Thời điểm xuất hiện của vài khái niệm - thuật ngữ về kết cấu chức năng của thơ Đường luật

Tạp chí Hán Nôm số 2 (117) - 2013 có đăng tải bài Ai đưa ra thi luật Đề, Thực, Luận, Kết trong thơ Đường Việt Nam? của Nguyễn Đăng Na, trong đó tác giả đưa ra một số cứ liệu và kết luận rằng Phan Kế Bính, tác giả Việt Hán văn khảo (Études sur littérature Sino - Annamite, Éditions du Trung Bắc Tân văn, Hà Nội, 1930) là người Việt Nam đầu tiên đặt ra/ đưa ra năm “thuật ngữ luật thi cận” ở Việt Nam tức Phá đề, Thừa đề, Thực, Luận và Kết. Sự thật không phải như thế.

Ai cũng biết thơ Đường luật (còn gọi là thơ cận thể) đã lưu hành ở Việt Nam từ thời Bắc thuộc, rồi trong hơn mười thế kỷ sau đó vẫn tiếp tục phát triển nên được dân tộc hóa cao độ về mặt thuật ngữ như bảng so sánh ở cuối bài viết của tác giả Nguyễn Đăng Na ít nhiều cho thấy, nhưng đồng thời còn là một hạng mục văn chương khoa cử nên được chuẩn hóa cao độ về mặt thi luật, không thể nào đến thế kỷ XX và với Phan Kế Bính thì những khái niệm - thuật ngữ loại Phá đề, Thừa đề, Thực, Luận và Kết mới được “đặt ra”. Mà cho dù chỉ là “đưa ra” thì chỉ nói trong phạm vi các tài liệu xuất bản bằng chữ Quốc ngữ Latin cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, các khái niệm - thuật ngữ nói trên cũng đã được không ít người nhắc tới. Vài tài liệu sau đây là bằng chứng.

Từ 1919, trong Việt âm văn uyển, Lê Sum đã viết trong phần Thi luận, mục Thi pháp sơ giai:

“Lại còn sao mà gọi rằng: phá, thừa, trạng, luận, chuyển, kết?

Phá: Nghĩa là mình bố cuộc ra đặng nói cái chuyện tâm sự của mình muốn bày tỏ việc chi, hoặc là cái vật mình làm thi đó.

Thừa: là nương theo ý câu phá mà nói rõ cái đề thi ra.

Trạng: là tả hình trạng (bóng dáng) cái đề mục mình làm thi đó hoặc là cái vật chi mình làm thi đó.

Luận: là luận cái tánh chất cùng việc dùng của vật mình làm thi đó, cùng là cái điều mình tự thuật đó.

Chuyển: là gom hết ý sáu câu trên mà tóm lại.

Kết: là thâu góp cái tứ mình đã nói trên đó lại cho vuông tròn mà nói dứt.

Bởi vậy muốn làm thi trước phải cho biết cái bổn lãnh của câu thi vì sao mà gọi là phá-thừa-trạng-luận-chuyển-kết cho phân minh đã, thì làm mới có bài thi hay, mà dẫu không hay cũng trúng Thi gia cách luật”(1).

Trước đó nữa, trong loạt bài Thi pháp nhập môn - Thi phú qui thức dưới dạng hỏi đáp đăng tải trên Nam Kỳ địa phận thời gian 1913 - 1916, Hồ Ngọc Cẩn đã viết:

“… H. Bốn cặp ấy đặt ý tứ khác nhau làm sao?

T. Ý tứ khác nhau lắm, nên mỗi cặp có tên riêng mà chỉ ý tứ phải đặt nó.

1. Cặp thứ 1 gọi là cặp Phá, câu thứ nhứt gọi là câu Khai đề, câu thứ hai gọi là câu Nhập đề. Vậy câu đầu phải nói rộng mở đàng, hoặc than thở, hoặc lấy làm lạ, hoặc chỉ ngày giờ, vân vân, tùy theo chuyện, phải nói cho có hơi ngụ ý đến thơ ít nhiều, song nói cách bông lông vậy mà thôi.

Qua câu Nhập đề phải nói cho gắt chuyện, cho kể nghe câu ấy liền hiểu trong bài thơ nói gì.

2. Cặp thứ 2 gọi là cặp Trạng: Câu Trạng thượng phải nói tự tích việc ấy xảy ra làm sao, hoặc nói cớ sự nó xảy ra cách nọ thế kia, hoặc nói quả quyết, hoặc chối hẳn tùy nghi. Đoạn câu Trạng hạ phải hiệp một ý mà nói cùng đối cho cân xứng.

3. Cặp thứ 3 là cặp Luận. Cặp này bàn việc ra cho trọn ý, nên phải lấy lẽ bởi việc ấy mà bàn, hay là lấy tích nọ truyện kia, hay là trưng câu sách nọ, lời tục ngữ kia mà làm chứng ý mình bàn. Bởi đó Trạng và Luận giúp nhau mà giải ý thơ cho minh bạch.

4. Cặp thứ 4 gọi là cặp Kết. Cặp này tóm lại cả bài thơ, câu thứ nhứt gọi là Chuyển kết vì nó dựa ý theo Trạng Luận mà kết trổng vậy. Đến câu Hoàn kết thì kết thật, hoặc khuyên, hoặc trách, hoặc xin, hoặc mầng, vân vân, tùy thơ”(2).

Trước đó nữa, trong Thi phú văn từ xuất bản năm 1912, Đinh Thái Sơn cũng từng viết ở phần Thi luật:

“Thơ bát cú (tám câu) kể ngôi thứ như sau này:

Câu thứ nhứt kêu là câu phá.

Câu thứ nhì kêu là câu thừa.

Câu thứ 3 và câu thứ 4 kêu chung là cặp trạng.

Câu thứ 5 và câu thứ 6 kêu chung là cặp luận.

Câu thứ bảy kêu là câu thúc (chuyển).

Câu thứ tám kêu là câu kết.

Phép làm phải có căn đề, niêm luật và bình trắc.

Giả như muốn làm thơ mặt trăng, thì câu phá đầu, mở hơi vọng động, chỉ cái ý mình, dợm muốn nói chuyện cái mặt trăng.

Qua câu thừa là câu nhập đề, thì phải buộc ý nói cho rõ ràng cái mặt trăng, là hình dạng y nguyên của nó.

Cặp trạng: là nói hình trạng cái mặt trăng; trong hai câu này, mỗi chữ phải đối với nhau cho xứng đáng.

Giả như:

Rạng đất, rạng trời, thêm rạng tiết,

Cùng non, cùng nước, chẳng cùng lòng.

Cặp luận là câu 5° và câu 6°, phải luận nó, tánh khí tương trợ thế nào, cử động nó giống cái gì, giống ai!

Câu thúc, câu chuyển là câu 7° thì gom ý tứ thể thức trong bài thơ lại, như là thúc lại, gói lại, tém vén lại cho sắc sảo, dợm dồn ý tứ cho trọn vào.

Tới câu kết là câu chót, thì đem trọn căn đề cái mặt trăng mà chiếu đối ra tỏ rõ cạn cùng”(3).

Trước đó nữa, trong Quốc âm thi hiệp tuyển xuất bản năm 1903, Lê Quang Chiểu đã viết trong phần Phép dạy làm thơ:

“… Giả tỷ như bài thơ của ông Phò mã Trị đời giặc Tây Sơn, bị sa cơ mà làm thơ Miểng sành như vầy:

Câu phá, Sa cơ một phút hóa tan tành,

Câu thừa, Thiên hạ đều kêu cái miểng sành.

Cặp trạng, Sắc lẻm như gươm người gớm mặt, Rán sao ra mỡ chúng hay danh.

Cặp luận, Ghe phen sấp cật nằm trên cát, Có thuở làm chông đứng vách thành.

Câu chuyển, Chuông khánh dầu ai không dám sánh,

Câu kết, Gõ nghe cũng có tiếng canh canh.

Câu phá, câu thừa, câu chuyển, câu kết, tuy là không đối, mà cũng cho rõ ràng bình trắc, hễ câu trên chữ thứ hai bình, thì câu dưới chữ thứ hai trắc, còn cặp trạng cặp luận, thì phải kiếm cho xứng đối luôn luôn”(4).

Trước đó nữa, trên Nông cổ mín đàm số ra ngày 4.9.1902, Lương Dũ Thúc tức Lương Khắc Ninh đã viết trong bài Quốc âm thí thức:

“Phép làm thơ thất ngôn bát cú, nghĩa là: một câu 7 chữ 8 câu thì trọn bài thơ, trong một bài có năm vận, xem coi như bài thơ Từ Thứ, 5 chữ vận là: Voi mòi còi roi thoi, câu đầu kêu rằng câu phá, thì lấy một chữ vận đầu, là chữ Voi.

Câu thứ hai kêu bằng câu thừa, lấy một chữ vận thứ hai là Mòi.

Hai câu kế đó, là câu thứ ba với thứ tư, trong hai câu này, kêu là cặp trạng, câu trước chữ chót phải để chữ trắc không có vận, còn câu sau lấy vận Còi, là chữ vận thứ ba.

Hai câu kế theo đây nữa, là câu thứ năm với thứ sáu, trong hai câu này tên là cặp luận, câu trước cũng là chữ chót vận trắc, câu sau lấy chữ vận Roi, là chữ vận thứ tư.

Câu thứ bảy kêu là câu thúc, chữ chót cũng trắc không vận.

Còn câu chót là câu thứ tám là câu kiết, để chữ chót là Thoi.

Xem coi tám câu mà có năm vận”(5).

Nói thêm là trên Nông cổ mín đàm từ số ra ngày 3.11.1904 trở đi người ta đã được thấy cuộc bút chiến giữa Nguyễn Viên Kiều với nhiều người khác về loạt thơ thất ngôn bát cú Quan Công, Trống chầu, Trông chồng, Du hồ, trong đó những người tham gia cũng nhiều lần nhắc tới các khái niệm - thuật ngữ như Phá đề, Thừa đề, Cặp trạng, Cặp luận(6).

Trước đó nữa, trong Thi pháp nhập môn xuất bản năm 1898, Trương Minh Ký cũng từng viết “Thơ tám câu thì phân làm tám vế là: Một câu khai, một câu thừa, một cặp trạng, một cặp luận, một câu chuyển, một câu kết”(7) và dẫn ra bài thơ Con muỗi làm ví dụ.

Rõ ràng trước Việt Hán văn khảo 1930 của Phan Kế Bính hơn 30 năm, học giới và văn giới Việt Nam ở Nam kỳ và Trung kỳ đã nói tới kết cấu chức năng Phá gồm Phá đề, Thừa đề (hay Khai đề, Nhập đề), Thực (hay Trạng), Luận, Kết gồm Chuyển (hay Thúc, Chuyển kết) và Kết (hay Hoàn kết) của một bài thơ Đường luật bát cú. Những tài liệu nêu trên đều chẳng có gì là quý hiếm, nhưng ít nhất thì bất kỳ tài liệu nào cũng bác bỏ được kết luận của tác giả Nguyễn Đăng Na. Thật ra nói cho cùng thì các khái niệm - thuật ngữ ấy cũng chỉ là chuyện lặt vặt, cho dù là người đầu tiên đề cập tới trên sách báo chữ quốc ngữ Latin cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX cũng chẳng phải là sự gì tài giỏi hay vinh dự. Cho nên điều đáng nói hơn là bài viết nói trên của tác giả Nguyễn Đăng Na còn có vài điểm không minh bạch mặc dù xuất phát từ thiện chí đề cao Phan Kế Bính, và bất kể là vô tình hay cố ý, sự không minh bạch ấy cũng đều có thể dẫn tới những ngộ nhận về văn hóa sử, văn học sử Việt Nam.

Trong phần kết luận bài viết nói trên, tác giả viết “Cụ Cử nhân Phan Kế Bính, tác giả Việt Hán văn khảo 1918, người Việt Nam đầu tiên đưa ra 5 thuật ngữ luật thi cận ở Việt Nam…”. Việt Hán văn khảo của Phan Kế Bính được hoàn thành năm 1918, xuất bản năm 1930, tác giả cũng từng viết rõ như thế ở phần đầu bài viết, vậy tại sao ở đây lại viết là “Việt Hán văn khảo 1918”? Đó là năm bản thảo được hoàn thành, không phải là năm quyển sách được xuất bản để đông đảo người đọc có thể biết năm 1918 Phan Kế Bính đã nói tới những khái niệm - thuật ngữ nói trên. Còn nếu nói năm 1918 Phan Kế Bính đã biết tới những khái niệm - thuật ngữ ấy thì càng không chính xác, vì chắc chắn trước khi thi đỗ Tú tài rồi sau đó là Cử nhân khoa Bính Ngọ 1906 ông đã quá biết những điều sơ đẳng ấy về kết cấu chức năng của một bài thơ Đường luật bát cú. Tóm lại cụm từ “Việt Hán văn khảo 1918” ở đây chỉ nhằm mục đích lập ra một tờ giấy khai sinh sớm hơn cho các thuật ngữ mà tác giả muốn Phan Kế Bính là “người đầu tiên ở Việt Nam đưa ra”.

Tương tự, nhằm đề cao Phan Kế Bính trong một chuyện vốn không có gì đáng phải đề cao, tác giả còn viết “Nghĩa là ngay năm Mậu Ngọ 1918 khi Quốc ngữ hiện đại bắt đầu dùng và cũng là năm thi Hương cuối cùng ở nước ta, cụ Phan đưa ra năm thuật ngữ thơ Đường Việt Nam là 1. Phá đề, 2. Thừa đề, 3. Thích thực hoặc cập trạng, 4. Luận nghĩa, 5. Thúc kết”. Ngoài từ “cập trạng” vốn là “cặp trạng” (hai câu trạng) sai chính tả, đoạn viết này còn có một điểm rất mơ hồ về lịch sử là “năm Mậu Ngọ 1918 khi Quốc ngữ hiện đại bắt đầu dùng”. Trên cả hai khía cạnh thực tế lẫn pháp lý, từ “bắt đầu” ở đây đều không chính xác. Ai cũng biết từ ngày 15.4.1865 chính quyền thuộc địa Pháp ở Nam kỳ đã cho xuất bản tờ Gia Định báo viết bằng chữ Quốc ngữ Latin phát không cho các làng xã, và ngày 6.4.1878 Thống đốc Nam kỳ Duperré đã ra Nghị định lấy chữ Quốc ngữ Latin làm chữ viết chính thức (écriture officielle) trong phạm vi Nam kỳ. Ở Trung, Bắc kỳ thì chưa nói tới hoạt động của nhiều cá nhân, ngay triều đình nhà Nguyễn từ đời Thành Thái trở đi cũng đã quan tâm tới việc dạy và học chữ Quốc ngữ, ví dụ đặt trường Tôn học dạy cả chữ Hán và chữ quốc ngữ cho con em tôn thất hoàng phái năm 1904, đặt thêm chức Quảng giáo dạy chữ Quốc ngữ và chữ Pháp cho sinh viên Quốc tử giám năm 1908 rồi ra đề thi bằng chữ Quốc ngữ trong khoa thi Hương 1909(8). Sau Huỳnh Tịnh Của ở Sài Gòn cho xuất bản quyển tự điển song ngữ Hán Nôm - Latin Đại Nam quấc âm tự vị năm 1895 - 1896, đến 1921 Vũ Trân ở Hà Nội cho xuất bản quyển Quốc ngữ viết tắt mô phỏng lối chữ Sténographie của Pháp đặt ra lối viết tốc ký có dấu thanh điệu cho chữ quốc ngữ(9) - việc vươn lên làm chủ hệ thống công cụ văn tự mới với những thành tựu như thế không thể nào là kết quả của việc bắt đầu dùng chữ Quốc ngữ từ 1918 như cách hiểu của tác giả Nguyễn Đăng Na.

***

Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một. Nhưng trong thời gian 1954 - 1975 do hoàn cảnh đất nước bị chia cắt, các công trình nghiên cứu, giáo trình giảng dạy về văn học sử Việt Nam ra đời ở phía bắc cơ bản chỉ là những công trình, giáo trình văn học sử miền Bắc mở rộng, vô hình trung dẫn tới tập quán tư duy “dĩ Bắc vi trung” nơi nhiều nhà nghiên cứu và giảng viên đại học phía Bắc các thế hệ trước. Đó là một điều đáng tiếc không nên kéo dài thêm nữa, nhất là trong việc tìm hiểu các vấn đề văn học sử, văn hóa sử Việt Nam dưới thời Pháp thuộc, vì như người ta đã thấy, trong vụ “Phá, Thực, Luận, Kết” này tác giả Nguyễn Đăng Na chỉ mới đọc Việt Hán văn khảocủa Phan Kế Bính chứ hoàn toàn chưa tìm tới các tài liệu chữ Quốc ngữ Latin được xuất bản ở Nam kỳ và Trung kỳ trước 1930.

Chú thích:

(1) Việt âm văn uyển (Các thứ văn từ thi phú quốc âm), Tuyển giả: Lê Sum, Rédacteur du Công luận báo, Imprimerie J. Viết, Sài Gòn, 1919, tr.14. Đoạn trích nguyên văn trên đây cũng như một số đoạn bên dưới có nhiều chỗ sai lạc do chữ quốc ngữ Latin đầu thế kỷ XX đưa tới, trong bài này chúng tôi có điều chỉnh về chính tả - CTT.

(2) Nam Kỳ địa phận, ngày 30.4.1914.

(3) Thi phú văn từ, par Đinh Thái Sơn, Phát Toán, Libraire Imprimeur, Sài Gòn, 1912.

(4) Quốc âm thi hiệp tuyển, Lê Quang Chiểu, Sài Gòn, Claude & Cie, Imprimeurs - Éditeurs, 1903, tr.4-5.

(5) Nông cổ mín đàm, ngày 4.9.1902.

(6) Xem thêm Nông cổ mín đàm từ ngày 3.11.1904 trở đi.

(7) Thi pháp nhập môn, Traité de versification Annamite, par Thế Tải Trương Minh Ký, Officier d’Académie, Chevalier de l’Annam et du Cambodge, Ancien professeur au collège Chasseloup - Laubat, Interprète au titre européen au secrétariat du Gouvernement de la Cochinchine. Édition Illustrée. Imprimerie Commerciale Rey, Sài Gòn, 1898, tr.21.

(8) Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam Thực lục Chính biên Đệ lục kỷ Phụ biên, Cao Tự Thanh dịch và giới thiệu, Nxb. Văn hóa - Văn nghệ, Tp. Hồ Chí Minh, 2012, các điều 1234, 1469, 1551.

(9) Quốc sử quán triều Nguyễn: Đại Nam thực lục chính biên đệ thất kỷ, Cao Tự Thanh dịch và giới thiệu, Nxb. Văn hóa - Văn nghệ Tp. Hồ Chí Minh, 2013, điều 0748./.

Nguồn: Tạp chí Hán Nôm, số 4 (119) 2013; tr. 79-82

Bài viết cùng tác giả

Thông tin truy cập

60522200
Hôm nay
Hôm qua
Tổng truy cập
3693
10018
60522200

Thành viên trực tuyến

Đang có 257 khách và không thành viên đang online

Sách bán tại khoa

  • Giá: 98.000đ

    Giá: 98.000đ

  • Giá: 85.000đ

    Giá: 85.000đ

  • Giá: 190.000đ

    Giá: 190.000đ

  • Giá: 80.000đ

    Giá: 80.000đ

  • 1
  • 2
  • 3
  • 4

Liên hệ mua sách:
Cô Nguyễn Thị Tâm
Điện thoại: 0906805929

Danh mục website