23112024Sat
Last updateTue, 19 Nov 2024 1pm

Kiều Thanh Quế - Nhà nghiên cứu văn học

Kiều Thanh Quế (1914-1947), quê ở làng Hắc Lăng (nay là xã Tam An), huyện Long Đất, thị xã Bà Rịa - Vũng Tàu. Ông còn có bút danh khác như Mộc Khuê, Tô Kiều Phương, Quế Lang, Nguyễn Văn Hai. Trong công trình Mảnh vụn văn học sử, nhà nghiên cứu Bằng Giang cho rằng: “Trong lịch sử văn học Việt Nam, chắc không thiếu những trường hợp một bút hiệu nào đó rất quen thuộc từ trước “những ngày binh lửa cháy quê hương” lại biến mất như KIỀU THANH QUẾ”(1). Ông là một trong số ít các cây bút nghiên cứu, phê bình của Nam Bộ có công đối với sự phát triển của phê bình văn học Việt Nam đầu thế kỷ XX và đến nay vẫn cần được khám phá thêm.

 

 

Sinh ra ở vùng đất đỏ giàu truyền thống đấu tranh, Kiều Thanh Quế là anh cả của hai người em, một trai và một gái. Em gái ông là bà Kiều Thị Vạn, trong kháng chiến chống Pháp là một cơ sở cách mạng, nay đã mất. Người em trai tên là Kiều Nguyên Trung, tham gia kháng chiến, hiện nghỉ hưu ở phường Phước Trung, thị xã Bà Rịa. Thuở nhỏ Kiều Thanh Quế học tại Bà Rịa, sau đó lên Sài Gòn học ở trường Pétrus Ký và tham gia các tổ chức yêu nước. Sau khi lấy bằng thành chung ông dạy học ở trường trung học Nguyễn Văn Khuê, nhưng chỉ hai năm sau xin nghỉ. Không khí đấu tranh sôi động của nhân dân đã nhen nhóm trong tính cách và tâm hồn của chàng trai trẻ tuổi những tình cảm yêu nước. Vận mệnh đã gắn chặt Kiều Thanh Quế với văn chương khi những truyện ngắn đầu tay được đăng trên Tiểu thuyết thứ bảy vào những năm 1929 với bút hiệu Quế Lang. Tinh thần chống Pháp không chỉ thể hiện bằng những bài viết đăng trên báo mà qua hành động tấn công một người Ấn có quốc tịch Pháp thu thuế chợ. Nhân vụ này, cộng với những mối lo vốn có từ trước, thực dân Pháp đã quản thúc ông tại Bà Rá, một thời gian sau chuyển về Cần Thơ. Điều đó không làm tắt ngọn lửa yêu nước và nhiệt tình đối với nền văn học dân tộc trong ông mà nó càng thôi thúc sự đấu tranh và sáng tạo. Mặc dù sống giữa vòng kìm kẹp của mật thám, Kiều Thanh Quế vẫn dõi theo những bước đi của nền văn học và có nhiều đóng góp xuất sắc cho nền phê bình còn non trẻ lúc bấy giờ bằng những công trình như Ba mươi năm văn học (1941), Phê bình văn học (1942), Cuộc tiến hoá văn học Việt Nam (1943), Thi hào Tagore (1943). Riêng cuốn Thi hào Tagore được ông ký là Nguyễn Văn Hai, tên một người bạn là con của một vị ân nhân đã đùm bọc ông trong thời gian bị quản thúc ở Cần Thơ.

 

Vào những năm đầu thập niên 30 của thế kỷ XX, nhiều cuộc khởi nghĩa ở Nam Kỳ bùng lên xóa tan bầu không khí ngột ngạt trong xã hội, khí thế sôi động chuyển dần sang báo chí và đời sống văn học. Các hội khuyến học và tổ chức văn học được thành lập rộn rịp. Nhóm Tây Đô ra đời với những thành viên có uy tín trong làng văn làng báo thời bấy giờ như Giáo sư Nguyễn Văn Kiết (tức Tây Đô Cát Sĩ), Bác sĩ Lê Văn Ngôn (em nhà nghiên cứu Lê Thọ Xuân), Tố Phang, Trúc Đình và Kiều Thanh Quế lúc này đang bị quản thúc tại Cần Thơ. Với sự giúp đỡ của các thành viên nhóm Tây Đô, Kiều Thanh Quế có nhiều thuận lợi trong công việc phê bình văn học vốn là niềm đam mê lớn nhất của ông. Đây cũng là thời kỳ viết sung sức nhất trong quãng đời sáng tạo ngắn ngủi của Kiều Thanh Quế. Bằng Giang cho rằng, ở vào giai đoạn này, Kiều Thanh Quế là một trong những cây bút “viết khoẻ nhứt”(2) cho tạp chí Tri Tân bên cạnh các cây bút kỳ cựu của tờ tạp chí có công đối với nền văn học Việt Nam trong giai đoạn đầu thế kỷ XX như Lê Thanh, Hoa Bằng - Hoàng Thúc Trâm, Ứng Hoè - Nguyễn Văn Tố. Chính Phạm Thế Ngũ đã nhận xét: “Ngay từ 1941 miền Nam đã cung cấp cho tạp chí Tri Tân những cây bút khảo luận xuất sắc: Lê Thọ Xuân, Tố Phang, Kiều Thanh Quế”(3).

 

Ngọc Nhơn, bạn văn của Kiều Thanh Quế đã viết những dòng như sau trong buổi gặp gỡ cuối năm 1944 của nhóm Tây Đô: “Vừa lên tới đỉnh đồi, tôi gặp ngay một người trẻ tuổi đứng ngó mông ra biển. Tôi biết là Kiều Thanh Quế, có lẽ ông đang đón gió bốn phương tự thành Vienne (Học thuyết Freud) hay tự Ấn Độ (Rabindranad Tagore) hoặc ông đang nghe ngóng phong trào văn học để điều khiển ngọn bút cho hạp thời. Trên văn đàn văn học Nam Kỳ, ông đã chiếm một địa vị kha khá nhờ hai tai rất thính của ông. Chẳng những ông đón tiếp phong trào mau lẹ, ông cũng là một người khơi nguồn phong trào ấy”(4).

 

Trong sự bề bộn của đời sống văn học đầu thế kỷ XX, việc Kiều Thanh Quế chọn một tờ tạp chí như Tri Tân (TT) để cộng tác vẫn không cho thấy tác giả là người đứng hẳn về xu trào cũ trong văn học. Các bài báo phê bình của ông mang tính thời sự nóng bỏng, thể hiện một con người luôn đứng giữa dòng của đời sống phê bình văn học. Có thể kể ra đây hàng loạt bài phê bình như vậy: Lều chõng (TT, số 23 – 1941); Cuộc kỳ ngộ Lan Khai-Sweig “Tội và thương” gặp “La peur”TT, số 43 – 1942); Phê bình “Hàn Mặc Tử” của Trần Thanh Mại (TT, số 46 – 1942); “Đồng bệnh” kịch của Khái Hưng (TT, số 63 – 1942); “Chân trời cũ” tập truyện ngắn của Hồ Zếnh (TT, số 67 – 1942); “Bóng mơ” tiểu thuyết của bà Tú Hoa (TT, số 59 -1942); “Quê người” tiểu thuyết của Tô Hoài (TT, số 69 – 1942); “Nhà văn hiện đại” của Vũ Ngọc Phan (TT, số 73 – 1942); Vở Jalousie của Sacha Guitry biến thể trong: “Ghen” kịch ba hồi của Đoàn Phú Tứ (TT, số 76 – 1942); “Đêm Lam Sơn” kịch bốn hồi của Hoàng Mai (TT, số 108 – 1943); Hương xa (TT, số 114 – 1943); Văn học Nam Kỳ 1943 (TT, số 126/127 – 1944); Nhân đọc “Thi nhân Việt Nam” của Hoài Thanh và Hoài Chân (TT, số 134 – 1944); Những xu hướng trong văn học Việt Nam trong năm qua (Năm 1945 – PMH chú) (TT, số 178 – 1945); … và những bài viết có tính chất xây dựng lý thuyết về phê bình văn học như: Phê bình quảng cáo (TT, số 98 – 1943); Phê bình với văn học sử (TT, số 118 – 1943); Vì yêu chân lý (TT, số 142 – 1944); Đại chúng văn học (TT, số 151 – 1944); Thời kỳ văn học phôi thai (TT, số 158 – 1944); Mấy lối phê bình văn học (TT, số 173 – 1945)... Trước khi cộng tác với tạp chí Tri Tân, trên tờ báo Mai do Đào Trinh Nhất làm chủ bút, Kiều Thanh Quế đã có một loạt bài làm xôn xao giới phê bình văn học thời bấy giờ như Bỉ vỏ của Nguyên Hồng (Mai, 22/6/1938); Làm đĩ, Thanh niên S.O.S, Người đàn bà trần truồng và quan niệm tình dục trong văn chương Việt Nam (Mai, 27/9/1939); “Làm đĩ” của Vũ Trọng PhụngMai, 10/3/1939); “Trở vỏ lửa ra” Phan Khôi, hay là trả Phan Khôi lại địa hạt của Phan KhôiMai, 29/9/1939); Trở lại vụ án đạo văn-Thoát ly, Ngược dòng (Mai, 11/8/1939); Phê bình Nàng Đào (Mai, 13/9/1939... Nhìn nhận những vấn đề nhạy cảm trong xã hội đang được văn học đề cập đến, trong đó có vấn đề tình dục, không chỉ bằng những bài phê bình, Kiều Thanh Quế còn sáng tác tiểu thuyết. Hai cuốn tieu thuyết: Hai mươi tuổi (Nxb. Đức Lưu Phương, 1940) và Đứa con của tội ác (Nxb. Mai Lĩnh, 1941), tuy không mấy thành công ở mặt nghệ thuật nhưng lại bộc rõ quan điểm xã hội của tác giả. Toàn bộ hai quyển tiểu thuyết có tới 27 chỗ bị cắt bỏ do kiểm duyệt, có nơi cắt tới hai trang sách, thiết nghĩ có lẽ do tác giả viết khá mạnh bạo về chuyện luyến ái. ( ( (

 

Hai mươi tuổi và Đứa con tội ác tập trung phê phán lối sống buông thả, không lý tưởng của một bộ phận thanh niên bấy giờ. Nhìn chung, so với những cuốn tiểu thuyết xuất hiện cùng thời gian này thì tiểu thuyết của Kiều Thanh Quế còn kém xa về nghệ thuật. Sớm nhận ra được điều này nên Kiều Thanh Quế đã từ bỏ địa hạt của tiểu thuyết, quay lại làm con ong cần mẫn trong lĩnh vực nghiên cứu và phê bình. Rút kinh nghiệm bản thân, trên báo Mai, Kiều Thanh Quế có bài viết gửi cho học giả Phan Khôi có tựa đề “Trở vỏ lửa ra” Phan Khôi, hay là trả Phan Khôi lại cho địa hạt của Phan Khôi. Trở vỏ lửa ra là một tiểu thuyết của Phan Khôi, nhưng theo Kiều Thanh Quế “ông Phan Khôi viết bằng một lối văn giống hệt của ông Ngô Tất Tố dùng viết “Tắt đèn”; của ông Hồ Biểu chánh dùng viết “Nợ đời”, “Cười gượng”… Phan Khôi cố giải phẫu tình yêu cho dễ hiểu mà thành ra buồn cười. Xuân Diệu dửng dưng nói chuyện tình yêu mà thành sâu sắc”. Cuối bài viết, Kiều Thanh Quế cho rằng: “Ông Phan Khôi nên đành để nghệ thuật quý báu của mình (nghệ thuật khảo cứu) mà phụng sự những điều mình sở đắc, hãy trả Phan Khôi lại địa hạt của Phan Khôi”. Kiều Thanh Quế cho thấy một phẩm chất đáng quý của người làm phê bình văn học là sự chân thành và thẳng thắn, ngay cả với họ Phan là người khả kính trong học giới. Qua bài viết mang tính đối thoại của ông:  Cuộc kì ngộ Lan Khai – Zweig “Tội thương” gặp “La peur”, Kiều Thanh Quế cho rằng Lan Khai không chỉ phóng tác mà còn dịch lại nhiều đoạn trong tác phẩm của Zweig, rằng Lan Khai làm như vậy là không tôn trọng người đọc và không làm đúng lương tâm của một nhà văn. Trong bài Vở Jalousie của Sacha Guitry biến thể trong “Ghen” kịch ba hồi của Đoàn Phú Tứ , sau khi chỉ ra những chỗ Đoàn Phú Tứ chép lại, ông kết luận: “Đoàn Phú Tứ đã theo Sacha Guitry, dầu theo khôn ngoan, nhưng cũng có ý che đậy then chốt công việc trứ tác của mình”.

 

Những trang viết của Kiều Thanh Quế cho thấy rằng nhiệm vụ của người làm phê bình văn học là chú ý đến các sự kiện trong đời sống văn học và cố gắng tác động, thúc đẩy cho văn học phát triển. Việc các nhà phê bình văn học như Kiều Thanh Quế thời bấy giờ chờ đón và vui mừng giới thiệu những đứa con tinh thần của nhà văn trên báo chí, chú ý tổng kết từng phong trào, từng thời kỳ văn học, từng năm, qua bước chuyển của đời sống văn học buộc những ai làm văn hoá, văn học hôm nay đáng phải suy nghĩ. Tuy thế, vào thời điểm đầu thế kỷ XX, trong sự bề bộn và phức tạp của đời sống văn học và báo chí, không ít nhà phê bình tự hạ thấp giá trị và chức năng của phê bình văn học, Kiều Thanh Quế đã chỉ ra điều này: “Lối phê bình quảng cáo của nhiều nhà báo ở nước ta (và cả ở nước Pháp nữa) chỉ giá trị bằng những lời rao của bọn trẻ bán báo – không hơn không kém! Hoặc nhận tiền của nhà xuất bản, hoặc cảm tình riêng với tác giả, các nhà phê bình quảng cáo hạ giá ngòi bút, viết lên mặt báo những lời ca ngợi, xem hớ hênh đến buồn cười” (Phê bình quảng cáo, Tri Tân, số 98 - 1943).

 

Đọc lại các cuốn sách của Kiều Thanh Quế như Cuộc tiến hoá văn học Việt Nam, Ba mươi năm văn học, mặc dù theo ông thực chất của công việc này là tính sổ văn học để độc giả có một cái nhìn tổng quát về một năm hay một thời kỳ văn học, nhưng thực chất Kiều Thanh Quế đã đi xa hơn trong dự định muốn phác thảo một lịch trình diễn tiến văn học của dân tộc. Ông không làm công việc như  Lê Thanh là phỏng vấn trực tiếp các nhà văn, mà ngược lại, đặt các nhà văn vào từng khuynh hướng, từng thời kỳ văn học và tìm hiểu nhà văn trong mối quan hệ với toàn cảnh đời sống văn học. GS Nguyễn Văn Trung cho rằng: “Kiều Thanh Quế chưa hẳn là một xây dựng có hệ thống văn học sử, mà chỉ là một phác họa những nét lớn của một lịch trình diễn tiến văn học”(5). Những công trình của Kiều Thanh Quế ra đời trong bối cảnh phê bình văn học Việt Nam với tư cách là một khoa học đã phát triển tương đối thuần thục, nhiều tác giả có tham vọng tổng kết cả một giai đoạn văn học hiện đại như Hoài Thanh, Vũ Ngọc Phan, thì Kiều Thanh Quế lại chọn thêm cho mình cả địa hạt văn học quá khứ. Qua ngòi bút của ông, cơ hồ như chính ông đã phát hiện ra sự quá độ từ nền văn học kiểu cũ sang nền văn học kiểu mới. Kiều Thanh Quế cho thấy rằng sở dĩ có sự chuyển biến lớn lao đó là có nguyên nhân của các yếu tố tạo nên đời sống văn học của một thời kỳ: sự có mặt của người Pháp mang theo văn hoá phương Tây; sự xuất hiện của chữ quốc ngữ đang thay thế dần chữ Hán; ngoài ra, hệ thống báo chí, nhà xuất bản ngày càng phát triển mạnh và có vai trò rất lớn trong quá trình hiện đại hoá văn học đầu thế kỳ XX.

 

Phê bình văn học là tác phẩm có đóng góp lớn cho phê bình văn học Việt Nam. Ở tác phẩm này, trước hết, Kiều Thanh Quế làm công việc định nghĩa thể văn phê bình, sau đó ông đi vào phê bình hai nhà văn Emille Zola và Vũ Trọng Phụng. Theo ông, phê bình văn học chính là linh hồn của đời sống văn học. Nhà phê bình chân chính là một người có đủ lực lượng, quyền hạn, điều kiện, để không phải làm việc quảng cáo như bọn con buôn, trả thù như đàn bà hay tiểu nhân, mà để chính đáng giới thiệu những nhân tài không may bị chìm đắm trong bóng tối, cộng tác với các nhà văn hữu danh, cốt làm sao tạo cho nền văn học nước nhà những áng văn chương toàn bích. Kiều Thanh Quế trân trọng giới thiệu các gương mặt phê bình tiêu biểu như Phan Khôi, Lê Thước, Phạm Quỳnh, Thái Phỉ, Hoài Thanh, Thiếu Sơn, Trương Tửu, Lê Thanh, Trần Thanh Mại, Phan Văn Hùm, Nguyễn Văn Hanh, Ngô Tất Tố, Trương Chính, Lan Khai. Và chính Kiều Thanh Quế sớm phát hiện ra rằng, ngay từ buổi sơ khai của nền văn học mới, văn học dịch đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển nền văn chương tiếng Việt và thể loại văn học, và trong đời sống văn học hiện thời cần có thêm nhiều tác phẩm văn học dịch hơn nữa.

 

Hơn nửa thế kỷ trôi qua, đây đó trong một số chuyên luận ít nhiều có nhắc đến tác giả này thì cũng chỉ là những dòng ngắn ngủi như chính cuộc đời của ông. Kiều Thanh Quế ra đi ôm theo mối nợ cuộc đời và văn chương, bỏ lại bao nhiêu dự định và hoài bão cống hiến cho văn học nước nhà. Để tưởng nhớ người có công buổi đầu của nền phê bình văn học bằng một sưu tập tác phẩm đến lúc này là thực sự cần thiết.

 

_______________

 

(1) Bằng Giang: Mảnh vụn văn học sử. Nxb. Chân Lưu, Sài Gòn, 1974, tr.178.

(2) Bằng Giang: Mảnh vụn văn học sử.  Sđd, tr.176.

(3) Phạm Thế Ngũ: Văn học Việt Nam giản ước tân biên, Quyển III. Tái bản. Nxb. Đồng Tháp, 1996, tr.667.

- Tham khảo: Tạp chí Tri Tân (1941-1945) - Phê bình văn học (Trịnh Bá Đĩnh - Nguyễn Hữu Sơn sưu tập, giới thiệu). Nxb. Hội Nhà văn, H, 1999, 618 trang.

(4) Ngọc Nhơn: Cuộc phiêu du trong vườn văn học Nam Kỳ năm mới qua, Đại Việt tạp chí, số 32, Lefevrier 1944, tr.10.

(5) Nguyễn Văn Trung: Lược khảo văn học, Quyển III (Nghiên cứu và phê bình văn học). Nam Sơn Xb, Sài Gòn, 1968, tr.136.

Online Members

We have 360 guests and no members online

Homepage Data

63693611
Today
Yesterday
All
13903
23426
63693611

Show Visitor IP: 18.221.192.248
23-11-2024 08:52