Trương Tửu và Kinh thi Việt Nam

20170828. Kinh thi Viet Nam

Học giả, nhà văn Trương Tửu (1913-1999) còn có bút danh: Nguyễn Bách Khoa, Hoàng Canh, Mai Viên, T.T….; nguyên quán làng Bồ Đề, xã Phúc Viên, huyện Gia Lâm, tỉnh Bắc Ninh (nay là một phường thuộc quận Long Biên, Hà Nội).

Trương Tửu từng viết cho các báo: Đông Tây tuần báo, Loa, Ích Hữu, Tiếng Trẻ, Hà Nội báo, Tân Thiếu Niên, Thời Thế, Quốc Gia, Văn Mới, Mùa Gặt Mới…; làm giám đốc văn chương Nhà xuất bản Hàn Thuyên và tập san Văn Mới; lãnh đạo Nhóm Hàn Thuyên (Nhóm Tân văn hoá). Ông là giáo sư văn học nổi tiếng ở Trường Dự bị đại học trong kháng chiến, Đại học Sư phạm, Đại học Văn Khoa Hà Nội trong hoà bình. Năm 1957, Trương Tửu được phong giáo sư cùng đợt với các học giả Đào Duy Anh, Đặng Thai Mai, Trần Văn Giàu, Nguyễn Mạnh Tường. Năm 1958, ông bị buộc thôi giảng dạy vì viết trên Giai phẩm mùa thuGiai phẩm mùa đông (không viết báo Nhân văn). Từ sau đó, ông chuyển qua nghiên cứu, hành nghề Đông y và mất ở Hà Nội.

Trương Tửu được biết đến như một trong những người viết phê bình theo tinh thần mác xít đầu tiên ở Việt Nam. Sự nghiệp của ông để lại có hai mảng quan trọng là sáng tác văn chương và phê bình nghiên cứu văn học, sử học. Các tác phẩm tiêu biểu: sáng tác văn xuôi: Thanh niên S.O.S (1937), Một chiến sĩ (1938), Khi chiếc yếm rơi xuống (1939), Khi người ta đói (1940), Một cổ đôi ba tròng (1940), Thằng Hóm (1940?), Một kiếp đoạ đày (1941), Tráng sĩ Bồ Đề (1943), Năm chàng hiệp sĩ (1944)…; nghiên cứu văn học và sử học: Những thí nghiệm của ngòi bút tôi (1938), Uống rượu với Tản Đà (1938), Kinh thi Việt Nam (1940), Nguyễn Du và Truyện Kiều (1943), Nhân loại tiến hoá sử (1943), Nguồn gốc văn minh (1943), Văn minh sử (1943), Nguyễn Công Trứ (1944), Văn chương Truyện Kiều (1944), Tương lai văn nghệ Việt Nam (1945), Đại quan về 40 năm văn học Việt Nam hiện đại 1905-1945 (1948), Phương pháp phê bình văn học (1948), Văn nghệ bình dân Việt Nam (1952), Truyện Kiều và thời đại Nguyễn Du (1956), Chỉnh huấn là gì? (1955), Chống văn hoá nô dịch (1956), Mấy vấn đề văn học sử Việt Nam (1958)…[1]

Sáng tác của Trương Tửu in đậm tính luận đề và chất dã sử, được Vũ Ngọc Phan xếp vào nhóm các nhà tiểu thuyết xã hội. Trong các tác phẩm, ông thường đứng về phía người nghèo, số đông giai cấp vô sản. Khuynh hướng tư tưởng này đã đưa Trương Tửu đến với tư tưởng triết học Mác, đặc biệt thể hiện sinh động, nhất quán và hệ thống trong các công trình phê bình, nghiên cứu văn học và sử học. Nhân viết về phê bình xã hội, giáo sư Nguyễn Văn Trung cho rằng: “Thời tiền chiến, Nguyễn Bách Khoa (Trương Tửu) là người đầu tiên và độc nhất đã đưa ra một quan niệm phê bình rõ rệt và áp dụng nó một cách có hệ thống với một lối văn lôi cuốn. Chưa xét quan niệm phê bình mác xít đúng hay không đúng, chỉ xét phương diện có chủ thuyết và viết thành hệ thống hẳn hoi, thì phải nhận Nguyễn Bách Khoa đã thành công hơn tất cả những nhà phê bình trước ông và hiện nay cũng khó tìm ra một Nguyễn Bách Khoa khác”[2]. Giáo sư Thanh Lãng nhận xét: “Cùng với các nhà văn trong Nhóm Tân văn hoá, Nguyễn Bách Khoa đã khai mở hẳn một kỷ nguyên mới trong lịch sử văn học Việt Nam: phê bình dựa vào biện chứng pháp duy vật”[3]. Nguyễn Hữu Sơn nhận định: “Cuộc đời Trương Tửu là một chuỗi những thăng trầm, những cuộc dấn thân với một tinh thần trung thực, tranh đấu vì học thuật và lẽ phải”.

Trương Tửu là trí thức có tầm hiểu biết sâu rộng, đặc biệt là lý thuyết mác xít, hăm hở vận dụng lý thuyết ấy vào nghiên cứu văn học, sử học. Dù đây đó, sự vận dụng ấy chưa thật nhuần nhuyễn như các nhà nghiên cứu chỉ ra, nhưng nhìn chung hầu hết những công trình ông để lại đều có giá trị nhất định về mặt nhận thức, lý luận và tư liệu. Và quan trọng, qua hoạt động văn hoá, ông đã cho thấy một tinh thần trung thực và dấn thân của người trí thức Việt Nam hiện đại trong việc kích động tiến trình dân chủ hoá xã hội. Tinh thần ấy đưa ông trở thành một trong những nhân vật quan trọng của Nhóm Hàn Thuyên, nhóm trí thức có tầm ảnh quan trọng trong việc canh tân nền văn hoá Việt Nam nửa đầu thế kỷ XX.

Trương Tửu và Nhóm Hàn Thuyên

Hàn Thuyên là một nhà xuất bản tư nhân do Trương Tửu dày công sáng lập năm 1941, do anh vợ là Nguyễn Xuân Tái làm chủ. Trương Tửu làm giám đốc văn chương (tương tự tổng biên tập). Tập hợp xung quanh nhà xuất bản Hàn Thuyên (còn gọi là Hàn Thuyên xuất bản cục) là nhóm trí thức có cùng mục đích lý tưởng như Trương Tửu, Nguyễn Đức Quỳnh, Lê Văn Siêu,… do vậy, thường được gọi là Nhóm Hàn Thuyên. Nhóm chủ trương đề xướng xây dựng nền “tân văn hoá” Việt Nam, mong sẽ “kiến thiết được một hệ thống văn hoá mới để làm kim chỉ nam cho hoạt động tiến thủ”. Đó là lý do họ gọi nhóm của mình là Nhóm Tân văn hoá. Các tác phẩm được in ở Hàn Thuyên trong chủ trương của nhóm, ngoài bìa sách thường có dòng chữ “Tủ sách Tân văn hoá” hoặc “Tủ sách Tân văn hoá Hàn Thuyên”. Nhà xuất bản Hàn Thuyên ngoài việc in sách của các thành viên trong nhóm Tân Văn hoá còn in của các tác giả ngoài nhóm thuộc mọi xu hướng (dân tộc, dân chủ, quốc gia, cộng sản và các tác giả tự chịu trách nhiệm…) miễn phù hợp với mục đích canh tân nền văn hoá Việt Nam. Thực hiện tủ sách Tân văn hoá, nhóm Hàn Thuyên đề ra chủ trương: 1. Mở rộng con mắt mới, nhìn sự kiện lịch sử cũ, để nói lên những nhận định trào sôi máu hận của mình; 2. Học lấy những tiến hoá cuối cùng của người, nhưng cũng phải nhìn rõ cảnh thế của mình khi tính chuyện áp dụng để đuổi theo các nước tiên tiến”[4]. Hoạt động được hơn một năm, để tránh mất thời gian kiểm duyệt đối với bản thảo in sách (đối với báo, tạp chí in xong mới trình kiểm duyệt), nhà xuất bản Hàn Thuyên chuyển các ấn phẩm sang dạng các số tạp chí, lấy tên là Văn Mới với phụ đề “Tạp chí phổ thông giáo dục” từ giữa năm 1942. Tháng 5-1945, Trương Tửu bị hiến binh Nhật lùng bắt phải bỏ trốn và tập san Văn Mới bị tịch thu. Trong một khoảng thời gian tương đối ngắn, Hàn Thuyên đã công bố hơn một trăm đầu sách thuộc nhiều thể loại: sáng tác văn học; sách kinh tế; sách dạy rèn luyện sinh lực và trí tuệ; sách nghiên cứu lịch sử; sách nghiên cứu văn học,… của nhiều cây bút nổi tiếng ở các lĩnh vực như Trương Tửu (Nguyễn Bách Khoa, Mai Viên), Nguyễn Đức Quỳnh (Thiên Hạ Sĩ), Lê Văn Siêu, Lương Đức Thiệp, Nguyễn Tế Mỹ, Nguyễn Đổng Chi, Đặng Thai Mai, Nguyễn Tuân, Đồ Phồn, Chu Thiên, Nguyễn Đình Lạp, Vi Huyền Đắc, Đàm Quang (Nguyễn Huy Tưởng), Phạm Ngọc Khuê, Nguyễn Hải Âu, Hồ Hữu Tường. Trong đó có nhiều tác phẩm quan trọng của nền văn hoá Việt Nam hiện đại trong thế kỷ XX: Chiếc lư đồng mắt cua của Nguyễn Tuân, Bút nghiên của Chu Thiên, Ngoại ô, Ngõ hẻm của Nguyễn Đình Lạp, Kinh thi Việt Nam, Tâm lý và tư tưởng Nguyễn Công Trứ, Nguyễn Du và Truyện Kiều của Trương Tửu, Văn học khái luận của Đặng Thai Mai, Việt Nam cổ văn học sử của Nguyễn Đổng Chi…

Có thể thấy, Trương Tửu chính là linh hồn kết nối các thành viên của nhóm Hàn Thuyên. Trong diễn văn đọc vào dịp hoả táng Nguyễn Đức Quỳnh, nhà văn Lê Văn Siêu đã cho biết không khí làm việc và tình cảm của anh em trong nhóm: “Tôi nhớ ông hồi nào cùng tôi và Trương Tửu, ba anh em chia nhau một ổ bánh mì để thức suốt đêm sửa ấn cảo và kèm thợ in chạy báo cho hằng kịp phát hành sáng hôm sau”[5]. Nhận xét về Trương Tửu, Lê Văn Siêu viết: “Trương Tửu đáo để, thông minh, phản ứng nhanh, học rộng, nhiều sáng kiến và rất nguyên tắc, làm giám đốc văn chương thì như linh hồn nhà xuất bản, đã nghĩ ngày nghĩ đêm, thảo hoạch chương trình xuất bản, phân phối việc viết sách báo cho anh em, bàn bạc hằng ngày với anh em để hướng dẫn lập luận của sách cho không chệch ra ngoài định hướng chung”[6].

Ngoài công việc chính là xuất bản, nhóm Hàn Thuyên đã có những hoạt động khác như: tổ chức Tuần lễ văn nghệ tại Hà Nội ngay sau ngày 19-8-1945; tổ chức đoàn Chấn hưng sân khấu; tổ chức nhà tổng phát hành sách báo Phương Đông (bao gồm tất cả các nhà xuất bản ở Hà Nội, tổ chức thành một cơ quan phát hành chung, sửa soạn đưa sách vào thị trường miền Nam); tổ chức những buổi hội thảo về văn nghệ.

Nhóm Hàn Thuyên ngừng hoạt động vào cuối năm 1946. Nhiều trí thức của nhóm đã tham gia cách mạng. Nhà in được chuyển ra vùng kháng chiến và hiến cho cách mạng.

Kinh thi Việt Nam – tác phẩm quan trọng của Trương Tửu

Kinh thi Việt Nam có một vị trí quan trọng trong sự nghiệp của Trương Tửu bởi đây là tác phẩm nghiên cứu bề thế của ông trước Cách mạng tháng Tám, gắn với bút danh Trương Tửu và đánh dấu sự định hình phong cách nghiên cứu phê bình theo tinh thần mác xít. Nhà nghiên cứu Văn Tân cho rằng: “Trương Tửu - Nguyễn Bách Khoa là một trong những cây bút ở Việt Nam sớm vận dụng chủ nghĩa duy vật biện chứng. Phương pháp khoa học này khiến ông khá thành công ở một số sách biên khảo sử học, nhất là trong tác phẩm nghiên cứu văn học dân gian chứa đựng không ít tổng kết chính xác có ích lâu dài: Kinh thi Việt Nam[7].

Kinh thi Việt Nam được Hàn Thuyên xuất bản lần đầu năm 1940. Tác phẩm này phát hành được ba tháng thì bị mật thám Pháp ra quyết định cấm lưu hành. Cũng trong năm này, Trương Tửu có viết truyện Thằng Hóm nhưng cũng bị tịch thu ngay tại nhà in. Bút danh Trương Tửu cũng bị cơ quan kiểm duyệt gây khó dễ, buộc tác giả phải đổi bút danh thành Nguyễn Bách Khoa. Cái tên này không phải là một “sự vỗ ngực tự cho mình là tài giỏi, bách khoa” như một số người gán ghép khi phê bình Trương Tửu. Theo Lê Văn Siêu, một trong những trụ cột của nhóm Hàn Thuyên: “Cái tên Nguyễn Bách Khoa phù hợp với mộng ước mà chúng tôi đã nuôi từ 1935 khi thấy các nhà văn tiền phong của Pháp: d'Alembert, Diderot, Voltaire, Montesquieu, v.v… viết bộ sách Bách Khoa ở thế kỷ 18, tập hợp những người có tư tưởng tự do, có ý muốn cải tiến xã hội để thảo hoạch những nguyên tắc xây dựng xã hội mới, ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc cách mạng 1789”[8].

Đến năm 1945, Kinh thi Việt Nam được tái bản trang trọng trong khuôn khổ của tập san Văn Mới (số 53, ngày 5-7-1945, 242 trang bằng giấy dó). Ở miền Nam, tác phẩm này được tái bản tới 2 lần: Liên Hiệp tái bản, Sài Gòn, 1950, 246 trang và Hoa Tiên tái bản, Sài Gòn, 1974, 222 trang. Cho thấy phần nào giá trị của Kinh thi Việt Nam.

Viết Kinh thi Việt Nam, Trương Tửu đã xuất phát từ sự định giá nguồn gốc, tác dụng của Kinh thi Trung Quốc. Trước khi đề xuất nghiên cứu Kinh thi Việt Nam, Trương Tửu đặt vấn đề: Vì lẽ gì Khổng Tử san định Kinh thi? Ông cho rằng, “Khổng Tử tin nghệ thuật là sản vật của tình cảm. Cái tin tưởng nầy trong Khổng giáo có giá trị như một chân lý tuyệt đối. Tất cả phương pháp giáo hoá của Khổng Tử đều xây trên chân lý ấy”[9]. Ông đã chỉ ra điểm then chốt của quan niệm Khổng giáo về mối quan hệ giữa con người và xã hội:

Trong Khổng giáo, tất cả triết lý chính trị đều dựng trên nhận định này: con người là một động vật sống trong xã hội. Không có xã hội thì không có Khổng giáo. Đạo của Khổng Tử là một hệ thống triết lý chỉ có thể xuất hiện trong một xã hội đã tổ chức, hơn nữa một xã hội nông nghiệp đang ở thời kỳ hỗn độn của chế độ phong kiến có xu hướng tiến đến thời kỳ trật tự của chế độ quân quyền. Bởi phát sinh từ cội rễ ấy nên Khổng giáo mới coi con người sống trong xã hội là con người muôn thuở và mới tin ở sức mạnh cùng cực của chế độ chính trị trong việc cải tạo con người[10].

Khổng giáo đã có những điểm gặp gỡ với quan niệm của Mác về mối quan hệ giữa con người và xã hội. Và Trương Tửu đã biện luận để đi đến trả lời cho vấn đề đã đặt ra rằng vì lẽ gì Khổng Tử san định Kinh thi: “Cái khởi điểm giáo hoá của Khổng Tử là chỉnh lại nền tình cảm của con người. Muốn chỉnh lại nền tình cảm của con người, ngài cho học thi và thơ chính là tiếng nói của tình cảm. (…) Khổng Tử đã chủ tâm bày cho người cầm quyền biết rằng nghệ thuật cũng là một lợi khí chính trị rất hiệu nghiệm”[11].

Tiếp theo, Trương Tửu xét “Kinh thi như một tài liệu xã hội học”: đánh dấu sự xuất hiện của văn tự; là bức hoạ chân xác của những tín ngưỡng, tư tưởng, chính pháp, phong tục trong một xã hội; nó điểm chỉ cho nhà xã hội học những vết tích của một cuộc sinh hoạt kinh tế.

Nghiên cứu ca dao Việt Nam, Trương Tửu cho rằng chúng ta không chỉ phác thảo lại được đời sống kinh tế xã hội của cha ông ta từ ngàn xưa đến thời cận đại. Sự kết tinh của ca dao còn cho thấy được cái tinh thần chống Nho giáo rất mạnh của dân chúng Việt Nam (chống lại hệ thống đạo đức cổ hủ của Nho gia, chế độ phụ quyền chèn ép người phụ nữ, giải phóng tình cảm và bản năng). Ca dao còn cho thấy “nổi lên cái tinh thần độc lập của dân ta và cái nỗ lực liên tiếp của tổ tiên ta đã thực hành trong bao nhiêu thế kỷ để tránh nạn Trung Quốc hoá. Nhờ sự nỗ lực phi thường này mà hiện giờ chúng ta có thể tự hào rằng chúng ta vẫn giữ được trong cõi ý thức một tinh tuý Việt Nam cái tinh tuý mà văn hoá Trung Quốc chỉ đã kết tinh lại chứ không thể nào thôn tính được”[12]. Vì vậy, đọc ca dao là chúng ta tìm đến cội rễ tinh thần của dân chúng Việt Nam. Ca dao Việt Nam ngoài là những tài liệu xã hội học quan trọng, còn có giá trị nghệ thuật không kém giá trị nghệ thuật của bất kỳ nền văn nghệ bình dân ở một dân tộc nào trên thế giới. Chúng ta có một Kinh thi quý giá không kém gì Kinh thi của người Trung Quốc. Bổn phận chúng ta ngày nay là phải ghi chép nó, san định nó, chú thích nó.

Trong công trình Kinh thi Việt Nam, Trương Tửu đã đề xuất và thảo luận hai vấn đề lớn mang tính khoa học và thực tiễn: mối quan hệ giữa văn nghệ và chính trị; văn nghệ là sản phẩm của xã hội phản ánh cá tính riêng của tác giả và tâm lý dân tộc. Nhiều luận điểm ông đưa ra được đúc kết từ tư liệu thực tế đến nay còn có giá trị tham khảo. Viết Kinh thi Việt Nam, Trương Tửu mong muốn:

Đọc Kinh thi Việt Nam bây giờ sẽ là tìm trong quá khứ của dân chúng Việt Nam cái sức mạnh để đảm bảo cho lòng tin của chúng ta ở tương lai của dân chúng Việt Nam. Đọc nó sẽ còn tìm đến cái hay, cái đẹp, cái khéo của âm điệu và tiếng nói Việt Nam là tìm đến cái hương hoả văn chương của cha ông để lại, do đó mà kiến thiết nền thi ca Việt Nam hiện đại. Đọc nó còn là tìm cho mình một gốc rễ tinh thần, một lạc thú tinh thần hiếm có” [13].

            Tìm đến ca dao, Trương Tửu đã nhận thấy trong đó một sức mạnh tinh thần phản kháng mạnh mẽ của dân tộc. Và ông đã tin tưởng, dấn thân, khơi mào vào việc kích hoạt tinh thần ấy qua ngả nghiên cứu và phê bình văn học dân tộc. Chúng ta không ngạc nhiên khi Kinh thi Việt Nam bị cấm lưu hành, cũng như mấy năm sau đó tập san Văn Mới bị tịch thu và bản thân Trương Tửu bị hiến binh Nhật lùng bắt.

PHM.



[1] Tác phẩm Trương Tửu gần đây đã được tập hợp in lại gần như trọn vẹn trong các tuyển tập: Trương Tửu: Tuyển tập nghiên cứu phê bình, (Trịnh Bá Đĩnh, Nguyễn Hữu Sơn sưu tầm và biên soạn), Nxb Lao Động và Trung tâm Văn hoá Ngôn ngữ Đông Tây, Hà Nội, 2007; Trương Tửu: Tuyển tập văn xuôi, (Nguyễn Hữu Sơn sưu tầm và biên soạn), Nxb Lao Động và Trung tâm Văn hoá Ngôn ngữ Đông Tây, Hà Nội, 2009; và tới đây, tuyển tập về “Những vấn đề văn hoá” cũng sẽ được xuất bản.

[2] Nguyễn Văn Trung: Lược khảo văn học, tập 3: nghiên cứu và phê bình văn học, Nam Sơn xuất bản, Sài Gòn, 1968, tr.191-192.

[3] Thanh Lãng: Phê bình văn học thế hệ 1932, tập 2, Phong trào Văn hoá xuất bản, Sài Gòn, 1974, tr.395.

[4] Lê Văn Siêu: Văn học sử thời kháng Pháp (1858-1945), Trí Đăng xuất bản, Sài Gòn, 1974, tr.365

[5] Lê Văn Siêu: Về nhóm Hàn Thuyên và Nguyễn Đức Quỳnh, Bách khoa, số 411, ngày 13-7-1974, tr.71.

[6] Lê Văn Siêu: Về nhóm Hàn Thuyên và Nguyễn Đức Quỳnh, Bách khoa, số 411, ngày 13-7-1974, tr.72-73.

[7] Đỗ Đức Hiểu, Nguyễn Huệ Chi, Phùng Văn Tửu, Trần Hữu Tá (cb): Từ điển văn học (bộ mới), Nxb Thế Giới, Hà Nội, 2004, tr.1865.

[8] Lê Văn Siêu: Văn học sử thời kháng Pháp (1858-1945), Trí Đăng xuất bản, Sài Gòn, 1974, tr.363.

[9] Trương Tửu: Kinh Thi Việt Nam, Hoa Tiên tái bản, Sài Gòn, 1974, tr.31.

[10] Trương Tửu: Sđd, tr.32.

[11] Trương Tửu: Sđd, tr.31-36.

[12] Trương Tửu: Sđd, tr.19.

[13] Trương Tửu: Sđd, tr.222.

Nguồn: Tạp chí Đại học Sài Gòn, Bình luận văn học, Niên san 2013

Bài viết cùng tác giả

Thông tin truy cập

63677632
Hôm nay
Hôm qua
Tổng truy cập
21350
17595
63677632

Thành viên trực tuyến

Đang có 202 khách và không thành viên đang online

Sách bán tại khoa

  • Giá: 98.000đ

    Giá: 98.000đ

  • Giá: 85.000đ

    Giá: 85.000đ

  • Giá: 190.000đ

    Giá: 190.000đ

  • Giá:140.000đ

    Giá:140.000đ

  • 1
  • 2
  • 3
  • 4

Liên hệ mua sách:
Cô Nguyễn Thị Tâm
Điện thoại: 0906805929

Danh mục website