12122024Thu
Last updateWed, 11 Dec 2024 6pm

Huyền thoại lập quốc của Korea

Normal 0 false false false MicrosoftInternetExplorer4 st1\:*{behavior:url(#ieooui) } /* Style Definitions */ table.MsoNormalTable {mso-style-name:"Table Normal"; mso-tstyle-rowband-size:0; mso-tstyle-colband-size:0; mso-style-noshow:yes; mso-style-parent:""; mso-padding-alt:0cm 5.4pt 0cm 5.4pt; mso-para-margin:0cm; mso-para-margin-bottom:.0001pt; mso-pagination:widow-orphan; font-size:10.0pt; font-family:"Times New Roman"; mso-ansi-language:#0400; mso-fareast-language:#0400; mso-bidi-language:#0400;}

Truyện kể về những nhà vua đầu tiên mở nước , hình thành dân tộc là đề tài phổ biến khắp thế giới.Có thể nói nước nào cũng có huyền thoại lập quốc của mình. Chúng tôi dùng khái niệm “huyền thoại” vì  những truyện kể loại này vừa mang tính chất của thần thoại ( giải thích nguồn gốc vũ trụ , con người và xã hội theo tư duy của người nguyên thủy ) vừa mang tính chất truyền thuyết ( liên quan đến những nhân vật , sự kiện  lịch sử được chắp thêm đôi cánh thơ và mộng của hư cấu nghệ thuật tự phát ) đồng thời bao gồm cả một số yếu tố của truyện cổ tích thần kì (thí dụ  những mơtip biến hoá từ vật thành người và ngược lại… ). “Huyền thoại “    đây không chỉ muốn nói đến một phương thức tư duy và thể hiện mà được dùng như một thuật ngữ thuộc phạm trù thể loại, chỉ một tổ hợp các thể loại: thần thoại , truyền thuyết ,  cổ tích thần kì. Phân chia các thể loại là thao tác các nhà nghiên cứu sử dụng cho khảo sát , đánh giá của mình , còn trong thực tế, vẫn có rất nhiều đan xen , giao thoa , hỗn hợp giữa chúng. Huyền thoại lập quốc là một trong những thí dụ như vậy.

Nghiên cứu huyền thoại lập quốc là hết sức có ý nghĩa trong tìm hiểu văn học , văn hoá của một nước. Huyền thoại lập quốc không chỉ cung cấp một điểm tựa cho hình dung chủ thể văn hoá, không gian văn hoá , thời gian văn hoá ở khởi thuỷ của  nước  đó mà còn cho thấy phác thảo chân dung tinh thần dân tộc , sự tự ý thức của dân tộc ấy.

 

       1. Nguồn tư liệu cơ bản để nghiên cứu các huyền thoại lập quốc của Korea là Samguk yusa (Tam quốc lưu sử ) của Thiền sư vĩ đại Iryon (1206-1289) . Iryon đã không chỉ dựa vào các tài liệu lịch sử Trung Quốc , các cuốn sử Korea trước đó – như Ku Samguk sa (Cổ Tam quốc sử - khoảng thế kỉ II , nay đã mất) , Samguk sagi ( Tam quốc sử kí của Kim Pu-Shik ( 1075-1151 )- mà còn trực tiếp đi điền dã , tập hợp , nghiên cứu và đưa vào tác phẩm của ông những huyền thoại, dã sử… Từ năm 25 tuổi đến khi mất , hơn nửa thế kỉ , Iryon đã tận mắt chứng kiến thảm cảnh đất nước bị Nguyên Mông chiếm đóng , nhân dân bị giết hại , bị bắt làm tù binh , của cải bị cướp bóc , vua Koryo buộc phải cưới công chúa Mông , người Korea phải để tóc theo kiểu ngoại bang và bị cấm mặc trang phục trắng theo truyền thống của mình. Chính điều đó đã khiến Iryon trở thành , không chỉ một Thiền sư nhiệt thành với tư tưởng Phật giáo mà còn là một người ái quốc nhiệt thành. Iryon đã nỗ lực tái phát hiện và khẳng định  những giá trị truyền thống bản địa của Korea , khẳng định sự độc lập của Korea trong tương quan với Trung Quốc. Huyền thoại lập quốc của Korea, trong khi bị các sử gia trước Iryon làm ngơ, gạt ra ngoài hoặc không mấy chú ý thì lại được Iryon đưa vào chương mở đầu trong cuốn sử của mình. Samguk yusa là tác phẩm đầu tiên ghi chép lại một cách có hệ thống các huyền thoại lập quốc của Korea.

Nguồn tư liệu thứ hai là tác phẩm thơ tự sự dân gian , Tongmyongwang – pyon ( Thơ về vua Tongmyong ) . Tác phẩm này được tu sửa, hoàn thiện bởi Yi Kyubo (1168-1241).

Như vậy, những tác phẩm xâu chuỗi huyền thoại , trong đó có huyền thoại lập quốc , để bổ sung cho quốc sử  ở Korea ra đời  trong bối cảnh Korea chịu ảnh hưởng  sự xâm lăng về chính trị , tư tưởng và văn hóa của Trung Quốc và đã có quá trình giải Hán hóa để tự tôn nền văn hiến của mình.

 

2.1.     Trong các huyền thoại lập quốc của Korea , cổ nhất và quan trọng nhất là huyền thoại về Tangun, nhà vua đầu tiên đã dựng nước Choson từ năm 2333 tr CN (và lịch Korea bắt đầu từ năm đó).

Truyện kể rằng thời xưa, được cha là Hwanin (Thiên Đế ) cho phép, Hwanung mang theo ba ấn chứng của Trời, cùng 3000 hạ thần giáng trần để cai quản nhân gian. Hwanung đặt chân xuống núi T’aebaek, nơi có một cây đàn hương lớn, gọi nơi này là Thành phố của các thần linh.

Thuở đó có một con gấu và một con hổ sống trong cùng một hang núi , cầu xin Hwanung biến chúng thành người. Hwanung đã trao cho chúng  20 củ tỏi và một nắm cỏ ngải cứu thiêng, bảo rằng : “Ở trong hang sâu, không ra ngoài nắng 100 ngày, ăn tỏi và ngải thiêng thì sẽ biến thành  người.” Hổ không tuân thủ được điều cấm kị nên vẫn là hổ, còn gấu thì sau 21 ngày trở thành  một thiếu nữ. Nàng cầu nguyện dưới gốc đàn hương xin có con. Hwanung đã biến hoá , kết hợp với nàng mà sinh ra người con trai là Tangun. Tangun lập nước Choson và sau trở thành Thần Núi.

Vua Tangun là hậu duệ của Trời. Trong “ Lời mở đầu “ của Samguk yusa Iryon đã trực tiếp bình luận về điều này: “ Các đại vương lập quốc của Korea ra đời khác sự sinh nở con ngừơi bình thường mà theo những phương cách siêu nhiên, có quan hệ với thiên giới… Chẳng phải các đấng lập quốc của Trung Hoa cũng được sinh ra một cách siêu nhiên đó sao?   Nếu người ta tin ở điều đó thì tại sao không tin như vậy đối với các nhà vua lập quốc của Korea? Các đấng lập quốc Korea cũng thần thánh đúng như các đấng lập quốc Trung Hoa”.[1]Tư tưởng Trung Quốc xem vua của họ là Thiên tử cai trị thiên hạ thì Iryon khẳng định vua Korea cũng là con Trời. Ông luôn đối sánh bình đẳng lịch sử Korea và Trung Quốc.Đầu và cuối truyện Tangun , ông nhấn mạnh: Năm thứ 50 thời Đế Nghiêu, Tangun lập ra nước Choson

Tangun là con của một người cha- hậu duệ của Trời và một người mẹ- người phụ nữ-gấu.Gấu là totem của khá nhiều dân tộc cổ xưa ở Viễn Đông ,trong đó có Korea , vốn gốc từ Ural,Altai di cư xuống. Người phụ nữ-gấu mang dáng dấp nữ thần Đất –Mẹ của cư dân bản địa.Hwanung giáng trần cùng 3000 hạ thần là hình ảnh của những người nhập cư. Có ưu thế hơn về năng lực quân sự và kĩ thuật, những người mới đến này đã thiết lập sự thống lĩnh đối với cư dân bản địa. Nguon gốc  thiên giới, ba ấn chứng của  Thiên giới , thực ra , là sự huy động những yếu tố thần quyền để củng cố sức mạnh vương quyền của Hwanung. Hôn nhân giữa Hwanung và Hùng Nữ (người phụ nữ –gấu ) thể hiện sự hợp nhất , tổng hợp lịch sử-văn hóa giữa người xâm nhập với cư dân bản địa. Tangun, kết quả của sự tổng hợp ấy, do đó, được đầu tư  đầy đủ tư cách pháp luật như  một  Đấng cai trị vì nhà vua đại diện cho cả người mới đến lẫn người bản địa.

Trong thần thoại này có hai con thú cùng được Hwanung chỉ dẫn nhưng chỉ có gấu thành người còn hổ thì không. Trước hết, điều này liên quan tới chu kì ngủ đông trong tập tính tự nhiên giúp loài gấu bảo trì năng lượng qua mùa đông lạnh lẽo để khi xuân sang lại như có một tái sinh mới mẻ. Sự phân biệt hổ và gấu ở đây còn có thể phản ánh sự phân biệt đối với  những bộ tộc , bộ lạc bản địa: bộ tộc nào thuận tòng , hợp nhất với lực lượng mới đến được xem như tích cực , phát triển, và ngược lại, bộ tộc nào chống đối bị xem như  tiêu cực , lạc hậu.

Thử thách đối với hổ và gấu còn là sự thể hiện biểu tượng hoá những nghi lễ khai tâm  (nhập  môn ) của tôn giáo Shaman bản địa: đòi hỏi một thời kì cách biệt ( 100 ngày không ra khỏi hang , không được thấy ánh sáng , ánh nắng mặt trời ), tuân thủ những điều cấm kị ( chỉ ăn tỏi và  ngải cứu – những thực vật thiêng có năng lực thần bí : người Korea xưa tin là ngải có thể xua đuổi ma quỷ, tà khí ) trước khi đạt hoá thân cuối cùng . Trong khi hổ tiêu biểu cho một quan điểm thực tiễn thì gấu đại diện cho sức mạnh tinh thần bên trong. Từ rất sớm , truyền thống Korea đã xem trọng giá trị của  lòng tin, sự can đảm vượt qua mọi thử thách để đạt những đỉnh cao tinh thần.

Cũng ngay từ thần thoại rất cổ xưa này, đặc điểm văn – hoá –núi – đá của Korea đã được định hình. Núi non nhiều vô kể ( chiếm đến hơn 2/3 diện tích ) trên bán đảo Korea , phần nhiều là những núi cao và được bao phủ bởi rừng cây rậm rạp. Trước khi Hwanung giáng trần, Thiên đế cha ông đã xem xét những ngọn núi cao nhất và chọn núi T’aebaek là nơi cho Hwanung xuống cai trị loài người . Hwanung đã gọi  núi T’aebaek là Thành phố của các Thần linh- một kiểu Olympus của Korea. Mẹ-gấu tu luyện trong hang núi, Tangun, nhà vua lập quốc về sau cũng được đồng nhất với thần Núi.Cây đàn hương trên núi cũng là một chi tiết quan trọng. Vừa đặt chân xuống núi T’aebaek, Hwanung dừng ở cây đàn hương. Dưới gốc đàn hương, người phụ nữ – gấu cầu nguyện rồi qua kết hợp với Hwanung mà sinh nhà vua lập quốc. Cây đàn hương trên núi đóng vai trò cây vũ trụ, cây đời trong huyền thoại  Korea.

Ri êng về cái tên Tangun của nhà vua lập quốc đã có  nhiều thuyết giải thích khác nhau. Có thuyết cho rằng “tan” theo chữ Hán , là trỏ cây đàn hương. Thuyết khác lại bảo đó là đàn thờ, đàn cúng tế. Một thuyết khác hẳn cho rằng đó là từ gốc Altai có nghĩa “ đức vua – Shaman”. Dù thế nào, ta cũng có thể thấy ở đây tư tưởng tế- chính nhất trí  qua một nhà vua tập trung quyền lực cả chính trị lẫn tôn giáo.

Điểm đáng chú ý là trong huyền thoại này , chính bản thân  nhà vua lập quốc Tangun chỉ xuất hiện như một kết quả ở cuối truyện, phần lớn dung lượng câu chuyện dành kể về công tích, ơn đức của các bậc tiền nhân:  Hwanung-Nàng Gấu. Ở  Hwanung , điểm nổi bật là tư tưởng hoằng ích nhân gian(hiến dâng phụng sự lợi ích loài người). Hwanung điều khiển gió mưa cùng mọi luật lệ vũ trụ,giám sát việc thiện ác,trừng trị kẻ tội lỗi, ngăn chặn bệnh tật,cai quản các lĩnh vực hoạt động, dạy dân làm nông nghiệp và các nghề khác,mang văn hoá đến cho dân chúng.  Huyền thoại lập quốc này thực sự là tượng đài về bao thế hệ tổ tiên xây đắp nên non sông đất nước mà  các nhà vua sau này,từ  Tangun đã tiếp nối dựng xây.

Nhìn chung, huyền thoại Tangun, từ folklore qua tái tạo của một Thiền sư yêu nước, đã kết hợp trên nền tảng chủ nghĩa dân tộc, những niềm tin tôn giáo Shaman bản địa với tư tưởng nhà vua- thiên tử trong triết lý âm dương , tam tài thiên- địa – nhân chịu ảnh hưởng Trung Hoa đồng thời cả nhãn quan đượm màu siêu hình huyền học của Phật giáo Đại thừa. Viết lại chuyện cũ trong hoàn cảnh Bắc thuộc, Iryon đã đặc biệt khai thác sâu sắc hạt nhân tư tưởng của huyền thoại Tangun , đó là niềm tự hào về tổ tiên cao quý , thiêng liêng, tự hào về dân tộc có truyền thống lâu đời.

2.2.  Khoảng đầu công nguyên, nhiều bộ lạc cư trú trên bán đảo Korea và qua qúa trình liên minh giữa các bộ lạc, 4 vương quốc đã hình thành . Đó là Koguryo ở phía Bắc; Paekche ở phía Tây Nam, giáp với Tây Hải ; Silla ở phía Đông Nam , giáp với Đông Hải  và nằm giữa Paekche với  Silla là Karak (Kaya). Lúc đầu, Koguryo mạnh nhất. Đến thế kỉ VI thì Kaya bị Silla thôn tính, hình thành cục diện Tam quốc. Tiếp đó, Paekche cũng sụp đổ vào thế kỉ VII. Sau cùng, Koguryo bị thất bại trước Silla lúc đó liên minh với nhà Đường (Trung Quốc ). Silla thống nhất toàn bộ bán đảo .

Bốn vương quốc  Koguryo, Paekche, Silla, Kaya đều có những huyền thoại lập quốc của mình.

Những  huyền thoại này , tiếp tục nguồn mạch của huyền thoại Tangun  , đều khẳng định nguồn gốc thiên giới của các nhà vua lập quốc.

Trong huyền thoại Koguryo, Haemosu- con trai của Thiên đế- xuống núi Ungshim cai quản trần gian.Ngài kết hôn cùng Yuwha( Liễu Hoa)-công chúa cả của thần Sông Biển- và sinh ra Chumong , sau là Tongmyong, nhà vua lập quốc Koguryo. Khi cầu xin giúp đỡ, Chumong xưng là “ cháu nội của Trời, cháu ngoại của thần Sông”. Tiếp tục nhị nguyên Trời – Đất, cao- thấp,  huyền thoại này xuất hiện thêm cặp Núi – Sông.

Trong huyền thoại Kaya, Suro – nhà vua lập quốc – xuất hiện sau khi dân chúng đều nghe giọng nói trên núi Kuji thông báo:”Trời sai ta xuống làm vua”.Khi từ chối đề nghị của quần thần về việc chọn cô gái xinh đẹp , xứng đáng nhất trong vương quốc làm hoàng hậu, Suro nói: “Trời sẽ chọn hoàng hậu cho ta” . Và đáng tò mò là sau đó trên con thuyền lộng lẫy với cờ đỏ, buồm đỏ từ biển phía Tây Nam, Hwangok(Hoàng Ngọc), công chúa từ Ayut’a ( chính là Ayudhya, kinh đô của một vương quốc lớn ở bờ Bắc sông Hằng, rất nổi tiếng trong thời sử thi ) của Ấn Độ, theo thông điệp của thần linh đã đến kết hôn cùng Suro. Chi tiết này cho thấy ảnh hưởng Ấn Độ tới Korea từ rất sớm.Nhưng nếu như trong nhiều huyền thoại lập quốc của các nước Đông Nam Á thường có quan hệ hôn nhân giữa người đàn ông từ Ấn Độ với người đàn bà bản địa thì ở huyền thoại lập quốc Kaya, Suro – người đàn ông bản địa- lại đóng vai trò chủ thể, Hwangok – người đàn bà Ấn Độ – được tiếp nhận , được đồng hóa. Rất có ý nghĩa là chi tiết cuối truyện , hoàng hậu Hwangok mơ thấy con gấu và có mang , sinh ra người con trai sẽ kế vị vua Suro.

Trong thần thoại Silla , không có người cha – con Trời cũng không có giọng nói trực tiếp thông báo ý Trời ; thông điệp thiên giới vẫn được truyền đạt gián tiếp nhưng hết sức rõ ràng , hùng hồn. Chỉ khi dân chúng đến địa điểm thiêng liêng bên giếng Na , dưới núi Yang để đón chào sự ra đời của chú bé Pak Hyokkose sẽ là đấng lập quốc  Silla thì con ngựa vẫn quỳ lạy ở đó mới đứng dậy , tung vó bay về trời. Cô  bé Aryong sẽ trở thành hoàng hậu của Pak cũng được sinh ra một cách thần kì ( một con rồng –gà mái xuất hiện gần giếng Aryong thả xuống một đứa bé gái, đôi môi giống mỏ gà con ). Cặp nhị nguyên đá – nước ở đây cụ thể là núi – giếng. Đáng chú ý là vua Pak gọi tên đất nước là Kyerim (Kê Lâm) để ghi nhớ sự xuất hiện của rồng – gà mái sinh ra hoàng hậu. Trở lại với sự vắng mặt người cha là con Trời, có thể nghĩ rằng có lẽ người mẹ Tiên Núi đã sinh ra cả vua Pak lẫn hoàng hậu Aryong. Tất cả những điều này có lẽ liên quan đến việc Silla từng có thời kì mẫu quyền, Silla là nước duy nhất trong lịch sử Korea có tới ba nữ hoàng cai trị quốc gia.

So với  huyền thoại Tangun thì trong những huyền thoại lập quốc sau này của Koguryo, Paekche, Silla, Kaya, bên cạnh yếu tố Núi- Đá vẫn thống lĩnh đã xuất hiện thêm yếu tố Biển, Sông – Nước, làm hoàn chỉnh hình ảnh thế giới tự nhiên, xã hội của Korea. Về các con vật thiêng  thì hình tượng gấu vẫn được tiếp tục nhưng không nổi bật  (trong huyền thoại Koguryo, Haemosu – con Trời – xuống núi Ungshim cai quản trần gian,gặp  Yuwha –con gái thần Sông Biển ở hồ Ungshim, ( Ungshim tức Hùng Tâm – trái tim gấu ) ; trong huyền thoại  Kaya, hoàng hậu Hwangok mơ thấy gấu mà có mang… ),trên bình diện thứ nhất giờ đây là rồng, rắn, rùa, ếch, cá…chủ yếu thuộc về thế giới Nước hoặc kết hợp cả trên cạn lẫn dưới nước. Ta gặp con rùa trong bài ca ma thuật chào mừng sự xuất hiện của nhà vua lập quốc ở thần thoại Kaya; con rồng-gà mái sinh ra hoàng hậu Aryong, con rắn ngăn không cho dân chúng mai táng vua Pak và hoàng hậu Aryong trong cùng một ngôi mộ mà bảo họ chia xá lợi mỗi người thành 5 phần, đặt trong 5 ngôi mộ rắn ở thần thoại Silla. Đậm nét hơn cả là ở thần thoại Koguryo: Haemosu giáng trần  trên  cỗ xe ngũ long, hoàng tử Ếch Vàng (Kumwha) hiện ra dưới tảng đá còn Yuwha, con gái thần Sông Biển, rất giống một nữ nhân ngư (rõ nhất trong chi tiết nàng bị cha phạt giam xuống hồ Ubalsu , ăn cá con qua ngày, xé lưới khi bị ngư dân bủa vây, đến khi vua Kumwha cho dùng lưới sắt kéo lên thì thấy nàng ngồi trên tảng đá, lúc đầu không nói được vì môi quá dài , nhà vua phải dùng kiếm cắt ngắn môi nàng…).

Trong hành trình tiến về phía Nam, những cư dân từ Núi Đá đã ngày càng gắn bó nhiều hơn với những dòng sông, những cánh đồng, ngày càng tiếp xúc rộng hơn với biển cả ở ba phía Đông, Tây ,Nam của bán đảo, … Bối cảnh đó đã thêm vào tín ngưỡng vạn vật hữu linh của họ sự thờ phụng Biển, Sông –Nước, những totem thuộc thế giới Nước hoặc kết hợp cả trên cạn lẫn dưới nước.

Là hệ qủa của tín ngưỡng thờ rồng, rắn, rùa, ếch , cá … như vật tổ, một điểm chung trong huyền thoại lập quốc của Koguryo, Paekche, Silla, Kaya là sự sinh nở các nhà vua lập quốc thường có mơtip quả trứng thần kì.

Đó có thể là quả trứng từ người mẹ mang thai một cách kì lạ trong những câu chuyện có hình ảnh người cha –con Trời. Trong thần thoại Koguryo, Haemosu-con Trời- sống cùng Yuwha – con gái thần Sông Biển một thời gian  rồi  về trời,để  vợ một mình ở lại trần gian. Khi Yuwha ở trong cung điện , nơi Kumwha cho nàng trú ngụ , thì một ánh sáng kì lạ chiếu vào qua mái cung. Yuwha tránh ánh sáng thiên giới ấy , nhưng nó theo cô và chiếu vào ngực cô. Yuwha có mang và sinh ra một quả trứng lớn.

Đó có thể là trứng hạ xuống từ thiên giới một cách thần kì. Trong huyền thoại Silla,thời xưa, Chinhan có 6 làng, mỗi làng thuộc về một bộ lạc độc lập. Một ngày kia, tổ tiên của 6 làng này cùng con cháu tụ tập bên bờ sông Al, nói rằng: “ Chúng ta không có người cai quản nên dân chúng mất trật tự. Chúng ta hãy tìm một người đức độ tôn làm vua, lập quốc và lập kinh đô”.Khi trèo lên một nơi cao, họ thấy một vầng hào quang chói sáng như ánh chớp gần giếng Na, dưới núi Yang, kề bên đó có một con ngựa quỳ lạy. Khi đến nơi, họ thấy một quả trứng đỏ. Còn trong thần thoại Kaya, Kaya lúc trước cũng do 9 vị thủ lĩnh cai quản. Một ngày nọ, khoảng 300 người đang tụ tập bên núi Kuji trong lễ thanh tẩy thì bỗng nghe tiếng nói vô hình trên cao: “Trời sai ta xuống đây lập quốc và làm vua của các người,  vì vậy ta đã đến. Hãy đào  đất trên  đỉnh núi, ca bài ca này và nhảy múa vui sướng để  đón chào quân vương vĩ đại  của các người. Thế là, các thủ lĩnh ca hát, nhảy múa và ngước lên bầu trời:

Rùa ơi, rùa hỡi

Hãy thò đầu ra

Nếu không

Chúng ta sẽ nướng và ăn thịt

Một sợi  thừng đỏ tía hạ xuống đất, ở cuối sợi thừng buộc một hộp vàng được quấn lụa đỏ, trong có 6 quả trứng tròn như mặt trời.

Những quả trứng thần kì này được đối xử khác nhau. Trong huyền thoại Kaya và Silla, trứng thần được sung sướng đón nhận . Trứng nở ra Pak Hyokkose trong khi chim chóc muông thú nhảy múa vui sướng, trời đất rung chuyển, mặt trời mặt trăng sáng chói và dân chúng chúc mừng nhau: “Giờ đây Thiên tử  đã giáng trần sống giữa chúng ta”.Tương tự như vậy , dân chúng Kaya thờ phụng 6 qủa trứng và 12 giờ sau, khi  bình minh,những qủa trứng đã nở thành những cậu bé xinh đẹp. Dân chúng đặt 6 đứa bé lên giường và lạy chúng, rồi tôn người anh cả làm vua.

Huyền thoại Koguryo thì khác. Quả trứng lúc đầu bị vứt bỏ, bị mưu toan tiêu diệt. Khi Yuwha sinh ra quả trứng thì vua Kumwha, người đang cho nàng trú ngụ trong vương quốc của ông, xem đó là điềm gở. Vua sai người vứt trứng vào chuồng ngựa, vứt cho đàn chó hoặc đàn heo… Nhưng những con ngựa cẩn thận tránh không giẫm lên trứng , đàn chó, đàn heo cũng không ăn trứng mà còn bảo vệ trứng. Khi trứng bị vứt ra đồng,nhiều con chim bay trên, giang cánh giữ ấm cho nó. Nhà vua còn cố đập vỡ trứng bằng rìu hay đá nhưng vỏ trứng quá cứng , nhà vua thất bại. Cuối cùng , Kumwha trả lại trứng cho người mẹ.

Mơtip những quả trứng trong sự sinh nở thần kì thường đi cùng với  hình  tượng ánh sáng thiên thần. Đó là ánh sáng chiếu vào ngực người mẹ Yuwha khiến nàng mang thai và sinh ra quả trứng (huyền thoại Koguryo). Đó là ánh hào quang rực rỡ nơi quả trứng đỏ nằm bên giếng Na dưới núi Yang khiến dân chúng phải kéo đến , mặt trời mặt trăng sáng chói khi Pak sinh ra từ quả trứng ấy, Pak càng toả sáng bội phần khi dân chúng đem tắm bé trong suối Đông và họ đặt tên cho bé là Hyokkose, tức Rạng Rỡ (huyền thoại Silla).Đó là 6 quả trứng như những mặt trời, nở ra 6 đứa bé lúc bình minh lên (huyền thoại Kaya ). Trở lại với huyền thoại Tangun sẽ thấy rằng  ở đó hình tượng ánh sáng vẫn hàm ẩn sâu xa. Người mẹ gấu kiên trì chịu đựng thử thách trong hang tối để sinh ra Tangun, nhà vua lập quốc Choson ( Triều Tiên ) - tên đất nước có nghĩa là Buổi Ban Mai Rực Rỡ. Hình tượng ánh sáng , dù trực tiếp hay gián tiếp, đều gắn với tín ngưỡng thờ phụng mặt trời  và thể hiện niềm tự hào, niềm tin tưởng của người Korea đối với vận mệnh , tiền đồ của dân tộc.

Điểm chung thứ hai trong những huyền thoại lập quốc của Koguryo, Paekche, Silla, Kaya là những chi tiết, những mơtip cho thấy sự thống lĩnh của yếu tố phương Bắc đối với  yếu tố phương Nam, yếu tố du mục đối với yếu tố nông nghiệp.

Trong huyền thoại Kaya, giọng nói thần linh vang lên từ núi Kuji ở phía Bắc; sau khi lập quốc, vua Suro đi về phía Nam xem xét đất đai xứ sở rồi dời đô về phía Nam.

Huyền thoại Paekche thì kể chính Chumong, tức vua Tongmyong lập quốc Koguryo, đã xuống phía Nam, trở thành tổ tiên đầu tiên của Paekche.

Trong huyền thoại Silla, con ngựa quỳ lạy bên địa điểm linh thánh nơi  vua Pak Hyokkose  sinh hạ gợi ý sự nhập cư của một bộ tộc cưỡi ngựa và vua lập quốc Silla thuộc về lực lượng này.

Đặc biệt rõ trong thần thoại Koguryo.Haemosu-con Trời giáng trần và trở về trời trong cỗ xe ngũ long (cũng là hình ảnh cỗ xe ngựa).Lời đầu tiên mà  con  trai  của Haemosu nói với mẹ Yuwha là:”Những con ruồi cứ chờn vờn trước mắt con , con không sao ngủ được “.Yuwha trao cho con cây cung, cậu bé bắn trăm phát trăm trúng và được gọi là Chumong, Người Cung Thủ Tuyệt Diệu. Lớn lên trong kinh đô vua Kumwha, Chumong được Kumwha trao trách nhiệmchăm nom đàn  ngựa của hoàng gia. Chàng đã chọn con xuất sắc nhất đàn, hãm không cho nó ăn trong khi vỗ béo những con còn lại. Khi Kumwha đến xem xét đàn ngựa đã chọn cho mình và các con trai  những con ngựa to khoẻ ,  trao cho  Chumong con ngựa gầy ốm  nhất. Chumong bấy giờ  mới vỗ béo nó, kết quả là chàng khi nào cũng chiến thắng trong những cuộc săn , những cuộc thi ngựa của hoàng gia. Cây roi ngựa, cây cung của Chumong thực sự là cây roi ,cây cung có năng lực ma thuật giúp chàng vượt mọi thử thách và chiến thắng.

Chỉ trong huyền thoại Silla là giống như huyền thoại Tangun, nhà vua có nguồn gốc thiên giới lên cai trị và không gặp phải kháng cự nào . Còn trong huyền thoại  Kaya và Koguryo, nhân vật chính đều phải trải qua những thử thách , chiến thắng  các đối thủ  như một chiến binh anh hùng, một quân vương anh hùng, trước khi hoặc cả trước lẫn sau khi lên  làm vua. Ta thấy xuất hiện những mơtip thử thách , những mơtip thi tài.

Trong huyền thoại Kaya, khi vua Suro dời đô về phía Nam thì bị thách thức bởi T’arhae-một hoàng tử cũng sinh ra từ quả trứng thần. T’arhae từ nước Wanha, vượt biển tới Kaya, tuyên bố rằng mình đến để giành vương quyền cai trị Kaya. Suro trả lời: “Trời sai ta làm vua. Ta đã trị an đất nước và thống nhất dân chúng. Làm sao ta có thể đi ngược lại ý Trời, bỏ vương quốc và dân chúng của ta?” T’arhae đề nghị giải quyết bằng cuộc thi tài về năng lực ma thuật và Suro đồng ý. Trong nháy mắt, T’arhae biến thành con diều hâu và Suro biến thành con đại bàng. T’arhae lại biến thành con quạ vàSuro biến thành con chim ưng. Cuối cùng, khi cả hai trở lại hình người, T’arhae nói: “Tôi đã là con diều hâu trước hàm con đại bàng, con quạ trước hàm chim ưng mà thoát chết là nhờ ân đức của ngài  đã tha mạng cho tôi. Tôi không dám sánh cùng ngài.” Và T’arhae lên thuyền đi về phía Silla, Suro tiếp tục cai trị vương quốc thịnh vượng.

Trong huyền thoại Koguryo, những cuộc thi tài , những cuộc giao tranh xuất hiện nhiều hơn, cả trước và sau khi Chumong lên làm vua.  Cùng mẹ trú ngụ ở vương quốc của vua Kumwha và càng lớn càng thể hiện tài năng xuất  chúng ,Chumong bị các con trai của Kumwha ghen tị và mưu đồ hãm hại để trừ hậu hoạ. Lúc họ lập kế giết Chumong thì chàng trốn đi. Quân lính đuổi theo , đến bên một dòng sông lớn . Quá nguy cấp, Chumong vung roi ngựa lên trời , cầu xin giúp đỡ cho mình-“cháu nội của Trời, cháu ngoại của dòng sông”.Rồi chàng dùng cây cung khuấy nước , những con rùa , con cá lập tức tụ lại thành cầu cho chàng qua, chiếc cầu lại lập tức tan ra để đội quân truy đuổi không sang được. Sau  khi  lên làm vua, Chumong , lúc này là vua Tongmyong, lại bị thách thức bởi vua Songyang của nước Piryu. Songyang đòi Tongmyong phải làm chư hầu cho hắn. Nhưng thiên giới đã đổ những thảm hoạ xuống Piryu.Lũ lụt lớn dâng lên. Khi ấy, Tongmyong cầm cây roi ngựa của chàng vẽ một đường, vẽ đến đâu nước ngừng lại đến đó.Trấn áp được Songyang , vua Tongmyong tiếp tục cai trị đất nước thịnh vượng.

Hành trình phiêu lưu, tẩu thoát khỏi những hiểm hoạ, thi tài, giao chiến , lập công của các bậc quân vương – người chiến binh – người anh hùng khiến những huyền thoại sau này trở nên phức tạp, nhiều tầng vỉa hơn so với huyền thoại Tangun. Những thần thoại sáng tạo phát triển thành thần thoại anh hùng nhuốm màu sắc truyền thuyết này phản ánh lịch sử thời Tam quốc của Korea “trong tưởng tượng và bằng tưởng tượng“.

2.3. Có đề tài hơi khác và đáng tách ra thành mục riêng là huyền thoại kể về hai vợ chồng Yono và Seo tới Nhật Bản lập quốc.

Truyện kể rằng vào năm thứ tư của triều vua Adalla (154-184), ở bờ biển phía Đông có đôi vợ chồng tên là Yono và Seo.Một hôm người chồng ra bờ biển thì  bỗng một tảng đá hay một con cá chở chàng tới Nhật Bản. Dân chúng ở đấy thấy chàng khác thường bèn lập làm vua. Không thấy chồng trở về, Seo đi tìm, thấy một đôi giày trên tảng đá. Khi Seo vừa trèo lên tảng đá thì nó đưa nàng tới Nhật Bản. Người Nhật thấy sự lạ, tâu lên vua và thế là đôi vợ chồng lại được đoàn tụ. Từ đấy ở Silla mặt trời mặt trăng không sáng nữa. Các thầy chiêm tinh phán rằng vì linh hồn mặt trời mặt trăng đã rời Silla sang Nhật. Vua Adalla bèn gửi điệp sứ tới Nhật tìm cặp vợ chồng.Yono tuyên bố:” Việc ta đến đất nước này hẳn  phải do ý Trời. Sao ta có thể bỏ nơi này đi được. Đây có một  cuộn lụa đẹp do vợ ta dệt. Hãy mang về và dâng như một lễ vật lên trời, mọi việc lại sẽ ổn thôi.” Vua Adalla làm theo và mặt trời mặt trăng lại chiếu sáng. Nhà vua đặt cuộn lụa vào kho gọi là Kwibigo (Kho của hoàng hậu). Nơi vua lễ Trời được đặt tên là Yongil (Nghênh đón Mặt trời) hoặc Togiya (Cánh đồng cầu nguyện).

Huyền thoại Yono và Seo ra đời trên cơ sở thực tế lịch sử là từ cuối thời kì Tân thạch khí cho đến thế kỉ III, khi bán đảo Korea được phân chia giữa những cư dân Puyo, Suksin, Koguryo, Okcho, Ye , Mahan, Chinhan…, những cư dân này đã theo nhiều đợt kế tiếp tới Izumo và Kyushu trên quần đảo Nhật Bản và trở thành một thành phần tạo lập dân tộc Nhật.

Mơtip cơ bản của câu chuyện này, có thể nói, vẫn tiếp nối mơtip ánh sáng thần kì gắn với sự thờ phụng mặt trời quen thuộc trong các huyền thoại lập quốc của Korea. Câu chuyện đồng thời gợi nhớ đến chuyện nữ thần Mặt trời – nữ thần quốc tổ Amaterasu của Nhật Bản.

Trong mơtip tìm lại nguồn sáng vũ trụ của cả Korea lẫn Nhật Bản, người phụ nữ đều đóng vai trò quan trọng.Tuy nhiên, nếu trong huyền thoại Nhật Bản chỉ nữ thần Mặt trời được nhấn mạnh thì ở huyền thoại Korea lại là một cặp đôi: Mặt trời và Mặt trăng, chồng và vợ. Thú vị khi liên tưởng đến quốc kì Nhật với Mặt trời đỏ trong khi quốc kì Korea mang biểu tượng âm-dương,lửa-nước (cũng chính là thể hiện Mặt trời- Mặt trăng).

 

Có thể thấy các huyền thoại lập quốc của Korea khá phong phú, đa dạng và giàu ý nghĩa.

Những huyền thoại này  cho thấy niềm tự hào đối với truyền thống 4000 năm văn hiến của Korea . Trong hoàn cảnh lịch sử không ít thời kì phải đương đầu với chiến tranh xâm lược và chính sách đồng hoá văn hoá của phong kiến Trung Hoa, ý thức về những giá trị độc lập và vị thế bình đẳng của đất nước luôn được người Korea  khắc sâu và bồi đắp qua các thế hệ. Những câu chuyện lập quốc có từ xa xưa được lưu giữ, truyền tụng mãi cả qua phương thức dân gian truyền miệng lẫn trong những tác phẩm văn học bác học. Có thể nói chúng là khởi đầu lịch sử, văn chương,  triết học …,tạo dựng nền tảng tinh thần, nền tảng văn hoá của  dân tộc.

Con người cổ xưa đều băn khoăn với câu hỏi về nguồn cội và ở thời kì nguyên thuỷ, khi chưa tách mình ra khỏi thế giới tự nhiên, đều coi mình như một bộ phận của thiên nhiên. Người Korea vốn gốc từ vùng núi non đã bắt đầu với totem gấu, sau này khi mở rộng địa bàn sinh sống và canh tác theo những dòng sông và vươn ra biển mới thêm cc totem từ những con vật thuộc thế giới nước. Sáng tạo vũ trụ, sinh tạo giống nòi, hình thành dân tộc… được thể hiện trong các huyền thoại lập quốc Korea như sự kết hợp hoà điệu  âm dương của Trời-Đất, Núi- Sông ,  Nam- Nữ…

Chủ yếu trong các huyền thoại lập quốc của Korea  là tình cảm sùng tín , biết ơn đối với tổ tiên thiêng liêng đã khai dựng non sông, tạo sinh dân tộc, là ý thức về một nguồn cội chung làm cơ sở cho sự gắn bó cá nhân với cộng đồng, cho lòng  trung thành của công dân với Tổ quốc. Sau này  Korea  dễ dàng tiếp nhận  TRUNG, HIẾU của Nho gia như  những gì không hề xa lạ, bởi vì thực sự Khổng tử chỉ nâng lên thành nghĩa lí  điều mà  dân tộc này đã cảm nhận sâu sắc từ lâu bằng bản năng của trái tim.

 

Tài liệu tham khảo:

1.Chun Shin-Yong: Korean Folk Tales. International Cultural Foundation. Seoul, Korea.1979.

2.In-sob Zong: A Guide To Korean Literature . Hollym International Corp., Elizabeth-New Jersey-Seoul.1984.

3.Kichung Kim: An Introduction To Classical Korean Literature- From Hyangga To P’ansori. M.E.Sharp. Armonk, New York, London.1996.

4.Kim Dong Uk: History of Korean Literature. The Centre for East Asian Cultural Studies. Tokyo.1980.

5.Peter. H. Lee: Korean Literature: Topics and Themes. The Association for Asian Studies, The University of Arizona Press.1966.

6.Peter. H. Lee: Anthology of Korean Literature (From Early Times to the Nineteenth Century). The University press of Hawai, Honolulu.1981

 

 



[1] Dẫn lại theo Kichung Kim: An introduction to classical Korean Literature,tr.52