Đại biểu tham dự chụp ảnh lưu niệm tại Hội thảo
Hội thảo khoa học quốc tế “Việt Nam - giao lưu văn hoá và tư tưởng phương Đông” do Khoa Văn học và Trung tâm Tôn giáo Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia TP. HCM tổ chức đã diễn ra trong 3 ngày 16, 17, và 18/11/2017 tại Trường. Ngoài kinh phí của Nhà trường cấp, Hội thảo còn được tài trợ của các vị lãnh đạo Giáo hội Phật giáo Việt Nam tại TP. Hồ Chí Minh. Hội thảo rất hân hạnh được đón tiếp hai vị Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam: HT.TS. Thích Thiện Tâm và HT.TS. Thích Giác Toàn và nhiều vị cao tăng khác. Hội thảo cũng đã đón tiếp nhiều nhà nghiên cứu đến từ Viện nghiên cứu Hán Nôm, Viện Văn học (thuộc Viện hàn lâm KHXH VN), các trường đại học ở Hà Nội, Thanh Hoá, Huế, Đà Nẵng, TP. HCM…Đặc biệt Hội thảo cũng đón tiếp nhiều nhà nghiên cứu đến từ Nhật Bản, Trung Quốc, Đài Loan, trong đó có GS. Imai Akio (ĐH Ngoại ngữ Tokyo), GS. Komine Kazuaki (ĐH.Rikkyo, NB), GS. Cheng Yiyuan/ Trần Ích Nguyên (ĐH Cheng kung, Đài Loan), GS. Wei Tzu-Te/ Nguỵ Từ Đức (ĐH Đông Hoa, ĐL) …
Hội thảo chính thức diễn ra trong sáng và chiều ngày 16/11/2017. 77 tham luận được chọn, chia ra trình bày trong phiên toàn thể và các phiên ở 3 tiểu ban.
Trong phiên toàn thể, Hội thảo đã nghe báo cáo đề dẫn của PGS. TS. Đoàn Lê Giang, Trưởng khoa Văn học, Trưởng Ban tổ chức Hội thảo, báo cáo đã khẳng định: “Đối với Việt Nam, sự giao lưu với thế giới đầu tiên chính là giao lưu với phương Đông, sự giao lưu ấy thúc đẩy sự đổi mới nhận thức về thế giới để từ đó Việt Nam bước ra khỏi khu vực chật hẹp của mình để vươn ra thế giới năm châu”. Sau đó là các báo cáo: Quan hệ giữa Phật giáo Việt Nam với Phật giáo trong khu vực của HT.TS. Thích Thiện Tâm; Mối giao lưu Phật giáo Việt Nam và Ấn Độ của TT.TS. Thích Đức Trường (Viện NCPH VN); Những phát hiện mới về thơ khắc dựng bia tại Trung Quốc của các sứ thần Việt Nam của GS. Chen Yi-Yuan陳益源(Trần Ích Nguyên, ĐH Cheng kung, ĐL); Mối quan hệ giữa Phan Bội Châu và những người Nhật Bản theo Chủ nghĩa Liên Á - Giới thiệu 2 tài liệu mới do người Nhật xuất bản của GS. Imai Akio (ĐH Ngoại ngữ Tokyo).
Tiểu ban 1, có một số tham luận đáng chú ý:
Khảo thuật về giao lưu văn hóa giữa văn nhân Việt Nam với núi Thái Sơn của GS. Zhou Ying 周郢 (Chu Dĩnh, Trung tâm nghiên cứu Thái Sơn, TQ); So sánh tự sự luân lý trong tiểu thuyết gia đình cổ điển Trung - Hàn “Lâm Lan Hương” và “Tạ thị Nam chinh ký” của GS. Zhu Rui-Quan 朱銳泉(Chu Nhuệ Tuyền, ĐH Thiên Tân, TQ); Nhật Bản qua hình dung của người Việt trên báo Ngày Nay của ThS. Tanaka Aki (ĐH Ngoại ngữ Tokyo), Dự án nghiên cứu bộ sưu tập của Trường Viễn Đông Bác Cổ tại Thư viện ISSI của ThS. Sano Aiko (ĐH Meiji); Việt Nam giao lưu phương Đông tiền cận đại qua các nguồn thư tịch của PGS.TS. Đoàn Lê Giang (ĐHKHXH&NV TP.HCM); “Bá quyền văn hóa” nhìn từ hiện tượng thơ bang giao Việt – Trung trong bối cảnh Đông Á trung đại của TS, Đỗ Thị Thu Thủy (ĐH Văn hoá HN); Nguyên Thiều (1648-1728) thiền sư di dân của TS. Phạm Văn Tuấn (Viện NC Hán Nôm); Sự tương đồng về cái nhìn thuộc địa phương Tây giữa các nhà Nho “dương trình hiệu lực” đầu thế kỉ XIX của TS. Nguyễn Thị Tính (ĐHSP HN2); Văn bia Thụ Hàng Môn – tài liệu quý về mối quan hệ Việt Nam – Triều Tiên ở thế kỷ XIII của PGS.TS. Phạm Quốc Sử (ĐH Thủ đô HN); Giao lưu văn hóa tư tưởng triều đại Gupta Ấn Độ và vương quốc Phù Nam của ThS. Lê Thị Sinh Hiền (ĐHKHXH&NV TP.HCM); Biến thể Hán văn Nhật Bản và một số vấn đề đặt ra cho nghiên cứu biến thể Hán văn Việt Nam (trọng tâm là tác phẩm Lĩnh Nam chích quái) của PGS.TS. Nguyễn Thị Oanh (Viện NC Hán Nôm); Du hành tĩnh tại qua lăng kính tưởng tượng nguồn gốc sách Quốc dân độc bản của Đông Kinh Nghĩa Thục của Ts. Nguyễn Nam ((ĐHKHXH&NV TP.HCM); Quan niệm Hoa – Di của sứ thần Việt Nam và Triều Tiên đời nhà Thanh dưới góc nhìn tham chiếu của ThS. Nguyễn Thanh Phong (ĐH An Giang); Sự ra đời của phố Nhật Bản (Nihonmachi) ở Hội An (tìm hiểu qua tư liệu Ngoại phiên thông thư) của TS. Võ Vinh Quang (Huế); Người quen xa lạ: bàn về sự tưởng tượng và kỳ vọng của trí thức triều Nguyễn Việt Nam đối với Trung Quốc của TS. Nguyễn Hoàng Yến (ĐHKHXH&NV TP.HCM); Yếu tố mặt nạ trong nghệ thuật Khon của Thái Lan (so sánh với mặt nạ tuồng Việt Nam) của ThS. Đào Thị Diễm Trang (ĐHKHXH&NV TP.HCM); Vấn đề phụ nữ và ý thức nữ quyền trong xã hội Việt Nam, Trung Quốc từ thời trung đại đến thời hiện đại (từ góc nhìn so sánh) của ThS. Hồ Khánh Vân (ĐHKHXH&NV TP.HCM), v.v..
Tiểu ban 2 có một số tham luận đáng chú ý: Nghiên cứu nguồn gốc và sự bản địa hoá Phật giáo Việt Nam của Yu Ru-Song 宇汝松 (Vũ Nhữ Tùng, ĐH Sơn Đông, TQ); Vai trò của Phật giáo Nguyên thủy với tiếp biến văn hóa về toàn cầu hóa tại Nam Á và Đông Nam Á của TT.TS. Thích Thiện Minh (Viện NCPH VN); Hành trạng của những nhà sư Ấn Độ trong việc truyền bá đạo Phật tại Việt Nam giai đoạn đầu Tây lịch của TT.ThS. Thích Thiện Thuận (Viện NCPH VN); Luận giải về giấc mộng: từ Áo nghĩa thư đến Duy thức học của TT.TS. Thích Đồng Thành (Viện NCPH VN); Cuộc định cư của Phật giáo trong lòng văn hóa Việt của PGS.TS. Trần Thị Thuận (ĐHKHXH&NV TP.HCM); Vấn đề dung hợp tư tưởng Tam giáo trong ‘Trúc Lâm tông chỉ nguyên thanh’ của ĐĐ.TS. Thích Hạnh Tuệ và SC.ThS. Thích Nữ Thanh Quế (Học viện PGVN tại TP.HCM); Sự hỗn dung văn hoá bản địa – Bàlamôn – Phật giáo – Hồi giáo trong nền văn minh Panduranga – Champa: nghiên cứu trường hợp yếu tố Phật giáo trong tang lễ của người Chăm Ahiér ở Ninh Thuận và Bình Thuận hiện nay của PGS.TS. Trương Văn Món (ĐHKHXH&NV TP.HCM); Theo chân các nhà chiêm bái người Trung Hoa thời xưa đến các Thánh tích Phật giáo của TS. Lê Sơn (Trung tâm NC PGVN); Những hoạt động quốc tế của Hội Phật giáo Bắc kỳ trong phong trào Chấn hưng Phật giáo những năm 1934-1945 của TS. Ninh Thị Sinh (ĐHSP HN 2); Phật giáo Việt Nam với quá trình giao lưu và tiếp biến văn hóa, tư tưởng Đông - Tây những thập niên đầu thế kỉ XX của TS. Dương Thanh Mừng (ĐH Duy Tân, Đà Nẵng); Yếu tố quốc tế trong Phật giáo Quảng Nam - Đà Nẵng của TS. Nguyễn Hoàng Thân (ĐHSP Đà Nẵng); Cảm quan Thiền đạo trong thơ Tuệ Trung Thượng Sĩ và Tô Đông Pha của ĐĐ.ThS. Thích Bổn Huân (Học viện PGVN tại TP.HCM); Nhất Hưu thiền sư và “những đám mây cuồng” trong dòng chảy Thiền tông Đông Á của Nguyễn Phương Khánh (ĐHSP Đà Nẵng); Hai bậc thầy cuồng phóng xứ Đông Á: thiền sư Nhất Hưu (Nhật Bản) và Tuệ Trung Thượng Sĩ (Việt Nam) của TS. Lê Thị Thanh Tâm (ĐHKHXH&NV HN); Từ hình tượng Chằn (Yak) đến hình tượng Hộ pháp trong nghệ thuật Phật giáo Đông Nam Á (nghiên cứu trường hợp văn hóa Khmer) của ThS. Nguyễn Thị Tâm Anh (ĐH Mở TP.HCM), v.v..
Tiểu ban 3 có một số tham luận đáng chú ý: Bắc hành tạp lục của Nguyễn Du (khảo Bắc hành tạp lục và Sứ trình chư tác) của GS. Fang Sheng-Liang 方盛良(Phương Thịnh Lương, ĐH An Huy, TQ); Biếm đồ, dịch trạm, sứ trình: sự thay đổi con đường Hồ Nam, sông Tương qua các triều đại Đường Tống Nguyên của GS. Zhang Shu-Hui 張蜀蕙(Trương Thục Huệ, ĐH Đông Hoa, ĐL); Phản chiếu Trung Châu - Sự chuyển hoá ngữ văn và điển cố trong “Việt Nam Hán văn Yên hành văn hiến tập thành” của GS. Cheng Ko-Ya 程克雅(Trương Thục Huệ, ĐH Đông Hoa, ĐL); Yên tĩnh trước gió mưa – Chuyến đi Quảng Đông của Phạm Phú Thứ của TS. Zhuang Qiu-Jun 莊秋君(Trang Thu Quân, ĐH Cheng kung, ĐL); Thơ bang giao trong văn học cổ điển Việt Nam: diện mạo và giá trị của PGS.TS. Nguyễn Công Lý (ĐHKHXH&NV TP.HCM); Những khả năng giao lưu văn học, văn hoá Việt Nam và khu vực Đông Á thời tiền hiện đại nhìn từ sự lưu truyền của một bài thơ chữ Hán trong khu vực của PGS.TS. Nguyễn Thanh Tùng (ĐHSP HN); Sứ Hoa tùng vịnh và sự giao lưu giữa sứ thần Việt Nam với sứ giả và danh sĩ nước ngoài thế kỷ XVIII của PGS.TS. Đinh Khắc Thuân (Viện NC Hán Nôm); Chánh sứ Nguyễn Huy Oánh với trường học Nhạc Lộc ở Trung Quốc và trường học Phúc Giang ở Việt Nam của TS. Nguyễn Tuấn Cường (Viện NC Hán Nôm); Một số tư liệu về giao lưu quốc tế qua chuyến đi sứ của Thám hoa Nguyễn Huy Oánh của GS.TSKH Nguyễn Huy Mỹ & ThS. Hoàng Ngọc Cương; Cảm thức lịch sử của Nguyễn Du trong Bắc hành tạp lục của PGS.TS. Nguyễn Phong Nam (ĐHSP Đà Nẵng); Giới thiệu một số nghiên cứu của các học giả Trung Quốc – Đài Loan về Việt Nam Hán văn Yên hành văn hiến tập thành (Việt Nam sở tàng biên) và trường hợp điển hình qua Bắc hành tạp lục của Nguyễn Du trong mối tương quan với khu vực văn hóa Hán của TS. Phan Thu Vân (ĐHSP TP.HCM); Hiện thực và dự cảm từ những chuyến đi qua thơ Phan Thanh Giản của TS. Lê Quang Trường (ĐHKHXH&NV TP.HCM); Hải trình chí lược – trọng trách lịch sử và những nhận thức mới của một học giả Việt Nam nửa đầu thế kỷ XIX của PGS.TS. Đoàn Thị Thu Vân (ĐHSP TP.HCM); Tản văn của Nguyễn Văn Siêu viết về Trung Hoa của PGS.TS. Nguyễn Thị Thanh Chung (ĐHSP HN); Nguyễn Thuật: Chân dung một sứ thần Việt Nam triều Nguyễn qua các bài thơ họa - tặng trong Mỗi hoài ngâm thảo của TS. Nguyễn Ngọc Quận (ĐHKHXH&NV TP.HCM); Thể tài văn học du ký trong giao lưu Việt Nam – Đông Nam Á nửa đầu thế kỷ XX của PGS.TS. Nguyễn Hữu Sơn (Viện Văn học); Bán đảo Đông Dương – giao lưu khu vực và thế giới đầu thế kỷ XX qua du ký của Phạm Quỳnh của PGS.TS. Lê Tú Anh ĐH Hồng Đức, Thanh Hoá); Luân Đôn kỷ du: thơ du ký Luân Đôn đầu thế kỷ XX của TS. Nguyễn Đông Triều & TS. Phan Mạnh Hùng (ĐHKHXH&NV TP.HCM); Sự tích Tây du Phật quốc, dấu ấn độc đáo của du ký người Việt viết về thế giới của ThS. Võ Thị Thanh Tùng (ĐH Thủ Dầu Một, Bình Dương), v.v..
Việc thảo luận tại ba Tiểu ban trong hai phiên sáng và chiều đã diễn ra rất sôi nổi và đặt ra một số vấn đề khá thú vị.
Tại phiên bế mạc, trong báo cáo tổng kết, PGS.TS. Nguyễn Công Lý đã đánh giá cao những đóng góp của các học giả qua các bản tham luận. Ông còn cho rằng trong một HTKH không thể kỳ vọng giải quyết tốt tất cả những yệu cầu đặt ra, nhất là mảng thơ văn bang giao và du ký. Trong văn học bang giao, thì mảng thơ đi sứ, hiện còn đến trên một trăm tập thơ của trên một trăm tác giả sứ thần – thi nhân, nhưng tại Hội thảo này chỉ mới giới thiệu được dăm bảy tác phẩm. Văn học du ký cũng vậy, chỉ mới giới thiệu du ký trong văn học Việt Nam hiện đại, còn mảng du ký thời trung đại thì đến nay chưa được giới nghiên cứu quan tâm, chẳng hạn tập thơ Chinh tây kỷ hành của Lê Thánh Tông (1471), hay các thi tập ngự chế tuần du của vua Minh Mệnh, vua Thiệu Trị… chưa được tìm hiểu, dù là giới thiệu qua. Như thế là chúng ta vẫn còn nợ với văn học sử nước nhà. Hy vọng sau Hội thảo này, các học giả trong và ngoài nước cần tiếp tục nghiên cứu sâu hơn, trả cho xong món nợ ấy để góp phần làm cho diện mạo văn học sử Việt Nam phong phú và đầy đủ hơn.
Có thể nói Hội thảo khoa học quốc tế “Việt Nam giao lưu văn hoá tư tưởng phương Đông” đã thành công tốt đẹp. Hội thảo kết thúc trong niềm hân hoan và sự hài lòng của quý học giả trong và ngoài nước. Có được sự thành công này là nhờ đóng góp nhiều công sức của Quý thầy cô Khoa Văn học, Trường ĐHKHXH&NV-ĐHQG TP.HCM.
Ngày 17/11/2017, khách quốc tế và khách đến từ Hà Nội, Thanh Hoá, Huế, Đà Nẵng được Ban Tổ chức hội thảo mời tham quan các di tích văn hoá, lịch sử ở Bến Tre, viếng mộ các nhà nho khai sáng học phong Nam Bộ như Võ Trường Toản, Phan Thanh Giản, Đồ Chiểu…
Ngày 18/11/2017 diễn ra các toạ đàm khoa học trong khuôn khổ hội thảo của 4 chuyên gia Nhật Bản, Đài Loan và Việt Nam:
GS. Komine Kazuaki (Rikkyo University, Tokyo) và GS. Nguyễn Thị Oanh (Viện Nghiên cứu Hán Nôm) thuyết trình về đề tài “Quỷ ở Nhật Bản và Đông Á – Quỷ ẩn và Quỷ hiện/ Demon in Japan and East Asia – Invisible and Visible Demonsi”.
Prof. Wei Tzu-Te 魏慈德 (Donghua University, ĐL) thuyết trình đề tài “So sánh truyền bản Mệnh huấn và Mệnh huấn trong Thanh Hoa giản xem xét vấn đề hiệu chú của người Thanh / “Life Teaching” Comparison of Traditional Text with the Qing-hua Text and the Hermeneutical Issues in Qing Dynasty”.
TS. Nguyễn Tuấn Cường (Viện trưởng Viện Nghiên cứu Hán Nôm) trình bày về “Vấn đề công bố khoa học trên các tạp chí khoa học quốc tế / The Issues of Publishing Research Results in the International Research Journals”
Hội thảo kết thúc trong tình hoà hữu, góp phần liên kết và cảm thông giữa các nhà nghiên cứu Việt Nam và phương Đông khác, hứa hẹn những nghiên cứu sâu hơn trong tương lai.
Phương Thuý
(Khoa Văn học)