Ngày 20/12/2013, Khoa Văn học và Ngôn ngữ, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn – ĐH Quốc gia TP. Hồ Chí Minh với sự tài trợ của Japan Foundation đã tổ chức Hội thảo khoa học quốc tế “Nghiên cứu văn học Việt Nam và Nhật Bản trong bối cản toàn cầu hóa thế kỷ 21” (Studies on Vietnamese and Japanese Literature in the Globalization Context of the 21st century).
Hội thảo cũng có thể được xem như là một trong những hoạt động của trường ĐHKHXH&NV TPHCM để kỷ niệm 40 năm thiết lập ngoại giao Việt Nam và Nhật Bản (1973-2013). Tham dự hội thảo có đông đảo các giáo sư, các học giả từ nhiều trường Đại học, Viện nghiên cứu trong cả nước như ĐH KHXH&NV TPHCM, ĐH Sư phạm TPHCM, Viện Khoa học xã hội vùng Nam bộ, Viện Văn học, Viện Nghiên cứu Hán Nôm (thuộc Viện Hàn lâm KHXH VN), ĐH KHXH&NV Hà Nội, ĐH Văn hóa Hà Nội, Học viện khoa học Quân sự, ĐH Thái Nguyên, ĐH Hồng Đức Thanh Hoá, ĐH Khoa học Huế, ĐH Sư phạm Huế, ĐH Sư phạm Đà Nẵng, ĐH Quảng Nam, ĐH Sài Gòn, ĐH Văn Hiến, ĐH Văn hoá TP.HCM, ĐH Thủ Dầu Một, ĐH Cần Thơ, ĐH An Giang… cùng với các giáo sư nước ngoài từ ĐH Ngoại ngữ Tokyo, Trung tâm Nghiên cứu Nhật Bản Quốc tế, Viện kỹ thuật Fukuoka, ĐH Kansai, ĐH Meiji (Nhật Bản), ĐH Bắc Kinh (Trung Quốc), ĐH Chulalongkorn (Thái Lan)…
Ban tổ chức đã nhận được gần 90 tham luận, từ đó đã chọn ra hơn 40 báo cáo để trình bày chính thức tại hội thảo. Báo cáo đề dẫn Văn học Việt Nam và Nhật Bản trên con đường đi đến những giá trị toàn cầu của PGS. Đoàn Lê Giang đã phác hoạ con đường của hai nền văn học Việt-Nhật dẫu là có nhiều điểm khác nhau nhưng cả hai đều đang trên quá trình đi đến những giá trị toàn cầu. Tham luận Tư tưởng và sáng tác văn học của Phan Bội Châu thời kỳ ở Huế 1925-1940 của GS.Imai Akio (ĐH Ngoại ngữ Tokyo) đi sâu vào trường hợp cụ thể của toàn cầu hoá: Phan Bội Châu, một trí thức VN có tầm ảnh hưởng khu vực. Ở các tiểu ban “Văn học Việt Nam và Nhật Bản trong bối cảnh khu vực Đông Á Tiền hiện đại”, “Văn học Việt Nam và Nhật Bản trong bối cảnh toàn cầu hóa thời Hiện đại”, “Lý thuyết Nghiên cứu và Văn học dịch” các báo cáo của các nhà nghiên cứu, nhà văn : Nagai Mariko, Nohira Munehiro, Nguyễn Hữu Sơn, Nguyễn Nam, Nguyễn Tiến Lực, Nguyễn Thị Oanh, Nguyễn Văn Dân, Phạm Xuân Nguyên, Trần Lê Hoa Tranh, Trần Thị Phương Phương, Văn Giá, Xia Lu… đã đặt ra nhiều khía cạnh khác nhau của quá trình toàn cầu hoá sáng tác và nghiên cứu văn học hai nước.