“Chúng ta phải tin ở các nhà sử học trong việc miêu tả sự kiện, và các nhà sử học phải tin vào sự hiểu biết của chúng ta về trái tim con người.” (Salygin). Chính vì có hai hướng tiếp cận khác nhau như vậy nên văn học vẫn có lý do tồn tại bên cạnh sử học, hay nói cách khác, lịch sử luôn là một đề tài lớn của văn chương. Công chúng dù đã thuộc làu lịch sử – nghĩa là đã biết thông tin – vẫn say mê tìm đến với văn học đề tài lịch sử để có thể hiểu thêm về lịch sử. Lịch sử chỉ xưng tụng:
“Bà Trưng quê ở Châu Phong
Ghét loài tham bạo thù chồng chẳng quên
Chị em nặng một lời nguyền
Phất cờ nương tử thay quyền tướng quân”
(Đại Nam quốc sử diễn ca)
còn văn học lại đớn đau thổn thức:
“Giáp vàng khăn trở lạnh đầu voi
Chàng ơi thân thiếp bơ vơ quá
Canh vắng, đêm trường bóng lẻ loi”
(Ngân Giang)
Lịch sử chỉ chú trọng bài học cảnh giác nỏ thần Thục Phán, còn văn học lại thương cảm ngậm ngùi:
“Tôi kể ngày xưa chuyện Mỵ Châu
Trái tim lầm chỗ để trên đầu”
(Tố Hữu)
Trong các thể loại văn học, kịch có ưu thế hơn cả trong mảng đề tài lịch sử. Lịch sử nghĩa là quá khứ, thường bị gán ghép với thành kiến về sự nhàm chán. Nhưng kịch với hai đặc trưng cơ bản là tính xung đột và tính hành động dường như có thể “dựng” lịch sử sống lại, đem đến cho người đọc, người xem một hứng thú đặc biệt.
Văn học kịch Việt Nam đã từng có những thành tựu rất sớm về đề tài lịch sử. Trải qua gần một thế kỷ hình thành và phát triển của thể loại, lịch sử tiếp tục được khám phá từ nhiều góc độ đa dạng, với những cảm hứng phong phú dồi dào hơn. Và chính quá trình khai thác đề tài lịch sử lâu dài đó đã đặt ra cho văn học kịch những vấn đề lý luận quan trọng về mối quan hệ giữa giữa tính chân thật lịch sử và tính hư cấu nghệ thuật, giữa nội dung lịch sử và tính chất hiện đại.
1..Những khuynh hướng chính của văn học kịch đề tài lịch sử:
1.1.Xu hướng tái hiện lịch sử:
Dĩ nhiên tất cả các tác phẩm đề tài lịch sử đều nhằm mục tiêu tái hiện lịch sử. Nhưng vấn đề được nhấn mạnh ở đây là một xu hướng tái hiện lịch sử một cách giản dị, chân phương như nó vốn có. Những kịch bản loại này in đậm nét cảm hứng sử thi, có nội dung rất gần với chính sử. Đây là khuynh hướng xuất hiện sớm nhất và phổ biến nhất.
Như chúng ta đều biết, văn học kịch Việt Nam chính thức khai sinh từ năm 1921. Những kịch bản ra đời trong thập niên 1920 tuy “thuần nhiên dùng văn ta tả những cảnh xã hội ta” (1) nhưng lại thể hiện khá rõ ảnh hưởng của kịch cổ điển Pháp với những bi kịch đầy chết chóc kiểu Toà án lương tâm của Vũ Đình Long hoặc những hài kịch trào lộng kiểu Ông Tây An Nam của Nam Xương. Từ thập niên 1930, với phong trào phục cổ rầm rộ trong xã hội, văn học kịch đã đạt được những giá trị mới thông qua những câu chuyện cũ trong kho tàng lịch sử.
Kịch lịch sử giai đoạn 1930 -1945 gồm hai mảng khác biệt: một mảng viết về lịch sử Trung Quốc và một mảng khác viết về lịch sử dân tộc. Những vở kịch thơ viết về Trung Quốc nội dung thường không mới. Và trong cuộc tao ngộ giữa kịch và thơ này, chất thơ có phần lấn lướt. Có lẽ các nhà thơ say mê chất lãng mạn, chất bi tráng, chất anh hùng trong những trang sử thâm cung của một quốc gia phong kiến lâu đời nên đã đưa những đấng anh hùng, những trang tuyệt sắc Trung Hoa vào trong tác phẩm của mình. Có hai chủ đề lớn được khai thác là chuyện tình của các bậc đế vương với những mỹ nhân khuynh quốc khuynh thành (Dương Quý Phi – Thế Lữ và Vi Huyền Đắc, Tiếng địch sông Ô – Huy Thông) và câu chuyện của những đại thích khách “kẻ sĩ chết vì người tri kỷ” (Kinh Kha – Huy Thông, Yêu Ly – Lưu Quang Thuận). Cốt truyện kịch người xem đã nằm lòng, đã biết trước từ xung đột đến hành động. Cái còn lại đầy sức thu hút là dư ba vang vọng của những vần thơ hào hùng:
“Ta thác đi chưa thoả chí anh hùng
Nhưng thác dưới một bàn tay vũ dũng”
(Yêu Ly)
“Ôi những trận mạc khiến trời long đất lở
Những chiến thắng tưng bừng, những vinh quang rực rỡ
Ôi những võ công oanh liệt chốn sa trường
Những buổi tung hoành lăn lộn trong rừng thương!”
(Tiếng địch sông Ô)
hay những cung buồn da diết:
“Đã muộn rồi…Đã muộn tự lâu rồi,
Lỡ muộn ngay từ thuở xa xôi,
Chân này bước trong ánh trăng cung cấm
Thân này tuyển vào cuộc đời hoa gấm…”
(Dương Quý Phi)
Trái lại, những kịch bản viết về lịch sử dân tộc tỏ ra thành công hơn xét về phương diện đặc trưng và yêu cầu của thể loại. Các tác giả lại khéo léo khai thác đoạn đời vị ngộ, thuở hàn vi của những nhân cách lớn nên tác phẩm có một sức hấp dẫn đặc biệt.
Kịch thơ Huyền Trân công chúa của Huy Thông chỉ có một cảnh, còn ngắn hơn cả một truyện ngắn. Câu chuyện chỉ diễn ra trong khoảnh khắc chia tay cố quốc của nàng công chúa nhà Trần, nhưng vẫn đảm bảo đầy đủ kịch tính. Bởi vì trong chốc lát thôi nhân vật chính đã có sự chuyển biến trong tâm lý và hành động từ chỗ khăng khăng từ chối xuống thuyền hoa đến chỗ bằng lòng về Chiêm quốc. Cũng chỉ trong phút giây ngắn ngủi đó, Trần Khắc Chung đã trải qua những dằn vặt dữ dội giữa tình riêng và nghĩa lớn khiến chàng phải nửa van xin nửa thơ than cùng người tri kỷ:
“-Đi đi! Công chúa hỡi!
Em Huyền Trân!
Em đi đi cho anh vẹn chữ trung thần!”
Cùng một nguồn cảm hứng với Huyền Trân công chúa, Hận Nam Quan của Hoàng Cầm và Người Hoa Lư của Lưu Quang Thuận như một ánh chớp bừng soi trong chốc lát một góc đời còn khuất tối của danh nhân. Một mối tình trúc mã thanh mai của Đinh Bộ Lĩnh, một mối duyên bèo nước của Nguyễn Trãi đã tô đậm thêm vẻ đẹp tâm hồn cho nhân vật.
So với các vở đã nêu, Cột đồng Mã Viện của Nguyễn Huy Tưởng có phần khác biệt hơn vì nó không viết về nhân vật nhân vật mà viết về sự kiện lịch sử. Xoay quanh sự kiện Mã Viện sau khi chiến thắng Hai Bà Trưng đã cho dựng một cột đồng lớn nơi biên giới khắc lời nguyền: “Đồng trụ chiết, Giao Chỉ diệt”, Nguyễn Huy Tưởng đã xây dựng nên một vở kịch cảm động về tinh thần yêu nước và lòng tự tôn dân tộc. Những nỗi sợ sệt, những niềm phẫn uất của những bộ phận dân chúng khác nhau mỗi lần trông thấy cột đồng được khắc hoạ rất sinh động. Nhưng nhân vật để lại ấn tượng nhất lại là một người Hán: Vương Độ. Vương Độ vốn làm nghề thuốc, kết bạn với một hào kiệt Giao Chỉ là Hùng Chi. Về sau vì lòng hận thù dân tộc, Hùng Chi đoạn tuyệt với Vương Độ. Nhưng lòng Vương Độ vẫn thuỷ chung như nhất, cho đến tận phút cuối cùng tiễn đưa Hùng Chi đi đày. Một nhân vật kiểu như Vương Độ, một nhân cách đẹp đứng bên kia chiến tuyến, vốn hiếm hoi vô cùng trong văn học kịch Việt Nam.
Sau Cách mạng tháng Tám, khái niệm đề tài lịch sử được mở rộng hơn, không chỉ là quá khứ hiển hách của cha ông mà còn là hiện tại hào hùng của công cuộc đấu tranh cách mạng. Tuy nhiên, những thành tựu về kịch nói đề tài lịch sử thì thu hẹp lại. Nhìn chung hiện thực chiến đấu và xây dựng, giành và giữ chính quyền với bao nhiêu điều mới mẻ mở ra một chân trời vô tận cho sáng tác nghệ thuật. Nếu ở thời kỳ trước, những kịch tác gia trí thức tiểu tư sản xa lánh hiện thực bế tắc mà tìm về quá khứ vinh quang cho thoả chí tang bồng thì đến thời kỳ này lịch sử trở nên quá bình lặng so với hiện thực. Mà bản chất của kịch là tái hiện những xung đột xã hội. Do đó, kịch sau Cách mạng tháng Tám ưu tiên cho đề tài hiện đại hơn đề tài lịch sử.
Tuy nhiên, kịch bản được xem là đặt cột mốc đánh dấu điểm khởi đầu của kịch nói cách mạng lại thuộc về đề tài lịch sử: Bắc Sơn của Nguyễn Huy Tưởng – một vở sự kiện kiểu Cột đồng Mã Viện. Thông qua câu chuyện của một gia đình, tác giả đã khái quát diễn biến cuộc khởi nghĩa, từ lúc bùng nổ cho đến khi thất bại nhưng ngọn lửa đấu tranh vẫn âm ỉ cháy. Tiếp theo Bắc Sơn có một số vở kịch lịch sử khác ít gây tiếng vang hơn như Đề Thám (Lưu Quang Thuận và Thế Lữ), Tiếng trống Hà Hồi (Hoàng Như Mai), Nguyễn Huệ (Thanh Tịnh), Quang Trung (Trúc Đường).
Có một mảng đề tài lịch sử không thể không đề cập đến là đề tài Hồ Chủ tịch. Những kịch bản viết về Bác đều ra đời sau năm 1975, khi đất nước đã hoàn toàn thống nhất. Tuy số lượng không nhiều nhưng những vở này thường được chăm chút rất cẩn trọng, dĩ nhiên mức độ thành công có khác nhau. Người công dân số một là kịch bản hoành tráng nhất vì nó tái hiện lại cả một chặng đường dài hơn ba mươi năm trong cuộc đời hoạt động của Bác từ khi ra đi tìm đường cứu nước ở bến Nhà Rồng năm 1911 cho đến khi triệu tập Quốc dân đại hội ở Tân Trào năm 1945. Nhưng cũng chính vì chuyên chở quá nhiều sự kiện mà kịch bản này nặng chất minh hoạ hơn là chất văn học, đường dây xung đột không rõ rệt, tính cách nhân vật còn mờ nhạt. Nhược điểm này đã được khắc phục ở các kịch bản sau này khi các tác giả chỉ tập trung vào một giai đoạn ngắn, thậm chí là một khoảnh khắc trong cuộc đời lãnh tụ. Với Đêm trắng – như đã thấy ở nhan đề – là câu chuyện của một đêm Bác thức trắng trước khi ký án tử hình một cán bộ cốt cán tên Hoàng Trọng Vinh – một kiểu “nhân danh công lý”. Còn Lịch sử và nhân chứng của Hoài Giao – được xem là kịch bản viết về Bác Hồ thành công nhất - khắc hoạ chân dung Bác trong những giờ phút quyết định mối quan hệ Việt – Pháp năm 1946. Qua những suy tư, những cuộc gặp gỡ, vẻ đẹp trong tâm hồn, trong nhân cách của “người công dân số một” được soi sáng một cách khá thuyết phục.
1.2. Xu hướng “con người hoá lịch sử”
Những kịch bản theo khuynh hướng này rất đậm chất văn chương vì lịch sử được khai thác thông qua số phận con người. Lịch sử không chỉ đơn thuần là xâu chuỗi sự kiện mà là sự kết nối, đan cài của những niềm vui những nỗi buồn, những khổ đau hạnh phúc riêng tư của từng con người cá thể.
So với các thể loại văn học khác, xu hướng con người hoá lịch sử xuất hiện khá sớm trong văn học kịch với Vũ Như To của Nguyễn Huy Tưởng. Từ mấy dòng sử ký vắn tắt về người thợ thủ công xây Cửu trùng đài cho vua Lê Tương Dực, Nguyễn Huy Tưởng đã xây dựng nên một bi kịch kinh điển trong lịch sử văn học Việt Nam. Sự mục ruỗng của một triều đại không được phản ánh bằng những cuộc vui thâu đêm suốt sáng chốn thâm cung hay những rối ren xâu xé giữa các công thần – mặc dù tất cả những điều đó đều được đề cập trong kịch bản. Mạch truyện chính là tấn bi kịch của người nghệ sĩ tài hoa muốn mượn thế lực của một hôn quân để “xây cho nòi giống một toà đài hoa lệ, thách cả những công trình sau trước, tranh tinh xảo với hoá công”. Để rồi hỡi ôi, cái đẹp thuần tuý đã thất bại thảm hại trong cuộc xung đột với quyền lợi chân chính của cộng đồng, cùng với ngọn lửa bốc cao trên Cửu trùng đài tráng lệ, hút theo những bước chân ra pháp trường của người nghệ sĩ lòng vẫn hằng tin tưởng đinh ninh hữu tài tất hữu dụng.
Sau Vũ Như Tố là một sự đứt đoạn kéo dài gần bốn mươi năm khi văn học cũng là mặt trận và nhà văn cũng là chiến sĩ trong hai cuộc kháng chiến trường kỳ. Khi chiến tranh là cái bao trùm lớn nhất mà mọi mặt đời sống phải hướng về thì mỗi cá nhân đều tình nguyện trở thành nhiên liệu của lịch sử vì cộng đồng mới là giá trị được tôn vinh. Mãi đến cuối thập niên 1970 đầu thập niên 1980, nói như nhà văn Nguyễn Minh Châu, văn học Việt Nam đã hướng đến “cảm hứng phát hiện những hạt ngọc ẩn giấu bên trong tâm hồn con người”. Kịch nói cũng không nằm ngoài xu thế chung đó. Nếu Lưu Quang Vũ “làm mưa làm gió” trong phạm vi đề tài hiện đại thì kịch lịch sử lại in đậm dấu ấn tên tuổi Nguyễn Đình Thi với bộ đôi tác phẩm Nguyễn Trãi ở Đông Quan và Rừng trúc. Không phải là một con người mới lạ như Vũ Như Tô mà là những nhân vật quá quen thuộc trong chính sử. Nhưng ở đây không có sự ngưỡng vọng chiều cao của những nhân tài trăm năm mới gặp mà chỉ có sự đào xuống tầng sâu của mỗi con người cá thể theo nghĩa “một vũ trụ riêng tư không lặp lại bao giờ” (Evtusenko).
Như tựa đề của vở, Nguyễn Trãi ở Đông Quan là câu chuyện trọn vẹn mười năm Nguyễn Trãi bị giam lỏng ở thành Đông Quan. Kịch bản không có những xung đột cao trào nghẹt thở, chỉ là những mảng hiện thực rời rạc được liên kết lại với nhau qua lăng kính của một chứng nhân là Nguyễn Trãi. Một bến đò chiều cuối năm, một đám hát rong đường phố, một góc doanh trại quân Minh… Từ những cảnh đời, những sự kiện cứ tưởng là đầu Ngô mình Sở đó, tác giả đã khắc hoạ tinh tế quá trình chuyển biến tư tưởng của một kẻ sĩ Thăng Long hướng về cuộc tụ nghĩa tận trời Thanh Hoá.
Rừng trúc lấy bối cảnh thời kỳ khởi nghiệp nhà Trần. Tác giả đã đi sâu vào những nỗi niềm thầm kín của nhân vật. Một Lý Chiêu Hoàng tâm sự ngổn ngang, vừa gánh nặng trách nhiệm với tiên vương nhà Lý, vừa nhận thức được vai trò lịch sử đã thuộc về nhà Trần, lại vương vấn chút tình riêng cùng Trần Cảnh. Một Trần Cảnh luôn tự mâu thuẫn với mình giữa sự khoan hoà của nhà hiền triết với sự quyết đoán của một bậc đế vương. Ông có nặng tình với Lý Chiêu Hoàng nhưng cũng dễ dàng chấp nhận Thuận Thiên. Ông muốn lên Yên Tử để tìm về cái thanh tịnh của cõi Phật nhưng lại buộc phải trở về để củng cố vương quyền.
Một số tác giả trẻ cũng lao vào mảng đề tài lịch sử khai thác từ góc độ đời tư với mức độ thành công nhiều ít khác nhau. Nối tiếp đề tài nhà Trần, Lê Chí Trung có Đời luận anh hùng như một lời minh oan cho Trần Thủ Độ. Tác giả muốn làm nhẹ bớt thành kiến của chính sử về một kẻ đa mưu túc trí bất chấp thủ đoạn để tô đậm công lao của một bậc khai quốc công thần của một triều đại hiển hách. Trần Thủ Độ đã phải trả giá bằng nỗi cô đơn lúc tuổi già bóng xế. Nhưng những thành tựu chính trị của ông thì đời sau không thể nào phủ nhận.
Lê Duy Hạnh, người vô cùng tâm huyết với đổi mới và thử nghiệm sân khấu, tác giả của một chuỗi những kịch bản chỉ có duy nhất một nhân vật cũng dành một sự ưu ái nhất định cho đề tài lịch sử. Vì là kịch một người nên hầu như không có xung đột, hành động; chỉ là một dòng tâm tư cuộn chảy. Hoàng hậu của hai vua là tâm sự của Dương Vân Nga khi hai lần nhận danh xưng mẫu nhi thiên hạ ở hai triều đại khác nhau. Trong Dương Vân Nga của Trúc Đường trước đây, bà thái hậu tuy được ngợi ca hết mực nhưng cũng chỉ đóng vai trò một gạch nối để lịch sử sang trang. Còn trong Hoàng hậu của hai vua, Dương Vân Nga “bâng khuâng đứng giữa đôi dòng nước”. Một bên là nghĩa vụ của một tôi trung, một hiền phụ “phu tử tòng tử” với tiên đế nhà Đinh, một bên là tình yêu tự nhiên giữa “trai anh hùng gái thuyền quyên” với quan thập đạo Lê Hoàn. Và Dương Vân Nga đã khéo léo chọn được một dòng vừa thuận tình riêng vừa hài hoà với nghĩa lớn. Còn Hồn thơ ngọc là tâm sự của nàng công chúa nhà Lê trong lớp áo xô gai khi là goá phụ trẻ của vị hoàng đế anh hùng áo vải.
Thật ra bên cạnh hai xu hướng chính trên, còn có thể đề cập đến một xu hướng thể hiện lịch sử thứ ba trong văn học kịch tạm gọi là xu hướng “viết lại” lịch sử. Trong những kịch bản này chỉ có tên người, hoặc nhiều lắm là tên đất, là lịch sử; còn đường dây chính của kịch bản là chuyện tưởng tượng. Cụ thể hơn là những nhân vật lịch sử được đặt vào bối cảnh giả tưởng, ví dụ thường gặp nhất là tái sinh họ trong cuộc sống đương đại. Xu hướng này thích hợp với hài kịch để tạo những tương phản gây cười, nhưng nếu tác giả không thận trọng thì rất dễ gây phản cảm cho người đọc,người xem. Và những kịch bản này thường không nhiều chất văn học lắm.
2.Những vấn đề lý luận của văn học kịch đề tài lịch sử
2.1.Tính chân thật lịch sử và tính hư cấu nghệ thuật
Đây là vấn đề lớn nhất đặt ra cho văn học kịch đề tài lịch sử, là chủ đề tranh luận cho nhiều nhà phê bình, là tiêu chí đánh giá của độc giả, khán giả.
Đã là tác phẩm nghệ thuật đương nhiên phải có hư cấu, nhưng đề tài lịch sử lại đòi hỏi sự chân thật nhất định vì mỗi kịch bản có bối cảnh là một thời kỳ lịch sử cụ thể. Nguyên tắc chung là nếu lịch sử ghi chép cái đã xảy ra thì văn học lại phản ánh cái có thể xảy ra. Đó là những cái tuy không có thật nhưng hợp tình hợp lý trong hoàn cảnh đó, trong thời kỳ đó. Nói cách khác, “Sân khấu không đòi hỏi sự chính xác lịch sử, nhưng đòi hỏi tính chân thật lịch sử. Giữa sự chính xác lịch sử và hư cấu nghệ thuật có thể có sự mâu thuẫn, nhưng giữa tính chân thật lịch sử và hư cấu nghệ thuật phải có sự thống nhất” (2) Hay dùng một hình tượng như giáo sư Trần Văn Giàu: “Óc tưởng tượng đó tựa như một chiếc diều trước gió chướng sau Nguyên đán, cho dù có bay lên chín tầng mây, vẫn phải cần một chiếc dây cuộn chắc vào gốc tre đồng.” (3) Như Aristote đã nói từ hơn hai nghìn năm trước: “Nhiệm vụ của nhà thơ không phải là kể lại những sự việc có thật, mà là kể lại những sự việc có thể xảy ra dựa trên tính chân thật và tính tất yếu.”
Hư cấu trong một vở kịch lịch sử thể hiện trên nhiều bình diện khác nhau. Thứ nhất là hư cấu sự kiện. Chúng ta chỉ bàn đến những sự kiện quan trọng để phát triển cốt truyện kịch, không kể đến những cuộc gặp gỡ vô tình, những hành động vụn vặt. Nói đến hư cấu sự kiện, có một phản ví dụ về sự xuyên tạc lịch sử vẫn được người trong giới văn học lấy làm điều răn là việc để cho Đinh Điền, Nguyễn Bặc âm mưu cấu kết với quân Tống trong kịch bản Dương Vân Nga của Trúc Đường. Bởi vì hai vị công thần này chỉ vì chữ tôi trung mà muốn phò Đinh, không thuận để Lê Hoàn xưng đế nhưng cũng không vì thế mà nuôi mầm tạo phản.
Loại hư cấu dễ thấy hơn là hư cấu nhân vật. Bên cạnh những con người có thật, kịch lịch sử còn có hệ thống những nhân vật hư cấu mà phổ bính nhất là nhân vật người tình của các danh nhân lịch sử. Đơn giản vì đó là một mảng đời tư chính sử còn bỏ nhiều chỗ trống, thoả sức cho các nhà viết kịch tung hoành . Mặt khác, một tác phẩm văn học muốn hấp dẫn thì khó mà không có tình yêu. Những kịch bản viết về đoạn đời sau Bình Ngô đại cáo của Nguyễn Trãi thì đã có sẵn nàng Thị Lộ “ở Tây Hồ bán chiếu gon”. Còn những kịch bản chọn đoạn đời trước Lam Sơn tụ nghĩa thường hư cấu thêm một bóng hồng. Trong Hận Nam Quan là nàng sơn nữ tên Mai, trong Nguyễn Trãi ở Đông Quan thì là cô gái ở bến đò tên Cúc. Cả cô Mai, cô Cúc đó có thể chấp nhận được vì họ chỉ góp phần điểm xuyết một nét đa tình cho diện mạo văn nhân, không làm phương hại đến nhân cách lớn của Nguyễn Trãi. Hay trong Vũ Như Tô, Đan Thiềm và Thị Nhiên là hai nhân vật hư cấu, là hiện thân của hai lực lượng làm nên xung đột bi kịch của vở. Một người vợ lam lũ tảo tần như chính nhân dân lao động khốn khổ và một người tri kỷ mang nặng nỗi niềm cung oán luôn tôn thờ những cái đẹp kỳ vĩ trên đời.
Một dạng hư cấu hấp dẫn nhất kể cả đối với người viết lẫn người đọc chính là hư cấu tâm hồn nhân vật. Đây luôn là khoảng trống, là lỗ hổng của lịch sử mà các nhà văn tự đặt ra cho mình sứ mệnh phải lắp đầy. Những tâm tư, nguyện vọng, mơ ước cá nhân thì không lịch sử nào chép lại tỉ mỉ. Với những kịch bản một người của Lê Duy Hạnh, kiểu hư cấu này làm nên toàn bộ đường dây kịch bản. Hay trong Rừng trúc của Nguyễn Đình Thi, lớp đối ẩm giữa Trần Cảnh và Lý Chiêu Hoàng là lớp đẹp nhất trong vở. Theo sử sách, cuộc hôn nhân này chỉ là nước cờ chính trị dưới bàn tay Trần Thủ Độ. Nhưng trong kịch bản, giữa lứa đôi còn thấp thoáng một tình yêu: “Từ buổi lần đầu tôi đùa, ném chiếc khăn cho chàng, tuy mới là đứa bé chưa đủ trí khôn, tôi đã gửi tất cả hồn xác cho chàng.” Chính tình yêu còn chưa hết thơ ngây bị lợi dụng biến thành một chiêu bài chính trị khiến kịch bản có một ý nghĩa nhân văn sâu sắc, như lời thú nhận ngậm ngùi của Trần Cảnh: “Kẻ ở ngôi cao thì đời mình đâu còn phải của riêng mình nữa”. Và cuộc bàn giao lịch sử giữa hai triều đại lẫy lừng lồng trong cuộc đối ẩm của tình chồng nghĩa vợ mới ý vị làm sao: “Tôi vẫn thầm coi chuyện nhường ngôi mười một năm trước là không có. Hôm nay mới thật là ngày trước trời đất núi sông, Chiêu Hoàng tôi kính mời Đức vua mở nghiệp lớn nhà Trần nhận lấy công việc đất nước Đại Việt này.”
2.2. Nội dung lịch sử và tính chất hiện đại
Cuộc sống phát triển, hiện tại không đứt đoạn mà tiếp nối quá khứ ở trình độ cao hơn. Vì vậy, hiện tại luôn có thể tìm thấy ở quá khứ những bài học, những lời giải đáp. Mặt khác, có những vấn đề mang tính chất vĩnh cửu mà thời đại nào cũng có thể đặt ra.
Tính hiện đại của một kịch bản văn học, cũng như của một tác phẩm văn học nói chung, không nằm ở đề tài, ở phạm vi cuộc sống mà nó phản ánh. Vấn đề là ở chỗ nhìn nhận, lý giải đề tài đó như thế nào. Cho nên có những tác phẩm nói chuyện quá khứ mà vẫn mang tính hiện đại vì vấn đề mà nó đặt ra vẫn là một “câu hỏi lớn không lời giải đáp”.
Một tác phẩm đề tài lịch sử chỉ thật sự có giá trị khi nó có tính hiện đại, nghĩa là khi tác giả thổi được luồng sinh khí của thời đại vào những trang sử đã ẩm bụi thời gian. Tính hiện đại thể hiện trên hai bình diện: hoặc nhìn nhận lý giải câu chuyện trong quá khứ qua lăng kính của thời hiện đại, hoặc khám phá ra những vấn đề mang tính vĩnh cửu của đời sống con người trong những chuyện xưa tích cũ.
Nếu các sử gia phong kiến lấy những giềng mối đạo đức, những qui ước về tôn ti trật tự xã hội làm tiêu chuẩn cơ bản để phán xét con người thì quan điểm hiện đại lại căn cứ vào hiệu quả, vào tính thực tiễn mà đánh giá hoạt động của mỗi cá nhân. Từ quan điểm hiện đại này mà có Đời luận anh hùng và Dương Vân Nga. Trần Thủ Độ rõ ràng “đầu thai nhầm thế kỷ”vì cái trí của ông đi trước thời đại một khoảng đường dài. Dương Vân Nga ca ngợi nhân vật chính đã đặt nghĩa cả trên tình riêng. Tuy nhiên ở điểm này, kịch bản Dương Vân Nga vẫn bị hoài nghi là nó hiện đại quá. Liệu bà thái hậu có thật sự đặt nghĩa cả trên tình riêng? Hay chỉ là tình riêng sau nặng hơn tình riêng trước? Tính hiện đại trong Hoàng hậu của hai vua dễ chấp nhận hơn vì đó là những tâm tình dằn vặt chắc chắn phải có khi người ta vì hoàn cảnh mà bỗng chốc trong tay nắm cả san hà, khi một thiếu phụ trở thành goá phụ khi mái tóc hãy còn xanh rưng rức.
Những tác phẩm thành công nhất đi thể hiện bình diện thứ hai của tính hiện đại là Vũ Như Tô và Rừng trúc. Mâu thuẫn giữa quyền lực và hạnh phúc riêng tư trong Rừng trúc hình như chưa bao giờ có thể khai thác cạn cùng. Thống thiết làm sao tiếng kêu của Vũ Như Tô: “Đời ta không quí bằng Cửu trùng đài.” Cái khát vọng quên mình đó chính là tiếng nói chung của ngàn đời văn nghệ sĩ, của những kiếp tằm đến thác hãy còn vương tơ. “Ôi Cửu trùng đài, ôi mộng lớn.” Vì cái mộng lớn đó mà Vũ không màng vợ con, bất chấp bản thân mình, bước qua cả dư luận “xây Cửu trùng đài cho một tên bạo chúa, một tên thoán nghịch, cho một lũ gái dâm ô” chỉ vì một lẽ “vua Hồng Thuận và lũ cung nữ kia rồi mất đi nhưng sự nghiệp của ông còn lại về muôn đời”. Đây chính là cái chân lý nghiệt ngã mà đại văn hào Pháp Flaubert từng đúc kết: “Nghệ sĩ phải là người mà cuộc đời chỉ là một phương tiện cho nghệ thuật”. Hay nói như Leonov: “Tài năng là một sự ám ảnh, là ngọn sóng điên cuồng cũng như cơn gió định mệnh nó cuốn ta đến một mục tiêu nhất định. Mỗi nhà văn là một con bệnh, một con bệnh trầm trọng.” Nhưng người nghệ sĩ lại không thể buộc những người bình thường thông cảm cho “con bệnh” của mình. Cho nên Vũ Như Tô mới mừng rỡ đến vậy khi hội ngộ được “người đồng bệnh” là Đan Thiềm hết lòng ngưỡng vọng Cửu trùng đài. Còn Thị Nhiên là người vợ nhưng không thể nào hiểu được tâm huyết của chồng. Tác phẩm này cũng đã phản ánh phần nào mâu thuẫn giữa hai trường phái vị nghệ thuật và vị nhân sinh đang có một cuộc bút chiến rầm rộ bấy giờ. Mối mâu thuẫn mà chính Nguyễn Huy Tưởng cũng cảm thấy phân vân khi viết lời đề tựa: “Như Tô phải hay những kẻ giết Như Tô phải? Ta chẳng biết.”
Kịch là một bộ môn nghệ thuật tổng hợp giữa văn học và sân khấu. Nếu so với các thể loại văn học, kịch có ưu thế hơn cả trong việc chuyển tải lịch sử thì so với các bộ môn sâu khấu, kịch dường như yếu thế hơn các loại hình kịch hát truyền thống. Bởi vì kịch hát với những đặc trưng như tính trau chuốt của ngôn từ, tính cách điệu trong diễn xuất phù hợp với những bối cảnh lịch sử xa xưa hơn là kịch nói. Nhưng dù sao, kịch nói đề tài lịch sử cũng đã đóng góp một mảng sáng tác có giá trị cho văn học dân tộc. Ôn cố là để tri tân, về nguồn là để thêm sức mạnh ra khơi. Văn học kịch đề tài lịch sử vẫn đi cùng hành trình văn học dân tộc trên mỗi chặng đường hiện đại.
Chú thích:
(1) Trích lời phát biểu của ông Nguyễn Mạnh Bổng – Tổng thư ký Hội Bắc kỳ công thương đồng nghiệp, quản lý sự vụ Hữu Thanh tạp chí đọc tại buổi công diễn ra mắt vở kịch nói đầu tiên Chén thuốc độc ngày 22/10/1921.
(2) & (3) Hội thảo Tính chân thật lịch sử và hư cấu nghệ thuật – Tạp chí Nghiên cứu nghệ thuật số 3 (32) tháng 5-6/1980, trang 49-62.
Văn học kịch Việt Nam với đề tài lịch sử
Lý Hoàn Thục Trâm, sinh năm 1971 tại Vĩnh Long. Học chuyên ngành Văn học, Khoa Ngữ văn và Báo chí, khoá 1989 - 1993. Thạc sĩ Ngữ văn. Công tác tại Phòng Đào tạo trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn TP.HCM. Hiện đang là NCS chuyên ngành Văn học so sánh tại Hoa Kỳ.