08102024Tue
Last updateMon, 07 Oct 2024 12am

Những tên cầu dễ gây buồn cười

caycaudua

(Ảnh: Google)

Hiện nay trên Internet, có hàng chục bài viết nêu một số tên cầu, xem qua, chúng ta có thể bật cười, thích thú. Thật ra, có thể chúng ta hiểu lầm hoặc có người cố ý hiểu khác đi do nhiều nguyên nhân chủ quan cũng như khách quan.

Trước hết là cầu Cu trên Quốc lộ 32 A. Cầu dài 24,24 m, rộng 9 m, ở chỗ giáp giới bốn tỉnh, thành Hà Nội, Phú Thọ, Yên Bái, Lai Châu. Có lẽ vốn tên cầu , nhưng ai đó cắc cớ bỏ dấu ngã, khiến người đọc liên tưởng tới một từ chỉ bộ phận sinh dục của đàn ông rồi cười nắc nẻ (!).

Tiếp theo là cầu Tiêu. Cầu dài 15,9 m, rộng 3,84 m. Tương tự như trên, có lẽ ban đầu tên cầu Tiểu, tức là “cầu nhỏ”, nhưng bị ai đó bỏ dấu hỏi, thành tên cầu chỉ nơi đi …đại tiện nên ai nghe tên cầu cũng bật cười.

Kế tiếp là tên cầu Xả Ớt. Cầu dài 15 m, rộng 12,6 m, ở vùng Lao Bảo, tỉnh Quảng Trị. Tên cầu có thể vốn là tên một ông trưởng nào đó có tên Ớt. Do người viết chữ Xã sai chính tả nên người có óc trào lộng liên tưởng tới chữ đồng âm Sả (ở một số tỉnh miền Trung và miền Nam) và liên kết với từ Ớt (sả ớt) và tạo nên tiếng cười thích thú.

Tên cầu Cô Ba Hư Hỏng do một nguyên nhân khác dễ nhận biết. Cầu tên Cô Ba, nhưng vì quá cũ đã hư hỏng. Nhưng do người viết viết cùng một kiểu chữ, cùng màu mực nên người mới đọc tưởng cả bốn chữ là tên cầu. Để khỏi hiểu lầm, ta phải viết hai chữ Cô Ba và Hư Hỏng khác kiểu chữ và cả màu sắc.

Tên cầu Rạch Chim ở TP Hồ Chí Minh (dài 123,6 m, rộng 10 m) cũng gây liên tưởng thú vị. Có hai từ rạch đồng âm. Từ rạch thứ nhất chỉ dòng nước tự nhiên nhỏ hơn sông (gốc Khmer prêk) và từ rạch thứ hai có nghĩa là “làm cho đứt thành đường trên bề mặt, bằng vật sắc”và hai từ chim: một chỉ động vật có cánh lông vũ, biết bay và từ lóng chỉ bộ phận sinh dục của đàn ông. Vậy tên cầu vốn chỉ con rạch có nhiều chim, nhưng người cố ý liên tưởng tới hành động dùng vật sắc để rạch …của quý của nam giới (!).

Mồng Gà là tên cầu ở tỉnh Long An. Sở dĩ có tên cầu này vì dưới thời Pháp thuộc có xây một cây cầu có hai thành cầu hai bên cong lên như cái mồng con gà trống. Tên cái mồng con gà trống đồng âm với một căn bệnh của đàn ông. Do đó, người ta cố ý hiểu tên cầu theo nghĩa của từ thứ hai để tự cười.

Tên cầu Xẻo Cu vốn chỉ một dòng nước nhỏ có nhiều cu đồng. Từ xẻo (dòng nước nhỏ hẹp) đồng âm với từ xẻo, có nghĩa là “cắt gọn ra một miếng, một phần nhỏ”. Từ cu còn có nghĩa bóng chỉ cơ quan sinh dục của quý ông. Do đó, tên “dòng nước nhỏ có nhiều chim cu” khiến người ta liên tưởng đến việc dùng dao để cắt …của quý.

Ở vùng Khánh Hòa và Ninh Thuận có cầu Ồ Ồ. Ồ Ồ vốn là tên suối ở hai tỉnh này, sau trở thành tên cầu. Ồ ồ là âm thanh, mô phỏng tiếng suối chảy vang lên.

Lòng Tong là chiếc cầu ở xã Hàm Rồng, huyện Năm Căn, tỉnh Cà Mau. Lòng tong vốn là tên loại cá đồng nhỏ bằng ngón tay, màu vàng, có sọc trắng chạy dọc theo thân.

Ở TP. Hồ Chí Minh có tên cầu Sập. Tại đây trước kia có cây cầu cũ đã bị sập. Nay tuy đã xây cầu mới, nhưng người ta quen gọi theo tên cầu cũ cho chiếc cầu mới. Có lẽ nên thay tên cho chiếc cầu này.

Tại tỉnh An Giang và TP. HCM đều có cầu Dần Xây. Dần Xây vốn là tên cây giằng xay, bị phát âm chệch chuẩn rồi viết sai chính tả. Người có óc trào lộng thấy cầu này ở Sài Gòn xây dựng quá lâu (từ năm 1999 đến năm 2001), dù cầu không dài nên giải thích Dần Xây là “xây dần dần”.

Cầu 18.000 Lớn. Có lẽ cầu dài 18 m, nhưng người ta không ghi chữ m vào sau 18.000 và dùng dấu chấm theo kiểu Anh Mỹ nên gây buồn cười.

Tên cầu Trời Đánh có lẽ do ở cạnh hay trên cầu trước kia bị sét đánh nên cầu mang tên trên. Nhưng cụm từ trời đánh thường được dùng để nguyền rủa ai đó nên khi nghe tên cầu này, người ta thường khó nhịn cười.

Cầu Vẹo vốn là cầu nằm chỗ con đường bị quẹo nên mang tên trên. Sau đường được làm thẳng nhưng người ta cứ theo tên cũ mà gọi.

Sau cùng, các cầu Vàm Bướm, Khe Bướm, Tắt Bướm, Xẻo Bướm…Trong các cầu trên có tên cây bướm là “loại cây có gai, mọc ven bờ sông rạch, cao khoảng 3-4m, lá giống như lá cây mai, gai mọc ở dưới gốc dài khoảng 3 cm nhưng trên thân thì gai ngắn còn khoảng 2 cm, gỗ thường được dùng làm cột nhà”. Loại cây này phổ biến ở Nam Bộ nên ở vùng đất vừa nói có nhiều địa danh mang tên cây này.Trong tiếng Việt có ít nhất ba từ bướm đồng âm là con bướm, cây bướm và tên bộ phận sinh dục của phụ nữ. Trong bốn tên cầu này thì tên ba cầu Khe Bướm, Tắt Bướm, Xẻo Bướm gây liên tưởng do đồng âm giữa hai từ bướm thứ ba và thứ hai gây ra.

Tên cầu rất phổ dụng vì nó nằm trên các trục giao thông. Vậy ta chớ nên đặt các tên mà người dân có thể hiểu lầm (do tính đa nghĩa hoặc đồng âm của tên gọi) dễ gây tính phản cảm. Mặt khác, những ai thích sửa dấu của các tên cầu xin đừng đùa nghịch để khỏi gây tiếng cười không phải lúc.

(Bài đăng trên Kiến thức ngày nay, số 944, ngày 30-10-2016, tr. 10-11)