Tiếp nhận và cải biên các tác phẩm văn học sang kịch bản cải lương là phương thức rất phổ biến trong việc xây dựng kịch bản cải lương trước năm 1945. Trong điều kiện cải lương vừa hình thành và có nhiều nơi mời trình diễn, việc cải biên sẽ dễ dàng và nhanh chóng đáp ứng nhu cầu của công chúng hơn việc sáng tác một tác phẩm mới. Vì sự gần gũi của truyện thơ Nôm và lời ca cải lương nên việc cải biên truyện thơ Nôm đóng một vai trò quan trọng cho việc phát triển loại hình sân khấu cải lương ở giai đoạn đầu tiên.
Kịch bản cải lương "Nhị độ mai", Mộng Trần, Tân Hiên Tập Quán, 1926
Trước năm 1945, các kịch bản cải lương dựa vào truyện Nôm chiếm tỷ lệ cao hơn các kịch bản cải lương dựa vào tiểu thuyết Việt Nam nhưng không phải quá chênh lệch. Theo chúng tôi, nguyên nhân truyện Nôm Việt Nam có ảnh hưởng lớn đối với các kịch bản cải lương là do so với tiểu thuyết Việt Nam, truyện Nôm là thể loại văn học ra đời trước hơn và đã khẳng định được vị trí trong văn học Việt Nam mà đỉnh cao là Truyện Kiều. Thứ hai, truyện Nôm chủ yếu được viết bằng thể thơ lục bát của dân tộc nên gần gũi với lời ca trong cải lương, dễ cải biên, dễ ngâm và nói lối. Thứ ba, cốt truyện của truyện thơ Nôm dù có tác giả như Truyện Kiều, Lục Vân Tiên hay khuyết danh như Quan Âm Thị Kính, Lâm tuyền kỳ ngộ thì vẫn rất gần gũi với quần chúng, được lưu truyền rộng rãi trong dân gian và được quần chúng yêu thích, ngâm, kể. Trong khi đó, tiểu thuyết bằng chữ quốc ngữ vẫn còn khá xa lạ đối với nhân dân vì nhiều người không biết đọc. Cách kể chuyện của tiểu thuyết Việt Nam còn khá lạ so với tiểu thuyết chương hồi được du nhập vào Việt Nam trước đó nên khi lựa chọn để cải biên, các soạn giả cải lương cũng cân nhắc cẩn thận.
Những truyện Nôm được các soạn giả cải biên thành kịch bản cải lương trước 1945 theo chúng tôi khảo sát gồm có: Truyện Kiều của Nguyễn Du, Lục Vân Tiên của Nguyễn Đình Chiểu, Nhị độ mai (truyện Nôm khuyết danh), Quan Âm Thị Kính (khuyết danh), Lâm tuyền kỳ ngộ (khuyết danh).
Ngay từ khi mới ra đời, cải lương đã dựa vào Truyện Kiều và Lục Vân Tiên để sáng tác. Đó là hai vở cải lương Lục Vân Tiên và Kim Vân Kiều của soạn giả Trương Duy Toản. Sở dĩ Trương Duy Toản chọn hai vở này để viết kịch bản cải lương theo chúng tôi có những nguyên nhân sau:
Thứ nhất, Lục Vân Tiên và Kim Vân Kiều là hai truyện Nôm cực kỳ nổi tiếng của dân tộc ta. Nhân dân ta thường sử dụng hai tác phẩm này để diễn xướng dân gian như: lẩy Kiều, tập Kiều, hát, ngâm… Vì cả hai tác phẩm đều viết bằng thể thơ lục bát, thể thơ đặc trưng của dân tộc Việt Nam nên rất được nhân dân ưa thích, dễ đi vào lòng người. Nếu như Truyện Kiều là tác phẩm truyện thơ Nôm đặc sắc với thể thơ lục bát mang tính chất bác học được nhân dân miền Bắc nói riêng và nhân dân cả nước nói chung yêu thích thì Lục Vân Tiên lại mang thể thơ lục bát đặc trưng của nhân dân miền Nam: giản dị, trong sáng, dễ hiểu, được nhân dân miền Nam cực kỳ yêu thích. Do đó, từ thể thơ lục bát vốn có sẵn nhịp điệu cải biên thành bài bản cải lương sẽ dễ dàng hơn.
Thứ hai, Truyện Kiều và Lục Vân Tiên là hai tác phẩm rất tiêu biểu mang đậm chất dân tộc Việt Nam. Nhà nghiên cứu Phạm Quỳnh đã từng phát biểu: “Truyện Kiều còn, tiếng ta còn – tiếng ta còn, nước ta còn” (dẫn theo Nguyên Trang, Truyện Kiều còn tiếng ta còn, Báo Người Hà Nội, số 15 ra ngày 11 tháng 4 năm 2008). Còn ngay đoạn mở đầu Lục Vân Tiên, tác giả đã cho thấy việc “mượn xưa nói nay”, nêu cao tấm gương “trung hiếu tiết nghĩa”:
Trai thời trung hiếu làm đầu,
Gái thời tiết hạnh là câu trau mình.
Do đó, việc sử dụng hai tác phẩm này trong bối cảnh đất nước đang bị thực dân Pháp khai thác, bóc lột cũng là cách khơi gợi lòng yêu nước từ quần chúng nhân dân, giúp họ ghi nhớ những tác phẩm tiêu biểu của dân tộc Việt Nam. Không những thế, ẩn chứa đằng sau những câu hát tưởng chừng như đơn giản mộc mạc chính là lời kêu gọi lòng yêu nước. Nàng Kiều, phận nữ nhi “liễu yếu đào tơ” nhưng đã không cam tâm trước cảnh cha cùng em trai bị bắt và đánh đập oan ức:
Thúy Kiều:
Nghĩ tới thôi, ngẩn ngơ cho phận
Sống thừa chi đây,
Chi đây mà chẳng thảo thân
Đâu há lại làm thinh, dễ thẹn kiếp sinh.
(Kiều du thanh minh, Phạm Đình Khương)
Truyện Kiều không chỉ được sử dụng trong thời kỳ cải lương mới ra đời mà sau đó, nhiều soạn giả khác cũng sáng tác những vở cải lương dựa trên nguồn cảm hứng Truyện Kiều. Trong những vở cải lương trước 1945 mà chúng tôi sưu tầm được có hai vở diễn theo Truyện Kiều của Nguyễn Du. Cả hai vở này đều do nhà xuất bản Phạm Đình Khương ấn hành. Đó là vở Hoạn Thơ tróc Kiều của Trương Quang Tiền và Kiều du thanh minh của Phạm Đình Khương. Mặc dù cả hai tác giả đều ghi là diễn theo truyện Kim Vân Kiều nhưng ở đây chúng tôi xin khẳng định, đó là dựa vào truyện Nôm của Nguyễn Du chứ không phải Kim Vân Kiều của Thanh Tâm Tài Nhân, tức là không chỉ dựa vào mặt cốt truyện. Cả hai vở cải lương này đều chỉ lấy một đoạn trong Truyện Kiều chứ không diễn lại cả truyện. Vở Hoạn Thơ tróc Kiều diễn từ đoạn Sở Khanh gạt Kiều trốn đi cho đến đoạn sư Giác Duyên gửi Kiều đến nhà họ Bạc. Còn vở Kiều du thanh minh diễn từ đoạn Kiều du thanh minh cho đến lúc Kiều theo Mã Giám Sinh vào lầu xanh của mụ Tú Bà.
Tú Bà và 2 kỹ nữ bắt Kiều (Cảnh trong vở: Hoạn Thơ tróc Kiều, Trương Quang Tiền, nhà in Xưa Nay, 1927)
Sở dĩ hai vở cải lương chọn hai đoạn như trên đã nêu vì đây là hai đoạn mấu chốt trong Truyện Kiều, làm nên cuộc đời 15 năm lưu lạc của Thúy Kiều như Nguyễn Du đã viết:
Hết nạn nọ đến nạn kia
Thanh lâu hai lượt thanh y hai lần.
Dù tên gọi của hai vở cải lương này khác nhau, dù hai soạn giả lựa chọn diễn lại hai đoạn khác nhau trong Truyện Kiều nhưng cấu trúc của kịch bản về cơ bản giống nhau. Vở Hoạn Thơ tróc Kiều bắt đầu bằng cuộc gặp gỡ với Sở Khanh và dẫn đến tai họa phải ở lầu xanh tiếp khách. Từ lầu xanh, nàng gặp và được Thúc Sinh chuộc ra, làm lẽ Thúc Sinh. Hoạn Thơ biết chuyện, lập mưu chia rẽ Kiều và Thúc Sinh. Kiều trốn khỏi nhà Thúc Sinh đến gặp Giác Duyên. Tuy nhiên, vì nàng trộm chuông khánh nhà Thúc Sinh nên Giác Duyên đã gửi nàng cho nhà họ Bạc. Vở Kiều du thanh minh thì bắt đầu bằng cuộc gặp gỡ giữa Kiều và Kim Trọng nhưng cuối cùng hai người không đến được với nhau. Kiều bán mình chuộc cha và trao duyên cho Thúy Vân. Vở cải lương kết thúc ở đoạn Vương Ông tiễn Thúy Kiều về làm vợ Mã Giám Sinh.
Có thể thấy, kịch bản của hai vở cải lương này đều có một biến cố lớn trong cuộc đời Thúy Kiều. Vở Hoạn Thơ tróc Kiều là biến cố Kiều và Thúc Sinh rơi vào mưu Hoạn Thơ. Hai người gặp nhau nhưng không dám nhận nhau: Người ngoài cười nụ, người trong khóc thầm. Vì tính chất của cải lương là tập trung khai thác các bi kịch nên đây là đoạn rất dễ khai thác và dễ lấy nước mắt người xem.
Rõ ràng, dù không sử dụng trực tiếp những câu thơ trong Truyện Kiều nhưng lời ca trong Hoạn Thơ tróc Kiều có những câu thơ được gợi hứng từ Truyện Kiều rất rõ. Chẳng hạn câu hát: Trời xanh ghét khách má hồng tương tự với một câu thơ ở đoạn đầu Truyện Kiều là: Trời xanh quen thói má hồng đánh ghen.
Vở cải lương Kiều du thanh minh cũng có cách khai thác kịch bản tương tự. Kịch bản này chọn khai thác bi kịch khi Thúy Kiều phải bán mình chuộc cha và trao duyên lại cho Thúy Vân. Đoạn này nằm ở màn thứ sáu.
Thúy Kiều (khóc) nói: Em ôi, mở miệng ra thì gở, để dạ vậy sao đành, cậy cùng em chút có thương tình, ngồi cho chị lạy rồi sẽ tỏ.
CA TỨ ĐẠI OÁN
Xin cậy em em có chịu lời
Ngồi lên cho chị lạy rồi,
Chị sẽ bày mấy lời ruột gan
Đoạn ca Tứ đại oán này hoàn toàn giống với đoạn trao duyên trong Truyện Kiều:
Cậy em, em có chịu lời,
Ngồi lên cho chị lạy rồi sẽ thưa.
Như vậy, sự khác nhau ở đây chính là mặc dù lời ca cải lương dựa vào lời thơ Truyện Kiều nhưng đã biến đổi đi cho phù hợp với giai điệu của một bài Tứ đại oán.
Nếu so sánh về việc vay mượn lời thơ từ Truyện Kiều của Nguyễn Du thì có thể dễ dàng nhận ra, vở cải lương Hoạn Thơ tróc Kiều có sự phóng tác nhiều hơn vở Kiều du thanh minh. Trương Quang Tiền đã sử dụng một số ý thơ trong Truyện Kiều để viết lời riêng cho các nhân vật trong khi đó Phạm Đình Khương chủ yếu chỉnh sửa lời thơ của Truyện Kiều cho khớp với lời nhạc của nhân vật. Cả hai vở cải lương này đều ra đời vào năm 1927 nên theo chúng tôi, sự khác nhau ở đây là do quan điểm sáng tác của mỗi tác giả. Trương Quang Tiền là người sáng tác và cải biên rất nhiều vở cải lương như: Mạnh Lệ Quân thoát hài, Phụng Nghi Đình, Triệu Khuông Dẫn đưa Triệu Kinh Vương, Mạnh Lệ Quân chấm trường thi gặp chồng, Tây Thi gặp Phù Ta, Mạnh Lệ Quân chẩn mạch Đông Bình Vương, Hồng y hiệp nữ, Duyên chị tình em, Hồ Bạch Huê vĩnh biệt Tấn vương, Tâm tình xuất thế Tấn vương du xuân, Mẫu đơn tiên xuất thế, Điên vì tình, Giọt máu chung tình, Phụng cầu hoàng duyên, Tứ đổ tường, Mạnh Lệ Quân giả trai, Chiêu Quân lầm kế gian thần, Chiêu Quân giáp mặt Hán hoàng, Hỏa thiêu Hồng Liên tự,… Do đó ông đã có thể định hình phong cách viết kịch bản cho mình và có khả năng phóng tác vững chắc. Ngược lại, số vở cải lương mà chúng tôi sưu tầm được của Phạm Đình Khương chỉ có duy nhất một vở Kiều du thanh minh. Dĩ nhiên không thể khẳng định Phạm Đình Khương chỉ sáng tác duy nhất một vở cải lương nhưng có thể khẳng định số lượng kịch bản do Phạm Đình Khương viết ít hơn Trương Quang Tiền. Cho nên vở Kiều du thanh minh cũng có thể xem là một sự thể nghiệm của nhà xuất bản Phạm Đình Khương trong việc cải biên truyện Nôm thành kịch bản cải lương.
Không chỉ có Truyện Kiều và Lục Vân Tiên được cải biên thành kịch bản cải lương mà những truyện Nôm khuyết danh như Nhị độ mai, Quan Âm Thị Kính hay Lâm tuyền kỳ ngộ cũng được các soạn giả để ý đến.
Nhị độ mai được soạn giả Mộng Trần cải biên nhưng vẫn giữ nguyên tên gọi. Tuy nhiên, tên gọi này chỉ dùng cho đoạn trích Hoa mai nở hai lần trong Hồi thứ tư của Nhị độ mai chứ không phải là toàn bộ câu chuyện. Cũng giống như hai tác giả kể trên, Mộng Trần chỉ chọn một đoạn trong Nhị độ mai để soạn thành cải lương, đó là đoạn: Lương Ngọc giả danh Vương Hĩ Đồng vào ở nhà Trần Đông Sơ tế mai cho đến lúc Trần Đông Sơ nhận ra được.
Kịch bản cải lương Nhị độ mai, Mộng Trần, Tân Hiên Tập Quán, 1926.
Bên cạnh Nhị độ mai, truyện thơ Nôm khuyết danh được lấy cảm hứng còn có Quan Âm Thị Kính, Lưu Bình Dương Lễ, Lâm tuyền kỳ ngộ,…Truyện Nôm Quan Âm Thị Kính được hai tác giả cải biên là: Nguyễn Công Mạnh với tác phẩm cùng tên, Lê Văn Lưu với tên gọi hơi khác một chút là Thị Kính hàm oan. Truyện Nôm Lưu Bình Dương Lễ được soạn giả Đặng Công Danh lấy cảm hứng, còn truyện Nôm Lâm tuyền kỳ ngộ được Nguyễn Thành Long cải biên với tên gọi Bạch Viên xuất thế.
Có thể nói rằng, một vở cải lương cải biên thành công là một vở cải lương thể hiện được trên sân khấu tinh thần của tác phẩm văn học. Mỗi loại hình nghệ thuật có thế mạnh riêng của nó nên không thể coi cái nào là minh họa của cái nào. Cái hay của cải lương là có thể cụ thể hóa những mô tả về nhân vật bằng lời ca, tiếng nhạc, bằng những dòng tâm tình, bằng ngôn ngữ cử chỉ,… để làm cho khán giả cảm nhận sâu hơn về tính cách, tâm tư tình cảm của nhân vật.
Tài liệu tham khảo
- Đỗ Dũng, (2003), Sân khấu cải lương Nam Bộ 1918-2000, Nxb Trẻ, TP. Hồ Chí Minh.
- Tuấn Giang, (2006), Nghệ thuật cải lương, Nxb Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh.
- Lê Thanh Hiền, (2005), Sơ bộ về tác giả kịch bản cải lương Nam Kỳ nửa đầu thế kỷ 20 (1900-1945), Tạp chí Sân khấu, Số 1+2, Tr.72-73.
- Hoàng Như Mai (1982), Trần Hữu Trang – soạn giả ca kịch cải lương, Nxb TP. Hồ Chí Minh.
- Hoàng Như Mai, (1986), Nhận định về cải lương, Nxb Mũi Cà Mau.
- Huỳnh Công Minh, (2006), (3 tập) Vang bóng một thời sân khấu cải lương Sài Gòn, Nxb Văn hoá Sài Gòn, TP Hồ Chí Minh
- Nguyễn Thị Minh Ngọc, Đỗ Hương, (2007), Sân khấu cải lương ở thành phố Hồ Chí Minh, Nxb Tổng hợp thành phố Hồ Chí Minh, Nxb Văn Hóa Sài Gòn.
- Lê Thị Hoài Phương, (2010), Truyện Kiều với nghệ thuật sân khấu truyền thống Việt Nam, Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật, số 307.
- Tất Thắng, (1996), Diện mạo sân khấu – nghệ sĩ và tác phẩm, Nxb Sân khấu, Hà Nội.
- Nguyễn Phan Thọ, (1994), Sân khấu và thị hiếu người xem, Nxb Sân khấu, Hà Nội.
- Sỹ Tiến, (1984), Bước đầu tìm hiểu sân khấu cải lương, Nxb Thành phố Hồ Chí Minh.
- Trương Bỉnh Tòng, (1997), Nghệ thuật cải lương - những trang sử, Nxb Viện Sân khấu, Hà Nội.
- Hoàng Trinh (1964), Về vấn đề hành động trong kịch và vấn đề sáng tạo tính cách nhân vật trong kịch nhân xem vở cải lương Hoàng Diệu, Tạp chí Văn học, số 3, tr.43-52.
Nguồn: Tạp chí khoa học Văn hóa và du lịch, số Vol.7, No.2&3 (82&83), tháng 3&5/2016