09102024Wed
Last updateMon, 07 Oct 2024 12am

Những bổ khuyết cần thiết cho bức tranh toàn cảnh của văn học Việt Nam hiện đại

 

Giờ đây thỉnh thoảng giở bộ Nhà văn hiện đại ra tra cứu, tôi cứ vừa kính phục vừa tiếc cho nhà nghiên cứu Vũ Ngọc Phan. Không thể không phục, vì chỉ bằng sự lao động nghiêm túc của cá nhân mình, Vũ Ngọc Phan đã đóng góp cho văn giới một bộ sách đồ sộ mà cho đến nay, dù hơn sáu mươi năm đã qua đi, vẫn có giá trị tham khảo cao. Tiếc, vì dù sách đã dày tới 1460 trang in, đã bao quát được 78 nhà văn, từ “những người đi tiên phong” - những nhà văn hồi mới có chữ quốc ngữ như Trương Vĩnh Ký - đến những nhà văn trẻ, xuất hiện và thành danh cuối những năm ba mươi, đầu những năm bốn mươi của thế kỷ XX; nhưng chủ yếu vẫn chỉ là bức tranh văn học chữ quốc ngữ trong thời gian ấy của nửa nước phía Bắc.

 

Trong số 78 nhà văn mà Vũ Ngọc Phan tìm hiểu, nghiên cứu chỉ có 3 khuôn mặt của văn học phương Nam: Trương Vĩnh Ký, Hồ Biểu Chánh, Đông Hồ. Vâng, chỉ có thế. Tôi ngờ là do giao thông cách trở, giao lưu văn hóa giữa hai miền khó khăn nên không đủ thông tin cần thiết chứ không phải do quan niệm đánh giá của tác giả Nhà văn hiện đại. Căn cứ vào những gì ông đã viết, ta thấy ông không hề khắt khe, định kiến, thiên lệch. Có thể nói, Vũ Ngọc Phan đã bỏ qua hàng loạt những nhà văn Nam Bộ, rất quen thuộc với người đọc Nam Bộ, nhiều người có tới hàng chục tác phẩm đã xuất bản, tất nhiên chưa phải là xuất sắc, nhưng chắc chắn đóng góp của họ không thua những người trong nhóm Đông Dương tạp chí và Nam Phong tạp chí được Vũ Ngọc Phan giới thiệu như Nguyễn Đỗ Mục, Nguyễn Bá Học, Nguyễn Hữu Tiến, Nguyễn Trọng Thuật... Có thể kể: Trần Chánh Chiếu, Nguyễn Chánh Sắt, Lê Hoằng Mưu, Tân Dân Tử, Trương Duy Toản, Phú Đức, Bửu Đình, Phạm Minh Kiên, Nguyễn ý Bửu, Sơn Vương...

 

 

 

Cách đây 4 năm (2001), chúng ta có được một công trình đáng quý khác: bộ Từ điển tác phẩm văn xuôi Việt Nam (tập I) do PGS-TS. Vũ Tuấn Anh và PGS-TS Bích Thu chủ biên.

 

 

 

Công trình rất có ích cho những ai nghiên cứu, giảng dạy và học tập văn học Việt Nam hiện đại. Thế nhưng, tôi cũng tiếc vì trong số 376 tác phẩm từ cuối thế kỷ XIX đến năm 1945 được nhóm biên soạn tóm tắt nội dung, nhận xét bước đầu, chỉ có 56 tác phẩm văn xuôi Nam Bộ. Thiếu nhiều quá! Vì chỉ riêng Hồ Biểu Chánh, trong 33 năm sáng tác tính đến 1945, đã có hơn 40 tác phẩm. Nếu tính gộp các tác phẩm đã xuất bản của ông và của 10 nhà tiểu thuyết đã nêu tên ở trên thì có tới 156 cuốn(1). Tất nhiên cũng phải cân nhắc giá trị, không thể giới thiệu xô bồ, đưa tất cả vào Từ điển, nhưng chắc chắn số lượng tác phẩm đáng được kể đến của văn xuôi Nam Bộ trong non nửa thế kỉ này cũng phải tới hàng trăm cuốn.

 

 

 

Tôi xin nói thêm đến bộ sách 970 trang khổ lớn - cuốn Văn học Việt Nam thế kỉ XX, do GS. Phan Cự Đệ chủ biên(2). Cần khẳng định ưu điểm của một số chương viết mang tính tổng kết của các tác giả, nhưng văn học Nam Bộ giai đoạn 1900-1945 cũng chưa được quan tâm đúng mức.

 

 

 

Nhắc đến những bất cập của ba công trình ra đời ở những thời điểm khác nhau kể trên, tôi luôn tự nhủ lòng: phàm “đã mang lấy nghiệp” nghiên cứu, khó có thể cầu toàn. Sai thì sẽ sửa, thiếu thì sẽ bổ sung. Chỉ có điều, nếu càng bớt sai bớt thiếu, càng bớt làm phiền bạn đọc. Riêng về việc nghiên cứu văn học Việt Nam hiện đại, cụ thể là ba chặng đầu của nó (1900-1930, 1930-1945 và 1945-1975) một yêu cầu mang tính nguyên tắc được đặt ra với giới nghiên cứu là phải khôi phục lại diện mạo như nó vốn có, để các thế hệ người đọc hôm nay và mai sau chiếm hữu được đầy đủ di sản văn học quá khứ - dù chưa xa, nhưng đã trôi nổi, thất tán một cách đáng ngại. Và chỉ từ thành công của việc làm đó, chúng ta mới có thể thấy được rành rõ tiến trình của việc hiện đại hóa văn học Việt Nam, thành tựu và hạn chế của các giai đoạn, cũng như đặc trưng thi pháp chủ yếu của một số tác giả tiêu biểu, của những thể loại văn học chính và của ba giai đoạn này.

 

 

 

Từ năm 1975 đến nay, trong một hoàn cảnh chính trị - xã hội đặc biệt thuận lợi khác trước, giới nghiên cứu phương Nam cũng như lực lượng nghiên cứu của cả nước đã đáp ứng trong chừng mực nhất định yêu cầu nói trên. Và riêng về việc khôi phục lại những di sản văn học Nam Bộ, chúng ta đã thu được kết quả rất đáng khích lệ trên cả ba cấp độ: phát hiện và giới thiệu tác phẩm, tìm hiểu và đánh giá tác giả, nhận định và khái quát về đặc điểm cơ bản của từng giai đoạn cũng như của từng thể loại.

 

 

 

Về việc khôi phục lại bức tranh văn xuôi Nam Bộ 30 năm đầu thế kỉ XX, có thể ghi nhận công sức của nhiều phía. Trước hết là việc một số nhà xuất bản cho sưu tầm và in lại hàng loạt tác phẩm của các nhà văn sáng tác trong giai đoạn này. Chỉ riêng nhà xuất bản Tiền Giang trong 5 năm 1986-1990 đã tái bản hơn 40 tác phẩm với số lượng lớn của Hồ Biểu Chánh. Việc in ấn của các nhà xuất bản địa phương phía Nam có phần ồ ạt, do nắm bắt được thị hiếu của đông đảo công chúng bình dân Nam Bộ, nhưng chính việc làm thiếu cân nhắc, gạn lọc này lại có lợi cho giới nghiên cứu - những người đang “đói” tư liệu.

 

 

 

Trong thời gian này các cấp ủy Đảng và chính quyền nhiều tỉnh đã xúc tiến việc viết Địa chí văn hóa. Nhiều cuốn được tổ chức công phu, đã giới thiệu kĩ lưỡng toàn diện về địa phương, trong đó phần văn hóa văn học rất được chú ý. Đáng kể hơn cả là các bộ Địa chí văn hóa Thành phổ. Hồ Chí Minh, Bến Tre  Long An, An Giang. Chẳng hạn, bộ Địa chí Bến Tre do Thạch Phương và Đoàn Tứ chủ biên, đã dành tới 120 trang trong tổng số 820 trang in để giới thiệu thành tựu văn học của tỉnh, đã trân trọng ghi nhận đóng góp của thế hệ nhà văn cuối thế kỉ XIX (Phan Thanh Giản, Nguyễn Đình Chiểu, Trương Vĩnh Ký, Phan Văn Trị, Trương Gia Mô...) cũng như của thế hệ nhà văn đầu thế kỉ XX (Sương Nguyệt Anh, Lê Hoằng Mưu, Nguyễn Văn Vinh, Ca Văn Thỉnh...) và những khuôn mặt tiêu biểu của giai đoạn sau cách mạng tháng Tám (Dương Tử Giang, Lê Thọ Xuân, Nguyễn Hải Trừng, Trang Thế Hy...).

 

 

 

Có thể nói đến sự đóng góp của giới nghiên cứu trong các viện, các trường đại học, các hội văn học.

 

 

 

Ngay từ 1987, để kỉ niệm 100 năm ra đời của cuốn tiểu thuyết đầu tiên bằng chữ quốc ngữ - cuốn Thầy Lazarô Phiền của Nguyễn Trọng Quản, khoa Ngữ văn trường Đại học sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh, với sự cộng tác của GS. Nguyễn Văn Trung, đã cho in và lưu hành nội bộ tác phẩm này.

 

Năm 1998, Hội Nghiên cứu và giảng dạy văn học TP. Hồ Chí Minh đã xuất bản bộ Truyện dài đầu tiên và tuyển tập các truyện ngắn Nam Bộ cuối thế kỉ XIX đầu thế kỉ XX (Cao Xuân Mỹ sưu tầm tuyển chọn, Bùi Đức Tịnh giới thiệu hiệu đính). Dựa trên cơ sở này, chị Cao Xuân Mỹ đã mở rộng diện sưu tầm và có được bộ tuyển tập dày dặn, công phu Văn xuôi Nam Bộ nửa đầu thế kỉ XX (2 tập, 1220 trang - Nxb. Văn nghệ Thành phố Hồ Chí Minh - 2000), tuyển và trích tuyển tác phẩm của 11 tác giả quen thuộc nổi trội hơn cả: Nguyễn Trọng Quản, Hồ Biểu Chánh, Lê Hoằng Mưu, Phú Đức, Nguyễn Bửu Mọc, Việt Đông, Nguyễn Chánh Sắt, Trần Quang Nghiệp, Sơn Vương, Tuấn Anh, Bửu Đình). Sau bảy, tám mươi năm, người đọc mới có lại trong tay các tác phẩm Người bán ngọc (Lê Hoằng Mưu), Nghĩa nghiệp kì duyên, Lòng người nham hiểm (Nguyễn Chánh Sắt), Lửa tình (Trần Quang Nghiệp), Bạc trắng lòng đen, Phản bạn vì tình (Sơn Vương), Ai lỗi lầm (Tuấn Anh), Mảnh trăng thu (Bửu Đình) v.v... cũng như mới được đọc 4 trong số 18 chương của bộ tiểu thuyết đồ sộ Châu về hiệp phố hơn một ngàn trang của nhà văn Bửu Đình. Cần ghi nhận tác động tích cực của các hội thảo khoa học: Hội thảo về “Tiến trình hiện đại hóa văn học Việt Nam” do Viện Khoa học xã hội tại Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức năm 1998; Hội thảo “Văn học quốc ngữ Nam Bộ cuối thế kỉ XIX đầu thế kỉ XX” do Viện Văn học và Trường Đại học khoa học xã hội nhân văn Thành phố Hồ Chí Minh phối hợp tổ chức năm 2002.

 

 

 

Những hoạt động kể trên, cộng với việc tái bản các công trình nghiên cứu như Việt Nam văn học sử giản ước tân biên (của Phạm Thế Ngũ), Mười ba năm tranh luận văn học (Thanh Lãng), Văn học miền Nam - Văn học Hà Tiên (Đông Hồ), Chân dung Hồ Biểu Chánh (Nguyễn Khuê) và nhiều cuốn khác của những trí thức đứng đắn ở các thành thị miền Nam trước năm 1975 đã tạo điều kiện thuận lợi để nghiên cứu sinh Tôn Thất Dụng bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ “Sự hình thành và vận động của thể loại tiểu thuyết văn xuôi tiếng Việt ở Nam Bộ giai đoạn cuối thế kỉ XIX đến năm 1932” năm 1993, cũng như sau đó chín năm, Cao Xuân Mỹ bảo vệ thành công luận án Quá trình hiện đại hóa tiểu thuyết Việt Nam từ cuối thế kỉ XIX đầu thế kỉ XX. Mặt khác, người đọc được đón nhận hàng loạt bài viết của Phong Lê (3), Nguyễn Huệ Chi(4), Vũ Tuấn Anh (5), Trần Hữu Tá (6), Võ Văn Nhơn (7). v.v... và nhiều chuyên khảo có giá trị của Bằng Giang (Văn học quốc ngữ ở Nam Kỳ 1865-1930, Bùi Đức Tịnh (Những bước đầu của báo chí, tiểu thuyết và thơ mới 1865-1932), Hoài Anh (Chân dung văn học).v.v... Công trình Từ điển văn học bộ mới của 106 nhà nghiên cứu mới ra mắt bạn đọc  cũng nằm trong ý hướng chung đó. Hơn chín mươi tác giả của văn học Nam Bộ, từ Trương Vĩnh Ký, Huỳnh Tịnh Của, Nguyễn Trọng Quản đến những cây bút xuất hiện và thành danh đầu thập kỉ sáu mươi đã được giới thiệu tương đối cặn kẽ, tuy vậy vẫn chưa thật đầy đủ.

 

 

 

Rõ ràng, với kết quả sưu tầm nghiên cứu đáng khích lệ nói trên, chúng ta có điều kiện dựng lại bức tranh toàn cảnh của văn học Việt Nam giai đoạn ba mươi năm đầu thế kỉ XX và thấy được sự đóng góp tích cực riêng của từng miền vào thành tựu chung của chặng đầu thử nghiệm xây dựng nền văn học hiện đại; đồng thời có thể chỉ ra căn nguyên xã hội - lịch sử tạo động lực cho sự phát triển văn học của từng miền. Riêng văn học Nam Bộ, không thể không chú ý đến tình trạng đô thị được hình thành sớm, tốc độ đô thị hóa cao, tỉ lệ thị dân - những công chúng mới của văn học ngày càng đông đảo. Họ đòi hỏi văn học phải thỏa mãn nhu cầu sinh hoạt tinh thần của họ, với nguyên tắc “thuận mua vừa bán”. Chính vì thế các nhà văn có điều kiện sớm trở thành chuyên nghiệp. Chữ quốc ngữ vốn đã gieo mầm từ lâu trên những vùng chịu ảnh hưởng của đạo Gia Tô ở khắp các miền duyên hải nước ta, nhưng đến giữa thế kỉ XIX, với tầm nhìn sáng suốt nhà bác học Trương Vĩnh Ký đã cấy thứ văn tự mới ấy trong hai môi trường rất quan trọng: báo chí (mà ông là chủ bút Gia Định báo) và trường học (ông là giáo sư, sau đó là hiệu trưởng trường Thông ngôn và trường Sư phạm Sài Gòn). Mặt khác các cơ sở vật chất kĩ thuật cho nền văn học mới cũng có ở Nam Bộ sớm hơn so với miền Bắc và miền Trung: báo chí, nhà xuất bản, nhà in. Ngoài tờ Gia Định báo - một tờ công báo - nhiều tờ báo khác, chính quyền có, tư nhân có, nhanh chóng xuất hiện ở Sài Gòn và ganh đua thị phần: Lục tỉnh tân văn, Nông cổ mín đàm, Nữ giới chung, Công luận báo, Pháp Việt nhứt gia, Phụ nữ tân văn, Thần chung v.v... Để hấp dẫn người đọc, tờ nào cũng dành đất cho văn chương, đặc biệt là cho truyện ngắn và tiểu thuyết. Có thể nói, báo chí Nam Bộ đã là bà đỡ mát tay cho các sáng tác văn chương. Vì thế văn xuôi quốc ngữ Nam Bộ ra đời sớm hơn cả, sớm hơn miền Bắc trên dưới mười năm. Nếu tính từ những quả bói đầu mùa như Chuyến đi Bắc Kỳ năm ất Hợi (1876), Chuyện khôi hài (1882) của Trương Vĩnh Ký, Chuyện giải buồn (2 tập, 1880-1885) của Huỳnh Tịnh Của, Thầy Lazarô Phiền (1887) của Nguyễn Trọng Quản... thì sớm hơn trên dưới 40 năm. Khảo sát kĩ hệ thống tác phẩm văn xuôi Nam Bộ giai đoạn này, ta thấy có những sắc thái riêng, khác với văn xuôi miền Bắc.

 

 

 

Về quan điểm sáng tác, ngay Nguyễn Trọng Quản - người mở đầu cho nền tiểu thuyết bằng quốc ngữ - trong bài Tựa cuốn Thầy Lazarô Phiền đã có một “tuyên ngôn” độc đáo. Ông muốn tiểu thuyết bắt nguồn từ cuộc sống đời thường: “Đã biết rằng: xưa nay dân ta chẳng thiếu chi thơ, văn, phú, truyện nói về những đứng anh hùng hào kiệt, những tay tài cao trí cả rồi đó; mà những đứng ấy thuộc về đời xưa chớ đời nay chẳng còn nữa. Bởi đó tôi mới giám bày đặt một truyện đời nầy là sự thường có trước mắt ta luôn, như vậy thì sẽ có nhiều người sẽ lấy lòng vui mà đọc; kẻ thì cho quen mặt chữ, người thì cho đặng giải phiền một giây” (Truyện dài đầu tiên và tuyển tập các truyện ngắn Nam Bộ cuối thế kỉ XIX đầu thế kỉ XX, tr 16 - Nxb. Văn nghệ Thành phố Hồ Chí Minh và Hội nghiên cứu - giảng dạy văn học Thành phố. Hồ Chí Minh xuất bản, 1998).

 

 

 

Về hành văn, đặt câu dùng chữ, khuynh hướng “đại chúng hóa” cũng được xác định từ rất sớm, từ Trương Vĩnh Ký - nhà văn giữ vai trò tiên phong của văn quốc ngữ, đã chủ trương, câu văn xuôi phải “trơn tuột như lời nói thường”. Đông đảo các nhà văn Nam Bộ tiếp bước ông đã tuân thủ nghiêm túc nguyên tắc viết văn ấy. Năm 1910, Trần Chánh Chiếu trong lời Tựa cho tác phẩm Hoàng Tố Anh hàm oan cũng đã nêu rõ chủ kiến, tán thành quan niệm của cả Trương Vĩnh Ký và Nguyễn Trọng Quản: “Từ ngày các đứng cao minh trong lục châu bày diễn dịch các thứ truyện chữ Nho ra chữ quốc âm, thì ít thấy có truyện nào nói việc trong xứ mình; các truyện đang rao bán đương thời đều là truyện Tàu. Nay tôi ngụ ý soạn ra một bổn nói về việc trong xứ mình, dùng tiếng tầm thường cho mọi người dễ hiểu”(8).

 

 

 

Trong những bước đi đầu tiên, văn xuôi Nam Bộ cũng như văn xuôi miền Bắc đã tiếp nhận, học hỏi kinh nghiệm, thành tựu của thế giới - cả Đông và Tây. Thế nhưng sẽ không khó nhận ra sự khác biệt giữa hai miền. Các nhà văn miền Bắc, mà đại biểu là các vị trong hai nhóm Đông Dương tạp chí và Nam Phong tạp chí, chủ yếu đã hướng đến trời Tây hiện đại. Các vị cũng chịu ảnh hưởng của tiểu thuyết Trung Hoa, nhưng mức độ hạn chế, và đáng chú ý là đã tiếp nhận cả tiểu thuyết chương hồi lẫn tiểu thuyết Trung Hoa hiện đại. Hiện tượng Tuyết Hồng lệ sử của Từ Trẩm á đã làm say mê người đọc một thời là một dẫn chứng cụ thể. Nam Bộ có phần khác. Không kể một thiểu số trí thức cao cấp, không ít người đã vào “làng Tây” (nhập quốc tịch Pháp) coi thường và hầu như không đọc văn học quốc ngữ, còn hầu hết các trí thức văn nghệ sĩ đã có sự phân hóa. Một bộ phận chịu ảnh hưởng của tiểu thuyết Trung Hoa cổ điển, như Trương Duy Toản, Nguyễn Chánh Sắt, Phạm Minh Kiên, Tân Dân Tử, Huỳnh Thị Bảo Hòa... những cây bút này đã tiếp nhận tiểu thuyết Trung Hoa từ nguyên bản hoặc từ vô số bản dịch ra quốc ngữ, được phổ biến rất rộng ở Nam Bộ đầu thế kỉ XX. Riêng Trần Phong Sắc, Nguyễn An Khương, mỗi người đã dịch trên dưới 40 bộ. Nhiều nhà văn, như Phú Đức, Trần Quang Nghiệp, Bửu Đình, Biến Ngũ Nhy, Nam Đình, Nguyễn Thế Phương, Lê Hoằng Mưu... chủ yếu lại chịu ảnh hưởng tiểu thuyết phương Tây. Chính vì thế, ngay trong ba thập kỉ này, ta đã chứng kiến sự song hành phát triển của nhiều loại tiểu thuyết: tiểu thuyết lịch sử, tiểu thuyết võ hiệp (các nhà văn chịu ảnh hưởng tiểu thuyết Tàu), tiểu thuyết trinh thám, tiểu thuyết phiêu lưu, tiểu thuyết tâm lý xã hội (các nhà văn chịu ảnh hưởng tiểu thuyết Tây) đáp ứng yêu cầu hưởng thụ của nhiều đối tượng công chúng khác nhau, chủ yếu và đông đảo hơn cả là người đọc bình dân Nam Bộ.

 

 

 

Thành tựu của văn học phương Nam trong các giai đoạn văn học tiếp sau đó cũng lần lượt được khôi phục giá trị. Về chặng đường 15 năm trước Cách mạng tháng Tám (1930-1945) một giai đoạn phát triển rất tốt đẹp của văn học Việt Nam hiện đại, sẽ không thể có bức tranh hoàn chỉnh nếu không khẳng định những đóng góp tích cực của Phi Vân - một Ngô Tất Tố của miền Nam - giúp chúng ta cảm nhận những nét đặc sắc, độc đáo của nông thôn và người nông dân Nam Bộ qua tiểu thuyết phóng sự Đồng quê (1942) và các truyện được viết liền sau đó, nhưng xuất bản muộn mất vài năm: Dân quê (1949), Tình quê (1949), Cô gái quê (1950). Trong lĩnh vực thơ, đã đến lúc cần tìm hiểu những sáng tác của Thẩm Thệ Hà - tập Thâm thúy và nhiều bài đăng trên Phổ thông bán nguyệt san (Hà Nội) cũng như trên các báo Đông Thinh, Chúa Nhật, Điện Tín, Thanh niên với bút danh Thành Kỉnh; của Hồ Văn Hảo (tập Thơ ý, 1949) và nhiều bài đăng trên Phụ nữ tân văn; của Khổng Dương (tập Ly tao, 1940) và các bài thơ đăng trên Công luận báo (Sài Gòn), Tiểu thuyết thứ bảy, Trung Bắc chủ nhật (Hà Nội). Nghiên cứu tác phẩm của các thi sĩ nói trên, ta có thể kết luận Nam Bộ không chỉ đóng góp vào phong trào Thơ mới hai nhà thơ Đông Hồ và Mộng Tuyết.

 

 

 

Trong lĩnh vực nghiên cứu phê bình, chúng ta cũng cần đánh giá sự đóng góp của các nhà văn Nam Bộ một cách kỹ lưỡng đầy đủ hơn. Vu Gia đã có một công trình có giá trị về tác giả Tình già: Phan Khôi - Tiếng Việt, báo chí và Thơ mới(9), trong đó khảo sát rất kỹ hoạt động lí luận phê bình của cây bút cao niên này. Nhưng còn những cống hiến sáng giá khác của Thiếu Sơn qua Phê bình và cảo luận (1933), Câu chuyện văn học (1933)? Của Thiên Giang (tức Hải Vân) trong cuộc tranh luận Nghệ thuật vị nghệ thuật hay Nghệ thuật vị nhân sinh? của Nguyễn Thị Kiêm qua các bài viết sắc sảo, đầy nhiệt hứng, cổ vũ cho Thơ mới đăng trên Phụ nữ tân văn, Công luận, Việt Nam, Nữ lưu với nhiều bút danh khác nhau: Nguyễn Thị Manh Manh, Mym, Nguyễn Văn Mym, Lệ Thủy, Nguyễn Thị Kim v.v...? Cây bút nữ này cũng xứng đáng có chỗ trong ngôi đình Thơ mới với những bài thơ đăng trên Phụ nữ tân văn, thực sự mới cả về nội dung và phương thức biểu hiện (Viếng phòng vắng, Lá rụng, Canh tàn, Hai cô thiếu nữ, Sa đà, Nhà thám hiểm và họa sĩ, v.v...).

 

 

 

Về chín năm chống Pháp (1945-1954) giới nghiên cứu lâu nay thường chủ yếu chú ý đến thành tựu của văn nghệ Việt Bắc, và chừng mực nào đó đến các vùng khác như Liên Khu Bốn, Liên Khu Năm và Nam Bộ. Mối quan tâm này không sai nhưng chưa đủ. Trong giai đoạn kháng chiến quyết liệt, chính trong lòng hai thành phố lớn tạm bị Pháp chiếm đóng - Hà Nội và Sài Gòn - vẫn có tiếng súng trừ gian diệt ác, những cuộc bãi công, bãi thị, biểu tình. Và các cây bút yêu nước vẫn lên tiếng một cách gan góc, dũng cảm. Tôi đã được đọc Tuyển tập thơ văn Viết trong Hà Nội tập I cách đây 11 năm(10). Cuối năm ngoái tôi rất vui mừng được đọc Viết trong Hà Nội tập II, đầy đặn phong phú hơn(11). Cả hai tập đã tuyển chọn tác phẩm của hơn 60 cây bút, lúc đó hầu hết còn rất trẻ, đăng trên các báo chí công khai, các nội san, tập san xuất bản bán hợp pháp hoặc bất hợp pháp. Một vài tác giả khác cũng đã có những tuyển tập của riêng mình: Băng Hồ với Phượng ơi! Mùa dĩ vãng, Huy Linh với Hoa đào năm cũ. Chỉ mong có tiếp những tuyển tập của Hoài Việt, Nguyễn Bắc, Muỗi Sài Gòn, Hoàng Công Khanh, Vân Long, Thy Ngọc, Giang Quân, Kiều Liên Sơn... Riêng về văn học yêu nước ở Sài Gòn, nếu ai quan tâm đến nó đều thấy hoạt động của bộ phận này có khi trầm lắng, nhưng cũng có những lúc rất sôi nổi, đặc biệt là mấy năm 1947-1950. Những tác phẩm của Lý Văn Sâm lúc hoạt động ở Sài Gòn đã được tập hợp trong Lý Văn Sâm toàn tập do Bùi Quang Huy sưu tầm chú thích và giới thiệu, của Thẩm Thệ Hà trong Thẩm Thệ Hà - thân thế và văn nghiệp do Thanh Việt Thanh biên soạn. Nhưng công việc vẫn còn nhiều. Còn cần dụng công sưu tầm và tái bản những sáng tác của Thiên Giang: Pháp du hồi ký đăng trên báo Sài Gòn mới năm 1949 và tập truyện ngắn Lao tù, xuất bản cũng trong năm này; của Vũ Anh Khanh: các tập truyện ngắn Sông máu, Đầm Ô Rô, các tiểu thuyết Nửa bồ xương khô, Cây ná trắc và tập thơ nổi tiếng Chiến sĩ hành; của Hoàng Tấn: tiểu thuyết Mẹ cũng chết vì tổ quốc và của một số nhà văn nhà thơ yêu nước khác.

 

Nhìn chung thành tựu sáng tác văn nghệ Việt Bắc và các vùng tự do khác của nước ta trong giai đoạn 1945-1954 khá nổi trội về thơ, ký và truyện ngắn, kịch một màn. Chính vì thế hàng loạt những tiểu thuyết kể trên là một sự bổ khuyết thích đáng, để văn học nước ta trong chín năm này đạt được sự cân đối cần có về mặt thể loại.

 

 

 

Cũng cần nhắc đến 21 năm chống Mỹ, giải phóng miền Nam (1954-1975). Vai trò, tác dụng của văn học yêu nước trong các thành thị tạm chiếm ở nửa nước phía Nam đã được khẳng định từ lâu. Một số chuyên khảo về dòng văn học này đã được xuất bản: Văn học yêu nước tiến bộ trong lòng các thành thị miền Nam (in trong tập Văn học Việt Nam chống Mỹ cứu nước) của Thạch Phương. Nhìn lại một chặng đường văn học của Trần Hữu Tá. Nhiều tuyển tập thơ văn yêu nước đã được tổ chức thực hiện khá công phu: Tiếng hát những người đi tới, Văn học yêu nước - tiến bộ - cách mạng trên văn đàn công khai Sài Gòn 1954-1975, Viết trên đường tranh đấu. Nhiều bộ tuyển tập hoặc toàn tập của các nhà văn tiêu biểu cho khuynh hướng này cũng lần lượt được ấn hành: Tuyển tập Vũ Bằng, Võ Hồng, Nguyễn Văn Xuân, Bình Nguyên Lộc, Lê Vĩnh Hòa, toàn tập Lý Văn Sâm... và nhiều tập truyện ngắn, tiểu thuyết có chiều sâu tư tưởng và nghệ thuật già dặn của Vũ Hạnh, Sơn Nam, Trần Duy Phiên, Nhật Tiến, Thế Vũ, những tập thơ giàu sức chiến đấu của Trần Quang Long, Võ Quê, Tần Hoài Dạ Vũ, Chinh Văn, các tập bút ký chính luận văn sảo, đậm chất trí tuệ của Nguyễn Ngọc Lan, Lý Chánh Trung v.v...

 

 

 

Thời gian qua đi đã 30 năm, đến nay chúng ta có căn cứ để nhận xét: khuynh hướng văn học này không chỉ có giá trị phục vụ kịp thời trực tiếp hoặc gián tiếp chống Mỹ và tha thiết kêu gọi người đọc - nhất là thanh niên - “Tìm về dân tộc”, góp phần tích cực vào sự nghiệp thống nhất đất nước, mà không ít tác phẩm thực sự có giá trị lâu dài, chịu đựng được sự thử thách của thời gian. Giá trị này được cấu thành bởi tư tưởng yêu nước sâu sắc và chất lượng nghệ thuật khá cao. Những tác phẩm của các cây bút tiêu biểu kể trên chắc chắn sẽ góp phần làm giàu cho kho tàng văn học Việt Nam hiện đại. Nó xứng đáng được xem xét, đánh giá một cách trân trọng trong các công trình văn học sử.

 

 

 

Thế nhưng nên chăng giới nghiên cứu cần tiến hành “tổng kiểm kê” lại những ấn bản phẩm ở các thành thị miền Nam trước đây, kể cả các sáng tác và các công trình nghiên cứu. Xem xét lại, không phải với tinh thần “hòa cả làng” trắng đen lẫn lộn, phải trái nhập nhằng về mặt tư tưởng chính trị; cũng không phải với thái độ “chiếu cố” bề trên vô lối, mà với một nguyên tắc rành mạch: Không định kiến hẹp hòi, không bị chi phối bởi quan điểm xã hội học dung tục; những gì có thể góp phần làm giàu cho sinh hoạt tinh thần, nâng cao tri thức văn hóa của người đọc hôm nay, chúng ta đều nên chắt chiu lưu giữ. Lĩnh vực âm nhạc đã và đang tiến hành công việc khảo sát lại các nhạc phẩm của Sài Gòn trước đây. Hàng trăm bài hát đã được công diễn trở lại. Đấy là một kinh nghiệm đáng học hỏi.

 

 

 

Một thế kỷ văn học hiện đại của dân tộc đã qua đi. Song song với việc chăm sóc vun trồng sao cho vườn hoa văn học Việt Nam thế kỉ XXI ngày càng rực rỡ, giới nghiên cứu chúng ta rõ ràng không thể thoái thác nhiệm vụ trân trọng bảo tồn di sản văn học của thế kỉ trước, không để thất thoát những giá trị, những sáng tạo của các thế hệ nhà văn đi trước. Sẽ là có lỗi, nếu bức tranh rộng lớn của văn học thế kỉ XX vẫn tiếp tục còn khuyết mảng này, vùng nọ. Việc này tuy khó, nhưng thiết nghĩ vẫn làm được. Với điều kiện là có sức mạnh tổng hợp của lực lượng nghiên cứu, và có chủ trương, kế hoạch, có đầu tư thỏa đáng.

 

 

 

Một dẫn chứng nhỏ: rất nhiều báo chí Việt Nam nửa đầu thế kỉ XX đã tuyệt bản trong các thư viện lớn ở Việt Nam, nhưng rải rác vẫn còn ở một số thư viện của Pháp, đặc biệt còn khá nhiều ở thư viện khổng lồ Francois Mitterand ở Paris và ở Trung tâm lưu trữ Aix en Provence (Marseille). Một chuyến đi sưu tầm tương đối dài hạn của một nhóm nghiên cứu dăm bảy người của Viện Văn học hoặc của hai trường Đại học Quốc gia Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh chẳng hạn. Chắc chắn chúng ta sẽ tìm lại được rất nhiều tài sản quí báu đã mất. Bức tranh toàn cảnh của văn học Việt Nam sẽ hạn chế đến mức tối thiểu sự khiếm khuyết đáng tiếc.

 
 
 
 

________________

 

(1) Xem Tiểu thuyết Nam Bộ cuối thế kỉ XIX đầu thế kỉ XX. Nxb. Đại học quốc gia TP.HCM, 2004.

 

(2) Nxb. Giáo dục, H, 2004.

 

(3) Tiến trình hiện đại hóa  văn học Việt Nam vào nửa đầu thế kỉ XX - Tạp chí Văn học, số 1-2001.

 

(4) Thử tìm một vài đặc điểm của văn xuôi quốc ngữ Nam Bộ trong bước khởi đầu - Tạp chí Văn học, số 5-2002.

 

(5) Ba mươi năm đầu thế kỉ: Sự định hình tính chất mới, hệ thống thể loại mới của Văn học Việt Nam hiện đại - Tạp chí Văn học, số 12-2002.

 

(6) Nghĩ về buổi bình minh của tiểu thuyết Nam Bộ - Tạp chí Văn học, số 10-2000.

 

(7) Con đường đến với tiểu thuyết hiện đại của hai nhà văn tiên phong Nam Bộ - Tạp chí Văn học, số 3-2000.

 

(8) Tiểu thuyết Nam Bộ cuối thế kỉ XIX đầu thế kỉ XX, tr.747.

 

(9) Nxb. Đại học quốc gia TP.HCM, 2003.

 

(10) Hội Liên hiệp văn học nghệ thuật Hà Nội, 1994.

 

(11) Hội Liên hiệp văn học nghệ thuật Hà Nội, 2004.

 
 



Nghiên cứu văn học số 5 - 2005

Online Members

We have 221 guests and no members online

Homepage Data

62894398
Today
Yesterday
All
437
15568
62894398

Show Visitor IP: 18.207.255.67
09-10-2024 01:01