29032024Fri
Last updateWed, 27 Mar 2024 8pm

GS Đinh Gia Khánh - người đặt nền móng cho khoa học nghiên cứu văn học dân gian Việt Nam

 

GS. Đinh Gia Khánh

Sự nghiệp giáo dục và nghiên cứu khoa học của Giáo sư Đinh Gia Khánh bao trùm lên cả ba lĩnh vực: văn học dân gian, văn hóa dân gian và văn học trung đại Việt Nam. Cuốn Đinh Gia Khánh, Tuyển tập, tập 1 này tập hợp những công trình khoa học của ông trong lĩnh vực văn học dân gian.

Những công trình khoa học về văn học dân gian của Giáo sư Đinh Gia Khánh hầu hết được viết trong khoảng thời gian từ những năm đầu thập niên sáu mươi tới những năm cuối thập niên bảy mươi của thế kỷ XX. Đó là thời gian diễn ra những sự kiện trọng đại của sự nghiệp đấu tranh giành độc lập và thống nhất đất nước của nhân dân Việt Nam. Vì vậy, điều có thể thấy trước tiên khi đọc các công trình nghiên cứu ấy là  tinh thần công dân, là ý thức chính trị và tính thời sự của công việc nghiên cứu khoa học của tác giả. Bầu không khí thời đại thấm đẫm nhiệt tình yêu nước và chủ nghĩa anh hùng in dấu trong các công trình nghiên cứu về văn học dân gian của ông không chỉ biểu hiện trong nội dung các phân tích và bình luận về các sự kiện văn học dân gian cụ thể mà cả trong những suy nghĩ và thực hành về các vấn đề lý luận và phương pháp luận nghiên cứu văn học dân gian của ông.

Một trong những tiểu luận có tính chất cương lĩnh chung viết về những vấn đề lý luận và phương pháp luận nghiên cứu văn học dân gian được công bố ngay từ đầu thập niên sáu mươi và sẽ được ông theo đuổi, thực hiện suốt trong quá trình nghiên cứu sau đó, là một báo cáo đọc trong Hội nghị khoa học của Khoa Ngữ văn, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội năm 1963([1]) nhan đề  nhan đề Ý nghĩa chính trị của việc nghiên cứu văn học dân gian trong lịch sử. Báo cáo khoa học này phát triển một trong những nội dung chính của phần Khái quát về văn học dân gian trong cuốn giáo trình Văn học dân gian Việt Nam do ông làm chủ biên với sự cộng tác của một học trò của ông([2]). Mười năm sau, cuốn giáo trình này đã được viết lại một cách cơ bản, và tư tưởng về ý nghĩa chính trị của việc nghiên cứu văn học dân gian đã được thể hiện thành tư tưởng chủ đạo khi ông cùng cộng tác viên - đồng tác giả viết mục B thuộc Chương một của giáo trình mới, nhan đề Việc sưu tầm và nghiên cứu văn học dân gian ở Việt Nam([3]).

Bây giờ đọc lại các trang viết này của Đinh Gia Khánh, điều quan trọng mà chúng ta tiếp nhận như một di sản khoa học của ông chủ yếu không phải là cái nhiệt tình công dân ấy mà là cái tư tưởng khoa học về mối quan hệ giữa việc sưu tầm, nghiên cứu văn học dân gian với những nhiệm vụ lịch sử của thời đại, mối quan hệ này được ông chứng minh bằng những sự kiện cụ thể trong suốt lịch sử sưu tầm, nghiên cứu văn học dân gian Việt Nam. Về bản thân tiến trình văn học dân gian Việt Nam, trong một tiểu luận nhan đề Văn học dân gian và sự khẳng định dân tộc thống nhất ([4])ông cũng đã nêu lên một luận đề chung quan trọng rút ra từ việc nghiên cứu những sự kiện cụ thể theo hướng thực hiện tư tưởng khoa học ấy. Luận đề ấy như sau: Rõ ràng là quá trình hình thành và khẳng định dân tộc Đại Việt đã kèm theo quá trình hình thành và phát triển của văn nghệ dân gian Đại Việt. Những giá trị về nội dung cũng như về hình thức của văn nghệ dân gian vốn có ý nghĩa và màu sắcđịa phương đặc sắc đã dần dần được nâng lên bình diện dân tộc, được dân tộc hóa trong quá trình lâu dài gắn bó giữa các địa phương vì sự nghiệp đấu tranh chung cho một Tổ quốc độc lập và thống nhất... Mặt khác, trong quá trình được dân tộc hóa như thế, văn nghệ dân gian lại đã góp phần vào việc củng cố cơ cấu dân tộc. Và cũng lại không ngoa nếu nói rằng văn nghệ dân gian đã góp phần không nhỏ vào việc xây dựng tâm hồn dân tộc.

Một hệ quả khác cũng rất đáng lưu ý của tư tưởng khoa học về mối quan hệ giữa nghiên cứu khoa học với những nhiệm vụ lịch sử của thời đại là xu hướng phát hiện ra những nội dung mới của tác phẩm văn học dân gian dưới ánh sáng của thời đại. Xu hướng này có thể thấy khá rõ trong các công trình nghiên cứu của Giáo sư Đinh Gia Khánh về các thể loại và các tác phẩm văn học dân gian Việt Nam. Chẳng hạn, trong bối cảnh lịch sử của thời đại chống đế quốc Mỹ "ra ngõ gặp anh hùng", dưới ánh sáng của "thời đại anh hùng", ông đã viết như sau trong một tiểu luận bàn về Sức sống của truyền thống anh hùng trong các nhân vật chính của truyện thần thoại và cổ tích lịch sử: "Trong văn học dân gian, chủ nghĩa anh hùng có thể tìm hiểu qua hình tượng nhân vật anh hùng. Hình tượng này trong thơ ca dân gian và truyện dân gian đều có cả([5]). Trong tiểu luận này, ông đã phân tích chủ nghĩa anh hùng Việt Nam qua các hình tượng nhân vật Lạc Long Quân, Sơn Tinh, Thánh Gióng, Cao Lỗ, Lý Ông Trọng, thần sông Tô Lịch, thần Long Đỗ,...; và cả trong các hình tượng nhân vật truyện cổ tích như Thạch Sanh, cô Tấm, ông cũng tìm thấy được "ít hoặc nhiều khí phách anh hùng của dân tộc ta"([6]).

Bây giờ đọc lại những bình luận, phân tích này của ông, có thể thấy những phát hiện của ông do tư tưởng khoa học ấy gợi ý, đã soi sáng được một số đặc điểm dân tộc trong văn học dân gian Việt Nam. Một ví dụ điển hình là những phân tích của ông về mô típ âm phù trongtruyền thuyết Việt Nam. Trong tiểu luận nói trên, ông đã viết như sau: "Trong tâm lý nhân dân, sức mạnh mà cha ông ta đã tích lũy được tập trung vào những nhân vật anh hùng của nhân dân, của dân tộc. Và trong văn học dân gian, hình tượng nhân vật anh hùng trong các thời đại đã sáng chói như những ngọn đuốc chuyển từ thế hệ này sang thế hệ khác. Phải chăng cũng một phần vì thế mà khi kể về kỳ tích của nhân vật anh hùng thời đại sau, truyện dân gian lại thường nói đến sự tham gia của anh hùng đời trước? Trong thực tế, phải tính đến nhiều nhân vật trong lịch sử thường hay mượn uy tín của các anh hùng đời trước để tranh thủ sự tín nhiệm của dân dân đương thời. Đã có chính nghĩa thì tất phải được âm phù dương trợ, thì tất phải được thần và người cùng giúp: đó là quan niệm của người xưa về sức mạnh của "chính nghĩa"([7]). Đó là một sự phân tích sâu sắc và xác thực về nội dung của mô típ âm phù mà ông đã triển khai một cách thành công trong một số công trình nghiên cứu khác nữa, như trong các bài khảo cứu (mà ông gọi một cách khiêm tốn là Lời nói đầu, Lời giới thiệu) in ở đầu các bản dịch Việt điện u linh([8]), Lĩnh Nam chích quái([9]), trong giáo trình Văn học dân gian Việt Nam.

II

Những năm sáu mươi và bảy mươi của thế kỷ XX là những năm khoa học về văn học và văn hóa dân gian ở Việt Nam dần dần đặt được những nền móng cốt yếu cho sự phát triển các vấn đề lý luận và phương pháp luận nghiên cứu chuyên ngành. Giáo sư Đinh Gia Khánh là người có những cống hiến quan trọng cho quá trình đó.

Có hai nhiệm vụ nghiên cứu khoa học được Giáo sư Đinh Gia Khánh đặc biệt quan tâm: một là xác định bản chất của đối tượng nghiên cứu, xây dựng hệ thống phương pháp nghiên cứu của chuyên ngành và hai là nghiên cứu lịch sử về văn học dân gian Việt Nam.

Là một nhà nghiên cứu có kiến thức sâu rộng về các nền văn hóa phương Đông và phương Tây, khi được giao nhiệm vụ xây dựng môn văn học dân gian Việt Nam ở bậc Đại học, Giáo sư Đinh Gia Khánh đã bắt đầu bằng ý thức về sự cần thiết phải tạo cho môn học này một nền tảng lý luận và phương pháp luận nghiên cứu chuyên ngành. Ông rất quan tâm tới những thành tựu nghiên cứu văn học dân gian ở các nước thuộc khối xã hội chủ nghĩa khi ấy. Ông tiếp nhận những thành tựu ấy như những định hướng khoa học cơ bản để điều chỉnh những hiểu biết sâu rộng của mình về những thành tựu nghiên cứu folklore ở phương Tây và văn hóa - văn học dân gian ở Trung Quốc. Đó là mặt mạnh của Giáo sư Đinh Gia Khánh và mặt mạnh này thể hiện khá rõ trong những công trình nghiên cứu của ông.

Để có thể nắm bắt thực chất của văn học dângian, đó là nhan đề một tiểu luận của ông đăng trên Tạp chí Văn học số -1977, đó cũng là công việc mà ông không ngừng tiến hành trong suốt mấy chục năm nghiên cứu văn học dân gian Việt Nam.

Một trong những quan điểm quan trọng hình thành ngày càng vững chắc trong tư tưởng khoa học của Giáo sư Đinh Gia Khánh về thực chất của văn học dân gian, là quan điểm về tính nguyên hợp của văn học dân gian.

Quan điểm về tính nguyên hợp của văn học dân gian được Giáo sư Đinh Gia Khánh trình bày trong khuôn khổ quan điểm chung về tính nguyên hợp của văn hóa dân gian. Trong công trình khoa học Trên đường tìm hiểu văn hóa dân gian, ở Chương III (nhan đề Văn hóa dân gian [folklore]  là nghệ thuật nguyên hợp), mục II (nhan đề Tính nguyên hợp là đặc tính cơ bản của văn hóa dân gian [folklore]), ông viết như sau: "Khi tìm hiểu ính nguyên hợp của folklore, chúng ta cần xem xét folklore trên ba bình diện chủ yếu: Một là quan hệ rất chặt chẽ giữa nghệ thuật và thực tiễn. Hai là mối quan hệ giữa các thành tựu khác nhau của những thời đại khác nhau và của những địa phương khác nhau. Ba là mối quan hệ giữa các thành tố của folklore"([10]). Khi đọc lại những trang viết súc tích của chươngsách này, người đọc ngày nay có thể không còn cảm thấy sức hấp dẫn của một số nội dung lý thuyết và cách trình bày mới mẻ khi ấy của tác giả, nhưng những vấn đề phương pháp nghiên cứu và đặc biệt là những ứng dụng phương pháp đặc thù của tác giả trong một số công trình nghiên cứu về tác phẩm và thể loại văn học dân gian thì vẫn còn giữ lại được giá trị lâu dài trong tiến trình nghiên ứu văn học dân gian Việt Nam. Chẳng hạn những nghiên cứu về tính lặp lại của những câu mở đầu trong thơ ca dân gian([11]) và nguyên nhân của hiện tượng này có liên quan tới bình diện thứ nhất và bình diện thứ hai của tính nguyên hợp. Hay như phát hiện về ý nghĩa của một dị bản thuộc kiểu truyện Tấm Cám dưới dạng một thần tích về Ỷ Lan Phu nhân ở một số địa phương thuộc tỉnh Bắc Ninh([12]) có liên quan tới bình diện thứ hai, v.v...

Đó là những phát hiện khoa học có ý nghĩa gợi ý lâu dài đối với việc hình thành và ứng dụng các phương pháp nghiên cứu đặc thù trong lĩnh vực văn học dân gian. Có thể thấy xu hướng cơ bản của hệ phương pháp này là xu hướng khẳng định một số đặc điểm phân biệt việc nghiên cứu văn học dân gian với việc nghiên cứu văn học thành văn. Trong khi theo đuổi xu hướng này, Giáo sư Đinh Gia Khánh đã thu được nhiều kết quả đáng làm gương cho các thế hệ sau([13]).

Mối quan tâm thứ hai của Giáo sư Đinh Gia Khánh: nghiên cứu lịch sử về văn học dân gian, được thể hiện đặc biệt rõ trong bộ giáo trình Văn học dân gian do ông làm chủ biên([14]).

Trong lần xuất bản đầu (năm 1972 - 1973), bộ giáo trình gồm hai tập: tập 1 viết về những vấn đề lịch sử, tập 2 viết về những vấn đề thể loại. Những vấn đề lịch sử của văn học dân gian được trình bày trong hai chương: 1. Lịch sử sưu tầm và nghiên cứu văn học dân gian ở Việt Nam; 2. Lịch sử văn học dân gian Việt Nam. Tiến trình lịch sử của văn học dân gian Việt Nam được hình dung qua các thời kỳ chính: thời kỳ trước thế kỷ X: thời kỳ từ thế kỷ X đến giữa thế kỷ XIX; thời kỳ từ giữa thế kỷ XIX đến giữa thế kỷ XX, và thời kỳ từ giữa thế kỷ XX đế cuối những năm sáu mươi của thế kỷ XX. Còn lịch sử sưu tầm, nghiên cứu văn học daangian Việt Nam thì được trình bày qua các thời kỳ: thời kỳ ý thức hệ phong kiến chiếm địa vị thống trị; thời kỳ văn hóa phương Tây xâm nhập vào nước ta và thời kỳ xây dựng nền văn hóa xã hội chủ nghĩa.

Những phần khó hơn cả của những nội dung nghiên cứu lịch sử này là do Giáo sư Đinh Gia Khánh đảm nhiệm. Đó là những phần nói về các thời kỳ trước thế kỷ X,thời kỳ từ thế kỷ X đến giữa thế kỷ XIX của lịch sử văn học dân gian Việt Nam và các thời kỳ ý thức hệ phong kiến chiếm địa vị thống trị, thời kỳ văn hóa phương Tây xâm nhập vào nước ta của lịch sử sưu tầm, nghiên cứu văn học dân gian Việt Nam. Trong các phần này, ông đã viết với một kiến thức sâu rộng, chắc chắn về lịch sử xã hội, văn hóa, ngôn ngữ Việt Nam, cung cấp một bức tranhlichj sử về văn học dân gian Việt Nam ở mức độ chi tiết và có tính hệ thốn mà trước đó chưa có công trình nào đạt tới. Trong nghiên cứu lịch sử về văn học dân gian Việt Nam, ngoài công trình được viết bằng phương pháp tiếp cận lịch đại này, đáng chú ý có lẽ chỉ còn có công trình của nhà nghiên cứu Cao Huy Đỉnh viết bằng phương pháp tiếp cận loại hình - lịch sử([15]) và một công trình nghiên cứu lý thuyết về những vấn đề chung của tiến trình lịch sử văn học dân gian của Phó giáo sư Đỗ Bình Trị([16]). Có lẽ chủ yếu là do ý nghĩa của phần nghiên cứu lịch sử ấy mà cho đến nay, bộ giáo trình này vẫn được đánh giá như là một thành tựu khó vượt qua về tính chất hoàn chỉnh và toàn diện([17]) và được tái bản nhiều lần.

Mối quan tâm của Giáo sư đinh Gia Khánh đối với việc nghiên cứu lịch sử về văn học dân gian Việt Nam còn thể hiện ở những phân tích lịch sử - cụ thể của ông về các sự kiện văn học dân gian. Trong khoa học về văn học - văn hóa dân gian, có một phương pháp nghiên cứu quan trọng có theergops phần vào việc phát hiện tính đặc thù - dân tộc địa phương của các sự kiện văn học - văn hóa này, đó là phương pháp nghiên cứu so sánh. Phương pháp so sánh có mục đích phát hiện các chung và cái riêng trong các sự kiện văn học - văn hóa phổ biến. Song khi áp dụng phương pháp này, người nghiên cứu có thể chỉ dừng lại ở việc phát hiện ra những dạng đặc thù dân tộc - địa phương của các phổ biến đó. Việc nghiên cứu sâu các dạng đặc thù thì lại cần phải được tiến hành bằng cách tiếp cận lịch sử - cụ thể. Giáo sư Đinh Gia Khánh đã từng có những nghiên cứu so sánh rất thành công về văn hóa dân gian Việt Nam - Đông Nam Á([18]). Nhưng ông lại rất quan tâm đến cách tiếp cận lịch sử - cụ thể. Do đó những dạng đặc thù dân tộc - địa phương của văn học - văn hóa dân gian Việt Nam đã nhiều lần được ông nghiên cứu sâu. Có thể dẫn nhiều ví dụ thành công của Đinh Gia Khánh về mặt này như những miêu tả về dị bản truyện Ỷ Lan Phu nhân trong kiểu truyện Tấm Cám, về mô típ âm phù trong truyền thuyết (mà ông gọi là cổ tích lịch sử), về cốt truyện Trâu Vàng ở Tiên Du([19]),... Trong các miêu tả này, ông ta cho thấy rõ những sự kiện lịch sử - xã hội - văn hóa - ngôn ngữ cụ thể của dân tộc hoặc địa phương đã tạo thành nguồn gốc và tính chất của các mô típ, nhân vật, cố truyện ấy như thế nào. Việc nghiên cứu như thế là những đóng góp quan trọng cho sự hình thành một bức tranh dân tộc về văn học dân gian Việt Nam, cho sự xác định diện mạo, bản sắc dân tộc của văn học dân gian Việt Nam.

III

Như đã nói ở đầu bài giới thiệu này, sự nghiệp giáo dục và nghiên cứu khoa học của Giáo sư Đinh Gia Khánh bao trùm lên cả ba lĩnh vực: văn học dân gian, văn hóa dân gian văn học trung đại Việt Nam. Sách Đinh Gia Khánh. Tuyển tập, tập 1 chỉ tập hợp những công trình viết chuyên về văn học daangian, trong khi đó nhiều nhận định và nghiên cứu cụ thể của ông về văn học dân gian còn tìm thấy cả trong các công trình về hai lĩnh vực kia nữa. Quan điểm lý thuyết về tính nguyên hợp của văn học dân gian chủ yếu được Giáo sư Đinh Gia Khánh trình bày trong sách Trên đường tìm hiểu văn hóa dân gian. Những nghiên cứu so sánh về văn học dân gian Việt Nam và Đông Nam Á của ông có thể tìm thấy trong sách Văn hóa dân gian Việt Nam trong bối cảnh văn hóa Đông Nam Á. Những phân tích về vị trí và vai trò của văn học dân gian chiếm một vị trí quan trọng trong quan điểm của Giáo sư Đinh Gia Khánh về tiến trình lịch sử văn học việt Nam nên đã được ông trình bày trong một công trình viết về văn học trung đại nhan đề Văn học Việt Nam thế kỷ X - nửa đầu thế kỷ XVIII ([20]).

Cùng với sự quan tâm đối với việc nghiên cứu lịch sử - cụ thể nói trên, hướng nghiên cứu đa lĩnh vực của giáo sư Đinh Gia Khánh là một thế mạnh trong nghiên cứu khoa học của ông. Những nghiên cứu chung của ông không chỉ bảo đảm được tính hệ thống do cách tiếp cận tổng thể mà đối với cả những nghiên cứu về các sự kiện cụ thể, ông cũng đạt được tới một mức độ hoàn chỉnh, toàn diện nhất định, do những sự kiện về văn học dân gian mà ông phân tích không những chỉ được soi sáng bởi các kiến thức của chính lĩnh vực này mà còn được soi sáng bởi cá kiến thức của các lĩnh vực khác nữa (lịch sử, ngôn ngữ, văn hóa dân gian, văn học thành văn). Khi bàn về phương pháp nghiên cứu văn học - văn hóa dân gian, chính Giáo sư Đinh Gia Khánh cũng thường nhấn mạnh đến sự cần thiết phải áp dụng phương pháp tổng hợp, một phương pháp nghiên cứu theo quan niệm của ông là gần gũi với cách tiếp cận liên ngành, với yêu cầu sự hiểu biết đa ngành, sự liên kết tri thức của các chuyên ngành khác nhau, là những yêu cầu đáp ứng được sự phát triển khoa học hiện nay.

Đoc lại các công trình nghiên cứu của Giáo sư Đinh Gia Khánh, ta thấy có những nét thể hiện những đặc điểm của cách tiếp cận nói trên, những nét thể hiện đặc điểm của lớp các nhà khoa học có tri thức đa ngành, có xu hướng liên kết tri thức trong các công trình nghiên cứu của mình.

Chính vì thế mà những công trình nghiên cứu của Giáo sư Đinh Gia Khánh về văn học dân gian trong tập sách này, ngoài ý nghĩa đánh dấu một giai đoạn lịch sử của khoa học về văn học dân gian, còn tạo ra ở người đọc một sự húng thú luôn có ý nghĩa mới mẻ, sự hứng thú do được tiếp xúc với một tầm hiểu biết rộng và sâu của một nhà khoa học say mê săn tìm tri thức, say mê truyền đạt tri thức.

 

 



([1]) Đã đăng trên Thông báo khoa học, Trường Đại học Tổng hợp số 1-1963

(2)NXB Giáo dục xuất bản năm 1962

([3]) Xem: Văn học dân gian Việt Nam, Đinh Gia Khánh (Chủ biên) - Chu Xuân Diên - Võ Quang Nhơn, NXB Giáo dục (tái bản lần thứ bảy), 2003, tr.50 - 110.

([4]) Tạp chí Văn học số 2 - 1976

([5]) Nhiều tác giả, Truyền thống anh hùng dân tộc trong loại hình sự dân gian Việt Nam, NXB Khoa học xã hội, H., 1971, tr.120.

([6]) Đinh Gia Khánh, Sơ bộ tìm hiểu những vấn đề của truyện cổ tích qua truyện "Tấm Cám", NXB Hội Nhà văn (tái bản), H., 1999, tr.110 - 112

([7]) Truyền thống anh hùng dân tộc trong loại hình tự sự dân gian Việt Nam, Sđd, tr.137

([8]) Việt điện u linh, bản in lần thứ hai, NXB Văn học, H., 1972, tr.17 - 24.

([9]) Lĩnh Nam chích quái, bản in lần thứ hai, NXB Văn học, H., 1990, tr.22 - 23

([10]) Đinh Gia Khánh, Tác phẩm được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh, NXB Khoa học xã hội, H., 2003, tr.839

([11]) Đinh Gia Khánh, Nhận xét về đặc điểm của câu mở đầu trong thơ ca dân gian, Thông báo khoa học Trường Đại học Tổng hợp, Hà Nội, tập 2 - 1966

([12]) Đinh Gia Khánh, Sơ bộ tìm hiểu những vấn đề của truyện cổ tích qua truyện "Tấm Cám", Sđd, tr. 68 - 78

([13]) Đinh Gia Khánh, Sơ bộ tìm hiểu những vấn đề của truyện cổ tích qua truyện "Tấm Cám", Sđd

([14]) Đinh Gia Khánh - Chu Xuân Diên, Văn học dân gian (2 tập), NXB Đại học và trung học chuyên nghiệp, H., 1972 - 1973

([15]) Cao Huy Đỉnh, Tìm hiểu tiến trình văn học dân gian Việt Nam, trong Bộ ba tác phẩm nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh, NXB Văn hóa - Thông tin, H, 1998

([16]) Đỗ Bình Trị, Nghiên cứu tiến trình lịch sử của văn học dân gian, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội xuất bản, H., 1978

([17]) Nguyễn Xuân Kính, Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Đinh Gia Khánh, Tạp chí Văn hóa nghệ thuật, số 11-2004, tr.80

([18]) Đinh Gia Khánh, Văn hóa dân gian Việt Nam trong bối cảnh văn hóa Đông Nam Á, NXB Khoa học xã hội, H., 1993

([19]) Đinh Gia Khánh, Qua việc nghiên cứu những danh từ riêng trong một số truyện cổ tích, Nghiên cứu Văn học, số 3 - 1962, tr.27 - 29

[20]NXB Đại học và Trung học chuyên nghiệp, H., 1978

 

http://vanhoanghean.com.vn/goc-nhin-van-hoa3/nh%E1%BB%AFng-g%C3%B3c-nh%C3%ACn-v%C4%83n-h%C3%B3a/gs-dinh-gia-khanh-nguoi-dat-nen-mong-cho-khoa-hoc-nghien-cuu-van-hoc-dan-gian-viet-nam