Nhưng xuân em chín từ năm ngoái

Có hai con đường song đôi mà tới được hai miền ánh sáng khác nhau để Hàn Mặc Tử dẫn lối cho ta vào cõi thi ca. Đường Trăng và Đường Xuân.

Vào trước năm 1940, khi chưa đến 37 tuổi, có một lần thi sỹ lang thang di tìm mộng tầm xuân. Đi, đi, đi mãi nơi vô định, tìm cái phi thường, cái ước mơ. Lần ấy đi đến tận đỉnh trời cao mây trắng. Bỗng nhiên gặp vua nhà Nguyễn. Họ cùng nhau uống rượu nắng đến say sưa. Đó là ngày thi sỹ ăn vận theo phong vị nhà nghèo.

Áo ta rách rưới trời không vá

Suốt bốn mùa trăng mặc vải trăng

Vì vậy mà, theo cách xưng hô của Chế Lan Viên hồi năm 1987, Tử đã được gọi là Người trăng ăn vận toàn trăng cả. Một đời Tử uống trăng cho bớt cái sầu vạn cổ để không ngớt gọi Trăng, trăng, trăng là trăng, trăng. Bởi lẽ, chàng sớm nhận ra rằng mới lớn lên trăng đã thẹn thò, thơm như tình ái của ni cô. Thuở ban đầu là hình ảnh thực trăng nằm sõng soài trên cành liễu, đợi gió đông về để lả lơi. Cũng là lúc người em gái hổn hển cùng nhịp với trăng vì đêm nay trăng đúng tuổi, năm nay em dậy thì. Tử bắt đầu say trăng đến mức chỉ biết chắp tay bái lạy cả miền không gian. Nhìn trăng lỏn lẹn đậu ngành cao, chợt tỉnh trong phút chốc giữa cô liêu vô định một mảnh đời còn thực Gió lùa ánh sáng vô trong bãi, trăng ngậm đầy sông chảy láng lai. Rồi không tỉnh được lại nữa vùi hồn thơ vào say trăng, rượt trăng, nằm trong vũng trăng, quay cuồng vì trăng ghen, trăng ngã. Thi sỹ hoảng hồn nhảy xuống giếng vớt trăng lên. Cuối cùng là chơi giữa mùa trăng chìm ngập trong đêm siêu hình, vô lượng, tượng trưng. Sắc cũng như không, gần cũng như xa, hư cũng như thực. Đường trăng đi lên đỉnh siêu hình.

Thế nhưng. Thi ca Hàn Mặc Tử còn dẫn ta đi một con đường khác đến mùa xuân. Điều rất đặc biệt là, nếu đường trăng đưa ta đến cõi siêu thực huyền ảo thì đường xuân dẫn ta đi ngược lại để trở về với cuộc đời, với con người trong cuộc kiếm tìm hạnh phúc. Giữa bao nhiêu vô thường và mong manh, đường xuân đã giúp Hàn Mặc Tử tìm thấy hơi ấm của hạnh phúc trong niềm vui bất tận và nỗi lo âu đến kỳ lạ của sự gặp gỡ con người với mùa xuân. Những khát vọng mùa xuân tươi sáng làm nên âm hưởng của bi kịch lạc quan trong thơ Hàn Mặc Tử nói riêng giữa phong trào Thơ Mới 1930 – 1945. Từ Gái quê, Thương đau, Xuân như ý, Thượng thanh khí đến Cẩm châu duyên … hồn thơ Hàn Mặc Tử như được trang trải với mùa xuân, với con người yêu thương và nhân ái.

Mùa xuân được thi ca nhìn ngắm và yêu thương như là sự vĩnh cửu từ cổ xưa đến thời hiện đại và ở khắp địa cầu. Bởi thế để thơ Xuân có khuôn mặt riêng đâu phải là chuyện dễ dàng. Xuân là mùa của thời gian. Là vẻ đẹp của con người. Là chính con người yêu kiều với tên gọi nàng Xuân, chúa Xuân trong thi ca dân gian và thi ca bác học. Là sắc thái tinh thần tuyệt vời của con người với tư cách toàn nhân loại và cá nhân mỗi con người. Xuân trong thơ Hàn Mặc Tử là người thiếu nữ có tên gọi Gái quê mà nhiều lần thi sỹ gọi là Xuân em. Thật là dị thường. Người siêu thực trong số những người siêu thực nhất của phong trào Thơ Mới 1930-1945 lại âu yếm gọi Xuân em là Gái quê mà Tử đã giành hẳn một tập thơ mang tên gọi như thế vào năm 1936. Thật không ngờ được, trong số thi nhân theo trường thơ Loạn cùng thời ở Bình Định hồi 1933 – 1939, Hàn Mặc Tử lại là người chân chất nhất, nhân bản và trong sáng nhất khi viết thơ về mùa xuân. Chế Lan Viên là thi sỹ của Chiêm nương bóng tháp nhẹ nhàng quay lại những cô thôn vàng nắng, nói đến mùa xuân mà lại muốn trở về với mùa thu trước để nhặt lá vàng chắn bước nẻo xuân sang. Bích Khê hiếm khi tỉnh mộng để nhận ra nàng lai khách vẫn buồn mơ ở Thu xà đã tàn tạ cho đến tận bây giờ chẳng thấy một ai. Chỉ còn làm nô lệ với lõa thể nữ thần đêm mùa xuân thuần túy và tượng trưng không có thật ngoài đời. Quách Tấn nhuốm màu cổ điển buồn thương hoài cổ khi thuyền con chở nguyệt đến cô thôn, người xưa biệt mù tăm nơi bến xũ, cảm thương hoài chiếc lá bay theo gió mà chẳng thấy con người. Thế là Bích Khê chỉ ôm trong mộng nữ thần xuân thuần túy tượng trưng. Chế Lan Viên cùng vua Chiêm say đắm thịt da ngà từ chối không gặp mùa xuân nữa. Quách Tấn hoài vọng người xưa không hiện bóng. Chỉ mùa xuân của Hàn Mặc Tử có thật qua dung mạo con người. Với Hàn Mặc Tử, cô gái quê là sự hiện hình của mùa xuân trẻ trung, sinh lực.

Xuân trẻ, xuân non, xuân lịch sự

Tôi đều nhận thấy trên môi em.

Gái quê chín ửng như mùa xuân mới.

Xuân em hơ hớ như đào non

Chàng đã thương thương muốn kết hôn

Từ ấy xuân em càng chín ửng

Ngày ngày giặt lụa bến sông con.

Xuân đang độ chín mà thi sỹ Hàn Mặc Tử có lẽ nhìn từ thế giới siêu hình của mình lúc nào cũng nhận ra cái vô thường trong đó về sự lỡ làng của duyên phận với tên gọi mất duyên hay là duyên muộn. Tập Gái quê là bản song tấu về mùa xuân và người con gái làng quê. Hễ cái gì của mùa xuân chợt hiện, Hàn Mặc Tử liền gửi tâm hồn của người con gái ấy với những yêu thương đằm thắm của thi nhân vào bóng dáng mùa xuân.

Một lần nắng tươi chợt đến:

Lá Xuân sột soạt trong làn nắng

Ta ngỡ em ơi vạt áo hường

Thứ áo ngày xuân em mới mặc

Lòng ta rộn rã nỗi yêu thương.

Một nỗi nhớ nhung đượm phần lo lắng khi ngày ra đi không có gió ngoài song cửa, hoa đào chẳng có mùi hương sao vẳng được lòng người?

Từ ấy anh ra đi

Ngoài song không gió thoảng

Hoa đào vẳng mùi hương

Lòng em Xuân hờ hững.

Tập Gái quê có hai bài thơ 5 chữ nhịp điệu và âm hưởng nhẹ nhàng như cùng trang trải nỗi buồn đê mê của không gian sống người nữ ở làng quê – Tình quê Lòng quê. Tình quê miêu tả chiều quê ngàn lau không tiếng nói, trời thu bàng bạc khắp núi đồi, có một người vì nỗi buồn duyên phận nên ngày xuân hờ hững cố quên đi tình phu thê khi lòng xuân đã não nề. Lòng quê kể chuyện một nhà cách mạng bị giặc bắt, một đêm gió lạnh thổi, viên cai ngục đưa cho phong thư của người tình ở quê nhà gửi vào. Hàn Mặc Tử nhân danh nhà cách mạng ấy để viết bài thơ này nhắn nhủ gái quê rằng hồn anh về thôn quê, theo em trong giấc ngủ.

Điều kỳ lạ nhất là bài thơ hay nhất viết cho mùa xuân của Hàn Mặc Tử và có lẽ của cả phong trào Thơ mới lại nằm trong tập thơ Đau Thương – bài Mùa Xuân chín. Đó là bức tranh tuyệt vời về mùa xuân đang độ rực rỡ nhất ở làng quê. Hoa lá cỏ cây đều bừng sáng. Nhưng có cái gì thoảng qua của sự không bền vững của thân phận con người. Cô gái quê không còn hát nữa để rời bỏ cuộc chơi giữa lúc mùa xuân đang độ chín khi làn nắng ửng khói mơ tan và gió vô tình sột soạt như không hay biết.

Sóng cỏ xanh tươi rợn tới trời

Bao cô thôn nữ hát trên đồi

Ngày mai trong đám xuân xanh ấy

Có kẻ theo chồng bỏ cuộc chơi.

Tiếng hát của họ vắt vẻo lưng chừng núi tưởng xa xôi mà hổn hển tiếng người, tiếng của ai đang thầm thĩ ngồi dưới trúc. Mùa xuân chín cả thảy có 16 câu thì có tới 12 câu đầu tả mùa xuân và thôn nữ trong khung cảnh nơi làng quê với mái tranh, giàn thiên lý và tiếng hát của những cô gái chưa chồng. Những cũng có thể hiểu đấy là cảnh của ngày xưa, bởi vì có một người khách xa xuất hiện, bâng khuâng nhớ đến người năm cũ đã ca hát thuở nào khi quê hương đang độ chín mùa xuân. Một hình ảnh đẹp mà tươi sáng lạ lùng của thi ca lãng mạn 1930- 1945.

Khách xa gặp lúc mùa xuân chín

Lòng trí bâng khuâng sực nhớ làng

Chị ấy năm nay còn gánh thóc

Dọc bờ sông trắng nắng chang chang.

Đó là bức tranh đẹp tuyệt với của nghìn năm làng quê Việt Nam. Hàn Mặc Tử vốn là một người siêu thực đã đi đến gặp người gánh thóc của mọi thời đại giữa mùa xuân chang chang nắng chín.

Sau Đau Thương, tập thơ Xuân như ý như muốn nhìn nhận lại vẻ đẹp của mùa xuân đầu tiên, của phút đầu tiên xiêm áo mùa xuân xuất hiện. Mùa xuân đầu tiên ấy như người thiếu nữ thi sỹ được biết đến khi trời đất nổi lên muôn điệu nhạc để xuân bước ra đời cất tiếng gọi thật thiết tha.

Chàng ơi! Chàng ơi! Sự lạ đêm qua

Mùa xuân tới mà không ai biết cả.

Hàn Mặc Tử gọi là Xuân gấm đầu tiên giữa cõi đời. Càn khôn như vừa được vực dậy. Ở đây đôi lòng cũng ấm như xuân ấm, để người thơ phong vận như thơ. Mùa xuân đầu tiên giúp Hàn Mặc Tử thoát khỏi bể siêu thực tìm về với truyền thống thi ca cổ điển Việt Nam. Cung oán ngâm khúc. Chinh phụ ngâm. Bài thơ Nhớ thương của Tử là câu chuyện gắn với người cung nữ bất hạnh bao thế kỷ trước dồn làm một của mùa xuân cung nữ trong lãnh cung. Xuân thơm bối rối ngọt vô cùng lại chịu cảnh thánh thượng vô tâm.

Ngoài kia xuân đã thắm duyên chưa

Trời ở trong đây chẳng có mùa

Không có niềm trăng và ý nhạc

Có người cung nữ nhớ thương vua.

Cùng trong cảm hứng ấy là bí mật của Cô gái đồng trinh khi xác cô thơm quá thơm hơn ngọc, như cả mùa xuân đã hiện hình. Chỉ đến lúc hồn phách thi nhân nhập vào xác thơm mới ngỡ ra điều kỳ diệu rằng người ấy sắp sửa yêu chàng chỉ chực mùa xuân về, để thổ lộ ra. Lại một đứt đoạn của giấc mơ xuân.

Thượng thanh khí là tập thơ được viết khi bệnh tình đã dày vò Tử khủng khiếp. Cũng như tập Cẩm châu duyên viết ra bởi một tình yêu giả tưởng với cô bé Thương Thương 16 tuổi, cháu gọi Trần Thanh Địch bằng chú mà Địch vì thương bạn đã bày ra như một gái quê có thực để Tử lúc đầu chẳng hề hay biết. Chàng vẫn tiếp tục giấc mơ xuân lúc này đã đời thường biết mấy. Đời thường đến mức thơ cũng đời thường. Rằng chàng muốn cưới xuân, cưới vợ khi mùa xuân cứ đi vô đi ra bao nhiêu lần và pháo nhân duyên nở đã hơi nhiều. Thi nhân muốn cầu hôn không cần chi bay bướm, lời thơ phàm tục tưởng như quên mất chàng là một thi nhân.

Người ta cưới cả xuân cả vợ

Nên ân tình nổi máu trên môi

Còn em sao chưa biết hổ ngươi

Để mai mốt anh đi lễ hỏi

Liền sau lễ cầu hôn là giấc mơ Trường Thọ. Thật nhân bản nhưng cũng thật xót xa vì chẳng bao giờ có được. Bởi thế có lần duy nhất đường trăng siêu thực trùng với đường xuân cho ấm áp hơi người.

Nên đường trăng sáng láng tự bao giờ

Ta sống mãi với muôn xuân đầm ấm

Tháng 10 năm 2008, tôi trở lại Quy Nhơn thăm bãi biển sóng thẫm chiều hôm Quy Hòa như ở nơi nước chúa. Rồi về ghềnh Ráng viếng mộ Tử. Ai đó gửi tôi Mùa xuân chín viết bằng bút lửa trên mặt gỗ xà nu – để ghi nhận thi sỹ trên đường xuân trở về với con người. Chiều miền Trung buông dần chiếc khăn voan màu ngọc bích phần phật gió biển trên trời Quy Nhơn. Bài thơ Mùa xuân chín giờ vẫn treo trước cửa thư phòng của tôi ở Hà Nội như lưu giữ lại một thông điệp thiêng liêng của Hàn Mặc Tử viết trong cơn đau đớn khủng khiếp vẫn tin yêu ở con người. Đó phải chăng là một khía cạnh của hệ giá trị của người Việt Nam ở sự nhẫn nại, sức chịu đựng phi thường để truyền cảm hứng yêu thương. Triết lý đường xuân của Hàn Mặc Tử đã vượt qua nét tư duy triết học tầm thường rằng cái gì sung mãn đã ẩn chứa sự lụi tàn để ca vang đức tin dù xuân em chín từ năm ngoái nhưng mùa xuân vẫn chín tràn đầy sinh lực và khát vọng mùa xuân.

Mùa xuân 2022

Nguồn: báo Văn nghệ số Tết năm Nhâm Dần 2022

Bài viết cùng tác giả

Thông tin truy cập

63660215
Hôm nay
Hôm qua
Tổng truy cập
3933
17595
63660215

Thành viên trực tuyến

Đang có 786 khách và không thành viên đang online

Sách bán tại khoa

  • Giá: 98.000đ

    Giá: 98.000đ

  • Giá: 85.000đ

    Giá: 85.000đ

  • Giá: 190.000đ

    Giá: 190.000đ

  • Giá:140.000đ

    Giá:140.000đ

  • 1
  • 2
  • 3
  • 4

Liên hệ mua sách:
Cô Nguyễn Thị Tâm
Điện thoại: 0906805929

Danh mục website