Cuối thế kỷ 18, có một tác phẩm viết về An Nam (Việt Nam) được công bố tại Nhật Bản. Đó là cuốn Annan kiryakukou (An Nam kỷ lược cảo) của Kondo Juzo. Đây là công trình tập hợp các thông tin về Việt Nam thông qua lời kể của những người Nhật từng đến Việt Nam thời Edo (1603 - 1868).
Đà Nẵng cuối tuần xin giới thiệu bài viết của GS. Shimao Minoru (Đại học Keio, Nhật Bản) vừa công bố tại hội thảo “Lịch sử và triển vọng mối quan hệ Việt Nam - Nhật Bản. Nhìn từ miền Trung Việt Nam” vừa diễn ra tại Đại học Đà Nẵng trong các ngày 22 và 23-11-2013. Bài viết này đã được TS. Trần Đức Anh Sơn (Viện Nghiên cứu Phát triển KT-XH Đà Nẵng) hiệu đính, bổ túc thông tin và hình ảnh.
1- Tác giả và nguồn thông tin trong An Nam kỷ lược cảo
Kondo Juzo (1771 - 1829) là người đã thám hiểm vùng đất phía bắc Nhật Bản. Ông là một viên chức của chính quyền Tokugawa được cử đi điều tra quần đảo Chishima và đã dựng cột mốc có ghi dòng chữ Dainihon etorofu (Đại Nhật Bản huệ thổ lữ phủ) tại hòn đảo Etorofu. Kondo Juzo là một học giả xuất sắc, đã sưu tầm nhiều tài liệu lịch sử, văn hóa và viết rất nhiều sách. Năm 1795, trước khi đi điều tra ở phía bắc, Kondo đã được bổ nhiệm giữ chức Nagasaki Bugyo, chức quan quản lý việc giao thương giữa Nagasaki với Trung Quốc và Hà Lan. Tại đây, Kondo đã xét hỏi những người Nhật vừa trở về Nhật Bản sau khi phiêu dạt đến Việt Nam vào năm 1794. Từ những thông tin do những người này cung cấp và từ những tài liệu liên quan đến Việt Nam thu thập được, Kondo đã viết tác phẩm An Nam kỷ lược cảo (ANKLC).
Nguồn thông tin sử dụng trong ANKLC bao gồm: [1]. Tài liệu lịch sử và địa chí của Nhật Bản; [2]. Tài liệu của Trung Quốc; [3]. Thông tin do những người phiêu bạt từ An Nam trở về cung cấp.
Tài liệu lịch sử và địa chí biên soạn ở Nhật Bản gồm các tác phẩm: Nihonkiryaku (Nhật Bản ký lược) và Shokunihongi (Tục Nhật Bản kỷ) biên soạn vào thời Heian (794-1185); Nagasakishi (Trường Kỳ chí) và Kaitsushoko (Hoa Di thông thương khảo) biên soạn vào thời Edo. Những tài liệu này được sử dụng để mô tả những sự kiện quan trọng trong lịch sử giao lưu giữa Nhật Bản với Việt Nam, như sự kiện một người Nhật là Abe no Nakamaro được nhà Đường (Trung Quốc) bổ nhiệm chức An Nam đô hộ ở An Nam thời nhà Đường đô hộ Việt Nam; quan hệ mậu dịch Nhật - Việt thời kỳ Shuinsen (Châu ấu thuyền); việc lập phố người Nhật tại Hội An…
Tài liệu Hán văn của Trung Quốc gồm các tác phẩm: Quảng Đông thông chí, Minh sử, Minh sử ký sự bản mạt, Thanh hội điển…, được sử dụng để mô tả khá tỉ mỉ lịch sử Việt Nam từ khởi nguyên đến cuối thế kỷ 17, trong đó, Quảng Đông thông chí là tài liệu tham khảo chính. Kondo còn tham khảo cả những tài liệu ít được biết đến như An Nam tạp ký của Lý Tiên Căn. Ông cũng dựa vào Minh sử và Thanh hội điển để lập phả hệ các triều đại quân chủ Việt Nam, từ triều Đinh Bộ Lĩnh (924 - 979) cho đến triều Lê Dụ Tông (1705 - 1729). Dựa vào các tài liệu Trung Quốc, Kondo còn trình bày cụ thể về sự thay đổi các đơn vị hành chính ở An Nam; đường đi từ An Nam đến Trung Quốc; các danh lam thắng cảnh, sản vật… của An Nam. Ông cũng dựa vào cuốn An Nam dịch ngữ để giới thiệu nhiều từ ngữ tiếng Việt lúc bấy giờ. ANKLC cũng giới thiệu một số bản đồ về An Nam, sao chép từ các bản đồ An Nam trong tác phẩm Dư quốc yếu lãm. Thông tin từ các tài liệu Trung Quốc chiếm một nửa trong ANKLC cho thấy tính quan trọng của tài liệu Hán văn này. Đây là nguồn thông tin chính về An Nam. Mặc dù thông tin về An Nam cho đến thế kỷ 17 được trình bày khá tỉ mỉ trong ANKLC, song Kondo không có nhiều thông tin về An Nam đương thời (thế kỷ 18), nên ông phải dựa vào thông tin do những người phiêu bạt kể lại để biên soạn về thời kỳ này trong ANKLC.
2- Người Nhật phiêu bạt đến Việt Nam vào thế kỷ 18 và thông tin về Việt Nam do họ kể lại
Vào thế kỷ 18, người Nhật bị cấm không được đi ra nước ngoài và phố Nhật ở Hội An cũng chấm dứt hoạt động. Trong thời kỳ này có ba trường hợp người Nhật đi biển gặp bão tố nên bị phiêu bạt đến Việt Nam. Kondo đã xét hỏi những người Nhật bị phiêu bạt trong trường hợp thứ ba. Tuy nhiên, trong bài này, tôi xin tóm lượt về hai trường hợp phiêu bạt trước đó. Đó là trường hợp hai chiếc thuyền (Himemiyamaru và Sumiyoshimaru), xuất phát cùng lúc và cùng một vùng biển ở Nhật Bản đã bị sóng gió làm trôi dạt đến vùng biển Hội An. Thuyền trưởng thuyền Himemiyamaru là Saheita và các thuyền viên đều là người vùng Isohara, quận Taga, phiên Hitachi-no-kuni (tỉnh Ibaraki hiện nay). Tháng 11 (âm lịch) năm 1765, thuyền này chở gạo từ Onahama (Fukushima hiện nay) đến Choshi (Chiba hiện nay) gặp mưa bão nên đã bị trôi trên biển 43 ngày và dạt đến vùng biển Hội An. Sau khi ở lại Hội An khoảng một năm rưỡi, ngày 20 tháng 6 (âm lịch) năm 1767 họ trở về Nhật Bản, đến ngày 16 tháng 7 mới về đến Nagasaki. Thuyền trưởng thuyền Sumiyoshimaru là Zenshiro và các thuyền viên là người vùng Onahama, phiên Oushu (Fukushima hiện nay). Tàu này cũng chở gạo từ Onahama đến Choshi và bị bão làm phiêu dạt dến miền Trung Việt Nam. Thủy thủ của hai thuyền này gặp nhau tại Hội An, cùng ở lại nơi này và trở về Nagasaki cùng một thời điểm.
Hồ sơ về trường hợp phiêu dạt của thuyền Sumiyoshimaru không nhiều nhưng hồ sơ về thuyền Himemiyamaru được ghi lại tỉ mỉ hơn. Nhà địa lý học Nagakubo Sekisu, cùng quê với những người bị phiêu bạt, đã đến Nagasaki đón họ. Sau đó ông đã phỏng vấn họ để biên soạn tác phẩm Annankokuhyoryuk (An Nam quốc phiêu lưu ký), hay còn gọi là Annanki (An Nam ký). Tác phẩm này ghi chép quá trình từ lúc phiêu bạt đến lúc trở về Nhật Bản, về phong tục tập quán của người Việt kèm theo một bảng từ ngữ tiếng Việt. Tôi xin giới thiệu một từ tiếng Việt được ghi trong bảng từ ngữ này là “Y-mô-o-rei” (Đi mô rứa?). Đây là cách phát âm của người ở miền Trung Việt Nam.
Nữ điền chủ người Đàng Trong, hình vẽ trong bộ tranh màu minh họa cho ANKLC (bản Thư viện Quốc gia Đài Loan)(ảnh trái) và bìa cuốn ANKLC (bản của Đại học Keio). Ảnh: Trần Đức Anh Sơn |
Sau đây là trường hợp thứ ba được phản ánh trong ANKLC. Cuối tháng 9 (âm lịch) năm 1794, thuyền Daijomaru do Seizo làm thuyền trưởng và các thuyền viên đều là người vùng Sendai, chở gạo từ Ishinomaki (Miyaghi hiện nay) đến Edo thì bị gặp bão làm trôi dạt. Ngày 21 tháng 11(âm lịch) năm ấy, họ dạt đến Việt Nam. Sau khi ở lại Việt Nam khoảng 5 tháng, đến tháng 4 (âm lịch) năm 1795 thì họ khởi hành từ Việt Nam về Nhật Bản. Trên đường đi có ghé vào một số nơi ở Trung Quốc như Macao, Quảng Đông, Giang Tây, Chiết Giang. Đến tháng 11 năm 1795 thì về đến Nagasaki. Sau khi những người này về đến Nagasaki, Kondo đã trực tiếp tra xét họ. Cuốn ANKLC được biên soạn dựa trên kết quả cuộc xét hỏi đó. Hồ sơ tra xét những người này có tên là Koenhyominshimatsu (Giáp Dần phiêu dân thủy mạt), cũng là một chương trong ANKLC. Kondo còn yêu cầu một người trong số họ, tên là Genzaburo, vẽ nhiều tranh vẽ miêu tả phong tục và phong tục của Việt Nam. Dựa vào những miêu tả này, Kondo đã cho họa sĩ vẽ lại các tranh minh họa này cho đẹp hơn.
Hồ sơ của thuyền Daijomaru không ghi rõ thuyền này bị trôi đến nơi nào ở Việt Nam và họ đã ở lại nơi nào trên nước Việt. Nhưng dựa vào những miêu tả bằng văn bản và những hình vẽ trong ANKLC, tôi nghĩ rằng họ đã bị dạt đến một hòn đảo nằm ngoài khơi vùng biển Phú Yên - Bình Thuận. Sau đó họ được đưa đến Sài Gòn. Lúc này ở Thăng Long, triều Lê đã diệt vong, ở Phú Xuân, Quang Trung Nguyễn Huệ đã qua đời, ở Quy Nhơn Nguyễn Nhạc cũng đã mất, còn ở phía nam, Nguyễn Phúc Ánh đã chiếm được Sài Gòn và thiết lập chính quyền nơi đây. Tại đây, có một tòa thành mới được xây dựng theo kiểu Vauban. Tây Sơn và Nguyễn Phúc Ánh đang tranh chấp lãnh thổ giữa hai vùng Sài Gòn và Bình Định. Trên đại cục thì Nguyễn Phúc Ánh đang dần dần chiếm ưu thế. Song cả Kondo lẫn người phiêu bạt đều không thể nắm được tình hình rất phức tạp tại An Nam lúc đương thời.
3- Annanki butsufuzokuzu - những tranh vẽ vật dụng và phong tục của An Nam
ANKLC không được xuất bản chính thức trong suốt thời Edo mà chỉ lưu truyền các bản chép tay. Vì thế các tranh vẽ minh họa cho ANKLC cũng được sao chép nhiều lần, dựa vào các tranh gốc hoặc các bản sao có niên đại sớm hơn. Năm 1933, Phòng biên soạn sử liệu của Đại học Tokyo đã mua được khoảng 400 kiện tài liệu do Kondo để lại, trong đó có những tranh vẽ vật dụng và phong tục của An Nam. Theo tôi, đây là những bức tranh gốc do Kondo cho vẽ vào năm 1795. Gần đây Toyobunko (Đông Dương văn khố) cũng sưu tầm được một tập tranh màu vẽ về phong tục của Macao và An Nam, vẽ dựa theo những bức tranh gốc từ thời Kondo, trong khi tranh vẽ trong sách của Kondo không tô màu. Theo công bố của ông Trần Đức Anh Sơn (Viện Nghiên cứu Phát triển KT-XH Đà Nẵng) thì ở Thư viện Quốc gia Đài Loan cũng có bộ tranh tô màu giống như tranh của Toyobunko. Rất tiếc là tôi chưa có cơ hội nghiên cứu kỹ tài liệu này.
Ở đây, tôi muốn đề cập những bức tranh lý thú từ ANKLC (bản sao chép của Thư viện Đại học Keio), từ bộ tranh gốc của Phòng biên soạn sử liệu của Đại học Tokyo và bộ tranh màu của Đông Dương văn khố, gồm:
I) Hình vẽ khuôn mặt người An Nam. Kondo so sánh người An Nam với người Manila, người Macao, người Đại Minh, người Mofuru (người Ấn Độ theo Hồi giáo). Tôi cũng giới thiệu thêm một bức tranh khác vẽ người An Nam trong sách Hoa Di thông thương khảo. Tranh này cũng được Kondo trích dẫn trong ANKLC.
II) Hình vẽ hòn đảo mà ngư dân Việt Nam đã đưa người phiêu dạt đến lần đầu tiên, có vẽ nhà ở và chòi canh. Địa điểm này không được xác định chính xác, nhưng từ nơi này đi đến Sài Gòn bằng thuyền thì mất từ 3 đến 5 ngày.
III) Hình vẽ thuyền mà ngư dân Việt Nam đã cứu những người Nhật gặp nạn và thuyền để chuyển Genzaburo, đại diện cho những người phiêu bạt, đi đến Sài Gòn lần đầu tiên.
IV) Hình vẽ cửa sông dẫn vào “kinh đô” (Sài Gòn) của “An Nam quốc” lúc đó có vẽ trạm canh gác ở cửa sông.
V) Hình vẽ thuyền đi lại sông Sài Gòn? Bên cạnh hình vẽ có ghi cách đọc chữ “thuyền” bằng tiếng Việt theo phiên âm katakana là “to-en”.
VI) Hình vẽ thành Sài Gòn. So với bản đồ vẽ thành Sài Gòn vào cuối thế kỷ 18 của Dayot thì hình vẽ này không chính xác lắm nhưng có thể thấy Genzaburo muốn thể hiện không khí sinh động của Sài Gòn lúc đó. ANKLC cũng mô tả thành Sài Gòn: “Thành quách to lớn, nhà ở rất đông, đây là đại đô hội uy nghiêm, bờ sông có nhiều thuyền nước ngoài, rất là nhộn nhịp”.
VII) Hình vẽ các loại vũ khí. Khi ấy Nguyễn Phúc Ánh đang có chiến tranh với Tây Sơn. Genzaburo đã tận mắt xem cảnh quân đội luyện binh.
VIII) Hình vẽ chiếc kiệu. ANKLC cho biết người có địa vị cao ở An Nam đi lại bằng kiệu.
IX) Hình vẽ phạm nhân, bên cạnh tranh có ghi chú: Phạm nhân bị gông cổ và áp giải đi ngoài đường phố.
X) Hình ảnh ngôi chùa có tên là Vĩnh Trường tự, theo phái Lâm tế, nơi an táng một số người Nhật đã mất tại Sài Gòn. Tranh này vẽ thêm ngôi chùa có tên là Hưng Long tự, cũng theo phái Lâm Tế. Trong hai chùa này có thờ Quan Âm và Quan Đế. Người phiêu bạt cho biết nhà sư mặc áo màu xám hoặc màu trắng, khác với áo của các nhà sư Nhật Bản.
Tóm lại, vào cuối thời Edo, người Nhật đã biết về lịch sử Việt Nam trong các thời kỳ trước thế kỷ 17 tương đối tỉ mỉ dựa vào các tài liệu của Trung Quốc. Nhưng hiểu biết của họ về Việt Nam vào thế kỷ 18 thì chỉ dựa vào các thông tin do những người Nhật từng phiêu bạt đến Việt Nam kể lại và họ không biết nhiều về tình hình chính trị rất phức tạp ở Việt Nam vào cuối thế kỷ 18. Tuy nhiên, đây là những thông tin rất lý thú về văn hóa và xã hội Việt Nam thời bấy giờ. Do bấy giờ chính quyền Tokugawa lúc đó hạn chế lưu hành những thông tin về hải ngoại nên những thông tin về Việt Nam do những người Nhật phiêu bạt kể lại cũng chỉ được lưu hành trong phạm vi giới hạn.