09102024Wed
Last updateMon, 07 Oct 2024 12am

Một số địa danh đáng lưu ý ở Lâm Đồng

1.Lâm Đồng có thành phố Đà Lạt, một nơi có nhiều cảnh đẹp nên trở thành một điểm du lịch nổi tiếng trên đất nước ta. Có người cho rằng, Đà Lạt chỉ có một điểm yếu là không có biển nên không có hòn đảo nào. Bù lại, Đà Lạt có cả núi, đồi, đèo, sông, hồ, thác, tức là có nhiều thắng cảnh.

2.Có hai con đường dẫn đến Đà Lạt. Nếu xuất phát từ thành phố Hồ Chí Minh, chúng ta phải qua đèo Chuối, một ngọn đèo ở huyện Đạ Huoai. Vì hai bên đèo có nhiều chuối rừng, nay vẫn còn, nên mới gọi thế.

Nếu chúng ta khởi hành từ Phan Rang-Tháp Chàm, qua quốc lộ 27, ta sẽ đến Đà Lạt sau khi vượt qua 12km đường đèo. Ở chỗ giáp giới hai tỉnh Ninh Thuận và Lâm Đồng, có độ cao 980m. Đèo mang tên Ngoạn Mục. Người Pháp gọi là Belle Vue (đẹp mắt). Ngoạn Mục là từ Hán Việt, có nghĩa là “đẹp, trông thích mắt”.

Nằm ở trung tâm thành phố, gần hồ Xuân Hương, là đồi Cù. Sở dĩ gọi là đồi Cù vì trái bóng mỗi lần đánh bay đi, nó lăn tròn như trái cù.

Xuân Hương là hồ nhân tạo ở trung tâm thành phố Đà Lạt, diện tích 38ha, chu vi 5km, được xây dựng năm 1919, Pháp gọi là Grand Lac (hồ lớn), được ông Nguyễn Vỹ-Chủ tịch Hội đồng Thị chính Đà Lạt-Việt hoá thành Xuân Hương năm 1953. Xuân Hương là “mùi thơm mùa xuân”.

Hồ Than Thở nằm cách trung tâm thành phố Đà Lạt 6km, diện tích 9ha, một địa điểm du lịch nổi tiếng. Sau năm 1975, được đổi thành hồ Sương Mai; đến năm 1990, phục hồi tên cũ.

Than Thở là “kêu than, thổ lộ nỗi buồn rầu đau khổ của mình” (HP), được gọi từ ngày 22-10-1956, có tên dịch t tiếng Pháp Lac des Soupirs. Theo một số người, địa danh này bắt nguồn từ hai mối tình đau khổ của Hoàng Tùng-Mai Nương (tk 18) và Thảo-Tâm sau này.

Đa Nhim là hồ nhân tạo ở thị trấn Dran, huyện Đơn Dương, cách thành phố Đà Lạt 40km trên đường đi Phan Rang, diện tích độ 9,7km2, ở độ cao 1.042m. Cũng gọi hồ Đơn Dương.

Sông thuộc hệ thống sông Đồng Nai, phát nguyên từ núi Hòn Giao, huyện Lạc Dương, chảy vào hồ Đơn Dương, sau đó đổ vào sông Đắk Dung (đoạn thượng nguồn sông Đồng Nai). Trên sông có hệ thống ống dẫn nước từ độ cao khoảng 1.000m đổ xuống để chạy các tuốc bin phát điện ở nhà máy điện Krông Pha thuộc huyện Ninh Sơn, tỉnh Ninh Thuận, với công suất 160.000kw. Cũng gọi là nhà máy thuỷ điện Đa Nhim, xây dựng từ năm 1963.

Đa Nhim gốc Cơ Ho, là “nước mắt”.

Ngọn núi cao nhất thành phố Đà Lạt là Lang Bian, gốc tiếng Lạch (Cơ Ho) Lơmbiêng hay M’Biêng, có một đỉnh cao 2.167m, và đỉnh Bi Đúp cao nhất 2.287m. Tiếng Pháp viết thành Langbian, Lang Bian, Lang-Bian, Langbiang hay Lang Biang. Lơmbiêng là một họ của người Lạch.

Vì núi nằm trong cao nguyên trung bình cao 1.300-1.600m nên tên núi đã được Hán Việt hóa thành tên cao nguyên Lâm Viên.

Tên núi Lang Bian đã trở thành tên tỉnh Lâm Viên ngày 6-1-1916. Trước đó, ngày 1-11-1899, thành lập tỉnh Đồng Nai Thượng. Đến ngày 22-2-1951, hợp nhất chữ đầu tên hai tỉnh cũ thành Lâm Đồng. Lâm Đồng nửa Hán Việt nửa thuần Việt.

Còn Lâm Hà là huyện của tỉnh Lâm Đồng, diện tích 978,52km2, dân số 133.679 người (2009), gồm 2 thị trấn Đinh Văn, Nam Ban và 18 xã.

Lâm Hà là do ghép chữ đầu của tỉnh Lâm Đồng và thủ đô Nội, vì đây là huyện mới thành lập ngày 24-10-1987 mà nhiều cư dân đến từ thành phố Hà Nội.

Lạc Dương là huyện của tỉnh Lâm Đồng, diện tích 1.513,8km2, dân số 25.300 người (2006), gồm 7 xã. Lạc Dương còn là thị trấn của huyện Lạc Dương, tỉnh Lâm Đồng.

Lạc Dương vốn là tên một thành ở Trung Quốc. Ở vùng này có nhiều người thuộc bộ tộc Lạc (dân tộc Cơ Ho) sinh sống nên người ta gọi vùng này là Lạc Dờng (nhiều người Lạc). Ngữ âm hai tên gọi gần nhau nên người Việt đã mượn tên Lạc Dương quen thuộc trong truyện Tàu để phiên địa danh này.

Lâm Đồng có hàng chục thác lớn nhỏ.

Đa Tân La là thác ở cách thành phố Đà Lạt 5km. Cũng viết Đatanla.

Đa Tân La gốc Cơ Ho, có hai cách lý giải: 1.Đa Tơhla, nghĩa là “suối ở giữa rừng”. 2. Đa Tàm N’ha “nước dưới lá”.

Prenn là thác ở trên một nhánh sông Đa Nhim, thuộc huyện Đức Trọng, cao 13m, cách Đà Lạt 10km. Có lẽ đây là cách phiên theo người Pháp vì từ Nam Á không có hai phụ âm cuối.

Có hai giả thuyết về nguồn gốc của Prenn.: 1. Prenn gốc Chăm, nghĩa là “vùng bị chiếm”. 2. Prenn gốc Thượng, nghĩa là “cây cà đắng-một món ăn được đồng bào ưa thích và mọc khá nhiều dọc con suối cùng tên”.

Cam Ly suối bắt nguồn từ huyện Lạc Dương, thành phố Đà Lạt, dài 64,1km, dài nhất thành phố, đổ vào hồ Xuân Hương. Cũng gọi Cẩm Lệ.

Thác nước trên suối Cam Ly, cao 10m, đổ vào sông Đa Dung. Được Hán Việt hóa thành Cẩm Lệ.

Cam Ly gốc Cơ Ho. Có ba cách lý giải: 1. Vốn là tên làng cũ Rhàng Pàng M’Ly, nghĩa là “làng cũ của ông M’Ly”. 2.Vốn là tên ông K’Mlơi. 3. Vốn là Kamlê. Như vậy, Cam Ly vốn là tên người, tuy cách viết khác nhau.

Thác nước trên sông Đa Nhim tên Liên Khương, cao 30m, rộng độ 100m, bên quốc lộ 20, cách Đà Lạt 28km. Cũng gọi là Liên Khang.

Liên Khương gốc Cơ Ho Liang Khàng. Có hai cách lý giải: 1. Nghĩa là “kiến vàng”.2. Nghĩa là “loài ong ruồi”.

Đam Bri là thác ở trong rừng, thuộc thành phố Bảo Lộc, cao 57m. Cũng viết Đămbri, Đạm Mri. Có người đặt tên khác là Chờ Đợi.

Đambri nửa Cơ Ho nửa Chil (gốc Mơ Nông): Đa (Cơ Ho) là “nước, thác”; Bri (Chil) là “rừng”. Phụ âm môi “m” xuất hiện có lẽ do phụ âm môi “b” lan sang (contagion). Vậy Đambri vốn có nghĩa là “thác nước chảy trong rừng”.

Thác nằm ở xã Liên Đầm, huyện Di Linh, cách Đà Lạt độ 85km, ngay sát quốc lộ 20, phía tay trái từ Đà Lạt xuống, cao độ 45m tên là Bô Bla. Cũng viết Pố Pla.

Bô Bla gốc Cơ Ho Vồ Bla nghĩa là “đầu voi”.

Pongour là thác ở huyện Đức Trọng, cao gần 40m, rộng hơn 100m, qua hệ thống bậc thang bảy tầng. Người Pháp tôn vinh là “ngọn thác hùng vĩ nhất Đông Dương”.

Pongour gốc Cơ Ho Pon-gou, nghĩa là “ông chủ vùng đất sét trắng” - ở đây có đất cao lanh-được người Pháp phiên thành Pongour.

Thác nước trên sông Đa Nhim, dưới thác Liên Khương, cao 17m, cách Đà Lạt 37km, mang tên Gu Ga. Cũng gọi là Gù Gà, Ổ Gà.

Gu Ga gốc Cơ Ho Gugah, nghĩa là “bờ sông giống cái cũi lồng”.

Đà Lạt là thành phố trực thuộc tỉnh Lâm Đồng, ở độ cao 1.500m, diện tích 391,1km2, dân số 168.000 người (2006), gồm 12 phường mang số từ 1 đến 12 và 3 xã. Đà Lạt được bác sĩ Alexandre Yersin phát hiện vào buổi chiều ngày 21-6-1893 và sau đó thành phố được xây dựng.

Đà Lạt gốc Cơ Ho. Đà là “nước hay sông, suối”; Lạt (cũng viết Lat, Làc, Lạch, M’lates) có nghĩa là “rừng thưa” hay “đồi cỏ”, rồi chuyển sang tên một nhóm người thuộc dân tộc Kơ Ho sống ở khu rừng thưa này. Đà Lạt là “dòng suối của người Lạt”.

Di Linh là cao nguyên đất đỏ ba-dan bao gồm địa bàn hai huyện Bảo Lâm, Di Linh, ở độ cao trên 1.000m. Trước đây gọi là Di Dinh.

Di Linh gốc Mạ là Djiring, nhưng chưa biết nghĩa.

Di Linh là huyện của tỉnh Lâm Đồng, diện tích 1.614,3km2, dân số 160.830 người (2006), gồm thị trấn Di Linh và 17 xã. Di Linh còn là thị trấn  của huyện, diện tích 24,65km2, dân số 27.645 người.

Tên huyện do tên cao nguyên mà ra vì phần lớn địa phận huyện nằm trên cao nguyên. Có ý kiến cho rằng Djiring vốn là tên người có công khai khẩn vùng này.

Đam Rông là huyện của tỉnh Lâm Đồng, diện tích 892.200km2, dân số 30.600 người (2006), gồm 8 xã.

Suối nước nóng thiên nhiên ở xã Đam Rông, huyện Lạc Dương, nhiệt độ 40-450, bao quanh là rừng tự nhiên và nhân tạo. Đây là một trong 5 suối khoáng thu hút nhiều khách du lịch nhất VN (Bình Châu, Kênh Gà, Kim Bôi, .. ).

Đồng Nai là sông ở miền Đông Nam Bộ, dài 635km, bắt nguồn từ cao nguyên Lâm Viên, chảy qua vùng Đồng Nai, đổ ra cửa Soài Rạp. Người Cơ Ho gọi khúc đầu sông này là Đạ Đờng, nghĩa là “sông lớn”. Đạ Đờng còn được phiên thành Dã Dương, Đa Dâng. Cũng gọi là sông Phước Long vì chảy qua huyện Phước Long trước đây. Hệ phụ lưu gồm 253 sông, suối, tổng chiều dài 10km.

3.Lâm Đồng nói chung và Đà Lạt nói riêng là những báu vật trên cao nguyên Việt Nam. Ngoài việc thưởng thức những vẻ đẹp kỳ thú của cảnh sắc thiên nhiên tuyệt vời, chúng ta còn phải bảo vệ những nơi này để con cháu chúng ta tiếp tục hưởng thụ những lạc thú mà thiên nhiên đã ban tặng.

 

Nguồn: Kiến thức ngày nay, số 697, 10-7-2015, tr. 12,13,14 và 79.