20112024Wed
Last updateTue, 19 Nov 2024 1pm

Nhà văn tạo nên lịch sử cảm xúc và tâm hồn

 TT - Lúc 13g (giờ Thụy Điển, tức 18g giờ Việt Nam) ngày 8-10 tại Viện hàn lâm Khoa học Thụy Điển, nhà văn Belarus Svetlana Alexievich đã trở thành nhà văn thứ 108 được tôn vinh ở hạng mục Nobel văn chương.

Nữ nhà văn Belarus Svetlana Alexievich tại một hội chợ sách ở Minsk - Ảnh: Reuters
Nữ nhà văn Belarus Svetlana Alexievich tại một hội chợ sách ở Minsk - Ảnh: Reuters
Tôi luôn muốn tìm hiểu có bao nhiêu chất người trong con người? Và làm thế nào để bảo vệ được chất người đó trong con người?
SVETLANA ALEXIEVICH

Thông cáo về giải thưởng Nobel văn chương của Viện hàn lâm Khoa học Thụy Điển viết: “Giải thưởng Nobel văn chương năm 2015 được trao cho nhà văn Belarus Svetlana Alexievich vì những tác phẩm đa giọng điệu, một biểu tượng mẫu mực về sức chịu đựng và lòng dũng cảm trong thời đại chúng ta”.

Nhà văn Svetlana Alexievich sẽ nhận giải thưởng trị giá 8 triệu kronor (tương đương 960.000 USD).

Bà Svetlana Alexievich sinh ngày 31-5-1948 tại thị trấn Ivano-Frankivsk của Ukraine. Cha bà là người Belarus, mẹ là người Ukraine. Sau khi người cha hoàn thành nghĩa vụ quân sự, cả gia đình chuyển tới Belarus sinh sống - nơi cha mẹ bà cùng làm nghề giảng dạy.

Sau khi học xong, bà Alexievich cũng nối bước cha mẹ trở thành giáo viên, rồi tiếp đó thành nhà báo. Và như một lẽ dễ hiểu, văn phong của bà có sự hòa quyện chặt chẽ giữa báo chí và văn chương.

Theo New York Times, trong một cuộc phỏng vấn, bà Alexievich từng chia sẻ bà đã được gợi cảm hứng về kỹ thuật viết này từ truyền thống kể chuyện truyền khẩu của người Nga.

Bà nói: “Tôi quyết định thu thập những tiếng nói trên đường, chất liệu luôn có sẵn quanh tôi. Mỗi người đều có cách nói riêng của họ”.

Suốt nhiều năm làm báo, do nhu cầu công việc, bà thường xuyên phải có những cuộc tiếp xúc, phỏng vấn. Ngay từ đó, bà đã có ý thức tập hợp tư liệu cho cuốn sách đầu tay có tên U vojny ne ženskoe lico in năm 1985, mà sau đó ba năm được dịch sang tiếng Anh với nhan đề War’s unwomanly face (Chiến tranh không có khuôn mặt phụ nữ) - tác phẩm được coi là nổi tiếng nhất của bà.

Trong phần trả lời phỏng vấn báo giới sau lễ trao giải, thư ký Viện hàn lâm Khoa học Thụy Điển Sara Danius bày tỏ ấn tượng sâu sắc của bà về tinh thần lao động nghệ thuật miệt mài của nữ nhà văn Belarus.

Theo bà Sara, nhà văn Belarus đã tạo nên “một lịch sử của những cảm xúc, một lịch sử của tâm hồn” trong những tác phẩm như cuốn War’s unwomanly face. Bà Danius nói: “Bà ấy (nhà văn Belarus) đã tạo nên một thể loại mới của văn chương. Một thành tựu văn chương đích thực không chỉ ở chất liệu nội dung mà còn phải ở cả hình thức”.

Bằng phương pháp độc đáo của mình - một bức tranh cắt dán từ những tiếng nói được chế tác cẩn trọng, nhà văn Alexievich đã giúp chúng ta hiểu sâu sắc hơn về cả một thời đại.

Những hậu quả thảm họa hạt nhân ở Chernobyl năm 1986 là chủ đề của cuốn Černobyl’skaja molitva (năm 1997, bản tiếng Anh Voices from Chernobyl - Chronicle of the future in năm 1999).

Để viết cuốn sách này, bà đã dành 10 năm để tới Chernobyl và thực hiện hơn 500 cuộc phỏng vấn với những người sống sót sau thảm họa. Cuốn này sau khi được dịch sang tiếng Anh và phát hành tại Mỹ năm 2005 đã đoạt giải thưởng của Hội Phê bình sách quốc gia.

Với lần trao giải này, có thể thấy trong một thập kỷ qua, Viện hàn lâm Khoa học Thụy Điển đã nghiêng nhiều về phía các nhà văn mà tác phẩm của họ chưa được đọc nhiều bằng tiếng Anh.

Có thể kể ra một vài tên tuổi trước đây như tiểu thuyết gia người Pháp J. M. G. Le Clézio (năm 2008), nhà văn người Đức gốc Romania Herta Müller (2009) và nhà thơ kiêm dịch giả người Thụy Điển Tomas Transtromer (2011).

Bìa cuốn War’s unwomanly face (Chiến tranh không có khuôn mặt phụ nữ) ấn bản tiếng Việt - Ảnh: Ngân Xuyên
Bìa cuốn War’s unwomanly face (Chiến tranh không có khuôn mặt phụ nữ) ấn bản tiếng Việt - Ảnh: Ngân Xuyên

"Người bảo vệ chất người trong con người

Svetlana Alexievich - chủ nhân giải Nobel văn chương 2015 - không phải là người xa lạ với độc giả Việt Nam. Cuốn sách nổi tiếng của bà từ thời Liên Xô với tên gọi đầy ý nghĩa Chiến tranh không có khuôn mặt phụ nữ đã được dịch sang tiếng Việt và xuất bản từ giữa những năm 1980.

Đây là một trong những tác phẩm xuất sắc nhất viết về cuộc chiến tranh vệ quốc (1941 - 1945) của nhân dân Xô viết nhìn qua con mắt phụ nữ.

Trong cuộc chiến tàn khốc nhất thế kỷ 20 ấy, phụ nữ cũng đã phải ra trận, phải trở thành người lính. Họ không chỉ cứu thương mà còn đánh trận, giết kẻ thù. Sự hi sinh của những người phụ nữ trong chiến tranh là sự hi sinh lớn lao, đau xót nhất.

Svetlana Alexievich đã dành bảy năm gặp gỡ những phụ nữ chiến trận để viết nên cuốn sách của mình năm 1983. Nhưng bản thảo đã phải chờ hai năm mới được xuất bản vì bị coi là có tư tưởng chủ nghĩa hòa bình, là viết theo lối tự nhiên chủ nghĩa, là hạ thấp hình tượng anh hùng của phụ nữ Xô viết.

Nhưng đến năm 1985, khi ngọn gió cải tổ nổi lên ở Liên Xô, cuốn sách đã được xuất bản và lập tức gây tiếng vang lớn, được in đi in lại gần 2 triệu bản. Nó đã được dịch ra 20 thứ tiếng, được đưa vào chương trình giảng dạy ở bậc trung học và đại học tại nhiều nước.

Bản dịch tiếng Việt do nhà văn Nguyên Ngọc thực hiện theo bản tiếng Pháp được in ở NXB Đà Nẵng năm 1987. Một năm sau đó, Svetlana Alexievich trong đoàn nhà văn Liên Xô sang thăm Việt Nam và đã có cuộc gặp gỡ với dịch giả.

Chiến tranh không có khuôn mặt phụ nữ đã gặp sự cộng hưởng của người đọc nước ta - một đất nước cũng trải qua một cuộc chiến tranh khốc liệt, mà số phận của những người phụ nữ đi qua chiến tranh là một phần lớn lao của cái giá chiến thắng.

Chúc mừng nữ nhà văn gốc Belarus được nhận giải thưởng văn chương danh giá nhất hành tinh cũng là mừng cho độc giả Việt Nam đã được đọc bà từ gần 30 năm trước.

Cuốn sách này mở đầu chuỗi tác phẩm mang tên Những giọng nói của không tưởng của Svetlana Alexievich (các cuốn khác là Những nhân chứng cuối cùng.

Solo cho giọng trẻ con (1985), Những đứa trẻ bằng kẽm (1989), Lời cầu nguyện Chernobyl (1997), Thời second-hand (2013). Hai cuốn Chiến tranh không có khuôn mặt phụ nữNhững nhân chứng cuối cùng. Solo cho giọng trẻ con được giới phê bình Nga coi là “khám phá mới của văn xuôi viết về chiến tranh”.

Trong một cuộc phỏng vấn, Svetlana Alexievich đã nói rõ tư tưởng xuyên suốt các tác phẩm cũng như cuộc đời mình như sau: “Tôi luôn muốn tìm hiểu có bao nhiêu chất người trong con người? Và làm thế nào để bảo vệ được chất người đó trong con người? Chúng ta có thể bảo vệ nó bằng cái gì?”.

Bằng vào các tác phẩm của mình, Svetlana Alexievich đã được xưng tụng là “bậc thầy xuất sắc của văn xuôi tư liệu nghệ thuật”. Và giải Nobel văn chương 2015 trao cho bà đã mang lại danh tiếng xứng tầm với tài năng của một nhà văn, nhà báo luôn gắn trang viết của mình với số phận những con người bình thường mà lớn lao. (Ngân Xuyên)

 

 
D.KIM THOA (This email address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it.)
 
http://tuoitre.vn/tin/van-hoa-giai-tri/20151009/nobel-van-hoc-ton-vinh-nha-van-belarus/982138.html