Sáng ngày 04/4/2025, Khoa Văn học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQGHN đã long trọng tổ chức Lễ trao Giải thưởng GS.NGND Lê Đình Kỵ - một giải thưởng học thuật danh giá dành cho những sinh viên, học viên cao học có thành tích học tập và nghiên cứu nổi bật trong lĩnh vực Lí luận và phê bình văn học.

Tham dự buổi lễ trao giải có PGS.TS Nguyễn Thu Hiền - Đảng uỷ viên, Bí thư Chi bộ, Phó Trưởng Khoa, TS. Lê Văn Cường - Phó Bí thư Chi bộ, Phó Trưởng Khoa, TS. Nguyễn Thị Năm Hoàng - Chi uỷ viên, Phó Trưởng Khoa, đại diện học trò của GS.NGND Lê Đình Kỵ, các thầy cô giảng viên Bộ môn Lí luận văn học và các ứng viên nhận giải.
Giải thưởng mang tên GS. NGND Lê Đình Kỵ - một trong những cây đại thụ của ngành Lí luận văn học Việt Nam hiện đại, người đã có nhiều đóng góp quan trọng trong giảng dạy và nghiên cứu tại Khoa Ngữ văn, Đại học Tổng hợp Hà Nội giai đoạn 1956-1980. Giáo sư từng được trao Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật, danh hiệu Nhà giáo Nhân dân, cùng nhiều huân chương cao quý khác.
PGS.TS Nguyễn Thị Như Trang đã thay mặt cho Bộ môn Lí luận văn học và gia đình phát biểu khai mạc, đồng thời, nhấn mạnh ý nghĩa đặc biệt của Giải thưởng cũng như quy trình bình duyệt ứng viên cho giải thưởng năm nay.

PGS.TS Nguyễn Thị Như Trang phát biểu khai mạc

Phát biểu tại buổi lễ, PGS.TS Nguyễn Thu Hiền đã đại diện cho Chi uỷ, Ban chủ nhiệm Khoa Văn học khẳng định: “Giải thưởng GS. Lê Đình Kỵ không chỉ là sự ghi nhận xứng đáng đối với nỗ lực học thuật của sinh viên, học viên mà còn là nguồn cảm hứng, là chiếc cầu nối giữa truyền thống học thuật uyên bác và thế hệ tri thức trẻ”.

PGS.TS Nguyễn Thu Hiền đại diện Chi uỷ, BCN Khoa phát biểu

Không gian của buổi lễ thật nhiều cảm xúc khi các học trò của cố GS. NGND Lê Đình Kỵ như PGS. TS Trần Khánh Thành, PGS.TS Phạm Thành Hưng và TS. Nguyễn Văn Nam đã có những phát biểu xúc động, hồi tưởng về cuộc đời, sự nghiệp và nhân cách của người thầy đặc biệt của mình. Từ phương xa, cô Ngô Kim Long, phu nhân cố Giáo sư, cũng đã có những lời nhắn đặc biệt, hy vọng các ứng viên được trao giải ngày hôm nay sẽ là những người tiếp tục lan tỏa giá trị học thuật và nhân cách của thầy trong tương lai.

PGS.TS Trần Khánh Thành - Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng Lí luận phê bình Văn học - Nghệ thuật Trung ương phát biểu

PGS. TS Phạm Thành Hưng phát biểu

TS. Nguyễn Văn Nam phát biểu

Năm nay, sau quá trình bình xét nghiêm túc dựa trên các tiêu chí học tập, nghiên cứu và định hướng học thuật, Ban tổ chức đã quyết định trao giải cho 5 gương mặt tiêu biểu, bao gồm:
- Trần Thùy Trang - Học viên cao học Khóa QH-2023-X
- Nguyễn Sao Mai - Học viên cao học Khóa QH-2023-X
- Nguyễn Việt Hà - Sinh viên Khóa QH-2022-X-VH
- Lê Thị Quyên - Sinh viên Khóa QH-2022-X-VH
- Nguyễn Thị Thanh Hoa - Sinh viên Khóa QH-2022-X-VH

PGS. TS Trần Khánh Thành và PGS.TS Nguyễn Thu Hiền trao Chứng nhận và Giải thưởng cho Học viên cao học

Trao Chứng nhận và Giải thưởng cho các sinh viên xuất sắc

Học viên Trần Thuỳ Trang và sinh viên Nguyễn Việt Hà đại diện các ứng viên nhận giải đã xúc động chia sẻ: “Đây không chỉ là một vinh dự mà còn là nguồn động viên lớn lao để chúng em tiếp tục theo đuổi con đường học thuật, giữ vững niềm tin vào lý tưởng nghiên cứu khoa học”.
Lễ trao giải khép lại trong không khí trang trọng, ấm cúng, để lại nhiều cảm xúc đẹp trong lòng người tham dự và tiếp tục khẳng định vị thế của Giải thưởng GS. NGND Lê Đình Kỵ như một biểu tượng học thuật của Khoa Văn học, Trường ĐHKHXH&NV, ĐHQGHN.

20250405

BCN Khoa, các thầy cô Bộ môn Lí luận văn học chụp ảnh lưu niệm cùng các ứng viên đạt giải năm học 2024-2025 

Giải thưởng GS.NGND Lê Đình Kỵ là một giải thưởng khuyến học do gia đình Giáo sư, NGND.Lê Đình Kỵ phối hợp với Bộ môn Lí luận Văn học, Khoa Văn học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn điều phối giải thưởng. Giải thưởng được trao tặng cho những sinh viên, học viên cao học của khoa Văn học có kết quả học tập, nghiên cứu xuất sắc, được tổ chức 1 lần/năm và trao thưởng vào tháng 4 hàng năm và đây là năm thứ hai giải thưởng được trao tặng tại VNU-USSH.
Giáo sư, Nhà giáo Nhân dân Lê Đình Kỵ (1923-2009) là một trong những học giả hàng đầu về Lí luận và phê bình văn học Việt Nam hiện đại. Ông từng là Chủ nhiệm Bộ môn Lí luận văn học và Văn học Việt Nam, Khoa Ngữ văn, Đại học Tổng hợp Hà Nội. Với lối viết sâu sắc, tinh tế và giàu cảm xúc, ông để lại nhiều công trình quan trọng như Phương pháp nghệ thuật (1962), Cơ sở Lí luận văn học (1971), Đường vào thơ (1969), Thơ với Xuân Diệu, Hoài Thanh, Chế Lan Viên (1988), Thơ mới - Những bước thăng trầm (1989) và Truyện Kiều và chủ nghĩa hiện thực của Nguyễn Du. Những công trình này góp phần bồi đắp truyền thống học thuật và truyền cảm hứng cho nhiều thế hệ học trò.

Khoa Văn học (ĐHKHXH&NV, ĐHQG-HN)

K.VH - Sáng 23.3.2025, trong chương trình Tóc xanh vạt áo do Đoàn trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQG-HCM tổ chức, chị Nôm Phương Dã Thảo – cháu ngoại đời thứ 16 của Bắc Quân Đô Đốc Thượng Đẳng Thần Bùi Tá Hán – đã trao tặng khoa Văn học bản sao sắc phong của vua Thiệu Trị dành cho Bùi Tá Hán, như một đóng góp nhỏ vào công cuộc bảo tồn di sản văn hóa dân tộc. Chị Nôm Dã Phương Thảo hiện nay đang là sinh viên hệ Văn bằng 2, ngành Ngữ văn Trung Quốc của Trường. Khoa Văn học trân trọng cảm ơn tấm lòng trao truyền những giá trị văn hóa, lịch sử quý báu của hậu duệ dòng họ Bùi.

20250328

Bùi Tá Hán (裴佐漢), người Châu Hoan, sinh 1496, mất 1568, là một danh tướng có công khôi phục nhà Hậu Lê (thời Lê Trung Hưng, 1533-1789) dưới ngọn cờ "Phù Lê diệt Mạc" của Nguyễn Kim, được phong Trấn Quận công, trấn giữ Quảng Nam, và góp phần đặt nền móng cho sự nghiệp mở mang phương Nam của chúa Nguyễn sau này. Năm 1545, Bùi Tá Hán vào bình định vùng đất thừa tuyên Quảng Nam và được cử trấn giữ vùng đất này đến khi mất vào năm 1568. Hiện đền thờ và lăng mộ của ông còn ở phường Quảng Phú, thành phố Quảng Ngãi. Công cuộc canh tân, bình định vùng đất này của Bùi Tá Hán còn được ghi chép khá rõ trong Phủ tập Quảng Nam ký sự, của tác giả họ Mai, tương truyền được viết cách đây hơn 400 trăm năm.

Đền thờ Bùi Tá Hán hiện còn lưu giữ 23 sắc phong của các đời vua nhà Tây Sơn (Cảnh Thịnh) và nhà Nguyễn (Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức, Đồng Khánh, Thành Thái, Duy Tân, Khải Định). Trong số các sắc phong này có 9 sắc phong cho Bùi Tá Hán, sớm nhất là từ đời Cảnh Thịnh đến Duy Tân, với nhiều mỹ hiệu, thần hiệu: Khuông quốc Tĩnh biên Thụ đức Mậu công Huy liệt Trác vĩ Bắc quân Đô đốc phủ Chưởng phủ sự, tặng Thái bảo Trấn phủ quân Thượng đẳng thần; 8 sắc phong cho Bùi Tá Thế - con trai Bùi Tá Hán, danh tướng triều Lê, cũng với thần hiệu là Thượng đẳng thần, và 7 sắc phong cho Xích Y thị với thần hiệu Tôn thần. Tại đây cũng còn một số sắc phong cho Phi Vận tướng quân Nguyễn Phục làm Thành hoàng. Ngoài ra còn có nhiều liễn đối phúng điếu và thơ ngợi ca công đức Bùi Tá Hán của các quan lại đầu tỉnh cùng các bậc túc nho như Hiệp Đức hầu Lưu Đình Luyện, Tiến sĩ, Án sát sứ Quảng Ngãi Trương Quốc Dụng, Tuần vũ Quảng Ngãi Huỳnh Côn, Tuần vũ Quảng Ngãi Lê Từ...

Cùng với sắc phong thần cho nhân dân khắp nơi trong tỉnh thờ thiên thần, nhiên thần, thủy thần, đặc biệt ở Quảng Ngãi còn có nhiều sắc phong cho nhân dân ở nhiều làng xã thờ các nhân thần có công mở mang bờ cõi, có nhiều công trạng lớn với quốc gia, dân tộc, hoặc trong công cuộc khai canh, khai cơ ngay tại chính quê hương mình. Vị nhân thần được nhân dân thờ phụng nhiều nhất ở Quảng Ngãi đó chính là Bùi Tá Hán. Năm 1545, Bùi Tá Hán được phong làm Bắc quân đô đốc Phủ chưởng phủ sự, trấn nhậm ở Thừa tuyên Quảng Nam, rồi được ban tước Trấn Quận công, sau là Trấn Quốc công. Trong hàng trăm bản sắc phong thần tìm thấy ở Quảng Ngãi, có sắc phong ban cho thờ phụng Bùi Tá Hán là nhiều nhất. Tại đền Bùi Tá Hán hiện còn có 9 sắc phong cho Bùi Tá Hán từ thời vua Cảnh Thịnh đến thời Khải Định.

THÔNG TIN VỀ SẮC PHONG VÀ NHÂN VẬT ĐƯỢC PHONG

1/ Nguồn gốc sắc: Hậu duệ dòng họ Bùi (Trấn Quốc công Bùi Tá Hán) tặng bản sao.

2/ Nội dung: Gia phong mỹ tự cho Thần, cụ thể gia phong thêm mỹ tự “Mậu đức”.

3/ Nhân vật được phong: Trấn Quốc công Bùi Tá Hán.

BẢN PHIÊN ÂM VÀ DỊCH NGHĨA SẮC PHONG BÙI TÁ HÁN

Phiên âm:

Sắc Khuông quốc Tĩnh biên Thụ đức Bắc quân Đô đốc phủ Chưởng phủ sự, tặng Thái bảo Trấn phủ quân Thượng đẳng Thần, hộ quốc tí dân, nẫm trứ linh ứng, tiết mông ban cấp tặng sắc, chuẩn hứa phụng sự. Minh Mạng nhị thập nhất niên, trị ngã Thánh tổ Nhân Hoàng đế ngũ tuần đại khánh tiết, khâm phụng bảo chiếu đàm ân, lễ long đăng trật. Tứ kim phi ưng cảnh mệnh, miến niệm thần hưu, khả gia tặng Khuông quốc Tĩnh biên Thụ đức Mậu công Thượng đẳng Thần, nhưng chuẩn Chương Nghĩa huyện, Thu Phố xã y cựu phụng sự. Thần kì tướng hựu bảo ngã lê dân.

Khâm tai!

Thiệu Trị tam niên, tứ nguyệt, thập nhị nhật.

SẮC MỆNH CHI BẢO.

Dịch nghĩa:

Sắc cho Khuông quốc Tĩnh biên Thụ đức Bắc quân Đô đốc phủ Chưởng phủ sự, tặng Thái bảo Trấn phủ quân Thượng đẳng thần. Thần giúp nước che dân, tỏ rõ linh ứng. Qua các kỳ lễ tiết đã được ban cấp sắc phong, chuẩn cho phụng thờ. Năm Minh Mạng thứ 21, gặp dịp Thánh tổ Nhân Hoàng đế[1] ta mừng đại lễ ngũ tuần, kính ban chiếu báu ơn sâu, lễ trọng thăng trật cho Thần. Nay trẫm kế thừa mệnh lớn, nhớ nghĩ đến sự che chở của Thần, đáng được gia tặng là Khuông quốc Tĩnh biên Thụ đức Mậu công Thượng đẳng Thần. Vẫn chuẩn cho xã Thu Phố, huyện Chương Nghĩa phụng thờ như cũ.

Thần hãy giúp đỡ và bảo vệ cho dân ta.

Kính vậy thay!

Ngày 12 tháng 4 năm Thiệu Trị  thứ 3 (1843).

[Đóng ấn] SẮC MỆNH CHI BẢO.

Hoàng Ngọc Cương – Hồ Khánh Vân


[1] Thánh tổ Nhân hoàng đế là miếu hiệu của vua Minh Mạng. 

Hơn 1.000 bài dự thi – hơn 1.000 giấc mơ văn chương đã cùng hội tụ, tạo nên một mùa giải đầy cảm xúc và dấu ấn. Sau hành trình tuyển chọn kỹ lưỡng từ Ban Giám khảo chuyên môn, những bài dự thi ấn tượng ở ba hạng mục Tản văn, Thơ, Truyện ngắn của Giải thưởng Văn học trẻ Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh năm 2024 đã chính thức lộ diện!

Năm nay, có hơn 1.000 bài nhưng chúng ta chưa tìm thấy chủ nhân của Giải Nhất ở hạng mục Thơ và Truyện ngắn, quả thật đó là một đường đua gay cấn. Tuy nhiên, chúng mình tin rằng, bút lực của các tác giả trẻ vẫn có thể bứt phá trong những chặng đường tiếp theo.

Một lần nữa, xin được chúc mừng các tác giả xuất sắc nhất của mùa giải năm 2024. Và xin chúc mừng các cây bút trẻ của mùa giải 2024 đã mạnh dạn gửi gắm “đứa con tinh thần” của các bạn về với Văn học trẻ. 

Với chúng mình, mỗi trang viết không chỉ là sự sáng tạo, mà còn là tiếng nói chân thành của những tâm hồn trẻ yêu văn chương. Đó là những rung động trước cuộc sống, những suy tư lắng đọng về con người, và cả những khát vọng mãnh liệt gửi gắm qua từng con chữ. Văn học trẻ trân trọng mỗi sáng tác của các bạn!
____________________
THÔNG TIN LIÊN HỆ:
Fanpage: https://www.facebook.com/vanhoctre.vnuhcm 
Website: https://vanhoctre.vnuhcm.edu.vn/ 
Điện thoại: 028 3829 3828 – số nội bộ 199 
Email: This email address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it. 
#vanhoctre #vanhoctredhqghcm #khoinghiepvanchuong #VNUHCM #USSHVNUHCM

Hơn 100 nhà nghiên cứu, sinh viên đã tham dự Tọa đàm “Tác phẩm Nhà ảo thuật trên cầu bộ hành của nhà văn Ngô Minh Ích và văn học Đài Loan” do Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn phối hợp Công ty Cổ phần Văn hóa và Truyền thông Nhã Nam tổ chức tại cơ sở Đinh Tiên Hoàng vào ngày 2/11.

20241105PGS.TS Lê Quang Trường chia sẻ về sự nghiệp sáng tác của nhà văn Ngô Minh Ích - Ảnh: BTC.

PGS.TS Lê Quang Trường - Trưởng khoa Văn học, Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, TS Phan Thu Vân - Phó Trưởng khoa Ngữ văn, Trường ĐH Sư phạm TP HCM và TS Nguyễn Hồng Anh - giảng viên Văn học nước ngoài, Trường ĐH Sư phạm TP HCM là các diễn giả của toạ đàm.

Kết hợp sự bí ẩn và phép màu

Phát biểu mở đầu toạ đàm, PGS.TS Lê Quang Trường bày tỏ sự thán phục tác giả Ngô Minh Ích với nhiều tác phẩm nổi tiếng, trong đó có Nhà ảo thuật trên cầu bộ hành. Tác phẩm này đã được chuyển thể thành phim truyền hình 10 tập do đạo diễn Dương Nhã Triết thực hiện.

Tác phẩm Nhà ảo thuật trên cầu bộ hành xuất bản năm 2011, lấy bối cảnh khu chợ Trung Hoa ở Đài Bắc vào những năm 1970 - thời kỳ chuyển mình của đất nước. Khu chợ gồm tám tòa nhà, mang tên Trung, Hiếu, Nhân, Ái, Tín, Nghĩa, Hòa và Bình, tạo thành một thế giới nhỏ, nơi lũ trẻ sinh sống và trưởng thành. Những đứa trẻ nơi đây với những ước mơ, nỗi sợ, sự tò mò và niềm hy vọng, được khắc họa sinh động qua lăng kính hoài niệm của tác giả.

Nhà văn Ngô Minh Ích đã tái hiện không chỉ bằng sự chân thật của ký ức, mà còn bằng cảm xúc man mác và ấm áp. Tác phẩm là hành trình tìm lại một thời thơ ấu mà bất kỳ ai đi qua đều muốn quay về, nơi có những phép màu giản dị ẩn giấu giữa buồn vui thường nhật.

TS Phan Thu Vân nhận định Ngô Minh Ích là một nhà văn có sức sáng tạo tài hoa khi ông có thể sáng tác ở đa dạng đề tài cũng như thể loại, từ chủ đề chiến tranh (Chiếc xe đạp mất cắp), sinh thái (Người mắt kép) cho đến quá khứ (Nhà ảo thuật trên cầu bộ hành).

Sinh viên đặt câu hỏi về nghệ thuật viết truyện của Ngô Minh Ích cho các diễn giả - Ảnh: BTC.Sinh viên đặt câu hỏi về nghệ thuật viết truyện của Ngô Minh Ích cho các diễn giả - Ảnh: BTC.

Tự cảm thụ về nền văn học Đài Loan

Theo TS Phan Thu Vân, hiện tại vẫn có nhiều tranh luận về nền văn học Đài Loan. Thời gian qua, có nhiều ý kiến cho rằng văn học Đài Loan có nét tương đồng, thậm chí là một phần của văn học Trung Quốc, Nhật Bản. Tuy nhiên, những ý kiến phản bác nhận định văn học Đài Loan sở hữu giá trị riêng biệt, tạo nên sự rạch ròi.

TS Thu Vân dẫn chứng trường hợp của tác giả Trương Ái Linh - người được xem là một phần sống động của nền văn học Đài Loan. Tuy nhiên, Trương Ái Linh là người đại lục. Một số tác phẩm của Trương Ái Linh không được xuất bản tại đại lục nhưng lại được xuất bản ở Đài Loan. Cho nên vấn đề xác định tác giả này có thuộc nền văn học Đài Loan hay không vẫn còn là một tranh cãi.

Qua đó, TS Phan Thu Vân cho rằng việc tiếp cận với Nhà ảo thuật trên cầu bộ hành của Ngô Minh Ích sẽ giúp độc giả tự cảm nhận và đi tìm câu trả lời thỏa đáng cho riêng mình về nền văn học Đài Loan.

Từ trước năm 1975, nhiều tác giả Đài Loan đã được giới thiệu tại Việt Nam như Quỳnh Dao, Cổ Long; gần đây có Diệp Thạch Đào, Trần Trường Khánh, Cửu Bả Đao, Bạch Tiên Dũng, Kevin Chen… và mới nhất là Ngô Minh Ích. Ngoài tác phẩm Nhà ảo thuật trên cầu bộ hành, tác giả này cũng được yêu mến tại Việt Nam với hai tiểu thuyết Người mắt kép và Chiếc xe đạp mất cắp.

Các diễn giả tại chương trình nhấn mạnh việc tiếp thu những tinh hoa văn hóa đa dạng là điều tất yếu trong bối cảnh toàn cầu hóa như hiện nay. Nền văn học Việt Nam ở thời điểm hiện tại có thể tham khảo thêm những giá trị đặc sắc của các nền văn học khác và cách thức tiếp cận bạn đọc ở nhiều nơi. Nhờ đó, văn học Việt Nam sẽ có nhiều hơn nữa các tác phẩm trong nước tiếp cận được với bạn bè quốc tế.

Tọa đàm “Tác phẩm Nhà ảo thuật trên cầu bộ hành của nhà văn Ngô Minh Ích và văn học Đài Loan” được nhiều người quan tâm - Ảnh: BTC.Tọa đàm “Tác phẩm Nhà ảo thuật trên cầu bộ hành của nhà văn Ngô Minh Ích và văn học Đài Loan” được nhiều người quan tâm - Ảnh: BTC.

Khuê Cách

Nguồn: Đại học Quốc gia TP.HCM

Thông tin truy cập

65719494
Hôm nay
Hôm qua
Tổng truy cập
7057
12351
65719494

Thành viên trực tuyến

Đang có 237 khách và không thành viên đang online

Danh mục website