11092024Wed
Last updateTue, 03 Sep 2024 6pm

Du ký quốc ngữ với vai trò tiếp biến nền quốc văn giai đoạn giao thời

Tóm tắt

Trong giai đoạn đầu của nền quốc văn, du ký quốc ngữ phát triển sôi nổi như một thể tài tiên phong mang nhiệm vụ tiếp biến nền văn học. Từ những tác phẩm khởi đầu với quy mô, tầm vóc lớn như “Sách sổ sang chép các việc” của Philipphê Bỉnh, “Chuyến đi Bắc Kỳ năm Ất Hợi” của Trương Vĩnh Ký đến hai du ký bằng thơ trường thiên của Trương Minh Ký, “Như Tây nhựt trình”, ‘Chư quấc thại hội”, du ký đã chứng minh được sự tiếp nối vững chắc của nền văn chương mới. Nhiệm vụ tiếp biến nền quốc văn của du ký xuất phát từ hiện thực lịch sử đất nước, biến động xã hội như nhu cầu đi để duy tân, tự cường, sự bế tắc của lớp nhà nho trước nhiệm vụ mới của lịch sử, sự phát triển của các điều kiện giao thông…

Từ khóa: du ký Quốc ngữ, tiếp biến văn học, giai đoạn giao thời, tiên phong…

Abstract

During the early days of Quocngu literature, travel writings – as the pioneer in the literary field – had been growing marvelously in quantity and quality. From the earliest works such as “Note-taking book” by Philipphê Bỉnh, “Journey to Tonkin in At Hoi Year (1876)” by Truong Vinh Ky to the two travel writings in verse “Journal of journey to the West” and “International exposition” by Truong Minh Ky, travel writings proved to be capable of extending the tradition of old literature in the new era. Travel writings carried the duty of connecting the old and new literatures due to the historical context and social changes of the time such as the demand for innovation and self-control of the country, the helplessness of Confucian scholars before the demand of the new era, the development of transportation, etc.

Keywords: Quocngu travel writing, literary adaptation, transitional period, pioneer...

***

1. Nền văn học mới là nền văn học gắn liền với các tên tuổi và các sản phẩm tinh thần mới. Sự chuyên môn hóa của văn chương biểu hiện rõ nét với việc các thể loại, thể tài văn học khác xa với văn chương cổ điển ra đời. Bước đi đầu tiên còn khá đơn giản. Bên cạnh văn học nhà nho tồn tại lay lắt với những tên tuổi rời rạc là nền văn học mới khởi nguồn bằng các tác phẩm văn học dịch: dịch từ kho tàng văn học Hán Nôm sang chữ quốc ngữ, dịch từ nền văn chương Pháp sang chữ quốc ngữ. Kế đến là những ghi chép thuật chuyện từ nguồn chuyện kể dân gian bằng thứ chữ mới thẳng đuột như lời ăn tiếng nói hàng ngày. Song song tồn tại với những tác phẩm dịch thuật, phóng tác là những tác phẩm du ký quốc ngữ như Sách sổ sang chép các việc (1822) của Philipphê Bỉnh, Chuyến đi Bắc kỳ năm Ất Hợi (1876) của Trương Vĩnh Ký và hai du ký trường thiên bằng thơ song thất lục bát của Trương Minh Ký (Như Tây nhựt trình Chư quấc thại hội). Với các sáng tác đầu tiên bằng quốc ngữ, du ký cho thấy bước khởi đầu tốt đẹp của nền văn chương mới trong những ngày đầu trình làng.

2. Quá trình phát triển của du ký quốc ngữ giai đoạn giao thời – Một minh chứng cho sức sống mãnh liệt của văn học dân tộc

2.1. Từ những tác phẩm khởi thuỷ…

Kể từ khi được phát hiện và nghiên cứu từ năm 1968 bởi nhà nghiên cứu Thanh Lãng, Sách sổ sang chép các việc của Philipphê Bỉnh được xem là tài liệu quý giá mà chính người dày công phát hiện nó đã ghi nhận: “Thật là một kho tài liệu quý giá vô song cho cho nhà chính trị học, cho nhà nhân chủng học, cho nhà xã hội học, cho nhà kinh tế học, cho nhà sử học, cho nhà văn học, cho nhà ngôn ngữ học. Người nào cũng tìm ra ở đây những khám phá mới lạ biện minh cho khoa học của ngành mình” [5;10]. Những gì được tác giả của nó tâm huyết ghi tập là tất cả tâm hồn và trí tuệ phương Đông trong lần tiếp xúc ngoạn mục với văn hóa phương Tây trong 30 năm của nửa cuối thế kỷ XVIII.

Thông qua những ghi chép vụn vặt diễn ra trong quá trình sinh sống ở Bồ Đào Nha, cuốn sách là tập hợp phong phú điều ông tích lũy được trong quá trình tu tập, điều mắt thấy tai nghe khi sống nơi đất khách, đặc biệt là nền văn hóa châu Âu xa lạ. Với văn phong tự nhiên, mộc mạc như lời ăn tiếng nói hàng ngày, không bị câu thúc bởi văn chương cử tử, Philipphê Bỉnh đã nói rõ mục đích của cuốn sách: “Sách sổ sang chép mọi việc linh hồn và xác riêng tôi, cùng chung anh em bổn đạo, thì biên vào sách này cho được nhớ đến ơn trọng của đức chúa Trời đã ban” [5;12]. Vì đây là cuốn sách ghi chép riêng của tác giả về tất cả những việc ông cho là cần thiết nên tập hợp đầy đủ tri thức khoa học của nhiều lĩnh vực khác nhau. Ông phân chia rõ ràng thành các mục cụ thể, ghi chép khoa học để người đọc tiện theo dõi.

Trên địa hạt du ký, có thể chắt lọc nhiều yếu tố có liên quan: về nội dung, đó là chuyến hành trình dài ngày của ông đến Bồ Đào Nha, những điều đã xảy ra với các thành viên trong đoàn, những điều mắt thấy tai nghe nơi xứ người…; về nghệ thuật, tác phẩm đặt cơ sở ban đầu cho nền văn xuôi tiếng Việt: đó là thứ văn xuôi, tiếng nói hàng ngày của quảng đại quần chúng. Thanh Lãng nhận xét: “… lối văn của Philipphê Bỉnh, chứng nhân của một lối văn mới, lối văn xuôi, tiếng nói hàng ngày của tổ tiên chúng ta, ta có dịp va chạm với một xã hội linh động, đau đớn là xã hội Việt Nam về thế kỷ XVIII, hơn thế ta còn có dịp may mắn chứng kiến, qua ngòi bút của ông, cái xã hội Tây phương xa lạ” [5; 19]. Điều đó có thể nhìn thấy ngay ở đoạn đề dẫn vào tác phẩm: “Tôi là Thầy cả Bỉnh làm ở Kẻ chợ nước Portugal năm 1822 mà chép nhiều sự nên gọi là sách sổ sang, sao chép có từng đoạn như các sách khác, bởi đấy thì tôi chia làm ba đoạn mục lục, cho dễ tìm, mà ai muốn xem việc nào, thì tìm mục lục thuộc về đoạn ấy. Mục lục đoạn thứ nhứt nói những việc thuộc đạo Đ.C.J. Mục lục đoạn thứ hai nói những sự thuộc tôi và các bạn. Mục lục Đ. thứ 3 chép các việc khác” [5; 42].

Thanh Lãng đánh giá rất cao những đóng góp của thầy Cả Bỉnh đối với nền văn hóa Việt. Ông xứng đáng là “nhà văn hóa và nhà thông thái”, “nhà văn nói và viết tiếng nhân dân”, “nhà văn Việt Nam thứ nhất viết hồi ký”, “nhà ngôn ngữ học Việt Nam đầu tiên”, “nhà sử học Việt Nam đầu tiên theo Tây phương”, “nhà họa sĩ vẽ xã hội Việt Nam”, “người mạc khải Tây phương xa lạ”. Nhà nghiên cứu Nguyễn Phong Nam thì cho rằng: “… so với truyền thống tự sự trong văn chương Việt, cách mở đầu tác phẩm của Philipphê Bỉnh đáng được ghi nhận là một biệt lệ. Ông viết: “Tôi là thầy cả Philip Bỉnh…” – một lối nhập đề rất mới lạ, có thay đổi so với các tác giả trung đại,…” [6]

Kể riêng Gia Định báo, có 3 tác phẩm du ký đặt nền móng đầu tiên là của Trương Vĩnh Ký và Trương Minh Ký. Phát súng khai mở cho thể tài tự thuật này là tác phẩm Chuyến đi Bắc kỳ năm Ất Hợi (1876) của Trương Vĩnh Ký. Đan xen giữa văn học và ngoài văn học, tác phẩm đã thổi luồng gió mới cho tờ Gia Định báo. Có thể nói, tác phẩm “là một cột mốc thực sự của lịch sử văn học, xét trên phương diện thể tài” [6]. Ở giá trị ngoài văn học: tác phẩm cung cấp tư liệu mới mẻ về cảnh quan đất Bắc những năm đầu thế kỷ với những chứng tích lịch sử một đi không trở lại.

Ở phương diện văn chương, tác phẩm là một sáng tác du ký đúng nghĩa xét trên phương diện thể tài. Ở cảm hứng đề tài: xuất phát từ cảm hứng lữ hành của người viết mà chuyến đi được thực hiện không hề nghi thức rềnh rang. Tác giả háo hức xê dịch nhằm khai mở tầm mắt, “đi cho biết”. “Năm Ất Hợi (1876), bái trưởng tham biện vừa xong, vùng tính đi ra Bắc chơi một chuyến cho biết. Trong bụng muốn cũng đã lâu; nên xin với quan trên, nhơn dịp chiếc tàu Duchaffaud đi mà đi. Về sắm hòm rương áo quần. Rủ thầy Ba Hớn với ông Sáu Thìn, nguyên một người ở tỉnh Bắc Ninh, một người ở Sơn Tây mà vào trong Nam Kỳ đã lâu, đi theo trước là cho có bạn, sau nữa là cho họ về thăm quê quán.” Cái khí thế, hào hứng khi bắt đầu chuyến đi đã định hướng cho quá trình đi và xem của tác giả. Mục đích của chuyến đi chi phối nhiều đối với việc lựa chọn điểm dừng chân, đối tượng của những cuộc thăm viếng. Cho dù mục đích thực sự được ghi chép đây đó trong các tài liệu sử học về “mục đích Việt gian” của chuyến đi này như thế nào thì ta cũng không cần xét tới bởi nó nằm ngoài văn bản của tác phẩm. Những cảm nhận của học giả về nơi mình đi qua trong cho thấy ông thật sự choáng ngợp trước những địa danh xứ đàng Ngoài.

Chuyến đi Bắc kỳ năm Ất Hợi (1876), với tư cách là một du ký, ta thấy cái khoan khoái tận hưởng mỹ cảm của một người khao khát đi để xem, để biết, để thỏa mãn nhu cầu xê dịch của mình trên tư cách của một cái tôi cá nhân thể hiện rất rõ. Khi bị lỡ dịp thăm đất Bắc, Trương Vĩnh Ký bộc lộ sự thất vọng rõ ràng: Lỡ dịp đi, buồn bực quá. Nhưng mà cũng chẳng qua là bởi đâu xây khiến cho được biết đất Bắc rõ hơn. (…) Vì vậy qua mồng 3 tháng 2, mới tính ở mà đợi lóng nhóng đó cũng mất công vô ích; chi bằng hồi ngữ về ngã Hương Cảng đi, để chờ dịp tàu sau về ngay Nam Kỳ. Mà bởi không biết chắc ngày nào tàu ra, mới tính đi rông ít ngày qua Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa, Hưng Yên cho biết xứ ”. Như vậy, cái khát khao của một kẻ lữ hành hiện đại là: “Thích được trải nghiệm thông qua cảm giác xê dịch là một trong những đặc điểm tâm lý của chủ nghĩa cá nhân (individualism). Bởi đối với con người cá nhân cá thể  hiện đại, đi là để nhận biết và để khẳng định. Tác phẩm Chuyến đi Bắc kỳ năm Ất Hợi (1876) đã đáp ứng đầy đủ yêu cầu thể tài du ký về cảm hứng thẩm mỹ văn chương: cái khát vọng khám phá vùng đất mới để mở mang tầm mắt.

Xét về yếu tố thẩm mỹ, những tác phẩm đã nêu hoàn toàn đáp ứng yêu cầu của một tác phẩm du ký. Với Sách sổ sang chép các việc của Philipphê Bỉnh chúng ta còn phân vân khi xếp vào du ký nhưng với Chuyến đi Bắc kỳ năm Ất Hợi (1876) có lẽ không có gì bàn cãi khi đặt tác phẩm vào vị trí tiên khởi của thể tài du ký quốc ngữ giai đoạn giao thời. Là một sáng tác văn chương, tác phẩm chứa đựng những rung cảm thẩm mỹ của người viết trước các sự vật hiện tượng được chiêm bái, thưởng lãm. Cái hay, cái dở được nhìn nhận rất khách quan. Tác giả ghi chép tỉ mỉ những điều mắt thấy tai nghe cả mọi vật xung quanh: các nhân vật quan trọng mà mình được tiếp xúc, phong thổ, phong tục tập quán của địa phương, danh lam thắng tích đất Bắc.

2.2. …đến những đóng góp của Trương Minh Ký

Có lẽ cũng cần nói thêm rằng, sự phát triển vượt bật của thể tài du ký quốc ngữ đã có những đóng góp rất lớn của Trương Minh Ký. Cùng với Như tây nhựt trình, Chư quấc thại hội là một tác phẩm du ký bằng thơ có giá trị to lớn về văn chương, lịch sử, địa lý. Theo Nguyễn Hữu Sơn, “So với toàn bộ lịch sử thể tài du ký, chắc chắn đây là những tập du ký thơ sinh động, phong phú và đồ sộ nhất. Có thể coi hai tập du ký bằng thơ của Trương Minh Ký là một đóng góp độc đáo của tác giả vào nền thơ dân tộc, đặc biệt với nền văn học chữ Quốc ngữ giai đoạn sinh thành” [7; 14]. Đóng góp cụ thể của ông được thể hiện trên mấy điểm sau:

Thứ nhất, đó là sự kết hợp, gặp gỡ Đông – Tây trong những trang du ký quốc ngữ của Trương Minh Ký.

Sự kết hợp Đông – Tây trong du ký quốc ngữ của Trương Minh Ký thể hiện ở cái nhìn của nhà văn về các nước phương Tây. Tâm hồn nhà thơ hoà chung cảnh vật, con người như không còn ngăn trở bởi rào cản văn hóa. Trong quan niệm của Trương Minh Ký không có sự phân biệt về chủng tộc, giống loài, không có sự so sánh thấp cao giữa các nền văn minh mà chỉ có cái tiến bộ cần tiếp thu và những nhược điểm cần chối bỏ. Trương Minh Ký dành cho nước Pháp khá nhiều ưu ái. Tư tưởng đại đồng khách quan khiến ông nhìn thấy nhiều giá trị mà trước ông những người như Lý Văn Phức, Phạm Phú Thứ, Phan Huy Chú không kịp nhận ra.

Trương Minh Ký là một trí thức được đào tạo ở các trường dòng của Pháp, sau này ông lại làm nhiều công việc phục vụ cho chính quyền Pháp với niềm tin “quá trình tiếp thụ văn hóa Pháp sẽ giúp Việt Nam đạt được văn minh và độc lập”. Vì thế, tình cảm quốc tế Trương Minh Ký đối với người Pháp, đối với nước Pháp có được một cách tự nhiên. Tình cảm nhân đạo xóa mờ ranh giới giữa các dân tộc, các màu da là việc làm mà con người mọi thời đại đều hướng đến. Theo đánh giá của nhiều nhà nghiên cứu, có thể đó là suy nghĩ ngây thơ về chính trị nhưng lại là suy nghĩ đi trước thời đại nếu xét ở ý nghĩa tích cực của nó. Niềm thương tiếc của tác giả dành cho một người Pháp, ông Richaud, là cảm thương cho thân phận con người nói chung chứ không hề phân biệt người đó là ai, có địa vị sang hèn hay có màu da gì. Đó là điểm gặp gỡ tiến bộ của Trương Minh Ký với con người ở bất kỳ thời đại nào, ở bất cứ nơi đâu.

Thứ hai, ông là người khẳng định du ký là thể tài tiền phong trong buổi đầu của nền quốc văn

“Thực ra, tiểu thuyết dù có thành tựu đột xuất ngay từ đầu, vẫn không phải là thể loại tiên phong. Vị trí tiên phong ấy dành cho thể kí. (Điều thú vị là trong văn học thời đổi mới, sau 1986, thể loại tiên phong cũng là kí…) Thể kí hình thành và nở rộ cuối thế kỉ XIX đầu thế kỷ XX với các tác phẩm du kí. Bất chấp sự phát triển ngập ngừng của các thể tiểu thuyết, truyện ngắn, kí phát triển rầm rộ ngay trong những năm đầu văn học quốc ngữ sơ khai” [9; 35];. Trong khi các thể loại khác ra đời một cách dè dặt, thì du ký đã nở rộ với những tác phẩm quy mô, đồ sộ. Đó là những sáng tạo nghệ thuật đích thực của các tác giả Tây học theo một văn phong hoàn toàn mới mẻ. Với hai du ký hoành tráng của mình (trên 2000 câu thơ), Trương Minh Ký đã đặt nền móng vững chắc cho thể tài du ký trong lịch sử văn học dân tộc. Là hai tác phẩm du ký dài hơi đầu tiên viết bằng thể thơ song thất lục bát trong lịch sử văn học dân tộc, Chư quấc thại hộiNhư Tây nhựt trình đã nối tiếp một cách xứng đáng những gì người đi trước đã để lại.

Gia Định báo là tờ báo chuyên đăng tải những thông tư, nghị định của chính quyền bảo hộ, cũng có thể xem là tờ báo đầu tiên đăng tải những sáng tác văn chương. Trương Vĩnh Ký, Trương Minh Ký là những người mở đầu cho phong trào dịch thuật và sáng tác trên Gia Định báo. Bên cạnh những tác phẩm dịch thuật, du ký được xem là những sáng tác văn học đầu tiên được viết bằng tài năng văn chương của tác giả. Do đó, có thể khẳng định, đó là những sáng tác văn học đầu tiên bằng chữ quốc ngữ.

Du ký quốc ngữ của Trương Minh Ký đã thể hiện một cái tôi cá nhân với một khuôn mặt sắc nét. Cái tôi ấy có diện mạo riêng về phong thái, cốt cách, quan điểm riêng về các vấn đề khác nhau trong cuộc sống: chính trị, văn hóa, xã hội… Nếu như văn học trung đại hoàn toàn xa lạ với việc thể hiện bản thân trên trang giấy thì ở cuối thế kỷ XIX, Trương Minh Ký đã vượt thoát ra ngoài phạm trù văn học trung đại để bắt đầu đưa tác phẩm của mình tiến vào quỹ đạo của văn học hiện đại. Hiện đại cả nội dung phản ánh lẫn hình thức thể hiện của tác phẩm du ký.

Thứ ba, ông là người đã phát triển ngôn từ nghệ thuật của du ký quốc ngữ.

Ở cuối thế kỷ XIX, trên văn đàn xuất hiện chủ trương “Ngôn văn nhất trí” mà người khởi xướng không ai khác ngoài Trương Vĩnh Ký. Chủ trương dùng tiếng thường như lời ăn tiếng nói hàng ngày nhưng mỗi tác giả có một cách thể hiện riêng, mỗi thể loại lại có hệ thống ngôn từ riêng.

Ngôn ngữ trong du ký quốc ngữ của Trương Minh Ký so với từ ngữ quốc ngữ buổi đầu mới hình thành đã trở nên trong sáng, nhuần nhị và điêu luyện hơn. “Tìm hiểu lịch sử chữ quốc ngữ ở Nam Bộ”, Hoàng Xuân Việt đã ghi dấu sự phát triển chữ quốc ngữ trong du ký của Trương Minh Ký thể hiện qua đoạn trích Như Tây nhựt trình như sau: “Chữ quốc ngữ ở đây thật điêu luyện đến mức đáng ngạc nhiên. Đây có thể xem là bước đầu khai mở một khả năng diễn đạt mới của chữ quốc ngữ” [10; 335]. Ông dẫn vào đoạn trích:

Saint Bernard mười hai chặn lớn,

Phía trong xem bổn tượng vẽ hay.

Saint Chaplle tháp cao thay,

Mười lăm cửa kiếng, mười hai tông đồ.

Saint Clotide bàn thờ cẩn ngọc,

Saint Denis bốn đức phân minh.

Saint Etienne có tháp xinh,

Có tòa giản đẹp có hình đất to.

Sự phát triển của ngôn từ nghệ thuật suy cho cùng là sự phát triển của các phương diện biểu hiện của ngôn từ. Càng thể hiện được nhiều khía cạnh khác nhau của cuộc sống, các biểu hiện cảm xúc, suy nghĩ của con người càng chứng tỏ khả năng phát triển của nó. Đến Trương Minh Ký, ngôn ngữ đã khắc họa được một vài khía cạnh phức tạp của tâm hồn con người. Hệ thống từ ngữ thể hiện các trạng thái cảm xúc đa dạng hơn. Nhiều từ ngữ được sử dụng phù hợp làm câu thơ uyển chuyển, mượt mà, biểu hiện sinh động các vấn đề tác giả muốn chuyển tải. Trương Minh Ký vận dụng đa dạng hệ thống từ láy biểu đạt cảm xúc, nhờ đó, khuôn mặt tinh thần của nhà văn hiện lên sống động.

Du ký của ông hiện đại ở cái nhìn mang tính khám phá về thế giới phương Tây, ở sự bộc lộ cái tôi cá nhân có danh xưng mới mẻ… Trên phương diện nghệ thuật, Trương Minh Ký góp phần chứng minh khả năng tự sự của thể thơ song thất lục bát, phát triển chữ quốc ngữ. Với hai du ký dài hơi, Trương Minh Ký đã khẳng định vai trò tiên phong của thể tài này trong lịch sử văn chương nước nhà. Trong vai trò của người tìm đường, khai sáng cho văn chương chữ quốc ngữ Nam kỳ nói riêng, cả nước nói chung, Trương Minh Ký cùng với Trương Vĩnh Ký, Huỳnh Tịnh Của, Nguyễn Trọng Quản… đã kiến tạo nên nền quốc văn mới, góp phần hoàn thiện nền văn chương chữ quốc ngữ trên nhiều phương diện cả nội dung lẫn hình thức nghệ thuật.

3. Sự phát triển và nhiệm vụ của thể tài du ký giai đoạn giao thời

Sự thất bại của tầng lớp nho sĩ trước những thách thức mới của lịch sử đã dẫn đến sự lụi tàn không tránh khỏi của họ trong cơn lốc xoáy dữ dội đến từ phương Tây. Sứ mệnh lịch sử được chuyển giao cho tầng lớp mới ra đời từ nhu cầu duy tân đất nước. Duy tân để tự cường, duy tân để độc lập. Như vậy, nhu cầu đổi mới vừa có sự thúc bách của bản thân nền kinh tế lạc hậu, kém phát triển vừa xuất phát từ nhiệm vụ chính trị quan trọng của đất nước trong giai đoạn cam go. Muốn đổi mới, muốn phát triển hơn người thì trước tiên phải học xem người ta như thế nào. Tức là phải đi, đi để học, để nhìn, để biết được thế giới bên ngoài ra sao. Nói như Đoàn Lê Giang: “Đây là thời đại người ta đi và đi: đi ra khỏi nhà mình, ra khỏi làng mình và ra khỏi nước mình” [3; 14]. Đó cũng là con đường mà các quốc gia Đông Á như Nhật Bản, Triều Tiên… đã làm để duy tân đất nước và thay đổi vận mệnh chính trị của mình. Từ nhu cầu đi để học, để thay đổi, để duy tân đất nước mà văn học mới đã đánh dấu bằng sự ra đời của rất nhiều du ký phục vụ cho nhu cầu cải cách quốc gia. Hiện tượng này phổ biến ở văn học Việt và văn học Nhật Bản cũng không nằm ngoài quy luật. Ở Nhật Bản, nổi tiếng có các tác phẩm Viễn Tây kỉ lược của Otsuki Tsunesuke, Mễ Lợi Kiên lộ hải nhật ký của Kitagawa Naokai, Tây dương đạo trung tất lật mao của Kangaki Robun… Đó là những du ký viết về những chuyến viễn du của những người có tư tưởng canh tân nhằm cải tiến đất nước.

Ở Việt Nam, tình hình cũng tương tự. Nhu cầu đi để tìm hiểu, cải tiến đất nước không chỉ có ở tầng lớp trí thức tân học mà các nhà Nho cũng đi khỏi nước mình để làm nhiệm vụ của những sứ thần. Nổi bật có du ký của Phạm Phú Thứ “Tây hành nhật ký” viết bằng chữ Hán. Tiếp sau đó là những tác phẩm viết về “sự đi” bằng chữ quốc ngữ lần lượt ra đời để đáp ứng thiết thực nhu cầu tiếp thu, lưu giữ, truyền đạt kinh nghiệm, cảm xúc hình thành bởi những cái tôi lữ hành. Đi không chỉ có xem, biết mà còn có cả những xúc cảm thẩm mỹ rung động sâu xa từ cái nhìn vọng ngoại để hướng nội. Xuất phát từ nhiệm vụ chính trị cụ thể được đặt ra trong bối cảnh đất nước cần cải tiến, duy tân mà những du ký xuất dương, gắn liền những chuyến vượt biển dài ngày ra đời. Vô hình chung, văn học giai đoạn này lại đón nhận những tác phẩm mang tầm vóc lớn, vượt quy mô thời đại. Để phục vụ cho nhu cầu ghi chép lại những điều tai nghe, mắt thấy từ thế giới bên ngoài, khác hẳn không gian thường nhật quẩn quanh hằng ngày thì những ghi chép bằng văn xuôi là phù hợp hơn cả. Một thể tài vừa tái hiện chân thực cuộc sống, vừa bộc lộ những xúc cảm tế vi trong tâm hồn người cầm bút không gì khác hơn ngoài du ký. Biên khảo chỉ đơn thuần ghi chép, sao lục, lưu trữ kiến thức, còn tùy bút khá thiên về cảm xúc, thể hiện những suy nghĩ bay bổng về thế giới không thể phù hợp với hoàn cảnh người cầm bút vừa mang nhiều nhiệm vụ khác nhau: vừa là chính trị gia, vừa là văn nhân… Du ký được lựa chọn một cách tự nhiên phù hợp với yếu tố chủ quan và khách quan hiện thời.

Nhiệm vụ tiếp biến nền văn học được trao cho du ký một cách ngẫu nhiên. Trước sự lụi tàn không thể tránh khỏi của văn học nhà nho gắn liền với văn tự Hán – Nôm, du ký quốc ngữ kịp thời xuất hiện để lấp vào chỗ trống vắng của lịch sử văn học dân tộc. Như một mạch ngầm chảy suốt từ mười thế kỷ văn học đến đầu thế kỷ XX, bắt gặp tinh thần khai phóng của Tây phương, chất lý tưởng của hiện thực khách quan, du ký nối tiếp ra đời tạo thành một hiện tượng văn học rất đáng lưu tâm ở giai đoạn giao thời. Nếu không có du ký, văn học giai đoạn này quả thật đã thiếu đi một chất xúc tác, một vật truyền dẫn trung gian quan trọng để văn học đổi mới.

Du ký quốc ngữ phát triển phong phú ở cuối thế kỷ XIX đến đầu thế kỷ XX là yêu cầu tất yếu của cuộc chuyển giao nhiệm vụ giữa nền văn học mang tính khu vực và nền văn học mang tính toàn cầu. Trên phương diện nội dung, du ký quốc ngữ đã phá bỏ sự hạn hẹp trong không gian phản ánh của văn chương nhà Nho để hướng cái nhìn mở rộng ra toàn thế giới. Du ký thực hiện sứ mệnh trung gian của hai phạm trù văn học, kết lại phạm trù văn học cũ và mở ra phạm trù văn học mới. Với vai trò của con chim báo bão, du ký xung phong mở đường bằng những sáng tác đầu tiên trong lịch sử văn học quốc ngữ và lịch sử văn xuôi tiếng Việt.

Trên bước đường tìm đến với văn học thế giới của văn học dân tộc, chúng ta không thể phủ nhận vai trò của du ký. Du ký tìm đường, mở ra không gian phản ánh mới cho văn chương. Sự tìm tòi đó mang tính lịch sử bởi nội dung và phương pháp phản ánh của du ký đã khác hẳn so với thi pháp văn học trung đại. Có thể nói đến một phương pháp phản ánh mới mang tinh thần khai phóng của phương Tây trong tư duy phương Đông của những chủ thể tiếp thụ cả hai nền văn hóa. Ngoài ra, quá trình chuyển đổi mô hình văn học từ trung đại sang hiện đại có sự tác động của nhiều yếu tố. Nền văn chương hiện đại mang nhiều đặc điểm có tính quy luật. Bắt đầu từ miền Nam sau đó lan tỏa toàn quốc.

Nền văn xuôi quốc ngữ có nguồn gốc cơ bản từ văn xuôi tự sự Nôm Công giáo mang những dáng nét riêng. Kho truyện các Thánh đồ sộ với văn phong khác hẳn văn xuôi của các nhà nho. Đó là lối văn xuôi nôm na, bình dân, dễ hiểu, “trơn tuột như lời nói” thoát ra ngoài lối văn xuôi cử tử, trường ốc thống trị một thời trong văn chương các nhà Nho. Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng chính văn xuôi được phổ biến rộng rãi mang tính cộng đồng của kinh truyện các thánh trước hết được viết bằng chữ Nôm sau bằng chữ quốc ngữ là manh mối của nền văn học mới. Nguyễn Huệ Chi cho rằng, “với Trương Vĩnh Ký, Huỳnh Tịnh Của, Nguyễn Trọng Quản… văn xuôi tự sự quốc ngữ đánh dấu một bước đoạn tuyệt thật sự với thói quen tư duy ước lệ, biểu tượng, nhiều điển cố của văn pháp văn ngôn…” [1; 807]. Những tên tuổi ấy đều bước ra từ các trường Dòng công giáo. Có thể nói, kinh truyện tiếp thu từ các giáo đường Công giáo ít nhiều ảnh hưởng, chi phối ngòi bút của họ. Trong lịch sử hình thành chữ quốc ngữ, bộ phận văn học Công giáo đã đáp ứng một nhu cầu thiết yếu đối với việc hiện đại hoá nền văn học Việt Nam. Những đóng góp của các nhà văn Công giáo tiên phong như Trương Vĩnh Ký, Huỳnh Tịnh Của được nhiều học giả công nhận như những “bậc nguyên huân của thời đại văn chương mới” [8; 46].

Sự thuận tiện về nhiều mặt của giao thông đã thúc đẩy nhu cầu đi và xem nảy nở. Mà cơ sở của việc sáng tác du ký được Nguyễn Hữu Sơn khẳng định: “Về tâm thức sáng tác, thể tài du ký nghiêng về “vị nghệ thuật”, lấy sự du lãm-du lịch ngoạn thưởng, Đi và Xem là chính”. “ Như thế là nhu cầu hiểu biết, khám phá, đổi thay không khí, nhu cầu ĐI và XEM chính là tâm trạng “nơi này yêu nơi kia”-cơ sở cội nguồn của những chuyến viễn du và hình thành nên những trang du ký”. Theo vị trí địa lý, nước Việt Nam là giao điểm của nhiều trào lưu văn hóa. Cơ sở văn hóa cố hữu của dân tộc vẫn giữ vững được những nét độc đáo, mặc dầu đã tiếp thụ các nguồn văn hóa của Trung Hoa, Ấn Độ, Tây phương. Sứ mạng văn hóa của dân tộc Việt Nam là dung hợp các nguồn văn hóa ngoại lai, tài bồi cho nền văn hóa của dân tộc. Nếu phân tích và đối chiếu, người ta sẽ dễ dàng nhận thấy một nỗ lực phi thường và liên tục, ấy là quá trình Việt hóa các giá trị văn hóa ngoại lai. Dung hợp mà không đồng hóa, đó là một đặc điểm của văn hóa Việt Nam. Bảo toàn dân tộc tính nhưng vẫn thái tuyển tinh hoa ngoại lai, điều ấy chứng tỏ rằng nền văn hóa Việt Nam có khuynh hướng phổ biến đại đồng.

4. Cùng với dịch thuật, phóng tác, tiểu thuyết, biên khảo, phê bình văn học, du ký quốc ngữ góp phần khẳng định sự lớn mạnh của một nền văn học mới phù hợp với tư duy thẩm mỹ của một tầng lớp công chúng văn học mới. Những giá trị của thời thuộc địa đồ sộ gắn liền với nền văn minh Phương Tây bắt nguồn từ những mục tiêu thực dân phản động nhưng khách quan mà nói, công cuộc khai thác thuộc địa đã mang lại cho Việt Nam những thay đổi vô cùng quan trọng để tạo những tiền đề cơ bản để nước Việt Nam thoát dần những ảnh hưởng của phương Bắc để tiếp nhận những thành tựu của phương Tây. Đó cũng là cội nguồn để Việt Nam tiếp cận với thế giới hiện đại.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Nguyễn Huệ Chi (2013), Văn học cổ cận đại Việt Nam từ góc nhìn văn hóa đến các mã nghệ thuật, Nxb. Giáo dục, Hà Nội.
  2. Bằng Giang (1994), Sương mù trên tác phẩm Trương Vĩnh Ký, Nxb Văn học, Hà Nội.
  3. Đoàn Lê Giang (Chủ biên, 2011), Văn học cận đại Đông Á từ góc nhìn so sánh, Nxb. Tổng hợp Tp. Hồ Chí Minh, Tp. Hồ Chí Minh.
  4. Trương Minh Ký (1891), Chư quấc thại hội, Imprimerie Commerciale Rey Curiol & C, Sài Gòn.
  5. Thanh Lãng (1968), Sách sổ sang chép các việc, Nxb. Viện Đại học Đà Lạt, Sài Gòn.
  6. Nguyễn Phong Nam, "Chuyến đi Bắc Kỳ năm Ất Hợi (1876) của Trương Vĩnh Ký nhìn từ bình diện thể tài văn học. http://www.vanhocviet.org/van-chuong-thanh-van-luu-tru---cong-trinh-moi/-nguyn-phong-nam-chuyn-i-bc-k-nm-t-hi-1876-ca-trng-vnh-k-nhn-t-bnh-din-th-ti-vn-hc
  7. Nguyễn Hữu Sơn (2006), “Thể tài du ký và các tác gia Nam Bộ từ nửa cuối thế kỷ XIX đến 1945”, Tạp chí Kiến thức ngày nay, (570), tr 12-15, 120-122.
  8. Võ Long Tề (1965), Lịch sử văn học Công giáo Việt Nam, Nxb. Tư Duy, Sài Gòn.
  9. Nguyễn Thành Thi (2010), Văn học – Thế giới mở, Nxb. Trẻ, Tp. Hồ Chí Minh.
  10. Hoàng Xuân Việt (2006), Tìm hiểu lịch sử chữ quốc ngữ ở Nam Bộ, Nxb. Văn hóa – Thông tin, Hà Nội.

Online Members

We have 135 guests and no members online

Homepage Data

62413723
Today
Yesterday
All
1194
12178
62413723

Show Visitor IP: 44.220.247.152
11-09-2024 04:52