12122024Thu
Last updateWed, 11 Dec 2024 6pm

Haiku và thơ mùa thu

Có một thể thơ mà khi để nó lướt qua tâm hồn ta, ta có cảm giác như đang chạm vào thiên nhiên, chạm vào từng mùa... Haiku? Đọc haiku là chạm vào hơi thở của mùa. Là chạm vào hoa đào, đom đóm, lá phong, tuyết trắng ...

Haiku?

Đó là thể thơ nổi tiếng nhất của Nhật Bản và ngắn nhất của thế giới.

Toàn bài chỉ có 17 âm tiết, có thể xếp thành 3 câu (5,7,5), tất nhiên là mỗi câu cực ngắn.

Trong tiếng Nhật, thơ haiku không có vần và thường không có nhan đề.

Đề tài của haiku là thiên nhiên bốn mùa và những khoảnh khắc độc sáng trong đời.

Sức mạnh của thể thơ nhỏ nhắn, mong manh này là cách nó khơi gợi, đánh thức và gây liên tưởng nơi tâm hồn ta.

Cái đẹp của thể thơ nhẹ nhàng đơn sơ này là cách nó nắm bắt tố chất của sự vật trong một vài từ.

Do đó, nó không có chỗ cho những tính từ hoa mỹ phù phiếm.

Nếu nó muốn thể hiện nỗi buồn, nó sẽ không nhắc đến chữ buồn (hay sầu) mà sẽ xếp đặt hình ảnh để gợi lên nỗi niềm ấy. Như:

Trong âm u
Hiên nhà thấm ướt
Mưa thu
(Taigi)

Cho chữ buồn vào bài thơ của Taigi sẽ là thừa. Hình ảnh hiên nhà ướt mưa ấy đã là nỗi buồn rồi, một nỗi buồn sờ được, nếm được và có thể nhìn thấy.

Hầu như mọi bài haiku đều gắn kết với mùa, một mùa nào đó trong năm. Do đó, bài nào cũng có từ "mùa" (gọi là kigo: quý ngữ). Vì sao?

Có mấy lý do khiến cho thơ haiku cứ dùng từ "mùa" là:

1. Thói quen truyền thống của thơ ca Nhật có từ xa xưa, đặc biệt với loại thơ liên ca (renga), thơ do nhiều người cùng làm, nối tiếp nhau.

2. Từ mùa chính là thi pháp của haiku, giúp nó có sức khơi gợi rất cao, vì mùa có không gian và thời gian rất lớn.

3. Bản thân người Nhật quá yêu thiên nhiên, quá yêu sắc màu của những mùa luân chuyển.

Những từ mùa thường gặp:

Xuân: oanh, én, bướm, ếch, đào, mơ, liễu ...

Hạ: chim cu, đom đóm, ve sầu, chuồn chuồn, hoa bìm bìm, sen ...

Thu: ngân hà, trăng, nhạn, quạ, lá phong, cúc, ...

Đông: sương mù, tuyết, cánh đồng héo úa, năm tàn ...

Để sáng tác haiku (hầu như xứ nào cũng có nhà thơ sáng tác theo thể haiku, kể cả Việt Nam có thể nhìn vào vài lời khuyên sau đây của Soichi Furuta:

- Quan sát, khám phá ...

- Mở rộng năm giác quan cũng như kí ức và tưởng tượng, tức cả tâm hồn.

- Thiên nhiên ở quanh ta và ở trong ta.

- Dùng từ mùa khi thích hợp.

- Có sổ tay ghi chép ngay những ý tưởng bất ngờ.

- Đọc nhiều thơ haiku của các nhà thơ bậc thày cũ và mới.

- Tránh dùng từ và hình ảnh sáo mòn.

- Tránh dùng tính từ nếu không thật sự cần thiết.

Thực ra, hầu hết những lời khuyên ấy có thể dành cho mọi thể thơ nói chung. Nhưng với haiku, đấy thật sự là thiết yếu.

Haiku đầy sức sống như nhà thơ lỗi lạc Issa cho thấy:

Trôi xuống dòng sông
Trên cành lá gãy
Ca vang côn trùng
.

Hoặc là như nhà thơ họa sĩ Buson:

Đỉnh Yoshino
Nuốt vào mây trắng
Thở ra hoa đào.

(Trích Đi dưới mưa hồng, NXB Văn Nghệ, 2007)

(Nguồn: http://evan.vnexpress.net/News/phe-binh/2007/08/3B9AD9CD/)