Vài bản dịch "Liêu trai chí dị" đầu thế kỷ XX ở Lục tỉnh

Được lưu truyền qua ViệtNam từ thế kỷ trước, Liêu Trai chí dị của Bồ Tùng Linh đã có một đời sống khá phong phú. Nó được phổ biến rộng rãi tới mức đã hội nhập vào nhiều truyện kể dân gian Việt Nam từ Bắc tới Nam, đồng thời một số truyện khi được sao chép, phổ biến riêng rẽ còn đã hòa lẫn vào hệ thống các truyện kể Việt Nam viết bằng chữ Hán (chẳng hạn tập Thư mục Di sản Hán Nôm Việt Nam - Thư mục đề yếu (Catalogue des livres en Hán Nôm) của Viện Nghiên cứu Hán Nôm và Học viện Viễn Đông Bác cổ Pháp, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 1993, tập II, tr. 99 đã kể cả truyện La Tổ trong bản La Tổ truyện ký hiệu A.2560 vào thư mục sách Hán Nôm Việt Nam, trong khi đó là truyện La Tổ trong Liêu Trai chí dị, quyển IX(1): có lẽ người soạn mục từ này đã lầm tưởng địa danh “Tức Mặc” thuộc tỉnh Sơn Đông ở Trung Quốc trong truyện là Tức Mặc thuộc tỉnh Nam Định ở Việt Nam). Việc phổ biến Liêu Trai chí dị như vậy tất yếu dẫn tới sự hình thành một quá trình phiên dịch tác phẩm này ở Việt Nam.

Để tìm hiểu lịch sử phiên dịch Liêu Trai chí dị ở Việt Nam thì còn phải tiến hành nhiều công trình nghiên cứu, nhưng trong phạm vi việc phiên dịch ra chữ quốc ngữ la tinh thì cũng có thể bước đầu nêu ra những cứ liệu khác với nhận định của một số người. Chẳng hạn Nguyễn Huệ Chi trong Lời giới thiệu quyển Liêu Trai chí dị (tuyển tập), Nxb. Văn học, Hà Nội, 1989, tập I đã viết “Riêng việc dịch Liêu Trai chí dị ở Việt Nam cũng đã có cả một quá trình lịch sử. Nếu ở Anh, từ 1909, Herbert A.Gilles đã tuyển dịch 164 truyện trong Liêu Trai chí dị ra tiếng Anh, thì trước bản dịch Tản Đà 25 năm, tại Lục tỉnh miền Nam, chúng ta cũng đã có bản dịch tiếng Việt của Nguyễn Chánh Sắc, Nguyễn Viên Kiều và Nguyễn Tường Vân”. Nhưng kể cũng khá vô lý khi trên một căn bản truyền thống tiếp xúc với Liêu Trai chí dị lâu dài và rộng rãi như vậy mà các dịch giả Việt Nam lại đi sau một dịch giả người Anh trong việc phiên dịch Liêu Trai chí dị... Cho nên khác với sự khái quát nói trên, trước bản dịch Liêu Trai chí dị của nhóm Nguyễn Chánh Sắc, Nguyễn Viên Kiều và Ngô Tường Vân (Nhà in J. Viết, Sài Gòn, 1916 -1918) ít nhất 15 năm, người đọc Lục tỉnh đã được đọc các truyện trong Liêu Trai chí dị dịch ra tiếng Việt trên báo chí quốc ngữ la tinh. Chỉ lấy tờ Nông cổ mín đàm (ra số đầu tiên ngày 1-8-1901) làm ví dụ, cũng có thể kể ra hàng chục bản dịch của nhiều người khác nhau :

* Lương Dũ Thúc, bài Thương người khác thể thương thân, Ghét người khác thể vun phân cho người, số 5,6,7, ngày 29.8, 5 và 12.9.1901 chính là bản dịch truyện Thụy Vân, quyển IV.

* Lương Dũ Thúc, bài Chuột hãy còn có nghĩa, người há chẳng làm nhơn, số 8, ngày 19. 9. 1901 chính là bản dịch truyện Nghĩa thử, quyển XIII.

*Lương Dũ Thúc, bài Nghĩa khuyển, số 9, ngày 26.9.1901 chính là bản dịch truyện Nghĩa khuyển, quyển XIV.

* Lương Dũ Thúc, bài Tác thiện thiên giáng chi bá tường, số 19 và 20, ngày 5 và 19.12.1901, chính là bản dịch truyện Thủy mãng thảo, quyển II.

* Lương Hòa Quý, bài Lộng nguyệt thành tiên, số 25, ngày 23.1.1902, chính là bản dịch truyện Hồ Tứ thư, quyển II.

* Khuyến Thiện đạo nhân, bài Hoành tài bất phú, số 49, 50 ngày 31.7 và 7. 8.1902, chính là bản dịch truyện Nhiệm Tú, quyển II.

* Nguyễn Chánh Sắc, bài Chuyện Hồng Ngọc, số 51 và 53, ngày 14 và 28.8.1902, chính là bản dịch truyện Hồng Ngọc, quyển III.

* Nguyễn Chánh Sắc, bài Chuyện thần hoa, số 128, ngày 11.1.1904, chính là bản dịch truyện Hoa thần, Phụ lục V, quyển XVI

* Nguyễn Đoan Khai, bài Phi ngưu, số 142, ngày 26.5.1904 chính là bản dịch truyện Ngưu phi, quyển XIV.

...

Ngoài việc sử dụng ngôn ngữ địa phương rất đậm nét, các dịch giả nói trên đôi khi còn dịch ra thơ - chủ yếu là thơ lục bát. Các bản dịch Thụy Vân, Nghĩa khuyển... của Lương Dũ Thúc thuộc loại vừa chuyển ngữ vừa chuyển thể này. Vì khuôn khổ có hạn của bài viết, chỉ xin giới thiệu bản dịch của hai truyện thật ngắn (chúng tôi chỉ sửa các lỗi chính tả, ngoài ra vẫn theo đúng nguyên bản).

* Truyện Nghĩa thử :

Dương Thiên Nhất ngôn kiến nhị thử xuất, kỳ nhất vị xà sở thôn. Kỳ nhất trừng mục như tiêu, tự thậm hận oán nhiên dao vọng bất cảm tiền. Xà quả phúc, uyển diên nhập huyệt, phương tương quá bán, thử bôn lai lực tước kỳ vĩ. Xà nộ thoái thân xuất, thử cố tiện tiệp huất nhiên độn khứ. Xà truy bất cập nhi phản, cập nhật huyệt, thử hựu lai tước như tiền trạng. Xà nhập tắc lai, xà xuất tắc vãng, như thị giả cửu, xà xuất thổ tử thử ư địa thượng. Thử lai khứu chi, thu thu như điệu tức, hàm chi nhi khứ. Hữu nhân Trương Lịch Hữu vị tác “Nghĩa thử hành”.

(Dương Thiên Nhất kể có lần thấy hai con chuột ra ngoài, một con bị rắn nuốt mất. Con kia trợn mắt như hạt tiêu đen ngó, có vẻ rất căm giận nhưng chỉ đứng xa mà nhìn chứ không dám tới gần. Rắn no rồi, ngoằn ngoèo bò vào hang, vừa lọt vào hơn một nửa thì chuột lao tới cắn vào đuôi. Rắn tức giận lui ra, chuột vốn lanh lẹn liền lủi trốn. Rắn đuổi không kịp bèn quay lại, vừa bò vào hang thì chuột lại tới cắn vào đuôi như lần trước. Rắn vào thì theo cắn, rắn ra thì bỏ chạy, cứ thế hồi lâu, rắn trở ra mửa con chuột chết ra trên mặt đất. Chuột tới ngửi ngửi, kêu chít chít như khóc thương rồi tha đi. Bạn tôi là Trương Lịch Hữu có làm bài Nghĩa thử hành (Bài hành Con chuột có nghĩa) về chuyện này).

Bản dịch của Lương Dũ Thúc:

 

Dương Thiên để lại một lời
Truyện hai con chuột trên đời ít nghe
Ngày kia hai bợm hiệp phe
Ngao du xó vách bên hè người ta
Rủi thay gặp rắn bò ra
Chụp đi một gã nuốt mà trọn thây
Con còn trợn mắt trừng mày
Giận thôi quá trí mới bày mưu cao
Rắn no hang cũ chun vào
Mới vô phân nửa chuột vào cắn đuôi
Giận nên rắn trở thối lui
Rượt cho chuột chạy một hồi đã xa
Rắn bèn trở lại hang ta
Chuột y nghề cũ cắn mà bắp đuôi
Vậy chơi hơn bảy tám hồi
Mệt nên tức giận rắn lui ra ngoài
Mửa liền xác chuột mới nhai
Trả cho con sống để hoài cực thân
Mửa rồi xuống lỗ lần lần
Chuột bèn thôi cắn mặc thân rắn bò
Xem ra ý chuột âu lo 
Mới tha xác bạn lần mò về hang
Giống hình khóc lóc kêu van
Tưởng như kể lể khóc than bạn hèn
Nghe thôi ai lại chẳng khen
Chuột mà có trí dám phen người đời
Truyện ghi trước để xem chơi
Sau vui hữu ích vậy thời đáng vui.

 

Ngoài bốn câu cuối có tính chất đưa đẩy, bản dịch ra thơ lục bát này đã theo sát nội dung truyện Nghĩa thử: tác giả Tân Nhuận Thoàn sư trong bài Đối cổ kỳ quan, Nông cổ mín đàm, số 21, ngày 26.12.1901 đã viết “Trong Nông cổ mín đàm này, ông Lương Dũ Thúc có đam chuyện Nghĩa thử, ổng cho đề rằng Chuột hãy còn có nghĩa, người há chẳng làm nhơn, ấy là cổ tích xuất tự Liêu Trai chí dị để mà khuyến thiện”.

* Truyện Ngưu phi:

Ấp nhân Mỗ cấu nhất ngưu phả kiện. Dạ mộng ngưu sinh lưỡng dực phi khứ, dĩ vi bất tường, nghi hữu táng thất, khiên thị khẩu tổn giá thụ chi, dĩ cân nang kim triền tý thượng. Quy chí bán đồ, kiến hữu ưng thực tàn thố, thệ chi thậm thuần, toại dĩ cân đầu hệ cổ tý chi. ưng lũ bãi phác, bả xúc sảo giải, đới kim đằng khứ. Mỗ mỗi vị định số bất khả đào, nhi bất tri bất nghi mộng, bất tham thập di, tẩu giả hà kịch năng phi tai !

(Anh Mỗ người trong huyện mua được một con trâu rất khỏe. Đêm nằm mơ thấy con trâu mọc hai cánh bay đi, cho là điềm không hay, e sẽ bị mất bèn dắt ra chợ bán lỗ, lấy khăn bọc tiền lại quảy lên vai. Về được nửa đường thấy có con chim ưng đang ăn con thỏ chết, tới gần cũng rất dạn không bay, bèn vồ con ưng, lấy hai đầu khăn buộc chân nó rồi đeo lên vai. Con ưng giãy giụa một lúc, chiếc khăn lỏng ra, nó đeo cả khăn vùng bay mất, mang cả tiền đi. Mỗ cứ nói rằng số trời đã định thì không sao tránh khỏi, nhưng không biết rằng nếu không bị giấc mơ làm cho lầm lẫn, không tham của rơi trên đường thì con trâu chỉ biết chạy làm sao mà bỗng chốc bay được !).

Bản dịch của “Thơ ký” Nguyễn Đoan Khai (đăng trong mục Chuyện khôi hài):

Có một người nhà quê ở đất rẫy bái, tánh chơn chất, hay tin sự dị đoan, vợ chồng củi lục làm ăn, chắt lót mua đặng một con trâu cái toan để nuôi cho nó sanh sản ra mà làm của, bởi vậy từ ngày mua đặng con trâu về thì mừng rỡ lắm săn sóc hoài, có một đêm kia người nhà quê ấy, ngủ nằm chiêm bao thấy con trâu của mình biết bay, thì giựt mình thức dậy mới bàn với vợ rằng: hôm nay tao ngủ chiêm bao thấy con trâu nó biết bay lòng tao nghi nan sợ một là nó phải chết hai là phải bị ăn trộm đuổi mà chớ, lại vì vợ chồng ta ở chỗ rẫy bái nầy quạnh vắng có một mình biết giữ làm sao cho khỏi, có khi ông bà đã mách bảo trước cho mình hay, nếu mình không tính mà bán nó đi mà lấy vốn lại thì phải mang nghèo, vợ nghe chồng tính như vậy cũng bằng lòng, hối chồng dắt xuống chợ mà bán, đặng lấy vốn ít nhiều, sáng ngày ra người nhà quê ấy dắt con trâu đi xuống chợ mà bán, đi dọc đàng thấy trâu thiên hạ chết nhiều chàng va còn lo lắng hơn nữa, trông gặp ai mua giá nào cũng bán, thời may gặp người khách chịu mua giá mười đồng bạc, người nhà quê mầng bán đi, bán rồi lấy bạc gói vào dây lưng, cột ràng rịt chặt cứng mới toan đi về, lúc về dọc đường gặp một con kên kên, nó ăn những thịt trâu chết ngoài đồng nó say nó bay không nổi, thì người nhà quê mầng mới nói “May dữ a ! Gà độ của ai nó chạy lạc” mới tính bắt về nuôi chơi, mới rượt mà bắt, thì con kên kên vùng vẫy với chàng va, chàng va bắt đặng lật đật mở dây lưng ra cột nó, quên sự bạc bán trâu đã ràng rịt trong dây lưng, cột chặt rồi ôm đi một chặp, con kên kên hết say trở lại cắn chàng va đau buông phứt nó bay bổng đi, xảy sực nhớ lại mấy đồng bạc cột trong dây lưng còn dính theo con kên kên, thì đứng mà ngó theo con kên kên mà than rằng thiệt là con trâu biết bay, song ông bà đã mách bảo cho mình hay trước mà giữ không khỏi.

So với nguyên văn, bản dịch trên đây đã lược bớt đoạn cuối có tính chất khuyên răn, đạo đức..., có lẽ để phù hợp với mục Chuyện khôi hài. Tuy nhiên đáng chú ý là nó còn “Việt hóa” cả nguyên tác qua một màu sắc địa phương rất rõ nét, tóm lại có thể coi đây là một bản phỏng dịch. Cần lưu ý rằng dịch giả là một “Thơ ký”, nghĩa là thuộc giới trí thức Tây học lúc bấy giờ ở Lục tỉnh Nam Kỳ.

Cùng với nhiều bản dịch cùng thời, hai bản dịch trên đây là những cứ liệu cho phép tìm hiểu chính xác hơn về lịch sử phiên dịch Liêu Trai chí dị ra chữ quốc ngữ la tinh đầu thế kỷ XX. Hơn thế nữa, chúng còn góp phần phản ảnh thực tiễn hoạt động dịch thuật ở Việt Nam trong buổi đầu tiếp xúc toàn diện với văn hóa phương Tây lúc ấy. Bởi nếu bản dịch chuyển thể của Lương Dũ Thúc là sự nối tiếp phong trào dịch thuật văn chương chữ Hán để bảo vệ văn hóa dân tộc dấy lên khi chính quyền thực dân bắt tay vào việc bài trừ chữ Hán ở Nam Kỳ cuối thế kỷ XIX(2), thì bản dịch mang tính phóng tác của Nguyễn Đoan Khai lại thể hiện khuynh hướng đồng hóa để đưa các giá trị quốc tế vào sinh hoạt văn học Việt Nam ở Lục tỉnh đầu thế kỷ XX, khuynh hướng đã đem lại cho văn học chịu ảnh hưởng phương Tây ở vùng này một Hồ Biểu Chánh với những Cay đắng mùi đời, Ngọn cỏ gió đùa phóng tác từ Sans Famille của Hector Malot, Les Misérables của Victor Hugo...

 

Tháng 7.1996
Người biên tập: Nguyễn Ngọc Nhuận

 

CHÚ THÍCH

(1).Về văn bản và thứ tự các truyện nói trên, trong bài viết này chúng tôi theo bản Tường chú Liêu Trai chí dị đồ vịnh, Hương Cảng và Túc bản Liêu Trai chí dị, Đại Trung Quốc Đồ thư Công ty xb., Đài Bắc, 1963, đều chia tác phẩm làm 16 quyển.

(2). Xem thêm Cao Tự Thanh, Văn học Hán Nôm ở Gia Định trong Địa chí Văn hóa Thành phố Hồ Chí Minh, tập II - Văn học, Nxb. TP.Hồ Chí Minh, 1988, tr. 114 - 115.

Nguồn: TC Hán Nôm s 4/1996

Bài viết cùng tác giả

Thông tin truy cập

63693904
Hôm nay
Hôm qua
Tổng truy cập
14196
23426
63693904

Thành viên trực tuyến

Đang có 474 khách và không thành viên đang online

Sách bán tại khoa

  • Giá: 98.000đ

    Giá: 98.000đ

  • Giá: 85.000đ

    Giá: 85.000đ

  • Giá: 190.000đ

    Giá: 190.000đ

  • Giá:140.000đ

    Giá:140.000đ

  • 1
  • 2
  • 3
  • 4

Liên hệ mua sách:
Cô Nguyễn Thị Tâm
Điện thoại: 0906805929

Danh mục website