Ta đã làm chi đời ta - Bút ký của Vũ Hoàng Chương

LỜI GIỚI THIỆU

Sau năm 1975, trên thị trường sách xuất hiện khá nhiều hồi ký của các nhà văn đã từng sáng tác trước 1945 như Cát bụi chân ai   Chiều chiều  của Tô Hoài, Nửa đêm sực tỉnh của Lưu Trọng Lư, Hồi ký Anh Thơ của Anh Thơ, Núi Mộng gương Hồ của Mộng Tuyết, Hồi ký Quách Tấn của Quách Tấn, Hồi ký song đôi của Huy Cận. Những hồi ký này có sức hấp dẫn đặc biệt, bởi vì ngoài việc đáp ứng được nhu cầu nhận thức lại quá khứ, đáp ứng được nhu cầu tiếp nhận văn học của người đọc hôm nay, các tác phẩm này còn bộc lộ những cái tôi rất riêng của các nhà văn vốn được bạn đọc mến mộ từ lâu. Từ một cự ly gần, chân dung tự họa của tác giả cũng như những chân dung được họa của các nhà văn khác đã hiện ra sinh động, nhiều chiều kích. Các hồi ký này đã bộc lộ, giải tỏa nhiều ẩn ức; tái hiện không ít những sự thật vì nhiều lý do đã từ lâu bị bỏ quên hoặc khuất lấp. Nhiều số phận, nhiều cảnh đời, nhiều vấn đề phức tạp của quá khứ cũng đã được nhìn nhận lại bằng tư cách của người trong cuộc.

So với các hồi ký nói trên, hồi ký Ta đã làm chi đời ta của Vũ Hoàng Chương đã xuất hiện trước đó khá lâu (in bởi cơ sở xuất bản Trương Vĩnh Ký năm 1974), nhưng vẫn  có giá trị riêng của nó, vẫn có ích cho người đọc hiện nay. Qua hồi ký của Vũ Hoàng Chương, ta có thể hình dung không khí sinh hoạt văn nghệ của một thế hệ nhà văn trước và sau năm 1945, được tác giả tái hiện sống động đến từng chi tiết. Bằng một văn phong giàu cảm xúc, mang ít nhiều chất cổ phong, chân dung tự họa của Vũ Hoàng Chương cũng như nhiều khuôn mặt văn nghệ khác và những người đã đi qua đời ông hiện ra rất sinh động. Qua những hồi đoạn có phần như đứt nối, lắp ghép, lần lượt chân dung các nhà văn khác hiện ra với một khoảng cách rất gần, rất cụ thể trong dáng điệu, giọng nói: Đố Đức Thu, Nguyễn Bính, Thế Lữ, Lê Trọng Quỹ, Nguyễn Tuân, Tô Hoài, Chu Ngọc, Vũ Trọng Can, Phan Khôi, Đông Hồ…Những chuyền giang hồ vặt cùng Đỗ Đức Thu, Thế Lữ, Tô Hoài, Lê Trọng Quỹ rồi Nguyễn Bính, Tô Hoài; những lần đi hát cô đầu cùng với Chu Ngọc, Vũ Trọng Can, Nguyễn Bính; những ngày dạy học ở Hải Phòng, dẫn đến việc thành lập ban kịch Thăng Long cùng với Chu Ngọc, Nguyễn Bính; những ngày tản cư trong kháng chiến chống Pháp; những ngày hồi cư về Hà Nội; những ngày vào miền Nam sau 1954; những bóng hồng trong đời Vũ Hoàng Chương, từ Mây, Liên, Tố, Khanh… đến Oanh (tức Đinh Thục Oanh), người bạn đời đã đồng hành, chia sẻ ngọt bùi, đắng cay với ông đến cuối cuộc đời. Qua Ta đã làm chi đời ta, chúng ta còn có thể phát hiện xuất xứ nhiều tác phẩm của “nhà thơ say”, như tập thơ Mây và kịch thơ Vân muội ra đời là từ “tình hận” với cô Mây ở làng Dương Ổ, bài thơ Trả ta sông núi chính là khai từ cho vở kịch Nguyễn Thái Học, bài Thiên đường lại mở là viết cho những ngày đầu hạnh phúc ở bên Oanh…

Việc tái bản hồi ký của Vũ Hoàng Chương, nguyên chủ tịch Hội Văn bút của miền Nam Việt Nam, người đã được xưng tụng là thi bá của miền Nam; bên cạnh hồi ký của Anh Thơ, Mộng Tuyết, Tô Hoài, Lưu Trọng Lư, Huy Cận, Quách Tấn, sẽ giúp cho chúng ta có một cái nhìn đa chiều về một giai đoạn văn học phát triển rất phong phú nhưng không kém phần phức tạp trước 1945, về một thế hệ nhà văn vàng sau này khó có thể tìm lại. Đặc biệt là qua hồi ký này, ta hiểu thêm về sinh hoạt văn nghệ của Hà Nội trong giai đoạn 1945- 1954, một mảng văn học đến giờ vẫn còn chưa dược nghiên cứu thấu đáo. Nghiền ngẫm hồi ký của Vũ Hoàng Chương và các nhà văn cùng thời, ta thấy đó không chỉ là tiếng nói của những cá nhân, tiếng nói của một thời đã qua, mà còn từ những bài học cụ thể đó, chúng ta có thể suy nghĩ về nhiều vấn đề cho hôm nay, từ sức mạnh của văn chương, trách nhiệm của nhà văn, đến những suy nghĩ về tình bạn và tình yêu, gia đình và xã hội, chiến tranh và hòa bình.

Bài viết cùng tác giả

Thông tin truy cập

63669992
Hôm nay
Hôm qua
Tổng truy cập
13710
17595
63669992

Thành viên trực tuyến

Đang có 715 khách và không thành viên đang online

Danh mục website