K.VH - Sáng 29.3.2025, Khoa Văn học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh, tổ chức tọa đàm giao lưu giới thiệu sách Góp lời cho văn chương phương Nam (NXB. Đà Nẵng, 2025). Ấn phẩm do PGS. TS. Võ Văn Nhơn chủ biên, cùng sự tham gia của 13 tác giả khác.
PGS. TS. Võ Văn Nhơn dành nhiều tâm huyết cho văn chương phương Nam, và đã ra mắt nhiều ấn phẩm về bộ phận văn học này như Văn học quốc ngữ trước 1945 ở Thành phố Hồ Chí Minh (thuộc bộ sách 100 câu hỏi về Gia Định – Sài Gòn – Thành phố Hồ Chí Minh, 2007), Văn chương phương Nam: Một vài bổ khuyết (viết chung với Nguyễn Thị Phương Thúy, 2016), Văn học Nam Bộ 1945-1954 (viết chung với Nguyễn Thị Thanh Xuân, Lê Thụy Tường Vi, Phan Mạnh Hùng, Nguyễn Thị Phương Thúy, 2021).
Trong chương trình, PGS. TS. Võ Văn Nhơn cùng các tác giả chia sẻ quá trình hình thành ý tưởng và biên soạn quyển sách Góp lời cho văn chương phương Nam. Các cộng sự của ông trong ấn phẩm này, cũng là những đồng nghiệp và học trò của ông, đã nhắc đến vai trò truyền cảm hứng của ông trong quá trình nghiên cứu, thông qua đó khẳng định việc nghiên cứu về văn học Nam Bộ nói riêng và nghiên cứu khoa học nói chung là cuộc chạy tiếp sức giữa các thế hệ.
Việc nghiên cứu về văn học Nam Bộ đã có những bước tiến dài trong vài mươi năm qua, góp phần khỏa lấp những khoảng trống trong nhận thức và hóa giải định kiến của công chúng về khu vực văn học này. Không chỉ khẳng định Nam Bộ là một vùng đất tiên phong trong văn học với những cái đầu tiên: tác phẩm văn xuôi quốc ngữ đầu tiên, tiểu thuyết quốc ngữ đầu tiên, vở kịch nói đầu tiên, nơi khởi phát của phong trào Thơ mới…, những thành tựu nghiên cứu gần đây còn tôn vinh nhiều nhà văn Nam Bộ, khẳng định bản sắc riêng của Nam Bộ trong không gian văn học cả nước. PGS. TS. Đoàn Lê Giang, một trong những tác giả của quyển sách, cho biết việc nghiên cứu văn học Nam Bộ những năm gần đây đã thuận lợi hơn, bởi nhiều văn bản tác phẩm đã được số hóa và rất dễ dàng tiếp cận. Ông khuyến khích các nhà nghiên cứu cần đi vào nghiên cứu văn học Nam Bộ ở bề sâu, chứ không chỉ dừng lại ở việc sưu tầm, “khai quật” và mô tả diện mạo. Ông cũng là một trong những chuyên gia nghiên cứu văn học Nam Bộ, và được cho rằng đang sở hữu nhiều tư liệu quý về khu vực văn học này.
Nhiều cử tọa có mặt trong sự kiện đã chia sẻ niềm vui về sự ra đời của quyển sách và nhất trí với các diễn giả về tầm quan trọng của việc nghiên cứu văn học Nam Bộ cả về khía cạnh khoa học lẫn khía cạnh xã hội. Nhà nghiên cứu Bùi Công Thuấn bàn thêm về việc nghiên cứu tờ báo Công giáo nổi tiếng Nam Kỳ địa phận. PGS. TS. Phạm Văn Quang chia sẻ về tiềm năng nghiên cứu bộ phận văn học Việt Nam viết bằng tiếng Pháp ở Nam Kỳ. Nhà thơ Lê Minh Quốc đề cao vai trò của trường đại học trong việc làm thay đổi nhận thức của công chúng về những vấn đề lịch sử. GS. TS. Huỳnh Như Phương nhắc đến vai trò của giới xuất bản trong việc phổ biến những thành tựu nghiên cứu đến với đại chúng…
Phương Thúy