09102024Wed
Last updateMon, 07 Oct 2024 12am

Ngưỡng vọng Hoài Thanh

Khi nghĩ về Hoài Thanh, bao giờ trong tôi cũng hiện lên hình ảnh một ông già cao gầy, móm mém, đi lại, nói năng hết sức nhẹ nhàng. Trong con hẻm nhỏ của đường Nguyễn Hữu Cảnh, Tân Định, buổi chiều năm 1980, anh Huỳnh Như Phương và tôi được diện kiến Hoài Thanh, ngồi chuyện trò cùng ông chừng vài chục phút, trong không gian yên tĩnh mà ân cần đến cảm động của đôi vợ chồng già quấn quýt nhau.

 

Tôi mang đến tặng ông tập tiểu luận tốt nghiệp đại học của mình: Sự chuyển biến của Hoài Thanh trước và sau cách mạng. Thời ấy, chưa có vi tính, tiểu luận đánh máy trên giấy pelure xấu, chữ mờ, khoảng 70 trang, thế mà ông cũng cất công đọc và sau đó viết lại cho tôi mấy giòng nhận xét bằng bút bi trên một tờ giấy cũng úa vàng. Chữ của ông thanh thoát, nét mảnh, như người khi di ngòi bút cũng sợ làm đau tờ giấy. Tôi nhớ nhất cái câu “…một vài chỗ trong tiểu luận này, ngay đối với tôi cũng là những phát hiện”, để rồi ngày càng hiểu ra cái thâm thúy của nhà phê bình bậc thầy.

 

Trong cuộc chuyện trò, trẻ rụt rè, đã đành, già cũng rất khẽ khàng. Giọng trầm nhẹ, thỉnh thoảng Hoài Thanh thở dốc. Chúng tôi biết là ông vào Nam để tránh cái khí hậu không tốt cho bệnh suyễn. Bất giác lúc ấy tôi nhớ ngay một tài liệu nào đó đã nói rằng: người có bệnh suyễn nếu viết văn, thường rất tinh tế trong phán đoán.

 

Tôi không nhớ là Hoài Thanh đã từng giữ những chức vụ quan trọng gì từ sau 1945, bởi vì đối với tôi điều ấy không mấy ý nghĩa. Qua những thông tin xoay quanh các sự kiện văn chương nghệ thuật ở miền Bắc giai đoạn 1954-1975, đôi khi hiện lên một Hoài Thanh quyền uy, cứng rắn. Có thể cho đến bây giờ, tôi vẫn đọc chưa đầy đủ, nhưng trang văn của Hoài Thanh luôn nói với tôi về một người khiêm cung, thường không dung nạp được cái thô bạo, đao to búa lớn. Lặng lẽ và cô đơn, có lẽ đó là tư thế sáng tạo của Hoài Thanh, mà tôi mường tượng từ việc quan sát con người và tác phẩm.

 

Như rất nhiều trí thức Việt Nam, Hoài Thanh đã phản kháng cái bạo quyền thực dân. Nhưng ông cũng đã kịp tiếp thu cái tinh hoa trong giáo dục và văn hóa Phương Tây, qua nhà trường và sách báo. Và cũng như nhiều trí thức Việt Nam lúc bấy giờ, trong tâm hồn Hoài Thanh vẫn còn đậm đà cái tinh túy của văn hóa truyền thống Việt Nam. Khi viết về xu hướng phê bình trực cảm, tôi đã nói về sự tương ngộ giữa phê bình trực cảm phương Đông và phương Tây, mà Hoài Thanh là trường hợp tiêu biểu[1] Và như vậy, từ rất sớm, trong Hoài Thanh hình thành một cảm thức thẩm mỹ có đẳng cấp, một cái goût đạt đến trình độ cao, mà nhiều nhà văn Việt Nam đương thời cũng như hiện nay chưa bao giờ đạt đến. Chính cái cảm thức thẩm mỹ này đã buộc Hoài Thanh chống lại sự tầm thường hóa văn chương, nghệ thuật. Ông đau đớn khi văn chương trở thành một công cụ mang tính thực dụng nhất thời. Ông hân hoan khi chạm vào một vần thơ lấp lánh hạt bụi vàng chữ nghĩa. Ông phản cảm khi bắt gặp sự lố bịch, lên gân. Duy mỹ dường như là căn tính của Hoài Thanh: ông là nghệ sĩ đích thực khi viết phê bình.

 

Cốt cách là nghệ sĩ, nếu đất nước yên hàn, hoặc phát triển bình thường, hẳn Hoài Thanh đã có thể đi đến cùng những điều mà ông xác tín. Sẽ không có những cãi vã vô nghĩa, không có những bước lùi, hoặc đứt gãy trong con đường cầm bút của từng cá nhân và trong giòng lịch sử văn chương của cả dân tộc. Ngay từ thời trẻ, Hoài Thanh đã viết báo- những cái note hai năm 1935-1936 trên Tràng An (mà Từ Sơn vừa sưu tầm và công bố[2]) cho ta biết một Hoài Thanh nhập cuộc- nhưng cũng từ rất sớm, Hoài Thanh hiểu được cần tránh sự nhập nhằng trong thể loại và danh nghĩa: “Ta nên nhớ cầm bút chưa phải là viết văn. Văn chương là vật quý, có đâu mà nhiều đến thế!”[3]. Và như vậy, trên tư thế của một nghệ sĩ, Hoài Thanh tiến đến yêu cầu chuyên môn hóa văn chương, điều mà trong suốt chiều dài lịch sử của văn học Việt Nam, có lẽ thời kỳ 1932-1945 là thời kỳ được thể hiện rõ nét nhất.

 

Con người nghệ sĩ ấy, Hoài Thanh và nhiều nhà văn khác đã phải xóa trong mình, khi trải qua con đường khổ ải[4]. Sự nghiệp chuyên môn hóa văn chương ấy, phải đành gác lại. Có thể gọi đó là sự từ bỏ con đường riêng nhỏ hẹp bước vào con đường lớn thênh thang. Có thể cho đó là sự hy sinh nhằm đạt đến mục tiêu chung là giành độc lập và thống nhất đất nước. Dù sao, đó vẫn là một chọn lựa bất đắc dĩ. Và tổn thất ngày nay đã rõ, không chỉ cho cá nhân nhà văn mà còn cho cả dân tộc.

 

Có lẽ Hoài Thanh là người thấm thía điều ấy hơn ai hết. Nhưng vốn lặng lẽ, ông chỉ  nói đôi lời tâm tình với người thân của mình vào cuối đời[5]. Thời gian và lịch sử rồi đây sẽ trả lại công bằng cho tất cả. Thật, giả sẽ được phơi bày dưới ánh mặt trời.

 

Dù tin vậy mà người viết vẫn không khỏi đắng lòng khi ngưỡng vọng về Hoài Thanh, tròn một 100 năm, ngày sinh của ông.

 

 

 
 

                                                                   Seoul, 14 tháng 7 năm 2009

 
 

 


[1] Nguyễn Thị Thanh Xuân, Phê bình văn học Việt Nam, 1930-1945, Nxb. Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh, 2004, tr. 113

[2] Từ Sơn sưu tầm và giới thiệu, Hoài Thanh trên báo Tràng An, Nxb. Hội nhà văn, 2009

[3] Hoài Thanh, Văn chương là văn chương, Tràng An, 15- 8-1935

[4] Tên một tác phẩm của Alexei Tonxtôi, được dùng như biểu tượng con đường lột xác, đi theo cuộc cách mạng vô sản của người trí thức.

[5] “ Cha viết văn đã 50 năm nhưng công việc cha thích nhất là dạy học và bình thơ, bình thơ hay, vô luận là của ai. Cha biết văn chương của cha cũng vầy vậy thôi. Nếu không có cuốn Thi nhân Việt Nam thì không chắc gì người ta đã công nhân cha thực sự là một nhà văn.Từ Sơn, Tìm hiểu Hoài Thanh, Nxb. Hội Nhà văn, Hà Nội, 2009, tr.19.

 

Nguồn: http://www.viet-studies.info/HoaiThanh_NTThanhXuan.htm

Online Members

We have 254 guests and no members online

Homepage Data

62894275
Today
Yesterday
All
314
15568
62894275

Show Visitor IP: 18.207.255.67
09-10-2024 00:40