Bế Bụt đi chơi

Một lần nữa, Tiên Dung mị nương lại đi chơi trên sông nước bằng thuyền lớn mà vua cha ra lệnh đóng riêng cho nàng.

 Thuyền hình chim. Đầu thuyền là mỏ chim và cuối thuyền là đuôi chim, cánh là đôi cánh buồm trắng. Lướt nhẹ trên sóng nước, thuyền như một cánh chim đang bay.

Mỗi rạng đông và chiều tà, Tiên Dung đều ra đứng trước mũi thuyền đón chào mặt trời. Và mặt trời trên trống đồng sẽ trầm hùng vang ngân một thứ âm thanh linh thánh khi nàng chiêm bái mặt trời.

Chiêm bái mặt trời.

Đó là niềm vui hằng ngày của Tiên Dung, cũng là tín ngưỡng bao đời của bộ tộc.

Với nàng, mỗi tia nắng rạng ngời tựa như cánh tay óng ả đang ôm hôn tất cả nhưng mỗi sinh linh đều cảm thấy nắng đang ấp ủ riêng mình. Làm sao mà nắng có thể tài tình như vậy?

Nắng là tình yêu chứ gì?

Từ bé, Tiên Dung vẫn thường nhìn thế giới bằng đôi mắt đen láy đầy ngạc nhiên, hân hoan và ngưỡng vọng. Những câu hỏi mà cô bé bất ngờ buông ra thường không có ai giải đáp.

Không sao. Lại có những câu hỏi mới.

Thế giới lúc nào cũng mới. Đới sống lúc nào cũng mới. Cũng như dòng sông mà nàng đi chơi. Nàng không chỉ chơi một mùa trăng hay một mùa hoa. Nàng chơi giữa mùa đời bất tuyệt.

Mặt trời rạng đông đẹp như một đóa hoa huyền vĩ đang từ từ mở cánh, hé từng lớp ánh hồng và phóng những tia sáng mê ảo đẫm sương xuống cõi nước mênh mông. Trên mặt nước, muôn nụ ánh sáng lần lượt nở ra. Trò chơi của ánh sáng và nước, óng ánh phối kết và lan tỏa trước mặt Tiên Dung.

Mỗi rạng đông rạng rỡ đều là em gái của rạng đông muôn mùa, nàng nghĩ. Thế nên nàng gọi rạng đông là “cô em gái”.

Mặt trời chiều tà đẹp như than hồng khi toàn thân nó đã chuyển hóa, nó vừa là hòn than của bóng tối vừa là hòn than của ánh sáng và sự kết hợp diễm ảo đó là điều kỳ thú nhất mà Tiên Dung muốn học hỏi.

Hòn than hồng đó không muốn phơi bày một điều gì. Trái lại nó đang giấu mình. Ánh sáng u huyền của nó không phóng đi mà đang thu lại. Nó lùi vào sau núi, lùi vào sau chân mây. Thế nên Tiên Dung gọi tà dương là “người đi ẩn”.

Bản thân Tiên Dung đứng trước mũi thuyền cũng là một cái đẹp tuyệt tác. Tóc nàng xõa ngang vai, bay lất phất trong gió dù ngang trán có buộc một giải khăn nâu hồng và giắt trong nó là mấy nhánh lau rập rờn lung linh như một thứ lửa trắng.

Mang một gương mặt thần tiên vào đời, Tiên Dung không thể xa rời chính vẻ đẹp của mình dù nửa bước. Bước nàng dẫu tuyệt nhẹ, không gian cũng xao động, và niềm ngây ngất lan tỏa khắp nơi.

Nàng đứng đó, cả người óng ả nắng hồng giữa những tùy tùng toàn là gái. Trên thuyền không có bất kỳ một trai tráng nào. Căng buồm, cuốn buồm, chèo chống, đánh bắt cá, làm bếp, đánh trống đồng, ca múa,... các cô làm tất, kể cả bảo vệ an toàn Tiên Dung mị nương, báu vật linh thánh của toàn bộ tộc.

Chiếc váy Tiên Dung mặc gồm hai tà rộng bản lộng lẫy hoa văn, hình những cánh chim đang dang cánh bay.

Ngực Tiên Dung để trần, óng mịn tròn đầy như một thứ hoa quả dâng mặt trời, bắt đầu chín ửng vá ấm nóng trong nắng.

Nhìn ngắm dòng sông đang chơi đùa trong nắng mai, đổi màu liên tục từ đen tối chuyển sang xanh chàm, trắng đục, rồi biêng biếc, lam hồng và xám đỏ,... Tiên Dung cảm thấy dòng sông thân thiết với mình không khác nào mặt trời.

Dòng sông trôi đi và nó lãng du trong chính nó, đó là điều nàng thường trầm tư về đời sông.

Nó tự đổi mình khi đi. Mỗi làn sóng vừa xuất hiện đã biến mất. Khói sóng muốn che giấu điều gì đó nhưng rồi tự tan.

Dòng sông cư lưu ở đâu? Nó cư lưu trong chính cuộc phiêu du của mình. Nó tự hiện bày như một dòng sông, tự kéo mình ra như một trường giang, tự biến hóa trong nhiều mặt nạ khác nhau.

Và dòng sông cũng không nhớ mình là sông. Nó vừa là tiền sinh, vừa là hiện sinh vừa là lai sinh của chính nó. Nó ở kiếp khác ngay trong kiếp này.

Đồng thời, dòng sông vừa ra đi vừa trở về.

“Kẻ lãng du trong chính mình”, Tiên Dung gọi dòng sông như thế.

Đến những nơi bốc lên khói lam thôn ấp, Tiên Dung cho dừng thuyền, lên bờ đi dạo.

Điều làm nàng ngại ngùng là ở đâu người dân cũng xem nàng là thân tiên giáng hạ, quỳ mọp trước nàng. “Tấu lạy bà”, họ cầu khẩn, “xin bà ban ơn cho chúng con của cải sinh sôi, buôn may bán đắt, con cháu đầy đàn, sống lâu mạnh khỏe...”.

Họ xem nàng là gì chứ? Đấng cải biến thế gian này theo khát vọng của từng người? Kẻ sẵn sàng chiều chuộng lòng dục của họ ư?

Tiên Dung chỉ là cô gái bình thường trên mặt đất này, nàng nói. Nhưng không ai tin nàng. Cái đẹp siêu phàm của nàng có vẻ như là một gánh nặng mà nàng phải mang sao?

Lại càng không dám ngẩng mặt nhìn nàng là những chàng trai. Họ nghe đầy tai những đồn đại về nhan sắc Tiên Dung. Đứng bên nàng, những cô gái được gọi là đẹp nhất đều trở nên thảm hại. Nàng là bông hoa nghìn năm mới nở một lần trên vườn Trời. Và nhiều cách xưng tụng hoang đường khác mà lạ thay, không ai thấy đó là hoang đường.

Trong các thôn ấp, các chàng trai hồi hộp đợi chờ Tiên Dung mị nương giáng lâm. Nhưng khi nàng xuất hiện, không ai dũng cảm ngẩng mặt đối nhìn. Lửa. Sấm sét. Sóng cuồng. Giông bão. Thậm chí đó là cái chết.

Chỉ mường tượng phần nào nhan sắc đó trong mơ, các chàng trai cứ thế mà rên rĩ, thở than. Ai cũng bất hạnh. Ai cũng sợ hãi. Ai cũng bất bình. Và không ai hiểu tại sao trên đời lại có Tiên Dung...

Khi Tiên Dung xuất hiện, các chàng trai dập đầu dúi mặt xuống đất, ngây ngất trong làn hương lạ thường tỏa ra từ da thịt nàng như một thứ hương xạ mê hồn.

Dường như ai đó đã đặt nàng vào một thế lưỡng nan, vào một trò chơi tuyệt khó.

Là tiên hay là người?

Là bất tử hay vô thường?

Nàng sẽ sống thế nào với gương mặt của thần tiên và trái tim của con người?

Nàng biết rằng trên khắp cõi bờ này không có bức tranh nào, phù điêu nào, pho tượng nào thể hiện được vẻ đẹp của nàng.

Nhưng còn trái tim nàng thì sao? Trái tim của một con người. Cũng chẳng có bài ca nào trên khắp cõi bờ này thể hiện được nỗi khao khát làm người của nó.

Nàng thường cảm thấy mình là kẻ lưu đày, kẻ xa lạ giữa trần gian.

Ai cũng có trú xứ thân yêu, như dòng sông chẳng hạn, dù có đi đâu, dù có xa nguồn. Vì đi đâu cũng là ở đây, mặt đất này.

Trái lại người ta bảo Tiên Dung rằng quê nàng xa lắm, tận thiên không. Sơ sinh nàng đã được gọi là Tiên.

Cái đẹp ẩn trong hình hài Tiên Dung và cũng tỏa ra vô tận trong hình hài đó. Mỗi ngày. Mỗi mùa. Mỗi năm. Nàng cứ đẹp hơn lên. Không biết từ bao giờ, ai cũng gọi nàng là Tiên Dung.

Nàng sinh ra từ giấc mơ, ai đó nói.

Nàng sinh ra từ huyền bí, ai đó nói.

Nàng sinh ra từ không đâu, ai đó nói.

Nàng sinh ra từ cõi bờ duy nhất của nàng, ai đó nói.

Tiên Dung chỉ là cô gái bình thường trên mặt đất này, nhiều lần nàng nói thế. Đấy, đó là lời nàng. Nhưng không ai tin.

 Một lần kia, trên dòng sông đỏ màu phù sa, nàng có một hạnh ngộ bất ngờ.

Đó là một buổi trưa. Tĩnh lặng, Ngược dòng, một chiếc độc mộc tiến về phía thuyền nàng. Ngồi gần gã chèo độc mộc là một người phương phi, da rám nắng bồ quân, đầu trọc, khoác áo nâu sồng, không thể đoán ra tuổi tác. 

Theo lời mời của Tiên Dung, nhà sư bước lên con thuyền lớn. Từng bước, nhà sư toát ra một phong thái ung dung tự tại khác thường, đứng trên thuyền như một cánh hạc vừa đáp xuống một cành nhánh thanh cao.

Hãy nhận quà tặng của chúng tôi. Tiên Dung trao cho nhà sư một hộp trầm hương.

Và đáp lại, nhà sư để Tiên Dung rước về một tượng Bụt nhỏ bằng đồng. Và Tiên Dung cảm thấy bao nhiêu báu vật nàng từng được biếu tặng không gì có ý nghĩa bằng điều nàng vừa đón nhận.

Tiên Dung xin nghe một lời pháp. Mị nương đang đi đâu, nhà sư hỏi.

Chỉ đi chơi thôi, nàng đáp.

Vậy thì cứ tiếp tục đi chơi, sư đáp, và đi chơi với Bụt.

Đi chơi với Bụt sao? Tiên Dung hỏi.

Vâng, bế Bụt đi chơi, sư đáp.

Chỉ đi chơi thôi sao? Nàng lại hỏi.

Cho vui. Cho pháp vui mà, Sư đáp.

Thế thì..., Tiên Dung nói và tỏ vẻ không hiểu. Với nàng, một lời pháp hẳn phải cao thâm hơn “cái đi chơi” vừa mới được nghe.

Vâng, bế Bụt đi chơi, nhà sư nhắc lại. Không nghe trẻ con hát hay sao:

Bụt ơi Bụt à

Bụt về se sẽ

Bụt về như như

Thương Bụt hiền từ

Bế Bụt đi chơi...

 Và lời trẻ con thường khi là lời pháp đấy. Xin tạm biệt. Với nhân duyên thời tiết, sẽ còn gặp lại nhau.

Nhà sư trở về thuyền độc mộc. Phật Quang, đó là đạo hiệu của sư mà Tiên Dung không bao giờ lãng quên.

 Từ đó, trên thuyền Tiên Dung, ngoài trống đồng khắc hình mặt trời, còn có tượng đồng của Bụt.

Tiên Dung tiếp tục chiêm bái mặt trời mỗi ngày nhưng từ đây nàng còn làm một việc theo lời Phật Quang, thậm chí gần như mọi lúc. Đó là “bế Bụt đi chơi”.

Điều đó có nghĩa là từ đây khi nàng ca hát, nhảy múa, đi dạo, ăn cơm trong ống bương nàng đều thấy có Bụt cùng làm những điều đó một cách hân hoan bên nàng.

Bụt là người mà, nàng tự nhủ. Thì sao mình không phải là người chứ. Tiên gì mà tiên. Càng ngày nàng cảm thấy mình “người” hơn. Nàng không thuộc một cõi xa xăm hư ảo nào. Nàng đang ở đây, bây giờ. Nàng đang đi chơi với Bụt. Không phải là lang thang vô định trên sông nước và cõi bờ của bộ tộc.

 Một đêm trăng rằm Tiên Dung nhìn thấy như trong mơ năm đồng tử ngồi quanh mạn thuyền, tự xưng là Đất, Nước, Gió, Lửa, Không.

Dường như chỉ mình nàng nhìn thấy họ. Các tùy tùng thì không. Dường như họ chỉ hiện ra cho một mình nàng.

Đồng tử Đất vận khăn áo màu vàng nâu. Khăn áo đồng tử Nước thì xanh nhạt, đồng từ Gió thì trắng muốt, đồng tử Lửa thì đỏ rực. Đồng tử Không vận một thứ khăn áo không màu sắc, nó luôn luôn đổi màu theo cách nhìn và điểm nhìn.

Vừa xuất hiện, năm đồng từ đã hòa giọng cất tiếng hát:

Có ai đó bất tử

Chắc không, chắc không?

Có ai đó muôn năm

Chắc không, chắc không?

Thì thôi nhé!

Có ai đó phiêu bồng

Trong cõi bụi hồng ân ái với sương

Trong cõi tụ tan tự tình với sóng

Đất, Nước, Gió, Lửa, Không

Có năm hình bóng

Có năm tình chung

Là ai thế?

Là năm đồng tử

Theo nàng Tiên Dung.

 

Và cả năm đồng tử bật dậy, nhảy múa hoan say quanh nàng Tiên Dung đang đứng ngạc nhiên bên trống đồng. Nhưng rồi, nàng cũng hòa theo cuộc chơi, bắt đầu dùng cả hai bàn tay xinh xắn như hoa của mình vỗ nhịp lên cả mặt trống và tang trống.

 

Đồng tử Đất hát:

 

Có đồng tử Đất

Bước bước mịt mờ

Thầm thì được mất

Bụi bay vô bờ

Gặp người con gái ấy mơ

Bao đêm huyền sử đang chờ Tiên Dung.

 

Đồng tử Gió hát:

 

Có đồng tử Gió

Tóc tóc vi vu

Đi chơi với lá

Bồng mây lãng du

Reo vi vu reo vi vu

Đong đưa theo sóng vào bờ Tiên Dung.

 

Đồng tử Lửa hát:

 

Có đồng tử Lửa

Đêm đêm đêm đêm

Muôn năm rừng núi

Mắt bừng sơ nguyên

Cõi bờ dựng một đền thiêng

Lửa reo đón đợi nàng Tiên Dung về.

 

Đồng từ Nước hát:

 

Có đồng tử Nước

Mắt xanh muôn ngày

Tự vơi thân mới

Hình xưa tự đầy

Từ sông nước ấy lên mây

Long lanh ngời chiếu bốn mùa Tiên Dung.

 

Đồng tử Không hát:

 

Nhẹ hơn hơi thở

Có đồng tử Không

Vô vàn vô tứ

Vô sắc vô hình

Gió mưa bày cuộc u linh

Tiên Dung bước xuống bước tình từ đây.

 

Thế rồi, Tiên Dung buông trống, cùng nhảy múa với năm đồng tử trong ánh trăng diễm ảo. Một cảm giác lạ lùng lan khắp hình hài Tiên Dung. Rằng năm đồng tử ấy không chỉ nhảy múa bên ngoài nàng mà còn nhảy múa ở ngay bên trong nàng, như thể năm đồng tử ấy là năm hơi thở huyền diệu, năm giọt lệ hoan vui. Dường như năm đồng tử ấy với nàng thật ra là một.

 

Cuộc vui đã đến lúc dừng.

Chúng tôi xin báo với mị nương rằng, đồng tử Không nói, sắp tới nàng sẽ gặp một kỳ duyên. Đất cát sẽ trôi trước mắt nàng để tạo cớ cho nàng va chạm với thực tại, rơi vào trong thực tại.

 

Là sao ạ? Mị nương kêu lên.

Là rời bỏ ảo cảnh, đồng tử Không đáp, nói rõ hơn nàng sẽ ly thoát vai trò nàng tiên để trở về chính con người của nàng, nàng hiểu không?

 

Vâng, vâng, Tiên Dung đáp, dẫu cảm thấy còn rất mơ hồ. Dường như tâm trí nàng không đủ độ sáng trong đêm trăng huyền ảo này. Nhưng nàng không muốn tỏ ra một chút nào u tối, dù là tối tăm hay tối tâm.

 

Nàng sẽ mở rộng chân trời, đồng tử Đất nói, mở cửa mở lối, nàng sẽ hòa nhập với đủ loại chúng sinh.

Và chúng sinh cũng sẽ được nàng cứu vớt, đồng tử Lửa nói, khỏi bệnh tật thương tích, nàng đi khắp nơi cứu nhân độ thế.

 

Nàng sẽ đem lại tình yêu cuộc sống, đồng tử Gió nói, nàng là hiện thân của cái đẹp trần thế chứ không phải là của lời hứa hẹn xa xăm nào.

 

Nàng sẽ bất tử, đồng tử Nước nói.

Chắc không, Tiên Dung mỉm cười, chắc không?

 

Nàng vẫn là tiên, đồng tử Nước đáp, nhưng là tiên của đời thực, nàng tiên của nước mắt và nụ cười ngay trên mặt đất này.

 

Nàng sẽ gặp lại Phật Quang, đồng tử Không nói, đấy là người đã dạy nàng bế Bụt đi chơi. Có một điều nàng...

 

Thế nào à? Tiên Dung hỏi với giọng lo ngại.

Nàng cũng nên biết, đồng tử Không nói, dân chúng chẳng để nàng là người như ý nàng đâu!

Sao thế ạ? Tiên Dung hỏi.

 

Họ sẽ phong thánh nàng, đồng từ Đất nói, họ không thể thiếu thần thánh.

Họ sẽ đúc tượng nàng, xây đền miếu, đồng lửa Lửa nói, và họ còn làm nhiều chuyện linh tinh khác. Nàng sẽ được sơn son thếp vàng.

 

Nàng được nhiều người yêu thương nhưng sẽ bị một người ghét bỏ, đồng tử Gió nói, và nàng chẳng thể làm gì khác.

 

Có một cách đấy, đồng tử Nước nói, nàng tránh đi, tránh đi.

Tránh đi đâu, Tiên Dung hỏi, và tránh thế nào?

Như nước ấy, đồng tử Nước đáp, như nước ấy. Thôi, chúng tôi đi đây.

 

Tiên Dung còn lại một mình dưới ánh trăng, bên cạnh trống đồng.

Vâng, nàng thì thầm khi phác nhẹ một bàn tay như thể vỗ lên nhịp trống, ta sẽ làm người và bế Bụt đi chơi.

 

Họ sẽ phong thánh nàng, lời đồng tử Đất vẫn còn ngân vang trong tâm hồn nàng. Họ không thể thiếu thần thánh.

 

Hay là ta tránh đi, học theo nước, Tiên Dung tự nhủ, hay là ta tan đi. Không được, không được...

 

Mị nương ơi, cô đang mơ gì thế? Có ai đó gọi nàng, vừa thật cận kề vừa thật xa xôi. Tiên Dung ơi...

Nguồn: http://nhavantphcm.com.vn/doc-duong-van-hoc/truyen-ngan-nhat-chieu-be-but-di-choi.html

Bài viết cùng tác giả

Thông tin truy cập

63611031
Hôm nay
Hôm qua
Tổng truy cập
18353
10905
63611031

Thành viên trực tuyến

Đang có 485 khách và không thành viên đang online

Sách bán tại khoa

  • Giá: 98.000đ

    Giá: 98.000đ

  • Giá: 85.000đ

    Giá: 85.000đ

  • Giá: 190.000đ

    Giá: 190.000đ

  • Giá:140.000đ

    Giá:140.000đ

  • 1
  • 2
  • 3
  • 4

Liên hệ mua sách:
Cô Nguyễn Thị Tâm
Điện thoại: 0906805929

Danh mục website