10102024Thu
Last updateWed, 09 Oct 2024 1pm

Kỷ niệm Paris với thầy Trần Đình Hượu

Tháng hai này (2015) thầy chúng tôi ra đi vừa chẵn hai mươi năm.

Bao nhiêu nước đã chảy qua cầu nhưng với lũ học trò chúng tôi thì “ Người ngỡ đã đi xa, nhưng người vẫn ở lại. Người ngỡ đã đi xa nhưng người vẫn quanh đây” ( Trịnh Công Sơn).

Tôi không có vinh hạnh là học trò ruột của thầy, nhưng mà những tháng năm được học và làm việc với thầy trong cùng khoa Ngữ Văn Đại học Tổng Hợp Hà Nội đã để lại trong tôi những tình cảm rất kính trọng và hâm mộ thầy, còn thầy dường như cũng dần thấy ở tôi một sự chia sẻ nhỏ nhoi nào đó. Với tôi thầy vừa có cốt cách một nhà nho lại vừa đại diện cho lối tư duy mới mẻ hiện đại và luôn vận động về phía trước. Trong cái cương nghị của thầy là chiều sâu của sự suy tư và sẵn sàng chấp nhận những bất an do luôn mong muốn thay đổi để có bước tiến mong ngày hôm sau sẽ khá hơn ngày hôm trước. Một lần thầy Nguyễn Tài Cẩn tự nhiên bảo tôi:” Ông Hượu ông ấy quan sát ông khá kỹ đấy”. Tôi ngạc nhiên đến sững sờ, chưa kịp phản ứng gì thì thầy nói tiếp :” Để coi ông có phải là loại người cơ hội không, nhất là qua mấy phen tao loạn, đấu đá trong khoa ta hồi sáu chín, bảy mươi!”. Rồi thầy bảo:” Ông ấy bảo tôi là ông cũng được đấy”. Tôi xúc động nói: “ Thưa thầy, bố em cũng có chút Nho giáo nên em cũng gắng “giữ mình trong áng can qua”, lại nữa một phần cũng nhờ thầy và thầy Hượu dạy cho hai chữ: “Trung dung” từ vài chục năm trước”.

Paris một tối đầu thu năm 1994.

Tôi vừa ăn cơm tối xong thì có điện thoại. Đầu giây kia là tiếng thầy Hượu ở Aix Provence:” Ông Đức ơi, tuần sau tôi lên Paris đấy, biết ông rất bận nhưng vẫn cảm phiền ông một ngày dẫn tôi đi coi cây đó trước khi về nhà”. Tôi vội thưa:” Xin thầy an tâm, nhất định là như vậy rồi, em mong thầy.”

Nhớ lại bốn tháng trước.

Một hôm vợ tôi nhận báo tin từ nhà: Thầy Hượu sắp sang Pháp bốn tháng. Chúng tôi quá mừng mong gặp thầy ở chốn kinh đô. Nhưng không. Thầy không ở Paris mà đến Đại học Aix Provence ở miền nam nước Pháp theo lời mời của Khoa Triết và Xã hội học do TS Trịnh Văn Thảo một chuyên gia có tiếng đứng ra tổ chức.

Hai tuần sau, tôi đến nhà GS Nguyễn Phú Phong ngủ đêm để mai đón thầy đến chuyến bay sáng sớm. Bốn giờ sáng, anh Nguyễn Phú Phong, chở anh Nguyễn Minh Thuyết và tôi phóng xe trên đường cao tốc ra sân bay Đờ- gôn. Máy bay đến đúng giờ. Thầy xuất hiện gầy gò, đầu trần, lễ mễ va ly và túi xách tay toàn sách là sách. Ôm lấy chúng tôi cảm động, thầy tươi cười nói: “ Thế là ba mươi năm tròn mình mới lại đặt chân sang châu Âu, không phải là nước Nga mà là nước Pháp. Rất cảm động các ông ạ.”

Một ngày ở Paris thầy không ra đến phố mà quanh quẩn ở nhà anh Phong trò chuyện với chúng tôi trong khói thuốc và rượu vang đỏ. Thầy ăn rất ít và cho biết sức khỏe không được tốt lắm nên gia đình và cả các thầy thuốc đều do dự cho chuyến đi của thầy. Nay gặp lại anh em vui vẻ nên thấy hết mệt. Thầy thổ lộ:” Cái số mình nó vậy, không có ý gì ngang cả nhưng không thể sống theo ý người khác được, nhất là trong chuyện sách vở. Tuy người Nghệ nhưng mình không gàn đâu, lúc nào cũng muốn nghĩ đến một cái gì đó không bảo thủ. Mà đã vậy thì rủi ro cũng là chuyên tất yếu thôi”. Câu thầy ngắn nhưng có lẽ là một triết lý rõ ràng.Thầy cũng hơi lo vì đã gần nửa thế kỷ không nói tiếng Pháp e sẽ khó khăn trong trình bày bài giảng và các báo cáo (Conférence). Để chu đáo, thầy đã bỏ cả mấy tháng ở nhà viết các bài trình bày tiếng Pháp thành tập dày cộp bôi bút xanh đỏ chi chít.

Thầy không ngủ được (vì lạ nhà ?) nên tôi cũng không ngủ. Nằm nhớ lại ba mươi năm trước:

Cuối hè năm 1964, tôi bước vào năm cuối của đại học Ngữ Văn. Không khí thanh bình không còn nữa: Hôm 5 tháng 8 Mỹ đã ném bom miền Bắc, không khí chiến tranh đã cận kề. Đối nội cũng có nhiều sự tình mới, không khí “chống xét lại” đang lúc cao trào, đài phát thanh Bắc kinh ( buổi tiếng Việt) ra rả chửi Liên Xô. Hàng loạt sinh viên ngành khoa học xã hội và nhân văn đang học ở Liên xô và Đông Âu về nước chỉnh huấn rồi ở lại nhà luôn. Khoa Ngữ văn của chúng tôi được bổ sung một số khá đông anh chị em vào các khóa dưới tôi. Riêng cán bộ giảng dạy cũng có ba bốn thầy đứt gánh vì phải đoan tuyệt với “xét lại”. Thầy Trần Đình Hượu cũng nằm trong số đó. Đang là nghiên cứu sinh triết học năm cuối ở trường MGU, chuyên về Mặc Tử dưới sự hướng dẫn của GS Asmut rất nổi tiếng, thầy ôm luận án về nước mà không bảo vệ.

Thuở ấy, sinh viên năm thứ tư chỉ học chuyên đề. Một sáng mùa thu lớp tôi với 14 đứa được đón một thầy giáo mới. Rất lạ. Chưa nhìn thấy bao giờ. Thầy dáng cao gầy, da ngăm đen, tóc hơi quăn và đã điểm bạc. Khoa giới thiệu đây là thầy Trần Đình Hượu mới ở Liên Xô về sẽ lên lớp cho chúng tôi chuyên đề “ Lịch sử tư tưởng cổ đại Trung Quốc”. Chúng tôi ồ lên vì biết đây là món rất khó mà trước nay chưa được nghe bao giờ, mới chỉ nghe hơi gió thổi qua giờ cổ Hán văn của GS Cao Xuân Huy mấy năm trước, vừa bị mắng vừa “tai trâu” nên không hiểu thầy nói gì.

Thầy Hượu vẫn còn cái dáng tây: Quần caki màu xám phẳng ly, có cái thắt lưng to bản rất đẹp và chùm chìa khóa có con dao díp nhỏ đeo bên hông. Thầy hồ hởi tâm sự:” Tôi người Nghệ, trước dạy trường Huỳnh Thúc Kháng, được nhà nước cho đi học, nay về được gặp các anh ở đại học là vinh dự lắm. Sẽ phải cố gắng nhiều”. Chúng tôi nghe la tai nhưng thấy nể trọng. Thầy bảo: Tên tôi khó phát âm, dễ viết sai chính tả, nếu anh chị nào thấy tiện thì cứ gọi tôi là Hiệu cho dễ, còn ai người Khu Năm thì gọi tôi là Hụ cũng được (!).

Nhưng vào giờ học thì khác hẳn: Thầy nghiêm nhưng rất nhẹ nhàng và tính sư phạm cao. Thầy coi chúng tôi như chưa biết gì nên nhẹ nhàng dẫn dắt chúng tôi các tư tưởng cổ đại Trung hoa, từ Tiên Tần, Lưỡng Hán đến Đường Tống. Cách dạy của thầy là khái quát lai lịch rồi chọn điểm nhấn (Focus) để phân tích, cả cái hay và cái chưa được của từng vấn đề theo cách nhìn hiện đại. Riêng Lão Tử thì thầy dừng lại lâu hơn vì là niềm hứng thứ của thầy. Lúc đó ở miền Bắc khó kiếm được quyển Đạo đức kinh. Không biết thầy tìm đâu ra một bản in roneo cũ mèm đưa cho chúng tôi thay nhau đọc ( tôi nhớ hình như bản này của Nguyễn Hiến Lê giới thiệu). Thầy so sánh Lão Tử với triết lý duy vật chất phác của Démocrit thời Hy Lạp xưa. Ngày nay giới trẻ học triết ở giảng đường các đại học một cách thờ ơ và ngán ngẩm, còn chúng tôi thuở ấy thì rất háo hức nghe giảng và chiêm nghiệm lời các thầy và mong ham hiểu thế giới. Đã đến lúc phải ta xem lại một cách căn bản việc dạy dỗ môn học này, chứ không thể cứ để sa sút mãi.

Trong bài giảng của thầy chúng tôi chú ý nhất là các lý giải của thầy về hiện tượng Phật giáo Lý Trần ở ta phải nhường bước cho Nho giáo thời Lê và những hạn chế của hủ nho đoạn về sau. Thầy nhấn mạnh thói xấu khoa cử, học để làm quan, học giả, hiếu danh, đánh giá con người theo thang độ hành chính,… mà nay vẫn còn đầy rẫy. Thầy cảnh báo và dặn dò chúng tôi:” Mỗi chúng ta nay vẫn đeo trên cổ một cái cùm phong kiến mà vẫn cứ nghĩ mình là người tự do!”. Bốn mươi lăm tiết học với thầy trôi qua rất nhanh. Thầy kiểm tra chúng tôi bằng cách cho viết tiểu luận, mỗi đứa chọn một mảnh vấn đề mà thu hoạch. Khi thầy trả bài, chúng tôi vô cùng ngạc nhiên vì lời phê của thầy cho mỗi bài ghi bằng mực đỏ và dài đến mấy trang. Thầy không soi xét nhiều đến nội dung các trò viết mà chỉ chú ý đến phương pháp làm bài. Mọi góp ý của thầy đều nhằm vào rèn phương pháp. Tôi vẫn còn nhớ lời thầy ghi vào bài tôi:” Anh nhớ là viết về Đổng Trọng Thư thì không nên chỉ viết về cái điều ông ấy viết. Phải xem thời đại ông, trước và sau ông, những mâu thuẫn xã hội và triều chính, và cả những mâu thuẫn tự thân ông ấy nữa.” Một bài học thấm thía.

Tôi ra trường, được ở lại khoa làm giảng viên Ngôn ngữ học, năm sau nghe trong khoa dị nghị về giáo trình của thầy, nào là đang phản phong chưa xong sao lại “ đem chuyện muôn năm trở lại bàn”. Duy tâm ? Bên Tổ bộ môn Mác- Lê Nin người ta cũng có ý kiến phản đối, lại nữa bên Trung Quốc đang phê phán, hạ bệ Khổng Tử sao ta lại dạy cái này,…Rồi ít lâu sau trong khoa Ngữ Văn chuyên đề này không thấy thầy dạy nữa. Chúng tôi cũng không thấy thầy nói gì cả. Mừng cho mình nhưng tiếc cho mấy lớp sau không được học. Rồi thầy chuyển về tổ văn học Việt Nam cận đại lo văn đoạn từ Pháp xâm đến hết thập kỷ hai mươi.

Vẫn chưa hết chuyện.

Và chuyện chỉ được thầy hở cho đôi nét với tôi trong buổi ban mai dạo chơi ở thành Paris một ngày thu năm 1994.

Thầy lên Paris một ngày thứ sáu, ông Linh mục Nguyễn Đình Thi ( người Hà Tĩnh) đón thầy về nhà ông ở ven đô. Cha xứ lại cho làm thịt con lợn đen hơn mười cân để khoản đãi thầy với đủ món. Chúng tôi được ăn theo rất vui vẻ. Tôi mời hẹn thầy sáng chủ nhật đi chơi Paris. Thầy bảo tôi:” Bảy giờ nhá”, tôi vội thưa:” Thầy ạ, sớm ngày chủ nhật phố xá Paris chưa có ai cả, người ta còn ngủ hoặc đi khỏi thành phố cả rồi,” Thầy bảo:” Không sao, ông cứ cho tôi đi, ban mai yên ắng càng hay, mình không thích ồn đâu:”.

Bảy giờ ba mươi, tôi đón thầy ở ga xe điện ngầm phía đông. Rất đúng giờ. Thầy phải đi bốn trạm xe bus đến đây. Biết sức khỏe của thầy, tôi lập một lộ trình tham quan hơi khác người: Bắt đầu từ vườn hoa Tulierie, tôi đưa thầy đi bộ dọc theo đường cây thu vàng tuyệt đẹp qua vườn trung tâm của bảo tàng Louvre. Chốc lại ngồi nghỉ trên dãy ghế cổ xưa, thầy hút thuốc, không nói gì, mắt nhìn xa xăm, lâu lâu hạ một câu bình nho nhỏ. Thầy như cảm nhận được cái hồn của văn hóa Pháp mà thầy học thuở xưa nay mới trực chỉ chiêm nghiệm. Dọc bờ sông Seine tôi đưa thầy qua cầu Pont Neuf (cầu mới) cây cầu cổ nhất Paris đến nhà thờ Đức Bà. Dọc đường tôi se sẽ nhắc lại với thầy đôi kỷ niệm vừa viết ở trên, thầy ngạc nhiên:” Lẽ ra ông nên học sử thì hơn vì ông giỏi nhớ các sự kiện khá kỹ đấy và chính xác đấy!”. Rồi thầy nhẹ nhàng: “ Việc tôi thôi không giảng cái chuyên đề mà các ông học không đơn giản như Đức nghĩ đâu. Thôi ta đi xem nhà thờ đã, chốc nữa kiếm chỗ ngồi uống cà phê sẽ nói tiếp”. Thầy không xem kỹ bên trong nhà thờ mà quan sát cảnh quan và khuôn viên tu viện nhiều hơn. Cảnh vật và sinh hoạt ở đây điển hình cho Paris qua bao thăng trầm. Tự lan can bờ sông, cũng như từ sáng, tôi và thầy đã chụp được nhiều ảnh. Biết thầy là học giả, tôi không vội dẫn thầy đến những nơi nổi tiếng khác mà tản bộ theo phố St. Michel đầy hiệu sách báo đến khu Latin, trung tâm của làng đại học Sorbonne. Tôi dẫn thầy vào một quán cà phê vỉa hè bình dân ngay sát cổng ra vào trường, nơi các giáo sư và sinh viên suốt ngày nhâm nhi và giao lưu, Thầy thích lắm. Nhìn bức tượng phia trước cổng trường, thầy hỏi :” Ai đó?” , tôi thưa “ Dạ, Auguste Comte”. Thầy vui:” À ông tổ của chủ nghĩa thực chứng cổ điển đây rồi, tí nữa mình phải ra ngắm và chụp một tấm ảnh nhá”. Rồi thầy tâm sự:” Triết học khó lắm, nhiều người làm triết mà cũng chả hiểu mình đang làm gì, cứ như ông Jourdin vậy. Ta nhiều lúc đơn giản và dễ dãi, thấy nói “ thực chứng “ là duy tâm là cứ thế mà nói, không thực chứng mới là duy tâm, ngôn ngữ, lịch sử, khảo cổ, xã hội học… không dựa vào bằng chứng thì biết nói cái gì. Mình chúa ghét lối nói: “ đại bộ phận”, “ hầu hết, “ đa số’,…rất vu vơ, bất định. Rồi thầy tâm sự: “ Giáo trình của mình hồi ấy bị mấy người chụp mũ là “ duy tâm !” nhưng tệ là có ai đọc đâu, cũng chả có ai chỉ ra được cái gì, rồi cứ truyền tai nhau để gây dư luận quy chụp, dạo đầu năm bảy mươi mình còn bị “ tố khổ” là cầm đầu phái “hữu “ trong khoa, ông nhớ chứ, cái đận ở tầng bốn Khoa Tiếng Việt. Sau này sách mình in ra mình viết ra y như mình nghĩ thì chả thấy ai nói gì, có ông lại còn khen nữa(!). Mình chịu áp lực nhất là năm bảy mươi, ông nhớ chứ, cái lần tôi và mấy ông đạp xe về Vinh sau khi coi thi đại học ở Diễn Châu. Rất bức xúc.”. Tôi nói:” Em nhớ chứ, hôm ấy nắng tháng bảy. Gió Lào như lửa đốt, chúng em đi Vinh còn thầy nửa đường thì rẽ đi Thanh Chương về quê. Mà lạ, thày đi đầu trần chả đội mũ nón gì cả. Khiếp quá”. Rồi thầy vui:” Cả đời mình không đội mũ, thế mà lại bị chụp mũ !. À mà việc khoa chuyển mình về bộ môn văn học cận đại lại hóa quá hay vì mình mang được nhiều ý tưởng triết học vào giải thích văn học giai đoạn phức tạp buổi giao thời giữa hai thế kỷ và bắt đầu có tiếp xúc văn chương Việt với phương Tây. Và nhờ đó mà mình học được thêm, thấy chín chắn và kín cạnh hơn. Chuyện qua rồi, cũng đừng trách một vài anh em ta lúc đó. Lịch sử mà. Mỗi người đều có một động cơ cá nhân. Muốn kiếm lợi một tý nhờ thời thế cũng là điều có thể giải thích được. Thầy bình thản uống hết ly Capuchino rồi rủ tôi:” Cũng vui, lại nói chuyện này với ông ở cổng Sorbonne. Nào bây giờ thì đi coi mấy chỗ tiêu biểu của Paris”.

Tôi đưa thầy đến quảng trường Ngôi sao, nơi có Khải hoàn môn, chỗ gặp gỡ của mười ba đại lộ (Avenue) của Paris, thầy ngắm nghía và bảo chỉ mới nhìn thấy nó qua không ảnh trong sách giáo khoa xưa thời đi học. Tôi kể thầy nghe câu chuyện nhỏ: “ Năm trước, tôi có ra đây xem quốc khánh Pháp, thấy đội ngũ lính duyệt binh mặc đẹp, đi rất đều, tôi khen. Một ông cụ già đứng cạnh liền bảo tôi:” Nó đi đẹp thế nhưng hai trăm năm nay đánh nhau toàn…thua, hết thua Nga đến Đức hết Việt Nam đến Angérie, gọi là khải hoàn cho vui…”

Rời Khải hoàn môn tôi đưa thầy tản bộ một đoạn trên đại lộ Săng – Êlyzê ( Champs Élysées), con đường nổi tiếng đẹp nhất châu Âu. Thầy chỉ khen phố to đẹp và thú vị nhiều quán báo, những tiệm cà phê “lấn chiếm vỉa hè” rất sang trọng và có văn hóa. Thầy bỏ qua các cửa hàng lớn Louis Vuiton, Chanel, các hãng thời trang thế giới. Được một đoạn, tôi rủ thầy rẽ tay phải để đi tắt một phố lớn sang quảng trường Trocadéro nơi đẹp nhất để ngắm tháp Eiffel. Đang trên con lộ, thấy tôi dừng lại ngó nghiêng, thầy tưởng tôi tò mò xem salon auto “Ferari” choáng lộn của Ý, nhưng tôi sải thêm mấy bước rồi dừng lại trước một lâu đài tân cổ có bảo vệ và nói với thầy:” Thầy ạ, đây là nhà số 8 phố Klébert, Trung tâm hội nghị Quốc tế nổi tiếng, nơi họp hội nghị Paris về Việt Nam ngày trước”. Thầy à lên một tiếng: “ Cảm ơn, chỉ có Đức cho tôi biết được những nơi cần biết, mà vắng quá nhỉ, đúng là cảnh’ Chốn cũ lâu đài bóng tịch dương’. Tôi cũng trầm tư: Một phần tư thế kỷ trước, những tháng năm chạy bom đạn, sơ tán trong rừng sâu chúng tôi hằng dõi theo những phiên họp Việt-Mỹ ở ngôi nhà tận phương xa này. Tôi còn khoe với thầy: “ Em còn biết cả biệt thự ở La Seine St.Cloud nơi mật đàm Lê Đức Thọ-Kissinger nữa ở phía tây Paris.” Thầy nhắc lại:” Đúng ông như có chất sử học đấy”.

Chụp ảnh tháp Eiffel từ Trocadéro, sau rồi tôi dẫn thầy xuống chân đồi, qua cầu Iena đến chân tháp. Ngồi dưới chân tháp chúng tôi uống Coca và ăn khoai tây chiên vừa ném cho chim bồ câu quanh quẩn. Thầy cảm động nói nhẹ:” Ừ, rồi cũng một lần đến đây nhỉ”. Tôi mời thầy đi ca- nô trên sông Seine nhưng thầy từ chối:”Có nơi nào đẹp mà tiêu biểu nữa thì ông cho mình ghé qua”. Chúng tôi liền đi tàu điện ngầm đến phố Rivoli nổi tiếng, nơi có Tòa Thị chính Paris ( Hotel de Ville) ngôi nhà tráng lệ được coi là đẹp nhất đô thành.

Tôi giải thích cho thầy Rivoli là con phố rất dài sang trọng và buôn bán tấp nập nhất Paris, phố của các đại gia và chính khách. Ngồi trước lâu đài khá lâu, thầy khen thật nguy nga và nói:” Dinh Xã tây ở Sài gòn ( nay là UBND TP) hình như cũng phỏng theo và thu nhỏ tòa nhà này, thầy chú ý từng nét đẹp và nhất là tượng các danh nhân ẩn sâu trong các hốc tường, rồi thầy thở dài:’ May sao qua bao binh lửa, chiến cuộc, những gì Hà nội, Sài gòn, Huế cần giữ thì vẫn còn giữ được cơ bản. Tiếc là đình chùa miếu mạo ở Khu Bốn ta ( Thanh, Nghệ, Tĩnh ) bị chính ta phá bỏ sạch hồi hợp tác hóa nông nghiệp. May Thanh Hóa ông còn có thành nhà Hồ thiêng, dân sợ chưa giám lấy đá nung vôi. Bảo tồn di sản văn hóa khó thật, nay kinh tế thị trường không khéo lại có kiểu phá khác”. Thầy nhìn xa thật.

Đã qua Ngọ, tôi sợ thầy mệt nên muốn mời thầy đi ăn trưa ở quận 13 nhưng thầy bảo ăn nhẹ rồi về thôi. Chúng tôi đành ăn Sandwich với phômai và trà Lipton rồi đảo qua dãy tiệm sách cũ bên bờ sông Seine, một địa chỉ văn hóa khác của Paris. Thầy xem mê mải hàng giờ không muốn dứt. Tôi hỏi thầy có muốn mua sắm gì không, thầy cười:” Mình không mua gì cả, mà có mua thì chắc không nhờ Đức vào việc đó”. Tôi vui.Hỏi tiếp thầy:” Nếu thầy muốn đến thăm nhà Hugo và Balzac thì em sẽ đưa thầy đi, nhà Hugo ở cuối đường này (Rivoli) gần St. Antoine còn nhà Balzac thì gần Pont Alma ngược sông gần đây thôi”. Nhưng tôi thôi ngay ý định vì cảm thấy từ sáng thầy đã đi khá nhiều. Bao nhiêu cho vừa.

Trời trở. Se lạnh. Những giọt mưa thu bắt đầu rơi trên mấy con phố nhỏ ven sông, lá vàng đung đưa trước gió. Tôi tiễn thầy đến trạm xe bus ban sáng, nhìn theo bóng thầy gầy gò sau kính cửa xe lất phất những giọt nước dài dài.

Ba hôm sau, buổi tối tôi còn được gặp lại thầy ở giảng đường Ban Việt học Đại học Paris 7 ( Diderot) khi thầy báo cáo:” Quan chế Việt nam trong nền hành chính triều Nguyễn”. Khán phòng khá đông các bạn bè Việt Kiều và Pháp, tôi thấy nhiều vị thức giả, GS Hoàng Xuân Hãn, họa sĩ Lê Bá Đảng, các nhà Việt Nam học….Thầy nói tiếng Pháp, một lúc thấy mệt, TS Nguyễn Ngọc Giao dịch giúp rất hay. Không khí rất vui vẻ với nhiều câu hỏi, đối thoại sinh động.

Gần nửa đêm, buổi thuyết trình kết thúc, mọi người mời thầy và khách đi ăn tối. Tôi cáo từ và đến chào thầy, chúc thầy trở về nhà an vui. Nhưng không nghĩ rằng đó là lần xa thầy và thầy đi mãi.

Bốn tháng sau, khi tôi đang ở đại học Laval(Québec-Canada) thì nhà tôi báo tin thầy vừa qua đời do cơn dạ dày trọng bệnh tái phát ở tuổi 69. Mười lăm năm trước ( 1980) thầy phải mổ dạ dày, ông bác sỹ Hoàng Kim Tịnh nói với thầy: “ Anh an tâm, sau đận tôi mổ này ít nhất anh cũng phải được mười lăm năm ”. Thế mà đúng. Tôi bùi ngùi nhớ về thầy hè năm ngoái khi tôi xuống Aix Provence có đến thăm thầy ở cư xá. Căn phòng đẹp , có “view” rất tuyệt, nhưng tôi mở tủ đồ ăn của thầy thì giật mình: Một xoong cơm ăn hai bữa, niêu cá kho kiểu Nghệ và một đĩa rau trộn. Một gói lạc rang. Cứ như ở quê: Thầy đi xa nhà, vắng cô chăm sóc, lại quá mải mê công việc,…ốm đau sẽ đến là điều dễ hiểu.

Buổi mai ấy ở Paris cùng với thầy đã để lại cho tôi mãi ấn tượng sâu sắc cả tình thầy trò và cả những tâm sự, triết lý thầy nói bâng quơ, không trách cứ ai cả.

Nhớ những giọt mưa thu rơi trên hè phố, nhớ thầy sau giọt nước trên tấm kính cửa xe, lại nhớ đến câu thơ xưa của Đỗ Phủ:” Trời cũng vì ta nổi gió buồn”.

Paris, 1994- Hà Nội, 2014

http://www.vanhoanghean.com.vn/van-hoa-va-doi-song27/cuoc-song-quanh-ta46/ky-niem-paris-voi-thay-tran-dinh-huou