Thêm một số thơ văn của Nguyễn Đình Chiểu

Cao Tự Thanh, " Thêm một số thơ văn của Nguyễn Đình Chiểu", Tạp chí Hán Nôm, số 2/ 1988

 

Kể từ khi bản Lục Vân Tiên do G.Janeau phiên âm xuất bản ở Sài Gòn năm 1867 tới nay, hầu hết những bài thơ văn quan trọng của Nguyễn Đình Chiểu đều đã được sưu tầm và công bố trên sách báo bằng chữ quốc ngữ la-tinh. Tuy nhiên, rải rác đây đó vẫn còn có những thơ văn khác của ông, hoặc được lưu truyền qua lời truyền khẩu trong dân gian, hoặc đươc sao chép trong các tập Hán Nôm chép tay mà vì nhiều lý do, chưa được sưu tầm, phát hiện và công bố. Dưới đây là một số thơ văn loại đó của Nguyễn Đình Chiểu tìm thấy ở hai tỉnh Bến Tre và Long An từ tháng 03.1982 tới nay.

 

Theo một số người lớn tuổi ở xã Mỹ Nhơn huyện Ba Trì, tương truyền khi đã về ở Bến Tre, Nguyễn Đình Chiểu có một vài câu đối như sau viết về sân khấu hát bội:

1. Lục nễ vị trần, dĩ kiến động phòng hoa chúc; Ngũ kinh bất độc, toàn văn chiếm bảng ngao đầu.

(Cưới hỏi chưa bày, đã thấy động phòng hoa chúc;
Sử kinh chẳng đọc, rốt nghe chiếm bảng ngao đầu).

2. Điện tiền văn võ tam tứ nhân, tựu vị bá quan triều sĩ; Trận thượng tung hoành bát cửu cá, khả kham vạn đội hùng binh.

(Ba bốn người văn võ trước đền; góp gọi ba quan triều sĩ; Tám chín mạng tung hoành trên trận, khá ngang muôn đội hùng binh).

3. Thiết yếm diên khao thưởng quần thần, thống ẩm không hồ mộc trảm; Chấp lịch kỳ chỉ huy chúng tướng, hư trương bạch nhận kim đao.

(Bày tiệp khao thưởng quần thần, rối rít bầu không chén gỗ; Cầm cờ chỉ huy các tướng, lăng xăng gươm bén đao vàng).

Nói cho đúng, ngôn ngữ mộc mạc và ý tứ trung lặp (đều chỉ đề cập tới tính ước lệ của nghệ thuật hát bội) nơi các câu đối trên khiến người ta phải nghĩ rằng chưa chắc gì chúng của Nguyễn Đình Chiểu; mà giả như có câu nào đúng là của ông đi nữa thì việc xác định văn bản nguyên tác cũng là vấn đề cần được đặt ra. Tuy nhiên, ít nhất thì những câu đối truyền là của Nguyễn Đình Chiểu này cũng cho thấy các công trình biên soạn thơ văn Nguyễn Đình Chiểu trước nay đều đã bỏ qua một phần tác phẩm có phải không thể là không quan trọng chẳng hạn có hay không những câu đối của nhà thơ mù Gia Định điếu Trương Định, Phan Ngọc Tòng hay Nguyênc Trung Trực, Nguyễn Hữu Huân…? Cân nhắc lại rằng cánh đây hơn 80 năm, có người đã giới thiệu một đôi câu đối Tết “Tối ba mươi, rờ nên của Tết; Sáng mồng một, nghe pháo nẩy xuân” và chú rõ là “của ông Đồ Chiểu đặt khi mang bịnh rồi”(1) .

Năm 1982, chúng tôi tìm được ở Thanh Ba - quê vợ Nguyễn Đình Chiểu (nay thuộc xã Mỹ Lộc, huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An) một hợp tập thơ văn Hán Nôm chép tay, nhan đề Thi vận tập thành(2) . Tập thơ này có chép một số bài thơ của Nguyễn Đình Chiểu, trong đó có một bài nhan đề Tú tìa Chiểu tự thuật trước nay chưa thấy công bố, nguyên văn như sau:

Đã đành trôi nổi tấm thân bèo,
Mình nghĩ lòng mình dám nói leo.
Đánh xé sau khi cò mổ vọp,
Sụt trồi đâu dám ốc mang rêu.
Cửa rồng muôn dặm may còn nhóm,
Bến Nghé năm canh quạ hãy kêu.
Chén rược xóm riềng cho cũng uổng,
No sau xin để mặt ăn heo.

Căn cứ vào những bài thơ khác của Nguyễn Đình Chiểu được chép trong Thi vận tập thành, có thể nghĩ rằng bài thơ trên là đáng tin cậy về mặt văn bản. Và căn cứ vào hành trạng của Nguyễn Đình Chiểu. Có thể nghĩ rằng bài thơ này đã được ông sáng tác lúc về ngụ ở quê vợ sau khi quân Pháp đánh chiếm thành Gia Định (2-1859) và trước khi Đại Đồn thất thủ (2-1961). Có lẽ trong hoàn cảnh giằng co “Đánh xé đang khi cò mổ vọp” giữa quân triều đình và quân xâm lược ấy, nhà thơ mù đã chạnh lòng về thân thế “trôi nổi tấm thân bèo” của mình cũng như ưu tư về thời cuộc “Bến Nghé năm canh quạ hãy kêu”… và phải chăng giữa những phiền muộn ấy mà bữa rượu của nhà hàng xóm tốt bụng nào đó mời ông đã trở lên mất ngon, khi ông liên tưởng tới những kẻ vô trách nhiệm vẫn hỉ hả hưởng lạc một cánh vô lo “chỉ biết ăn như heo” giữa lúc nước nhà lắm việc “no say lên để mặt ăn heo”?

Trong một tập Hán Nôm chép do Phòng Bảo tồn Bảo tàng Sở Văn hóa và Thông tin Long An sưu tầm được năm 1985 có một bài tế rất đáng chú ý. Chép giữa nhiều bài văn tế khác nhau. Chúng nứ tế mẫu văn,. Em tế chị văn, Đệ tế huynh văn, Chúng tử tế phụ văn, Thứ thê tế đích thê vă… bài này, có nhan đề Chúng tử tế mẫu văn và ghi thêm ba chữ “Tú Chiểu soạn”. Sau đây là nguyên văn phần phiêm âm, có địa danh có liên quan đến việc tìm hiểu văn bản, chúng tôi không chú thích về ngôn ngữ và điểm cố vì phần lớn dẽ hiểu đối với người đọc bình thường.

Hỡi ôi!

1. Dấu hạc xa miền; Tiếng quyên não tức.

2. Sách nói hoa phút bay thời nước cũng chảy, đổi dời theo phận, máy trời đất khéo xoay; Ai rằng cây muốn lặng mà gió chẳng đừng, ngơ ngác nỗi mình, tình mẹ con vội đứt.

Nhớ linh xưa:

3. Trọn đạo tam tòng; Giữ phần tứ đức.

4. Ở ruộng nương theo nghề ruộng, dư lúa dư tiền; Lấy chồng lo việc nhà chồng, hết lòng hết sức.

5. Khi(3) tuổi trẻ cười cay nói đắng, mấy lần sinh sản, đám dây dưa rậm rạp trước sân; Lối mình già đứt thúng vỡ chình, chút phận quả sương, chiếu thuyền bách linh đình giữa vực.

6. Ngàn muôn việc nhọc nhằn đã lắm nỗi, nhắm bề ăn ở ước ngỡ lâu còn; Bẩy mươi năm sung sướng đã mấy hồi, coi chứng bịnh đau ai dè vội mất.

7. Hốt thuốc thương hàm hay lắm, thầy Hương có thầy ba cũng có, trên giường thiếp thiếp, lẽ hơn thua chưa trối lại vài lời; Nghe tin báo bổ trông hoài, con trai xa con gái cũng(4) xa(5) , hơi thở chừng chừng, lòng thương nhớ thẩy đều trong một giấc.

8. Những tưởng mất cha còn mẹ, lúc nghiêng nghèo cho trẻ đặng nhở hơi; Há đành bỏ cháu giã(6) con đi, cơn ly loạn sao già đành nhắm mắt.

9. Nào thủa trước miệng nhai cơm, lưỡi lừa cá chắt chiu bé lớn, đều nuôi cho nên vóc nên vai; Đến bây giờ đầu đội vải, lưng vấn rơm, kêu khóc trong ngoài, biết đâu đặng thấy mày thấy mặt.

10. Cám là cám ba năm bồng ẵm, công so bốn bể chứa đầy; Thương là thương mười tháng cưu mang, ơn vì năm non đè chặt. Nghĩ lại:

11. Nhau rún còn chôn làng Long Đức(7) , Mẹ về đâu mà lá cỏ ngọn cây rầu rầu; Xương thịt đành gửi đất Thanh Ba(8) mẹ về đâu mà tiếng gió tiếng trăng vặc vặc.

12. Cậu còn đó, dì còn đó, bà con bên ngoại đều còn đó, mẹ đi đâu mà nhà sau cửa trước quạnh hiu; Chú ở đây, cô ở đây, họ hàng bên nội cũng ở đây, mẹ đi đâu(9) mà chiếu trải giường thờ lạnh ngắt.

13. Cháu nội có, cháu ngoại có, bầy chát cũng có, hết trông bà miếng ngon miếng ngọt dành cho; Dâu lớn kia, dâu nhỏ kia, mấy rể còn kia, hết trông mẹ bề dại bề khôn vẻ nhắc.

14. Muốn tron thảo dâng cơm dâng nước, ôi mẹ ôi rày còn chi nữa của sắm mà nuôi; Những trông khi nương cửa nương nhà, ý cha chả nói tới chừng nào ruột đau như cắt.

15. Đội mũ mẫn than thân là gái, lấy chi đền(10) chín chữ cù lao; Chống gậy vông tủi phận là trai, lấy chi trả một câu võng cực.

16. Đã biết không trở lại, âm dương hai ngả, mẹ lìa con vọi vọi chín tầng trời; Phần thương mất cũng như còn, hiếu kính một lòng, con xa mẹ sùn sùn ba thước đất.

17. Sống gặp nhà nghèo; Thác nhằm buổi giặc.

18. Mơ màng phách quế lúc năm canh; Thấp thoáng hồn hoa cơn sáu khắc.

19. Từ đây rồi(11) phận trai đứa theo làng đứa theo lính, bơ vơ non Dĩ sương tản khói tan; Từ rồi đây phận gái đứa theo chồng đứa theo con, vắng vẻ nhà huyên đèn lờ hương tắt.

20. Ba câu điện tửu, gọi là bầy nghĩa báo thân; Một tiệp sơ ngu, ngõ đặng nhờ ơn âm chất.

Hỡi ôi thương thay! Có linh xin hưởng!

Cũng như bài Tự thuật trên kia, bài văn tế này đã được Nguyễn Đình Chiểu soạn trong thời gian ông về ngụ ở quê vợ trước Hòa ước 1862: Câu 11 đã nói rõ địa chỉ của người quá cố (Thanh Ba) đồng thời các câu 17, 19 cũng ít nhiều cho thấy thời gian bài văn tế ra đời (buổi giặc, đứa theo làng, đứa theo lính). Đáng tiếc là văn bản không ghi rõ quan hệ giữa Nguyễn Đình Chiểu với người quá cố, mặt khác hiện cũng chưa có tài liệu nào cho biết đích xác về nguyên quán và năm mất của mẹ vợ ông; nếu có nhiều khả năng đây chỉ là bài văn tế ông làm hộ ai đó. Tuy nhiên, dù sao thì Nguyễn Đình Chiểu cũng đã không viết bài văn tế này với thái độ của một kẻ bàng quan hay thương vay khóc mướn. Những câu như câu 7 trách móc bọn lang băm và than thở về phút lâm chung cô đơn của người quá cố hay các câu 9, 19 với âm điệu day dứt, nhức nhối về sự cô độc của người quá cố trong một gia đình ở đó đám con cái bị cuộc sống và thời buổi buộc phải chia lìa… hẳn không phải chỉ được viết ra với một tài năng mà còn cả với một tấm lòng - niềm cảm thông và lòng thương mến. Trên phương diện tìm hiểu tư tưởng và nghệ thuật thơ văn Nguyễn Đình Chiểu, bài Văn tế nghĩa dân chết trận Cần Giuộc mà những câu “Trăm năm công vỡ ruộng, chưa ắt còn mà danh nổi tợ phao”, “Côi cút làm ăn; Toan lo nghèo khó”, “Bát cơm manh áo của đời, mác mớ chi ông cho nó”… đã đánh dấu một bước phát triển của ý thức nhân dân nơi ông.

CHÚ THÍCH

(1) Theo Nam Sang (San - Sơn?) thị, Xuân liễu tạp thành, báo Nông cổ mín đàm, số 29 ngày 13-3-1902.

(2) Do ông Lê Công Cẩn (1854-1939), người làng Thanh Ba chép vào khoảng cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX và hiện do ông Lê Minh Chí, cháu cố của ông Cẩn giữ.

(3) Nguyên bản chép là ca, có lẽ lầm từ chữ khi. Đây tạm đính lại như trên.

(4) Nguyên bản có chữ ở chỗ này, đây tạm lược.

(5) Nguyên bản có chữ tấc ở chữ này, đây tạm lược.

(6) Nguyên bản không có chữ này, đây tạm thêm vào.

(7) Tên làng, nay thuộc xã Phước Hậu, huyện Cần Giuộc.

(8) Tên làng này thuộc xa Mỹ Lộc huyện Cần Giuộc, quê vợ Nguyễn Đình Chiểu.

(9) Nguyên bản không có ba chữ này, đây tạm thêm vào.

(10) Nguyên bản không có chữ này, đây tạm thêm vào.

(11) Nguyên bản không có chữ thời ở chữ này, đây tạm lược.

Bài viết cùng tác giả

Thông tin truy cập

63694526
Hôm nay
Hôm qua
Tổng truy cập
14818
23426
63694526

Thành viên trực tuyến

Đang có 603 khách và không thành viên đang online

Sách bán tại khoa

  • Giá: 98.000đ

    Giá: 98.000đ

  • Giá: 85.000đ

    Giá: 85.000đ

  • Giá: 190.000đ

    Giá: 190.000đ

  • Giá:140.000đ

    Giá:140.000đ

  • 1
  • 2
  • 3
  • 4

Liên hệ mua sách:
Cô Nguyễn Thị Tâm
Điện thoại: 0906805929

Danh mục website