Có lẽ người Việt nào cũng từng quen thuộc với những câu lục bát tả cảnh mùa xuân trong Truyện Kiều:
“Cỏ non xanh rợn chân trời,
Cành lê trắng điểm một vài bông hoa.”
Đó là mùa xuân với thiên nhiên tươi đẹp, trong sáng tràn đầy sức sống, cõi người cũng rộn ràng chen chúc lễ hội:
“Dập dìu tài tử, giai nhân,
Ngựa xe như nước áo quần như nêm.”
Mùa xuân trong cái nhìn của Nguyễn Du cũng còn có những sắc điệu khác, với cái nhìn u hoài, hư tĩnh, với những cảm nhận tinh tế về nhịp điệu chuyển vần của thời gian và đất trời. Dường như, mùa xuân đến với Nguyễn Du, trước hết chính là một biểu hiện cho vòng quay bất tận của thời gian:
“Sen tàn cúc lại nở hoa
Sầu dài ngày ngắn đông đà sang xuân”
Người đọc Nguyễn Du đã quen với cách nói “ngày xuân, tình xuân, đêm xuân, cành xuân,…” để ám chỉ đời người trong Truyện Kiều. Người đọc cũng chứng kiến tâm trạng ngậm ngùi và hoài cảm cùng với xuân trong thơ chữ Hán Tố Như. Có những mùa xuân lưu lạc tha hương, những mùa xuân lữ thứ nơi đất khách. Có những ngày đón xuân trong thiếu thốn và bệnh tật. Và có cả những tâm tư sâu thẳm trong lòng thi nhân khi chứng kiến bước chuyển mình của đất trời và những thiên di của đời người.
“Hoạn khí kinh thời hộ bất khai,
Thuân tuần hàn thử cố tương thôi.
Tha hương nhân dữ khứ niên biệt,
Quỳnh Hải xuân tòng hà xứ lai?
Nam Phố thương tâm khan lục thảo
Đông hoàng sinh ý lậu hoàng mai…”
(Xuân nhật ngẫu hứng)
Vẫn biết bước đi của tự nhiên là đông qua xuân tới, hạ về thu sang, nóng rồi lại lạnh, lạnh rồi đến nóng, thế mà tâm hồn nhạy cảm của thi nhân vẫn chợt hỏi một cách ngây thơ rằng không biết mùa xuân từ đâu đến. Năm đã trôi qua tự lúc nào mà ý xuân đã bừng nở trên những cánh mai vàng:
“Quanh năm khép cửa tránh thời
Xoay vần lạnh nóng tiết trời chuyển trao
Một năm đất khách nhường bao
Biết đâu Quỳnh Hải phương nào xuân sang?
Cỏ buồn Nam Phố xanh xanh
Chúa xuân điểm ý trên cành hoàng mai…”
Rồi bất chợt, trong thoáng chốc mùa xuân chợt đến bất ngờ ấy, là hình ảnh ông lão hàng xóm say sưa đi mãi ra tận ngôi miếu đầu thôn, quên mất đường về, dường như quên lãng cả thời gian:
“Lân ông bôn tẩu thôn tiền miếu
Đẩu tửu song cam túy bất hồi.”
“Quên về chuếnh choáng miệt mài
Cụ hàng xóm đã say ngoài đầu thôn.”
(Xuân nhật ngẫu hứng)
Cơn say của ông lão hàng xóm trong mùa xuân ấy là một hình ảnh bình dị mà Nguyễn Du đã để lại trong bài thơ “ngẫu hứng ngày xuân” của mình. Bởi lẽ nhắc đến mùa xuân không thể không nhắc đến rượu. Hơn nữa, trong những ngày xuân say tràn trề với nỗi đau đời và cô độc, thi nhân càng cảm nhận rõ rệt bước đi của thời gian:
“Phù tọa nhàn song túy nhãn khai,
Lạc hoa vô số há thương đài.
Sinh tiền bất tận tôn trung tửu,
Tử hậu thùy kiêu mộ thượng bôi?
Xuân sắc niệm thiên hoàng điểu khứ,
Niên quang ám trục bạch đầu lai…”
(Đối tửu)
Thi nhân mở đôi mắt còn trong cơn say của mình nhìn lớp lớp hoa rơi trên thềm rêu xanh. Thi nhân dường như mong rằng mình có thể cứ uống mãi và say mãi. Nhưng cái say này là cái say rất tỉnh. Bằng đôi mắt say, nhà thơ nhìn thấy cuộc đời, nhìn thấy cả sự biến đổi của thời gian:
“Bên song bừng mắt rượu say,
Mang mang hoa rụng đã dày rêu xanh.
Giữa đời quên rượu trong bình,
Dưới mồ ai kẻ nhớ mình nâng ly.
Xuân qua hoàng điểu bay đi,
Tháng năm đưa đẩy đến thì tóc phai...”
Lúc này không uống cho say thì chết rồi biết có kẻ nào đến mà rưới rượu lên mồ. Tuy là một cách nói ngông nghênh và bất cần nhưng cũng không khỏi gợi lên chút buồn dự cảm về số phận cô độc. Mà đó phải chăng là cách nhà thơ muốn nói, đời người ngắn ngủi, tháng năm trôi qua trong thoáng chốc, phải biết trân trọng và biết sống những ngày tháng của nhân gian.
Cuộc đời trải qua những ngày lữ thứ nơi đất khách, nhìn thấy vẻ đẹp mùa xuân rạng rỡ qua ánh trăng Thượng nguyên đang tỏa sáng giữa trời, nhà thơ không khỏi chạnh lòng. Vẫn biết là trời đất rất đẹp, trăng rất đẹp như muôn đời vẫn thế, vẫn biết rằng có những gia đình đang sống hạnh phúc, yên bình giữa tiết xuân mới mẻ.
“Nguyên dạ không đình nguyệt mãn thiên,
Y y bất cải cựu thiền quyên.
Nhất thiên xuân hứng thùy gia lạc,
Vạn lý Quỳnh Châu thử dạ viên.”
(Quỳnh Hải nguyên tiêu)
Cám cảnh mình là một người bơ vơ, lang thang góc bể chân trời, sống nơi đất khách, thi nhân tự hỏi ánh trăng xuân rạng ngời đẹp tươi khắp đất trời ấy sẽ soi chiếu vào vào nhà ai?
“Rằm xuân sân vắng nguyệt làu làu,
Nét cũ thiền quyên chẳng đổi màu.
Xuân hứng nhà ai tràn đổ trút,
Đêm này tỏa rạng trọn Quỳnh Châu.”
Hỏi là hỏi vậy, nhưng trong tâm hồn nhà thơ, cái đẹp vẫn là điều trân quý. Ánh trăng soi giữa trời kia cũng soi vào tâm hồn thi nhân. Đối với thi nhân, vầng trăng là người bạn tri âm, gặp gỡ nhau trong cảnh xa xôi luân lạc: “Cùng đồ liên nhữ dao tương kiến.” (Ở bước đường cùng, ta và trăng thương cảm nhìn nhau).
Tuy vậy, cảnh nghèo, khổ sở và vất vả ở nơi đất khách, cũng không ngăn cản nhà thơ nhận ra rằng một mùa xuân mới lại vừa đến:
“Trì thảo vị lan thiên lý mộng,
Đình mai dĩ hoán nhất niên xuân.
… Nhân tự tiêu điều xuân tự hảo,
Đoàn thành thành hạ nhất triêm cân.”
(Xuân tiêu lữ thứ)
Ở nơi đất khách, Nguyễn Du không nguôi nhớ thương về các anh em xa cách của mình, thời gian trôi qua, hoa mai trước sân đã báo tin xuân. Giữa đất trời chuyển mình đầy mới mẻ, nhà thơ không khỏi ngậm ngùi rơi lệ:
“Mộng ngàn dặm vẫn chưa tan,
Trước sân mai thắm vô ngần tân xuân.
… Người buồn xuân cứ đẹp tươi,
Đẫm khăn ai thấm lệ rơi dưới thành.”
(Đêm xuân quán khách)
Rồi cũng có những mùa xuân không có giọt rượu nào để đón cảnh “Thanh minh trong tiết tháng ba”, thi nhân tự buồn thương cho chính mình:
“Đông phong trú dạ động giang thành,
Nhân tự bi thê thảo tự thanh.
Xuân nhật hữu thân phi thiếu tráng,
Thiên nhai vô tửu đối thanh minh.
(Thanh minh ngẫu hứng)
Đêm ngày gió thổi động giang thành,
Người tự buồn thương, cỏ tự xanh.
Xuân tiết chiếc thân đâu trẻ tráng,
Chân trời không rượu đón thanh minh.”
(Ngẫu hứng ngày Thanh minh)
Những đêm xuân nằm bệnh nơi đất khách, cũng là nỗi đau mà nhà thơ từng trải qua:
“Hắc dạ thiều quang hà xứ tầm,
Tiểu song khai xứ liễu âm âm.
Giang hồ bệnh đáo kinh thời cửu,
Phong vũ xuân tùy nhất dạ thâm.”
(Xuân dạ)
“Đêm đen ánh sáng tìm đâu,
Ngỏ song bóng liễu thâm u phủ màu.
Giang hồ mang bệnh đã lâu,
Xuân nương mưa gió đêm sâu đằm đằm.”
(Đêm xuân)
Dù trải qua những ngày xuân như thế nào, đau buồn, bệnh tật, nghèo đói, luân lạc thì tâm hồn thi nhân vẫn không khỏi bị mùa xuân lôi cuốn. Vẫn không khỏi có lúc thốt lên rằng:
“Nhất niên xuân sắc cửu thập nhật,
Phao trịch xuân quang thù khả liên.”
(Mộ xuân mạn hứng)
“Xuân sắc một năm chín chục ngày,
Xuân quang phung phí đáng thương thay.”
(Cảm hứng lan man cuối xuân)
Đó là nỗi tiếc nuối thời gian, khi mỗi năm cũng chỉ có chín mươi ngày xuân mà thôi. Phải chăng cảm thức về thời gian và sự tàn phai của đời người ngay trong những ngày xuân sắc chính là suy tư của chính tâm hồn thi nhân.
Bởi thi nhân là những người nhạy cảm với thời gian, với biến thiên nhiều nhất, dù là xuân, hạ hay thu, đông.
NNBT