Sáng 31.3 tại TP.HCM, nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh GS-NGND, nhà lý luận - phê bình văn học Lê Đình Kỵ (1923 - 2023), Trường ĐH KHXH-NV (ĐH Quốc gia TP.HCM) cùng Khoa Văn học tổ chức buổi tọa đàm, giới thiệu tác phẩm Trăm năm một thuở (do NXB Tổng hợp TP.HCM ấn hành), thu hút rất đông đồng nghiệp, văn nghệ sĩ và nhiều thế hệ học trò cùng tưởng nhớ về người thầy tài hoa.

Vị giáo sư đầu ngành được đặt tên đường

Tự hào về những đóng góp của vị giáo sư (GS) đầu ngành Ngữ văn Lê Đình Kỵ, trong phát biểu đề dẫn, TS Phạm Tấn Hạ, Phó hiệu trưởng Trường ĐH KHXH-NV TP.HCM, khẳng định: "Hơn 40 năm giảng dạy đại học, bên cạnh đào tạo các thế hệ sinh viên, hướng dẫn luận văn, luận án tiến sĩ, GS-NGND Lê Đình Kỵ đã công bố nhiều công trình lý luận, phê bình, nghiên cứu văn học quan trọng, những bài viết có tính học thuật sắc sảo và gợi mở nhiều hướng nghiên cứu mới được công bố trên các báo, tạp chí chuyên ngành có tầm ảnh hưởng trong giới khoa học. GS còn tham gia biên soạn nhiều bộ giáo trình giá trị, có tính chất đặt nền tảng, khơi nguồn cho phân môn lý luận văn học, góp phần đào tạo nhiều thế hệ học trò thành đạt, có uy tín và địa vị xã hội cao trong các lĩnh vực khác nhau".

'Trăm năm một thuở', rưng rưng nhớ thầy Lê Đình Kỵ - Ảnh 1.

Quang cảnh buổi tọa đàm và giới thiệu tác phẩm Trăm năm một thuở - QUỲNH TRÂN

Ông Trần Đình Việt, nhà nghiên cứu trực tiếp tuyển chọn và thực hiện tập sách Trăm năm một thuở, nhấn mạnh: "Trong GS Lê Đình Kỵ thấm đẫm chất… học Quảng Nam, không lẫn vào đâu được. Điều vinh hạnh là tại Quảng Nam, Đà Nẵng hiện nay dòng họ Lê Đình chi phái 3 có ba người được đặt tên đường: Lê Đình Thám, Lê Đình Dương và Lê Đình Kỵ. Thật không hổ danh người con xứ Ngũ phụng tề phi".

Nhớ về người thầy từng hướng dẫn luận văn, Chủ tịch Hội Nhà văn TP.HCM Trịnh Bích Ngân chia sẻ: "Thầy của tôi ít lời nhưng luôn đặt ra nhiều vấn đề gợi mở cho sinh viên phải thực hiện. Còn những trang viết của GS Lê Đình Kỵ thì chất văn vô cùng mượt mà, đẹp từng câu từng chữ…".

Say sưa tìm tòi, bằng lối suy nghĩ riêng chứ không tự bằng lòng với những kết luận giáo điều an toàn, sẵn có nên đôi khi thầy Lê Đình Kỵ rơi vào vòng xoáy…tranh cãi. PGS-TS Võ Văn Nhơn kể: "Công trình đầu tiên của thầy Kỵ xuất bản năm 1962 Phương pháp nghệ thuật ra mắt bị phê bình khá quyết liệt, tạo nên đợt tranh luận gay gắt gần suốt cả năm trên tạp chí Nghiên cứu văn học lúc đó, bởi tác giả trình bày chủ nghĩa hiện thực trong mối quan hệ với chủ nghĩa nhân đạo và đặt vấn đề nghiên cứu ý nghĩa toàn nhân loại của điển hình nghệ thuật. Ngày nay có thể là bình thường, nhưng 40 năm trước chưa được sự nhất trí trong học giới, nhất là vấp phải quan điểm giai cấp luận đang chi phối nặng nề. Tuy nhiên, với 16 công trình nghiên cứu bao gồm gần 5.000 trang sách, chưa kể hàng trăm bài viết đã in trên các báo và tạp chí, thầy Lê Đình Kỵ như một lực điền cần mẫn cày ải trên cánh đồng văn chương".

20230403

Vợ chồng GS-NGND Lê Đình Kỵ và hai con gái - TƯ LIỆU GIA ĐÌNH

Điều còn mãi ở lại

Nằm trong số thế hệ học trò "đời đầu" của NGND Lê Đình Kỵ, GS-TS Mai Quốc Liên tiết lộ: "Khoa Ngữ văn ĐH Tổng hợp Hà Nội đầu những năm 60 thế kỷ trước luôn nhớ mãi về ông giáo vụng về nhưng thương học trò, được thầy Cao Xuân Hạo nhận xét "có chất giọng Quảng bị lệch chuẩn 180 độ", đó chính là thầy Kỵ. Với quan điểm "từ tâm hồn tôi đến hiểu tâm hồn người khác" thì nếu như đỉnh cao nhất về phê bình trước đó không ai có thể so sánh được với Hoài Thanh thì GS Lê Đình Kỵ có con đường riêng. Thầy tôi đọc kỹ về Hoài Thanh, nghiên cứu và so sánh để khác biệt. Thầy nhận xét: "Hoài Thanh sở dĩ viết hay là vì viết ngắn, cô đúc… chứ kéo dài bạn đọc dễ ngán". Vì vậy mà, những tác phẩm phê bình của thầy Kỵ càng uyên bác, càng tử tế".

Dù là GS đầu ngành tên tuổi nhưng trong gia đình GS Lê Đình Kỵ - như PGS-TS Nguyễn Hữu Hiếu (Khoa Văn học) "bật mí" thì thầy lại nấu ăn rất ngon. Vô số những kỷ niệm nhớ về "núi Thái Sơn" yêu dấu của mình, chị Lê Thu Hà không quên những món ngon ba làm: "Món thịt đông của Ba đúng là ngon nhất trên đời. Cho tận bây giờ tôi vẫn chưa được ăn thịt đông nào ngon như vậy. Ba người Trung, sống ở Bắc và Nam nên nấu món ngon của cả 3 miền: nào bánh xèo Nam, phở Bắc, bún bò Huế, bún cá ngừ kho lạt miền Trung…". Đối với chị Lê Ly Ly: "Tình yêu lớn nhất trong cuộc đời của Ba là tình yêu dành cho Mẹ tôi, rất tròn đầy và rất tha thiết. Ngày trẻ khi xa nhau, Ba luôn viết những dòng thư thấm đẫm nhung nhớ gởi cho Mẹ. Sau này, Ba vẫn gọi Mẹ là em hoặc nàng đầy tự hào".

Điều còn mãi lại cảm động nữa về thầy Lê Đình Kỵ được PGS-TS Trần Lê Hoa Tranh chia sẻ: "Đó là khi đã tuổi cao sức yếu, bệnh tật làm trí nhớ sa sút không nhận ra được ai ngoài người vợ hiền, là mỗi khi có các đồng nghiệp đến nhà, NGND Lê Đình Kỵ cứ nôn nóng nhìn đồng hồ nói đến giờ phải đi dạy rồi. Hình như trong suy nghĩ của ông lúc nào cũng luôn canh cánh nỗi niềm về trường lớp và học trò"…

GS-NGND Lê Đình Kỵ để lại nhiều công trình lớn cho văn chương VN: Đường vào thơ (1968); Truyện Kiều và chủ nghĩa hiện thực của Nguyễn Du (1970); Tìm hiểu văn học (1980); Thơ Tố Hữu (1979); Thơ mới, những bước thăng trầm (1988); Trên đường văn học (2 tập, 1995); Phê bình nghiên cứu văn học (1999); Vấn đề chủ nghĩa lãng mạn trong văn học Việt Nam (1998). Ông có thời gian dài gắn bó với công tác đào tạo, nghiên cứu tại Khoa Ngữ văn (nay là Văn học) Trường ĐH KHXH-NV (ĐH Quốc gia TP.HCM).

Lê Công Sơn

Nguồn: Thanh niên, ngày 01.4.2023.

20221212Toạ đàm:  Reading Japanese Literature on a Warming Planet: A Perspective from Canada.

(Đọc Văn học Nhật Bản trên một hành tinh đang nóng lên: Góc nhìn từ Canada)

Diễn giả: GS. Christina Laffin, Đại học British Colombia, Canada.

Thời gian và địa điểm: Thứ 5, ngày 15/12/2022 tại phòng D102, cơ sở Đinh Tiên Hoàng, trường ĐHKHXH&NV-ĐHQG TP.HCM

Nội dung chính: Nhiều tác phẩm văn học Nhật Bản thời tiền hiện đại có chủ đề liên quan đến tự nhiên. Là sinh viên, giáo viên và người nghiên cứu đọc văn học Nhật Bản trong kỉ nguyên biến đổi khí hậu như hiện nay, những góc nhìn nào chúng ta có thể thu nhặt được khi đọc tác phẩm và tìm hiểu bối cảnh sáng tác của chúng? Liệu những cách nhìn về thiên nhiên trong quá  khứ có giúp gì cho chúng ta trong bối cảnh hiện tại? Buổi nói chuyện này sẽ tiếp cận văn học Nhật Bản theo các hướng liên quan đến sinh thái như mùa; mối quan hệ giữa con người, cỏ cây, động vật và thiên tai. Diễn giả sẽ đưa ra những dẫn chứng trong văn học Nhật Bản liên quan đến những vấn đề trên và nhấn mạnh những nghiên cứu gần đây để mở ra những hướng nghiên cứu rộng hơn cho vấn đề văn học và biến đổi khí hậu.

Đơn vị tổ chức: Khoa Văn học, Trường ĐHKHXH&NV-ĐHQG TP.HCM

Cuộc thi sáng tác văn học “Giải thưởng Văn học trẻ ĐH Quốc gia TPHCM” năm 2022 vừa khép lại với lễ trao giải vào ngày 25-3. Năm đầu tiên tổ chức, cuộc thi đã phát hiện ra nhiều cây bút trẻ đầy nội lực, hứa hẹn sẽ là những tác giả tiềm năng.

Được phát động từ ngày 1-7-2022 đến hết ngày 30-9-2022, cuộc thi sáng tác văn học “Giải thưởng Văn học trẻ ĐH Quốc gia TPHCM” năm 2022 do ĐH Quốc gia TPHCM chủ trì, phối hợp Hội Nhà văn TPHCM, NXB Hội Nhà văn - Chi nhánh miền Nam, Tạp chí Văn nghệ TPHCM đồng tổ chức. Sau 3 tháng phát động, cuộc thi đã nhận được 1.039 tác phẩm dự thi theo 3 thể loại: truyện ngắn (249 bài), tản văn (260 bài), thơ (530 bài).

Cuộc thi nhận được sự tham gia của học sinh, sinh viên ở nhiều địa phương trong cả nước (36 tỉnh, thành phố) và có cả thí sinh dự thi đang sinh sống tại Hoa Kỳ, Canada, Thái Lan. Cuộc thi thu hút thí sinh tham gia với độ tuổi đa dạng, trong đó đối tượng sinh viên tham gia chiếm số lượng đông đảo.

20230325

Nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình và PGS-TS Vũ Hải Quân, Giám đốc Đại học Quốc gia TPHCM trao giải nhất cho các tác giả đoạt giải

Theo đánh giá của Ban Giám khảo và Ban Tổ chức, các tác phẩm dự thi năm nay cho thấy những cảm xúc, suy tư của người trẻ trước nhiều vấn đề trong cuộc sống. Các tác phẩm dự thi đã mang đến bức tranh đa dạng về thế giới tâm hồn của người trẻ hiện nay như: soi ngắm, tra vấn hiện tại; suy tư và xúc động trước quá khứ; khát khao tin tưởng vào tương lai. Bên cạnh đó, hình thức chuyển tải của các tác phẩm dự thi cũng hết sức phong phú, có những tác phẩm dự thi mang đậm phương thức sáng tác truyền thống, đồng thời cũng có những tác phẩm phá cách, thể hiện lối viết mới mẻ.

Sự phong phú về số lượng tác phẩm dự thi, đối tượng dự thi, nội dung, hình thức nghệ thuật của các tác phẩm dự thi đã cho thấy giới trẻ nói chung và học sinh, sinh viên nói riêng thực sự có nhu cầu về một sân chơi để qua đó vừa thể hiện năng lực sáng tạo nghệ thuật ngôn từ, vừa chia sẻ tâm tư, tình cảm, hoài bão, khát vọng của mình.

Mở thêm cánh cửa cho những người trẻ yêu văn chương  ảnh 2

Tác giả Trần Văn Thiên (thứ 2 từ phải qua, giải nhất thơ), Trần Thị Thuỳ Dung (giải nhất tản văn) và Phạm Nhã Chi (giải nhì truyện ngắn)

Ban Tổ chức đã trao 3 giải nhất (trị giá 30 triệu đồng/giải) cho 3 thể loại: thơ, truyện ngắn và tản văn cho 3 tác giả: Trần Văn Thiên (Trường ĐH Y Dược TPHCM), Cầm Văn Lương (Trường ĐH Sư phạm Nghệ thuật Trung ương Hà Nội), Trần Thị Thuỳ Dung (Trường ĐH KHXH&NV TPHCM). Ngoài ra, cuộc thi còn trao 9 giải nhì, 15 giải ba và 21 giải khuyến khích cho 3 thể loại.

Theo nhà văn Bích Ngân, Chủ tịch Hội Nhà văn TPHCM và là thành viên Ban giám khảo Chung khảo, văn chương vốn là một hành trình không có đích đến cuối cùng, nhưng lại có thời điểm bắt đầu với nhiều hứng khởi, hy vọng lẫn kỳ vọng.

Mở thêm cánh cửa cho những người trẻ yêu văn chương  ảnh 3

Nhà văn Bích Ngân, Chủ tịch Hội Nhà văn TPHCM phát biểu tại lễ trao giải

“Cuộc thi sáng tác văn học “Giải thưởng Văn học trẻ ĐH Quốc gia TPHCM” năm 2022 với chủ đề “Khởi nghiệp văn chương” có thể xem như một vạch xuất phát - đánh dấu một hành trình mới đồng thời tạo sự hưng phấn để chúng ta cùng chào đón những tìm kiếm mới, những tiếng nói mới, những gương mặt mới”, nhà văn Bích Ngân bày tỏ.

Sau lễ trao giải, với mong muốn khơi dậy, nuôi dưỡng và phát huy vốn hiểu biết, tình yêu, niềm tự hào về văn hóa, lịch sử, ngôn ngữ của học sinh, sinh viên của thế hệ trẻ Việt Nam ngày nay, Đại học Quốc gia TPHCM tiếp tục phát động “Giải thưởng Văn học trẻ ĐH Quốc gia TPHCM” lần thứ 2 năm 2023 dành cho tất cả học sinh, sinh viên đang học tập tại các cơ sở giáo dục trên cả nước.

Mở thêm cánh cửa cho những người trẻ yêu văn chương  ảnh 4

TS Phan Thanh Định, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH KHXH&NV TPHCM, phát động “Giải thưởng Văn học trẻ ĐH Quốc gia TPHCM” lần thứ 2 năm 2023

Dẫn ra câu nói của GS Huỳnh Như Phương: “Viết và đọc tác phẩm là mở tâm hồn mình ra, là nỗ lực khắc phục số phận cô đơn, là bộc lộ nguyện vọng vươn tới sự đồng cảm với tha nhân. Bằng con đường tình cảm, văn học giúp con người mở rộng và phát huy năng lực giao tiếp của mình với thế giới”, trong lời phát động, TS Phan Thanh Định, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH KHXH&NV TPHCM, cho rằng, giá trị và chức năng bền bỉ nhất của văn học chính là sự “mở ra” tình yêu thương, sự kết nối, niềm chia sẻ với con người, với cuộc đời.

Mở thêm cánh cửa cho những người trẻ yêu văn chương  ảnh 5
Các bạn trẻ tham quan và thưởng thức những tác phẩm đoạt giải tại “Giải thưởng Văn học trẻ ĐH Quốc gia TPHCM” năm 2022

Từ đó, TS Phan Thanh Định nhấn mạnh: “Chúng ta hy vọng rằng, cùng với những trang văn, những niềm bộc bạch bằng ngôn từ, thế hệ trẻ cũng như bất kỳ ai trong chúng ta cũng có thể đứng vững trước cuộc sống, đứng vững bằng một tình yêu con người, yêu cuộc đời đầy say mê và hân hoan”.

Hồ Sơn

Nguồn: Sài Gòn giải phóng, ngày 25.3.2023.

Sáng ngày 28.2 vừa qua, Trần Duy Bảo Khang (sinh viên năm thứ nhất khoa Văn học) đã trở thành một trong ba cây bút trẻ vinh dự nhận giải thưởng Tác giả trẻ của Hội Nhà văn Việt Nam với tập thơ đầu tay “Đi tìm những bóng người”. 

20230314 2

Trần Bảo Duy Khang (bên phải) nhận giải thưởng Tác giả trẻ - Ảnh: Thanh Trần

Khuyến khích những tài năng trẻ 

Trên trang mạng xã hội cá nhân, Bảo Khang thường chia sẻ những vần thơ, suy nghĩ của mình và nhận được nhiều sự hưởng ứng, tương tác của cộng đồng mạng. Cũng nhờ đó, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều - Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam đã tìm ra sự mới mẻ và độc đáo trước cách khai thác và thể hiện của Bảo Khang. “Những người trẻ hiện nay có một điểm khác là họ thường viết và có thể không công khai, không in sách và thậm chí cũng không có nhu cầu vào Hội Nhà văn Việt Nam. Nhưng họ đang sáng tạo với trách nhiệm cao nhất, với một lương tâm cao nhất, phải phát hiện ra họ và giới thiệu cho những người khác, gợi mở và động viên họ” - nhà thơ Nguyễn Quang Thiều nhận định. 

Bảo Khang phát hiện niềm đam mê với thi ca từ thuở nhỏ. Từ những bài thơ in trên sách giáo khoa, Bảo Khang tìm tòi và theo dõi những nhà thơ ở Việt Nam và trên thế giới. Tập thơ “Đi tìm những bóng người” là tác phẩm đầu tay của Bảo Khang dưới bút danh Vĩ Hạ gồm 35 bài thơ, được NXB Hội Nhà văn xuất bản vào năm 2022. “Đi tìm những bóng người” là sản phẩm của quá trình 4 năm “thai nghén” trong chuyến hành trình đối thoại với nỗi đau và những cảm xúc sâu lắng của bản thân. Bảo Khang tâm sự: “Cảm hứng sáng tác thì với tập thơ này chỉ đơn giản là tìm kiếm sự hiện diện của những con người xung quanh mình. Qua đó thấy được những mảnh vỡ, những điều khó nói trong mỗi con người”

Nhà văn Nguyễn Bình Phương - Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam - nhận xét về cây bút trẻ Bảo Khang: “Anh ấy mới mẻ hơn mình, anh dấn thân hơn mình, anh ấy tạo ra những khoảng trống để khám phá bên trong con người anh thấy nhiều hơn mình. Tôi nghĩ những người trẻ như vậy chắc chắn sẽ mang lại cho thi ca những giá trị mới, những giọng nói mới trong tương lai”

Viết để nhìn lại 

Để đối thoại với những trăn trở trong lòng, thơ của Bảo Khang là sự thao thức về con chữ, nhịp điệu, hình ảnh... Bảo Khang cũng bộc bạch: “Mình cũng đã từng tham vọng, rằng biết đầu tập thơ này có thể giúp một ai đó được? Nhưng, đó là chuyện của tập thơ, nó đang sống ngoài kia. Còn việc của mình hiện tại thì vẫn chỉ là viết, học cách để sống đúng với mình trong cuộc sống và trong chữ. Mình nghĩ nếu không đặt bút viết, thì mình sẽ không có điều gì để nhìn lại”.

Với Bảo Khang, sáng tạo là một hình thức giãi bày. Bạn cũng gửi lời tới những người trẻ có cùng niềm đam mê trên con đường sáng tác: “Cứ đi thôi, đến đâu được thì đến. Ta cần bước đi để thấy rằng, sáng tác không phải một con đường êm ái và dễ dàng, mà đầy những khoảnh khắc hoài nghi, vấp ngã… mà đó chính là một chuyến đi được tạo dựng từ cảm xúc và trải nghiệm”

Được biết, giải thưởng Tác giả trẻ của Hội Nhà văn Việt Nam là giải thưởng thường niên dành cho những tác phẩm văn học xuất sắc đến từ các tác giả dưới 35 tuổi. Đây là lần thứ hai giải thưởng này được tổ chức, tiếp nối năm 2021. 

TUYẾT HỒNG

Thông tin truy cập

61752051
Hôm nay
Hôm qua
Tổng truy cập
11173
20496
61752051

Thành viên trực tuyến

Đang có 476 khách và không thành viên đang online

Danh mục website