23112024Sat
Last updateTue, 19 Nov 2024 1pm

Hành trình Truyện Kiều từ thế kỷ XIX đến thế kỷ XXI

Truyện Kiều có một vị trí đặc biệt trong đời sống văn hóa và văn học của dân tộc ta. Một nhà văn ở đầu thế kỷ XX đã ví Truyện Kiều như tờ “trước bạ” ( giống như khái niệm “sổ đỏ” hiện nay) để hình dung vai trò của tác phẩm  đối với việc xác định tư cách văn hóa của người Việt, chủ nhân chân chính của giang sơn gấm vóc. Nếu thiếu đi tác phẩm, chân dung văn hóa của dân tộc ta không thể trọn vẹn. Sức sống và sức hấp dẫn to lớn của kiệt tác đối với người Việt Nam đã khiến cho nhiều học giả nước ngoài quan tâm dịch thuật và nghiên cứu Truyện Kiều như một cách tiếp cận hiệu quả tâm lý, tính cách người Việt. Danh sách hàng ngàn bài báo, hàng chục công trình nghiên cứu của nhiều thế hệ học giả và những người yêu mến tác phẩm trong và ngoài nước suốt thế kỷ XX vẫn đang tiếp tục được nối dài trong thế kỷ XXI. Người ta đã và đang tiếp tục đào sâu suy ngẫm về giá trị nhiều mặt của tập đại thành này. Nhân lần xuất bản văn bản Truyện Kiều, xin được tổng kết, giới thiệu những thành quả nghiên cứu phong phú nói trên để tiện cho việc đọc văn bản và thưởng thức tác phẩm.

1. Thời điểm viết và quá trình phổ biến văn bản, vấn đề tầm nguyên văn bản  Truyện Kiều:

            Truyện Kiều là thực ra là cách gọi tên đã định hình trong thế kỷ XX tác phẩm của Nguyễn Du. Trong thế kỷ XIX, một số bản Nôm như Liễu Văn Đường (1866, 1871), Duy Minh Thị (1872) khắc là Kim Vân Kiều tân truyện, bản quốc ngữ vào loại sớm nhất do Trương Vĩnh Ký cho in năm 1875 tại Sài Gòn đọc là  Kim Vân Kiều truyện. Bản Nôm do Kiều Oánh Mậu cho  in năm 1902 khắc là Đoạn trường tân thanh. Gia phả họ Nguyễn ở Tiên Điền có nói Đoạn trường tân thanh được khắp nước truyền tụng song chưa xác định được thời điểm viết gia phả nên giá trị thong tin cũng cần cân nhắc. Tiên Phong Mộng Liên đường chủ nhân trong bài tựa cho tác phẩm này (viết trong đời Minh Mệnh) đã nói rõ Nguyễn Du viết Đoạn trường tân thanh  ...   Trong lời tựa cho văn bản chữ quốc ngữ Truyện Thúy Kiều xuất bản năm 1925, Trần Trọng Kim nói đại để Phạm Quí Thích đã đổi tên Đoạn trường tân thanh thành Kim Vân Kiều tân truyện.  Nhà nghiên cứu Nguyễn Đăng Na gần đây đã bác bỏ nhận định này mà cho rằng vì Phạm Qúi Thích đã viết bài thơ  Thính Đoạn trường tân thanh hữu cảm với những từ ngữ có nhắc đến bốn chữ tân thanhđoạn trường nên không thể là người đổi tên tùy tiện như vậy. Nhận định tương tự của Trần Trọng Kim đã được Đào Duy Anh nhắc lại trong sách Khảo luận về Kim Vân Kiều xuất bản tại Huế năm 1943, nhưng  ông lại không đưa tên này vào nhan đề sách nghiên cứu của mình mặc dù chính ông nói cần khôi phục tên gọi Đoạn trường tân thanh. Như vậy giữa việc biết tên tác phẩm Nguyễn Du đặt là Đoạn trường tân thanh với việc gọi tên tác phẩm khác đi theo quan niệm riêng là một sự kiện có thực. Chưa rõ vì sao lại có sự lựa chọn khác nhau trong việc gọi tên như vậy ? Tên gọi Truyện Kiều đã xuất hiện ở những năm hai mươi của thế kỷ XX, lúc đầu là Truyện Thúy Kiều ( Nguyễn Đôn Phục có bài viết  “Văn chương và nhân vật Truyện Thúy Kiều, Nam Phong 1922). Đến năm 1924, đã thấy khá phổ biến cách gọi này rồi: Vũ Đình Long đăng nhiều kỳ chuyên khảo Văn chương Truyện Kiều, bài diễn thuyết của Phạm Quỳnh cũng gọi tắt là Truyện Kiều ).

            Đoạn trường tân thanh nghĩa là gì ? Trần Trọng Kim trong bài viết đã nói ở trên giải thích: “Đoạn trường tân thanh nghĩa là tiếng than khóc mới về nỗi đau lòng”. Cách hiểu này rất phổ biến trong suốt thế kỷ XX. Năm 1999, nhà nghiên cứu Nguyễn Đăng Na lật lại vấn đề. Ông vạch rõ, “tân thanh” không phải là tiếng kêu hay tiếng nói mới (thanh là danh từ chỉ âm thanh nói chung), đó là tên gọi của một thể viết theo Tân nhạc phủ. Tra Hán ngữ đại từ điển, thấy rõ Tân Nhạc phủ là một thể thơ Nhạc phủ, viết về đề tài mới, về thời sự. “Tân thanh trong nhan đề tác phẩm của Nguyễn Du hàm chứa nhiều nghĩa, chí ít nó cho ta thấy thể loại của tác phẩm, phương pháp sáng tác nhạc điệu của thi phẩm”. Để hiểu hai chữ đoạn trường, ông dẫn ra hai điển khác nhau, một nói về nỗi đau đứt ruột của con vượn mẹ mất con, một kể về kể về nước mắt một người con gái khóc nhớ người yêu , nhỏ xuống chân tường khiến một loài hoa mọc lên, đó là loại hoa thu hải đường vẫn còn được gọi là hoa đoạn trường. Theo ông câu chuyện thứ hai phù hợp hơn vì “đời Kiều là một kiếp hoa đoạn trường bị vùi dập” .   Kết hợp hai từ, tác giả kết luận “ Tên tác phẩm gồm hai yếu tố: yếu tố đầu- đoạn trường mang ý nghĩa chủ đề; yếu tố sau- tân thanh mang tín hiệu về loại hình thể loại[1]

            Tuy vậy, theo nhà nghiên cứu Phạm Luận, cũng phát biểu trong năm 1999,  thì không có căn cứ gì để từ khái niệm tân thanh không thuộc Nhạc phủ cổ đề mà suy luận thuật ngữ này tương đương với truyện thơ Việt Nam. Khái niệm tân thanh như là âm nhạc  cũng không thể là nghĩa của tân thanh trong nhan đề tác phẩm Nguyễn Du. Vậy tân thanh vẫn là tiếng mới đứt ruột. Để bảo vệ cho lập luận của mình, ông lại dẫn lời bình luận của chính Mộng Liên đường chủ nhân “lục tắc cựu nhi đoạn trường chi thanh tắc tân dã”- cái lục phong tình thì vẫn là cái lục cũ mà cái tiếng đoạn trường thì lại là cái tiếng mới vậy[2]. Chúng tôi cũng nghĩ rằng, hiểu như truyền thống là tiếng mới đứt ruột vẫn là cách hiểu có cơ sở hơn về nghĩa của Đoạn trường tân thanh.

            Tên gọi Truyện Kiều là tên gọi tắt của tác phẩm hiện đã trở nên phổ biến và cái lý của hiện tượng gọi tắt này là ở chỗ tác phẩm kể về cuộc đời chìm nổi của nhân vật chính- Thúy Kiều. Thay vì cái tên Đoạn trường tân thanh  gợi đến thái độ, cảm xúc của tác giả, lấy tên nhân vật chính đặt cho tác phẩm lại có lý vì gợi ngay đến nhân vật. Đây là trường hợp hiếm có của văn học sử Việt Nam: người đọc hậu thế đặt tên lại cho tác phẩm họ yêu thích và được tiếp nhận rộng rãi. Phải chăng hiện tượng tiếp nhận rộng rãi này phản ánh phong cách lấy tên nhân vật đặt cho các truyện cổ tích Việt Nam Thạch Sanh, Tấm Cám, các truyện Nôm Việt Nam với cốt truyện không vay mượn của nước ngoài: Phạm Tải Ngọc Hoa, Tống Trân Cúc Hoa, Phương Hoa, Lục Vân Tiên v.v... ? 

(xin xem toàn văn: ở đây)


[1] Nguyễn Đăng Na .  Đoạn trường tân thanh- một mã khóa vào thế giới nghệ thuật Nguyễn Du. In trong sách Đào Thái Tôn. Văn bản Truyện Kiều, nghiên cứu và thảo luận. NXB Hội nhà văn, 2001.

[2] Xin xem: Phạm Luận. Về hai chữ “Tân thanh” trong nhan đề truyện Đoạn trường tân thanh. Tạp chí Văn học, số 11/1999.

Online Members

We have 211 guests and no members online

Homepage Data

63693394
Today
Yesterday
All
13686
23426
63693394

Show Visitor IP: 3.141.21.199
23-11-2024 08:38