Sáng ngày 30-10, Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Ngãi phối hợp với Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TPHCM tổ chức Hội thảo “Nguyễn Vỹ-Cuộc đời và sự nghiệp” nhân kỷ niệm 105 năm ngày sinh nhà thơ, nhà báo… Nguyễn Vỹ.

Hội thảo “Nguyễn Vỹ - Cuộc đời và sự nghiệp” đã trình bày những nghiên cứu mới nhất của các nhà nghiên cứu về những đóng góp của Nguyễn Vỹ - một trong những gương mặt trí thức tiêu biểu của tỉnh Quảng Ngãi đầu thế kỷ XX vào sự nghiệp văn hóa, văn học và báo chí.

Hội thảo đã nhận được tất cả 36 tham luận của 35 nhà nghiên cứu, trong đó có 29 nhà nghiên cứu ngoài tỉnh Quảng Ngãi, 6 nhà nghiên cứu trong tỉnh và 9 người có báo cáo là thân nhân gia đình Nguyễn Vỹ. 

Các tham luận tập trung nghiên cứu sự nghiệp thơ ca của Nguyễn Vỹ, kiểm kê lại các tác phẩm thơ của ông, giá trị nội dung nghệ thuật, cá tính sáng tạo, đặc điểm thi pháp trong thơ ông.

PGS.TS Đoàn Lê Giang, Trưởng Khoa Văn học và Ngôn ngữ trường ĐH KHXH và NV TPHCM phát biểu tại hội thảo. Ảnh: NGUYỄN TRANG

PGS.TS Đoàn Lê Giang, Trưởng khoa Văn học và Ngôn ngữ, Trường ĐHKHXH&NV TPHCM, cho rằng một trong những cách tân quan trọng về thơ của Nguyễn Vỹ là chú ý đến hình thức sắp đặt bài thơ, bài thì ziczac, bài thì hình thoi,… điều mà sau này người ta gọi là “Thơ thị giác”. Thơ thị giác khá phát triển gần đây, được coi là một trong những cách tân quan trọng của thơ ca đương đại. Nhưng ít ai ngờ là người đưa thơ thị giác theo kiểu phương Tây vào thơ ca Việt Nam là Nguyễn Vỹ với trường phái thơ Bạch Nga.

Tuy nhiên, Hội thảo cũng đặt ra những vấn đề mà theo PGS.TS Đoàn Lê Giang là cần phải xác lập một tiểu sử đầy đủ, chính xác về cuộc đời Nguyễn Vỹ; sưu tầm, ghi chép chính xác các tác phẩm của ông, tìm hiểu giá trị, đặc điểm thi pháp thơ, văn xuôi nghệ thuật, thảo luận về những cách thức đưa các giá trị của sự nghiệp văn học của Nguyễn Vỹ đối với hậu thế…

Quang cảnh buổi hội thảo. Ảnh: NGUYỄN TRANG

Về sự nghiệp báo chí, TS. Trần Hoài Anh, nhận định, trong quan điểm của Nguyễn Vỹ, một tờ báo có căn bản nghề nghiệp, dù là nhật báo hay tuần báo luôn được tổ chức theo một hệ thống chặt chẽ chứ không bao giờ được bừa bãi. Nó là một cơ quan dù là của tư nhân, nhưng vẫn có tính cách công cộng vì ảnh hưởng của nó trong quần chúng rất rộng lớn […].

Chính Vũ Bằng, một nhà văn, nhà báo, nhà thơ, cũng xác quyết: Người làm báo chân chính không sợ uy vũ, không bị mê hoặc vì lợi danh, không chịu để cho ngòi bút mình tủi hổ, cho nên cũng vì thế nhà báo cũng là trong số những người đáng kính nể nhất.

TS. Trần Hoài Anh cho rằng, một phẩm tính khác trong cái nhìn của các nhà nghiên cứu ở miền Nam trước năm 1975 về tính cách một người viết văn, làm báo dấn thân Nguyễn Vỹ, theo tinh thần của một nhà văn dấn thân mà Sartre đã từng nói, đó là việc thành lập Thi văn đoàn Thằng Bờm ở hầu hết trên các tỉnh lãnh thổ miền Nam Việt Nam lúc bấy giờ… Mà như tác giả Tú Xe đề cập đến Nguyễn Vỹ, bởi cái lối viết “hì hục” viết suốt một đời người, viết đến toát mồ hôi của anh.

Thông qua Hội thảo, sự nghiệp của Nguyễn Vỹ được đánh giá đúng mức, tác phẩm của ông được định vị trong lịch sử văn học dân tộc, tên tuổi của ông được vinh danh tại quê nhà, tiếp nối truyền thống Núi Ấn Sông Trà với những danh nhân văn học khác Trương Đăng Quế, Bích Khê….

Hội thảo cũng dẫn đề nghị cần vinh danh Nguyễn Vỹ, lập nhà lưu niệm cũng đặt tên đường ở Quảng Ngãi.

Nguyễn Vỹ, sinh năm 1910 tại làng Tân Hội (sau đó đổi thành Tân Phong, sau năm 1945 đổi là Phổ Phong), huyện Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi, trong một gia đình nhà nho, có truyền thống yêu nước chống giặc ngoại xâm.

Bản thân ông là một học sinh yêu nước, có tinh thần chống Pháp. Khi còn là học sinh trung học ở trường Quốc học Quy Nhơn, Nguyễn Vỹ tham gia phong trào chống thực dân nên bị đuổi học, sau đó, ông ra Hà Nội tiếp tục học tú tài.

Nguyễn Vỹ là một nhà văn có khuynh hướng dân chủ, ông lập tờ báo, viết báo bênh vực người nghèo, công kích nhà cầm quyền đương thời. Các tờ báo Tổ Quốc số đầu tiên xuất bản năm 1949, tờ Dân chủ xuất bản ở Đà Lạt, sau đó tờ Dân ta (1952), sau này là tờ Phổ thông bán nguyệt san (1958) tuần báo Bông lúa… đều thể hiện khuynh hướng đó.

Ngày 4-2-1971, ông qua đời bởi tai nạn giao thông trên đường đi từ Tân An về Sài Gòn, thọ 61 tuổi.

Ngoài tên gọi  Nguyễn Vỹ, ông còn có nhiều bút danh khác như: Tân Phong, Tân Trí, Lệ Chi, Cô Diệu Huyền.

Với khoảng 40 năm hoạt động báo chí, văn học, ông đã để lại một sự nghiệp đồ sộ, chỉ riêng về sách, ông đã xuất bản trên 20 đầu sách gồm nhiều thể loại thơ, ký, truyện ngắn,… Sau năm 1975 nhiều sách của ông được tái bản.

NGUYỄN TRANG

Nguồn: http://www.sggp.org.vn/nguyen-vy-cuoc-doi-va-su-nghiep-nha-tho-nha-bao-dau-the-ky-xx-478836.html

Vào 16 chiều ngày 27/10/2017, tại Sân khấu chính đường sách Nguyễn Văn Bình đã diễn ra sự kiện giao lưu và ra mắt sách “Chân trời của hình ảnh, từ văn chương đến điện ảnh qua trường hợp Kurosawa Akira" của tiến sĩ Đào Lê Na, do CLB Sân khấu và Điện Ảnh thuộc Khoa Văn học, Trường ĐH KHXH&NV tổ chức. Mặc dù ấn phẩm này là sách nghiên cứu và tổ chức trong khung giờ làm việc của một ngày trong tuần nhưng buổi giới thiệu sách đã thu hút được hơn 60 người tham dự. Đây cũng được xem là tín hiệu đáng mừng cho sự quan tâm của độc giả đối với sách nghiên cứu, đặc biệt là sách liên quan đến điện ảnh.

Khách mời danh dự của buổi trò chuyện là nhà văn Nhật Chiêu và nhà làm phim Phan Gia Nhật Linh. Cả ba diễn giả đã có sự hội ngộ trùng hợp bởi thời điểm này một năm trước, họ đã gặp nhau lần đầu tiên cũng trong toạ đàm về văn học và điện ảnh.

Tên sách là món quà mà nhà văn Nhật Chiêu gửi tặng tác giả Đào Lê Na. Chân trời của hình ảnh là ẩn dụ về sự đa nghĩa của hình ảnh mà người đọc cần phải tìm tòi khám phá. Chân trời là cái mà ai cũng hướng tới nhưng không ai xác định được nó có hình dạng ra sao. Hình ảnh trong phim cũng vậy. Người xem phải sử dụng rất nhiều kiến thức nhưng cũng chưa thể giải mã được hết ý nghĩa của nó.

Đạo diễn Phan Gia Nhật Linh đánh giá rất cao ấn phẩm này. Anh cho rằng, bản thân mình cũng học hỏi được nhiều điều qua sự phân tích những tác phẩm điện ảnh trong công trình. Theo anh, đây là tư liệu quý giá cho cả khán giả xem phim thông thường lẫn các nhà làm phim và hoàn toàn phù hợp với Tủ sách điện ảnh của đạo diễn Việt Linh mà anh là một trong những người tham gia xây dựng.

Cả nhà văn Nhật Chiêu và đạo diễn Phan Gia Nhật Linh đều đồng ý rằng đây không phải là sách hoàn toàn dễ đọc đối với số đông độc giả nhưng cũng không phải là sách viết theo văn phong khô khan, học thuật, nặng về lý luận. Tác giả đã chỉnh sửa lại công trình bằng cách làm rõ những vấn đề lý thuyết thông qua những ví dụ cụ thể, cập nhật, được viết bằng văn phong trau chuốt, giàu chất thơ. Sự dung hoà giữa tính hàn lâm và tính đại chúng sẽ giúp cho tác phẩm tiếp cận được nhiều người đọc hơn và bản thân người đọc cũng có thể mở rộng sự hiểu biết của mình về cải biên học thông qua các lý thuyết: liên văn bản, giải kiến tạo, phiên dịch học, văn hoá học và thông qua phim của Kurosawa Akira.

Trong buổi giao lưu, tác giả đã chia sẻ lý do mình lựa chọn theo đuổi lĩnh vực điện ảnh và lựa chọn Kurosawa Akira để nghiên cứu. Tác giả đồng thời giải thích lý do tại sao mình sử dụng thuật ngữ cải biên thay cho chuyển thể và khuyên bạn đọc không nên so sánh phim hay hơn hay truyện hay hơn bởi vì bộ phim thực tế chỉ là một cách đọc của đạo diễn mà thôi.

Sách Chân trời của hình ảnh – Từ văn chương đến điện ảnh qua trường hợp Kurosawa Akira là tác phẩm đầu tiên ở Việt Nam nghiên cứu về vấn đề cải biên học, xem xét quá trình cải biên một tác phẩm văn học thành tác phẩm điện ảnh một cách triệt để từ phương diện lý thuyết. Tính trung thành trong nghiên cứu phim cải biên bị bác bỏ. Thuật ngữ chuyển thể được thay thế bằng thuật ngữ cải biên. Phương pháp so sánh truyền thống giữa một tác phẩm văn học và một tác phẩm điện ảnh cải biên từ văn học bị hoài nghi, chất vấn. Phim cải biên được nhìn nhận là một tác phẩm điện ảnh độc lập so với tác phẩm văn học mà nó cải biên. Sự sáng tạo của đạo diễn trong tác phẩm cải biên được đề cao. Tác phẩm điện ảnh cải biên thực chất là sự đối thoại lại với nhà văn của các nhà làm phim.

Sách được chia thành ba phần.

Phần 1 : Sự phức hợp của các lý thuyết.Phần này sẽ nhìn nhận cải biên học trong sự phức hợp của các lý thuyết: liên văn bản, giải kiến tạo, văn hóa học và phiên dịch học. Liên văn bản cho thấy sự dịch chuyển các ký hiệu từ văn bản nguồn là tác phẩm văn học đến văn bản đích là tác phẩm điện ảnh. Từ góc nhìn giải kiến tạo, tác phẩm điện ảnh cải biên sẽ được trả lại vị trí của chính nó, tức là mối quan hệ thứ bậc của tác phẩm nguồn và tác phẩm phái sinh, văn bản trước và văn bản sau sẽ bị xóa nhòa, thay vào đó là mối quan hệ đồng đẳng của các loại hình nghệ thuật, của sân chơi liên văn bản. Từ góc nhìn văn hóa học sẽ cho thấy hệ tư tưởng mang tính thống trị xã hội tác động đến quan điểm của những nhà làm phim. Từ góc nhìn của phiên dịch học, việc cải biên tác phẩm văn học đến tác phẩm điện ảnh được xem là một kiểu dịch liên ký hiệu, do đó tính tương đương cũng được xem xét trong quá trình nghiên cứu cải biên.

Phần 2 : Một góc nhìn mới từ văn học đến điện ảnh. Ở phần này, lần đầu tiên, cải biên học được giới thiệu và đề cập một cách toàn diện từ mối quan hệ của văn học và điện ảnh, từ tác giả cải biên, tác phẩm cải biên và người đọc, người xem. Những vấn đề, những quan niệm sai lầm khi nghiên cứu tác phẩm cải biên được giải thích trên cơ sở lý luận. Sự tiếp nhận tác phẩm văn học và quá trình tái sáng tạo được luận giải cặn kẽ.

Phần 3 : Kurosawa Akira – nhà làm phim và nhà cải biên bậc thầy. Phầnnày nghiên cứu về Kurosawa Akira bằng lý luận cải biên thông qua những thể loại tiêu biểu được cải biên là: truyện ngắn, tiểu thuyết và kịch bản văn học.

Nhận xét về ấn phẩm, đạo diễn Phan Gia Nhật Linh phát biểu:“Phim chuyển thể - từ chất liệu văn học, sân khấu, ngay cả từ một bộ phim khác - là một phần quen thuộc với khán giả yêu điện ảnh. Bằng một góc nhìn học thuật chuyên môn, đào sâu vào thể loại này - mà Đào Lê Na đã gọi lại tên "phim cải biên" để sát với nghĩa hơn - cuốn sách "Chân trời của hình ảnh" còn độc đáo và thú vị khi phân tích dòng phim này qua các tác phẩm điện ảnh của đạo diễn huyền thoại Nhật Bản Akira Kurosawa. Với một kho tư liệu đồ sộ cùng nhiều góc nhìn mới lạ về rất nhiều tác phẩm điện ảnh của thế giới, trải dài từ quá khứ đến hiện tại, trải rộng từ châu Mỹ, châu Âu sang châu Á và cả đến Việt Nam, cuốn sách đem đến cho người đọc một cái nhìn vừa rộng, vừa sâu về hai đề tài được hoà quyện một cách gắn bó đặc biệt: phim cải biên và những tác phẩm của Akira Kurosawa.”

Từ góc độ văn học, nhà lý luận, nghiên cứu và phê bình văn học Trương Đăng Dung đã đánh giá rất cao công trình nghiên cứu của tác giả Đào Lê Na: “Đi từ diện đến điểm, từ hệ thống đến bộ phận, công trình đã xuất phát từ sự phức hợp của các lý thuyết đến cải biên học và cuối cùng là nhà cải biên bậc thầy, Kurosawa Akira. Tôi đánh giá cao khả năng diễn giải và lập luận của tác giả. Công trình có những trang viết sắc sảo thể hiện năng lực cảm thụ văn học và điện ảnh cùng những tri thức văn hoá đa dạng của người viết.Tác giả đã thuyết phục được người đọc rằng: đạo diễn điện ảnh cũng là một trong số những người đọc văn học, đã cải biên một văn bản văn học thành tác phẩm điện ảnh. Cải biên như thế nào là sự phản ánh một cách đọc và diễn giải văn bản của người đạo diễn với những công cụ đặc trưng của điện ảnh.”

--------------------------------------------------

THÔNG TIN VỀ TÁC GIẢ ĐÀO LÊ NA

Tác giả Đào Lê Na là giảng viên Khoa Văn học, Trường ĐHKHXH&NV. Với luận văn Lý thuyếtcải biên học: từ văn học đến điện ảnh - Trường hợp Kurosawa Akira, cô đã trở thành Tiến sĩ khi chỉ mới 29 tuổi. Cô chuyên nghiên cứu về nghệ thuật điện ảnh, lý thuyết nghệ thuật, nghệ thuật ứng dụng,… Bên cạnh đó, cô từng tham gia khóa Thạc sĩ Quản lý Nghệ thuật ở Đài Loan với luận văn tốt nghiệp “South Country – South of Country” và từng là học viên chuyên ngành Biên kịch của dự án điện ảnh, Quỹ Ford tại Hà Nội. Ngoài ra, cô còn viết kịch bản cho một số chương trình truyền hình, đặc biệt là kịch bản cho chương trình Chuyện bốn mùa trên HTV.

Năm 2016, cô sáng lập CLB Sân khấu và Điện ảnh tại Khoa Văn học, Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn TP. Hồ Chí Minh với mong muốn mang đến một sân chơi chuyên nghiệp về sân khấu, điện ảnh cho các bạn trẻ đồng thời cũng là nơi thực tập, hướng nghiệp cho các bạn sinh viên thông qua các kỹ năng được đào tạo, bồi dưỡng từ các chương trình của CLB và các buổi workshop. Tuy mới thành lập nhưng CLB Sân khấu và Điện ảnh đã thu hút hơn 100 thành viên đến từ các ngành học và các trường học khác nhau trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh. CLB Sân khấu và Điện ảnh với định hướng theo đuổi nghệ thuật hàn lâm đã giành được nhiều thiện cảm từ những người làm nghệ thuật nghiêm túc.

Năm 2017, TS. Đào Lê Na sáng lập và là trưởng ban tổ chức cuộc thi làm phim ngắn FY dành cho các nhà làm phim trẻ trong cả nước. Liên hoan phim đã thu hút được hơn 50 phim ngắn đạt chất lượng tốt. Cuối năm 2017, TS Đào Lê Na và CLB Sân khấu và Điện ảnh sẽ ra mắt Sân khấu kịch Văn khoa và công diễn tác phẩm Chim hải âu của Chekhov với mong muốn đưa những tác phẩm kịch kinh điển lên sân khấu.

Cũng trong năm 2017, TS Đào Lê Na đã trở thành học giả đầu tiên phát biểu về điện ảnh lịch sử Việt Nam tại Hội nghị thường niên châu Á lớn nhất thế giới. Đề tài: “Căn tính dân tộc trong mâu thuẫn – Vấn đề tái kiến tạo vua Lý Thái Tổ trên màn ảnh” đã thu hút sự chú ý của các thành viên tiểu ban. Tiếp theo đó, TS Đào Lê Na đã tham gia vào dự án nghiên cứu cộng sinh của Japan Foundation, đưa phim Kurosawa Akira đến giới thiệu tại Mỹ để tìm hiểu việc tiếp nhận Kurosawa Akira hiện nay.

Năm 2018, TS Đào Lê Na sẽ làm trưởng tiểu ban của một đề tài nghiên cứu Cải biên văn chương điện ảnh như là đối thoại xuyên quốc gia tại Hội nghị Thường niên châu Á lớn nhất thế giới AAS tổ chức ở Washington D.C, Mỹ. Tiểu ban thu hút sự quan tâm của các học giả đến từ các trường đại học lớn của Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ và Hongkong. Tại tiểu ban này, cô sẽ trình bày đề tài nghiên cứu về tính đối thoại xuyên quốc gia trong phim Kurosawa Akira.

----------------------------------

Để biết thêm thông tin chi tiết về sách, vui lòng truy cập:

Facebook: : https://www.facebook.com/skdavhnn/

Hoặc liên hệ trực tiếp với tác giả :

Đào Lê Na- Khoa Văn học, ĐHKHXH&NV

ĐT: 0986742782

Email: This email address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it.

Sáng ngày 06.05.2017, Câu lạc bộ Sân khấu và Điện ảnh, khoa Văn học, trường ĐH Khoa học Xã hội & Nhân văn – ĐHQG TP.HCM phối hợp với Công ty Văn hoá Truyền thông Nhã Nam và CUCA Việt Nam đã tổ chức thành công buổi tọa đàm “Mỹ học và Đời sống” với sự tham gia của hơn 70 cử toạ là sinh viên, cựu sinh viên của nhiều trường, nhiều lĩnh vực trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh.

Thông tin truy cập

62413258
Hôm nay
Hôm qua
Tổng truy cập
729
12178
62413258

Thành viên trực tuyến

Đang có 120 khách và không thành viên đang online

Danh mục website