12122024Thu
Last updateWed, 11 Dec 2024 6pm

Một nhà văn nữ Nam Bộ tranh đấu cho nữ quyền vào đầu thế kỷ XX

Nhà nghiên cứu Bằng Giang trong Sài Gòn cố sự cho rằng “tính đến năm 1930, văn học quốc ngữ Nam Kỳ có non 20 tác giả nữ còn để lại tác phẩm in thành sách”, nhưng “các tác giả trên không để lại một tiếng vang nào ngoại trừ Phan Thị Bạch Vân, chủ nhân Nữ lưu thơ quán ở Gò Công”[1].

 

Nhưng chân dung chủ nhân của Nữ lưu thơ quán có đại diện ở khắp Nam Trung Bắc và cả ở Pháp; người đã tập hợp trong thư quán của mình nhiều anh tài văn chương của đất nước như Đạm Phương nữ sĩ, Á Nam Trần Tuấn Khải, Tương Phố, Đông Hồ…; người được nhắc đến trong Địa chí văn hóa TP. Hồ Chí Minh như một nhà văn yêu nước, đến nay vẫn còn lại nhiều bí ẩn. Người ta chỉ biết bà là phu nhân của ông Võ Đình Dần, chủ nhân một nhà thuốc nổi tiếng thời đó ở Gò Công, là trợ bút của Đông Pháp thời báo và là người cộng tác với báo Phụ nữ tân văn. Quê quán của bà cũng chưa ai biết rõ. Hình ảnh của bà còn lại chỉ gồm một bức ảnh ở Bảo tàng phụ nữ Nam Bộ (chụp lại trên báo Phụ nữ tân văn) với vài dòng tin tức về chuyện ra tòa của bà năm 1930.

 

Sau một thời gian tìm kiếm, gần đây chúng tôi đã may mắn gặp được gia đình của nhà văn và đã ghi nhận được vài nét về tiểu sử của nhà văn nữ độc đáo này. Cùng với sự nghiệp văn chương của bà, những nét tiểu sử này giúp ta có thể hình dung bước đầu về một nhà văn yêu nước đã tranh đấu rất sôi nổi cho nữ quyền và nặng lòng với sự tồn vong của đất nước, dân tộc.

 

 Phan Thị Bạch Vân tên thật là Phan Thị Mai, là con thứ năm trong gia đình. Bà sinh năm 1903, quê ở làng Bình Trước, tổng Phước Vĩnh Thượng, tỉnh Biên Hòa[2] (nay là phường Thanh Bình, thành phố Biên Hòa). Cha bà làm tri huyện ở Biên Hòa, mất sớm, để lại vợ và bảy người con. Nhà nghèo nên năm 17 tuổi bà đã đi lấy chồng. Không may gặp người chồng không tốt nên cuộc hôn nhân tan vỡ. Buồn phiền, bà bắt đầu viết văn (trên Đông Pháp thời báo, từ năm 1928). Từ duyên văn chương mà bà đã gặp người bạn đời sau này là ông Võ Đình Dần. Cũng từ 1928, bà theo chồng về Gò Công sinh sống và năm 1928 sáng lập ra Nữ lưu thơ quán, trụ sở đặt tại số 24 - 26, đường Chủ Phước, Gò Công .

 

Ban biên tập Nữ lưu thơ quán gồm có: Đạm Phương (Huế), Nguyễn Thị Đan Tâm (Phủ Quảng Trung Kỳ), Hoàng Thị Tuyết Hoa ( bút danh của Phan Thị Bạch Vân), Tùng Viên (Phủ Quảng Trung Kỳ), Vũ Xuân Đệ (Hà Nội), Quốc Anh (giáo học Phú Thọ, Đồng Hới), Á Nam Trần Tuấn Khải (Hà Nội).

 

Nữ lưu thơ quán xuất bản sách mỗi tháng 3 kỳ với có mục đích rất rõ ràng: “Lựa chọn để bán ra cho cả thảy chị em bạn gái bằng cái giá thật hạ những truyện sách xuất bản trong xứ, có ích cho tinh thần đạo đức và nền luân lý nước nhà, giúp cho trí thức nữ lưu được chóng mở học vấn thêm cao.

 

Trước tác, sưu tập, dịch thuật và lãnh xuất bản những cảo văn thật có giá trị về chánh trị, lịch sử, truyện ký, tiểu thuyết, phụ nữ vấn đề, nữ công, văn học, khoa học, thương mãi và thiệt nghiệp..

 

Những sách nhảm nhí thuộc về tình ái dâm phong, hoặc tả theo những lối quái dị trái hẳn với thể thống nước nhà, thì bao giờ cũng cự tuyệt”.

 

“Lo làm sao cho đường đức dục, trí dục của chị em được mau tấn tới với thế  đồ, mà hưởng lấy cái hạnh phúc chung ở buổi tối tăm, mau kíp đến cái đại vị quý đẹp chị em phải có mà chưa được có.

 

“Ai ơi! Đã có tấm lòng vì nòi giống, vì giang san. Ai ơi! Đã tưởng đến cái lẽ tồn vong, mà biết ngậm ngùi cho bước đường dài của mười triệu nữ lưu. Ai ơi! Đã biết cái nỗi nước mất dân tàn, phong tục đồi tệ đến thế là cùng, hãy để ý mà tán trợ cho Nữ lưu thơ quán được hưng vượng”.

 

Sức lan tỏa của Nữ lưu thơ quán rất rộng. Nữ sĩ Mộng Tuyết trong bút ký Đốt sách cho biết Đông Hồ và bà hồi đó đã say mê đọc bộ sách Nữ lưu tùng thư của Phan Thị Bạch Vân cùng với các sách báo cấm khác[3]. Nhà văn Nguyễn Vỹ trong Tuấn, chàng trai nước Việt cho rằng đầu thế  kỷ XX có ba loại sách đã “đào tạo cho thanh niên một tinh thần cách mạng  và bồi dưỡng lòng ái quốc hăng say”, là “sách để đầu giường” của thanh niên học sinh, đó là  sách của Nam đồng thư xã của Nhượng Tống, sách Quan Hải tùng thư của Ðào Duy Anh và Trần Thị Như Mân, sách của Nữ lưu thơ quán ở Gò Công[4], trong đó sách của Nữ lưu thơ quán bán rất chạy ở Nam Kỳ, có cuốn in đến 20.000 bản.

 

          Phan Thị Bạch Vân còn có tham vọng đặt chi nhánh của Nữ lưu thơ quán ở khắp các tỉnh thành trong nước, với ý nghĩa không chỉ khuếch trương việc mua bán, mà còn để “giúp cho chị em đồng thời có sách hay mà đào dưỡng tính tình, thức tỉnh quốc hồn cho chị em Việt Nam, quét sạch cho xã hội những sách có hại cho nữ lưu trí thức, khuyến khích các văn nhơn ra đời”[5].

 

Tủ sách của Nữ lưu thơ quán rất phong phú, có tiểu thuyết ái tình như Hồng phấn tương tri, tiểu thuyết xã hội như Trần Minh Hà…; sách danh nhân như Gương nữ kiệt, Lịch sử Ghandi…; sách lịch sử như Lịch sử Nam tiến của dân tộc ta, Mỹ quốc cách mạng sử…; sách khoa học, triết học, chính trị như Học thuyết lược khảo dịch nguyên văn tư tưởng của Lương Khải Siêu và giới thiệu học thuyết tiến hóa của Darwin, học thuyết của Mạnh Đức Tư Cưu (Montesquieu), học thuyết của Lư Thoa (Rousseau). Có cả sách dạy đạo vợ chồng, sinh sản, nuôi nấng con cái như Sản dục giám là “sách dạy con người từ buổi mới nên chồng nên vợ cho đến lúc cấn thai, đẻ con, nuôi lớn thành người… dạy rành đủ các phép trọng yếu bí hiểm mà con người cần biết trong đạo phu thê, hạp với lẽ hóa công thiên điển”. Đặc biệt Nữ lưu thơ quán có rất nhiều sách dành riêng cho phụ nữ đúng như tôn chỉ của mình, như Tân nữ học sinh, Phụ nữ tân giáo khoa, Nữ công thường dụng

 

Riêng Phan Thị Bạch Vân cũng là một cây bút rất đa dạng. Bà dịch thuật, viết xã thuyết, thơ, đoản thiên tiểu thuyết, tiểu thuyết… Là trợ bút của Đông Pháp thời báo, bà viết về rất nhiều đề tài, có số viết đến hai bài. Bà kêu gọi  “Phụ nữ Việt Nam ta thử lập vài cái học bổng”, (số 650 – 1927), bà muốn “Mưu trừ tuyệt nghề xe kéo” (số 704 – 1928) và làm cả thơ trào phúng (“Đồng bạc Tây và đồng bạc Pháp”, số 642 – 1927)... Thư mục tác phẩm tạm thời của bà gồm có:

 

1. Gương nữ kiệt, Nữ lưu thư quán Gò Công, 1928.

 

2. Giám hồ nữ hiệp (bút danh Hoàng Thị Tuyết Hoa), Nữ lưu thơ quán Gò Công, 1928.

 

3. Nữ anh tài (bút danh Hoàng Thị Tuyết Hoa), Cảnh thế tiểu thuyết, Nữ lưu thơ quán Gò Công, 1928.

 

4. Lâm Kiều Loan, Tiểu thuyết ẩn tình xã hội Nam kỳ, cuốn 1 (trọn bộ 10 cuốn), Imp. Trần Trọng Canh, Sài Gòn, 1932.

 

5. Kiếp hoa thảm sử (bút danh Hoàng Thị Tuyết Hoa), Xã hội tiểu thuyết, trích đăng nhiều kỳ trong Tinh thần phụ nữ (từ số 6 trở đi là Sách Nữ Lưu), Nữ lưu thơ quán Gò Công, 1928-1929.

 

6. Phụ nghĩa tào khang, Đoản thiên tiểu thuyết, Đông Pháp thời báo, số 669, ngày 21.1.1928.

 

7. Vần quốc ngữ “Nữ lưu”, Nữ lưu thư quán Gò Công xuất bản.

 
 

8. Gian nhà rách, Đông Pháp thời báo, số 640, 27.10.1927.

9. Đồng bạc Tây và đồng bạc Pháp, Đông Pháp thời báo, số 642, 1927.

 

10. Phụ nữ Việt Nam ta thử lập vài cái học bổng, Đông Pháp thời báo, số 650, 1927.

 

11. Nam Kỳ cần phải có trường nữ công, Đông Pháp thời báo, số 695, ngày 15.3.1928.

 

12. Trường thương mãi cho Nữ lưu Việt Nam, Đông Pháp thời báo, số 698, ngày 22.3.1928.

 

13. Vài điều cần ích cho chị em bạn gái, Đông Pháp thời báo, số 704, ngày 5.4.1928.

 

14. Mưu trừ tuyệt nghề kéo xe, Đông Pháp thời báo, số 704, ngày 5.4.1928.

 

15. Kính gửi các nhà văn sĩ, Đông Pháp thời báo, số 709, 1928.

 

 

 

Trong hoàn cảnh lúc đó, bài giới thiệu quyển Gương nữ kiệt viết về bà Roland, một nữ anh hùng của nước Pháp của Phan Thị Bạch Vân khiến cho chúng ta không khỏi ngạc nhiên vì sự táo bạo, dũng cảm của bà khi công khai bày tỏ chính kiến: “Cùng sống trong một nước thì trai hay gái đều có cái bổn phận như nhau. Đương lúc nước mất dân tàn, trông mong vào những bực trượng phu ra tay cứu chữa, mà cũng trông mong vào những trang nhi nữ ghé vai gánh lấy cái trách nhiệm chung; nước nào nam giới nữ giới đều có người thì nước ấy hẳn không đến nổi để cho người ngoài giầy xéo. Chúng ta đọc truyện bà Rô-Lăng nước Pháp, sao được không nhớ đến bà Trưng bà Triệu là những bà mẹ yêu quí của chúng ta, rồi lại nghĩ đến cái bổn phận, cái cảnh ngộ của chúng ta ngày nay mà ngậm ngùi đau đớn”.

 

Trong bộ tiểu thuyết mang nhiều nét tự thuật Lâm Kiều Loan, Phan Thị Bạch Vân cũng cho nhân vật bộc lộ những suy nghĩ của một người phụ nữ mới: “Tôi nghe mấy lời mẹ dạy mà tủi thầm cho cái thân nhi nữ. Mình cũng mắt cũng tai cũng đầu cũng óc như nam nhi, cớ sao nam nhi người ta lại có quyền vùng vẫy nơi bể học rừng văn, còn mình lại buộc trở về toan đi nương thân gởi phận, chực bám vào người là cớ làm sao”.

 

Những bộ tiểu thuyết như Giám hồ nữ hiệp, Nữ anh tài, Kiếp hoa thảm sử được viết với bút danh Hoàng Thị Tuyết Hoa cũng rất tiến bộ trong việc thể hiện người phụ nữ mới. Giám hồ nữ hiệp viết về Thu Cận, được chú thích là “nữ hiệp nước Tàu”. Đó là hình ảnh của những người phụ nữ mới dám hy sinh vì nghĩa lớn. Họ có ý thức tự lập, biết làm kinh tế để hỗ trợ cho hoạt động chính trị và văn hóa. Giám hồ nữ hiệp có những câu như: “Cách mạng có cứ gì con trai con gái”, “hai tiếng nô lệ ở trong thiên hạ này còn có dân tộc nào mà chịu mang không”… Nhân vật Tú Anh trong Nữ anh tài chẳng hạn, rất có bản lĩnh trong tình yêu, hôn nhân và sự nghiệp, khác hẳn với những nhân vật bi kịch như Kiều Loan, Như Hoa trong các tiểu thuyết Lâm Kiều Loan, Kiếp hoa thảm sử. Bên cạnh “nữ hiệp nước Tàu” Thu Cận trong Giám hồ nữ hiệp, Phan Thị Bạch Vân qua nhân vật Tú Anh muốn xây dựng hình ảnh một “nữ hiệp, nữ kiệt” Việt Nam với tài trí không kém.

 

Riêng về tiểu thuyết, có thể nói Phan Thị Bạch Vân đã đóng góp cho văn học Nam Bộ một phong cách riêng với tư tưởng rất tiến bộ. Tác phẩm của bà nói chung vượt trội cả về nội dung và nghệ thuật so với các cây bút nữ đương thời.

 

Tất nhiên là nhà cầm quyền lúc đó không thể để yên cho việc công khai truyền bá tư tưởng “thương nước thương dân, lo cho hậu vận nước nhà, ham mến quốc văn, bảo tồn quốc túy”[6] của Nữ lưu thơ quán. Ngay cả tên tủ sách “Tinh thần phụ nữ” cũng bắt buộc phải đổi thành “Sách nữ lưu” (le livre des femmes). Bảy đầu sách của Nữ lưu thơ quán đã bị cấm lưu hành, trong đó có ba cuốn của Phan Thị Bạch Vân là Gương nữ kiệt, Giám hồ nữ hiệp Nữ anh tài, Băng tâm ngọc chất của Huỳnh Anh Thị… Thư quán cũng bị đóng của sau đó ít lâu. Đến ngày 10.2.1930, Phan Thị Bạch Vân bị thực dân Pháp giải ra tòa “về tội phá rối cuộc trị an trong xứ bằng văn chương tư tưởng”[7] lúc đang bụng mang dạ chửa. Theo lời con gái của bà, có một quan tòa người Pháp do có cảm tình với bà nên đã có lời nói đỡ trong phiên tòa, nhờ đó mà bà không phải chịu cảnh tù đày.

 

Phan Thị Bạch Vân mất ngày 2.8.1980 (tức ngày 22.8 Canh Thân) tại TP. Hồ Chí Minh, di cốt hiện được gửi tại chùa Giác Ngộ, đường Nguyễn Chí Thanh, quận 5, TP. Hồ Chí Minh.

Nữ lưu thơ quán tồn tại chỉ trong vòng chưa đầy hai năm, nhưng đã tập hợp được một số tác giả tiến bộ và đã xuất bản nhiều tác phẩm văn học, khoa học, giáo dục…có giá trị. Thư quán cũng góp phần truyền bá những tư tưởng dân chủ, tiến bộ, những kiến thức khoa học cho thanh niên, đặc biệt cho phụ nữ. Vào đầu thế kỷ XX, lúc bình quyền nam nữ còn được xem là một vấn đề mới mẻ, Phan Thị Bạch Vân đã bằng hành động và sáng tác của mình, chứng tỏ “nữ lưu” cũng có những thế mạnh của riêng mình, cũng có thể sánh vai với nam giới trong mọi lĩnh vực. Đó là điều rất đáng trân trọng của nhà văn nữ yêu nước, nhà hoạt động văn hóa còn chưa được đánh giá đúng mức này.

 


[1] Bằng Giang, Sài Gòn cố sự, Nxb Văn học, Hà Nội, 1999, tr. 63-64.

[2] Nguyễn Đình Đầu, Nghiên cứu địa bạ triều Nguyễn – Biên Hòa, Nxb TP. HCM, 1994, tr. 99.

[3] Mộng Tuyết, Dưới mái trăng non, Nxb Văn nghệ, TP. Hồ Chí Minh, 1996, tr. 210.

[4] Nguyễn Vỹ, Tuấn, chàng trai nước Việt,quyển II, Tác giả xuất bản , Sài Gòn, 1970, tr.49.

[5] Thông báo ở cuối quyển Kim tú cầu, Impr. Bảo Tồn, Sài Gòn, 1928.

[6] Nữ anh tài, cuốn 1, Imp. Bảo Tồn, Sài Gòn, 1929, trang cuối.

[7] “Gần đây trong nước có những việc gì”, Phụ nữ  tân văn số 39, 13.2.1930.

 

Nguồn: Tài hoa trẻ số 446 năm 2006.

 

Online Members

We have 562 guests and no members online

Homepage Data

64054787
Today
Yesterday
All
6367
19797
64054787

Show Visitor IP: 18.97.14.89
12-12-2024 05:44