèm một ngọn đồi ngập nắng và bồ công anh…

***             

Chúng tôi ngày xưa chỉ là những đứa trẻ da đen nhẻm và ưa thích lông bông trên mảnh đất quê mùa đầy nắng gió. Làng nghèo. Nhà tôi lại nghèo nhất. Mẹ mất sớm từ cái thuở tôi chưa biết bò, nên bố phải làm cật lực để kiếm miếng ăn. Nhà anh nằm bên cạnh, cũng nghèo. Anh sống cùng với mẹ, sinh trước tôi vẻn vẹn hai mùa lũ.              

Lớn lên, tôi được bố cho đến trường, anh cũng vậy. Thế rồi cái nghèo lại buộc anh phải nghỉ học. Hai năm sau, anh mới có điều kiện học lại, nhưng ngang lớp với tôi.             

Nhớ lại ngày xưa xa lắc, anh thường đèo tôi đi trên chiếc xe đạp cà tàng trong những chiều đầy nắng. Anh bảo sẽ đưa tôi đến thiên đường. Anh guồng nhanh lên dốc, mặc đứa em gái cứ ghì chặt vào người. Anh bảo nó là những bước thang dẫn đến xứ thần tiên. Mùi mồ hôi anh mặn chát hoà vào gió.

Thiên đường của anh trắng phau và ngập gió. Anh dừng xe cạnh bên sườn đồi thoai thoải. Vài cánh hoa vươn mình theo gió, xoay như chong chóng và nghiêng ngả dưới ánh nắng màu vàng huyền hoặc. Tôi thích thú chạy nhanh vào giữa đồng bồ công anh trắng muốt. Anh cũng chạy theo…Chúng tôi dừng lại, ngồi giữa cánh đồng trắng phau bất tận, lấy hai mẩu giấy ố vàng cùng vài mẩu bút chì màu cụt ngủn, hí hoáy vẽ vời. Tranh không đẹp, nhưng tôi vẫn giữ nó đến tận bây giờ. Đôi lúc giở ra xem, tôi vẫn nuối tiếc sao tuổi thơ mình cứ mải miết trôi đi?

Tôi và anh ngồi tựa vào nhau, nhìn bồ công anh xoay xoay theo gió. Một lúc lâu, anh lên tiếng:           

- Ước gì nữa lớn, anh với Út được đi du học hé!              

- Ừ, Út cũng ước giống anh vậy đó!              

- À! Út có biết tại sao người ta không trồng mà bồ công anh nhiều dữ vậy hông?               

Tôi lắc đầu.            

- Hoa bồ công anh bay theo gió, đến khi mệt mỏi lại trở về với đất, để rồi tiếp tục trưởng thành và mang những bông hoa kế tiếp bay đi...

               

Lời anh vang theo gió. Những cánh bồ công anh tiếp tục xoay đều…

***

               

Rotterdam dạo này hay mưa bất chợt. Anh hay sang phòng tôi ngồi nhìn ra vuông cửa sổ, trông về phía những con đường đầy sỏi có nhiều vạt nắng vàng. Anh thường lặng lẽ đốt thuốc. Có khi màu khói nhuốm bạc cả tóc anh trong hoàng hôn. Còn tôi vẫn say sưa bên laptop để hoàn thành những bài tiểu luận của mình.  

… Mấy năm trước, một cô bé và thằng anh gầy nhẳng, cao lệu nghệu bước xuống sân bay với đôi mắt ngỡ ngàng. Anh và tôi sang Rotterdam du học. Người ta bảo đây là thành phố kiếm ra tiền, nên mọi thứ đắt đỏ như ở Sài Gòn mà anh và tôi đã có lần đi đến dự học sinh giỏi Anh Văn. Tiền học bổng chỉ đủ trang trải cho việc học. Còn lại, hai anh em phải tự kiếm tiền để chi cho ăn uống, mua sắm và cả các thứ tiền vặt vãnh khác. Cuộc sống ban đầu hết sức khó khăn: chưa kiếm được việc làm, lại còn ngỡ ngàng nơi đất lạ. Mãi một tháng sau, hai anh em sống có đôi phần ổn định. Tôi làm việc bán thời gian cho một công ty giặt ủi, còn anh phục vụ bàn vào những buổi, ngày rỗi rảnh. Rồi anh và tôi lại tiếp tục tìm thêm những công việc mới, lương cao hơn, nhưng mệt mỏi cũng tăng gấp bội.

***

Hai anh em ở hai phòng cạnh nhau trên tầng 10 của tòa ký túc xá trong trường dành cho các học viên ngoại quốc. Làm công việc thuê mướn mấy năm, anh em tôi tự trang trải mà không cần tiền bố mẹ. Tôi tích góp, mua cái laptop, loại “secondhand”, khá rẻ, về làm bài tập hay lên mạng tìm kiếm thông tin. Anh cũng xài chung, nhưng ít. Tất cả các giờ đến trường, tôi đều mang theo laptop. Nhiều lúc, tôi nghĩ mình đã quên cái kỹ năng tối thiểu của một con người. Nhưng tôi lại xuề xoà cho chuyện ấy qua đi.

Anh hay sang phòng tôi chơi, có khi tán dóc, có khi anh chỉ ngồi rít thuốc một mình.              

- Hè gần đến rồi, anh hé! - Tôi hỏi, trong khi anh đang đốt điếu thuốc chỉ còn chút tàn và ánh lửa gần như sắp tắt.             

- Ừ!- Anh chỉ nhẹ nhàng buông thõng một câu.

Ngừng một lúc, tôi nói tiếp.

- Anh có định học xong rồi về nước luôn hông?               

- Ừ, chắc vậy! Anh tính về quê rồi xin vào làm một dự án nào đó để cải thiện quê mình. Còn Út?

Tôi ngạc nhiên về suy nghĩ của anh cho tương lai sắp tới.               

- Anh nói thiệt hông dạ? Anh hổng tính ở đây luôn rồi kiếm việc làm cho rồi sao? Anh về nước làm chi? Mình ra nước ngoài mới thấy cái tiến bộ của người ta, nên ở đây học tập chứ! Út tính sẽ xin làm một công ty ở đây. Chứ ở quê mình, Út thấy mệt quá!

Anh vẫn lặng im, phì phò vài ngụm khói…

***

               

Tốt nghiệp, anh về nước dù tôi đã hết sức cản ngăn. Ngày ra đi, tôi cũng tiễn anh ra sân bay. Tôi không khóc, mà còn tức giận vì anh đã bỏ tôi mà đi. Nhưng tôi không thể vì anh mà tự cướp lấy tương lai và cuộc sống của mình sắp tới. Tôi phải gắng chứng minh cho anh thấy rằng sự lựa chọn của anh hoàn toàn sai trái. Anh xách hành lý đi nhanh, chỉ kịp quay lại chào tôi. Nhưng anh không cười. Và  ánh mắt anh có nhiều điều làm tôi suy nghĩ.             

Mấy tháng sau đó, tôi nộp đơn xin việc rất nhiều chỗ. Nhưng chẳng nơi nào nhận tôi vào làm việc, dù tôi đã là một thạc sĩ kinh tế. Việc vào làm nhân viên của một công ty khó hơn tôi tưởng. Nhưng tôi không chùn bước, vì đã bảo với lòng sẽ cho anh thấy những sai lầm to lớn ấy. Tôi vùi đầu vào công việc, cuối cùng cũng tìm được một công việc văn phòng. Ngày ấy, tôi không dám nhắn tin về báo cho anh, sợ anh cười. Anh xin được vào làm một dự án cải thiện đời sống kinh tế của nhân dân ngay tại quê mình, đúng với những gì anh từng mong ước.           .

Tôi bận bịu với rất nhiều công việc. Đôi khi, tôi không ngồi được vài phút để ngắm hoàng hôn. Ngày nào, tám chín giờ tối tôi mới về nhà, ăn những cái pizza khô khốc hay đĩa mì Ý nhợt nhạt mùi bơ. Cuộc sống tôi trôi qua tẻ nhạt, bạc phếch cả thời con gái.

***

               

Tôi nhận được một thùng bưu phẩm nặc danh, chỉ có vài dòng ghi tên họ, địa chỉ của tôi. Tò mò, tôi hí hoáy mở ra xem. Trước mắt tôi là một đoá bồ công anh trắng muốt, nhẹ tênh như cơn gió, một bức tranh nguệch ngoạc màu chì sáp và một lá thư nắn nót vài dòng. Tôi thổn thức ôm bó hoa bồ công anh vào lòng. Vài cành hoa nhỏ bay ra như muốn làm trắng cả căn phòng. Tôi ngập ngụa như đang trôi…

Tối đó, tôi lấy bức tranh và lá thư ra xem. Tôi nhận ra ngay bức tranh ngày xưa tôi vẽ. Anh và tôi lấy hai bức tranh và hoán đổi cho nhau, để những ký ức ở ngọn đồi bồ công anh ngập nắng sẽ không chết. Liệu bây giờ, anh muốn xa nó để quên hết quá khứ về tôi và bồ công anh? Chắc không phải vậy, tôi tự nhủ với lòng mình, rồi run run nắm lấy lá thư đọc tiếp. Những dòng thư ngã rạp. Chữ anh vẫn vậy, cẩn thận đã thành một thói quen. 

“Viết cho một ngày nhớ Út!

 Không biết khi đọc lá thư này, Út sẽ nghĩ gì. Nhưng bây giờ, anh nhớ Út đến kinh khủng, Út à! Mấy năm rồi, anh về đây sống không được khoẻ khoắn như thành phố, rồi đôi lúc cũng tiếc cho cơ hội của mình, nhưng thôi, vẫn thấy vui.

 

Bồ công anh dạo này vẫn trắng cả lưng đồi. Anh thèm một chiều được chở Út lên thiên đàng của tụi mình ngày xưa. Nhưng chắc mong muốn ấy quá ư  xa xỉ, bởi anh và Út giờ đã cách nhau rất xa, phải không Út?!…

Về đi, Út ơi!”

Những dòng chữ nhoè đi trong mắt tôi. Có hai vệt nước dài chát bỏng lăn trên đôi má. Hai giọt nước rơi xuống lá thư, rơi xuống cái khắc khoải vô hình. Lòng tôi thổn thức cả tiếng cảm ơn và xin lỗi anh không sao dứt được. Tôi mất ngủ suốt cả đêm, để khóc, vì nhớ anh, nhớ nhà, và cả thiên đường ngập trắng bồ công anh. Ôi! Sao lòng bỗng nhớ nhiều thứ quá?

… Trong đêm, vài cánh hoa bồ công anh tôi để trên bàn xoay đều từ cơn gió Rotterdam. Đôi mắt ráo hoảnh vì nước mắt của tôi lặng nhìn ra cửa sổ, một cánh bồ công anh nhẹ rơi xuống đất. Khoảnh khắc, tôi nhận ra mình như chính cánh hoa kia, có bay cao, bay xa đến tận đâu rồi, vẫn nhẹ nhàng trở về đất Mẹ.

_______________

Nguyễn Đình Minh Khuê sinh năm 1995, quê Cần Thơ, hiện sống và học tập tại TP.HCM. 

Chủ nhiệm CLB Cây Bút Trẻ - Khoa Văn học (Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.HCM)

Nguồn: http://www.nhavantphcm.com.vn/doc-duong-van-hoc/nguyen-dinh-minh-khue-bo-cong-anh-tha-huong.html

Thông tin truy cập

63745355
Hôm nay
Hôm qua
Tổng truy cập
8226
35223
63745355

Thành viên trực tuyến

Đang có 265 khách và không thành viên đang online

Sách bán tại khoa

  • Giá: 98.000đ

    Giá: 98.000đ

  • Giá: 85.000đ

    Giá: 85.000đ

  • Giá: 190.000đ

    Giá: 190.000đ

  • Giá:140.000đ

    Giá:140.000đ

  • 1
  • 2
  • 3
  • 4

Liên hệ mua sách:
Cô Nguyễn Thị Tâm
Điện thoại: 0906805929

Danh mục website