Nói đến Đông Hồ, không thể không nói đến Mộng Tuyết, người bạn đời và cũng là người bạn thơ của thi sĩ. Cô học trò đặc sắc hơn cả của Trí Đức học xá đã bị bóng dáng đồ sộ của ông thầy che khuất. Và hình như nàng Úc cũng khiêm tốn và tự nguyện nép vào cái bóng ấy, tự nguyện làm người điểm xuyết cho người thầy, người anh mà mình hết mực yêu kính:
Còn anh em chẳng làm thơ
Có anh là sống giấc mơ tuyệt trần
Yêu anh tự kiếp tiền thân
Gặp anh biết có được gần kiếp sau.
Nhưng có đọc hết tác phẩm của nữ sĩ, ta mới thấy đó cũng là một ngòi bút tinh tế và đa dạng, mới thấy Thất Tiểu Muội cũng có những nét riêng, rất riêng.
Từ những ngày làm con chim nhỏ học trò học những tiếng líu lo của Trí Đức học xá, Mộng Tuyết đã sáng tác. Ngòi bút của Bân Bân nữ sĩ thật đa dạng. Bên cạnh thơ, trong đó tập Phấn hưong rừng đã từng được Tự Lực văn đoàn tặng bằng khen, Mộng Tuyết còn viết ký, kịch, truyện ngắn, truyện vừa, truyện lịch sử, khảo cứu…
Thơ Mộng Tuyết, như Hoài Thanh đã từng nhận xét, “có một vẻ yêu kiều riêng” với rất nhiều cung bậc, lúc bàng bạc sương kính như trong Dương liễu tân thanh, khi lại hồn nhiên nhí nhảnh với Làm cô gái Huế, Em xấu hổ, Em trả thù… Và đặc biệt, khác với ông thầy Đông Hồ, cô học trò Mộng Tuyết lại rất “thời sự”. Chúng ta có thể tìm thấy trong thơ Mộng Tuyết những sự kiện đau thương mà anh dũng của dân tộc, của đất nước, nhất là trong thời kỳ Cách mạng Tháng Tám và kháng chiến chống Pháp. Năm 1945, bọn thực dân, phát xít Pháp, Nhật gây ra nạn đói ở miền Bắc làm hàng triệu người chết. Đau lòng trước thảm cảnh ấy của dân tộc, Mộng Tuyết đã sáng tác mười bài thơ gọi là Mười khúc đoạn trường (trong đó có bài tặng Ân Ngũ Tuyên, tức nhà văn Nguyễn Tuân của chúng ta), định đem bán để lấy tiền cứu đói. Mười khúc này được Đông Hồ viết và vẽ trên giấy “Bạch ngọc”, bằng bút “Cửu trùng xuân sắc” và và mực “Hổ khê tam túc” cùng với mấy vần thơ rao bán:
Mười khúc đoạn trường thơ cứu đói
Bốn phương tri kỷ gió đưa duyên
Non sông cố quốc lòng đang rộn
Son phấn tài hoa nợ chửa đền.
Việc làm ấy, ngày đó, quả là ngây thơ, nhưng tấm lòng của nữ sĩ đối với đồng bào miền Bắc thật đáng trân trọng.
Khi Cách mạng Tháng Tám nổ ra, cùng với nhân dân cả nước, Mộng Tuyết đã đón chào cuộc đổi mới của đất nước bằng tất cả tấm lòng:
Kết chặt hàng đi dưới bóng cờ
Trời Nam dành lại nước non xưa
Tưng bừng vận mới hồn trai trẻ
Một khối nghìn thu vững cõi bờ.
(Dưới cờ)
Sách Địa chí văn hóa thành phố Hồ Chí Minh, trong phần nói về thơ ca thời kỳ Cách mạng tháng Tám, đã cho đó là một trong những bài thơ nổi bật nhất khi ấy.
Còn bài Chữ thập hồng, chính là để tặng Vân Muội – người bạn gái và cũng là một học trò hàm thụ của Trí Đức học xá ngày xưa, sau trở thành một cán bộ cách mạng, mãi đến sau ngày giải phóng miền Nam 30.4.1975 mới gặp lại được Mộng Tuyết:
Có những bàn tay đẹp dịu dàng
Bàn tay không vướng nét kiêu sang
Cũng không tô chuốt màu hồng hạnh
Mà vẫn hồng tươi, vẫn nhẹ nhàng
Bao nỗi niềm riêng đành phải bỏ
Những bàn tay ấy quyết đeo mang
Đem bao êm dịu cho đau đớn
Hàn vá lành cho những vết thương.
Đến mùa Thu năm 1947, Mộng Tuyết lại có bài Chiếc lá thị thành để thăm hỏi người bạn thơ Huỳnh Văn Nghệ đang chiến đấu trên chiến khu:
Đây một tờ thư của thị thành
Thả về thăm hỏi chiến khu xanh
Hỡi anh chiến sĩ mùa thu trước,
Hơn một mùa thu bận chiến tranh.
Cảm động trước bài thơ ấy, ông tướng – thi sĩ, tác giả của hai câu thơ nổi tiếng: “Từ thuở mang gươm đi mở cõi, Ngàn năm thương nhớ đất Thăng Long” đã sáng tác bài Lá thư rừng gửi về cho Mộng Tuyết. Bài thơ này đã được Huỳnh Văn Nghệ ký với bút danh Huỳnh Văn, và đã được đăng trên phụ trương Ánh sáng văn chương do Đông Hồ phụ trách:
Trời! Cảm động đọc bức thư thành thị
Gởi về thăm và an ủi chiến khu
Dấu lệ rơi trên nét chữ đã mờ
Lời êm ả, dịu dàng và tha thiết.
Đó là chỉ nói riêng phần thơ. Vân Muội thương nhớ còn được Mộng Tuyết nhắc đến trong nhiều bài ký nữa. Truyện ngắn Có những vợ chồng ngâu mới chính là lòng cảm thông sâu sắc của nàng Úc đối với những đôi lứa vì kháng chiến mà phải xa nhau. Ông đạo Lập với những hành tung xuất chúng nào phải đâu để nói chuyện mê tín, hoang đường. Rồi còn Bánh bò kháng chiến và truyện, ký khác…
Chất “thời sự” đó chính là tấm lòng của Mộng Tuyết đối với đất nước, là những rung động của một trái tim nhạy cảm trước lòng quật cường và những đau thương của dân tộc.
Nguồn: Võ Văn Nhơn (sưu tầm và biên soạn), Đông Hồ - Mộng Tuyết, Nxb Hội Nhà văn, Hà Nội, 1992.