LỜI NÓI ĐẦU
Hiện nay, những bộ phim cải biên từ tác phẩm văn học vẫn liên tục được trình chiếu với những cấu trúc tự sự mới lạ, những kỹ xảo chất lượng cao và sự sáng tạo không ngừng của đạo diễn. Phim cải biên luôn chứng tỏ được sức hút của nó trong lòng những khán giả say văn chương mê điện ảnh. Vì vậy, dù có nhiều ý kiến khen chê, dù bị đánh giá là trung thành hay không trung thành với tác phẩm văn chương thì phim cải biên vẫn tiếp tục dòng chảy của nó để cho hành trình liên văn bản không bị gián đoạn khi đi qua những loại hình nghệ thuật khác nhau và đến với từng đối tượng tiếp nhận khác nhau.
Mặc dù phim cải biên đã tự mình chinh phục được những đỉnh cao trong nghệ thuật điện ảnh nhưng cơ sở lý luận, các lý thuyết cải biên từ văn học đến điện ảnh vẫn chưa nhất quán và còn nhiều tranh luận. Tại Việt Nam, tài liệu nghiên cứu về lý thuyết cải biên một cách có hệ thống và chuyên biệt hầu như vắng bóng. Những vấn đề cải biên học chỉ được đưa ra xen kẽ trong các công trình nghiên cứu tác phẩm cải biên cụ thể hoặc trong một số bài báo khoa học và bài tham luận tại các hội thảo. Trong khi đó, các tài liệu về cải biên học ở nước ngoài được dịch và giới thiệu trong nước với một mức độ khan hiếm. Ở Việt Nam, hầu hết các nghiên cứu văn học cũng như nghiên cứu nghệ thuật đều xem vấn đề cải biên là một phương pháp thuần túy chứ không phải một lý thuyết nghiên cứu. Do đó, khi nghiên cứu việc cải biên một tác phẩm văn học sang một loại hình khác, nhất là điện ảnh, đa số các nhà nghiên cứu đều dùng phương pháp so sánh để cho thấy sự giống và khác nhau của tác phẩm cải biên và tác phẩm nguồn, tranh luận về tính trung thành với nguyên tác, từ đó bình giá tác phẩm cải biên chứ ít nhìn nhận về tính độc lập tương đối của tác phẩm cải biên hay thế mạnh của từng tác phẩm trong loại hình của nó.
Các bài báo, các bài điểm phim gần đây cũng chỉ nhìn vào các bộ phim cải biên ở góc độ trung thành hay biến đổi so với văn bản nguồn chứ không thấy được những sự dịch chuyển ký hiệu từ loại hình này sang loại hình khác, sự thay đổi bối cảnh từ tác phẩm cải biên này đến tác phẩm cải biên khác và sự tiếp nhận của tác giả điện ảnh với tư cách là một độc giả. Một vấn đề nữa là đối với tác phẩm văn học có nhiều tác phẩm điện ảnh cải biên thì người nghiên cứu chỉ lựa chọn duy nhất một tác phẩm mà không có sự so sánh đối chiếu để tìm hiểu xem các tác phẩm điện ảnh cải biên đó có sự tương quan với nhau như thế nào và bản nào được xem là cải biên, bản nào được xem là làm lại từ tác phẩm cải biên đó.
Ngày nay, trong bối cảnh mới của thế giới, cải biên học (adaptation studies) đã có những sự phát triển trên cơ sở lý luận liên văn bản, phiên dịch học, giải cấu trúc, văn hóa học. Nhờ những lý thuyết này cộng với sự phát triển mạnh mẽ của điện ảnh, cải biên học từ văn học đến điện ảnh đã được khảo nghiệm và hệ thống hóa thành lý thuyết. Lý thuyết cải biên giúp các nhà nghiên cứu có được cái nhìn đúng và thận trọng hơn khi đánh giá tác phẩm cải biên đồng thời giúp cho những người làm phim có những lựa chọn thích hợp khi muốn cải biên một tác phẩm văn học nào đó. Trong điện ảnh, có rất nhiều tác phẩm cải biên thành công và để lại nhiều ấn tượng tốt cho khán giả như: “Bố Già” (The Godfather), “Nhà tù Shawshank” (The Shawshank Redemption), “Forrest Gump”, “Hồ sơ điệp viên Bourne” (The Bourne Identity), “Cuốn theo chiều gió” (Gone with the Wind), “Bệnh nhân người Anh” (The English Patient),... Cũng có những tác giả điện ảnh nổi tiếng nhờ vào việc cải biên tác phẩm văn học như: Hitchcock, Kurosawa Akira, Stanley Kubrich. Tuy nhiên, chuyên luận về những “tác giả điện ảnh” cũng như thành tựu cải biên của họ đến nay vẫn chưa được chú ý nhiều.
Khi nghiên cứu cải biên học, chúng tôi muốn thông qua trường hợp Kurosawa khảo nghiệm lại những vấn đề trọng yếu của cải biên, ví như vai trò của văn bản nguồn trong cải biên, nghịch lý của tính trung thành trong cải biên hay mối quan hệ giữa tác giả và đạo diễn trong cải biên, tác động của chủ nghĩa hậu hiện đại đến việc cải biên. Trong lịch sử điện ảnh thế giới, đạo diễn trứ danh Nhật Bản Kurosawa Akira được xem là bậc thầy của những tác phẩm điện ảnh cải biên. Do vậy, khảo sát các tác phẩm cải biên của ông bằng lý thuyết cải biên hứa hẹn sẽ đem đến một cái nhìn mới về sự sáng tạo của Kurosawa nói riêng và làm phong phú thêm cho lý luận cải biên nói chung. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng quan tâm đến cách thức chuyển thể của Kurosawa Akira trong điện ảnh thế giới và những yếu tố giúp ông thành công trong việc cải biên tác phẩm văn học thành tác phẩm điện ảnh.
Cuộc tiếp xúc đầu tiên của người viết với đạo diễn Kurosawa Akira là những tháng ngày học ở Dự án điện ảnh K6 năm 2010-2011 tại Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn Hà Nội. Từ ám ảnh ban đầu về “Những giấc mơ” trong tập phim ngắn “Dreams” của ông, người viết đã tìm về nhiều bộ phim khác nhau thuộc nhiều giai đoạn khác nhau của đạo diễn và nhận thấy ở Kurosawa Akira có một dạng ngôn ngữ điện ảnh hấp dẫn kỳ lạ, mời gọi khán giả tìm hiểu, khai phá. Mặt khác, hầu hết các bộ phim của ông sử dụng chất liệu văn chương nhưng giữa tác phẩm văn chương làm chất liệu và phim Kurosawa luôn có một cuộc đối thoại ngầm mang tính tri âm và sáng tạo của đạo diễn với nhà văn. Kurosawa cải biên rất nhiều các thể loại văn học như: truyện ngắn, tiểu thuyết, kịch bản văn học. Sự thành công của phim Kurosawa đôi lúc làm khán giả lãng quên chất liệu có trước bởi cuộc chuyển vị ngoạn mục từ văn học sang điện ảnh. Do đó, có thể xem việc cải biên của Kurosawa là một trong những trường hợp tiêu biểu nhất để đặt vào cải biên học trong bối cảnh hậu hiện đại. Từ những lý do đã nêu trên, xin phép được giới thiệu tới bạn đọc tác phẩm: Chân trời của hình ảnh (Từ văn chương đến điện ảnh qua trường hợp Kurosawa Akira).
Đây là một công trình nghiên cứu, mà qua đó chúng tôi muốn nhìn nhận cải biên học trong sự phức hợp của các lý thuyết: liên văn bản, giải kiến tạo, văn hóa học và phiên dịch học. Cải biên là một bộ phận của liên văn bản. Liên văn bản cho thấy sự dịch chuyển các ký hiệu từ văn bản nguồn là tác phẩm văn học đến văn bản đích là tác phẩm điện ảnh. Ngoài ra, xem xét cải biên từ góc nhìn liên văn bản sẽ thấy được hành trình xuyên suốt của các văn bản kể cả văn bản nguồn lẫn văn bản đích bởi tất cả các văn bản đều hấp thụ, biến đổi và trở thành từ các văn bản khác. Bộ phim cũng chỉ là kết quả của tiến trình liên văn bản, thể hiện một cách đọc của nhà làm phim và bên trong nó không chỉ có liên văn bản từ tác phẩm văn học nguồn mà còn rất nhiều văn bản khác thông qua ngôn ngữ, hành động nhân vật, thông qua diễn xuất của diễn viên cũng như các hiện tượng văn hóa, xã hội. Từ góc nhìn giải kiến tạo, tác phẩm điện ảnh cải biên sẽ được trả lại vị trí của chính nó, tức là mối quan hệ thứ bậc của tác phẩm nguồn và tác phẩm phái sinh, văn bản trước và văn bản sau sẽ bị xóa nhòa, thay vào đó là mối quan hệ đồng đẳng của các loại hình nghệ thuật, của sân chơi liên văn bản. Từ góc nhìn văn hóa học sẽ cho thấy hệ tư tưởng mang tính thống trị xã hội tác động đến quan điểm của những nhà làm phim. Bên cạnh đó, lý thuyết này cũng giúp người nghiên cứu nhìn nhận nguyên nhân, mục đích và bối cảnh xã hội của cải biên và sẽ kiến giải được tại sao có những bộ phim cải biên từ cùng một tác phẩm văn chương nhưng lại có sự thay đổi rất lớn. Từ góc nhìn của phiên dịch học, việc cải biên tác phẩm văn học đến tác phẩm điện ảnh được xem là một kiểu dịch liên ký hiệu, do đó tính tương đương cũng được xem xét trong quá trình nghiên cứu cải biên. Tuy nhiên, tính tương đương này là tính tương đương giữa cái hồn cốt, cái tinh túy, cái đề tài cốt lõi của tác phẩm văn học so với tác phẩm cải biên chứ không phải tương đương về những chi tiết, logic về mặt cốt truyện hay cấu trúc tự sự.
Thứ hai, công trình sử dụng thuật ngữ “cải biên” để dịch thuật ngữ “adaptation” trong tiếng Anh, định danh những tác phẩm điện ảnh sử dụng chất liệu có trước là văn học và các loại hình nghệ thuật khác. Đây là cách dùng từ do nhà nghiên cứu Nguyễn Nam đề xuất ở trang 33 của bài viết: “Từ Chùa Đàn đến Mê Thảo – liên văn bản trong văn chương và điện ảnh”, Tạp chí Văn học, số tháng 12/2006. Trước đây, khi phiên dịch thuật ngữ “adaptation” sang tiếng Việt, các dịch giả dùng từ “chuyển thể”. Tuy nhiên, đối với động từ “adapt” cũng mang hàm ý như danh từ “adaptation”, các dịch giả lại dùng từ “mô phỏng”, “dựa theo”, “cải tác”. Do đó, để sử dụng một thuật ngữ dịch thuật đồng nhất, công trình này sẽ dùng từ “cải biên” với hàm nghĩa lý thuyết, thể loại lẫn hàm nghĩa phương pháp, thao tác. Ngoài ra, cải biên học không chỉ được ứng dụng trong các tác phẩm điện ảnh sử dụng chất liệu văn học mà còn ứng dụng nghiên cứu các tác phẩm sân khấu “biến đoạn” và thậm chí là trong cùng một loại hình nghệ thuật như các tác phẩm văn học Việt Nam cải biên từ các tác phẩm văn học nước ngoài. Bên cạnh đó, những bộ phim làm lại (remake), những bộ phim dựa trên chuyện có thật cũng được xem là cải biên. Vì vậy, nếu dịch là “chuyển thể” sẽ không phù hợp khi mở rộng phạm vi nghiên cứu. Cũng trong nghiên cứu này, lần đầu tiên, lý thuyết cải biên được giới thiệu và đề cập một cách toàn diện từ mối quan hệ của văn học và điện ảnh, từ tác giả cải biên, tác phẩm cải biên và người đọc, người xem. Bên cạnh đó, những bài nghiên cứu mới về lý thuyết cải biên cũng được giới thiệu một cách có hệ thống trong công trình.
Thứ ba, công trình này nghiên cứu về Kurosawa Akira bằng lý thuyết cải biên một cách triệt để thông qua những thể loại tiêu biểu được cải biên là: truyện ngắn, tiểu thuyết và kịch bản văn học. Ở Việt Nam, có ít nhất hai công trình nghiên cứu về Kurosawa Akira ở bậc đại học và sau đại học nhưng là nghiên cứu về sự nghiệp của Kurosawa Akira một cách chung chung chứ không đi sâu vào cải biên học. Như vậy, với những vấn đề được nêu lên ở trên, chúng tôi tin rằng, công trình sẽ đóng góp một cách nhìn nhận mới đối với việc nghiên cứu các tác phẩm điện ảnh cải biên, giúp các tác phẩm cải biên được quan tâm một cách xác đáng chính từ bản thân nó chứ không phải từ sự giống nhau và khác nhau so với tác phẩm văn học. Đồng thời, công trình này hy vọng cũng sẽ giúp các nhà biên kịch có thể có những phương pháp phù hợp trong việc cải biên những tác phẩm văn học thành điện ảnh và giúp các nhà làm phim có thể học tập được phương thức cải biên của đạo diễn bậc thầy Nhật Bản Kurosawa Akira thông qua các nghiên cứu cụ thể.
Chúng tôi xin được gửi lời cảm ơn chân thành đến các nhà nghiên cứu: thầy Trần Luân Kim, thầy Trương Đăng Dung, thầy Trần Nho Thìn, thầy Lâm Quang Vinh, cô Phan Thị Bích Hà, cô Phan Thị Thu Hiền, thầy Lê Giang, cô Nguyễn Thị Thanh Xuân, cô Trần Lê Hoa Tranh, cô Trần Yến Chi, cô Nguyễn Vũ Quỳnh Như, cô Phan Bích Thuỷ đã góp ý, động viên tôi trong quá trình thực hiện đề tài. Xin chân thành cảm ơn thầy Bùi Văn Nam Sơn, thầy Phan Nhật Chiêu, anh Trần Tiễn Cao Đăng, anh Phan Đăng Di, anh Phan Gia Nhật Linh là những người đã truyền cảm hứng cho tôi trên con đường học thuật và điện ảnh. Xin đặc biệt gửi lời tri ân đến thầy Nguyễn Nam, người đã giảng dạy và gợi mở cho tôi nhiều tri thức mới, cô Trần Thị Phương Phương, người đã chia sẻ nhiều kinh nghiệm cho tôi trong quá trình nghiên cứu. Cuối cùng, xin gửi lời chân thành cảm ơn đến gia đình, các anh chị đồng nghiệp và bạn bè vì luôn ở bên tôi, động viên, hỗ trợ tôi hoàn thành công trình này. Công trình rất mong tiếp tục nhận được nhiều ý kiến đóng góp và chia sẻ từ bạn đọc.