13 năm lưu diễn là thời gian để Molière (1622-1673) học hỏi ở Trường đời, là vốn sống đầy sinh động cho việc sáng tác khi bước lên vũ đài sân khấu Pháp. Molière đã đưa kịch hề dân gian bắt chước kịch hề của Italia thành hài kịch mang tính dân tộc Pháp, mở đường, định hướng cho sân khấu Pháp phát triển. Cái cười của Molière trên sân khấu Paris từ năm 1658 tới khi ông qua đời năm 1763, mang tính xã hội, có đủ cung bậc từ vui nhộn đến dí dỏm, từ chế giễu đến cay độc. Kịch của ông đi sâu vào tâm lý nhân vật, miêu tả chân thực cuộc sống, là tiếng nói của lương tri thời đại và của nhân dân. Molière là nhà văn tiêu biểu của văn học cổ điển chủ nghĩa Pháp, cha đẻ của hài kịch Pháp -một nhà viết hài kịch nổi tiếng trên văn đàn sân khấu thế giới. Nhà phê bình văn học Sainte-Beuve nhận xét:
- Nếu tổ chức đại hội các nhà văn lớn từ cổ chí kim trên trên toàn thế giới thì người đại diện duy nhất cho văn học Pháp phải là Molière.
Ba trăm năm nay, hài kịch của Molière luôn có trong chương trình diễn của các đoàn kịch nổi tiếng ở châu Âu.
Bỏ tất cả để được chạy theo đam mê sân khấu
Mẹ mất năm 10 tuổi, cậu bé Jean-Baptiste sống với ông ngoại Cressé. Ông ngoại rất đam mê sân khấu, thường dẫn cháu ngoại đi xem kịch ở quảng trường gần cầu Pont-Neuf. Niềm đam mê sân khấu hình thành trong đầu cậu bé từ đó. Năm 21 tuổi (1643), Molière cùng với anh em Béjart thành lập đội kịch “Illustre Theâtre” (Trứ danh), đội kịch hoạt động được 2 năm thì vỡ nợ. Molière bị tống giam vì không có tiền trả nợ. Bố Molière phải bỏ tiền chuộc. Nhân đó ông nhắc con trai cả về chuyện thừa kế:
- Cha muốn con sửa đổi, muốn con thừa kế gia sản nhà ta, sau này phát tài, làm quan to…
- Thưa cha, xin cha đừng buồn. Chức vụ cao quý của cha trong cung đình, gia sản lớn của gia đình sẽ có người thừa kế, nhưng không phải là con.
- Ai sẽ thừa kế?
- Em trai con
- Vậy con làm gì?
- Con vẫn đi diễn kịch, vì con rất thích.
*
Với phương châm “Castigat ridendo mores” (sửa chữa phong hóa bằng tiếng cười). Molière cống hiến trọn đời cho nghệ thuật sân khấu. Hài kịch của ông châm biếm, chế giễu thói hư tật xấu của tầng lớp thị dân (mới hình thành và đang phát triển) trong đời sống xã hội Pháp thế kỷ 17, dưới thời vua Louis XIV (Louis Grand).
TỪ TRUYỆN DON JUAN DÂN GIAN TÂY BAN NHA ĐẾN DON JUAN CỦA MOLIÈRE TRONG VĂN HỌC PHÁP
Don Juan là nhân vật dân gian (truyền miệng) Tây Ban Nha, nhân vật này xuất hiện lần đầu (thành văn) trong kịch El burlado de Sevilla y convidado de piedra của Tirso de Molina (công diễn năm 1613, in thành sách năm 1630). Don Juan là người vô thần, dám phỉ báng Chúa, thích phiêu lưu trong chuyện tình ái, có tài quyến rũ, lừa đảo phụ nữ mọi đẳng cấp: nữ công tước, thiếu nữ quý tộc, cô gái đánh cá, cô gái nông thôn. Don Juan bị trời trừng phạt, đày xuống địa ngục.
Kịch “Don Juan” dân gian Tây Ban Nha là hề kịch tính cách (kịch vui dân gian) về một Don Juan (có bản năng *Tính Đực mạnh mẽ ) có tài quyến rũ phụ nữ.
Năm 1665, nhà văn người Pháp Molière viết hài kịch “Don Juan” từ chất liệu của văn học dân gian Tây Ban Nha: hề kịch “Don Juan”. Hài kịch của Molière viết bằng văn xuôi, có 5 hồi, công diễn lần đầu ngày 5.11.1665. Don Juan là một nhà quý tộc, quyến rũ Elvire bỏ tu viện theo mình. Đối với Don Juan:”Hạnh phúc ở cuộc đời này là quyến rũ được tất cả đàn bà mà không yêu một ai cả!”. Don Juan bỏ rơi Elvire, chạy theo những cuộc phiêu lưu tình ái khác. Don Juan và người đầy tớ Sganarelle bị đắm thuyền. Anh nông dân Pierrot đã cứu vớt hai chủ tớ. Thoát nạn, hoàn hồn, Don Juan lại tán tỉnh ngay vợ chưa cưới của Pierrot là Charlotte và tán luôn cả cô gái Mathurine. Để trả thù cho em gái Elvire, Don Carlos lùng bắt Don Juan. Chủ tớ chạy trốn vào rừng. Trong rừng, Don Juan thuyết giảng cho đầy tớ biết rằng, mình chẳng tin Chúa, cũng chẳng tin địa ngục, thiên đường, điều tin duy nhất là: hai với hai là bốn… Tình cờ, Don Juan cứu Don Carlos khỏi tay bọn cướp chặn đường trong rừng. Cảm mến Don Juan nên Don Carlos bỏ ý định trả thù. Hai thầy tớ tiếp tục lên đường. Khi đi qua mộ quận công mà chính Don Juan đã giết sáu tháng trước đây, Don Juan mời bức tượng đá của quận công đến nhà dùng cơm tối.
Don Juan bị sét đánh chết khi bắt tay tượng đá.
Nhân vật “Don Juan” trong hài kịch của Molière có đầy đủ những cá tính của một con người thời Molière sống: không những vô thần, thích lừa phỉnh phụ nữ, mà còn là một đứa con hư, một tay lừa bịp thích gây tội ác. Hắn nổi tiếng với câu: “Ta, ta chỉ tin hai với hai là bốn và bốn với bốn là tám” và câu nói rất đặc trưng của chủ nghĩa tư bản:”Cho ngươi (người ăn xin) đồng Louis vàng này vì tình yêu thương con người”
Cặp bài trùng trong hài kịch là Don Juan (tượng trưng cho quý tộc đang hết thời nhưng tham tàn, phóng đãng: tiền, tình, tội lỗi) và tên đầy tớ dốt nát, ngốc nghếch nhưng bẻm mép. Chủ chết, hắn chẳng nghĩ gì ngoài tiền công:
- Ôi tiền công của tôi! Tiền công của tôi!
Lời kể lể sướt mướt của Sganarelle cứ như lời kết tội Don Juan:
Ai thấy hắn chết cũng thỏa nguyện! Chúa bị phỉ báng, pháp luật bị xúc phạm, các cô gái bị cám dỗ, các gia đình bị bôi nhọ, các bậc cha mẹ bị xúc phạm, các bà vợ bị ô nhục, các ông chồng bị đẩy đến bước đường cùng. Ai ai cũng vừa lòng, chỉ có một mình tôi là khốn khổ.
Nhân vật Don Juan của Tây Ban Nha chu du *Italia, Đức, Anh và nhiều nước khác nhưng không trở về quê cũ Tây Ban Nha. Don Juan “sống và thành đạt” trên đất Pháp qua bàn tay thiên tài của Molière. Hài kịch “Don Juan” vẽ lên bức tranh nước Pháp thế kỷ 17 khi giai cấp quý tộc suy vi nhưng vẫn còn nắm bộ máy thống trị phong kiến (nhà quý tộc Don Juan có thể sống phóng đãng) . Giai cấp tư sản trưởng thành trong lòng phong kiến. Thế cân bằng chính trị đối lập đã xuất hiện (thế quân bình chính trị). Với Pháp lệnh Nant (Edit de Nantes) của vua Henri ban hành năm 1598, nước Pháp thế kỷ 17 là giai đọan ổn định nên kinh tế, thương mại phát triển. Thế kỷ 17 cũng được gọi là thế kỷ của cổ điển chủ nghĩa (tỷ lệ cân đối, toàn mỹ tổng thể) trong văn học Pháp.
*/ theo quan niệm phồn thực dân gian thì đó là bảo vật để duy trì và phát triển nòi giống vì ngày xưa tỷ lệ chết của trẻ con rất cao – hữu sinh vô dưỡng= đẻ mà không nuôi được.
Sau một trận thua, binh sĩ chết nhiều. Napoleon nói với các tướng lĩnh:”Chỉ sau một đêm carnerval (hội hóa trang) ở Paris là nước Pháp có một thế hệ mới.
*/ Dựa theo chất liệu Don Juan TBN, nhà văn người Italia G.A. Cicogignini viết hài kịch Il convitato di pietra năm 1650.
Năm 1787, nhà soạn nhạc người Đức W. A. Mozart viết vở opera Don Giovanni dựa theo cốt truyện dân gian Don Juan của Tây Ban Nha.
Cũng dựa theo cốt truyện dân gian Don Juan của Tây Ban Nha nhà văn người Đức E. T. A. Hoffmann đã viết truyện ngắn Don Juan năm 1813.
Tương tự, nhà văn người Anh George Gordon Noel Lord Byron đã viết trường ca hài hước Don Juan vào thời gian 1819-1824.
Nguồn: http://www.vanchuongviet.org/vietnamese/vanhoc_tacpham.asp?TPID=13483&LOAIID=21&LOAIREF=1&TGID=2093