12122024Thu
Last updateWed, 11 Dec 2024 6pm

Truyện Kiều và Kim Vân Kiều truyện ở Nhật Bản

Truyen KieuBản dịch Truyện Kiều ra tiếng Nhật lần đầu tiên nói trên có tên  là Kim Vân Kiều do NXB. Đông Bảo xuất bản năm 1942 (Chiêu Hòa thứ 17). Bản dịch Truyện Kiều lần thứ hai ra tiếng Nhật là bản dịch công phu hơn, đó là bản Kim Vân Kiều do Takeuchi Yonosuke (Ta-ke-u-chi Yô-nô-su-ke)   dịch, NXB. Kodansha xuất bản, 1975. Trước bản dịch Truyện Kiều của Takeuchi hơn 200 năm, thì truyện về nàng Kiều đã được dịch ra tiếng Nhật. Tất nhiên bằng con đường khác: con đường từ Trung Hoa, từ bản Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm Tài Nhân 清心才人.

 

CÁC BẢN DỊCH TRUYỆN KIỀU Ở NHẬT BẢN (1)

    Nhà thơ Nguyễn Giang, con trai của Nguyễn Văn Vĩnh đưa cho nhà văn Komatsu Kiyoshi (Kô-ma-tsu Ki-yô-shi) tập truyện Kiều bằng tiếng Pháp.  Từ tập sách này, Komatsu đã dịch ra tiếng Nhật. Đó là bản dịch Truyện Kiều ra tiếng Nhật lần đầu tiên.  Komatsu viết :“ Muốn biết rõ tâm hồn của người An Nam thì phải đọc cuốn sách này”(2)

    Bản dịch Truyện Kiều ra tiếng Nhật lần đầu tiên nói trên có tên  là Kim Vân Kiều do NXB. Đông Bảo xuất bản năm 1942 (Chiêu Hòa thứ 17). Komatsu từng du học ở Pháp, về Nhật ông trở thành nhà nghiên cứu văn học Pháp, ông có dịch André Gide, André Malraux ra tiếng Nhật. Theo nhà nghiên cứu Vĩnh Sính, trong thời gian học ở Pháp, Komatsu có đến nghe Nguyễn Ái Quốc diễn thuyết về vấn đề thuộc địa. Khi Nguyễn Ái Quốc diễn thuyết  xong, thấy có một người da vàng ngồi ở dưới - người ấy là Komatsu, Nguyễn Ái Quốc xuống trò chuyện, vận động Komatsu tham gia cuộc đấu tranh cho các dân tộc thuộc địa. Tiếc rằng Komatsu không có chí làm cách mạng nên đã từ chối. Nhưng dẫu sao, sự việc ấy cũng để lại cho Komatsu một ấn tượng hết sức sâu sắc về một người Việt Nam yêu nước (Tạp chí Xưa và Nay). Mùa thu 1941 Komatsu đến Hà Nội gặp lại Nguyễn Giang, bạn cũ ở bên Pháp, nhờ đó mà có được bản dịch Truyện Kiều bằng tiếng Pháp của Nguyễn Văn Vĩnh, thân phụ nhà thơ Nguyễn Giang. Chúng ta biết rằng Nguyễn Văn Vĩnh đã dịch Truyện Kiều ra tiếng Pháp từ rất sớm.  Trước khi  in thành sách năm 1942-1943, bản dịch Truyện Kiều ra tiếng Pháp của Nguyễn Văn Vĩnh đã được công bố đến 3 lần:

-Lần thứ nhất trên Notre journal Notre revue từ 1908 đến 1910

-Lần thứ hai trên Đông Dương tạp chí từ 1913 đến 1917

-Lần thứ ba trên L’Annam nouveau năm 1933

    Từ bản dịch Truyện Kiều bằng Pháp văn của Nguyễn Văn Vĩnh, Komatsu đã cấp tốc dịch ra tiếng Nhật, ngay năm sau-1942- bản  Kim Vân Kiều bằng tiếng Nhật đã được NXB.Đông Bảo xuất bản và phát hành ở Nhật Bản.

    Bản dịch Truyện Kiều lần thứ hai ra tiếng Nhật là bản dịch công phu hơn, đó là bản Kim Vân Kiều do Takeuchi Yonosuke(Ta-ke-u-chi Yô-nô-su-ke)   dịch, NXB. Kodansha xuất bản, 1975. Giáo sư Takeuchi sinh năm 1922 ở tỉnh Yamaguchi (phía nam Nhật Bản). Năm 1941 ông tốt nghiệp khoa Pháp văn Trường Ngoại ngữ Osaka. Năm 1957 ông giảng dạy tại Trường Đại học Kita Kyushu (tỉnh Fukuoka), rồi được điều về Trường Đại học Ngoại ngữ Tokyo 外国 để xây dựng bộ môn ngôn ngữ và văn học Việt Nam. Hiện nay ông đã nghỉ hưu. Ông là dịch giả của nhiều tác phẩm nổi tiếng của văn học Việt Nam như: Chinh phụ ngâm, Lục Vân Tiên, Đoạn tuyệt, Hồn bướm mơ tiên…Tất cả những sách này đều được Đại học thư lâm (Daigaku shorin) ấn hành.

    Về cái duyên đến với Truyện Kiều, ông kể: Khoảng năm 1959-1960, ông có được nghe thầy mình, Gs.Hatakenaka thuyết trình một báo cáo nhan đề Kim Vân Kiều và văn học thời Edo , trong đó có nhắc đến Truyện Kiều của Việt Nam, làm ông hết sức chú ý. Khoảng đầu những năm 60, ông có sang Sài Gòn dạy ở Trường sinh ngữ thuộc Đại học Sài Gòn khoảng bốn năm rưỡi. Chính những năm đó ông được giáo sư người Trung Quốc là Diệp Truyền Hoa tặng cho bản Kim Vân Kiều tân truyện bằng chữ Nôm, Quan Văn Đường tàng bản (Hà Nội). Bản Kiều Nôm này do thân phụ của giáo sư Diệp Truyền Hoa ở Hội An lưu giữ. Có được bản Truyện Kiều quý trong tay, giáo sư Takeuchi  đã sưu tầm thêm những văn bản khác,  bản chữ Nôm, chữ Quốc ngữ, và cả bản bản dịch Pháp văn, rồi bắt tay vào dịch ra thơ tiếng Nhật. Ông kể: “ Năm 1962 Truyện Kiều dịch kể như tạm xong. Bây giờ đọc lại thấy nhiều chỗ dịch sai, dịch ép, nhiều chỗ dịch lạ, không phải chỗ nào cũng coi được cả. Sau khi về Nhật giữ cương vị ở Đại học Ngoại ngữ Tokyo hiện nay, được sự khích lệ của Giáo sư Matsuyama, tôi đã sửa đi chữa lại nhiều lần, cuối cùng bản dịch này cũng đã hoàn thành”(3). Năm 1975 nhà xuất bản Kodansha, một nhà xuất bản rất nổi tiếng của Nhật xuất bản sách này. Và đó là bản dịch Kim Vân Kiều bằng tiếng Nhật thứ hai. 

Đến năm 1985 giáo sư Takeuchi lại soạn lại Kim Vân Kiều với bản trích dịch cô đọng hơn, chủ yếu dùng để làm tài liệu học tập cho sinh viên. Bản dịch có tên là Kim Vân Kiều tân truyện, do Đại học thư lâm     (Daigaku shorin) xuất bản. Phía sau cuốn sách có phụ bản chữ Nôm với loại chữ Nôm viết bằng máy tính(4).

    Bản dịch Truyện Kiều ra tiếng Nhật của giáo sư Takeuchi - bản Kim Vân Kiều do Kodansha xuất bản là công trình dịch thuật rất công phu, dày đến gần 400 trang khổ 14,5x20,5. Ông dịch sang thơ Nhật, có chú giải kĩ lưỡng từng câu. Giới nghiên cứu, sinh viên Nhật Bản cũng như đông đảo bạn đọc quan tâm đến văn học phương Đông, quan tâm đến Việt Nam đánh giá rất cao cuốn sách này(5).

    Thế nhưng không phải chỉ ở Việt Nam mới có Truyện Kiều, cũng không phải đến nay Nhật Bản mới có bản dịch Truyện Kiều. Trước bản dịch Truyện Kiều của Takeuchi hơn 200 năm, thì truyện về nàng Kiều đã được dịch ra tiếng Nhật. Tất nhiên bằng con đường khác: con đường từ Trung Hoa, từ bản Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm Tài Nhân 清心才人.

KIM KIỀU TRUYỆN  VÀ  KIM NGƯ TRUYỆN

    Phần trình bày dưới đây về Kim Vân Kiều truyện ở Nhật Bản, chúng tôi dựa chủ yếu vào bài viết Kim Vân Kiều và văn học thời Edo 江戸文学 của Gs.Hatakenaka Toshirô (Ha-ta-kê-na-ka Tô-shi-rô)畠中 敏郎. Bài viết này được viết ra vào cuối những năm năm mươi, sau đó được Gs.Takeuchi in ở phần sau bản dịch Kim Vân Kiều của mình (Kodansha, 1975).

    Nhật Bản thời Edo (Ê-đô) (thế kỉ 16-19) có cả một trào lưu dịch và phóng tác các tác phẩm văn nghệ Trung Quốc, trong đó có Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm Tài Nhân. Bản dịch Kim Kiều truyện (ở Nhật thường lược chữ Vân trong Kim Vân Kiều truyện đi) lần đầu tiên ở nhật Bản là cuốn: Tú tượng thông tục Kim Kiều truyện       dịch vào năm 1763. Toàn truyện có 7 tập, 20 hồi, được đóng thành 5 quyển. Dịch giả là Nishida Isoku (Ni-shi-da I-so-ku)西 (Tây Điền Duy Tắc, ?- 1765) người vùng Omi (nay thuộc tỉnh Shiga gần Kyoto). Oâng là dịch giả của nhiều bộ sách nổi tiếng như: Thông tục Tùy Dạng đế ngoại sử , Thông tục xích thằng  kì duyên …. Cuốn Tú tượng thông tục Kim Kiều truyện      của ông là bản dịch xác thực so với nguyên bản. Chữ “thông tục” trong tựa đề có nghĩa là bình dị, dễ hiểu với quảng đại quần chúng. Sách nổi tiếng một thời, từng được nhiều nghệ sĩ dựa vào để phóng tác, cải biên, được đưa lên sân khấu Jôruri (tĩnh lưu li) và Kabuki (ca vũ kĩ). Đoạn Tú Bà dạy Kiều về “Bảy chữ tám nghề”, đối với nhiều người là rất hấp dẫn nên đã được diễn tả đầy đủ. Cũng cần phải nói thêm, trong sách Khánh Trường dĩ lai chư gia trước thuật mục lục (Thư mục sách của các tác giả từ  thời Khánh Trường (1596) cho đến nay), có ghi tên sách Dịch thuyết Kim Kiều truyện 訳説金 , 12 quyển của Nishida西田, nhưng không biết chắc là đã hành thế hay chưa.

    Mấy chục năm sau bản dịch Kim Kiều truyện ra đời, ở Nhật Bản xuất hiện một cuốn tiểu thuyết phóng tác từ Kim Kiều truyện, đó là Phong tục Kim Ngư truyện (gọi tắt là Kim Ngư  truyện) của Kyokutei Bakin (Kyôku-tei Ba-kin) (Khúc  Đình Mã Cầm).

    Kyokutei Bakin(1767-1848), người Edo (Tokyo hiện nay) là nhà văn rất nổi tiếng cuối thời Edo. Oâng là tác giả của nhiều truyện có nội dung “khuyến thiện trừng ác” như các bộ: Thung thuyết cung trương nguyệt 椿 , Nam tổng lý bát kiến khuyển truyện , Cận thế thuyết mỹ thiếu niên lục 説美少年録. Đồng thời ông cũng là người phóng tác nhiều tiểu thuyết bạch thoại Trung Quốc như: Khuynh thành Thủy hử truyện , Tân biên Kim Bình Mai … và một tác phẩm ít được nhắc đến hơn trong sự nghiệp sáng tác của ông là Kim Ngư truyện 金魚傳 phóng tác từ  Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm Tài Nhân. Kim Ngư truyện 金魚傳 của Bakin được viết trong mười năm trời, từ 1829 đến 1839. Vì là tiểu thuyết phóng tác nên trong truyện Bakin đã thay đổi toàn bộ bối cảnh, thời đại, nhân vật từ Trung Hoa thành Nhật Bản. Chẳng hạn như: thời Gia Tĩnh triều Minh thành thời Muromachi (Mu-rô-ma-chi) của Nhật Bản(Tk.14-16). Địa danh, nhân vật cũng được “Nhật Bản hóa” triệt để.

Địa danh:

Bắc Kinh   thành  Naniwa (Nan Ba - Osaka ngày nay)

Liêu Dương   ,,     Kamakura 鎌倉 (Liêm Thương - gần Tokyo ngày nay)

Lâm Thanh    ,,      Akô 赤穂 (Xích Tuệ - thuộc tỉnh Hyôgo, gần Kyoto)    

Lâm Truy       ,,      Akamagaseki 赤間ヶ関 (Xích Gian Cá Quan)     

Nhân vật:

Vương Ông   tương đương với  Thuyền Vĩ  Lân Tàng 船尾 鱗蔵

Thúy Kiều           ,,                     Ngư Tử 魚子

(Hoa Nô               ,,                     Du nữ tên Phong Diệp 楓葉)

Vương Quan        ,,                      Kì Nhị Lang 鰭二郎

Thúy Vân            ,,                       Ất Ngư 乙魚

Kim Trọng           ,,                      Đình Tỉnh Kim Trọng 庭井金重

Từ Hải                  ,,                      Hạ Dã  Thái Lang 下野 太郎

Hồ Tôn Hiến        ,,                      Quản lãnh Phiến Cốc Triều Hưng      

                                                                          

 …

Cốt truyện, tính cách nhân vật cũng thay đổi khá nhiều.

Gia đình người samurai thất nghiệp tên là Thuyền Vĩ Lân Tàng (Vương Ông), có ba người con, cô con gái đầu tên là Ngư Tử(Thúy Kiều) vô cùng xinh đẹp. Ông Thuyền Vĩ nuôi cá cảnh, do túng thiếu nên phải bán đi một con cá mái rất quý, rất đẹp là loại cá Lan đào ba đuôi. Bán rồi ông thấy đau đớn như phải bán chính đứa con của mình, ông than thở với vợ: “ Tôi thấy có điềm gở, mai sau không chừng mình mất con bé Ngư Tử”. Quả là như vậy. Gia đình gặp tai biến. Nguyên do là Thuyền Vĩ có chơi với một bọn người sau này ông mới biết là trộm cướp. Bọn chúng bị bắt, bèn khai  ra ông nên ông bị vạ lây. Nàng Ngư Tử phải bán mình chuộc cha.

Ngư Tử không chỉ là người có tình cảm nồng hậu, mà còn là người có kiến thức rộng rãi và suy nghĩ  chín chắn. Trong đêm gặp chàng Đình Tỉnh Kim Trọng (Kim Trọng của Kim Vân Kiều), nàng Ngư Tử đã thể hiện  như một hiền nữ.  Khi gặp  Hạ Dã Thái Lang (Từ Hải), Ngư Tử đã cho tiền bọn du thủ du thực để nhờ dò xét xem chàng có phải là người đáng tin cậy không. Khi Hạ Dã Thái Lang khinh suất hòa với Quản lãnh Phiến Cốc Triều Hưng (Hồ Tôn Hiến), thì nàng Ngư Tử hết sức can ngăn. Ngư Tử còn là người phụ nữ gồm đủ cả tiết, nghĩa, dũng.  Thái Lang bị phản, bị giết. Để trả thù cho chồng nàng Ngư Tử đã dũng cảm giết chết Bố Lưu Biện Di  , kẻ đã theo kế Quản lãnh đến thuyết hàng Thái Lang rồi được Quản lãnh gả Ngư Tử cho (Bố Lưu Biện Di tương tự như cả hai nhân vật: quan thuyết hàngthổ quan). Sau hành động đó, Ngư Tử nhảy xuống sông tự tử. Được cứu sống, Ngư Tử (với tên là Diệu Long ) đi tu, và không bao giờ trở về với cuộc sống bình thường nữa. Nàng kết am ở Kyoto và trở thành một ni sư danh tiếng. Đình Tỉnh Kim Trọng (Kim Trọng) văn võ toàn tài, có công cứu con trai Tướng quân Túc Lợi Nghĩa Tình 足利 (Ashikaga Yoshiharu) khi người này bị tàn quân Thái Lang tập kích. Nhờ công tích ấy, Đình Tỉnh Kim Trọng được gia đình Tướng quân vời về dưới trướng trọng dụng. Đoạn tái hồi Kim- Ngư, cả hai đều không hề hé môi nói gì về lời thề ước ngày xưa, và tất nhiên cũng chẳng có chuyện “đem tình cầm sắt đổi ra cầm kì” như Truyện Kiều của Việt Nam.

“Cái bí mật của tâm hồn An Nam”, văn hóa Việt Nam kết hợp với cái uyên áo của văn hóa Aán Độvà Trung Hoa, cùng tư tưởng nhân văn thế kỉ 18-19 ở Việt Nam, qua ngòi bút của thiên tài Nguyễn Du đã tạo nên kiệt tác Truyện Kiều. Kim Kiều truyện hay Kim Ngư truyện của Nhật Bản lại chưa phải lànhững thành tựu tiêu biểu của văn học Nhật Bản, nó chỉ dừng lại ở mức văn học“treo gương”, răn đời và đạo nghĩa. Nó là câu chuyện của một thời chứ không phải của muôn thuở. Và điều ấy cũng giải thích sự khác nhau về số phận giữa Truyện Kiều của Nguyễn Du Việt Nam với Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm Tài Nhân Trung Quốc, Kim Kiều truyện của Nishida hay Kim Ngư truyện của Bakin Nhật Bản.

                                                                                    12. 1995-7.1999

CHÚ THÍCH

1.      Về tư  liệu  Truyện Kiều ở Nhật Bản, ngoài tư liệu của thư viện Trường Đại học Ngoại ngữ Tokyo, chúng tôi chủ yếu dùng các công trình dịch thuật của Gs.Takeuchi mà Giáo sư đã cho chúng tôi khi chúng tôi đến thăm vào năm 1995. Nhân đây chúng tôi xin gửi dến Giáo sư lời cám ơn chân thành. Chúng tôi cũng xin chân thành cảm ơn vị ân sư của chúng tôi là Gs.Kawaguchi Ken-ichi(ĐH.Ngoại ngữ Tokyo) đã cho chúng tôi mượn cuốn Kim Vân Kiều (Kodansha,1975) để sao chụp dùng cho bài viết này.

2.      Lời giới thiệu Kim Vân Kiều, Komatsu Kiyoshi, Đông Bảo xuất bản, Tokyo, 1942.

3.      Lời bạt Kim Vân Kiều , Takeuchi Yonosuke, Kodansha xuất bản, 1975.

4.      Bản Kim Vân Kiều tân truyện này chúng tôi đã được Gs.Takeuchi cho vào năm 1995. Ông Nguyễn Quảng Tuân cũng có chụp mấy trang của bản này in ở sau quyển Kiều của ông (NXB.KHXH,1997,tr.438,446,447) nhưng ông lại quên ghi nguồn gốc tài liệu.

5.      Năm 1995 chúng tôi có viết bài giới thiệu về Truyện Kiều ở Nhật Bản trên Kiến thức ngày nay (số 200-Xuân Bính tí 1996). Sau đó trên Kiến thức ngày nay số 205, ông Nguyễn Quảng Tuân(dưới biệt hiệu Văn Đức) đã đặt nghi vấn ở một số chi tiết, tỏ vẻ ngờ là không chắc có những sách đó. Chúng tôi buộc lòng phải chụp các tài liệu liên quan đưa lên Kiến thức ngày nay số 212 với bài viết nhan đề : Tư liệu về Truyện Kiều ở Nhật Bản không có gì phải bàn cãi. Ông Nguyễn Quảng Tuân đã hoàn toàn thỏa mãn và sau đó đã sử dụng tài liệu của chúng tôi trong cuốn  Kiều của mình (như chú thích 4 ở trên).