08102024Tue
Last updateMon, 07 Oct 2024 12am

So sánh tuyển sinh đại học của Mỹ và Việt Nam

Anh Trần Thắng, Chủ tịch Viện Văn hóa và Giáo dục Việt Nam tại Mỹ so sánh việc tuyển sinh giữa hai nước dựa trên 3 góc độ: số lượng trường đại học; sự trưởng thành của học sinh trong lựa chọn ngành nghề và khả năng ứng dụng công nghệ thông tin.

Chia sẻ với VnExpress, anh Trần Thắng cho biết việc nộp đơn vào nhiều trường đại học và mỗi trường có 2 đến 4 nguyện vọng, tạm gọi là "tuyển sinh mở rộng", là việc làm đã có từ lâu tại các đại học ở Mỹ. Việt Nam cho phép học sinh nộp đơn vào nhiều trường được gần 10 năm nay, và mỗi trường có 4 nguyện vọng được áp dụng vào năm nay. Mỹ có nhiều mặt thuận tiện cho việc tuyển sinh mở rộng nên khi họ bắt đầu thì mọi việc diễn ra bình thường. Việt Nam bị rối vì chưa hội đủ các yếu tố cho cách tuyển sinh mở rộng.

Theo anh Thắng, có 3 yếu tố chính ảnh hưởng đến việc tuyển sinh mở rộng.

Trước tiên, phải kể đến số lượng đại học và học sinh tốt nghiệp THPT. Mỹ có 3.000 trường đại học với mọi trình độ và 1.700 trường cao đẳng cộng đồng, có thể nhận trên 4 triệu sinh viên đại học hàng năm. Số học sinh tốt nghiệp hàng năm khoảng 3,3 triệu (chiếm 1% dân số). Mỹ thừa trường đại học để nhận toàn bộ sinh viên và họ mở rộng đón nhận sinh viên quốc tế mỗi năm gần 100 nghìn.

tran-thang-5884-1440474941.jpg

Anh Trần Thắng, Chủ tịch Viện văn hóa và giáo dục Việt Nam tại Mỹ. Ảnh: Nguyễn Đông.

Việt Nam có 400 trường đại học và nhận khoảng 400.000 sinh viên hàng năm. Số học sinh tốt nghiệp hàng năm khoảng một triệu (chiếm 1,1% dân số). Như vậy hàng năm Việt Nam có khoảng 600.000 học sinh không tiếp tục học đại học sau khi tốt nghiệp THPT.

Vì mức cạnh tranh cao khi vào các đại học Việt Nam nên học sinh làm mọi cách để đảm bảo có ít nhất một trường nhận cho một nguyện vọng. Số lượng trường đại học Việt Nam thiếu nên số lượng thí sinh ảo đăng ký vào một trường sẽ tăng lên.

Thứ hai là ứng dụng công nghệ thông tin vào tuyển sinh. Trường đại học Mỹ nhận đơn trực tuyến nên xử lý thông tin rất nhanh và rủi ro thất lạc hồ sơ thấp. Sinh viên làm đơn nhập học trực tuyến, gửi điểm học và kết quả các kỳ thi yêu cầu cũng qua trực tuyến, phương cách này giúp sinh viên ít tốn thời gian.

Trường đại học Việt Nam chưa có hệ thống xử lý cơ sở dữ liệu như kiểu ERP (Enterprise Resource Planning), trường xử lý giấy tờ bằng thủ công văn phòng nên không thể giải quyết một số lượng lớn hồ sơ trong thời gian ngắn. Vì hệ thống làm việc theo thủ công văn phòng nên kéo theo mọi việc liên quan cũng theo thủ công dẫn đến sự ùn tắc.

Thứ ba là tính trưởng thành của học sinh trong việc chọn ngành học, tổ chức thông thoáng của đại học. Sinh viên Mỹ hay Việt Nam khi chọn ngành học là chọn những ngành dễ kiếm việc làm, nhưng nhìn vào khía cạnh tính trưởng thành thì sinh viên Mỹ đạt ở mức cao. Khoảng 70% học sinh Mỹ xác định được ngành học khi vào đại học, 30% sinh viên chọn ngành sau 2 năm học đại cương. Trong 70% sinh viên đã chọn ngành thì chỉ có một số ít đổi ngành học sau 2 năm học đại cương.

Học sinh Mỹ khi nộp đơn vào đại học được thầy cô tư vấn chọn ngành học phù hợp với thế mạnh và sự đam mê của học sinh.

Ða phần sinh viên Mỹ chọn một nguyện vọng cho một ngành học vì tính thông thoáng của đại học tại đây. Ví dụ trong trường Kinh doanh (School of Business) có các ngành Tài chính, Ngân hàng, Quản trị kinh doanh… Sinh viên đăng ký học ngành Tài chính (Major) và học thêm một học kỳ để có thêm văn bằng thứ 2 là Ngân hàng (Minor). Việc đăng ký thêm một ngành Minor hoặc chuyển đổi ngành không phải thi cử, sinh viên chỉ điền vào cái đơn hoặc thông báo cho văn phòng.

2G3A6096-5719-1440474941.jpg

Sinh viên Việt Nam dù học trường nghề nhưng khi tốt nghiệp những nơi nhận vào làm vẫn phải đào tạo thêm một thời gian mới có thể sử dụng lao động. Ảnh minh họa: Nguyễn Đông.

Anh Thắng chia sẻ: "Tôi có được 10 năm làm hội thảo du học Mỹ tại 8 trường đại học hàng đầu của Việt Nam, nhìn chung sinh viên Việt Nam chưa có khái niệm về ngành làm việc, có một khoảng trống giữa việc học và việc làm tương lai. Sinh viên Việt Nam chọn ngành học theo xu hướng là ngành làm việc được nhắc đến nhiều trong xã hội như kinh doanh, ngân hàng, truyền thông…

Các trường THPT Việt Nam không có sự tư vấn cho học sinh chọn ngành học, trong khi chỉ có một số gia đình đủ kiến thức và sự hiểu biết để tư vấn cho học sinh. Hệ thống đại học Việt Nam chưa có sự thông thoáng chuyển đổi ngành học. Tại sao chúng ta không tạo cơ hội sinh viên đổi ngành học sau 2 năm học đại cương như mô hình của đại học Mỹ. Ðây là thời điểm cần thiết cho sinh viên có nguyện vọng đổi ngành học.

Theo tôi, việc cho phép sinh viên có 4 nguyện vọng vào một trường đại học và kết hợp 2 kỳ thi tốt nghiệp THPT và đại học như năm nay phản ánh chính sách giáo dục Việt Nam còn bấp bênh. Việc thi tốt nghiệp THPT không cần thiết, nên bỏ kỳ thi này và thay bằng việc dạy tốt và học tốt ở các cấp từ lớp 1 đến 12. Học sinh không vượt qua điểm trung bình của môn học nào thì một cách đơn giản là học lại môn đó.

Nền tảng tuyển sinh vào trường đại học như kiểu Mỹ là người ta chọn "con người" và Việt Nam là chọn "điểm thi", từ nền tảng này kéo theo cách tuyển sinh khác nhau từ 2 hệ thống giáo dục. Giáo dục Mỹ mang tính thực dụng trong khi giáo dục Việt Nam mang tính thi cử.

Khi chọn “con người” là trường xem năng lực học của học sinh, kết quả thi chỉ số thông minh, thầy cô giáo đánh giá học sinh, học sinh trình bày ý tưởng về ngành học qua bài luận văn, sinh hoạt xã hội. Vì thế hồ sơ vào đại học Mỹ phản ánh rõ nét về "con người" của học sinh.

Như việc môn thi SAT hay GRE/GMAT bắt buộc vào đại học hay sau đại học Mỹ, người ta kiểm tra chỉ số thông minh (IQ) và khả năng phân tích của sinh viên. Việt Nam thi là kiểm tra kiến thức là chính.

Vấn đề đặt ra là tại sao giáo dục Việt Nam phải kiểm tra kiến thức trong khi thời buổi này kiến thức hiện diện ở mọi nơi khi ta cần biết đến. Áp dụng kiến thức vào đời sống hay công việc làm như thế nào mới quan trọng, một người biết nhiều kiến thức mà không biết cách áp dụng thì xem như không.

Nếu như giáo dục Việt Nam chọn tính "thực dụng" thì phương cách tổ chức giáo dục sẽ hoàn toàn khác và kết quả của giáo dục sẽ tốt đẹp hơn nhiều.

Trần Thắng tốt nghiệp kỹ sư Cơ khí tại University of Connecticut và làm việc tại công ty động cơ máy bay Pratt & Whitney từ năm 2000. Anh là Chủ tịch Viện Văn hóa & giáo dục Việt Nam (IVCE) tại New York và xúc tiến các dự án giáo dục tại Việt Nam. Với việc sưu tầm 150 bản đồ và 3 sách atlas cổ về Hoàng Sa và Trung Quốc vào năm 2012 để chứng minh chủ quyền biển đảo của Việt Nam, anh vừa được Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tặng bằng khen.

 

Nguyễn Đông ghi

Nguồn: http://vnexpress.net/tin-tuc/giao-duc/so-sanh-tuyen-sinh-dai-hoc-cua-my-va-viet-nam-3269262.html