Trở lại với Kiều Thanh Quế qua bản dịch “Học thuyết Freud” cách đây gần 80 năm

Đứng trước cuốn sách Học thuyết Freud của S.Zweig, được Tô Kiều Phương, tức Kiều Thanh Quế, dịch và xuất bản ở Việt Nam năm 1943, có nhiều vấn đề được đặt ra. Câu hỏi lớn nhất là: Vì sao Kiều Thanh Quế dịch Học thuyết Freud?

20200325 1

Các nhà khoa học, nhà văn tìm hiểu tác phẩm của nhà văn, chiến sĩ Kiều Thanh Quế được trưng bày tại hội thảo “Thân thế, sự nghiệp nhà văn, chiến sĩ Kiều Thanh Quế” do Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Bà Rịa – Vũng Tàu tổ chức, tháng 12/2019.

Cùng với đó, từ công trình do Kiều Thanh Quế biên dịch, chúng ta sẽ hiểu hơn về nhãn quan học thuật, tư tưởng của một cái tên nổi bật trong đời sống văn chương học thuật đầu thế kỷ XX nhưng do những xáo trộn của thời cuộc đã đột ngột “biến mất” cả về nhân thân và sự nghiệp.

Tại sao phải trở lại với Kiều Thanh Quế?

Kiều Thanh Quế (bút danh Mộc Khuê, Tô Kiều Phương, Quế Lang, Nguyễn Văn Hai) sinh năm 1914 tại Bà Rịa – Vũng Tàu, mất 1947 (theo tư liệu gia đình xác nhận). Ông tham gia làm báo, nghiên cứu, phê bình văn học, văn hóa, dịch thuật, là một “Nhà phê bình văn học hiếm có của Nam Bộ” (Hoài Anh).


Cuộc đời và sự nghiệp Kiều Thanh Quế đến giờ đã minh chứng cho những nỗ lực dấn thân của một trí thức trước các thách thức và vẫy gọi của thời đại. Từng cộng tác với nhiều tờ báo của Việt Nam cả trong Nam ngoài Bắc khoảng thập niên 20, 30, 40 của thế kỷ XX (Mai, Tin điện Sài Gòn, Văn Lang tuần báo, Nam Kỳ tuần báo, Đông Dương tuần báo, Tiểu thuyết thứ Bảy, Tri tân,…), Kiều Thanh Quế xác lập vai trò và tư cách của mình như một nhà bách khoa khi hiện diện ở nhiều lĩnh vực: nghiên cứu, phê bình, dịch thuật văn hóa, văn học.


Tuy nhiên, sự “biến mất” của ông cả về nhân thân và sự nghiệp đã khiến cho việc tìm hiểu trở lại Kiều Thanh Quế trở thành một đòi hỏi thích đáng, nhằm định vị một cách sáng rõ hơn vị thế của nhà trí thức này trong lịch sử phát triển của văn chương, học thuật, văn hóa Việt Nam đầu thế kỷ XX.

Về sự nghiệp, hiện nay có thể nhìn nhận Kiều Thanh Quế là một học giả lớn của văn học, văn hóa Việt Nam đầu thế kỷ XX. Các tác phẩm chính của ông bao gồm: Phê bình văn học (1942), Ba mươi năm văn học (1942), Cuộc tiến hóa văn học Việt Nam (1943), Thi hào Tagore (1943, ký Nguyễn Văn Hai), Hai mươi tuổi (tiểu thuyết - 1940), Đứa con của tội ác (tập truyện, 1941), Đàn bà và nhà văn (biên dịch, 1943), Học thuyết Freud (biên dịch, 1943 – ký Tô Kiều Phương),… Ngoài ra, ông còn hai tập Vũ Trọng Phụng và chủ nghĩa tả thiệt xã hộiCuộc vận động cứu nước trong “Việt Nam vong quốc sử” hiện chưa tìm thấy. Cộng tác với nhiều báo, trải rộng các vấn đề nghiên cứu trên cả phê bình, nghiên cứu, dịch thuật, biên khảo, tranh luận…


Là một trí thức dấn thân, Kiều Thanh Quế vừa say sưa làm khoa học vừa tham gia vào đời sống chính trị xã hội một cách tích cực. Ông gắn bó với lực lượng vũ trang cách mạng và trở thành người của Quốc vệ đội. Tuy nhiên, do đòn phản gián của Pháp, ông cùng một số đồng chí trong Ty Công an và Quốc vệ đội Bà Rịa (Trưởng ty Công an Huỳnh Công Vinh, Chỉ huy trưởng Đoàn Hồng Tâm) bị bắt giam (và có lẽ đã bị xử tử vào ngày 7/4/1947).


Sau kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, sự việc đã được lật giở lại, các nhân vật trên dần được minh oan và được công nhận là cán bộ cách mạng (Theo Lịch sử Công an Nhân dân Đồng Nai 1945 – 1954, tập 1, NXB Đồng Nai, 1992, tr. 66-70). Gần đây nhất, tháng 12/2019, Tỉnh ủy Bà Rịa - Vũng Tàu đã tổ chức Hội thảo “Thân thế và sự nghiệp văn học của nhà văn, chiến sĩ Kiều Thanh Quế” với sự tham gia của nhiều nhà khoa học trong nước. Các tham luận - khảo cứu khoa học tại hội thảo đã một lần nữa tái lập vị thế của Kiều Thanh Quế trong di sản học thuật cũng như tiến trình lịch sử cách mạng Việt Nam.

Học thuyết Freud của S. Zweig ± phương thuốc cho Việt Nam

Học thuyết Freud là công trình biên khảo của S.Zweig. Cả hai đều là người Áo và sống cùng thời với nhau - Freud (1856-1939), S.Zweig (1881-1942). Có lẽ, chính vì những điểm chung thuộc về thời đại ấy, S.Zweig đã dành thời gian khảo cứu Học thuyết Freud bên cạnh việc sáng tác văn chương. Cuốn sách này được Kiều Thanh Quế (ký tên là Tô Kiều Phương) dịch, nhà xuất bản Tân Việt ấn hành năm 1943, gồm 158 trang cả bìa. Ngoài Lời tựa có lẽ của Tô Kiều Phương, Lời nói đầu của S.Zweig và Kết luận, sách được chia làm 8 chương: Chương 1: Một tài năng xuất hiện; Chương 2: Bức chân dung; Chương 3: Bước đầu; Chương 4: Cõi vô thức; Chương 5: Chiêm bao; Chương 6: Kỹ thuật của Phân tâm học; Chương 7: Quan niệm tình dục; Chương 8: Buổi tàn niên. Có thể nói, bản dịch Học thuyết Freud của Kiều Thanh Quế là tài liệu phổ biến S. Freud sớm ở Việt Nam - cùng với công trình Hồ Xuân Hương – Tác phẩm, thân thế, văn tài của Nguyễn Văn Hanh, Kinh Thi Việt Nam của Trương Tửu - Nguyễn Bách Khoa, một số bài viết tranh luận “Dâm hay không dâm” (1936-1939) có vận dụng hoặc nhắc đến Freud.

Căn cứ trên niên đại của tác giả, tác phẩm, dịch phẩm và năm xuất bản tại Việt Nam, có thể hình dung rằng, Kiều Thanh Quế (1914-1947) đã sống cùng thời đại với S. Freud, S. Zweig và Học thuyết Freud là một sản phẩm cho thấy tính đồng đại của Việt Nam và châu Âu.

Trong Học thuyết Freud, S.Zweig đã chỉ ra, công lao “phá đổ rồi kiến thiết của học thuyết Freud” khi nhìn lại nền luân lý phong kiến và các học thuyết trước Freud. Nền luân lý ấy bằng mọi giá chế ngự bản năng ở con người, giam hãm tâm hồn con người trong các thành trì của đạo đức, luân lý, giáo lý, tri thức… Tình dục trở thành một thứ bị xa lánh, bị ghê tởm, cấm kỵ trong những cộng đồng muốn duy trì luân lý cứng nhắc.

Kiều Thanh Quế và những trí thức thế hệ ông nhận ra sự giam hãm, kìm kẹp của luân lý Khổng Giáo, phong tục Á Đông, lạc hậu và lỗi thời. Đặc biệt, ông nhạy cảm với sự nguy hại có thể nảy nòi từ những ràng buộc, che giấu đam mê ái tình, bản năng tự ngã. Một khi, những đòi hỏi dục tình, những ham muốn vô thức không được thỏa mãn (một cách đúng đắn, lương thiện). Sự giằng co giữa tư tưởng bảo thủ, phong kiến, luân lý lạc hậu và khả năng chữa trị cho xã hội từ học thuyết Freud như một hoạt lực không ngừng giao tranh trong tinh thần Kiều Thanh Quế. Hẳn là như vậy khi ông vừa viết phê bình, báo chí, dịch thuật, khảo cứu… Một sự can dự khá toàn diện vào đời sống văn chương, học thuật, tư tưởng Việt Nam của Kiều Thanh Quế nói lên tầm vóc cũng như ý nguyện của ông.




 Lý thuyết Freud có thể giúp thảo luận những vấn đề mà trước đó ít được đề cập cởi mở trong văn hóa Việt Nam như con người cá nhân, ái tình. Tranh vẽ Hồ Xuân Hương. 

Sự phù hợp một cách đầy hân hoan của tư tưởng Freud với sự trỗi dậy của con người cá nhân, bản ngã trong môi trường văn hóa, văn học Việt Nam đầu thế kỷ XX cũng có thể là một động lực khiến ông hăng hái dịch và giới thiệu Freud.


Một điều rất lý thú là, trước khi Freud được dịch, S.Zweig cũng được dịch khá sôi nổi ở Việt Nam. Cả Freud và S.Zweig đều là những tên tuổi rất được thời đại của Kiều Thanh Quế hâm mộ... Cùng thời điểm đó, các tiểu thuyết của Trương Tửu, Vũ Trọng Phụng, Nguyễn Vỹ, Thơ mới và sự trỗi dậy của con người cá nhân – cá thể, cái tôi vô thức, bản ngã, là một sự vẫy gọi, mời chào Kiều Thanh Quế. Ông phê bình những tiểu thuyết ấy, ủng hộ giáo dục tình dục và sự phổ biến tri thức tình dục cho mọi người. Ông dịch S.Zweig – qua đó truyền bá Freud cũng là bày tỏ lòng háo hức được tham dự vào những dòng tư tưởng, ý thức, tri thức của thời đại mình.


Sớm hơn, từ năm 1937, công trình nghiên cứu – phê bình ứng dụng phân tâm học của Nguyễn Văn Hanh vào trường hợp Hồ Xuân Hương qua công trình Hồ Xuân Hương – Tác phẩm, thân thế, văn tài dường như càng cổ vũ Kiều Thanh Quế. Thế nên, có lẽ trong một thời gian dài, trước 1943, ông đã để tâm vào việc nghiên cứu Freud và quyết định dịch khảo cứu của S. Zweig.


Năm 1942, trong bài “Phê bình triết học Bergson của Lê Chí Thiệp” (Tri Tân, số 52, tháng 6-1942), Kiều Thanh Quế đã muốn đối chiếu quan niệm về chiêm bao của Bergson với quan niệm chiêm bao của Freud. Ở một thời đại mà con người nhận ra tính chất cứng nhắc, “phi nhân” của lý trí, tri thức, giáo lý, luân lý phong kiến…, sự xuất hiện của thuyết trực giác (Bergson), vô thức – tính dục – bản năng (Freud), thuyết tương đối (A. Einstein) tại châu Âu, lại không quá xa lạ với Việt Nam, quả thực như một thứ ánh sáng, một sự vẫy gọi không dứt với các trí thức thuộc địa đầy khao khát. Kiều Thanh Quế thuộc về phía những trí thức có tinh thần canh tân, cải cách ấy.


Cuộc tranh luận Dâm hay không dâm kéo dài từ 1936 – 1939 hẳn cũng đã tác động lớn đến tinh thần, tư tưởng và ý chí của Kiều Thanh Quế. Dâm hay không dâm, “dâm lành mạnh” hay “dâm uế” có nguồn gốc từ chính nhận thức và hành vi, sâu hơn nữa, từ trong vô thức của con người bản năng. Bởi vậy, dịch S. Zweig, truyền bá Freud có lẽ là một cách để Kiều Thanh Quế cảnh báo cho cộng đồng về việc nên quan tâm đến vấn đề tình dục như thế nào. Vô thức và xung năng tình dục (libido) là phát kiến kinh thiên động địa của Freud, mở ra hướng giải quyết các bế tắc mà tư tưởng, luân lý cũ không dám đối diện, mặc nhiên phủ nhận hoặc cố tình lảng tránh. Trật tự và luân lý mới, nhìn từ phát kiến của Freud, cần phải được tái tạo trên cơ sở hiểu rõ tâm hồn con người cùng các cơ chế hoạt động nội quan của nó. Có thể nói, thời đại xuất hiện Học thuyết Freud có nhiều điểm tương đồng với xã hội Việt Nam. Những tương đồng về các hiện tượng, biểu hiện trong xã hội đã khiến Freud dốc sức vào việc truy tìm một phương thức chữa bệnh mới – Phân tâm học. Điều đó cũng đem đến cho Kiều Thanh Quế một sự liên hệ, và chắc hẳn, ông đã nhìn ra tương lai của Freud tại Việt Nam. 

Nguyễn Thanh Tâm

Tài liệu tham khảo

1.Kiều Thanh Quế, Cuộc tiến hóa Văn học Việt Nam, Nguyễn Hữu Sơn, Phan Mạnh Hùng biên soạn, NXB Thanh Niên, Hà Nội, 2009.

2.R.M. Albreres, Cuộc phiêu lưu tư tưởng văn học Âu châu thế kỷ XX (1900 - 1959), Vũ Đình Lưu dịch, NXB Văn học, Hà Nội, 2017.

3.S.Zweig, Học thuyết Freud, Tô Kiều Phương dịch, NXB Tân Việt, Hà Nội, 1943.

 

Nguồn: Tạp chí Tia sáng, ngày 22.03.2020.

Thông tin truy cập

63546734
Hôm nay
Hôm qua
Tổng truy cập
5165
12828
63546734

Thành viên trực tuyến

Đang có 241 khách và không thành viên đang online

Sách bán tại khoa

  • Giá: 98.000đ

    Giá: 98.000đ

  • Giá: 85.000đ

    Giá: 85.000đ

  • Giá: 190.000đ

    Giá: 190.000đ

  • Giá:140.000đ

    Giá:140.000đ

  • 1
  • 2
  • 3
  • 4

Liên hệ mua sách:
Cô Nguyễn Thị Tâm
Điện thoại: 0906805929

Danh mục website