08102024Tue
Last updateMon, 07 Oct 2024 12am

Á Nam Trần Tuấn Khải, anh khóa với những vần thơ nước non

Trần Tuấn Khải

Kỷ niệm 28 năm ngày mất nhà thơ Á Nam Trần Tuấn Khải

Tran Tuan Khai

 

MỘT THẾ KỶ CẦM BÚT

Á Nam Trần Tuấn Khải sinh năm 1895 tại làng Quang Xán huyện Mỹ Lộc tỉnh Nam Định (nay là xã Mỹ Hà huyện Bình Lục tỉnh Hà Nam)

 

Cụ thân sinh là Trần Văn Hoán, đậu cử nhân năm Canh tí (1900), có tư tưởng duy tân, bạn của Phan Bội Châu, Nguyễn Bá Học. Cụ Hoán không ra làm quan, cho đến khi phong trào Đông Kinh nghĩa thục bị đàn áp, cụ mới nhận chức Huấn đạo huyện Cẩm Giàng (Hải Dương) để tránh bị thực dân làm khó dễ. Thân mẫu là bà Nguyễn Thị Sính, con một nhà giàu có trong làng. Theo gia phả, bà là “con gái một nhà có học hành nền nếp, tính tình rất hiền hậu thông minh”. Khi Trần Tuấn Khải còn nhỏ, bà  thường “đặt những câu ca dao để hát ru con và được nhiều người trong hương thôn mến phục”([i]).

Lên 4 tuổi, Trần Tuấn Khải bắt đầu học chữ Nho với cha mình, đã bập bẹ thuộc một bài thơ ngũ ngôn chữ Hán. Năm 14 tuổi đã đọc Tân thư (cuốn Vạn quốc sử ký của Nhật Bản). Năm 1913 (18 tuổi) định đi thi hương, nhưng lại thôi. Năm  ấy kết hôn với bà Nguyễn Thị Khuê, sinh năm 1895, quê Sơn Tây, con nhà dòng dõi quan lại.

Đầu thập niên mười bắt đầu sáng tác. Năm 1914 (19 tuổi) viết bài thơ Tiễn chân anh Khóa xuống tàu. Khoảng những năm đó viết bài Gánh nước đêm.

Sau khi người con gái đầu bị bệnh mất, ông buồn nản bỏ đi chơi khắp xứ Đông: Móng Cái, Hòn Gai, Hải Phòng, Quảng Yên… lấy câu thơ chén rượu làm vui. Cũng nhân dịp đó mà kết giao với các bạn văn thân cách mạng, ông được nhiều người tán thưởng vì những câu thơ nồng nàn tinh thần ái quốc.

Sang năm 1920 ([ii]), anh em khuyên ông thu thập thơ văn ngâm vịnh bấy lâu để đưa lên Hà Nội xuất bản. Nhờ đó mà có tập Duyên nợ phù sinh, với ba chữ Hán ở trên: “Kim sinh lụy” do nhà in Trung Bắc của Nguyễn Văn Vĩnh ấn hành. Tập thơ gây xôn xao dư luận trong Nam ngoài Bắc, nhờ đó mà được nhà tư sản Bạch Thái Bưởi mời đến chơi và mời vào ban biên tập tờ báo Khai hóa mà ông mới xin phép xuất bản. Từ đó trở đi, Trần Tuấn Khải tham gia làng báo Hà Nội. Ngoài viết cho tờ Khai hóa, ông còn tham gia viết cho các báo: Thực nghiệp dân báo, Trung Bắc tân văn, Đông Dương tạp chí, Nam phong tạp chí…ở Hàn Nội, Tiếng dân ở Huế và cả Đông Pháp thời báo, Phụ nữ tân văn ở Sài Gòn. Các bút danh của ông thường dùng trong giai đoạn này là: Á Nam, Lâm Tuyền Khách, Côi Hoàng Cư Sĩ, Côi Hoàng Khách, Tiếu Hoa Nhân, Giang Hồ Khách, Đông A, Đông A Thị, Đông Minh, Công Chính…Ông kết giao thân thiết với Phan Khôi, Sở Cuồng Lê Dư, ông cử Mai Đăng Đệ, ông tú Nguyễn Đỗ Mục, Đàm Xuyên Nguyễn Phan Lãng… Ông từng làm việc với cụ nghè Ngô Đức Kế ở tạp chí Hữu thanh, và đã góp ý cho cụ nghè Ngô Đức Kế trong các bài tranh luận phê phán Phạm Quỳnh, như ông viết trong Gia phả: “Những bài bình luận đả kích Phạm Quỳnh đăng trên tạp chí Hữu thanh lúc đó, phần nhiều đều có ý kiến bản thân tham gia cả” (tr.31)

Từ 1920 đến 1930 Á Nam lần lượt cho xuất bản gần mười quyển sách sau đây:

1.     Duyên nợ phù sinh (Kim sinh lụy) – Thơ văn, Quyển I: Nhà in Trung Bắc, In lần thứ nhất, Hà Nội, 1921 (1920?); Quyển II: 1923

2.     Gương bể dâu, truyện lịch sử, In lần thứ 1, Nhà in Chân Phương, Hà Nội,  1923

3.     Giai anh hùng, gái thuyền quyên, tiểu thuyết Trung Quốc, Á Nam dịch thuật, In lần thứ 1, Nhà in Thụy Ký, Hà Nội, 1924

4.    Đông Chu liệt quốc. Thanh niên xuất bản, Hà Nội, 1925

5.     Liêu Trai chí dị. Bồ Tùng Linh, Thanh niên xuất bản, Hà Nội, 1925

6.     Hồn hoa, tiểu thuyết,  Từ Chẩm A, Thanh niên xuất bản, Hà Nội, 1925

7.     Thủy hử, dịch, Thanh niên xuất bản, Hà Nội, 1925

8.     Đăng khấu chí, Tiếp theo bộ Thuỷ hử, dịch, Thanh niên xuất bản, 1925

9.     Tam tự kinh tập đọc, Hiệu sách Xương ký xuất bản, Kim Khuê ấn quán, in lần thứ nhất, Hà Nội,  1927

10.  Mạnh tử  I (dịch), Trần Tuấn Khải dịch và bàn, Đông Kinh ấn quán, Hà  Nội, 1926

11. Bút quan hoài  I và II –  tập thơ, In lần thứ 1. Hiệu sách Xương Ký xb, Hà Nội, 1927

12.  Hồn tự lập, in lần thứ nhất, Nhà in Thanh niên, Hà Nội, 1926; Nữ lưu thơ quán, Gò Công, 1929, cuốn thứ nhứt: Lược thuật truyện ông Găng - đi (Gandhi), cuốn thứ hai: Ba tay hiệp nữ nước Nga

13.   Ngụ ngôn tập đọc (sách tập hợp một số câu chuyện Việt Nam để giáo dục trẻ em), Kim Giang xuất bản 1928.

14.  Bài hát nhà quê (Khuyến Nông Công Thương), In lần thứ 1, Nam Ký xuất bản, Hà Nội, 1928   

Trong số sách trên thì Tam tự kinh, Mạnh tử, Ngụ ngôn tập đọc là sách giáo dục nhằm củng cố luân lý; Thủy hử, Đông Chu liệt quốc, Liêu Trai chí dị là tiểu thuyết cổ điển Trung Quốc; Hồn hoa là tiểu thuyết mới của Trung Quốc; các quyển còn lại là thơ văn viết về lòng yêu nước.

Ảnh hưởng của ông rộng rãi trên toàn quốc. Sách ông bán khắp trong Nam ngoài Bắc, như là đoạn rao sách dưới đây trên tờ Đông Pháp thời báo của  Diệp Văn Kỳ:

  “Ông Trần Tuấn Khải ở Hà Nội mới đặt một quyển sách kêu là: Tang -Thương-Cảnh nghĩa là Gương bể dâu, sách đặc hay mà bán giá rẻ, hai cắc một cuốn, nên mua xem chơi cho tiêu khiển, vì trong ấy có thú vị văn chương, lời lẽ rành ràng, sự tích có nghĩa lý. Như ai có mua sỉ mà bán lại thì gởi thơ cho ông Trần Tuấn Khải ở Hà Nội, đề bao như vầy: Monsieur Trần Tuấn Khải, nhà in Chân Phương, 30 phố Hàng Mành, Hà Nội. Hễ người đặng thơ và Mandat, thì gởi sách lại cho, hoặc hỏi bổn báo mà mua cũng đặng” (Đông Pháp thời báo số 19 ra ngày 22.06.1923)

Ông cùng với Đạm Phương và nhiều trí thức khác nữa có tên trong ban biên tập của Nữ lưu thư quán Gò Công, một tổ chức văn hóa tiến bộ do Phan Thị Bạch Vân sáng lập([iii]).

Quyển Hồn tự lập I và II in khoảng những năm 1926 -1927 bị chính quyền thực dân để ý. Sách mới in ra 6 ngày thì bị cấm, nhưng 3000 bản đã được bán hết ngay vài ngày sau đó. Mấy tháng sau Bút quan hoài cũng bị cấm luôn. Pháp cho người đi tịch thu sách, cấm lưu hành tàng trữ trong nước. Năm 1927 Tòa Đại hình đưa Phan Bội Châu ra xét xử, Á Nam cùng với một nhà nho khác xin ra chịu tù thay cho cụ, nhưng không được chấp thuận. Điều này được Trần Tuấn Khải ghi rõ trong Gia phả: “Năm Đinh mão (1927), nhà cách mạng Phan Bội Châu bị quân Pháp bắt ở Trung Quốc đưa về giam tại Hỏa Lò, Hà Nội. Nhân có ông bạn đỗ tú tài, một nhà văn chương ái quốc, bàn với bản thân ra trước tòa án Pháp xin ở tù thay cụ Phan, song quân Pháp không chấp thuận” (tr.31).  Ông  kết giao với nhóm yêu nước Quốc dân đảng: Nguyễn Thái Học, Ký Con... Khi Phan Bội Châu được an trí ở Huế, Trần Tuấn Khải đã bí mật đến thăm. Sau đó dự định vào Nam để xuất dương gây dựng phong trào cách mạng ở hải ngoại.  Ở Huế ông gặp Huỳnh Thúc Kháng, có viết mấy bài cho bán Tiếng dân. Vào Sài Gòn, Trần Tuấn Khải gặp Diệp Văn Kỳ, Bùi Thế Mỹ, những nhà báo cự phách của Nam Kỳ, rồi gặp Nguyễn Tường Tam (Nhất Linh), Đào Trinh Nhất, Hoàng Tích Chu, Cả Vấn mới ở Pháp về. Ý định xuất dương không thành, “bạn Diệp Văn Kỳ đương chủ trương tờ báo Thần chung, có ý nài vào cộng tác, song bản thân vì chí nguyện xuất dương không đạt, nên lại từ biệt Nam phần trở về Hà Nội” (Gia phả, tr.32). Thực dân Pháp cho người nhiều lần đến dụ dỗ cộng tác, nhưng ông nhất mực từ chối. Sau ông ra viết giúp cho tờ Đông Tây tuần báo của Hoàng Tích Chu, đồng thời cũng viết cho nhiều báo trong Nam ngoài Bắc: Vệ nông, Đông Tây tiểu thuyết của nhà sách Nam Ký, Đông Dương tạp chí của Nguyễn Giang, Văn học tạp chí của Dương Quảng Hàm, Nữ lưu thư quán tùng san của Đạm Phương nữ sử ở Huế, Đuốc nhà Nam, Phụ nữ tân văn ở Sài Gòn…

Năm 1932, trong sách Sách Chơi xuân năm Nhâm thân,  ông có thuật lại việc thực dân Pháp đàn áp dã man cuộc khởi nghĩa Yên Bái, bên cạnh đó ông còn viết  nhiều thơ văn yêu nước với giọng hùng hồn cảm khái, vì thế mà tác giả và người phụ trách xuất bản bị tống giam vào Hỏa Lò. Thực dân Pháp đem cả hai ra xử ba lần, nhưng không đủ chứng cớ nên phải xử phạt án treo và thả tự do cho cả  hai người. Sau sự kiện này thì đến một chuyện buồn khác là người vợ yêu quý của ông – bà Nguyễn Thị Khuê qua đời. Năm 1938 ông lại tục huyền với bà Nguyễn Thị Lũy, con gái một nhà giàu ở Phú Đô (Hoài Đức, Hà Tây), kém ông 25 tuổi.

Giai đoạn 1930-1945 Á Nam Trần Tuấn Khải ít làm thơ hơn trước, có lẽ do ông bị chính quyền thực dân theo dõi gắt gao, như trong “Mấy lời bộc bạch”  tập Với sơn hà ông có viết: từ sau khi bị giam ở Hỏa Lò ra “phàm các văn phẩm của tôi, bất cứ đăng tái vào đâu, đều bị kiểm duyệt một cách gắt gao. Những nhà in, những nhà xuất bản, vì thế thảy đều tránh sự phiền lụy, ít dám nhận in tác phẩm của tôi”([iv]). Vì vậy ngoài tập thơ Với sơn hà xuất bản năm 1935 (Kim Khuê xuất bản, Hà Nội), ông chuyển sang dịch sách và viết truyện võ hiệp. Những sách xuất bản trong giai đoạn này là:

1.     Sách Chơi xuân Nhâm thân (truyện viết về cuộc khởi nghĩa Yên Bái), Nam Ký xuất bản,  Hà Nội, 1932

2.     Thạch đầu hồn, Tiểu thuyết liên hồi, Trần Tuấn Khải thuật, Tiến Đức thư quán, Hà Nội, 1933

3.     Kiếm châu duyên, võ hiệp tiểu thuyết, Trần Tuấn Khải dịch thuật, Nhà in Lê Cường, Hà Nội, 1935

4.     Không Động kỳ hiệp, võ hiệp tiểu thuyết, Trần Tuấn Khải dịch, Tam Hữu xuất bản cục, Hà Nội, 1935

5.     Kiền khôn võ hiệp, Trần Tuấn Khải dịch, Nhà in Trung Bắc tân văn, Hà Nội, 1936

6.     Vạn lý tình hiệp, hiệp tình tiểu thuyết, Trần Tuấn Khải dịch thuật, Nhà in Lê Cường, Hà Nội, 1936-1937

7.     Thiên Thai lão hiệp, Trần Tuấn Khải thuật, Tam Hữu xuất bản cục, Hà Nội, 1936 (sáng tác)

8.     Hồng lâu mộng, Hồng Tú Toàn…dịch tiểu thuyết Trung Quốc ([v])

Trong số các truyện võ hiệp của ông thì Thiên Thai lão hiệp là bộ thành công nhất, được độc giả tán thành nhiệt liệt. Dù được đón nhận, nhưng trên văn đàn, ông đã là người của thế hệ trước. Mặc cho những biến cố lớn lao trong suốt 15 năm văn học với sự ra đời của Thơ mới và tiểu thuyết mới, nhưng những cuộc cách mạng văn học ấy dường như không mảy may ba động đến văn chương của Á Nam. Trước sau ông vẫn là một “anh Khóa” – bình dân, nghiêm trang và yêu nước.

Sau 1945, Trần Tuấn Khải không còn có những tác phẩm gây được dư luận rộng rãi như trước nữa. Kháng chiến toàn quốc bùng nổ, ông đưa gia đình lên tản cư ở Sơn Tây, năm 1947 nhà cửa, sách vở bị đốt hết, năm 1948, về lại Hà Nội  “vì hoàn cảnh bắt buộc”([vi]). Ở Hà Nội, ông chỉ đi dạy học: trung học Chu Văn An, nữ học Trưng Vương, trường Nguyễn Trãi và môt số trường tư thục. Năm 1949 ông cho xuất bản Với sơn hà II (Nhà in Quảng Tiến xuất bản, Hà Nội, 1949).

Sau khi vào Nam ở với mấy người con lớn đã vào sinh sống ở Sài Gòn từ lâu, năm 1959 ông xuất bản tờ Văn học tạp chí, nhưng chỉ được 2 số, vì không có tiền nên phải đình bản([vii]). Từ 1960, ông làm chuyên viên Hán học tại Nha Văn hóa, rồi ban dịch thuật Phủ Quốc vụ khanh đặc trách văn hóa. Năm 1965 ông ký tên kiến nghị vận động hòa bình nên bị ngưng chức. Vì là  một nhân sĩ thanh cao và yêu nước nên năm 1966 ông được mời ra làm chủ tịch danh dự Phong trào Bảo vệ Văn hóa Dân tộc do Mặt trận Giải phóng tổ chức. Trong thời gian làm ở ban dịch thuật, ông đã tổ chức dịch và tự mình dịch nhiều tác phẩm Hán văn như:

1.      Pháp cú kinh, Anh Hán đối chiếu Hòa dịch của Thường Bàn Đại Định ; Á Nam Trần Tuấn Khải dịch ; Lăng Hồ Nguyễn Khắc Kham hiệu đính, Bộ Quốc gia giáo dục xuất bản, Sài Gòn 1963

2.      Ưc Trai tướng công di tập: Dư địa chí, Nguyễn Trãi, Nha Văn hoá Tổng bộ Văn hóa xã hội xuất bản, Sài Gòn, 1966

3.      Tam tổ hành trạng, Phủ quốc vụ khanh đặc trách văn hóa xuất bản, Sài Gòn, 1971

4.      Tự Đức thánh chế văn tam tập, T.1 & 2: quyển IX đến XIV (trọn bộ), Bùi Tấn Niên, Trần Tuấn Khải dịch, Phủ quốc vụ khanh đặc trách văn hóa xuất bản, Sài Gòn, 1973

Bài thơ Mừng anh Khóa về viết nhân ngày giải phóng miền Nam gây được tiếng vang lớn. Sau năm 1975 ông được mời làm cố vấn cho Hội Văn nghệ TP.Hồ Chí Minh. Thi sĩ Á Nam Trần Tuấn Khải trút hơi thở cuối cùng vào ngày 7 tháng 3 năm 1983 tại nhà riêng ở TP.Hồ Chí Minh, thọ 89 tuổi. Ông có nhiều con, không kể những người mất từ nhỏ, còn lại 10 người, trong đó có một số người tiếp tục nghề làm văn làm báo của ông, nổi tiếng nhất có: Trần Quốc Phiên (Trần Việt Hoài), nhà báo, nhà thơ, tác giả tập kịch thơ Tro tàn điện ngọc; Trần Thị Gia Minh, tức nữ sĩ Tuệ Mai (con bà Nguyễn Thị Khuê); Trần Thị Lan (tức nữ sĩ Lan Hinh, con gái đầu của bà kế thất Nguyễn Thị Lũy), tiếp theo là Trần Thị Hồng Khương, nhà thơ, hiện đang định cư ở nước ngoài.

 

VĂN CÓ NON SÔNG MỚI CÓ HỒN

Gần một thế kỷ sống và viết, Á Nam Trần Tuấn Khải đã để lại một sự nghiệp trước tác không nhỏ: khoảng 30 tác phẩm gồm nhiều thể loại từ thơ ca, văn xuôi, đến nghiên cứu, dịch thuật. Nếu có thời gian hơn, chúng tôi sẽ nói về những đóng góp của Á Nam trong lĩnh vực khảo cứu, dịch thuật. Ở đây chúng tôi chỉ trình bày những đóng góp về thơ ca của ông.

Tiếng thơ của Á Nam cất lên khi thơ ca của phong trào Duy tân của các chí sĩ Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh…đã đến lúc thoái trào. Hoặc các chí sĩ đã phải lưu lạc ở hải ngoại, hoặc âm thầm uất ức trong ngục tù. Cho đến cuối thập niên mười, một số chí sĩ ra khỏi tù bèn chuyển hướng đấu tranh, từ bất hợp pháp, bạo động sang hợp pháp và bằng báo chí. Nếu thi sĩ Á Nam của chúng ta cùng thế hệ với Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh…thì có lẽ ông cũng là một chí sĩ Duy tân, như ông từng nói:

Cuộc văn chương đã đến khi tàn,

Thôi thì đạo đức với thanh nhàn là hay,

Anh quyết rung đùi dạy dỗ đám sau này,

Mong cho nhân loại một ngày văn minh.

Túi kinh luân sắp sẵn để bên mình

Gặp thời chưa dễ côn kình anh đã thua ai

                                                                              Anh đồ

Nhưng ông sinh sau Phan Bội Châu gần 30 năm, sinh sau Phan Chu Trinh gần 20 năm, thành ra ông là người của thế hệ khác. Thời cuộc đã đổi thay, phong trào Duy Tân đã bị đàn áp, nhưng không lẽ không ai dám nói gì về chuyện nước đã mất, về dân tộc bị khinh miệt, bị chà đạp nữa sao?  Cũng như các chí sĩ đang hoạt động trong làng văn, làng báo công khai ở Hà Nội lúc bấy giờ, Trần Tuấn Khải đã chọn cho mình một con đường nghệ thuật: dùng ngòi bút để phê bình, sửa chữa luân lý, và nhất là để thể hiện tình tự dân tộc, gìn giữ ngọn lửa yêu nước đang âm ỉ trong lòng người dân, và khi có thể thì thổi bùng lên ngọn lửa đấu tranh. Con đường nghệ thuật ấy hẳn là nhiều chông gai, và rất dễ dẫn đến tù ngục. Quả là vậy, như chúng ta đã biết.

Chọn bút hiệu Á Nam, thi sĩ muốn nhắc nhở mọi người về nước Nam ở châu Á. Cái tên Á Nam với những vần thơ thiết tha về số phận của dân tộc đang bị đọa đày đã làm mới không khí thơ ca đang ướt át vì những lệ, những sầu, những oán, những thảm của Nhàn Khanh, Tương Phố, Đoàn Như Khuê…đang thịnh hành lúc bấy giờ. Còn có Tản Đà. Nhưng cái hay của Tản Đà chủ yếu là ở phong cách ngông nghênh, kiêu bạc trong những Giấc mộng lớn, Giấc mộng con…, còn về yêu nước thì kín đáo lắm, chỉ  thở than Vịnh bức dư đồ rách hay xa xôi bóng gió nhuốm vẻ phong tình với một Thề non nước, Qua cầu Hàm Rồng cảm tác…mà thôi.

Vơi Á Nam Trần Tuấn Khải, ông ý thức rất rõ về con đường nghệ thuật mà mình đang theo đuổi. Ông viết:

Đời không duyên nợ thà không sống

          Văn có non sông mới có hồn

                                                         Nhàn bút- Với sơn hà I

hay:              Góp cùng kim cổ lưng bầu huyết

           Gửi với sơn hà một áng văn.

                                                          Bài đề đầu Với sơn hà I

Ngay từ tập thơ đầu tiên: Duyên nợ phù sinh, Á Nam đã dựng lên hình tượng một con người hai vai nặng gánh nước non qua hình ảnh ẩn dụ về người đàn bà gánh nước:

            Em bước chân ra

                     Con đường xa tít

                     Con sông mù mịt

                     Bên vai kĩu kịt

                     Nặng gánh em trở ra về

                     Ngoảnh cổ trông sông rộng trời khuya

                     Vì chưng nước cạn nặng nề em dám kêu ai

                      Nghĩ tiếc công cho bà Nữ Oa đội đá vá giời

                      Con dã tràng lấp bể biết đời nào xong

                      Cái bước đêm khuya thân gái ngại ngùng

                      Nước non gánh nặng

                      Cái đức ông chồng hay hỡi có hay?

                      Em trở vai này…

                                                                        Gánh nước đêm

Ông Phạm Quỳnh, chủ báo Nam Phong nhận ra ngay ý tưởng ẩn chứa trong bài thơ. Dẫu là làm cho tờ báo của chánh mật thám Đông Dương, ông ta cũng phải thốt lên lời khen ngợi: “Đó là cái tình cảnh chị nhà quê gánh nước đêm, nhưng ở đời há chẳng có những người chí khí khác thường, cũng từng nặng lòng vì gánh nước non. (…) Túng sử cả tập thơ chỉ được một bài này cũng đáng khen, huống còn nhiều bài hay nữa”([viii]).

Còn nhà văn Song An Hoàng Ngọc Phách thì nhiệt liệt tán thưởng cả tập Duyên nợ phù sinh: “Gập sách lại tổng luận một câu rằng: “Tập văn có giá trị”. Giá trị vì đứng đắn, giá trị vì thanh cao, ông Á Nam đã khéo đem văn chương mà diễn ra những tấm cảm tình, hoặc mơ màng lai láng như trong bài Chơi núi Sài Sơn, bài Lên chợ giời, bài Vào chùa Hương Tích, hoặc khi ở việc tầm thường mà nảy được những ý tứ hay như trong bài Tiễn chân anh Khóa, bài Gánh nước đêm, hoặc ngông nghênh như trong bài Bác xẩm. ”([ix])

Tiếng thơ Á Nam thực sự lay động toàn quốc là từ loạt bài thơ Anh Khóa, mở đầu bằng bài Tiễn chân anh Khóa xuống tàu:

“Anh Khóa ơi, em tiễn chân anh xuống tận bến tàu

             Đôi tay em đỡ cái khăn trầu, em lấy đưa anh

             Tay cầm trầu giọt lệ chạy quanh

             Anh xơi một miếng cho bõ chút tình em nhớ thương”

Bài thơ gợi đúng nỗi đau đang tràn ngập lòng người lúc bấy giờ: nỗi đau chia ly. Con xa cha mẹ, anh xa em, vợ xa chồng... Người thì đi phu đồn điền, kẻ thì lưu lạc vì kế sinh nhai, kẻ thì đi lính đánh thuê ở tận trời Âu, và cả những người xuất dương bôn ba hải ngoại nữa. Nỗi đau chia ly hằn lên cả trong những câu hát dân gian:

  Tàu súp-lê ([x]) một tàu quằn tàu quại

  Tàu súp-lê hai tàu ra biển bắc

  Tay anh vịn song sắt nước mắt chảy đôi hàng

            Ai làm cho lỡ chuyến đò ngang

            Cho sông sông rộng, cho đôi đàng biệt ly

                                                           Ca dao Nam bộ

Anh Khóa của Á Nam đã xuống tàu xuất dương, nhưng hình như việc chia tay với người vợ trẻ có cái gì đó lớn lao hơn, thiêng liêng hơn là chuyện lưu lạc vì kế sinh nhai:

Anh Khóa ơi!

Người ta lắm bạc nhiều tiền

Anh em ta phận kém duyên hèn nên phải long đong

Một mình anh nay Bắc lại mai Đông

Lấy ai trò chuyện cho khuây lòng lúc sớm khuya

Anh Khóa ơi!

Chữ tương tư vai gánh nặng nề

Giang hồ anh khéo liệu trở về kẻo em mong

Đúng như vậy, anh Khóa ở đây xuất dương vì nghĩa lớn với nước. Sáu mươi năm sau khi bài thơ ra đời- năm 1974, Á Nam tâm sự về cảm hứng viết bài thơ ấy như sau:

“Vào năm 1914, phong trào Đông kinh nghĩa thục đang khơi dậy lòng ái quốc và phát động phong trào nô nức xuất dương du học của đám sĩ phu nước nhà, nhưng bị nhà cầm quyền Pháp phá vỡ, một số sĩ phu phải trốn ra ngoại quốc. Nhân tiễn một người bạn lên tàu ở bến Hải Phòng, quang cảnh kẻ ở người đi đổi trao tâm sự, đưa nhau miếng trầu, cảm xúc đó đã thúc đẩy nhà thơ viết bài Tiễn chân anh Khóa” ([xi])

Bài thơ lan truyền khắp toàn quốc. Như Á Nam có kể lại: năm 1928- 1929, nghĩa là 15 năm sau khi bài thơ ra đời, thi sĩ đi vào Nam, thì nghe ở khắp các bến xe, nhà ga cả Bắc, Trung, Nam đâu đâu người ta cũng hát bài này. Đến ga Đà Nẵng, khi ông xuất trình giấy tờ, viên xếp ga thấy tên ông vội vã mời ngay vào phòng trưởng ga nói chuyện để tỏ ý hâm mộ rồi trịnh trọng đưa thi sĩ đến tận tàu.

Sự yêu thích như vậy có thể so với thơ của Bạch Cư Dị, như trong Thư gửi Nguyên Chẩn, Bạch Cư Dị thuật lại rằng: trong mấy chục năm ông đi tới đâu, dù xóm chợ hay chùa chiền cũng đều thấy người ta ca bài Tì bà hành, Trường hận ca của ông.

Những năm 30, thi sĩ Á Nam còn để lại một bài thơ có thể kể vào hàng tuyệt tác. Đó là bài Tráng sĩ hành viết năm 1933. Ý muốn giúp đời, giúp nước bằng văn chương đôi khi cũng thấy vô nghĩa quá. Giấc mộng anh hùng của kẻ sĩ “nhân sinh tại thế bất xứng ý” (Lý Bạch) đã được ký thác vào một bài thơ về Kinh Kha sang Tần để hành thích Tần Thủy Hoàng. Bài Tráng sĩ hành có giọng bi hùng, khảng khái mà  uất ức, mang đậm hơi thơ cổ:

Gió đìu hiu sông Dịch lạnh lùng ghê

Tráng sĩ một đi không bao giờ về”

Tay nâng chén rượu giã người cũ

Miệng đọc câu ca chân bước đi

Dao tình mài liếc với thanh khí

Chí hùng tung bốc đầy sơn khê 

Người tráng sĩ ra đi vì nghĩa lớn, coi cái chết nhẹ tựa lông hồng. Giọng thơ khắc bạc, kiêu bạc, khinh bạc…, chúng ta thực sự không ngờ “Anh Khóa Khải” đạo lý, nghiêm trang, đôi khi dân dã lại có giọng thơ lạ như vậy:

Niềm phân ly!

Đã bước chân ra không hẹn kỳ,

Đời người bất quá vị tri kỷ,

Sống, chết, nên, chăng ai sá chi!

Túi áo xênh xang ba tấc kiếm,

Bụi hồng dong ruổi đôi bánh xe.

Ẩn đằng sau dáng vẻ gầy guộc thư sinh của một anh đồ, anh khóa kia vẫn ngùn ngụt một giấc mộng anh hùng. Không hiểu sao, tôi cứ tin là thi sĩ làm bài thơ này khi đã chếnh choáng hơi men. Với người xưa, uống rượu là để phát lộ tính tình. Ta nghe thấy ở đây không chỉ giọng bi tráng của Kinh Kha bên bờ Dịch thủy:

Phong tiêu tiêu hề, Dịch  thủy hàn

Tráng sĩ nhất khứ hề, bất phục hoàn

 mà còn phảng phất một giọng cảm khái của Đoản ca hành (Tào Mạnh Đức),  uất ức của Hành lộ nan (Lý Thái Bạch), khảng khái của Chính khí ca (Văn Thiên Tường) và khinh bạc, tiêu sái của Uống rượu tiêu sầu (Cao Bá Quát)… Xin đọc tiếp:

          Thề đem tấm thân tới hang hổ

Giết con cọp dữ rừng man di

Đời nếu chôn lấp hết công lý,

Anh hùng hào kiệt còn ra gì!

Phá núi Thái Sơn lấp Đông Hải,

Ấy là phận sự đàn nam nhi.

          (…)

Liếc mắt khắp trông vũ trụ đó

Đâu không là cảnh ta say mê!

Chếnh choáng hơi men bốc chính khí,

Ngâm câu khảng khái mình ta nghe…

Bài thơ này thể hiện những ý tưởng quyết liệt vào khoảng thời gian tác giả của nó mới từ nhà tù thực dân ra (1932) vì những tác phẩm “phiến loạn”.

Chúng ta từng say mê với Hồ trường qua lời thơ dịch tuyệt diệu của Nguyễn Bá Trác:

Trượng phu không hay xé gan bẻ cật phù cương thường

Hà tất tiêu dao bốn bể, luân lạc tha hương

Trời Nam nghìn dặm thẳm

Mây nước một màu sương

Học không thành, công chẳng toại,

Trai trẻ bao lâu mà đầu bạc,

Trăm năm thân thế bóng tà dương.

Vỗ tay mà hát, nghiêng đầu mà hỏi,

Trời đất  mang mang ai là tri kỷ,

Lại đây cùng ta cạn một hồ trường

Chúng ta cũng từng quen thuộc những bài thơ bi tráng: Tống biệt hành của Thâm Tâm, Túy hậu cuồng ngâm của Vũ Hoàng Chương, Hành  phương Nam của Nguyễn Bính v.v… nhưng dường như chúng ta còn chưa quen lắm với Tráng sĩ hành của Á Nam Trần Tuấn Khải. Theo tôi Tráng sĩ hành là bài thơ quốc ngữ mở đầu và là một trong những bài thơ hay nhất trong dòng thơ hành hiệp bi tráng trước 1945.

Phong dao là một trong những cống hiến đăc sắc của Á Nam. Hồn ca dao của dân tộc đã thấm sâu vào “anh Khóa” bình dân, khiến cho thi sĩ viết ra những bài ca như của một chị “nhà quê”, một anh trai cày đích thực:

       Anh đi anh nhớ quê nhà

Nhớ canh rau muống nhớ cà dầm tương

       Nhớ ai dãi nắng dầm sương

Nhớ ai tát nước bên đường hôm nao

                                             Bút quan hoài I

hay:           

        Rủ nhau xuống bể tìm cua([xii])

                     Đem về nấu quả mơ chua trên rừng

        Em ơi chua ngọt đã từng

Non xanh nước bạc xin đừng quên nhau

                                             Duyên nợ phù sinh

Từ thi pháp cho đến tâm tình đều thấm nhuần lời ăn tiếng nói, ca dao của người nông dân Việt Nam. Trách chi nhà nghiên cứu văn học Vũ Ngọc Phan lại chẳng lầm mà đưa hai bài ấy vào mục ca dao về “Tình yêu nam nữ” trong công trình Tục ngữ ca dao dân ca Việt Nam của ông. Ngoài hai bài ấy ra, Á Nam còn nhiều bài phong dao khác nữa mà khi để cạnh ca dao người ta khó có thể phân biệt được đâu là Á Nam và đâu là dân gian:

      - Vành giăng ai xẻ làm đôi

Đường trần ai vẽ ngược xuôi hỡi chàng

      Đưa nhau một bước lên đàng

Cỏ xanh hai dãy mấy hàng châu sa.

      - Bướm kia sao nỡ lìa hoa

Chim xanh sao nỡ bay xa vườn hồng

                   Ai đi muôn dặm non sông

Để ai thương nhớ sầu đong một mình

Thơ Nguyễn Du cũng đã từng được những người dân quê nghĩ là lời ca của mình. Ngược lại trong thơ Nguyễn Du cũng có không ít những lời “tang ma ngữ”, lời của người hái dâu, dệt vải. Ở Á Nam cũng vậy. Á Nam đã hòa tiếng thơ của mình, số phận của mình vào với nhân dân: ông đã làm người xẩm mù hát rong nỗi lòng của nhân dân, như Homère đã làm với Iliat, Bạch Cư Dị đã làm với Tì bà hành, Trường hận ca

Thi sĩ Á Nam Trần Tuấn Khải đã xa chúng ta, nhưng tên tuổi của ông  cùng với nhiều bài thơ của ông đã hóa thân vào với nhân dân và bất tử cùng với dân tộc.

 

CHÚ THÍCH                                                               

 



* PGS.TS, Khoa Ngöõ vaên vaø Baùo chí, Tröôøng Ñaïi hoïc KHXH vaø Nhaân vaên (ÑHQG TP.HCM)



[i]  Gia phả họ Trần, Á Nam Trần Tuấn Khải soạn, 1966. Phần tiểu sử Á Nam, chúng tôi cũng   chủ yếu dựa vào tài liệu này.

[ii]    1920 là viết theo Gia phả họ Trần, còn theo  Duyên nợ phù sinh II (Xương Ký xuất bản lần 3, 1927) thì sách này xuất bản năm Tân dậu, Khải Định thứ nhất, 1921

[iii]   Phan Thị Bạch Vân (Hoàng Thị Tuyết Hoa), nhà văn, nhà báo, người sáng lập ra Nữ Lưu Thư Quán Gò Công, có đóng góp lớn trong phong trào duy tân và đấu tranh cho nữ quyền ở Nam Bộ. Năm 1930 bà bị thực dân Pháp bắt đưa ra tòa vì tội phá hoại trị an bằng văn chương tư tưởng. Trong sách Nữ anh tài cuốn 2 có ghi: “Chư văn nhơn giúp bộ biên tập: Madame Nguyễn Khoa Tùng dit Đạm Phương Nữ Sử - Huế (…) Monsieur Á Nam Trần Tuấn Khải – Hà Nội ” (Nữ Lưu Thơ Quán xb, Gò Công, 1929, tr.45).

[iv]    Với sơn hà, cuốn thứ II, in lần thứ nhất, Nhà in Quảng Tiến xb, Hà Nội, 1949, tr.5

[v]    Xin lưu ý: Trên các bìa sách võ hiệp lấy đề tài Trung quốc cổ, Trần Tuấn Khải ghi 3 khái niệm khác nhau (chúng tôi giữ nguyên): “dịch”, “thuật”, “dịch thuật”. Trong đó “dịch” chắc chắn là dịch rồi, nhưng “thuật” là gì? Chúng tôi cho rằng có lẽ là sáng tác, vì trong Gia phả ông có viết: “Được ít lâu lại in bộ tiểu thuyết Hồng Tú Toàn và hợp tác với nhà xuất bản Tam Hữu dịch các sách kiếm hiệp. Đồng thời lại xuất bản bộ Thiên Thai lão hiệp do bản thân tự soạn, dài tới bốn, năm mươi hồi đều được các giới thưởng thức nhiệt liệt và rất dễ tiêu thụ trong thị trường văn giới” (tr.34). Trên bìa bộ Thiên Thai lão hiệp ấy ông đề là “thuật”.  Còn lại khái niệm “dịch thuật” có lẽ là trung gian giữa dịch và thuật, như một loại phóng tác chăng?

[vi]     Với sơn hà, sđd, tr.6

[vii]    Văn học tạp chí, chuyên san, chủ nhiệm và chủ bút: Trần Tuấn Khải, Sài Gòn, 1959

[viii]    Dẫn theo Duyên nợ phù sinh II, Xương Ký xuất bản lần 3, 1927, tr.2

[ix]     Dẫn theo Duyên nợ phù sinh II, sđd, tr.4

[x]   Sufflet: kéo còi

[xi]   Tạp chí Bách  khoa (Sài Gòn) số 416 năm 1974

[xii]    Tục ngữ ca dao dân ca của Vũ Ngọc Phan chép là “mò cua”.

 

 

Nguồn: Tạp chí Nghiên cứu văn học số 7/ 2007

Online Members

We have 313 guests and no members online

Homepage Data

62889209
Today
Yesterday
All
10816
22357
62889209

Show Visitor IP: 35.171.164.77
08-10-2024 16:51