20191031 A nam

Lưu niệm đường Á Nam Trần Tuấn Khải

(Dân sinh) - Nhằm mục đích lan tỏa những tác phẩm văn thơ yêu nước của Chí sĩ Á Nam Trần Tuấn Khải đến đông đảo công chúng, nhất là với thế hệ trẻ, ngày 2/11 tại tại Cung Văn Hóa Lao động TP. Hồ Chí Minh (55B Nguyễn Thị Minh Khai, phường Bến Thành, quận 1) sẽ diễn ra Chương trình thơ - nhạc - kịch với chủ đề “Trung hiếu lưỡng toàn”.

Chương trình được tổ chức bằng tâm nguyện của Nữ sĩ Lan Hinh, người con gái của Á Nam Trần Tuấn Khải và Khoa Văn học (Đại học Khoa học Xã hội và Nhân vănv- Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh) đồng hành tổ chức

Thông qua các thể loại biểu diễn độc tấu đàn tranh, ca trù, ca Huế, kịch, xẩm, hát văn những tác phẩm nổi tiếng như Anh Khóa, Non sông gánh nặng, Hỡi cô bán nước, Gánh nước đêm….sẽ được sống lại qua tài năng, nhiêt huyết của những Nghệ sĩ Thục An, Nghệ sĩ Đức Tâm, Nhà giáo ưu tú Phạm Thúy Hoan…

Á Nam Trần Tuấn Khải là nhà thơ yêu nước, sinh năm 1895, quê ở Quang Xán, huyện Mỹ Lộc, tỉnh Nam Định. Ông là hậu duệ đời thứ 28 của Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn. Ông có nhiều tác phẩm nổi tiếng như: Duyên nợ Phù sinh; Bút quan hoài; Tiễn chân anh Khóa; Gương bể dâu; Mừng anh Khóa về… Ông cũng là tác giả của những vần thơ giản dị, gần gũi, thắm nghĩa tình, như: Anh đi anh nhớ quê nhà/ Nhớ canh rau muống, nhớ cà dầm tương/ Nhớ ai dãi nắng dầm sương/ Nhớ ai tát nước bên đường hôm nao.

TP. Hồ Chí Minh: Biểu diễn thơ, nhạc, kịch Á Nam Trần Tuấn Khải  - Ảnh 1.

Một tiết mục biểu diễn tác phẩm của Á Nam Trần Tuấn Khải.

Trong sự nghiệp sáng tác, Trần Tuấn Khải có nhiều bút danh, nhưng thường dùng là Á Nam. Ngoài viết truyện, làm thơ, soạn kịch, dịch sách, dạy học, ông còn tham gia hoạt động cách mạng. Á Nam Trần Tuấn Khải được xem là một trong số hai nhà thơ tiêu biểu nhất trong lịch sử thơ ca chữ quốc ngữ của Việt Nam đầu thế kỷ 20. Năm 1985, tên của ông được sử dụng để đặt tên cho một con đường tại quận 5, TP.Hồ Chí Minh.

Lượng thơ Trần Tuấn Khải sáng tác tuy không đồ sộ (khoảng 300 bài), nhưng có lẽ, ông là người dẫn đầu về phương diện hình thức thể hiện với nhiều cách tân độc đáo, mới lạ…Nhưng thật đáng tiếc, những tác phẩm của Trần Tuấn Khải phần vì bị thực dân Pháp tịch thu, phần vì qua nhiều biến cố đã bị thất lạc.

Gần 20 năm nay người con gái của ông là Nữ sĩ Lan Hinh đang dày công tìm kiếm, sưu tầm, lưu truyền bằng nhiều hoạt động ý nghĩa như xây nhà Lưu niệm đường Á Nam Trần Tuấn Khải (ở quận Thủ Đức), tổ chức sinh hoạt văn thơ định kỳ, trao học bổng Á Nam Trần Tuấn Khải….

Lê Mạnh

Nguồn, Dân sinh, ngày 29.10.2019.

Vừa qua, tại Hội trường A.116 trường Đại học Kinh Tế TP. HCM, đêm tôn vinh và trao giải cuộc thi Let’s On Air đã được diễn ra với sự tham gia của hơn 1600 bạn sinh viên để từ các trường khác nhau trong khu vực TP.HCM.

Let’s On Air là sân chơi sáng tạo cho các bạn trẻ có đam mê với việc làm phim, thiết kế và chụp ảnh, được tổ chức bởi nhóm truyền thông sinh viên của trường Đại học Kinh Tế TP. HCM (S-Comunications).

Đồng hành cùng cuộc thi là đội ngũ ban giám khảo có kinh nghiệm trong các lĩnh vực làm phim, nhiếp ảnh, thiết kế như : đạo diễn Phan Gia Nhật Linh, đạo diễn Leon Lê, đạo diễn Kawaii Tuấn Anh, nhiếp ảnh gia Phạm Hoài Nam,…

20200113

Chủ đề “Thức Việt”  được chọn làm đề tài dự thi của năm 2019, cuộc thi đã thu hút 133 tác phẩm gửi về ban tổ chức. Ngoài mang thông điệp khơi dậy niềm đam mê, khát vọng khám phá vẻ đẹp văn hóa dân tộc Việt,  chương trình còn lan tỏa những giá trị tích cực đến với người trẻ trên hành trình khai phá sự sáng tạo và năng lực cá nhân.

Trong đó, Trần Hoàng Nhật – sinh viên khóa 2017-2021 của khoa Văn Học đã xuất sắc đạt giải nhất của phần thi làm phim (Social Video) tại đêm tôn vinh và trao giải.  Với tác phẩm “Truyền nhân và Tiếng đồng vọng”, lấy ý tưởng từ câu chuyện thật của Hoàng Nhật trong quá trình sáng tác và hành trình tìm đến những truyền nhân của hai loại hình Ca Trù và Cải Lương tại TP.HCM.

20200113 1

“Truyền nhân và Tiếng đồng vọng” là tác phẩm duy nhất trong top 5 được sản xuất bởi một sinh viên. Các tác phẩm còn lại thuộc về các nhóm sản xuất video như Camera Rolling (Hát Bội), Legit Memories (Nhân Việt), VUS (PHO),…

Let’s On Air 2019 kết thúc sau chuỗi hoạt động ý nghĩa, cuộc thi là một trong những sân chơi hiếm hoi mà thế hệ trẻ có thể lan tỏa màu sắc văn hóa Việt Nam dưới lăng kính đối thoại và trân trọng.

Nguồn ảnh: S-Comunications

H.N.

SGGP - 11 năm qua, Quỹ Hỗ trợ sinh viên Ngữ văn vượt khó (do Khoa Văn học Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn TPHCM tổ chức vận động) đã trao nhiều suất học bổng cho sinh viên hoàn cảnh khó khăn. Đây là việc làm thiết thực, ý nghĩa, tiếp thêm động lực cho sinh viên đến trường.

Gắng sức vượt khó, nuôi dưỡng ước mơ

Em Danh Thị Bích Vân (dân tộc Khmer, quê Kiên Giang) khi mới chào đời đã gặp chuyện bất hạnh, vì các nữ hộ sinh để em dưới đèn chiếu sáng quá lâu, ảnh hưởng đến đôi mắt, Vân bị khiếm thị từ đó. Gia đình khó khăn, mẹ đi làm thuê làm mướn, cha cũng không có thu nhập ổn định, nên từ lúc mới 5 tuổi, Vân được gửi vào Mái ấm Nhật Hồng (TPHCM).

Tại đây, em được chăm lo ăn uống, đi học. Tới năm lớp 7, khi gia đình quá khó khăn và việc học quá nặng, Vân quyết định nghỉ học, quanh quẩn ở nhà. Vân kể: “Những ngày đó là những ngày em đối diện với bản thân nhiều nhất. Tình cảnh gia đình khó khăn, ba mẹ vất vả quá, em không biết phải làm sao. Em từng mơ lớn lên sẽ làm cô giáo dạy trẻ khiếm thị, kiếm tiền nuôi mẹ, vậy mà sao em lại bỏ học. Nghĩ vậy, em xin đi học lại và được tiếp tục gửi vào Mái ấm Nhật Hồng”. 

Vượt qua muôn vàn khó khăn của một người không nhìn thấy ánh sáng đi tìm ánh sáng tri thức, đứng trước ngưỡng cửa đại học, Vân lại một lần nữa gần như chùn bước. Đậu đại học, chọn ngành Ngữ văn để theo đuổi ước mơ trở thành cô giáo dạy học sinh khiếm thị, Vân bước vào cuộc sống tự lập bên ngoài mái ấm. Bao khó khăn, thiếu thốn chồng chất lên vai cô sinh viên nhỏ bé, từ việc đi lại, gánh nặng học phí, sinh hoạt…

Ngày nào đi học Vân cũng phải nhờ bạn cùng phòng ký túc xá hoặc bạn cùng lớp đưa đi. Bữa nào không có ai, em phải tự mò mẫm cùng cây gậy nhỏ từ ký túc xá đến trường. Hiểu hoàn cảnh của Vân, các thầy cô đã dành cho em suất học bổng trong Quỹ Hỗ trợ sinh viên Ngữ văn vượt khó. Giờ Vân đang là sinh viên năm 2, đã 2 lần em nhận học bổng này.

20191015 hoc bong
Trao học bổng tiếp sức sinh viên có hoàn cảnh khó khăn

Cũng được nhận học bổng Quỹ Hỗ trợ sinh viên Ngữ văn vượt khó từ năm nhất đến nay, khi đã là sinh viên năm 2, em Nguyễn Bảo Trang (quê Quảng Ngãi) vẫn đầy xúc động khi nói về tấm lòng các thầy cô tiếp sức em trên chặng đường học tập. Trang mồ côi cha và xa mẹ từ nhỏ, sống với hàng xóm.

Năm 2006, mẹ gửi Trang vào Trường tình thương Hoa Sen rồi đi mãi, không ghé thăm. Trang học hết lớp 5, mẹ tới đón em về quê gửi cô ruột nuôi nấng. Năm 15 tuổi, ngày 29 Tết là lần duy nhất Trang được ngủ cùng mẹ; rồi 3 ngày sau đó, mẹ qua đời. Những người ruột thịt đều bỏ Trang mà đi. Nhà cô Trang cũng nghèo, nên khi Trang học gần hết lớp 9, cô khuyên nghỉ học, đi học nghề. Mong muốn được tiếp tục đi học, Trang đi làm thêm, tự lo cho bản thân suốt những năm cấp 3.

Khi trở thành sinh viên Khoa Văn học của trường, một mình nơi đất lạ, mọi thứ lắm lúc dường như quá sức với em. Trang tranh thủ đi làm thêm để lo tất cả mọi chi phí học tập, nhà trọ, sinh hoạt... Biết hoàn cảnh Trang, thầy cô trong khoa đã trao những suất học bổng thiết thực, động viên em đến trường. 

Nặng lòng với sinh viên

Khoa Văn học (trước đây là Khoa Ngữ văn) đã thành lập Quỹ Hỗ trợ sinh viên Ngữ văn vượt khó từ năm 2008. Từ đó đến nay, PGS.TS. Đoàn Lê Giang làm Trưởng ban điều hành. Quỹ đã được các cựu sinh viên và các nhà hảo tâm ủng hộ nhiệt thành.

ThS. Hồ Khánh Vân, Phó Trưởng khoa Văn học, cho biết: “Ban điều hành quỹ chọn thời điểm cuối tháng 9 hàng năm tổ chức trao học bổng cho sinh viên. Mỗi năm, khoa trao 30 suất học bổng với mức 2 triệu đồng/suất. Đến nay, qua 11 năm, đã có hơn 150 sinh viên được tiếp sức. Quỹ được huy động mỗi năm một đợt vào dịp khai giảng, được điều hành và quản lý theo một quy trình nghiêm ngặt”. 

Đồng hành hoàn cảnh khó khăn, luôn thắp sáng dẫn đường cho quyết tâm theo đuổi hành trình tri thức của sinh viên, là tất cả những gì thầy cô giáo Khoa Văn học đang làm mỗi ngày. Tình cảm thầy trò quý giá ở giảng đường đại học là động lực để sinh viên tin rằng cuộc đời vẫn còn rất nhiều tấm lòng nhân ái.

VÕ THẮM

Nguồn: Sài Gòn giải phóng, ngày 14.10.2019.

20191216

Sáng 16.12.2019, tại khoa Văn học, ĐH KHXH&NV, ĐHQG-TP.HCM đã diễn ra buổi toạ đàm về “Thơ Việt Nam đương đại” với sự dẫn dắt của nhà thơ Khế Iêm và nhà thơ Inrasara.

Buổi toạ đàm xoay quanh tình hình thơ đương đại Việt Nam trong nỗ lực hoà cùng dòng chảy thế giới. Nhà thơ Khế Iêm giới thiệu tình hình sáng tác và dịch thơ Anh – Việt, cũng như các hoạt động tổ chức, dịch thuật, biên tập cho tạp chí thơ song ngữ của mình từ năm 1994. Với thơ Tân hình thức là trọng tâm của buổi thảo luận, nhà thơ Khế Iêm giới thiệu lịch sử thơ Tân hình thức Anh Mỹ, cũng như một số hiện tượng thơ Việt đương đại tiêu biểu. Dựa trên nền tảng đó, nhà thơ Inrasara dẫn dắt buổi thảo luận dựa trên sự tương quan giữa các yếu tố thuộc nhiều ngôn ngữ khác nhau.

Về đặc điểm thơ Tân hình thức đương đại, buổi toạ đàm thảo luận về bốn yếu tố cơ bản được nhà thơ Khế Iêm đề xuất, bao gồm: tính truyện, ngôn ngữ đời thường, kỹ thuật vắt dòng triệt để và cấu trúc lặp. Trong đó, hai đặc trưng được thảo luận nhiều nhất là việc sử dụng kỹ thuật vắt dòng và ngôn ngữ đời thường được cải tiến ra sao trong thơ Tân hình thức đương đại. Nhà thơ Khế Iêm nhấn mạnh “thi pháp đời thường” của thơ Tân hình thức và so sánh yếu tố này với các dòng chảy khác như thơ tự do, thơ hậu hiện đại. Toạ đàm cũng bàn sâu về sự du nhập của các dòng thơ thế giới như thơ tự do đương đại Mỹ, thơ Haiku Nhật, vào Việt Nam và sự cởi mở của văn hoá Việt trong quá trình tiếp nhận. Nhà thơ Inrasara đồng thời cũng bàn thêm về tình hình sáng tác và phê bình thơ đương đại Việt Nam ở hải ngoại.

Phần sau của buổi toạ đàm diễn ra sôi nổi với chia sẻ của các cử toạ, gồm các bạn sinh viên và các nhà thơ về tương tác thơ trên mạng xã hội, cũng như niềm tin và sự kỳ vọng vào hoạt động sáng tác và thưởng thức thơ, sự phát triển của thơ đương đại với việc phát huy tâm hồn Việt trong thời đại mới. Cụ thể hơn, các cử toạ cũng thảo luận về các ý tưởng, kế hoạch trong thời gian tới nhằm thúc đẩy sự sôi động của sinh hoạt thơ ca Việt Nam.

Tiến Phát

Nhân dịp kỷ niệm 20 năm ngày nhập học (1999-2019), lớp Văn học (A, B), lớp Ngôn ngữ và lớp Hán Nôm khóa 1999-2003 đã tổ chức buổi họp mặt mang tên “Hẹn hò 20 năm”. Buổi họp mặt đã quy tụ hơn 80 cựu sinh viên của khóa trong không khí ấm áp, cảm động, giàu tình thầy trò, bạn bè. Sự hiện diện quý giá của PGS.TS. Trần Thị Thuận, TS. Phan Xuân Viện, TS. Nguyễn Đông Triều (các thầy cô đảm nhiệm vai trò chủ nhiệm lớp của khóa 1999-2003), PGS.TS Võ Văn Nhơn, nhà nghiên cứu Phan Nhật Chiêu, ThS. Nguyễn Văn Hà, PGS. Lê Quang Trường, TS. Phan Mạnh Hùng, ThS. Hồ Khánh Vân… góp phần tô đậm ý nghĩa của buổi hội ngộ.

20191014

Nhân dịp này, các anh chị cựu sinh viên đã gợi nhắc lại những kỷ niệm, những cảm xúc đáng nhớ với thầy cô, bạn bè trong suốt quãng thời gian theo học tại Khoa Ngữ văn và Báo chí (nay là Khoa Văn học). Đến nay, có rất nhiều anh chị sinh viên các lớp Ngữ văn khóa 1999- 2003 gặt hái nhiều thành công trong công việc, có nhiều đóng góp cho xã hội trong các lĩnh vực khác nhau: từ mảng giáo dục từ phổ thông đến đại học, truyền thông, truyền hình báo chí, sự kiện, kinh doanh, văn hóa, cơ quan nhà nước, công an…

Với tấm lòng hướng về Trường, về Khoa, tập thể cựu sinh viên khóa 1999-2003 đã ủng hộ quỹ học bổng hỗ trợ sinh viên Ngữ văn có hoàn cảnh khó khăn số tiền 10.000.000 đồng (Mười triệu đồng chẵn) và hỗ trợ kế hoạch in sách cho các thầy cô cao niên số tiền 3.000.000 (Ba triệu đồng chẵn). Ban chủ nhiệm và các thầy cô trong Khoa vô cùng cảm động trước tình cảm, sự hỗ trợ chân thành, nhiệt tình của tập thể cựu sinh viên khóa 1999-2003. Thầy cô trong khoa hy vọng buổi gặp mặt này sẽ lan tỏa cảm hứng và cảm xúc để cựu sinh viên các khóa trở về thăm Trường và Khoa, tạo nên mối quan hệ gắn kết giữa những thế hệ cùng trưởng thành dưới một mái trường đại học.

K.V.

(Thethaovanhoa.vn) - Sáng 10/12/2019 tại Đại học KHXH&NV TP.HCM đã diễn ra lễ trao giải Cuộc thi sáng tác thơ haiku Việt - Nhật lần thứ 7. Dù cuộc thi không đưa ra chủ đề cụ thể, nhưng nổi trội nhất lại là các bài haiku cảnh tỉnh về hệ sinh thái và văn hóa - nhân văn của người Việt hiện nay.

Được sự đồng ý của PGS-TS Đoàn Lê Giang, báo Thể thao và Văn hóa (TTXVN) trích đăng bài phê bình của ông về cuộc thi lần này.

Đau đáu cùng môi trường sống

Trong số 663 bài thơ dự thi kỳ này, rất nhiều bài thơ nói về nguy cơ hủy hoại môi trường. Những bài thơ này nói rất hay, rất ấn tượng, được viết bằng cách thức rất haiku. Đó là dòng sông ô nhiễm với đàn cá chết, trôi đi trong cảnh thiên nhiên tang tóc như một đám ma khổng lồ: “Đàn cá ngửa bụng/ triền loa kèn rủ trắng khăn tang/ sông lặng im mặc niệm” - Phan Đức Lộc.
Đó là biển chết với ngập túi ni-lông và ống hút, cua cá, rùa rắn đang thoi thóp trong ấy. Hình ảnh có chút hài hước, u-mua: “Biển phủ ni-lông/ cụ rùa/ thở ống hút” - Lê Hữu Thương. Hay bi thảm hơn, như trong bài thơ haiku của Nguyễn Thánh Ngã: “Dạt vào bờ/ mắt cá voi ngấn lệ/ dập dềnh túi ni-lông”.
Phát biểu tại lễ trao giải, ngài Kawaue Junichi (Tổng Lãnh sự Nhật Bản tại TP.HCM) nói rằng haiku Việt có nhiều tự do hơn haiku Nhật, vì ít chịu ràng buộc về quý ngữ, quý đề. Ảnh: Văn Bảy
 
Cảnh báo nguy cơ về môi trường sinh thái là thế mạnh và cũng là một điểm đặc sắc của thơ haiku hiện đại. Bài thơ haiku của Phó Đỗ Quyên đã vẽ nên bức tranh từ góc nhìn độc đáo: một góc trời có tòa tháp cao và cánh nhạn. Bài thơ haiku của Phạm Quốc Duẩn cảnh báo về nguy cơ hủy hoại thiên nhiên qua hình ảnh con chim bị bắt nhốt trong lồng. Thơ haiku của Đỗ Thượng Thế thì cảnh báo sự hủy hoại hệ sinh thái tự nhiên về việc những rạn san hô ngoài khơi đang bị tàn phá không thương tiếc.
20191215 haiku 1
Giải Nhất được trao cho Lâm Long Hồ sinh năm 1989, hiện sống tại xã biên giới Khánh Bình, huyện An Phú, tỉnh An Giang. Long Hồ nói rằng đã biết đến cuộc thi này từ 3 mùa giải trước, nhưng lần này mới tự tin dự thi. Ảnh: Văn Bảy
 
Bài thơ haiku của Lâm Long Hồ - giải Nhất - rung chuông cảnh tỉnh về môi trường sống hiện nay, về thiếu vắng tính nhân văn, tính nhân cảm. Lâm Long Hồ viết: “Cà phê Ngày Tình nhân/ hai màn hình điện thoại/ chiếu sáng hai mặt người”.
Bên cạnh đó, thơ haiku Việt cũng viết nhiều về thiên nhiên đẹp đẽ, thông qua những sinh thể nhỏ bé. Cây hoa “tứ quân tử” (mai, lan, cúc, trúc), “tuế hàn tam hữu” (tùng, trúc, mai) đẹp đẽ và cao quý, mà một bông hoa dại tầm thường bên vũng nước cũng có nét đẹp riêng cần phải được tôn trọng. Như Lâm Minh Trí viết: “Nước đọng bên đường/ những bông hoa nhỏ/ soi gương”.
 
Tại sao phải cần thêm haiku Việt?
Thơ haiku, thể thơ ngắn nhất thế giới từ Nhật Bản đến nay đã trở nên rất quen thuộc với người Việt. Bên cạnh thơ ngũ ngôn, thất ngôn, thơ lục bát, thơ song thất lục bát, thơ tự do… đã đến lúc ta có thể nói đến thơ haiku Việt. Thơ haiku Việt là thơ haiku của người Việt, viết bằng tiếng Việt và mang phong cách Việt. Một đất nước có truyền thống thi ca lâu dài, với một kho tàng thi ca đồ sộ như Việt Nam, sao vẫn cần thêm thể thơ haiku?
Thêm haiku không chỉ vì thêm một thể thơ ngắn, cô đúc, vì thơ lục bát phong dao của Việt Nam cũng rất ngắn, mà chính là vì thêm một cách thức nhìn đời, một cách thức phản ánh đời sống của thơ haiku. Cái đẹp của thiên nhiên nhỏ bé là cách nhìn thế giới rất riêng của thơ haiku. Thiên nhiên nhỏ bé ấy cũng phản ánh cả vũ trụ lớn lao. Thơ haiku Việt đã tạo ra một thế giới riêng, một cách thể hiện đời sống rất riêng.
Gắn với thiên nhiên, nên thơ haiku Nhật bắt buộc phải có quý ngữ, tức là từ chỉ mùa. Bốn mùa ở Nhật thay đổi thật rõ ràng và thật đẹp. Thơ haiku Việt cũng có quý ngữ từ cảnh sắc Việt. Có hoa mai vàng, hoa đào, hoa xoan mùa Xuân; có lá bàng đỏ, cây cơm nguội vàng, hương cốm mùa Thu; có mưa phùn gió bấc, có áo bông mùa Đông; có cánh phượng, tiếng ve và bão lũ mùa Hè… Nhưng phần sâu lắng nhất trong thơ haiku Việt lại là hình bóng quê hương, quê nhà nghèo khó, hình bóng ông bà, cha mẹ vất vả, thân cò lặn lội đồng sâu.
Ca dao Việt ít nói về cha, có lẽ vì truyền thống tính nữ, “duy tình” có từ xưa, nhưng thơ haiku Việt lại có bài về người cha khá hay. Giọng thơ thật cảm thương: “Trên đồng heo may/ bóng cha sấp ngửa/ lẫn trong đất cày” - Nguyễn Bá Hòa.
Thơ haiku từ Nhật đi ra khắp thế giới: Trung Quốc, Ấn Độ, Hàn Quốc, Anh, Pháp, Đức, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha và Việt Nam… Đến mỗi một quốc gia lại mang ít nhiều phục trang, hình hài của quốc gia ấy. Thơ haiku vào Việt Nam ngót một thế kỷ nay, đã và đang lan tỏa trong đời sống người Việt chừng ba chục năm nay. Nó đã mang hình hài Việt, vẻ đẹp Việt, đã nói lên tâm tình và suy tư của người Việt hiện đại.
Kết quả giải thưởng
Từ 663 bài haiku dự thi, 40 bài vào vòng chung kết, ban giám khảo chọn trao 1 giải Nhất cho Lâm Long Hồ (An Giang); 3 giải Nhì cho Phạm Quốc Duẩn (Hà Nội), Lê Thị Thanh Tâm (Hà Nội), Đỗ Thượng Thế (Đà Nẵng); 8 giải Khuyến khích cho Phan Đức Lộc (Điện Biên), Nguyễn Thánh Ngã (TP.HCM), Trịnh Thị Ngọc (Bình Phước), Phó Đỗ Quyên (TP.HCM), Nguyễn Văn Song (Hưng Yên), Lê Hữu Thương (Hà Nội), Lâm Minh Trí (TP.HCM) và Hồ Trường (Bến Tre).
Đoàn Lê Giang

Nguồn: Thể thao văn hóa, ngày 11.12.2019.

14 tiết mục văn nghệ chuyển thể từ tác phẩm văn học lừng danh được các thí sinh trình diễn trong đêm chung kết cuộc thi Đi giữa đường thơm do Khoa Văn Học, Trường ĐH KHXH&NV ĐHQG-HCM tổ chức tại cơ sở Linh Trung, Thủ Đức vào tối 5/10.

Đây là lần đầu tiên các tác phẩm lấy cảm hứng sáng tác từ các thi phẩm, tiểu thuyết văn học nổi tiếng của Việt Nam và thế giới được tổ chức thành một cuộc thi trình diễn trên sân khấu cho sinh viên.

20191007 DGDT

Tiết mục Chim nhại vẫn hót của Lê Hoàng Nhật (giữa) nhận được nhiều lời khen từ ban giám khảo.

Theo PGS.TS Lê Quang Trường - Trưởng khoa Khoa Văn Học, Đi giữa đường thơm chính là tên của thi phẩm nổi tiếng do nhà thơ Huy Cận chấp bút trong tập thơ Lửa Thiêng thời danh của ông. Cuộc thi không chỉ nhận được sự tham gia của sinh viên Trường ĐH KHXH&NV mà còn thu hút nhiều sinh viên từ các trường đại học khác như Trường ĐH Văn Hiến, Khoa Y ĐHQG-HCM…

Đi giữa đường thơm là sân chơi để lan tỏa và truyền cảm hứng say mê văn chương nghệ thuật đến với các bạn trẻ. Đây là cuộc thi trình diễn tác phẩm văn học dành cho sinh viên, dưới nhiều hình thức, thể loại khác nhau như hát, nhảy, múa, kịch... giúp các em tái hiện tác phẩm văn học một cách sinh động, đa dạng qua khả năng sáng tạo của mình” - PGS.TS Lê Quang Trường cho biết.

Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh lấy cảm hứng từ tác phẩm cùng tên của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh được nhóm The Flash Team trình bày đầy cuốn hút.

Tại đêm chung kết, các tác phẩm văn học quen thuộc như Truyện Kiều (Nguyễn Du), Đoạn tuyệt (Nhất Linh), Chí Phèo (Nam Cao), Màu tím hoa sim (Hữu Loan), Vợ chồng A Phủ (Tô Hoài) được thí sinh thể hiện qua các ca khúc cuốn hút: Hoạn thư (nhạc sĩ Sa Huỳnh), Đoạn tuyệt (nhạc sĩ Thái Thịnh), Chí Phèo (nhạc sĩ Bùi Công Nam), Những đồi hoa sim (nhạc sĩ Dzũng Chinh)…

Đặc biệt, ca khúc Chim nhại vẫn hót được thí sinh Trần Hoàng Nhật - sinh viên năm III, Khoa Văn Học, Trường ĐH KHXH&NV ĐHQG-HCM tự sáng tác đã chinh phục ban giám khảo và khán giả, trở thành quán quân của cuộc thi.

Trần Hoàng Nhật chia sẻ: “Lấy cảm hứng từ tác phẩm văn học Mỹ nổi tiếng Giết con chim Nhại của nữ văn sĩ Harper Lee, mình đã sáng tác ca khúc này. Thông qua bài hát mình muốn gửi đến thông điệp: tuy nạn phân biệt chủng tộc, vùng miền, sắc tộc… vẫn tồn tại nhưng tinh thần chiến đấu chống lại chúng chưa bao giờ dừng lại. Điểm nhấn cuối bài dự thi của nhóm là con chim nhại dù bị bắn chết nhưng vẫn bay lên bầu trời xanh chứng tỏ sức mạnh chiến đấu của con người để có được sự bình đẳng”.

Đi giữa đường thơm được tổ chức từ ngày 20/8 với hơn 50 tiết mục tham dự. Tổng giải thưởng của cuộc thi là 20 triệu đồng, trong đó giải Nhất hạng mục tập thể là 5 triệu đồng, giải Nhất hạng mục cá nhân là 2 triệu đồng, giải Tiết mục được yêu thích nhất là 1 triệu đồng.

PGS.TS Lê Quang Trường đã tự phổ nhạc thi phẩm Đi giữa đường thơm để dành tặng cho các thí sinh trong đêm chung kết.

Ban Giám khảo của cuộc thi là các chuyên gia về lĩnh vực văn học, sân khấu gồm: PGS.TS Lê Quang Trường, PGS.TS Trần Thị Phương Phương, TS Đào Lê Na - Trưởng Bộ môn Sáng tác và phê bình sân khấu điện ảnh (Khoa Văn Học), Đạo diễn nghệ thuật Hòa An - Trường ĐH Sân khấu Điện ảnh TP.HCM, nhạc sĩ Trần Văn Tấn - Tổng giám đốc công ty cổ phần Vĩnh Phúc và nhà báo Ngô Công Quang - Phó trưởng văn phòng đại diện phía Nam báo điện tử Dân Trí.

Tin, ảnh: PHIÊN AN - HOÀNG AN

Nguồn: Đại học Quốc gia TPHCM, ngày 07.10.2019.

(tên bài do BTT Web Khoa Văn học đặt)

TTO - Vượt qua 663 bài Haiku dự thi cuộc thi thơ Haiku Việt Nhật lần 7 (năm 2019), bài Haiku của tác giả Lâm Long Hồ lấy cảm hứng về hai người yêu nhau trong ngày lễ Tình nhân hiện nay đã đoạt giải nhất.

20191215 haiku

Ông Kawaue Junichi - Tổng lãnh sự Nhật Bản tại TP.HCM - trao giải nhất cho tác giả Lâm Long Hồ - Ảnh: L.ĐIỀN

"Tôi mong sự phổ biến của văn hóa Haiku độc đáo trong tiếng Việt cũng như Haiku tiếng Nhật sẽ được thúc đẩy hơn nữa và sự giao lưu từ trái tim đến trái tim của người dân hai nước thông qua thơ Haiku sẽ tiến xa thêm"

Ông Kawaue Junichi - Tổng lãnh sự Nhật Bản tại TP.HCM

"Thơ Haiku Việt là thơ haiku của người Việt, viết bằng tiếng Việt và mang phong cách Việt. Một đất nước có truyền thống thi ca lâu dài, với một kho tàng thi ca đồ sộ như Việt Nam, sao vẫn cần thêm thể thơ Haiku? Thêm Haiku không chỉ vì thêm một thể thơ ngắn, cô đúc, vì thơ lục bát phong dao của Việt Nam còn ngắn hơn cả Haiku, mà chính là vì thêm một cách thức nhìn đời, một cách thức phản ánh đời sống của thơ Haiku. Thơ Haiku đã tạo ra một thế giới riêng, một cách thể hiện đời sống rất riêng".

Phó giáo sư, tiến sĩ Đoàn Lê Giang

Bài thơ Haiku Việt đoạt giải nhất, tác giả Lâm Long Hồ đến từ An Giang phản ánh một thực trạng trong đời sống hiện đại trong vỏn vẹn 15 chữ:

Cà phê ngày Tình nhân/Hai màn hình điện thoại/Chiếu sáng hai mặt người.

Bài thơ này, như nhận định của phó giáo sư, tiến sĩ Đoàn Lê Giang - trưởng ban giám khảo - "tưởng không có gì để nói". Bởi mọi thứ bày ra thật rõ ràng: một đôi bạn trẻ yêu nhau ngồi với nhau trong ngày Valentine.

Tiến sĩ Đoàn Lê Giang nhắc lại truyền thuyết về Thánh Valentine phải chịu hình phạt thảm khốc của hoàng đế độc tài để bảo vệ tình yêu đôi lứa, vì thế mà người ta mới lấy ngày 14-2, ngày ông bị tử hình để tôn vinh ông, cũng là tôn vinh tình yêu bất diệt của con người.

"2000 năm sau cái chết ấy, trong thời đại công nghệ, người ta vẫn đi với nhau vào ngày Thánh Valentine, nhưng dường như người ta không biết, không thiết giao tiếp với nhau nữa: mỗi người một điện thoại, sống ảo, sống trong thế giới của riêng mình.

Hai người, hai điện thoại và hai gương mặt trong hai quầng sáng xanh mới cô đơn làm sao! Nghệ thuật hiện đại rung chuông cảnh tỉnh về môi trường sống hiện nay, về tính nhân văn đang đứng trước nguy cơ do chính con người tạo ra. Thơ Haiku cũng góp tiếng nói vào câu chuyện ấy", tiến sĩ Đoàn Lê Giang nêu nhận xét.

Sáng kiến mở cuộc thi Haiku Việt Nhật để vừa phổ biến thể thơ độc đáo của Nhật Bản, vừa gắn kết những tâm hồn thơ Việt Nam đồng điệu với cấu tứ đặc thù của Haiku, Tổng Lãnh sự quán Nhật Bản tại TP.HCM và Trường đại học Khoa học xã hội & Nhân văn tổ chức cuộc thi thơ Haiku Việt Nhật lần đầu tiên vào năm 2007.

Từ đó duy trì 2 năm 1 lần, nay đã là lần thứ 7, số lượng người làm thơ Việt Nam yêu thể thơ Haiku Nhật Bản ngày càng nhiều hơn, thể hiện qua chất lượng và số lượng các tác phẩm gửi về dự thi.

Để chào mừng 7 lần tổ chức thành công cuộc thi thơ Haiku Việt Nhật, trong lần trao giải năm nay, ông Kawaue Junichi - Tổng lãnh sự Nhật Bản tại TP.HCM - đã sáng tác một bài Haiku để tặng cuộc thi và đọc tặng ngay tại lễ trao giải.

Bản dịch tiếng Việt do tiến sĩ Nguyễn Vũ Quỳnh Như thực hiện, như sau:

クーロンの /恵みゆたかに/春(テト)祝う

Mừng Tết về/Vùng Cửu Long/Bạt ngàn mênh mông.

Các bài Haiku đoạt giải lần 7 (năm 2019):

Giải nhì:

Lặng lẽ trong lồng/Tiếng chim đơn độc/Vọng vào thinh không. (Phạm Quốc Duẩn - Hà Nội)

Mong manh khô giòn/Lá thu dưới đất/Mòn chân ai. (Lê Thị Thanh Tâm - Hà Nội)

San hô nổi/Trắng bãi bờ/Đại dương mất máu. (Đỗ Thượng Thế - Đà Nẵng)

Giải khuyến khích:

Đàn cá ngửa bụng/Triền loa kèn rủ trắng khăn tang/Sông lặng im mặc niệm… (Phan Đức Lộc - Điện Biên)

Dạt vào bờ/Mắt cá voi ngấn lệ/Dập dềnh túi nylong. (Nguyễn Thánh Ngã - TP.HCM)

Chiếc áo sờn vai/Kể chuyện cuộc đời/Treo trên vách núi. (Trịnh Thị Ngọc - Bình Phước)

Những nhà chọc trời/không cao bằng cánh nhạn/chơi với hồ mây. (Phó Đỗ Quyên - TP.HCM)

Vào Thành Cổ/Bàn chân chạm cỏ mềm/Buốt nhói! (Nguyễn Văn Song - Hưng Yên)

Biển phủ ni lông/Cụ rùa/Thở ống hút. (Lê Hữu Thương - Hà Nội)

Nước đọng bên đường/Những bông hoa nhỏ/Soi gương. (Lâm Minh Trí - TP.HCM)

Ếch gọi bạn/Đêm mưa trên đồng/Gọi cả bão giông! (Hồ Trường - Bến Tre)

Lam Điền

Nguồn: Tuổi trẻ, ngày 10.12.2019.

Thông tin truy cập

64102254
Hôm nay
Hôm qua
Tổng truy cập
24043
29791
64102254

Thành viên trực tuyến

Đang có 497 khách và không thành viên đang online

Danh mục website