29032024Fri
Last updateWed, 27 Mar 2024 8pm

Thư mục nghiên cứu văn hóa Việt Nam của GS. Bửu Cầm

  I. Tổng quan về thư mục nghiên cứu của giáo sư Bửu Cầm

 I.1. Vài nét về tiểu sử Giáo sư Bửu Cầm

 

Giáo sư Bửu Cầm sinh năm 1920 tại Vỹ Dạ- Huế. Là con đầu lòng của thi sĩ Ưng- Oanh và nữ sĩ Trịnh Thị Tố. Dòng dõi của Tuy Lý Vương Miên Trinh.

          Thuở nhỏ vì sức khỏe kém, từ năm 10 tuổi đến năm 20 tuổi đau yếu liên miên, cho nên học với gia đình và tự học nhiều hơn học tại trường. Năm 12 tuổi đã viết văn và làm thơ. Năm ngoài 20 chủ biên Tinh hoa văn tập và tập san Gió lên xuất bản tại Huế.

          Vì những hoạt động văn hóa nên được mời giảng dạy môn Việt văn tại trường Quốc Học Huế (1950).

          Năm 1956 đổi vào Sài Gòn phụ trách phòng sưu tầm và khảo cứu Viện Khảo Cổ.

           Năm 1958 được mời giảng dạy môn Hán- Nôm và các môn lịch sử Việt Nam, ngữ học Việt Nam, Triết học Đông Phương tại trường đại học Văn Khoa Sài Gòn.

          Năm 1969 được phong giáo sư diễn giảng. Năm 1972 được thăng giáo sư thực thụ Viện đại học Sài Gòn. Đã bảo trợ cho nhiều nghiên cứu sinh soạn luận án tiến sĩ và cao học. Trong thời gian này, được bộ giáo dục cử đi hội nghị quốc tế về Trung Quốc (Hán học) ở nước ngoài. Đồng thời được cử tham gia Ủy ban hỗ tương thẩm định giá trị văn hóa Đông Tây của UNESCO và phái đoàn giao dịch với Trung tâm nghiên cứu văn hóa Đông Nam Á tại Nhật Bản.

                                      (Tài liệu do gia đình giáo sư Bửu Cầm cung cấp)

I.2. Một vài đặc điểm về thư mục nghiên cứu của giáo sư Bửu Cầm

I.2.1. Đặc điểm về nội dung

Các bài viết của giáo sư Bửu Cầm về nội dung rất phong phú, viết trên nhiều lĩnh vực. Như trong phần thư mục chúng tôi sẽ trình bày cụ thể, bao gồm các phương diện sau: Nghiên cứu văn học, nghiên cứu văn hóa, các bài viết giới thiệu và chú thích, một phần nữa là các bài viết tản mạn và một số bài thơ đã được in thành sách của tác giả.

Nội dung các bài viết phong phú trên nhiều lĩnh vực, trong khuôn khổ mỗi bài viết lại có sự tham khảo nhiều tài liệu như các loại sách vở, thư tịch cổ, từ điển v..v… thể hiện một tác phong nghiên cứu khoa học cẩn trọng cùng bề sâu kiến thức phong phú, đa dạng.

Chẳng hạn trong bài viết “Lam bản cuốn “Đoạn trường tân thanh” của Nguyễn Du” tác giả đã trích dẫn kết hợp sử dụng tư liệu từ nhiều sách, chúng tôi thống kê được gồm các sách sau:

Ngu sơ tân chí: Tên một tập truyện ngắn của nhiều tác giả, trong ấy có truyện Vương Thúy Kiều của Dư Hoài.

Trung Quốc danh nhân đại từ điển, Thượng Hải, Thượng vụ ấn thư quán, 1921.

Đoạn trường tân thanh, Giá sơn Kiều Oánh Mậu (chú thích), 1902.

Việt Nam văn học sử yếu, Dương Quảng Hàm, Nhà in Vũ Hùng, Hà Nội, 1951.

Tân từ điển, Trọng Văn Thao, Hương Cảng, Thế giới xã xuất bản, 1957.

Cổ văn quan chỉ, Thượng Hải, Bách Tân thư điểm xuất bản.

Trung Quốc văn học sử giảng thoại, Hồ Hành Chi, Thượng Hải, Quang hoa thư cục, 1932.

Trung Quốc văn học sử giảng biên, Lục Khản Thư và Phùng Nguyên Quân, Khai minh thư điếm in, Thượng Hải, 1949.

Tiểu thuyết khảo chứng, Tưởng Thụy Thảo, Thượng Hải, Thượng vụ ấn thư quán, 1935.

Đường thi hợp giải tiên chú, Hương Cảng, Ngũ quế đường thư cụ ấn hành, 1951.

Trung Quốc ngũ thiên niên đại sử ký, Lư Hy Văn, Hương Cảng, Kiến hoa thư cục, 1956.

Đại Nam chính biên liệt truyện sơ tập, Quyển XX.

Đoạn trường tân thanh, Kim Vân Kiều tân tập, Việt Nam văn học sử yếu, Tân từ điển (của Trọng văn Thao).

Cùng các loại từ điển như Từ nguyên, Từ hải, Trung Quốc danh nhân đại từ điển cùng một số sách sử như: Minh Sử, Chiết Giang thông chí…”

Với một số lượng sách tham khảo phong phú như thế cho thấy tác giả đã có một quá trình tích lũy tài liệu lâu dài, cùng với phần lý luận đã làm sáng tỏ được một vấn đề văn học, giúp người đọc biết rõ về thân thế cùng những vấn đề liên quan đến Thanh Tâm Tài Nhân- tác giả lam bản cuốn Truyện Kiều của Nguyễn Du, là một tuyệt tác của nền văn hóa Việt Nam.

Trong bài viết của giáo sư Bửu Cầm điểm nổi bật nhất là phần tư liệu rất phong phú, tác giả tham khảo hàng loạt sách, tiếp thu những thành tựu của những nhà nghiên cứu đi trước, thể hiện một thái độ nghiên cứu nghiêm túc cho nên đã cung cấp cho người đọc những kiến thức phong phú, rất đáng tin cậy.

Trong các bài nghiên cứu nhiều khi tác giả còn sử dụng tài liệu của các ngành khác để bổ trợ thêm cho vấn đề nghiên cứu. Chẳng hạn như nghiên cứu về nguồn gốc chữ Nôm trong phần nêu luận đề ông nêu lên có ý kiến cho rằng vào thời thượng cổ dân tộc Việt Nam đã có một thứ văn tự riêng mà người Mường Thanh Hóa đến nay còn dùng, tác giả cho rằng thuyết này có liên quan đến thuyết nhân chủng học:

 “Người Việt Nam và người Mường nguyên là cùng chủng tộc, nhưng sau khi có cuộc tiếp xúc với người phương Bắc, những người Việt đồng bằng ảnh hưởng văn hóa Trung Hoa, còn những người Việt bất hợp tác với di tộc, rút vào rừng núi, tức là người Mường bấy giờ, thoát khỏi ảnh hưởng Trung Hoa và giữ được phong tục cùng ngôn ngữ cũ[1].

 Như vậy, bên cạnh sử dụng kiến thức chuyên ngành tiên sinh còn vận dụng kiến thức của ngành có liên quan là dân tộc học để người đọc có thể tiếp thu vấn đề từ nhiều phương diện, hiểu thêm về đối tượng nghiên cứu trong bài viết.

Ngoài những kiến thức phong phú, đa dạng các bài viết của tiên sinh Bửu Cầm còn được trình bày trên cơ sở kế thừa và sáng tạo. Sự kế thừa ở đây biểu hiện qua việc tác giả trong bài viết của mình tham khảo rất nhiều sách vở cùng những quan điểm của những người nghiên cứu đi trước. Có nhiều vấn đề trước khi đưa ra ý kiến đánh giá của mình tác giả trình bày quan điểm của nhiều nhà, sau đó dùng lí luận và dẫn chứng để bác bỏ hay tán đồng.

Chẳng hạn trong bài viết “Lam bản cuốn Đoạn trường tân thanh của Nguyễn Du” tiên sinh đã đưa ra ba quan điểm nhận dạng tác giả Kim Vân kiều truyện:

1) Truyện Kiều có lẽ lấy ở truyện Vương Thúy Kiều王臎翹  trong thuyết bộ Ngu sơ tân chí 虞初新誌, tác giả tên Dư Hoài余懷.

2) Truyện Kiều đã theo một truyện trong Phong tình cổ lục風情古錄 là bộ sách chép những truyện phong tình đời xưa.

3) Nguồn gốc Truyện Kiều của Nguyễn Du là quyển tiểu thuyết Trung Hoa nhan đề Kim Vân Kiều truyện金雲翹傳 do một tác giả hiệu là Thanh Tâm Tài Nhân青心才人 soạn ra về cuối thế kỷ thứ XVI hoặc đầu thế kỷ XVII[2].

Với ba thuyết này tác giả tiếp tục đưa ra những lập luận cùng dẫn chứng cụ thể để bác bỏ hai thuyết đầu và tán thành thuyết thứ ba. Trên cơ sở sự kế thừa này người viết tiếp tục trình bày những ý kiến cùng tài liệu nghiên cứu của mình để làm sáng tỏ về con người được mệnh danh Thanh Tâm Tài Nhân. Qua bài viết chúng tôi thấy rằng tiên sinh đã đưa ra nhiều tư liệu thuyết phục và đã trình bày được những vấn đề về thân thế, con người của tác giả Thanh Tâm Tài Nhân. Bài viết ngoài ra còn rất thú vị vì tác giả đã đưa ra một thêm vài nhận xét tinh tế giúp ta hiểu thêm không chỉ về Thanh Tâm Tài Nhân mà còn về mối quan hệ giữa những cái tên sách viết về Vương Thúy Kiều- một người con gái tài hoa bạc mệnh cùng quá trình Nguyễn Du tìm ra và chuyển thể “Đoạn trường tân thanh” theo phong cách thơ dân tộc.

Việc sử dụng các tài liệu trong sách tham khảo cũng là một sự kế thừa tích cực, được tiên sinh vận dụng triệt để. Chúng ta có thể khẳng định một điều rằng trong các bài viết của mình tiên sinh bao giờ cũng tham khảo các tài liệu của nhiều loại sách, bất kể bài nghiên cứu dài hay ngắn đều không bỏ qua thao tác này.

Từ những cái nhìn của người nghiên cứu đi trước tiên sinh đã biết chọn lọc và đưa vào bài viết của mình những ý kiến, quan điểm để có thể tổng hợp đánh giá vấn đề từ góc độ khoa học và khách quan. Phương thức này rất thường thấy trong nghiên cứu khoa học, là cách vận dụng những công trình đã có sẵn, tuy nhiên tiên sinh không chỉ tham khảo mà còn đưa ra nhiều kiến giải, mở ra nhiều hướng nghiên cứu thể hiện sự sáng tạo trong nghiên cứu.

Chẳng hạn khi phân chia thơ đời Đường người ta thường phân chia theo các giai đoạn Sơ Đường, Trung Đường, Thịnh Đường. Giáo sư Bửu Cầm không tán đồng cách phân chia này, ông cho rằng:

Xét ra cách phân chia thời kì trên đây không hợp lý, vì không cắm được những cái mốc quan trọng cho lịch sử đời Đường. Một triều đại dài gần 300 năm (618- 906), nhà Đường trong khoảng thời gian đó đã có những cuộc chiến tranh với các nước ngoài và những cuộc nội loạn; nhưng ta phải kể cuộc biến loạn của An Lộc Sơn và Sử Tư Minh năm 755 là quan trọng hơn hết, đã làm cho vua Đường (Huyền Tông) phải chạy vào đất Thục, và khiến cho trăm họ thống khổ, lầm than. Cuộc biến loạn ấy đã đem lại cho nhà Đường một sự thay đổi lớn về phương diện chính trị, xã hội, cũng như về phương diện văn học.

Bởi vậy, trong bài này, luận về các thi phái đời Đường, chúng tôi chỉ chia làm hai thời kì: Trước loạn An,  Sử và sau loạn An,  Sử[3].

Với cách phân chia mới tác giả đã khái quát ngắn gọn mà súc tích toàn bộ giá trị thơ ca đời Đường qua tiêu chí thi phái, những lí lẽ trình bày của tác giả có hệ thống và tương đối hoàn chỉnh, là một tài liệu tham khảo thể hiện được một cái nhìn mới về thơ Đường.

Ngoài ra ông còn khảo cứu và chứng minh một vài vấn đề về nguồn gốc văn bản, với dẫn chứng cụ thể ông nêu lên tác giả bài thơ Bán than không phải của Trần Khánh Dư, một vương thất nhà Trần. Hay ông đã giới thiệu sách Kiến văn lục của Vũ Nguyên Hanh, khẳng định sự khác nhau của cuốn sách này với Kiến văn tiểu lục của Lê Quý Đôn, trước nay “ít người biết vì thế có sự ngộ nhận” giữa hai tác phẩm này. Với bài viết của mình tác giả đã đã cung cấp cho người đọc những tư liệu chính xác, dựa trên cơ sở khoa học về nguồn gốc của những tác phẩm ấy.

 Tính dân tộc là một trong những biểu hiện rõ nét trong các bài viết của giáo sư Bửu Cầm, nhất là các bài giới thiệu và chú thích một số tác phẩm chữ Nôm của dân tộc. Các tác phẩm này đã được tiên sinh dày công sưu tầm, chú thích kĩ càng sau đó mới giới thiệu cho nên không những cung cấp những tư liệu quý giá mà còn có ý nghĩa to lớn. Chữ Nôm vốn là niềm tự hào của dân tộc Việt Nam, tác giả đã dày công trong sưu tầm, nghiên cứu và giới thiệu các tác phẩm chữ Nôm chính là đã đóng góp công sức rất lớn trong bảo lưu và phát huy tinh hoa văn hoá của dân tộc. Một điều đáng quý hơn là tâm huyết của tác giả gởi gắm trong các bài viết bên cạnh việc sưu tầm, giới thiệu tác giả còn đưa ra những đánh giá tinh tế trên cơ sở là người hướng dẫn phát hiện những vẻ đẹp cùng giá trị ẩn sau những văn bản đó.

Trong bài giới thiệu tác phẩm Nam Cầm Khúc tiên sinh đã giới thiệu phần nguyên văn và dịch thơ lục bát một tác phẩm của Tuy Lý Vương, đồng thời đưa ra nhận xét:

Bảng “Nam cầm khúc phiên dịch quốc âm ca” của Di Hiên tiên sinh là một hương hỏa quý báu của văn học Việt Nam, mà kẻ viết bài này tự nhận thấy có bổn phận phải đưa ra giới thiệu với tất cả những ai thường lưu tâm đến vấn đề quốc học[4].

Lời khen của tiên sinh không chỉ xác nhận giá trị của Nam cầm khúc mà hơn thế nữa còn bộc lộ niềm yêu thích và tự hào về những áng văn chương đặc sắc của dân tộc.

Có thể nói rằng tính dân tộc trong các bài viết của giáo sư Bửu Cầm chính là hướng đến những đề tài nghiên cứu về văn hóa dân tộc trên các bình diện về văn hóa, văn học như nghiên cứu về Văn hoá Lý- Trần, quốc hiệu nước ta, nguồn gốc chữ Nôm, về học chế ở Việt Nam qua các triều đại, quốc hiệu Đại Nam và Việt Nam… nhưng đặc biệt trong các bài viết giới thiệu tác phẩm chữ Nôm và một số tác phẩm khác tính dân tộc biểu hiện rõ ràng nhất.

 

I.2.2. Đặc điểm về hình thức

 

Cách trình bày vấn đề bao giờ cũng là một yếu tố quan trọng để phần nội dung được thể hiện một cách có hiệu quả nhất. Qua các bài viết của giáo sư Bửu Cầm chúng tôi nhận thấy tiên sinh đã có cách trình bày khoa học, vừa đầy đủ nội dung, cô đọng lại ngắn gọn, dễ hiểu và có tính thuyết phục toát lên từ những luận cứ, luận chứng, lập luận lôgic, xác đáng. Trong cách trình bày các vấn đề tiên sinh chuyển tải nội dung bằng nhiều phương pháp khoa học, đặc biệt là phần phụ lục chú thích rõ ràng, hệ thống, có tính tham khảo cao. Văn phong của tiên sinh giản dị, dễ hiểu, ngôn ngữ trong sáng, hành văn lưu loát, lối viết của ông cũng rất đa dạng, trong từng trường hợp có khi thuần túy về nghiên cứu, có lúc lại kèm theo cảm xúc, trữ tình đặc sắc. 

Trước hết, về phương diện biểu hiện qua các bài viết của tiên sinh chúng tôi nhận thấy ông đã sử dụng nhuần nhuyễn và thành công các phương pháp trong nghiên cứu khoa học như: Phân tích, tổng hợp tài liệu, so sánh, liệt kê…

Phần lớn các bài viết của tiên sinh có sử dụng phương pháp phân tích tài liệu để qua đó làm sáng tỏ vấn đề, có cơ sở để tạo lập luận vững chắc. Đây cũng là một khâu quan trọng trong nghiên cứu, dựa trên các tài liệu có sẵn để phân tích và đưa ra những nhận định hết sức thận trọng, không mang tính chủ quan. Chẳng hạn trong bài viết về “Khúc Thừa Dụ và phong trào đòi quyền tự chủ của người Giao Chỉ cuối đời Đường” tác giả đưa hàng loạt các tài liệu trong các sách  sử:

Đại Việt sử ký toàn thư大越史記全書, ngoại kỷ, quyển 5, tờ 17a, chép: “Năm canh tý (Hiệu Quảng Minh thứ nhất của Đường Hy Tông) quân của phủ ta làm loạn, Tiết độ sứ Tăng Cổn bỏ thành chạy”

Đại Việt sử ký tiền biên大越史記前編, ngoại kỷ, quyển 6, tờ 22a: “Chúa Nam chiếu南詔 là Tù Pháp酋法 vào cướp phá […], quan đô hộ là Tăng Cổn chạy sang Ung Châu邕州. Thú binh tan vỡ.”

An Nam chí lược安南志略, hiệu bản của viện đại học Huế, 1961, phần chữ Hán, trang 105: “Lúc bấy giờ vua Nam Chiếu là Tù Long酋龍 mất, con là Pháp nối ngôi, tự xưng hiệu Đại Phong Nhân大封人, cử binh sang An Nam, Tăng Cổn chạy sang Ung Châu, đạo quân Đồn thú tan rã.”

Hoàng Việt giáp tý niên biểu皇越甲子年表, quyển thượng, trang 302: “Quân Nam Chiếu công hãm phủ đô hộ, Tiết độ sứ cuả nhà Đường là Tăng Cổn chạy sang Ung Châu, người thổ hào là Khúc Thừa Dụ vào chiếm phủ thành và tự xưng Tiết độ sứ.[5]

Từ các cứ liệu lịch sử trên tác giả đã phân tích và đưa ra lập luận rằng:

Xét những sử liệu dẫn trên, chúng ta dám nói rằng họ Khúc đã thổi vào tâm hồn người Giao Chỉ thời bấy giờ một luồng dũng khí khả dĩ gây được cái tinh thần tự cường bất khuất. Nhờ thế cho nên mặc dầu Thừa Mỹ chiến bại và bị địch bắt, nhưng tiếp theo đó đã có Dương Diên Nghệ杨延蓺, một nha tướng của họ Khúc, đứng lên quyết chí báo thù và đã đuổi được Lý Khắc Chính, Lý Tiến, lại giết được Trần Bảo, một tướng Nam Hán đem quân tiếp viện đến cứu Lý Tiến. Đến lúc Dương Diên Nghệ bị nha tướng là Kiểu Công Tiện矯公羨 phản bội giết chết, thì lại có Ngô Quyền呉權, con rể của Diên Nghệ khởi binh giết được Công Tiện và phá tan quân Nam Hán trên sông Bạch Đằng. Tuy Ngô Quyền đã mở kỷ nguyên độc lập cho nước ta, nhưng cứ bình tình mà xét, chúng ta phải thừa nhận Khúc Thừa Dụ là người đã khởi xướng phong trào đòi quyền tự chủ của dân tộc ta về cuối thế kỷ thứ IX và đầu thế kỷ thứ X[6].

Ở đây tác giả đã có sự kết hợp giữa tổng hợp và phân tích các tài liệu đáng tin cậy từ các quyển sách sử của dân tộc đã đưa ra những lập luận rõ ràng, vững chắc nêu lên một vấn đề lịch sử về những cuộc đấu tranh đòi quyền tự chủ của nhân dân thời kỳ trước khi Ngô Quyền đánh quân Nam Hán. Thông qua bài viết cùng những kết luận của tác giả chúng ta có thể hiểu thêm về lịch sử đáng tự hào của dân tộc, thì ra trước khi có được chiến thắng trên sông Bạch Đằng oanh liệt, những phong trào đấu tranh giành độc lập đã nổi lên và Khúc Thừa Dụ chính là nhân vật khởi xướng phong trào trước Ngô Quyền vào thế kỉ X.

Phương pháp phân tích tài liệu cùng tổng hợp được tiên sinh sử dụng rất có hiệu quả. Bên cạnh đó phương pháp liệt kê cũng rất hay được giáo sư sử dụng. Trong nghiên cứu phương pháp này tỏ ra đắc dụng với các vấn đề không cần phân tích mà đòi hỏi sự chính xác và cô đọng. Bài viết “Non sông gấm vóc và mùa xuân của dân tộc” phương pháp liệt kê được tác giả vận dụng triệt để. Chúng tôi xin trích dẫn đoạn sau đây tác giả khái quát về lãnh thổ Việt Nam dưới thời Gia Long đã trình bày:

Dưới thời Gia Long toàn quốc chia làm 24 trấn và hai thành.

Tại miền Bắc ngoài thành Thăng Long ra, có 11 trấn: Lạng Sơn, Kinh Bắc, Thái Nguyên, Cao Bằng, Tuyên Quang, Hưng Hóa, Sơn Tây, An Quảng, Hải Dương, Sơn Nam thượng và Sơn Nam hạ.

Tại miền Trung có 8 trấn, 3 doanh: 8 trấn là Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Bình Hòa (Thái Khang cũ), Bình Thuận; Ba doanh (dinh) là Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Đức ( Thừa Thiên).

Tại miền Nam, ngoài thành Gia Định (nay là Sài Gòn và Gia Định), có 5 trấn và 1 đạo: trấn Biên Hòa (doanh  Trấn Biên cũ), trấn Gia Định, trấn Định Tường, trấn Vĩnh Thanh (châu Định Viễn và doanh Long Hồ cũ, sau là Vĩnh Long), Trấn Hà Tiên và đạo Châu Đốc[7]

Rõ ràng, ngắn gọn, dễ hiểu chính là ưu điểm của đoạn viết.

Cũng có khi tiên sinh sử dụng phương pháp so sánh nhất là so sánh quan điểm nghiên cứu của những người đi trước. So sánh để phân biệt và chỉ ra quan điểm nào phù hợp, đáng tin và quan điểm nào chưa phù hợp khi cùng nhìn vấn đề trên cùng một phương diện. Trong bài nghiên cứu về nguồn gốc chữ Nôm, tác giả đưa ra nhiều quan điểm trong tài liệu, và so sánh các quan điểm đó. Sau cùng trên cơ sở phê phán một vài quan điểm chưa có căn cứ chính xác tác giả đã đưa ra nhận định chữ Nôm ra đời từ sau thời Sỹ Nhiếp và trước thời của Nguyễn Thuyên. Nhận định của tác giả có căn cứ và lý luận cụ thể về sau được nhiều nhà nghiên cứu ghi nhận và phát triển thêm.

Những phương pháp nghiên cứu này giúp cho việc trình bày được trôi chảy, dễ hiểu, hiệu quả và khoa học. Tuy nhiên chính cách viết với luận cứ chính xác, lập luận lôgic, mới là phần quan trọng trong bài viết của tác giả. 

Chẳng hạn khi tìm hiểu về nguồn gốc danh xưng An Nam và thời gian ra đời danh xưng này tiên sinh đã đính chính lại ý kiến của Nguyễn Văn Tố sau khi đã dựa vào những tài liệu trong Khâm định Việt sử thông giám cương mục, Đại Việt sử ký tiền biên và Đại Việt sử ký toàn thư đã cho rằng hai chữ An Nam đã có từ năm 264, vì năm đó nhà Ngụy cho Lã Hưng làm An Nam tướng quân, Giao Chỉ Thái thú. Theo Bửu Cầm tiên sinh vấn đề này thật ra nên nhìn dưới nhiều góc độ, và tiên sinh lý giải rằng:

Theo sự khảo cứu của chúng tôi, thì năm 248, (hiệu Xích ô赤烏 thứ 11 của Ngô Tôn Quyền呉孫權), thứ sử Giao Châu là Lục Duệ 陸裔 (tức Lục Dận ) đã được phong chức “An Nam tướng quân”.

Năm ấy bà Triệu nổi lên kháng cự quân Ngô ở Cửu Chân nhưng bị thứ sử Lục Dận dẹp yên. Do đó Dận được phong An Nam tướng quân.  Việc này sử Tàu chép rất rõ nhưng sử ta không chép đến.  Sử ta chép Lã Hưng làm An Nam tướng quân, nhưng sử Tàu không chép như vậy

Về sự kiện này chúng ta nên tin theo sử ta hay sử Tàu?

Tôi xin trả lời dứt khoát rằng chúng ta nên tin theo sử Tàu […]

Nay theo những tài liệu mới tìm được, nhất là tiểu truyện Lục Dận trong Ngô chí, chúng ta nên đính chính  lại thuyết của Nguyễn Văn Tố mà cho hai chữ An Nam đã có từ 248[8].

Bằng dẫn chứng phong phú, tiêu biểu, lý luận sắc sảo, tác giả đã suy nguyên được nguồn gốc của danh xưng An Nam. Chúng tôi, nhận thấy rằng cách viết của tác giả tuy ngắn gọn nhưng đã xoáy sâu vào vấn đề nghiên cứu, chỉ rõ sai sót trong nhận định của người đi trước với cái nhìn tinh tế, khách quan và khoa học. Từ góc độ này, đây có thể là những gợi ý cho các nhà nghiên cứu trên nhiều lĩnh vực, nhất là lĩnh vực lịch sử có thể phát triển thêm để có những nghiên cứu hoàn chỉnh.

Nếu những bài viết của Bửu Cầm tiên sinh hấp dẫn người đọc ở cách lập luận chặt chẽ thể hiện tư duy phân tích chuyên sâu thì ngoài ra còn thuyết phục hơn ở khâu trình bày. Phần trích dẫn các tài liệu nghiên cứu, chú thích, phụ lục mang giá trị tham khảo và tính hệ thống cao.

Mỗi khi trích dẫn một tư liệu nghiên cứu nào tác giả đều tuân theo trình tự sau: phần chữ Hán, phiên âm và dịch nghĩa. Cách chú thích này khiến cho các vấn đề mà tác giả trích dẫn đều rất rõ ràng, cụ thể, vừa mang tính sử liệu cao lại vừa có sức thuyết phục. Chẳng hạn như trong bài viết Tìm hiểu Kinh Thi” Đoạn trích dẫn sau thể hiện tác phong cẩn trọng, khoa học của tác giả khi trích dẫn tài liệu trong nghiên cứu:

 “Trong Thi tập truyện 詩集傳 Chu Hy朱熹 cũng luận về Quốc phong 國風như thế này: “=國者諸侯所封之域,而風者,民俗歌謠之詩也. 謂之風者, 以其被上之化以有言,而其言又足以感人,如物因風之動以有聲,而其聲又足以動物也。是以諸侯采之以貢於天子,天子受之而列於樂官,於以考其俗尚之美惡,而知其政治之得失焉 Quốc giả, chư hầu sở phong chi vực, nhi phong giả, dân tục ca dao chi thi dã. Vị chi phong giả, dĩ kỳ bị thượng chi hoá dĩ hữu ngôn, nhi kỳ ngôn hựu túc dĩ cảm nhân, như vật nhân phong chi động dĩ hữu thanh, nhi kỳ thanh hựu túc dĩ động vật dã. Thị dĩ chư hầu thái chi dĩ cống ư Thiên tử, Thiên tử thụ chi nhi liệt ư nhạc quan, ư dĩ khảo kỳ tục thượng chi mỹ ác, nhi tri kỳ chính trị chi đắc thất yên= Quốc là chỉ lĩnh vực phong cho chư hầu; phong là gọi chung các bài thi ca trong dân gian. Gọi rằng phong là chỉ những lời dân phát ra bởi chịu sự cảm hoá của người trên, mà lời ấy lại đủ để cảm người, như vật nhân có gió mà động và phát ra tiếng, rồi tiếng ấy trở lại làm rung động vật. Bởi thế nên chư hầu nhặt những thi ca ấy để hiến Thiên tử, Thiên tử tiếp nhận và liệt vào nhạc quan, lấy đó để xét phong tục tốt xấu, biết việc chính trị nên hư[9].

Phần lớn mọi tư liệu mà tiên sinh trích dẫn đều được thực hiện dưới dạng khoa học này. Cẩn trọng, tỉ mỉ, chính xác là những đòi hỏi không thể thiếu đối với người nghiên cứu khoa học. Khi tham khảo các bài viết và sách của giáo sư Bửu Cầm ta luôn luôn được thấy các tiêu chí này trong phần trình bày của tác giả.

Khi trích dẫn các sách tham khảo chúng tôi thấy rằng tiên sinh cũng hết sức kĩ lưỡng, thường cho biết rất cụ thể về sách cũng như phần được trích dẫn. Chẳng hạn bài nghiên cứu về Nam ông mộng lục một tác phẩm của Hồ Nguyên Trừng khi tìm hiểu về tiểu sử Hồ Nguyên Trừng ông có viết:

Tháng ba năm đó, Hồ Nguyên Trừng tiến quân đến cửa Hàm Tử, quân nhà Minh đến đánh, quân của Nguyên Trừng bị thua to[10]

Đoạn viết này được chú thích như sau:

Cương mục chính biên, quyển XII, tờ 16b-17b; Toàn thư, bản kỷ, quyển IX, tờ 2 ab[11]

Qua đấy cũng thấy được tính rõ ràng, hệ thống trong chú thích của tác giả.

Văn phong là điểm nổi bật trong các bài viết của tiên sinh. Trong quá trình nghiên cứu chúng tôi nhận thấy phong cách viết của tiên sinh rất đa dạng, với mục đích và chủ đề khác nhau, giọng văn thể hiện cũng khác nhau.

          Trong các bài viết thiên về nghiên cứu tiên sinh Bửu Cầm thường có cách viết rõ ràng, gọn và chuyên về phân tích để làm rõ vấn đề hướng đến. Chúng tôi xin trích dẫn đoạn sau trong bài Giao Châu thời Lục triều để minh chứng về cách viết này:

Trong thời Tam Quốc, nước Ngô vì phương diện địa lý thuận tiện nên chiếm lĩnh Giao Châu. Nhà Ngô quyết ý lấy Giao Châu sau trận Xích Bích. Năm Kiến An thứ 15(210) Tôn Quyền sai Bộ Chất làm thứ sử Giao Châu. Năm sau Bộ Chất đáo nhiệm; lúc bấy giờ Giao Châu mới thật sự thuộc về nước Ngô. Tuy nhiên vì uy tín và thế lực của Sĩ Nhiếp ở Giao Châu rất lớn cho nên từ năm thứ Kiến An thứ 16 của Hán Hiến Đế đến năm Hoàng Vũ thứ năm của nhà Ngô (tức là từ năm 211- 226), trong thời gian 15 năm đó, nhà Ngô chỉ áp dụng thống trị gián tiếp đối với Giao Châu, vì quyền cai trị trực tiếp xứ này vẫn ở trong tay anh em Sĩ Nhiếp[12]

Qua đoạn văn trên có thể thấy được ngòi bút nghiên cứu của tác giả thiên về phân tích, trình bày các sự kiện, có dáng dấp và phong cách của một nhà sử học chuyên nghiệp.

          Các bài nghiên cứu về văn học của ông giọng văn cũng thiên về phân tích, đánh giá vấn đề, cách viết chuẩn theo đúng tác phong khoa học.

          Thế nhưng sang một số bài viết tản mạn và giới thiệu tác phẩm ta thấy tác giả viết với một phong cách khác hẳn.Vẫn là phân tích, đánh giá vấn đề nhưng giọng văn mềm mại hơn, thanh thoát hơn, cảm xúc của người viết in đậm trên từng câu chữ. Rõ ràng nhất ta có thể thấy trong bài viết của tác giả về Nam cầm khúc của Tuy Lý Vương. Khi trình bày về tác phẩm tiên sinh cho là ngang tầm với Tỳ bà hành này đoạn ông kể lại hoàn cảnh ra đời được thể hiện thanh thoát và đầy thi vị:

Trước mấy hồ rượu nhạt, giữa cảnh trời nước bao la, chủ khách lặng lẽ nhìn nhau tỏ vẻ ngậm ngùi vì cơn ly biệt.

Đương lúc bâng khuâng, chủ nhân bỗng nhớ đến tác giả “Tỳ bà hành”, trong đêm đưa khách, tuần rượu chưa tàn, đã tưởng tới ngón trúc, đường tơ. Tùng Thiện Vương liền cho người đi mời Đẩu Nương, một nữ danh cầm ở An Cựu, xuống thuyền gảy đàn Nam cầm cho khách nghe, vì khách văn chương thường yêu nghệ thuật[13]

Bên cạnh nhà nghiên cứu tài hoa, uyên thâm trên nhiều lĩnh vực, Bửu Cầm tiên sinh còn là một nghệ sĩ đa tài. Trong quá trình nghiên cứu chúng tôi còn được tiếp xúc những bài thơ bát cú của tiên sinh, thể hiện được một phong cách nghệ sĩ, phong thái rất khó quên.

Tin rằng khi tiếp xúc với những bài viết tản mạn về hoa lan, hoa đào hay giới thiệu về vẻ đẹp trữ tình của cố đô qua cảnh sắc trữ tình, duyên dáng của hồ Tịnh Tâm người đọc khó có thể quên được một văn phong rất riêng của tác giả.

Đoạn văn sau giới thiệu về vẻ đẹp của hồ Tịnh Tâm, dưới ngòi bút của người nghệ sĩ dường như càng lung linh hơn:

Kìa, màu rêu lục phong trên mái cũ, nền xưa, màu xanh thẫm của lá cây, màu xanh nhạt của da trời, màu xanh biếc của nước hồ pha lẫn nhau một cách rất điều hòa, khéo léo. Giữa bức tranh thiên nhiên có một màu xanh dịu như nhung ấy, còn điểm thêm vào những đóa sen hồng, những đóa hoa cẩn đỏ rực rỡ xinh tươi.

Bóng dáng người xưa như phảng phất đâu đây. Khách tưởng chừng vẳng nghe tiếng đọc sách, ngâm thơ của các ông hoàng thi sĩ, hiếu học và cũng đa tình, vọng lên từ sau những phiến đá chập chồng hay sau mấy gốc cây già cỗi. Và trên cầu xưa, nơi bến cũ, như còn thấp thoáng những tà áo cung nhân[14]

Không kể những sách nghiên cứu các bài viết đăng trên tạp chí, nhiều nhất là ở “Văn hóa nguyệt san” và các tạp chí khác tiên sinh viết rất cô đọng, ngắn gọn nhưng rõ ràng, đủ ý. Cách viết hàm súc của ông thể hiện một phong cách nghiên cứu rất xứng đáng cho chúng ta học tập. Đến với những bài viết của Bửu Cầm tiên sinh chúng ta có thể dễ dàng nắm bắt được vấn đề thể hiện, kiến thức tuy nhiều nhưng nhưng không sa đà, chủ quan mà ngược lại còn rất tiêu biểu. Ngoài ra tiên sinh còn có khả năng khái quát rất cao nên kết cấu bài viết tuy ngắn gọn nhưng mạch lạc, thể hiện được toàn diện những vấn đề hướng đến.

Trên cơ sở trình bày thư mục nghiên cứu của giáo sư Bửu Cầm chúng tôi tiến hành khái quát một vài đặc điểm về nội dung và hình thức của thư mục, bước đầu khái quát về phong cách nghiên cứu khoa học của tiên sinh. Một phong cách nghiên cứu đa dạng sắc sảo, xứng đáng là tấm gương sáng cho chúng ta noi theo.

 

II. Thư mục nghiên cứu của giáo sư Bửu Cầm

 

Trong phần tổng thư mục nghiên cứu của giáo sư Bửu Cầm chúng tôi sắp xếp các bài viết của giáo sư thành hai phần gồm: Các bài tạp chí và sách đã xuất bản của giáo sư.

Các bài báo, tạp chí chúng tôi sắp xếp theo số thứ tự xuất bản của tờ báo đó. Do giáo sư Bửu Cầm viết bài cho nhiều tạp chí khác nhau nên chúng tôi ưu tiên xếp tạp chí có số lượng bài viết của giáo sư nhiều đứng trước, các tạp chí có bài viết của giáo sư ít hơn xếp sau.

Mỗi đơn vị trong thư mục được thể hiện theo trình tự các yếu tố sau: số thứ tự, tên tác giả, tên bài viết, nguồn trích, năm xuất bản, số tạp chí xuất bản, số trang.

Ví dụ: 2. Bửu Cầm, Một sử liệu quý giá về Nam phần Việt Nam, Văn hóa nguyệt san, 1958, số 31, Tr.506- 508.

Trong đó:

- 2: số thứ tự của bài viết trong thư mục

- Bửu Cầm: Tên tác giả bài viết

- Một sử liệu quý giá về Nam phần Việt Nam: Tên bài viết

- Văn hóa nguyệt san: Tên tạp chí (nguồn trích)

- 1958: Năm công bố

- Số 31: Số của tạp chí

- Tr.506- 508: Số trang của bài tạp chí

Để tiện lợi cho người sử dụng, trong từng đơn vị mục lục, chúng tôi trình bày tên bài viết và tên các tác phẩm được bài viết đề cập đến bằng hình thức in nghiêng.

Về phần sách chúng tôi sắp xếp theo trật tự chữ cái tên tác phẩm.

 

II.1. Tạp chí

 

1. Bửu Cầm, Nam Cầm Khúc một áng văn chương miền Trung, Văn hóa nguyệt san, 1957, số 20, Tr.20- 30.

2. Bửu Cầm, Một sử liệu quý giá về Nam phần Việt Nam, Văn hóa nguyệt san, 1958, số 31, Tr.506- 508.

3. Bửu Cầm, Bài Kê minh thập sách của bà Nguyễn Thị Bích Châu dâng cho chồng là Trần Duệ Tông (1373- 1376), Văn hóa nguyệt san, 1958, số 32, Tr. 659- 662.

4. Bửu Cầm, Học chế Việt Nam qua các thời đại, Văn hóa nguyệt san, 1958, số 33,  Tr.811- 813.

5. Bửu Cầm, Học chế Việt Nam qua các thời đại (tiếp theo), Văn hóa nguyệt san,  1958, số 34, Tr.947- 952.

6. Bửu Cầm, Học chế Việt Nam qua các thời đại (tiếp theo và hết), Văn hóa nguyệt san, 1958, số 35, Tr.1102- 1108.

7. Bửu Cầm, Lược khảo về Đồ sứ đời Tống, Văn hóa nguyệt san, 1958, số 37, Tr.1501- 1505.

8. Bửu Cầm, Một vị thiền sư đã dung hòa được nghệ thuật và đạo lý: Thích Viên Thành, Văn hoá nguyệt san, 1959, số 38, Tr.57- 60.

9. Bửu Cầm, Phóng Cuồng Ca (chú giải), Văn hóa nguyệt san, 1959, số 39, Tr.422.

10. Bửu Cầm, Bài hát Yêu ngủ (Ái miên ca của Na sơn ẩn sĩ), Văn hóa nguyệt san, 1959, số 40, Tr.422- 426.

11. Bửu Cầm, Thanh Tâm Tài Nhân là ai?, Văn hóa nguyệt san, 1959, số 41, Tr.557- 561.

12. Bửu Cầm, Thanh Tâm Tài Nhân là ai? (tiếp theo), Văn hóa nguyệt san, 1959, số 42, Tr.694- 700.

13. Bửu Cầm, Thi Ca: Màu thu, Văn hóa nguyệt san, 1959, số 42, Tr.789.

Một bài thơ lấy chủ đề mùa thu trích trong tập Hồn vũ trụ của tác giả.

14. Bửu Cầm, Sách “Tự học giải nghĩa ca” của vua Tự Đức, Văn hóa nguyệt san, 1959, số 43, Tr.920- 926.

          15. Bửu Cầm, Thơ:  Lữ - Hoài, Văn hóa nguyệt san, 1959, số 43, Tr.960.

          Đây là một bài thơ trích trong tập Hồn vũ trụ của tác giả

16. Bửu Cầm, Hồ Tịnh Tâm (thắng cảnh cố đô), Văn hóa nguyệt san, 1959,  số 44, Tr.1118- 1121.

17. Bửu Cầm, Tìm hiểu Kinh Thi, Văn hóa nguyệt san, 1959, số 45, Tr. 1301- 1307.

18. Bửu Cầm, Tìm hiểu Kinh Thi (tiếp theo), Văn hóa nguyệt san, 1959, số 46, Tr.1499- 1505.

19. Bửu Cầm, Nguồn gốc văn học Trung Quốc, Văn hóa nguyệt san, 1959, số 47, Tr.1661- 1668.

20. Bửu Cầm, Nguồn gốc chữ Nôm, Văn hóa nguyệt san, 1960, số 50, Tr. 347- 355.

21. Bửu Cầm, Khương Công Phụ, Văn hóa nguyệt san, 1960, số 54, Tr.1117- 1123.

22. Bửu Cầm, Thơ mới Trung Quốc, Văn hóa nguyệt san, 1960, số 56, Tr.1461- 1467.

23. Bửu Cầm, Thơ Mới Trung Quốc (tiếp theo và hết), Văn hóa nguyệt san, 1960, số 57, Tr.1648- 1656.

24. Bửu Cầm, Ngày xuân nói chuyện hoa lan, Văn hóa nguyệt san, 1961, số 58, Tr.1-6.

25. Bửu Cầm, Một bức thư chữ Nôm của Trịnh Cương gởi Nguyễn Quán Nho (thế kỷ XII), Văn hóa nguyệt san, 1961, số 59,  Tr.175-178.

26. Bửu Cầm, Thư viện Quốc tử giám dưới thời Minh- Mệnh – Thiệu- Trị, Văn hóa nguyệt san, 1961, số 60, Tr.381- 385.

27. Bửu Cầm, Một truyện ngắn viết bằng chữ Nôm dưới thời Tự Đức, Văn hóa nguyệt san, 1961, số 61, Tr.527- 531.

28. Bửu Cầm, Nữ phạm diễn nghĩa từ (của Tuy Lý Vương), Văn hóa nguyệt san, 1961, số 63, Tr.859- 866.

29. Bửu Cầm, Các thi phái đời Đường, Văn hóa nguyệt san, 1961, số 64,  Tr.1153/131- 1158/136.

30. Bửu Cầm, Các thi phái đời Đường (tiếp theo), Văn hóa nguyệt san, 1961, số 65, Tr.1314/110- 1321/117.

31. Bửu Cầm, Những câu ca dao liên quan đến Huyền Trân công chúa, Văn hóa nguyệt san, 1961, số 66, Tr.1411/1- 1417/7.

32. Bửu Cầm, Thanh hóa quang phong- một quyển kinh thi Việt Nam, Văn hóa nguyệt san, 1962, số 68, Tr.1- 8.

33. Bửu Cầm, Thử tìm nguồn gốc văn thể lục bát, Văn hóa nguyệt san, 1962, số 69, Tr.189/1- 195/7.

34. Bửu Cầm, Nam ông mộng lục- Một tác phẩm của Hồ Nguyên Trừng, Văn hóa nguyệt san, 1962, số 70, Tr.409- 419.

35. Bửu Cầm, Văn hóa Việt Nam dưới hai triều Lý và Trần, Văn hóa nguyệt san, Tập XI –quyển 11, 1962, số 75,  Tr.1199- 1204.

36. Bửu Cầm, Xuân đào, Văn hóa nguyệt san, Tập XII – quyển 1, 1963, số 77, Tr.1- 5.

37. Bửu Cầm, Khúc Thừa Dụ và phong trào đòi quyền tự chủ của người Giao Chỉ cuối đời Đường, Văn hóa nguyện san, Tập XII- quyển 2, 1963, số 78,  Tr.157- 162.

38. Bửu Cầm, Sách “Kiến văn lục” của Vũ Nguyên Hanh, Văn hóa nguyệt san, Tập XII – Quyển 6, 1963, số 82,  Tr.827- 833.

39. Bửu Cầm, Hai bức thư chữ Nôm mở màn cuộc phân tranh Trịnh – Nguyễn, Văn hóa nguyệt san, 1963, số 85,  Tr.1387- 1393.

40. Bửu Cầm, Non sông gấm vóc và Mùa xuân dân tộc, Văn hóa nguyệt san, 1964, số 87, Tập XIII- Quyển 1, Tr.1- 6.

41. Bửu Cầm, Hải môn ca, Văn hóa nguyệt san, 1964, số 96, tập XIII- quyển 9, Tr.1149- 1155.

42. Bửu Cầm, Tác giả bài thơ Bán than không phải là Trần Khánh Dư, Văn hóa tập san, 1968, số 1, tập XII- số 1, Tr.102- 106.

43. Bửu Cầm, Vài lời đề tựa của giáo sư Bửu Cầm, Tập san sử địa, 1966, số 3, Tr.3- 4.

44. Bửu Cầm và Cẩm Hà dịch, Sự quan hệ của Bác cổ học viện đối với nước ta, Tập san sử địa, 1969, số 14- 15, Tr. 99- 107.

45. Bửu Cầm, Quốc hiệu Việt Nam và Đại Nam, Tập san Sử Địa, 1970, số 16,  Tr.107- 112.

46. Bửu Cầm, Giao Châu thời Lục triều, Tập san sử địa, 1971, số 22,  Tr.15- 36.

47. Bửu Cầm, Tương quan giữa những hình chạm trên trống đồng Việt tộc và bài “Đông quân” trong Sở từ, Tập san sử địa, 1973, Tr. 49- 80.

48. Bửu Cầm, Lam bản cuốn “Đoạn trường tân thanh” của Nguyễn Du, Tập san Khảo cổ, 1966, số 4, Tr.5- 26.

 

II.2. Sách

1. Bửu Cầm (chú thích), Bang giao trong Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ, Nxb Bộ văn hóa giáo dục, Sài Gòn, 1968.

Sách do Tô Nam Nguyễn Đình Diệm dịch và Bửu Cầm hiệu đính.

2.  Bửu Cầm, Du lịch thái hư, 1948.

3. Bửu Cầm, Đông Tây triết học khảo luận.

4. Bửu Cầm, Đông tây văn hóa tỷ giảo.

5. Bửu Cầm (chú thích) Hoàng Việt giáp tý niên biểu, Nxb Bộ quốc gia Giáo dục, Sài Gòn, 1963.

6. Bửu Cầm, Hoài cổ ngâm chú thích, 1950.

7. Bửu Cầm, Hồng Đức bản đồ, Nxb Bộ quốc gia giáo dục, Sài Gòn, 1962.

8. Bửu Cầm (chú thích) Khâm định Việt sử thông giám cương mục, quyển đầu, Nxb Bộ quốc gia giáo dục, Sài Gòn, 1960.

Tác giả là Nguyễn Bá Trác, sách do Bửu Cầm và những người khác phiên dịch và chú thích.

9. Bửu Cầm (chú thích), Khâm định Việt sử thông giám cương mục tiền biên, quyển 2, Nxb Bộ quốc gia giáo dục, 1965.

Sách do Tạ Quang Phát phiên dịch và chú thích, Bửu Cầm hiệu đính.

10. Bửu Cầm (chú thích), Nhu viễn trong Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ, quyển 132- 133, Nxb Bộ văn hóa giáo dục, Sài Gòn, 1965.

Sách do Tạ Quang Phát dịch và Bửu Cầm hiệu đính.

11. Bửu Cầm (chú thích), Nhu viễn trong Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ, quyển 134- 135- 136, Nxb Bộ văn hóa giáo dục, 1966.

Sách do Tạ Quang Phát dịch, Bửu Cầm hiệu đính.

12. Bửu Cầm, Quốc hiệu nước ta từ An Nam đến Đại Nam, Tủ sách sử học, 1969.

13. Bửu Cầm, Tập thơ Hồn vũ trụ.

14. Bửu Cầm và Lê Ngọc Trụ, Thư mục về Nguyễn Du (1765- 1820), Nhân dịp lễ kỉ niệm Đệ nhị bách chu niên sinh nhật đại thi hào Nguyễn Du, Sài Gòn, 1965.

15. Bửu Cầm, Tìm hiểu Kinh Dịch, tập 1, Nxb Nguyễn Đỗ, Sào Gòn, 1957.

16. Bửu Cầm, Tìm hiểu Kinh Dịch, tập II- Nhân sinh quan.

 17. Bửu Cầm, Tống Nho: Triết học khảo luận, Đại học tùng thư nhân văn, Huế, 1954.

18.  Bửu Cầm, Trung Quốc tân văn nghệ lược luận.

19. Bửu Cầm, Trung Quốc văn học sử.

20. Bửu Cầm, Trung Quốc triết học sử.

21.  Bửu Cầm, Việt ngữ chính tả từ vựng, 1949.

 

III. Kết luận

          Giáo sư Bửu Cầm là một nhà nghiên cứu tài hoa và tận tụy, trong sự nghiệp nghiên cứu khoa học của mình tiên sinh đã để lại cho chúng ta một thư mục nghiên cứu phong phú, có giá trị trên nhiều lĩnh vực. Chúng tôi qua quá trình làm việc nghiêm túc đã sưu tầm và biên tập những bài viết cùng những cuốn sách của tiên sinh thống kê thành một thư mục để làm tài liệu tham khảo cho các công trình nghiên cứu khác.

          Trong phần trình bày thư mục chúng tôi cũng bước đầu đánh giá về những đặc điểm về nội dung và hình thức thể hiện của thư mục, những ý kiến trình bày của chúng tôi chỉ trên bình diện chung nhất, để đánh giá đúng thành quả nghiên cứu khoa khoa học của GS. Bửu Cầm cần phải có những chuyên luận thấu đáo hơn, sâu sắc hơn.

Với bài nghiên cứu này chúng tôi xin dừng lại ở điểm giới thiệu thư mục cùng những đánh giá sơ lược. Trong quá trình thực hiện bài nghiên cứu này chúng tôi đã rất cố gắng tuy nhiên phần hạn chế của thư mục là không thể tránh khỏi.

 


[1] Bửu Cầm, Nguồn gốc chữ Nôm, Văn hóa nguyệt san, 1960, số 50, Tr.347.

[2] Bửu Cầm, Lam bản cuốn Đoạn trường tân thanh của Nguyễn Du, Tập san Khảo cổ, 1966, số 4, Tr.6.

[3] Bửu Cầm, Các thi phái đời Đường, Văn hóa nguyệt san, 1961, số 64, Tr.1153/131.

[4] Bửu Cầm, Nam cầm khúc,  một áng văn chương miền Trung, Văn hóa nguyệt san, 1957, số 20, Tr.26.

[5] Bửu Cầm, Khúc Thừa Dụ và phong trào đòi quyền tự chủ của người Giao Chỉ cuối đời Đường, Văn hóa nguyệt san, 1963, số 78, Tr.157.

[6] Bửu Cầm, Khúc Thừa Dụ và phong trào đòi quyền tự chủ của người Giao Chỉ cuối đời Đường, Tạp chí đã dẫn, Tr.162.

[7] Bửu Cầm, Non sông gấm vóc và mùa xuân dân tộc, Văn hóa nguyệt san, 1964, Tập XIII- quyển 1, Tr.1.

[8] Bửu Cầm, Quốc hiệu nước ta từ An Nam đến Đại Nam, Tủ sách sử học, 1969, Tr.5.  

  [9] Bửu Cầm, Tìm hiểu Kinh Thi, Tạp chí đã dẫn, Tr.1301.

[10] Bửu Cầm, Nam ông mộng lục một tác phẩm của Hồ Nguyên Trừng, Văn hóa nguyệt san, 1962, số 70, Tr.412.

[11] Bửu Cầm, Nam ông mộng lục, một tác phẩm của Hồ Nguyên Trừng, Tạp chí đã dẫn, Tr.412.

[12] Bửu Cầm, Giao Châu thời Lục triều, Tập san sử địa, 1971, số 22, Tr.15.

[13] Bửu Cầm, Nam Cầm khúc, một áng văn chương miền trung, Tạp chí đã dẫn, Tr.20.

[14] Bửu Cầm, Hồ Tịnh Tâm (thắng cảnh cố đô), Văn hóa nguyệt san, 1959, số 44, Tr.43.