“Tôi không muốn uống thuốc ngủ để tan đi những cơn ác mộng
vì tôi phải hồi tưởng về những người bạn đã chết trong kí ức”
– lời cựu chiến binh Mỹ [1].
NVTPHCM- “Vấn đề chấn thương trong văn học nói chung, vấn đề chấn thương trong những tiểu thuyết chiến tranh nói riêng, do vậy, luôn hé mở thông điệp sâu xa về những giá trị nhân bản của con người; ở nơi đó, khi mà những ranh giới, những biên độ đã dừng lại, chấn thương cất lên tiếng vọng của nó.”
Khái niệm “văn học chấn thương” (traumatic literature) và đi cùng với nó là vấn đề về “hội chứng sau chấn thương” (post traumatic stress disorder) biểu hiện trong văn học ra đời trong bối cảnh cuối thế kỷ XX. Sau hơn nửa thế kỷ của những cuộc chiến, những cuộc thảm sát, những sai lầm lịch sử và những mất mát, con người trở thành nạn nhân của chính mình trong nỗi ám ảnh khôn nguôi về quá khứ. Những ám ảnh ấy biểu hiện trong các tác phẩm văn học đồng thời cũng trở thành đối tượng của những nghiên cứu lý thuyết văn học. Bài viết này bước đầu điểm qua một vài nét chính trong nghiên cứu về chấn thương và văn học chấn thương của Cathy Caruth, một trong những người đã đưa vấn đề chấn thương của phân tâm học vào lĩnh vực nghiên cứu văn học.
Vấn đề chấn thương và văn học chấn thương được Caruth tiếp cận từ góc độ phân tâm học, chủ yếu là từ khái niệm Nächtraglichkeit của Freud [2]. Trong quyển Project for a Scentific Spychology (Dự án cho một tâm lý học khoa học) viết năm 1895, Freud cho rằng: “Lúc nào ta cũng thấy rằng một kí ức bị trấn áp trở thành một chấn thương bởi Nächtraglichkeit” (in trong The Standard Edition of the Complete Spychological Works of Sigmund Freud, Vol. 1, James Schachey dịch, Hograrth Press, London, t. 386). Giải thích về Nächtraglichkeit, Nguyễn Khắc Viện cho rằng hoạt động tâm trí của con người có tính thời gian và tính nhân quả, những kinh nghiệm, ấn tượng sẽ được sửa đổi lại theo kinh nghiệm mới, và có ý nghĩa mới, tác động mới, khi nó đạt đến một mức phát triển mới (Từ điển tâm lý, Nxb Thế giới, HN, 2007, tr 141). Theo Caruth, Nächtraglichkeit, hay sự trải nghiệm muộn màng về một kí ức, là khía cạnh cơ bản để nhận diện một chấn thương tâm lý.
Kế thừa quan niệm của Freud, khái niệm “chấn thương” (trauma) trong phân tâm học được Cathy Caruth định nghĩa từ góc độ “cấu trúc của kinh nghiệm hay tri giác”: “sự kiện không được đồng nhất hóa hay được trải nghiệm trong quá khứ một cách đầy đủ, mà về sau, nó được tái chiếm lĩnh liên tục trong người trải nghiệm nó” (Trauma: Explorations in Memory [Chấn thương: những khảo sát kí ức], The Johns Hopkins University Press, Baltimore and London, 1995, t 4). Theo Caruth, khi những biến cố trong cuộc đời không được chủ thể nhận thức, trải nghiệm trọn vẹn và tức thì trong quá khứ, thì thỉnh thoảng, từ trong tiềm thức, nó nổi lên, hiện về bằng những phiến đoạn, những phân mảnh qua những hình ảnh, những cơn ác mộng, những sự sợ hãi lặp đi lặp lại…. Đó là biểu hiện của chấn thương. Nächtraglichkeit, hay là sự trải nghiệm muộn màng của chấn thương, làm cho chấn thương luôn được gia bội, trở đi trở lại, làm giằng xé tâm can chủ thể trong cuộc sống hiện tại.
Các luận điểm chính của Caruth về chấn thương và chấn thương trong văn học được phát biểu trong những bài viết chủ chốt của bà: “Unclaimed Experience: Trauma and Possibility of History” (Kinh nghiệm không được thừa nhận: chấn thương và khả thể của lịch sử), Yale French Studies, No. 79, 1991, pp. 181-192; “Violence and Time: Traumatic Survivals” (Bạo lực và thời gian: những di chứng chấn thương), Assemblage, No. 20, 1993, pp. 24-25; đặc biệt là bài dẫn luận “The Wound and the Voice” (Vết thương và tiếng vọng), in trong Unclaimed Experience: Trauma, Narrative, and History, 1996, The Johns Hopkins University Press, Baltimore and London. Các công trình khác và về sau chủ yếu khai triển xoay quanh những luận điểm chính đã được nêu ra ở những bài viết này.
Tâm điểm của vấn đề chấn thương trong văn học được Caruth phân tích dựa trên ví dụ văn học mà Freud nêu ra trong quyển Vượt xa hơn nguyên tắc khoái lạc (quyển này đã được Vũ Đình Lưu dịch, in trong: Nghiên cứu phân tâm học, An Tiêm xuất bản, 1969, Saigon). Câu chuyện Freud dẫn ra trong tập thơ Jérusalem giải phóng của Torquato Tasso kể về một chàng trai tên là Tancred giết người yêu của mình là Clorinda. Clorinda mặc một bộ áo giáp đánh nhau với Tancred và bị Tancred đâm chết. Không biết mình đã đâm chết người mình yêu, Tancred đi vào khu rừng thiêng bí hiểm, chàng lấy kiếm chặt một cây cổ thụ làm hai đoạn. Nhưng chàng thấy máu ở cây phun ra đồng thời nghe tiếng linh hồn người yêu than thở vì lại bị chàng giết một lần nữa. Phân tích ví dụ này từ góc độ phân tâm học, Caruth cho rằng nó biểu hiện mối liên hệ giữa chấn thương và văn học: “Sở dĩ Freud mượn văn học để mô tả kinh nghiệm chấn thương vì lẽ văn học, giống như phân tâm học, quan tâm đến mối quan hệ phức hợp giữa biết và không biết. Và quả thật như vậy, một điểm đặc biệt là ở nơi biết và không biết giao cắt nhau, ngôn ngữ văn học và lý thuyết phân tâm học về kinh nghiệm chấn thương thực sự gặp gỡ nhau” (“Vết thương và tiếng vọng”, tr 3).
Nhận xét này của Caruth là tiền đề cho những nghiên cứu về văn học chấn thương. Qua đó, Caruth nhấn mạnh đến những khía cạnh về chấn thương gợi ra từ phân tích của Freud: bản tính thời gian của chấn thương, chấn thương và hiện thực/ sự thật lịch sử, chấn thương và khả thể của sự thấu hiểu và lý giải.
Khía cạnh thời gian của chấn thương vốn đã được gợi ý trong khái niệm Nächtraglichkeit của Freud. Phân tích câu chuyện về Tancred, Caruth chú ý đến chi tiết Tancred chỉ nghe được tiếng vọng của Clorinda khi anh làm tổn thương cô lần thứ hai. Cái sự thật là anh đã giết chết người yêu của mình trong quá khứ đã không được anh biết đến cho đến khi anh nghe được tiếng than khóc của cô; và tiếng than khóc ấy chỉ vọng lên khi anh lặp lại hành vi ấy lần thứ hai dưới một hình thức khác. Caruth cho rằng “…[chấn thương] luôn là câu chuyện về một vết thương than khóc, một vết thương nỗ lực gởi cho ta thông điệp để nói với ta về một cái thực tồn (reality) hay nói cách khác, về một sự thật không hiện diện. Sự thật này, trong cách thức hiện diện bị trì hoãn và trong hình thức thông điệp muộn màng, nó có thể không chỉ kết nối với cái gì đã biết, mà còn kết nối với cái gì vẫn còn không được biết trong mọi hành động của ta và ngôn ngữ của ta” (“Vết thương và tiếng vọng”, t 5). Di chứng chấn thương tạo nên trong chủ thể một trải nghiệm thời gian đặc biệt: nó làm sống lại quá khứ trong hiện tại theo một cách khác, và hiện tại hiện lên nỗi đau quá khứ. Nó là một thứ thời gian đồng hiện và luôn luôn tái sinh. Và do đó, nó làm sự thật bị trì hoãn, một hình thức sự thật không nằm ở cái gì ta được biết.
Do tính thời gian, kinh nghiệm về chấn thương là một hình thức kinh nghiệm luôn luôn triển hạn, không được thừa nhận. Nó là một trải nghiệm luôn nằm trong sự giao cắt giữa biết và không biết. Nói cách khác, nó là một trải nghiệm thời gian phi thời gian, trong đó, hiện tại là tiếng vọng của nỗi đau quá khứ mà chủ thể vẫn còn chưa biết, và đến lượt, hiện tại này sẽ chỉ cất lên tiếng nói của nó ở thời khắc tiếp theo trong đó chấn thương hiện diện trong hình thức mới. “Câu chuyện về chấn thương, như là tự sự về một trải nghiệm muộn màng, do vậy, không hề nói đến một sự trốn tránh cái thực tồn (reality) – sự trốn tránh một cái chết, hay tránh mãnh lực có liên quan của cái chết – mà ngược lại, nó chứng thực cho sự tác động không kết thúc của cái thực tồn trong cuộc sống” (Vết thương và tiếng vọng, t 7). Theo Caruth, do vậy, kinh nghiệm về chấn thương cũng đặt lại vấn đề về nhận thức luận lịch sử, theo đó “lịch sử sinh ra ở nơi việc hiểu trực tiếp [về nó] là bất khả” (“Kinh nghiệm không được thừa nhận: chấn thương và khả thể của lịch sử”, t 182). Phân tích chấn thương của Caruth đến đây đã vươn đến tầm độ triết học.
Khái niệm chủ chốt làm điểm giao cắt giữa phân tâm học về chấn thương và nghiên cứu văn học của Caruth là khái niệm “kí ức tự sự” (narrative memory). Trong một bài giới thiệu quan trọng có tên là “Recapturing the Past: Introduction” (Đoạt lại quá khứ: dẫn nhập) in trong quyển Trauma: Explorations in Memory, (1995, The Johns Hopkins University Press, Baltimore and London), bà viết: “Do vậy, chấn thương yêu sách một sự hợp nhất giữa hai mục đích, mục đích chứng thực và mục đích trị liệu. Nhưng mặt khác, sự chuyển hóa của chấn thương vào một kí ức tự sự cho phép câu chuyện được ngôn từ hóa và được truyền thông, bị hợp nhất vào cái riêng của ta, và [cùng lúc đó] cái riêng của người khác, tri thức về quá khứ, có thể bị mất đi cả ở tính chính xác lẫn mãnh lực vốn đặc trưng cho sự hồi tưởng chấn thương” (t 153). Chấn thương luôn làm sống lại quá khứ để vơi nỗi đau cá nhân bằng những câu chuyện. Nó cá biệt hóa sự kiện trong quá khứ mà chủ thể chứng kiến, đồng thời nó làm cho quá khứ hiện lên không còn tính chính xác của sự thật. Trong Nỗi buồn chiến tranh, kí ức của Kiên về đồng đội, về chiến tranh đôi khi hiện lên trong các hình ảnh huyễn ảo, thậm chí quái dị. Nó làm cho sự thật trong chiến tranh hiện lên lung linh, đa nghĩa. Đó là lí do mà Caruth liên hệ kí ức tự sự với các vấn đề về sự thật, lịch sử, và đạo đức xã hội. Kí ức tự sự của chấn thương cung cấp cho ta những góc nhìn khác biệt về sự thật lịch sử và các giá trị xã hội.
Kí ức tự sự về chấn thương cũng làm vang lên trong ta những giọng nói, những tiếng vọng khác biệt đòi hỏi ta phải biết cách lắng nghe nó. Bà gọi đó là “tiếng vọng của cái khác”, của một “vết thương than khóc” (the crying wound). Phân tích mẩu chuyện dẫn lại từ Freud, Caruth cho rằng nhát gươm lần thứ hai và tiếng vọng của Clorinda vang lên biểu trưng cho trải nghiệm của một cá nhân bị chấn thương bởi chính quá khứ của anh ta. Do đó, vết thương không chỉ nói lên nỗi đau riêng của mỗi người, mà còn nói lên nỗi đau của chính vết thương, của sự chấn thương và của người khác. Khi một bản ngã lưu giữ lại kí ức về những sự kiện chấn thương của nó trong quá khứ, nó tạo ra một khả thể để lắng nghe tiếng vọng của người khác trong tính bản ngã của nó. Nói cách khác, trải nghiệm chấn thương làm cho ta có thể thấu cảm được người khác. Phân tích tác phẩm Hiroshima mon amour (Hiroshima tình yêu của tôi) của Duras, qua tình yêu ngắn ngủi của người phụ nữ Pháp có người yêu đã mất trong chiến tranh với người đàn ông Nhật đã mất gia đình trong thảm họa Hiroshima, Caruth cho rằng ngôn ngữ của chấn thương và niềm câm lặng của nỗi đau được tái diễn thầm lặng đòi hỏi một cách khẩn thiết phải kiến tạo “một hình thái mới của đọc và nghe”, “xuyên qua những khoảng cánh văn hóa của chúng ta”, và “xuyên qua sự đối đầu chấn thương rất khác nhau” của chúng ta (“Vết thương và tiếng vọng”, t 9). Chấn thương, do đó, không chỉ là nỗi đau, nó là nỗi đau thức tỉnh ta khỏi những khoảng cách của thời gian, của lịch sử, của những giá trị nhất thời. Trong tác phẩm Chim én bay của Nguyễn Trí Huân, nhân vật nữ tên Quy đã từng trải qua những nỗi đau mất mát trong chiến tranh khi mới 10 tuổi, rồi gia nhập đội “Chim én” diệt trừ những tên ác ôn, nhưng chị vẫn không thể hòa nhập trọn vẹn vào cuộc sống của thời bình khi đất nước độc lập. Trong chị luôn “có một cái gì đó” thôi thúc, tra vấn, để cuối cùng chị phải quay trở về thăm gia đình tên ác ôn mà chị đã giết khi xưa, đồng cảm với nỗi khổ mà những đứa trẻ thơ vô tội, con tên ác ôn, phải chịu đựng. Nỗi đau của những chấn thương miền kí ức nơi chị đã mở ra để chị có thể lắng nghe tiếng vọng từ nỗi đau của người khác. Vết thương chiến tranh là một nỗi đau mà để có thể làm nguôi lành nó, Caruth nói, ta phải “buộc chặt chấn thương của mình vào chấn thương của người khác” (“Vết thương và tiếng vọng”, t 8). Vấn đề chấn thương trong văn học nói chung, vấn đề chấn thương trong những tiểu thuyết chiến tranh nói riêng, do vậy, luôn hé mở thông điệp sâu xa về những giá trị nhân bản của con người; ở nơi đó, khi mà những ranh giới, những biên độ đã dừng lại, chấn thương cất lên tiếng vọng của nó.
Các công trình của Caruth về chấn thương không chỉ là sự lý giải và vận dụng các nghiên cứu phân tâm học của Freud vào một vấn đề của thời đại hay vào những hiện tượng văn học; nó đem lại gợi ý cho những nghiên cứu xa hơn về văn học chấn thương (traumatic literature): thời gian tự sự, vấn đề sự thật và hư cấu trong tự sự, vấn đề tiếp nhận và lý giải văn học và đặc biệt là góc nhìn mới về tư tưởng nhân văn trong văn học. Nó cũng gợi ý cho các nghiên cứu về sử học, xã hội học, chính trị học, đạo đức học và văn hóa học. Caruth đã nói về một “nền văn hóa hậu chấn thương” trong thời đại chúng ta, ở những nơi chỉ có diễn ngôn văn học mới hé mở cho ta biết một phần của quá khứ, cái quá khứ mà nỗi đau mất mát vẫn không ngừng vang lên tiếng vọng đòi hỏi ta phải biết lắng nghe nó.
09.8.2011
[1] Lời đề từ cho phần giới thiệu của cuốn sách do Cathy Caruth chủ biên: Trauma: Explorations in Memory [Chấn thương: những khảo sát kí ức], The Johns Hopkins University Press, Baltimore and London, 1995.
[2] Caruth dịch sang tiếng Anh là “belatedness”; Nguyễn Khắc Viện dịch từ tiếng Pháp (Après-coup) là “hành động về sau”.
Nguồn: Văn Nghệ Trẻ
http://nhavantphcm.com.vn/tac-pham-chon-loc/nghien-cuu-phe-binh/hoang-phong-tuan-nhung-noi-dau-thuc-tinh.html