23112024Sat
Last updateTue, 19 Nov 2024 1pm

Nguyễn Đăng Na và những thành tựu nghiên cứu văn học trung đại của anh

Trong ngành nghiên cứu văn học trung đại Việt Nam Nguyễn Đăng Na là tên tuổi không thể bỏ qua. Tôi biết Nguyễn Đăng Na ở Đại học sư phạm trong một lần gác trường đêm 30 Tết năm 1982, trời rất rét, chúng tôi đi quanh khu lớp học khuya ngồi nói chuyện gẫu với nhau rất khuya, tôi nhận ra anh là người hóm hỉnh, kể chuyện có duyên. Tôi thất sự biết tài anh khi đọc bài anh viết về bài thơ gọi là “lỡm quan thị” của Hồ Xuân Hương trên báo Nhân dân cuối tuần (1989). Anh đã cho thấy đó là bài chế người vô âm nữ. Một cách hiểu hợp lí, mới mẻ, chấm dứt một cách hiểu suy diễn vu vơ, dai dẳng rất lâu đời, từ khi tôi học cấp 2 rồi lên cấp 3 các thầy vẫn giảng như thế, có nghĩa là đại học vẫn giảng như thế. Điều đó nói lên rằng trong nội dung giảng dạy ở đại học chúng ta có không ít điều sai trái, cũ kĩ, ngộ nhận mà nếu không có người chỉ ra thì nó cứ tồn tại mãi, gieo rắc ngộ nhận cho không biết bao nhiêu người. Hiểu thế để thấy đóng góp của Nguyễn Đăng Na cho nghiên cứu giảng dạy văn học trung đại Việt Nam là rất đáng quý. Các bậc thầy như Bùi Văn Nguyên, Bùi Duy Tân đã làm như thế, đến lượt mình anh còn đóng góp nhiều hơn. Tài năng anh thật sự nở rộ từ sau khi anh đi làm thực tập sinh rồi cộng tác viên 4 năm ở Viện Phương Đông và Viện các nước Á Phi (Đại học Lomonosov). Anh hiểu giảng dạy phần văn học trung đại Việt Nam có nghĩa là xử lí bộ phận văn học chữ Hán và chữ Nôm trong di sản văn hóa dân tộc, không biết các thứ chữ ấy thì không làm gì được. Vì thế ah đã ra sức học tập trau dồi hai thứ chữ ấy, trở thành một chuyên gia Hán Nôm. Anh cũng biết văn học trung đại phần lớn văn bản chép tay, khắc ván, tam sao thất bản, nhiều dị bản, bản toàn bản khuyết, vì thế khâu đầu tiên là phân biệt các văn bản, chọn lấy văn bản đáng tin cậy. Anh cũng biết để đọc được các văn bản cổ cần rất nhiều sách tra cứu, mà nhà trường xã hội chủ nghĩa của chúng ta không mấy ai lo, cho nên phải tự sắm, cho dù rất đắt tiền. Anh lại biết nghề của anh rất cần cộng tác với các chuyên gia của Viện Hán Nôm, sử dụng thư viện của họ. Anh đã có đủ các điều kiện để cày sâu cuốc bẫm trên cánh đồng Hán Nôm của mình.

 

Thành tựu thứ nhất của anh là cho xuất bản ba tập văn xuôi Việt Nam thời trung đại – Truyện ngắn (1997), Kí (2001), Tiểu thuyết chương hồi (2000), độ dày tổng cộng lên đến 2400 trang chữ nhỏ, vừa giới thiệu vừa tuyển chọn, cung cấp cho bạn đọc một cái nhìn tổng quát và thưởng thức các áng văn hay. Đây là cụm công trình nẩy sinh từ luận án PTS của anh (1986). Đương thời đã có một số công trình cùng loại, nhưng bộ của anh có chọn lọc và giới thiệu công phu hơn cả.

Thành tự thứ hai của anh là điều mà anh gọi giải mã các văn bản cổ. Phải nói rằng chúng ta đọc hiểu được các văn bản cổ xưa là nhờ vào công phu chú thích chú giải của biết bao người đi trước, những công việc đó cũng chỉ mới làm có hạn. Nhiều công trình đồ sộ như Văn thơ Lí Trần, Tổng tập văn học Việt Nam cũng chưa có đủ sự chú thích sang tỏ. Anh đã tiến hành giải mã một số văn bản rất qua trọng như Vương lang quy, Nam quốc sơn hà, Bình Ngô đại cáo, Ngôn hoài, Quốc tộ. Đó là các văn bản mà người đi trước gặp khó khăn do phương pháp chưa thỏa đáng hoặc do thiếu tài liệu tra cứu. Đó là các văn bản mà người đi trước khi gặp chữ khó hiểu thì cho người xưa viết lộn chữ hoặc them chữ, bớt chữ mà nên. Nguyễn Đăng Na chọn cách tôn trọng nguyên tác, khai thác bối cảnh lịch sử, kết hợp với tra cứu để hiểu. Chỗ thì anh phát hiện quycachs từ điệu như bài Vương lang quy; chỗ thì anh suy xét ngữ cành để có phát hiện thú vị như chữ “quốc”, chữ “nghịch lỗ” trong bài Nam quốc sơn hà; chỗ thì anh tra cứu để giải thích mới lạ như bài Ngôn hoài của Không Lộ thiền sư. “Trường khiếu không phải là “tiếng kêu dài” như lâu nay nhiều người hiểu, mà là cái chuông. Chữ Cô phong đính anh cũng có cách giải thích rất mới lạ, thú vị. Còn sớm để  nói là anh đã đưa ra cách hiểu cuối cùng, không còn gì để nói thêm nữa, song rõ ràng anh đã vượt qua nhiều người đi trước, đưa ra cái mới để mọi người thưởng thức và có thể tìm tòi tiếp. Ở đây dấu ấn của Nguyễn Đăng Na thể hiện rất rõ. Người ta không thể nói cách hiểu đó tự trên trời rơi xuống mà không phải công phu tìm tòi, luận giải rất kiên trì của anh.

Thành tựu thứ ba là sưu tầm một số văn bản quý hiếm và dịch thuật giới thiệu với bạn đọc, có tác dụng bổ sung vào thư tịch văn học dân tộc. Ta có thể kể tác phẩm Nam Ông mộng lục, Niên phả lục và Tục công dư tiếp kí. Nguyễn Đăng Na có công giới thiệu bản Nam Ông mộng lục đầy đủ cùng bản dịch, bản chụp và giới thiệu rất coongphu vawnbanr tác phẩm. Ông cũng phát hiện tác giả Trần Trợ vồn bị quên và bị nhầm trong sách Công dư tiệp kí của Vũ Phương Đề. Anh cũng là người phát hiện tập Niên phả lục của Trần Tiến, than phụ của Trần Trợ ghi, gồm hai quyển sách, ghi chép về than phụ Trần Cảnh và về bản thân, phản ánh các sự việc thời giữa thế kỉ 18. Qua các công trình này ta còn thấy Nguyễn Đăng Na là một nhà nghiên cứu văn bản học hang đầu. Ông đã nghiên cứu, miêu tả, trình bày, lập hồ sơ về tác giả, tác phẩm, văn bản của hang loạt tác phẩm văn học quan trọng thời trung đại Việt Nam như Việt điện u linh, Hoàng Lê nhất thống chí, Nam triều công nghiệp diễn chí và nhiều tác phẩm khác. Các hồ sơ được biên soạn rất chi tiết, có các biểu bảng phân tích rõ về thể loại, số câu, cố chữ, đặc điểm nội dung và giá trị lịch sử văn học của chúng. Các công trình đó có giá trị khoa học cơ bản lâu dài đối với văn học sử. Giá trị này khác hẳn các công trình bình luận, đánh giá khác.

Thành tựu thứ tư là phương pháp tiếp cận. Nguyễn Đăng Na đặc biệt chuys đến các quy luật thể loại văn học của văn học trung đại, trong đó anh chú ý đến chức nang hành chính, chức năng lễ nghi, chúc năng thẩm mĩ. So với các nhà nghiên cứu đi trước đó là một tiến bộ về nhận thức khoa học. Đồng thời anh chủ truong bắt đầu nghiên cứu từ văn bản cụ thể, từ đó nêu ra những khái quát, rút ra đặc điểm có tính lí thuyết. Đó là một phương hướng đúng đắn, theo lối quy nạp.

Điểm cuối cùng đáng nói là văn phong cyuar Nguyễn Đăng Na rõ rang, khúc chiết. Những lúc trần thuật, trữ tình, gnon ngữ của anh rất sinh động. Anh là nhà nghiên cứu có văn, có chất văn.

Tuy vậy anh cũng có lúc không (hoặc chưa) triệt để. Chẳng hạn anh cứ theo định lệ, tên thể loại của văn học trung đại gắn liền với tên nhan đề tác phẩm mà D. Likhachov nêu ra, ứng dụng vào Việt Nam, như Bình Ngô đại cáo, Chinh phụ ngâm khúc, từ đó anh suy ra Đoạn trường tân thanh thì tân thanh là tên thể loại, Truyền kì mạn lục, thì mạn lục là tên thể loại. Nhưng Đoạn trường tân thanh còn gọi là Kim Vân Kiều truyện, vậy thể loại Truyện Kiều là tân thanh hay truyện? Hay một thể loại mà có hai tên? Còn “Mạn lục” theo một số từ điển của Trung Quốc cũng là tên thể loại, đồng nghĩa với “tùy bút”, “bút kí”. Ở ta nay xem các thể loại ấy là khác nhau nhưng ở Trung Quốc xưa chúng là đồng nghĩa. “Mạn” đây không phải là “tản mạn”, mà là không có chủ ý, không cố ý làm văn, không trau chuốt, gặp đâu ghi đấy một cách thoải mái, tự nhiên. Nhưng phạm vi của nó rất rộng, ghi chép sự việc, kể chuyện, đàm tình đều gồm cả . Thực chất Mạn lục ở đây là truyện truyền kì, khác hẳn với Vũ trung tùy bút.  Cho nên câu chuyện thể loại và tên thể loại ở văn học trung đại, về đại thể thì gắn với tên tác phẩm, nhưng chớ vội suy từ tên tác phẩm ra tên thể loại. Nếu đã thừa nhận thể loại có tính chức năng, thì lục, kí, chí đều là chức năng ghi chép cả. Tiểu thuyết cũng là một loại ghi chép. Cho nên mới có tên gọi “tiểu thuyết bút kí” đời Thanh. Bám vào chữ trong nhan đề để quy thành thể loại sẽ có nhiều trường hợp không  thỏa đáng. Đây là vấn đề phải bàn kĩ, đây chỉ mới nêu qua như một vấn đề mà Nguyễn Đăng Na có lẽ chưa có điều kiện giải qyết xong xuôi.

Nhiều người nghiên cứu văn học trung đại chỉ mong muốn có dịp phát hiện được một văn bản mới, ghi tên mình vào đấy là lấy làm vinh dự. Nguyễn Đăng Na là người phát hiện những ba văn bản, lại lập hồ sơ cả chục văn bản khác, rất đáng nhận danh hiệu danh dự của giới nghiên cứu hoặc của nhà nước. Sinh thời có lần tôi đề nghị anh đem cuốn Con đường giải mã và các văn bản anh phát hiện ra đăng kí nhận giải thưởng nhà nước, nhưng anh chỉ cười, có thể anh không muốn vướng bận vào lưới trần. Đó cũng là nét cao quý của nhà khoa học chân chính.

Viết trong niềm thương tiếc Nguyễn Đăng Na.

Hà Nội, 11 – 11 – 2014.

Nguồn: Blog Trần Đình Sử: http://trandinhsu.wordpress.com/2014/11/11/nguyen-dang-na-va-thanh-tuu-nghien-cuu-van-hoc-trung-dai-viet-nam-cua-anh/

Online Members

We have 418 guests and no members online

Homepage Data

63693726
Today
Yesterday
All
14018
23426
63693726

Show Visitor IP: 3.133.107.11
23-11-2024 09:00